Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Đào
Tặng Lĩnh Cơ
Con đường Nguyễn thái Học chạy dài, nối nhà và trung tâm thành phố, ở cuối đường có một ngã rẽ để đi tới trường, những buổi chiều, trên đường về nhà ngang qua phi trường, tiếng động cơ máy bay xoành xoạch, tà áo dài bay lên, cô nhỏ cố giữ mãi, nhưng tà áo mỏng quá, tay cô yếu quá, và sức quạt của máy bay như đôi cánh của chim đại bàng hút hết những gì nó bay ngang qua, để lại một đám bụi mù, có hạt bụi nào vương trong mắt cô gái, cô giận tà áo không nghe lời mình, cô giận nhà xa, cô giận người lái máy bay không quen biết cố tình cho máy bay vần vũ khá lâu cho áo cô lấm bụi. Con đường cô nhỏ đi học, dài ơi là dài, nhà ơi là nhà, nối tiếp nhau không có khoảng trống, có mỗi khoảng không gian quang đãng thì những cánh máy bay và bụi mù bay ngang qua tuổi nhỏ của cô, những năm tháng không bình yên trong một tâm hồn rất đỗi bình yên.
Con đường Lê Lợi với những hàng cây kiền kiền xanh mướt, xen lẫn với cây phượng vĩ ngập hoa trong mùa hè, cầu Trường Tiền đi ngang qua sông Hương nhỏ bé, có chiếc cầu Phú Xuân hiện đại hơn, nhưng cô thiếu nữ thích đi qua chiếc cầu xưa cũ , gió lộng vừa đi vừa nắm chặt hai tà áo cho khỏi bay, cho khỏi rách. Từ bên này qua bên kia sông là đi qua một kho cổ tích, là ngược dòng đắm say trong huyền thoại, thấp thoáng gót hài của những nàng Tôn Nữ xa xưa, những con đường thành nội rong ruổi đầy hoa phượng, trái phượng khô quằn, và thân cây trần trụi trong mùa đông, đẹp não nề trong những cơn mưa dầm dề, mưa mục đất, mặc áo mưa vẫn bị ướt, cái lạnh tê tê thấm vào da thịt, phải chăng Huế đẹp nhiều nhờ những cơn mưa, hay vì thời ở Huế, là thời chín muồi của mơ mộng, thời mãn khai của tuổi con gái, thời đợi chờ và đón nhận những tín hiệu tình yêu, cái thuở yêu đời yêu người và thiên nhiên như một người mẹ hiền, đơm hoa cho những mối tình sinh viên nhẹ nhàng sương khói :
Tóc mai sợi vắn sợi dài .
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
Mấy chục năm sau đọc lại câu thơ cũ, mắt người thiếu phụ rưng rưng, em đi rồi, Huế có buồn không ?
Những con đường dài vô tận ở Sài Gòn mang những tên lạ hoắc, lạ rồi quen, vì cứ đi mãi một tuyến đường Điện biên Phủ qua bùng binh Cách mạng tháng Tám đến chợ Hòa Hưng, nàng làm bà Tú Xương bán gạo nuôi chồng đi học tập, biết tập tành những ngôn ngữ chót lưỡi đầu môi, biết thuận mua vừa bán, biết ngọt ngào với những kẻ đổi đời học làm sang, dấu hết những đớn đau để khi tan chợ một mình lầm lũi trên đường về, tha hồ những giọt nước mắt rơi lã chã. Có người đã chết và nhiều người vẫn sống, thì nàng cũng đang sống đó thôi, ở trong trại giam người chồng vẫn sống vẫn đợi chờ và con đường đang tiếp sức cho bước chân người vợ thêm dũng cảm, thêm mạnh mẽ để có một ngày mai tươi sáng, có ngày đó không hỡi những con đường ?
Những con đường ở Toulouse, sạch và đẹp, xứ sở của văn minh, nhưng vẫn chưa có thời khắc rảnh rổi để thăm hết những hào quang của phố thị, chưa một lần đi ngắm tuyết rơi, chưa một lần đi trong đêm để ngắm thành phố đầy sao hoa lệ, chưa một lần ra biển để ngắm sóng bạc đầu, chưa một lần lên núi để chiêm ngưỡng vẻ bao la của đất trời, dầu rằng tụi con vẫn mời mọc liên tục, và trêu đùa “me làm để dành tiền gởi cho người yêu cũ”. Đã hết rồi cái thời cặm cui ngày hai buổi nuôi con, đã hết rồi cái thời ki co cơm áo gạo tiền, nhưng vẫn đi và về trên con đường quen thuộc, đi và nhớ Qui Nhơn thời dại dột, đi và nhớ Huế thời đẹp đẽ nhất của tuổi con gái, đi và nhớ Sài Gòn, thời của những lao đao lận đận …
Vẫn con đường đó. Sao hôm nay chợt nhìn trong vườn nhà ai một nụ hồng vừa hé nở lòng bỗng ấm áp khôn nguôi…{jcomments on}