Đất Tây Sơn Hào Kiệt Luận Truông Mây.

…….Trong suốt mùa hè đó, lẻ tẻ từng chiếc một, các chuyến tàu
lương thực cứu trợ từ miền nam đã lén lút cập các bến An Dũ và Đề Gi
để đổ gạo rồi bốc đi những người dân muốn di cư vào nam. Tiết Đại thử
sắp đến nên khí trời oi bức không tả nổi. Người ta thường nói “nắng
tháng tám, nám trái bưởi” thật qủa đúng cho mùa hạ năm nay. Có điều ở
vùng Phù Ly và Hoài Nhơn năm nay chẳng còn trái bưởi nào để cho nắng
hun nám cả, mọi thứ đều bị đám người nghèo khó tập trung ở đây ăn ngấu
nghiến từ khi nó vừa già đủ để có thể ăn. Lương thực thiếu thốn, nắng
lại qúa gắt nên nhiều người già yếu chết  nóng vì không chịu đựng nổi.
Không chỉ riêng ở đây mà khắp các nơi tình cảnh cũng đáng thương và
kinh hoàng tương tự. Dân thì lang thang chết đói, trong khi đó triều
đình lại âm thầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn để chống lại bọn
cướp cạn Truông Mây, cái bọn cướp mà chính chúng  đã phải chia hai,
chia ba từng hạt gạo, hạt muối để cứu đói đám dân nghèo mà lẽ ra triều
đình phải có trách nhiệm lo lắng cho họ. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến
đó, triều đình lại thu thuế nặng tay hơn để vét thêm lúa gạo, nhu yếu
phẩm từ đồng bào. Ngoài ra, phủ Chúa còn cho đúc thêm nhiều tiền kẽm
để có tiền cho triều đình chi dụng, bọn tham quan nhân cơ hội đó đã
đúc tiền một cách vô thưởng vô phạt, vô tính toán để có dịp bỏ túi
riêng tạo ra tình trạng lạm phát. Đó là chưa kể lượng tiền đúc lậu từ
miền nam do một số người Minh Hương chủ chốt. Đồng tiền trong nước bị
mất giá khiến người dân mất tín nhiệm, do đó họ không còn muốn giữ
tiền nữa mà giữ của. Nhà nông giữ lúa gạo, thương nhân chỉ muốn trao
đổi bằng hàng chứ không muốn thâu tiền. Từ đó nạn thiếu gạo trong nước
càng trầm trọng hơn và nạn đói càng gia tăng.  Nỗi thống khổ và oán
hận thật không còn chỗ nào để chứa trong những thân người gầy gò ốm
đói kia. Nhiều người đã giết cả đám quan quân đi thu thuế rồi tự tử
chết ngay trên đống lúa, hay nơi cữa hàng của mình. Người ta nói trời
hành không bằng người hành, nhưng người dân bây giờ đã bị cả trời lẫn
người hành thì đúng là chỉ còn có đường tự tử. Nhưng tự giết mình
không phải ai cũng có đủ can đảm để làm, do đó đại đa số chỉ còn biết
gồng mình chịu đựng và hướng về Truông Mây để cầu mong cho họ chiến
thắng cuộc chiến này càng nhanh càng tốt. Khắp nơi người ta ầm ĩ kháo
nhau một cách công khai nguyện vọng của mình thiên về phía bọn cướp
Truông Mây mà không còn e dè gì đến đám quan binh nữa. Người dân đến
lúc tận cùng thì họ đâm liều, họ không dám tự đâm họng mình để chết
nhưng họ không còn sợ bị giết bỡi quan quân triều đình. Bọn quan lính
mà làm qúa thì họ liều mạng để chết chung. Mà ngay cả bọn quan lính,
chỉ có một thiểu số vô lương lợi dụng cơ hội để đạp lên sinh mạng
người khác kiếm chát làm giàu cho mình, còn đại đa số họ thông cảm với
đồng bào ruột thịt, vì chính gia đình họ, những người thân, chòm xóm
của họ cũng đang ở trong tình trạng khốn cùng đó. Còn với người dân
trong hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn thì họ bày tỏ sự quyết tâm liều
chết theo nghĩa binh Truông Mây chứ nhất định không để cho đám binh
triều bén mảng vào vùng đất đầy tình thương yêu bảo bọc này. Người ta
khuyên bảo nhau ngoài chợ, trong quán ăn hay khi tình cờ gặp nhau trên
đường. Tinh thần đoàn kết nhất trí này của đồng bào hai huyện và nghĩa
binh đã làm cho Phú Xuân lo ngại và nhân dân những nơi khác bàn tán
xôn xao.

