Tôi là người ngoại đạo. Bố mẹ tôi không thờ Phật mà chỉ cúng ông bà.
Cả xóm tôi đều như thế: quê mùa và không có tín ngưỡng rõ ràng. Đối
với người dân ở đây thì tín đồ đạo Công Giáo là những kẻ khác biệt, lạ
lẫm.
Làng tôi thời đó dù nằm trong thành phố nhưng quang cảnh và con người
không khác ở nông thôn là mấy. Đây là quê ngoại của tôi, nghe đâu có
cả một lịch sử gần hai trăm năm thành lập.
Gần nhà tôi có hai xóm đạo. Xóm gần thì ở bên kia đường cái quan. Xóm
xa, lớn hơn, thì cách nhà tôi khoảng hai cây số. Giáo dân hai xóm đạo
nầy phần lớn là những người gốc Bắc và Huế di cư vào từ những năm 1954
và 1968.
Năm mười một tuổi thì tôi thi đậu vào trường trung học công lập.
Thời đó cả quận chỉ có một trường công nhỏ và nhận rất ít học sinh.
Bởi vậy thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6 sau nầy ) trường công lập còn
khó hơn thi đại học bây giờ nhiều.
Số học sinh rớt kỳ thi nầy có thể vào học các trường tư thục, nhưng
phải đóng học phí từng tháng.
Tôi được bố mẹ may cho hai bộ đồ quần xanh áo trắng để đi học, thay
cho những chiếc quần “xà lỏn” thời tiểu học. Niềm phấn khởi thi đậu
vào trường công, và nhất là có được bộ đồ mới tươm tất đã làm tôi thấy
mình lớn hẳn lên.
Số do ngày đó tôi là một cậu thiếu niên to xác so với đám bạn bè cùng
lứa tuổi, nên suốt những năm học phổ thông tôi hầu như ngồi ở bàn cuối
hoặc gần cuối.
Vì trường công lập khai giảng muộn hơn so với trường tư hai tháng, nên
thầy dạy lớp Nhứt (năm cuối tiểu học) khuyên bố mẹ cho tôi vào học đệ
thất “nháp” trước ở trường tư để làm quen với chương trình trung học.
Bố mẹ tôi đồng ý và thế là thầy chở tôi trên chiếc Honda SS 67 đi tìm
trường…
Gần nơi gia đình tôi ở chỉ có hai trường trung học đệ nhất cấp (cấp 2)
đó là Bồ Đề và Vinh Sơn.
Đầu tiên thầy chọn cho tôi trường Bồ Đề, vì đây là trường của chùa
Phật Giáo. Gia đình tôi chỉ theo đạo “Lương” nhưng trường nầy vẫn hợp
với tôi hơn là trường Vinh Sơn.
Thế nhưng xui cho tôi, khi thầy và tôi đến thì trường Bồ Đề đã nhận đủ
học sinh, và thế là tôi buộc phải vào học tại trường Vinh Sơn hai
tháng…
Trường Vinh Sơn nằm trong khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Sơn Trà. Đây là
một ngôi trường khá đẹp, nhiều cây xanh. Phía sau trường có một bãi cỏ
sạch và xanh mướt, nơi học sinh chúng tôi thường xuống trong giờ giải
lao với đủ mọi loại trò chơi.
Những ngày đầu tiên đi học ở đây đối với tôi thật vô cùng bỡ ngỡ. Một
phần vì chương trình trung học khác nhiều so với tiểu học. Các môn Anh
và Nhạc làm tôi lo nhất vì mới được học lần đầu tiên.
Thế nhưng, điều khiến tôi khổ nhất lại là việc đọc kinh trong lớp
trước mỗi buổi học, và bị đưa lên cho Cha đánh roi mỗi lần vi phạm kỷ
luật.
Trong những buổi đọc kinh đầu tiên đó, các bạn bên cạnh đều nhìn tôi
với một thái độ từ ngạc nhiên đến khó chịu, còn tôi những lúc nầy chỉ
muốn chui xuống đất cho rồi. Rất may là tôi ngồi ở bàn sau cùng nên
cũng ít người nhìn thấy.