Tại ngôi trường duy nhất trong huyện Tuy Viễn ở thôn An Thái của thầy
giáo Hiến cũng đang có cuộc nói chuyện giữa các thầy trò về vấn đề
thời sự nóng bỏng này.
Buổi tối hôm đó lớp học của ông Giáo Hiến sắp kết thúc thì Nguyễn Nhạc
ghé thăm. Hai bên chào hỏi xong Giáo Hiến mời Nhạc ngồi xuống ghế rồi
hỏi:
–  Ông Biện ghé chơi hay có việc gì không?
Rồi ông gọi sang nhà bên:
–  Lan à. Pha bình trà mới mời ông Biện nghe con.
Có tiếng con gái đáp vọng từ bên kia:
–  Dạ, thưa Cha.
Nguyễn Nhạc đáp:
–  Cũng có chút chuyện muốn nhờ Thầy phân tích xem sao.
Giáo Hiến hỏi:
–  Là chuyện gì?
Nguyễn Nhạc nói:
–  Cũng là chuyện thời sự nóng bỏng hiện nay đó. Tôi muốn được nghe
Thầy phân tích xem tình hình sắp tới sẽ như thế nào, hiện giờ mọi sinh
hoạt xã hội đều rất tồi tệ. Dạo này công việc buôn bán khó khăn và trì
trệ qúa. Hàng hóa ế sưng ế sỉa ra, giá cả mọi thứ thì tăng vọt từng
ngày. Lại thêm cái nạn triều đình gia tăng thuế địa phương do đó cấp
trên buộc xuống dưới tăng thuế để nộp sao cho đủ số. Tình hình này nếu
không có cách gỡ chắc việc kinh doanh của tôi bị phá sản qúa. Thầy cho
tôi xin vài nhận định cũng như ý kiến xem sao.
Giáo Hiến thở dài nói:
–  Muốn hiểu cho tận tường những nguyên nhân đưa đến tình trạng tồi tệ
hiện nay chúng ta phải lùi lại xa hơn một chút, mở rộng tầm quan sát
để có thể thấy rõ hơn bối cảnh chung của lịch sử Vương triều Nguyễn
trong thời gian vừa qua.
Nguyễn Nhạc và đám học trò ai nấy đều sửa lại thế ngồi ngay ngắn và
chăm chú lắng nghe câu chuyện quan trọng Thầy Giáo Hiến sắp nói ra.
Nguyễn Nhạc nghe mấy chữ “Vương Triều Nguyễn” ông Giáo vừa thốt ra lấy
làm lạ nên hỏi chen vào:
–  Thầy vừa nói là Vương triều Nguyễn à ?
Giáo Hiến gật đầu đáp với giọng tự hào:
–  Đúng vậy. Là Vương triều Nguyễn của chúng ta. Do đâu mà có điều này
thì chúng ta phải đi sâu vào từng chi tiết nhỏ. Trước tiên là lời sấm
không biết từ đâu đã lan truyền trong dân chúng rằng ” Đến 8 đời thì
về Trung Đô”
Sau đó lại thêm tin đồn trong một vùng núi phía nam có một vị đạo sĩ
hơn 80 tuổi căn cứ trên thuyết Thượng ngươn, Hạ ngươn đã quả quyết
rằng:
” Chỉ có đến 8 đời Chúa thôi, không hơn. Cho đến khi núi biến thành
đồng, cữa biển bị lấp, sao chổi xuất hiện thì vương quốc sẽ chuyền tay
người khác..”. những lời đồn đại này đã khiến cho triều đình lo sợ và
tìm các chống lại. Thế là triều thần đã cùng nhau dâng biểu xin Chúa
xưng Vương để thay đổi toàn triệt lời sấm. Nhờ đó mà năm 1744 Chúa Võ
đã trở thành Võ Vương, cho đúc ấn và xin xưng thần với nhà Thanh tự
coi là một vương quốc riêng ở miền nam, chia nước ra thành 12 Dinh,
một trấn là Hàn Tiên và Đế đô là Phú Xuân.
Nguyễn Nhạc hỏi chen vào:
–  Với những thay đổi đó, sự tình rồi có khá hơn không ?
Giáo Hiến lắc đầu:
–  Chẳng những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn.
Nguyễng Nhạc thắc mắc:
–  Lại là những chuyện gì nữa ?
Giáo Hiến đáp:
–  Sau đó là sự phát triển của Cù Lao Phố của Trần Thượng Xuyên và
vùng Mỹ Tho của Dương Ngạn Địch thu hút thêm thương thuyền nước ngoài
làm cho nhu cầu tiền tệ trao đổi tăng cao. Chúa Võ bèn thuê Hà Lan và
Nhật Bản gia tăng việc đúc tiền đồng. Sau vì lượng đồng trong nước
không đủ nên năm 1746 phủ Chúa đã cho đổi sang đúc tiền kẽm rẻ hơn và
đúc dưới dạng nhỏ có lỗ xỏ để tiết kiệm nguyên liệu. Về sau, một phần
do sự lũng đoạn của gian thần, một phần do bọn gian nhân đúc lậu tiền
kẽm rồi dùng đồng tiền rẻ mạt tự tạo ra đó đem đi mua lại hàng hóa với
bất kỳ giá cả nào. Vì những lý do đó đồng tiền kẽm đã qúa dư thừa
trong dân chúng, nó trở nên mất giá một cách tồi tệ và tạo thành lạm
phát trầm trọng. Từ lạm phát của tiền tệ dẫn đến sự suy thoái cả nền
kinh tế trong nước. Nhân dân không tín nhiệm đồng tiền kẽm nữa, thay
vì giữ tiền họ chuyển sang giữ hàng hóa, lúa gạo, tạo ra tình trạng
khan hiếm lương thực, từ đó nạn đói ngày một gia tăng và lan rộng khắp
nước. Kể từ cuối năm Đinh Hợi cho đến năm Mậu Tí này (1768), ngay cả
vùng Gia Định và miệt châu thổ sông Cửu Long mà giá thóc gạo đã cao
qúa mức chịu đựng của người tiêu dùng thì khắp miền nam này giá lúa
gạo xem như là cắt cổ. Tệ hơn thế nữa là dù với gía cắt cổ nhân dân
cũng không có thóc lúa để mà mua. Từ ngày tên gian tặc Trương Phúc
Loan kết bè kết đảng tiếm quyền phủ Chúa tình hình kinh tế trong nước
đã trì trệ nay còn tồi tệ hơn. Liên tục nhiều năm những hiện tượng kỳ
quái tiếp tục xảy ra như năm 1754 tự nhiên cữa biển Tư Dung bị bồi
lấp, núi sập, chuột đồng xuất hiện khắp nơi ..v..v… tạo nên tình
trạng hoang mang và mất niềm tin trong dân chúng đối với phủ Chúa. Dân
chúng cho rằng lời sấm trước kia nay đã bắt đầu linh ứng. Đã thế bọn
gian tặc Trương Tần Cối lại còn đưa ra chính sách sưu cao thuế nặng đè
thêm trên đầu trên cổ dân chúng, moi móc họ đến đồng tiền kẽm cuối
cùng khiến lòng dân càng căm phẩn.
Nguyễn Nhạc hỏi:
–  Theo Thầy thì triều đình nên dùng cách gì để ngăn chặn hoặc làm
thay đổi tình hình đói kém và thiếu gạo hiện nay ?
Giáo Hiến đáp:
–  Trước hết phải ngăn chận nạn đúc tiền kẽm giả và giới hạn việc đúc
tiền của triều đình. Sau đó phải ổn định giá lúa gạo vì nó là nguồn
huyết mạch của toàn dân. Gía lúa gạo phải ổn định thì mọi sinh hoạt
khác mới có thể ổn định theo được. Để làm giảm giá thóc gạo thì triều
đình phải lập ra những kho điều tiết ở từng địa phương để thu mua thóc
khi gía thóc rẻ rồi cho tồn kho, gặp lúc thóc mắt thì cho bán thóc ra
để ổn định giá cả. Như thế thì giá thóc sẽ không qúa rẻ để làm thiệt
hại cho người nông dân, mà cũng không qúa mắt để gây khó khăn cho