Tuy nhiên dần về sau tôi cũng phát hiện ra việc không đọc được kinh
của tôi không qua mắt được một bạn gái ở tít trên bàn thứ hai. Những
cái nhìn lén lém ra sau kèm theo nụ cười vừa châm chọc vừa thân thiện
làm tôi hoang mang tột độ, không kém cái lần Cha H bắt tôi nằm xuống
đánh bằng roi mây khi tôi bị bắt lỗi nói chuyện trong giờ học.
Trinh, tên người bạn gái đó, là một cô bé có nước da trắng, mái tóc
dài và vóc người nhỏ nhắn.
Ngày đó tôi có cảm tưởng có thể dùng hai tay nhấc bổng Trinh lên một
cách dễ dàng. Nhưng khi nhìn vào khuôn mặt liến thoắng và nhất là đôi
mắt sáng linh lợi kia, tôi biết là mình không thể nào làm được chuyện
đó. Tuy Trinh hơn tôi một tuổi nhưng lúc nầy chúng tôi cũng chỉ là hai
đứa trẻ con, nhất là tôi.
Gần suốt tháng đầu tiên của năm học chúng tôi chỉ len lén nhìn nhau
chứ chưa ai dám nói một lời. Những buổi tan học, dù rất thích, tôi
cũng chỉ dám bước hơi gần Trinh cùng với đám bạn ra khỏi cổng trường.
Đường về nhà mỗi đứa theo một hướng khác nhau, nên ý định đi theo cùng
Trinh tôi đã xóa bỏ ngay khi vừa mới nghĩ tới. Tôi tự biết mình không
thể nào đủ can đảm để làm chuyện đó trước mặt đám bạn bè cùng lớp.
Tôi đã thuộc được mấy bài kinh thường đọc trong lớp với vô vàn nỗi lo.
Tôi chép dần và nhẩm đọc một cách kín đáo, vì nếu bố mẹ hay hàng xóm
biết được tôi đọc kinh Công Giáo thì có lẻ bom nguyên tử nổ cũng không
làm cho họ sửng sốt hơn.
Ơn Chúa! Điều đó đã không xảy ra!
Còn một tháng nữa là tôi phải rời xa ngôi tường và đám bạn cùng lớp.
Nghĩ đến đó tự nhiên tôi cảm thấy buồn buồn…
Lúc nầy đây, đám bạn bè không còn nhìn tôi với thái độ kỳ thị như
những ngày đầu nữa. Trong lớp tôi thuộc loại “to con” và học hành cũng
khá nên không còn bạn nam nào dám khi dễ, và các bạn nữ thì cũng đã
bớt e dè…Trinh cũng không còn lý do gì để trêu tôi trong giờ đọc
kinh, và bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt đằm thắm hơn.
Trinh ở không cách xa trường lắm. Mẹ làm nghề buôn bán ở chợ, còn bố
thì đang trong quân đội (chế độ cũ). Trinh nói giọng Bắc chuẩn vì bố
mẹ là người Bắc di cư và xóm Trinh đều là những người như thế.
Sau một vài lần trò chuyện với nhau dưới bãi cỏ hoặc bên hiên nhà thờ,
Trinh rủ tôi đến nhà chơi. Tôi chọn “chuyến đi” nầy vào một buổi chiều
ngoài giờ học và thực hiện một cách bí mật, vì đây có thể là một câu
chuyện để cho đám bạn trong lớp chế giễu vào giờ học hôm sau.
Nhà Trinh nằm trong trại gia binh. Căn hộ khá chật chội nhưng sạch sẽ.
Bố Trinh đi công tác, mẹ đang bán ở chợ, chỉ có Trinh và đứa em trai
nhỏ đang cặm cụi tô vẽ gì đó trên chiếc bàn cũ đặt trong góc.
Điều tôi chú ý nhất đó là chiếc bàn thờ đặt giữa nhà. Lần đầu tiên
trong đời tôi nhìn thấy chỗ thờ phượng của người theo Đạo: Một bức
hình lớn Mẹ Maria gắn trên tường, bên dưới là bức tượng nhỏ hình Chúa
Jêsus thọ nạn trên Thập tự giá. Phần trang trí và hoa không có gì đặc
biệt, nhưng nến trên hai chân đèn lại là mầu trắng và không thấy bình
cắm nhang…
Ngày đó đối với tôi điều nầy thật lạ lẫm, nhưng khi quay qua nhìn
Trinh thì tôi lại thấy một khuông mặt vô cùng thân quen. Lòng tôi bỗng
dịu hẳn xuống.
Trinh nói là đã biết tôi không có Đạo ngay từ ngày đầu tiên. Bây giờ
thì tôi cũng vậy. Thế nhưng tôi cảm thấy giữa hai chúng tôi không có
gì khác biệt nhau cả.
Thời gian trôi đi rất nhanh. Gần đến ngày tôi phải rời xa mái trường
với ngôi nhà thờ quen thuộc để về với ngôi trường mới.
Hai tháng ngắn ngủi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm buồn vui, nhưng
người tôi nhớ nhất chắc chắn vẫn là Trinh.
Buổi học cuối cùng để chia tay, các bạn trong lớp đều buồn, Trinh ra
đứng hẳn bên tôi, mặt dàu xuống như muốn khóc.
Noel năm đó tôi lên lại thăm trường và xem nhà thờ làm Lễ Giáng Sinh.
Trinh có mặt trong ban đồng ca trên sân khấu nên không biết có nhìn
thấy tôi không.
Vẫn chiếc áo dài mầu tuyết trắng, nhưng khuôn mặt thì không còn cái vẻ
nhí nhảnh thường ngày mà đã toát lên một vẻ bình yên, thánh thiện. Bất
giác tôi lại ngước nhìn lên bức hình Mẹ Maria đầy ánh sáng đang treo ở
phía trên…
Đầu năm sau Trinh phải theo gia đình lên một tỉnh Cao Nguyên vì đơn vị
bố Trinh thuyên chuyển lên trên đó.
Trong một lá thư gửi về cho tôi Trinh bảo trên đó lạnh, buồn và rất
gần với chiến tranh vì đêm nào cũng nghe tiếng súng.
Giữa năm 1972 tôi được tin bố Trinh chết ở mặt trận Kontum, mẹ cùng
hai chị em Trinh phải chuyển vào Sài Gòn sống vì trong đó có được một
vài người bà con.
Sau biến cố năm 1975 tôi hoàn toàn không còn tin tức gì của Trinh nữa.
Và cứ thế, đến mỗi mùa Noel lòng tôi lại trào dâng niềm cảm xúc, bồi
hồi nhớ về một người bạn nhiều thương mến của thời xa xưa.
Cầu mong cho Trinh và người thân ở một nơi nào đó trên thế gian nầy,
được bình an và tràn đầy ơn Thiên Chúa trong mỗi dịp Lễ Giáng Sinh
về…{jcomments on}
Chuyen that buon cho co be Trinh. Biet dau do khi Noel ve , Trinh cung tham cau nguyen su an lanh den voi nguoi ban ngay xua.
Thời gian trôi đi rất nhanh. Gần đến ngày tôi phải rời xa mái trường với ngôi nhà thờ quen thuộc để về với ngôi trường mới.
Hai tháng ngắn ngủi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm buồn vui, nhưng người tôi nhớ nhất chắc chắn vẫn là Trinh.
Một tình bạn ngắn ngủi thuở niên thiếu chỉ có hai tháng học chung mà vẫn mãi không quên, thật cảm động Nguyễn Sinh ơi!
Những mối tình dang dỡ là những mối tình nhớ đời
Còn một chút gì để nhớ và rất thơ mộng NS ơi .
Một chuyên nao lòng trong mua Giáng sinh.
Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng để lại trong nhau biết bao kỷ niệm đẹp.
Chuyện buồn quá dúng chuyện của tui.
Một kỷ niệm đẹp theo mãi với thời gian.
Cầu mong cho Trinh và người thân ở một nơi nào đó trên thế gian nầy, được bình an và tràn đầy ơn Thiên Chúa trong mỗi dịp Lễ Giáng Sinh về…(NS)
MT mong có một ngày Sinh gặp lại Trinh. Năm mới vui vẻ.
Một chuyện…tình Lương-Giao1 đáng nhớ và đáng buồn vì kết thúc không có hậu, không giống như chuyện tình L-G trong thơ của TT 🙁