người tiêu dùng. Các kho này sẽ làm nhiệm vụ điều tiết thị trường để
ổn định đời sống dân chúng, làm giảm bớt nạn đói. Đáng tiếc triều đình
đã không biết làm điều này.
Nghe Giáo Hiến phân tích tình hình và đưa ra phương cách sửa trị,
Nguyễn Nhạc phục thầm ông ta là người có tài kinh bang tế thế nên cảm
thấy phấn khởi trong lòng hỏi tiếp:
–  Lời sấm kia có linh ứng thật hay không, theo ý của Thầy ?
Thị Lan đã pha trà xong và mang sang, cô rót nước vào hai chiếc tách,
đặt bình trà lên bàn xong cúi đầu chào Nguyễn Nhạc nói:
–  Mời ông Biện dùng trà, mời Cha dùng trà.
Nguyễn Nhạc mỉm cười đùa:
–  Cảm ơn cô Lan. Sắp trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp rồi đấy. Nhanh nhỉ ?
Lan đỏ mặt nói:
–  Ông Biện chọc cháu hoài. Cháu xin phép ạ.
Rồi Lan trở bước về bên nhà, không quên đưa mắt lén nhìn Nguyễn Huệ.
Cô không ngờ lúc đó Huệ cũng liếc nhìn cô, bốn mắt giao nhau khiến cô
càng đỏ mặt hơn như kẻ gian bị bắt qủa tang, Lan vội cúi đầu đi thẳng.
Nguyễn Nhạc uống hớp nước trà giục giáo Hiến:
–  Thầy nói về lời sấm ký ấy đi.
Giáo Hiến hớp miếng nước trà cho thấm giọng đáp:
–  Lời sấm ký đã tiên đoán đúng do đó mới sinh ra tên gian tặc Trương
Phúc Loan. Nhưng nói chỉ có 8 đời Chúa thì tôi cho rằng không đúng,
không thể nào.
Nguyễn Nhạc hơi chồm người tới trước hỏi:
–  Thầy căn cứ vào cái gì mà khẳng định là không thể nào.
Ánh mắt của Giáo Hiến long lên một niềm tin:
–  Bảy đời Chúa kể từ Chúa Tiên vượt Hoành Sơn vào nam cho đến nay đã
tạo dựng được một cơ ngơi, một nền tảng vững chắc. Ngày nay một dải
đất từ sông Gianh vào đến Hà Tiên và vùng đồng bằng Châu Thổ mênh mông
trù phú, nếu chúng ta biết cách cai trị, khai thác, thì Vương triều
Nguyễn sẽ bền vững đời đời.
Nguyễn Nhạc hỏi:
–  Thế theo Thầy tình trạng xã hội tồi tệ ngày nay là do đâu, rồi sẽ về đâu?
Giáo Hiến đáp ngay:
–  Tất cả là do bọn gian tặc Trương Phúc Loan và bè đảng. Trừ tuyệt
bọn chúng đi thì mọi việc tồi tệ sẽ kết thúc.
Nguyễn Nhạc lại hỏi tiếp:
–  Thầy có nghĩ là trừ tên Trương Phúc Loan này đi thì rồi lại có tên
Trương Phúc Loan khác thay thế hay không?
Giáo Hiến đáp:
–  Có thể. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải giúp Chúa trừ tên
Trương Phúc Loan này và ngăn chận những tên khác mọc lên.
Nguyễn Nhạc hỏi:
–  Ở đàng ngoài Chúa Trịnh thâu tóm mọi quyền hành, Vua Lê giờ chỉ
còn là hư vị, danh là Vua mà quyền cai trị nước nằm trong tay họ
Trịnh. Tình trạng này theo Thầy do đâu mà có?
Giáo Hiến hơi cau đôi mày lại, ông biết Nguyễn Nhạc đang cố ý đưa ông
vào thế bí. Ông thở dài nói:
–  Đó là thảm trạng của đất nước. Nhà Lê kể từ Lê Thái Tổ đánh đuổi
quân Minh lập nên, trải hơn 300 năm đã đem lại cho dân tộc một thời kỳ
vàng son cực thịnh. Nhưng thời kỳ ấy đã qua rồi nên mới có tình trạng
Chúa Trịnh lộng quyền như thế. Cái lẽ xoay vần của tạo hóa, cuộc thịnh
suy thay đổi này con người khó lòng cưỡng lại.
Nguyễn Nhạc nghe giáo Hiến nói thế thì chồm người tới trước hỏi:
–  Thế thì cái cuộc thịnh suy của Chúa Nguyễn đàng trong có phải cũng
do lẽ tự nhiên của trời đất vần xoay không thầy?
Giáo Hiến nói:
–  Đúng là có thịnh thì sẽ có suy, nhưng với Vương triều nhà Nguyễn
đàng trong thì hãy còn qúa sớm để có thể tàn. Sự suy yếu của đàng
trong chỉ mới bắt đầu do một nguyên nhân khách quan chứ chưa phải là
sự rệu rã chủ quan, nội tại. Nếu chúng ta loại bỏ được cái nguyên nhân
khách quan kia đi thì với cái nền vững chắc đã có, chúng ta có thể xây
lại căn nhà, hoặc tu sửa nó tốt đẹp trở lại.
Nguyễn Nhạc lại hỏi:
–  Như thế theo Thầy cuộc nổi dậy của các hiệp sị Truông Mây có chính
đáng không? Thầy đánh giá thế nào về họ?
Giáo Hiến nhắp thêm một hớp trà, ông nói:
–  Dựa theo nội dung tờ hịch truyền rao trong dân chúng thì Truông Mây
chủ trương tiêu diệt tên Quốc phó Trương Phúc Loan và bè đảng, điều đó
chính đáng nhưng tôi nghi ngời về mục tiêu lâu dài và cả thành qủa của
họ.
Nhạc hỏi:
–  Vì sao?
Giáo Hiến đáp:
–  Họ đã khôn khéo tránh né, không đề cập đến họ sẽ làm gì sau khi
tiêu diệt Trương Phúc Loan. Điều này chừa cho họ một cánh cữa lớn với
dụng ý sau khi diệt được Trương Phúc Loan họ sẽ đi xa hơn, lật đổ cả
phủ Chúa.
Nguyễn Nhạc gục gặc đầu tỏ vẻ đồng ý rồi hỏi:
–  Theo Thầy tại sao họ phải dấu diếm mục đích sau cùng của mình?
Giáo Hiến đáp:
–  Dễ hiểu thôi. Bỡi nếu ngay bây giờ mà họ lộ ra mục đích cuối cùng,
họ sẽ gặp phải sự phản đối của tầng lớp sĩ phu chân chính trong nước.
Lớp sĩ phu này sẽ buộc tội họ là phản loạn và chống đối họ. Ông Biện
nên biết rằng một cuộc nổi dậy mà chỉ dựa vào đám dân cùng khổ hay
những người hiệp sĩ võ biền không thôi mà không có đám sĩ phu tiếp tay
thì sự thất bại cầm chắc đến sáu bảy mươi phần trăm.
Có vẻ không hài lòng trước ý kiến này, Nguyễn Nhạc biện bác:
–  Xin lỗi Thầy tôi nói có khi không phải, nhưng đám sĩ phu trói gà
không chặt, suốt ngày chỉ nói toàn chuyện đạo đức thánh hiền dựa theo
sách vở cũ rích thì so bì thế nào được với lực lượng của đông đảo quần
chúng.
Giáo Hiến nói:
–  Ông Biện nói đúng nhưng chỉ một phần. Một cuộc cách mạng bao giờ
cũng có hai phần: đấu tranh và xây dựng. Sức mạnh của đông đảo quần
chúng có thể giúp đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, nhưng thắng lợi
rồi họ sẽ không biết làm thế nào để bảo vệ, xây dựng và phát huy thành
qủa của thắng lợi. Đập phá hoặc thiêu hủy một căn nhà thì chỉ cần một
anh chàng khỏe mạnh với một cái búa hoặc một nùi lửa là xong. Nhưng
phá xong muốn xây dựng lại như cũ hoặc đẹp hơn thì phải cần đến bàn
tay của người thợ. Trong bối cảnh của một quốc gia, người thợ đó là
tầng lớp sĩ phu, kẻ sĩ. Những người mà ông Biện vừa cho rằng trói gà
không chặt đó. Một cuộc cách mạng toàn diện phải có đủ cả hai tầng
lớp: quần chúng và kẻ sĩ. Như thế mới thực hiện được cả hai việc, đấu
tranh và xây dựng, nếu không đó chỉ là cuộc bạo loạn. Bạo loạn có thể
dẫn đến thành công trong đấu tranh, nhưng sau đó những người bạo loạn
sẽ đưa đất nước từ hố sâu này đến một bờ vực thẳm khác.
Nguyễn Nhạc nói:
–  Thầy phân tích rất chính xác, tôi đồng ý. Vậy theo Thầy cuộc nổi
dậy của Truông Mây là cách mạng hay bạo loạn ?
Giáo Hiến đáp:
–  Họ đang làm rất tốt, đúng với tinh thần hiệp sĩ “kiến nghĩa dũng
vi”. Họ nhìn thấy đồng bào bị đói khổ, bị áp bức, nên xắn tay tương
trợ. Kêu gọi nhau họp lại, trước làm ăn cướp, đi cướp của nhà giàu
phát cho nhà nghèo, sau vì người nghèo theo nhiều, lực lượng đủ mạnh,
lại thấy cảnh triều đình suy nhược nên tiến thêm bước nữa hô hào tiêu
diệt tên Quốc Phó. Cho đến giờ phút này việc họ đang làm là một cuộc
cách mạng.
Nguyễn Nhạc hỏi tiếp:
–  Thầy đang nghi ngờ về sức mạnh của họ hay mục đích của họ?
Giáo Hiến nói ngay:
–  Cả hai.
Nguyễn Nhạc nói:
–  Xin Thầy nói rõ lý do.
Giáo Hiến chậm rải giải thích:
–  Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng.  Làm chiến sĩ cách
mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi họ có thể đạp lên mọi thứ để
đi tới đích. Hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết không từ. Chính cái
tinh thần đó đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là vừa chuẩn bị
đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông trong khi nhà lại nghèo. Họ vì
lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo
sắp chết đói, đây là một nghĩa cử rất đẹp nhưng cũng chính nghĩa cử
này sẽ đẩy họ vào chỗ chết. Khi phát động cuộc chiến trở lại, chẳng
những họ không có đủ lương thực cứu đói mà chính họ cũng sẽ chết đói
theo đám người nghèo kia. Nói đúng hơn là vì thiếu lương thực cho nên
nghĩa binh không thể tác chiến, có nghĩa là họ sẽ thất bại.
Nguyễn Nhạc hỏi ngay:
–  Trường hợp là Thầy, Thầy xử sự thế nào khi đám dân nghèo đói cứ kéo
đến địa bàn của Thầy nằm thoi thóp cầu cứu.
Giáo Hiến đáp:
–  Tôi sẽ giúp họ, nhưng giúp họ mà biết chắc rằng sau đó cùng chết
với họ trong khi tôi còn việc lớn chưa hoàn thành thì tôi sẽ tìm cách
chối từ hoặc tránh né. Lía xuất thân là một người nghèo khổ, ông ta đã
từng chứng kiến cảnh Mẹ mình chết vì nghèo, vì đói, cho nên có sự
tương lân mà ra tay giúp đỡ. Nghĩa cử ấy rất cao đẹp, nhưng ông ta
quên rằng mình đang làm cách mạng, đang nắm trong tay hàng ngàn sinh
mạng của nghĩa binh. Nếu thất bại trong cuộc chiến sắp tới, bao nhiêu
ngàn nghĩa binh sẽ vì lòng nhân từ của ông mà phải hy sinh và công sức
cùng lý tưởng của cách mạng sẽ bị xóa bỏ.
Nguyễn Nhạc nói:
–  Lía có thể vì lòng lân tuất mà ra tay giúp đỡ dân nghèo nhưng tôi
tin người phụ tá của ông ta là Trần Lâm cũng nhìn thấy điều nguy hiểm
này. Hy vọng họ có thế để gỡ. Hơn nữa, bây giờ lòng nhân nghĩa của
Truông Mây đã tiếng lành đồn xa, khắp nam hà người người kính phục,
nhân dân hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn lại quyết chết một lòng bảo vệ
cái vùng đất đầy tình thương của họ. Yếu tố nhân hòa mà họ đạt được
cũng là thế mạnh giúp họ đứng vững trong cuộc chiến sắp tới. Thêm vào
đó họ đã có mối quan hệ rất tốt với các bản dân tộc Cao nguyên, đặc
biệt là Bản Đá Vách. Đó là một hậu thuẫn khá vững vàng.
Giáo Hiến nói:
–  Tôi cũng nghĩ và cũng hy vọng như vậy. Lực lượng người dân tộc là
một sức mạnh đáng kể, nếu sự liên kết đó chặt chẽ thì Truông Mây sẽ
rất vững chắc. Đáng tiếc lúc đầu họ đã vô tình mắc phải một lỗi lầm
nhỏ tạo ra tình trạng nguy hiểm hôm nay.
Nguyễn Nhạc hỏi:
–  Như thế tại sao mọi người chúng ta không tìm cách giúp họ, nhất là
những kẻ sĩ ưu tú như Thầy, như bang chủ Bang Hành Khất Trần Kim Bằng,
sư huynh của Thầy ?
Giáo Hiến đáp:
–  Cảm ơn ông Biện đã đề cao. Thật ra lúc đầu chúng tôi còn nghi ngờ
mục đích của các hiệp sĩ Truông Mây, cho đến lúc này vẫn vậy, nhưng
trước những nghĩa cử cao đẹp của họ chúng tôi không thể không giúp đỡ.
Bang Hành Khất trong thời gian gần đây đã bắt tay chặt chẽ với Truông
Mây trong việc giúp đỡ người nghèo đói. Chúng tôi đã đóng góp lương
thực, nhân lực, để phụ với họ, nhất là trong việc di chuyển đồng bào
vào nam.
Nhạc hỏi:
–  Có nghĩa là sự liên kết chỉ trên căn bản tinh thần nhân đạo cứu
người nghèo đói chứ không liên hệ gì đến công cuộc đấu tranh cả ?
Giáo Hiến đáp:
–  Đúng vậy. Cho đến lúc này.
Nhạc hỏi nhanh:
–  Còn về sau này ?
Giáo Hiến trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
–  Mọi việc trên thế gian này đều kết nối bỡi một chữ “duyên”. Có
duyên thì tụ, hết duyên thì tan, còn đã vô duyên thì không thể tụ.
Huống chi lòng không đủ thành thì duyên càng khó đến.
Nguyễn Nhạc biết trong lòng ông giáo còn nghi ngờ về lý tưởng và năng
lực của các nghĩa binh Truông Mây nên không muốn nói rõ quyết định
giúp hay không giúp. Điều này chứng tỏ cái ý thức trung quân đã giữ
vai trò chính yếu trong mọi quyết định của ông ta. Cũng có thể ông ta
đang chờ cái “duyên” mà ông tin vào đó, nó đưa đẩy cuộc đời ông. Nghĩ
đến đây Nhạc tự nhủ: “Ta cũng không nên vội vã, phải đợi cho đủ cơ và
duyên mới được”.
Nguyễn Huệ tự nãy giờ ngồi nghe có nhiều điều muốn hỏi nhưng thấy anh
Cả và Thầy tranh luận sôi nổi qúa nên không muốn làm đứt dòng tư tưởng
của họ, lúc này thấy Nguyễn Nhạc ngồi im nên lên tiếng hỏi:
–  Thưa Thầy, lúc nãy Thầy nói Chúa Nguyễn đã xưng Vương rồi đúc ấn
xin xưng thần với nhà Thanh tự coi miền nam này là một quốc gia riêng
độc lập với đàng ngoài của Vua Lê. Việc này có chính đáng không ? Thưa
Thầy.
Giáo Hiến nghe Nguyễn Huệ hỏi câu này thì giật mình. Ông nhìn cậu học
trò nhỏ có đôi mắt sáng quắt và vầng tráng rộng với ánh mắt thích thú
nhưng không kém sự e dè vì chính ông cũng bị vấn đề này đè nặng trong
tâm tư bấy lâu. Ông suy nghĩ một lúc rồi đáp:
–  Việc này đã gây ra không ít xáo trộn trong triều đình Đàng trong
của phủ Chúa. Có một thiểu số người phản đối vì cho rằng chúng ta vẫn
còn là thần dân của nhà Lê, số khác đông hơn thì cho rằng đàng trong
từ lâu đã là một phần đất riêng, đôc lập với Vua Lê ở đàng ngoài, do
các đời Chúa Nguyễn bỏ công sức khai phá mở mang. Hơn nữa để tránh dân
chúng hoang mang vì lời sấm kia nên họ tán đồng việc Chúa Nguyễn Xưng
Vương với quốc hiệu riêng là “An Nam Quốc Vương” khi đối ngoại với nhà
Thanh hay các nước lân bang.
Nguyễn Huệ lại hỏi:
–  Những ai phản đối, Thưa Thầy ?
Giáo Hiến đáp:
–  Đại biểu cho số này phải kể đến quan Hàn lâm học sĩ Nguyễn Quang
Tiền. Năm 1756 khi Võ Vương gởi trả bọn cướp biển người Hoa bị bắt về
cho Càn Long, đã bắt ông thay vì viết niên hiệu của Chúa : An Nam
Quốc, Thuận Quảng Đạo, Tiết Chế Thái Phó, Quốc Công là Nguyễn…, như
những thư trước, thì nay phải đổi là: An Nam Quốc Vương.. Ông nhất
quyết không nghe,  nói rằng “Đã có Hoàng Đế ở kinh đô do thiên triều
sách phong Vương tước, xứ này vốn là phiên thần vẫn theo chính sóc ,
nay xưng Quốc Vương, nếu như Trung Quốc vặn hỏi ta sẽ trả lời ra sao”.
Vì thế ông ta nhất định không nghe. Võ Vương giận bãi chức ông và đuổi
về quê.
Nguyễn Huệ nghe đến đây lòng phấn khích, vỗ tay đánh “bốp” một tiếng,
sau nghĩ lại thái độ của mình hơi vô lễ nên đỏ mặt ấp úng thưa:
–  Xin lỗi Thầy con vô ý. Con xin hỏi tiếp. Thưa Thầy, quan điểm của
Thầy về vấn đề này như thế nào ?
Giáo Hiến trầm ngâm  một lúc, lưỡng lự trả lời:
–  Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Lúc đầu bá quan vì muốn tránh lời
sấm cho nên mới xin Chúa xưng Vương. Sau đó vì đã có Vương vị nên
triều đình mới nghĩ đến phải có một đất nước riêng để cho danh chánh,
vì vậy mới có việc đổi danh xưng trong các văn thư đối ngoại từ An Nam
Quốc.. thành An Nam Quốc Vương…
Nguyễn Huệ nóng nảy chen vào:
–  Thưa Thầy, như vậy là nước Đại Việt ta trở thành hai nước riêng
biệt độc lập nhau hay sao ?
Giáo Hiến nhẹ giọng đáp:
–  Lúc đó cả triều thần và Võ Vương đều nghĩ như thế. Họ chỉ còn chờ
nhà Thanh chấp thuận nữa mà thôi.
Huệ hỏi:
–  Thầy có đồng tình với họ hay không ?
Giáo Hiến đáp:
–  Gần hai trăm năm khai phá, mở mang và xây dựng, họ Nguyễn rất xứng
đáng để có một cương thổ riêng cho mình.
Nguyễn Nhạc cũng cảm thấy hào hứng với đề tài này nên nói:
–  Một giải đất từ sông Gianh vào tới Gia Định, Hà Tiên mênh mông trù
phú đủ để trở thành cương thổ của một quốc gia riêng rồi. Hãy nhìn lại
xem đế quốc Chiêm Thành ngày xưa cương thổ của họ được bao nhiêu đâu ?
Tôi đồng tình với Thầy về việc này đấy.
Nguyễn Huệ đưa tay vẹt mớ tóc quăn rởi xuống trước trán, nét mặt hơi đỏ lên hỏi:
–  Như thế thì Bố Lạc Long, Mẹ Âu Cơ và câu chuyện trăm trứng trăm con
sinh ra cùng một bọc mà Thầy dạy chúng con bây giờ phải kể lại cho con
cháu nghe làm sao cho hợp với sự phân chia này? Hai chữ “Đồng Bào” từ
nay còn sử dụng cho người dân Âu Lạc ở cả hai miền được nữa không,
thưa Thầy ?
Giáo Hiến nghe Nguyễn Huệ lập luận như thế không biết phải giải đáp
thế nào.  Từ lâu ông rất chú ý đến cậu học trò nhỏ đầy tính tò mò và
hiếu học này. Cậu ta luôn thẳng thắn nêu ra những vấn đề, đặt ra những
câu hỏi hóc búa khiến ông vừa ngạc nhiên vừa thích thú, dù lắm khi
những câu hỏi đó đẩy ông ta vào thế bí, như hiện tại ông gặp phải đây.
Ông tìm cách kết thúc vấn đề:
–  Dù sao thì nhà Thanh cũng không chấp thuận nên việc phân chia thành
hai quốc gia đã không còn là vấn đề để bàn cãi nữa.
Nguyễn Huệ thấy Thầy Giáo lâm vào thế kẹt không nỡ đào sâu thêm nên
xoay hướng câu chuyện, hỏi sang vấn đề khác:
–  Thưa Thầy, lúc nãy Thầy nói cuộc nổi dậy mà chỉ dựa vào đám dân
cùng khổ hay những người hiệp sĩ võ biền không thôi mà không có đám sĩ
phu tiếp tay thì sự thất bại cầm chắc đến sáu bảy mươi phần trăm. Thầy
lại nói một cuộc cách mạng mà không có kẻ sĩ giúp đỡ thì chỉ là cuộc
bạo loạn, cuối cùng cũng sẽ đưa đất nước đến một vực thẳm khác. Thế
nếu có một vị lãnh đạo thật kiệt xuất đứng ra lãnh đạo đám dân cùng
khổ  và các tay võ biền kia để gây nên cuộc bạo loạn đó thì có thể
biến cuộc bạo loạn thành cuộc cách mạng toàn diện không ?
Giáo Hiến trả lời một cách thận trọng:
–  Có chứ. Đó là trường hợp của những siêu nhân. Có điều trên thế gian
này hạng người siêu nhân đó rất hiếm. Vã lại dù có bậc siêu nhân đó
thì ông ta cũng không thể sống mãi để tự mình duy trì lâu dài tình
trạng tốt đẹp mà ông ta tạo ra được. Vì thông thường chung quanh một
siêu nhân là những người rách việc.
Nguyễn Huệ hỏi tiếp:
–  Tại sao, thưa Thầy ?
Giáo Hiến đáp:
–  Vì người giỏi thì hay ôm đồm bỡi họ thấy những kẻ khác không thể
làm việc giống ý mình muốn. Lâu ngày tài năng của những người chung
quanh họ sẽ bị thui chột.
Nguyễn Huệ lại đưa tay vẹt mấy sợi tóc quăn đang phủ xuống trước trán hỏi tiếp:
–  Như thế tại sao ông ta không truyền dạy, huấn luyện cho những người
chung quanh để họ có thể thay ông ta làm việc ?
Giào Hiến mỉm cười lắc đầu:
–  Thiên tài là do trời ban cho không phải ai cũng có. Sự cố gắng học
hỏi trau dồi chỉ giúp con người đạt đến một tài năng hữu hạn. Khả năng
vô hạn của siêu nhân là do trời phú, kiến thức truyền dạy chỉ đóng góp
thêm một phần nhỏ cho tài năng của họ mả thôi. Do đó người thừa hành
khó có thể làm thỏa mãn ý muốn của một siêu nhân.
Đôi mắt của Nguyễn Huệ long lên một tia sáng hỏi:
–  Từ xưa đến nay đã có bậc siêu nhân nào vừa là siêu nhân lại vừa
thỏa mãn được việc làm của kẻ thừa hành chưa, thưa Thầy ?
Giáo Hiến đáp:
–  Người đạt được sự toàn vẹn như thế là bậc Thánh nhân rồi, vì họ vừa
có thiên phú về chuyên môn lại vừa có thể xả kỷ nữa. Trong lịch sử của
dân tộc ta chưa có ai được như thế. Ngay cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo,
người có thể gạt bỏ thù nhà cùng lời dặn của Cha mình để lo cho đại
cuộc quốc gia, cũng phải nhờ đến sự anh minh của Vua Trần Nhân Tông,
sự trợ giúp của một loạt tướng tài chung quanh và sự đoàn kết giữa
nhân dân và triều đình mới có thể đạt được thắng lợi vẻ vang trước
quân Mông Cổ. Trong bối cảnh lúc đó thì ông ta có thể ví với một siêu
nhân về quân sự chứ cũng chưa gọi là Thánh nhân được. Thánh vị của
ngài chỉ được triều đình phong tặng về sau này mà thôi.
Nguyễn Huệ vẫn chưa chịu thôi:
–  Thưa Thầy, trong trường hợp người siêu nhân lãnh đạo cuộc bạo động
đưa đến thành công, sau đó ra sức cầu hiền để kẻ sĩ về giúp thì sao ?
Giáo Hiến đáp:
–  Kẻ sĩ thường sống và chết cho lý tưởng. Hãy xem lý tưởng và đức độ
của bậc siêu nhân sau khi thành công là gì, đến bực nào, mới có thể
quyết đoán được.
Nguyễn Huệ lại hỏi tiếp:
–  Cần đạt những tiêu chuẩn nào để có thể gọi là Thánh nhân, thưa thầy ?
Giáo Hiến chăm chú nhìn Nguyễn Huệ như để đọc xem trong đầu anh học
trò nhỏ này đang nghĩ gì, ông chậm rải đáp:
–  Nhân, Trí, Dũng. Đó là ba tiêu chuẩn chính một người cần đạt để khả
dĩ được những người khác tôn là Thánh nhân. Đạt chữ Nhân để có thể yêu
thương người, yêu thương đồng bào và dân tộc. Đạt chữ Trí để có thể
biết vận dụng mọi khả năng của trí tuệ mà điều hành, phục vụ, đưa đất
nước và dân tộc đến chỗ độc lập, hạnh phúc, phú cường. Đạt chữ Dũng để
có đủ khả năng vượt qua mọi chướng ngại, tiêu diệt mọi kẻ thù, đưa đất
nước, dân tộc ra khỏi chỗ tối tăm đến nơi tươi sáng.
Nguyễn Nhạc nhìn chú em út của mình cười hỏi:
–  Bộ chú mày tính làm siêu nhân hay sao mà hỏi kỹ thế ? Xưa nay cũng
chưa có anh hề hát bội nào trở thành siêu nhân hoặc Thánh nhân cả đấy.
Nguyễn Huệ nhìn anh nói:
–  Anh Cả có thấy rằng làm kép hát dễ hơn là làm hề không ? Chọc được
thiên hạ cười là cả một khả năng thiên phú đó.
Nguyễn Nhạc nghiêm sắc mặt nói:
–  Anh đồng ý với chú mày nhưng từ nay thôi đừng đi theo cái bọn Tứ
Linh và Nhưng Huy đó chọc cười thiên hạ nữa. Hãy lo học chữ nghĩa và
võ nghệ của Thầy Giáo Hiến đây để sau còn có cơ hội tiến thân với đời.
Nguyễn Huệ nghe giọng nói và sắc mặt nghiêm trọng của anh đâm sợ:
–  Dạ anh Cả.
Giáo Hiến thấy vậy nói đỡ cho Huệ:
–  Ông Biện cũng không nên xem thường những người có khả năng chọc
cười thiên hạ. Có hai hạng người có thể chọc cười thiên hạ. Hạng thứ
nhất do trời phú cho họ có được một ngoại hình đặc biệt, cách ăn nói
khéo léo..v..v.. khiến cho thiên hạ phải cười khi nhìn họ biểu diễn.
Hạng thứ hai là những người có một nội tâm thiên phú đủ để cười diễu
lên tất cả mọi việc. Hoặc giả không có việc gì trên đời này có thể làm
khó được họ, hoặc giả họ nhìn thấy được cái lẽ huyền vi nhị nguyên của
mọi sự việc. Hơn thế nữa, thông thường đằng sau những nụ cười là cả sự
im lặng của suy tư. Cho nên những thiên tài về hài hước đều là những
nhà triết học siêu hạng.
Nguyễn Nhạc nhìn Giáo Hiến hỏi:
–  Hai năm nay Thầy đã phát hiện được điều gì ở thằng nhỏ này mà lúc
nào Thầy cũng có ý bênh vực cho nó hết vậy ?
Ông Giáo Hiến trả lời với giọng nghiêm túc:
–  Có phát hiện được một ít, nhưng chỉ với một ít đó thôi đã khiến tôi
phải nghĩ rằng sau này mình sẽ không có đủ tư cách để dạy cậu ta được
nữa.
Nguyễn Nhạc cố dấu niềm tự hào nói:
–  Thầy có đầy bụng kinh luân, thằng Lữ và thằng Huệ học đến mãn đời
chưa hết, Thầy đâu cần an ủi tôi như thế. Thôi xin phép tôi về để Thầy
nghỉ ngơi.
Giáo Hiến đứng lên tiễn Nguyễn Nhạc, cả đám học trò cũng đứng dậy cúi
đầu chào. Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ bước theo anh. Lữ hỏi nhỏ:
–  Anh Cả, công việc trên vùng thượng ra sao? Em muốn về giúp anh một
tay. Bọn em lớn rồi, đâu thể để anh một mình chạy ngược chạy xuôi như
thế này mãi được.
Nguyễn Nhạc gác hai tay lên vai Lữ và Huệ vừa đi chầm chậm vừa nói:
–  Coi bộ chú mày mê đạo bù chú hơn là học chữ nghĩa thánh hiền và võ
nghệ phải không ? Đúng là công việc bề bộn thật, một mình anh lo không
xuể. Dạo này tiền bạc thiếu trước hụt sau làm anh điên cái đầu. Chú
mày về phụ anh một tay cũng được nhưng để vài hôm nữa anh trở xuống
thưa với ông Giáo đàng hoàng cho phải phép.
Nguyễn Lữ mừng rỡ nói:
–  Vậy thì anh xuống sớm sớm nhé.
Nguyễn Nhạc quay sang Huệ nói:
–  Ông Giáo là nhân tài hiếm thấy thời nay, chú mày phải cố gắng học
hỏi để cả nhà còn có nơi nương tựa. Làm người muốn thành đạt lớn thì
phải văn võ song toàn. Anh nuôi chú từ nhỏ nên biết rõ khả năng của
chú sẽ làm được.
Nguyễn Huệ nói:
–  Anh Cả an tâm, em sẽ không để anh Cả phải thất vọng  đâu. Thôi anh
Cả về đi kẻo khuya qúa rồi đó.
Giáo Hiến đứng ở cữa lớp học nhìn theo sau lưng ba anh em nhà họ
Nguyễn sánh vai trong bóng đêm lẩm bẩm một mình:
–  Ba anh em nhà này mỗi người mang một tính cách đặc biệt. Nếu gặp
thời thế, sự kết hợp của họ có thể làm xoay chuyển cả đất trời, làm
nên lịch sử chứ chẳng chơi. Ta lưu lạc về nơi xó núi này duyên may mà
gặp được họ.
Rồi ông mỉm cười trở về bên nhà của mình. Bọn học trò cúi đầu thưa:
–  Thầy về nghỉ ạ.

***

Năm Mậu Tí (1768), đã vào tiết Lập thu mà ánh nắng mặt trời vẫn như
thiêu như đốt khiến ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ héo khô, sông hồ cạn
kiệt. Một dải đất từ Thanh Hóa đến Bình Thuận mùa màng coi như mất
trắng, chỉ còn vùng đồng bằng miền nam là còn thu hoạch được. Thỉnh
thoảng có một vài trận mưa rào bất chợt thì cũng chỉ đủ thấm đất và
bốc lên mùi đất khô, mùi xú uế làm những con người ốm yếu càng dễ mắc
bệnh thêm. Sự đời thường oái oăm như thế đó. Một khi đã lâm vào cảnh
tai ương thì sẽ bị dồn dập, tình trạng đã xấu lại càng nát bét, tồi tệ
hơn, thật đúng với câu “họa vô đơn chí”. Trong tình trạng tồi tệ, con
người bao giờ cũng cố sức vùng vẫy để thoát ra mong tìm một phương
cách giải thoát. Đó là bỏ cái xứ sở qủi quái, khắc nghiệt này để tìm
đến những nơi tốt hơn mà kiếm sự sống. Và họ lũ lượt ra đi. Dòng người
đói khổ lập thành từng nhóm, kéo lê tấm thân tàn cố đến cho được miền
nam xa xôi bằng đường thủy, đường bộ,  mong tìm miếng cơm ở nơi trù
phú đó. Mười người hết ba, bốn bỏ xác dọc đường vì kiệt sức, những kẻ
đồng hành thương tình đào vội cái hố bên đường lấp tạm cho chim, thú
khỏi xé thây rồi quay mặt ra đi tiếp tục cuộc hành trình thiên lý.
Người đói thì thú vật cũng chẳng hơn gì, cho nên những xác chết chôn
vội bên đường đã bị chúng đào bới lên để ăn, mùi hôi thối bốc lên bay
xa trong bầu không khí khô khan nóng bức.
Thiên tai giáng xuống đầu người dân đói khổ, xác chết rải rác khắp nơi
nhưng chẳng thấy triều đình có biện pháp gì cứu giúp. Tình cảnh này,
một lần nữa thật đúng với câu mà người ta thường mỉa mai châm biếm:
“sống chết mặc bay, tiền thấy bỏ túi”. Ngay cả những hiệp sĩ Truông
Mây đầy lòng bác ái mà trong tình cảnh mùa hè năm nay họ cũng đành
nuốt lệ ngồi nhìn đồng bào ruột thịt chết dần trong các trại tị nạn
dọc hai bở sông Phù Ly và Lại Dương. Gặp trường hợp này thì cái câu
“kiến nghĩa dũng vi” cũng đành xếp xó. Sách vở đạo lý thánh hiền hiện
giờ không bằng một hạt gạo hay hạt muối trong tay những anh nông dân.
Đây đúng là cái thời của: “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” vậy.
Suốt mùa hè, những chuyến tàu lương thực lẻ tẻ từ miền nam thỉnh
thoảng cập vào hai cảng Đề Gi và An Dũ cũng chỉ để đủ cung cấp cho đám
dân tị nạn trong trại ngày hai bữa cháo cầm hơi. Các thủ lĩnh Truông
Mây đã quyết định giữ lại một phần lương thực khả dĩ có thể nuôi quân
trong những ngày chinh chiến sắp tới. Nhiều người già yếu trong các
trại thấu hiểu nỗi khổ tâm của nghĩa binh nên quyết định nhịn đói chờ
chết chứ không chịu phí lương thực. Họ nói:
–  Hãy để dành lương thực cho nghĩa quân có sức đánh giặc. Cầu cho họ
chiến thắng để con cháu chúng ta được sung sướng.
Tình cảnh đó, những câu nói, những tấm lòng thành đó khiến cho người
nghe không cầm được nước mắt. Chỉ có bọn quan lại Phú Xuân là lòng trơ
như đá, quay mặt làm ngơ chuẩn bị binh mã để ra quân tiểu trừ đám loạn
tặc Truông Mây……..

 

* Chinh sóc: Nguyên nghĩa là ngày mồng 1 tháng 1 âm lịch.

Nhưng hiểu theo nghĩa rộng ở đây là quy ước với tính cách

thời gian dành cho một vị Hoàng Đế nào đó. Theo chính

sóc có nghĩa là chấp thuận làm bề tôi.

(Trích từ trường thiên tiểu thuyết Én Liệng Truông Mây)

{jcomments on}

0 thoughts on “Đất Tây Sơn Hào Kiệt Luận Truông Mây.

  1. Nguyên Lương

    Câu nói của Nguyễn Huệ: “Cuộc cách mạng mà không có kẻ sĩ giúp đỡ thì chỉ là cuộc bạo loạn, cuối cùng cũng sẽ đưa đất nước đến một vực thẳm khác” là câu đầu đề cho đoản truyện trên đây của Vũ Thanh. Khác với các vị tiền bối khi viết Dã Sử, họ chỉ chú trọng đến tình tiết gay cấn, hồi họp tạo sự hấp dẫn có tính cách giải trí để mê hoặc người đọc, Vũ Thanh viết dã sử có dụng ý. Từ triết lý sống của một kẻ sĩ thời đại, nhờ ngôn từ của Nguyễn Huệ, Vũ Thanh lồng vào đó cái suy tư, trăn trở cháy bỏng của mình trước hiện tình thời cuộc.
    Khi nhớ về thời gạo châu củi báu và lạm phát phi mã làm kiêt quệ đất nước, Vũ Thanh viết:” Ngoài ra, phủ Chúa còn cho đúc thêm nhiều tiền kẽm để có tiền cho triều đình chi dụng, bọn tham quan nhân cơ hội đó đã đúc tiền một cách vô thưởng vô phạt, vô tính toán để có dịp bỏ túi riêng tạo ra tình trạng lạm phát. Đó là chưa kể lượng tiền đúc lậu từ miền nam do một số người Minh Hương chủ chốt. Đồng tiền trong nước bị mất giá khiến người dân mất tín nhiệm, do đó họ không còn muốn giữ tiền nữa mà giữ của…”
    Ai có sống trong nước qua thời 1975-1986 thì liên tưởng đến đoạn văn này Vũ Thanh tả lại những năm 1746 không sai.
    Rồi nói đến câu nói cữa miệng người dân thường dùng:”Nhiệt tình+Ngu dốt = Phá hoại, Vũ Thanh viết:” Một cuộc cách mạng bao giờ cũng có hai phần: đấu tranh và xây dựng. Sức mạnh của đông đảo quần chúng có thể giúp đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, nhưng thắng lợi rồi họ sẽ không biết làm thế nào để bảo vệ, xây dựng và phát huy thành qủa của thắng lợi. Đập phá hoặc thiêu hủy một căn nhà thì chỉ cần một anh chàng khỏe mạnh với một cái búa hoặc một nùi lửa là xong. Nhưng phá xong muốn xây dựng lại như cũ hoặc đẹp hơn thì phải cần đến bàn tay của người thợ. Trong bối cảnh của một quốc gia, người thợ đó là tầng lớp sĩ phu, kẻ sĩ” Đây phải là trích đoạn của một Political Manifesto, chứ không đơn giản là một hồi ức về vai trò kẻ sĩ Việt thời thế kỷ 18.
    Anh rât tâm đắc và chia xẻ cùng tác gỉa.
    NL

    Reply
    1. Quang Võ

      Cảm ơn Anh Nguyên Lương đã tâm đắc về đoạn viết này. Đúng là VT không chỉ muốn bộ truyện của mình chỉ mang tính cách mua vui trong chốc lát, viết cho hấp dẫn để thu hút người đọc nhưng sau khi đọc biết cốt chuyện rồi thì quên đi và vứt sách vào sọt rác. VT mong muốn vẽ lại bức tranh của giai đoạn lịch sử đó càng chính xác chừng nào càng hay chừng nấy, vì lịch sử dân ta ngoài những tang thương khi bị giặc Tàu xâm lượt, tiêu diệt và đốt sạch cả những tư liệu lịch sử, ở giai đoạn của Lía và Tây Sơn còn bị chính người Việt mình càn quyét, đốt bỏ đế sạch sành sanh. Giờ con cháu nhìn lại thì than ôi chẳng còn gì ngoài những lời truyền miệng tam sao thất bổn. ELTM ngoài những pha đánh đấm quyèn cước bằng võ thuật Bình Định và võ Việt Nam ta, VT lồng vào đó những boăn khoăn thời đại của những kẻ sĩ có lòng với dân tộc, những vấn đề triết học đươong thời như Đạo Phật và chủ trương Tam Giáo Đồng Lư chủa chúa Phúc Chu. Bên cạnh những vấn đề nghệ thuật thế kỷ 18, ELTM còn có những mối tình vừa đẹp vừa ngang trái với những nét hết sức nhân bản và Việt Nam.

      Cảm ơn anh Lương lần nữa. VT hy vọng toàn bộ câu chuyện khi viết xong sẽ để lại trong lòng anh một vài điều đáng nhớ.

      Reply
    1. Quang Võ

      Xanh ơi, mình chưa hiểu ý của bạn. Nói rõ hơn cho VT và mọi người cùng nghe được không? Cảm ơn. Chúc Giáng Sinh vui nhé.

      Reply
  2. Tuệ Minh

    – Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng. Làm chiến sĩ cách
    mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi họ có thể đạp lên mọi thứ để
    đi tới đích. Hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết không từ. Chính cái
    tinh thần đó đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là vừa chuẩn bị
    đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông trong khi nhà lại nghèo. Họ vì
    lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo
    sắp chết đói, đây là một nghĩa cử rất đẹp nhưng cũng chính nghĩa cử
    này sẽ đẩy họ vào chỗ chết. Khi phát động cuộc chiến trở lại, chẳng
    những họ không có đủ lương thực cứu đói mà chính họ cũng sẽ chết đói
    theo đám người nghèo kia. Nói đúng hơn là vì thiếu lương thực cho nên
    nghĩa binh không thể tác chiến, có nghĩa là họ sẽ thất bại.

    Đúng là tầm nhìn của một quân sư .

    Reply
  3. Quang Võ

    Cảm ơn Tuệ Minh. Giáo Hiến là người được đánh giá rất cao trong công cuộc xây dựng nhà Tây Sơn. VT chỉ sợ mình chưa lột tả hết được tài năng của ông ta. Nghe bạn khen VT vui qúa. Vậy là cũng tạm rồi phải không. Giáng Sinh vui vẻ.

    Reply
  4. Bích Vân

    Thiên tai giáng xuống đầu người dân đói khổ, xác chết rải rác khắp nơi
    nhưng chẳng thấy triều đình có biện pháp gì cứu giúp. Tình cảnh này,
    một lần nữa thật đúng với câu mà người ta thường mỉa mai châm biếm:
    “sống chết mặc bay, tiền thấy bỏ túi”. Ngay cả những hiệp sĩ Truông
    Mây đầy lòng bác ái mà trong tình cảnh mùa hè năm nay họ cũng đành
    nuốt lệ ngồi nhìn đồng bào ruột thịt chết dần trong các trại tị nạn
    dọc hai bở sông Phù Ly và Lại Dương. Gặp trường hợp này thì cái câu
    “kiến nghĩa dũng vi” cũng đành xếp xó.

    Thời nào người dân đen cũng chịu thiệt thòi nhất trong các giai cấp.

    Reply
    1. Quang Võ

      Đúng vậy đó Bích Vân. Cho nên những kẻ có lòng phải làm việc gi đó, những kẻ có tiền phải làm một việc gì đó …. để giải phóng họ. Như chàng Lía vậy.

      Reply
  5. Phượng

    Mọi việc trên thế gian này đều kết nối bỡi một chữ “duyên”. Có
    duyên thì tụ, hết duyên thì tan, còn đã vô duyên thì không thể tụ.
    Huống chi lòng không đủ thành thì duyên càng khó đến.
    Chữ duyên sao mà bao la và vời vợi quá phải không thi sĩ của chúng ta.

    Reply
    1. nguyentiet

      Phượng nói hay quá! Cho NT ké ý với nghen “Mọi việc trên thế gian này đều kết nối bỡi một chữ “duyên””.

      Reply
      1. Quang Võ

        Đúng rồi Phượng và nguyentiet ơi. Không có duyên thì vạn vật không sanh. Lớn là đúng lắm rồi.

        Reply
  6. Hoài Cố Nhân

    Vũ Thanh viết dã sử thật công phu chuyện xưa dựng lại quá tài tình , ngoài tính cầu thị , cẩn trọng trong việc sử dụng tư liệu còn thể hiện cái tâm của tác giả luôn hướng về những kẻ khốn cùng.Thật ngưỡng mộ .

    Reply
      1. Quang Võ

        Cảm ơn nhận xét của bạn Hoài Cố Nhân. Ai có chút lương tâm đều nghĩ đến họ thôi mà. Vui vẻ nhé.

        Reply
  7. Thỏ con

    Thời nào cũng có tham quan
    Thời nào cũng có người dân cơ cùng
    Thế nên mới có Quang Trung
    Phất cờ khởi nghĩa vang lừng núi sông.

    Reply
  8. Dạ Lan

    Anh Vũ Thanh ơi ! Dạ Lan có đọc kịch phẩm Guồng Máy của Jean Paul Sartre , ông ấy có viết: Cách mạng thật ra chỉ là sự đổi chủ còn guống máy thì không thay đổi vậy thì dân nghèo đấu tranh làm gì hở anh ?

    Reply
    1. Quang Võ

      Phải đấu ranh chớ Dạ lan. Ví dụ như (VT lấy ví dụ trong lịch sử Tàu nhé vì ở Tàu có nhiều bạo chúa, Việt Nam mình không có ông bạo chúa nào): Cũng là guồng máy một quốc gia nhưng Vua Trụ nắm giữ thì dân tình đói khổ, loạn lạc nhưng khi Vũ Vương đứng ra lãnh đạo dân chúng đấu tranh, thắng lợi thì dưới sự điều khiển của Vũ Vương, guồng máy quốc gia Trung quốc thời đó đã đổi khác, xã hội thái bình dân chúng rất an lạc….. Cho nên khi Jean Paul Sartre nói guồng máy, chúng ta phải hiểu rằng guồng máy đó không phải cứng ngắt như máy nổ xe Honda mà nó có thể thay đổi cách chạy tùy vào bàn tay người điều khiển. Cho nên nếu gặp bạo chúa hay ngu Vua cai trị thì nhân dân nên và phải đấu tranh để đổi người cai trị và thể chế cai trị cho tốt hơn. Cũng nhu chàng Lía vậy. Chúc Dạ Lan một mùa Giáng Sinh an bình.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.