III -Lào
Nước Lào là một quốc gia nằm sâu trong đất liền, và là quốc gia duy
nhất ở Đông Nam Á không có đường thông ra biển, với diện tích 236.800
cây số vuông, và dân số năm 2009 là 6,8 triệu dân. 70% diện tích là
rừng, bình nguyên và cao nguyên. Thủ đô và thành phố lớn nhất là
Vientiane. Sau đó là các thành phố lớn khác như Luang Prabang,
Sanannakhet, và Parkse.
Dân số gồm có 68 sắc dân khác nhau được chia ra làm 3 nhóm:
-Người Lào Lùm (sống ở đồng bằng) chiếm 68% dân số, và ngôn ngữ chính
là tiếng Lào.
-Người Lào Theung (sống ở trung nguyên) chiếm 22% dân số. Ngôn ngữ
chính là Môn-Khmer.
-Người Lào Sung (sống trên cao) chiếm 10% dân số, gồm người H’Mong,
người Dao, Thái đen và người Shan, v.v… Ngôn ngữ của họ là Hmong-Mien
(Yao) và Miến-Tạng.
Tôn giáo chính là Phật giáo Theravada, gần đến 70% dân số. Món ăn
chính của người Lào là cơm nếp (khao niao).
Lào là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Sản phẩm nông
nghiệp là nguồn lợi tức chính, chiếm gần phân nửa tổng số sản phẩm
quốc nội (GDP). Du lịch hiện nay cũng bắt đầu đem đến một nguồn lợi
tức lớn. Cho đến năm 2010, du lịch đã mang đến cho quốc gia nầy 680
triệu USD, và người ta dự tính đến năm 2020 lợi tức hằng năm sẽ lên
đến 1.585.700 triệu USD. Luang Prabang (năm 1995) và Wat Phu (năm
2001) được UNESCO công nhận là những di sản văn hóa của thế giới.
Thành phố duy nhất ở Lào được đến viếng trong tour du lịch nầy là
Luang Prabang.
Luang Prabang
Người ta nói thành phố nầy là một hòa hợp tuyệt vời giữa lối kiến trúc
truyền thống của các kiến trúc đô thị Lào đã có từ thế kỷ XIV và những
công trình kiến trúc được xây dựng bởi các thế lực thuộc địa của người
Âu châu vào hai thế kỷ XIX và XX. Sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa hoàn
toàn khác biệt nhau đã tạo nên một vẻ đẹp có một không hai của hình
ảnh phố thị ngày nay ở Luang Prabang.
Thành phố nầy được xây dựng trên một bán đảo được tạo ra bởi sự gặp gỡ
giữa sông Mekong và hai phụ lưu của nó, sông Nam Knane và sông Kual
Hop. Có một huyền thoại kể rằng Đức Phật, trên đường đi hoằng pháp của
Ngài, đã ghé qua đây một ngày để nghỉ ngơi. Ngài cười khi đến đây, hầu
như tiên đoán trước, một ngày nào đó nơi đây sẽ là thủ phủ của một
vương quốc giàu và mạnh. Một truyền thuyết khác kể rằng một người lái
buôn trầu cau rất giàu có tên là Chanthapanit đã cho xây một dinh thự
rộng lớn tại nơi nầy và sau đó tự tôn xưng mình là vua. Người ta cũng
đồn rằng ông ta là người đầu tiên cho xây dựng ngôi đền Wat Xieng
Thong (xem bên dưới). Có một truyền thuyết nữa cho rằng vùng nầy đã
được hai người ẩn sĩ chọn vì vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của nó khi
họ đến đây viếng thăm. Họ đã đặt một bia đá tại đây để đánh dấu nơi
chốn nầy, và đặt tên vùng nầy là Xien Dong Xien Thong. Cái tên nầy
được giữ lại mãi cho đến năm 1353 khi thành phố nầy trở thành kinh đô
của nước Lan Xang (Vạn Tượng). Vương quốc Lan Xang vào thời đó là một
quốc gia thịnh vượng nhờ nằm ở vị trí thuận lợi trên Con Đường Tơ Lụa,
và là một trung tâm Phật giáo rất phát triển trong vùng. Năm 1560, nhà
vua Setthathirath dời kinh đô về Vientiane, và thủ đô được giữ ở đó
cho đến ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, Xien Dong Xien Thong được đổi
tên thành Luang Prabang. Luang Prabang được đặt theo tên của một bức
tượng nổi tiếng của Đức Phật có tên là Phra Bang (Phật Vô Úy), được
đem từ Campuchia về Lan Xang trước đó vào năm 1359. Tượng tạc Phật
trong tư thế đứng thẳng, với hai lòng bàn tay đưa ra phía trước trong
thế thí vô úy ấn (abhaya mudra). Thế bắt ấn nầy nhằm xua đuổi
(dispell) hết tất cả các sự sợ hãi lo buồn vô minh để hành giả thành
tựu vô lượng tri kiến, trí tuệ cùng vô sở úy, và sớm đến bờ giác.
Tượng được đúc bằng hợp kim vàng, bạc và đồng. Có truyền thuyết cho
rằng tượng được đúc tại Tích Lan, vào khoảng các thế kỷ thứ nhất đến
thế kỷ thứ 9. Nhưng các nét mặt rõ ràng cho thấy tượng được đúc trễ
hơn nhiều, mãi về sau nữa, dưới ảnh hưởng nghệ thuật Khmer. Năm 1707,
vương quốc Lan Xang bị tan rã thành nhiều vương quốc nhỏ. Luang
Prabang trở thành kinh đô của vương quốc Luang Prabang. Khi quân Pháp
sang đô hộ Lào năm 1893, họ đặt toàn xứ Lào dưới quyền bảo hộ của Pháp
và đặt nền tảng cai trị ở Luang Prabang. Khi Lào được trao trả độc lập
năm 1953, vua Sisavang Vong của Luang Prabang trở thành vua của toàn
vương quốc Lào.
Dân số trong thành phố hiện nay vào khoảng 103.000 người.
Đoàn chúng tôi đến Luang Prabang trên một chuyến bay của hãng hàng
không Lào. Đó là một loại máy bay có hai động cơ cánh quạt được xử
dụng rất nhiều cho các chuyến bay gần ở trong vùng. Phi cơ còn rất
mới, rông rãi, và đầy đủ tiện nghi. Mặc dầu chuyến bay chỉ dài hơn một
tiếng đồng hồ, hành khách cũng được cung cấp thực phẩm và nước uống
đầy đủ. Hai cô tiếp viên còn trẻ và khá xinh, đối xử với khách một
cách lịch thiệp và thân thiện. Trong chuyến đi nầy chúng tôi đã di
chuyển nhiều lần trên các loại máy bay hai chong chóng nầy, của các
công ty khác nhau như Air Bangkok, Laos Airlines, Air Mandalay, Air
Yangon v.v… Hầu hết các tiếp viên của họ là những cô gái trẻ và duyên
dáng, gọn gàng trong lối phục sức cổ truyền của nước họ, và nói tiếng
Anh khá giỏi với lối phát âm rất chuẩn. Từ trên máy bay nhìn xuống,
khách chỉ thấy một vùng đất rộng mênh mông bên dưới, hoàn toàn bao phủ
bằng rừng và núi, không xóm làng, không có nhà dân, không đường sá.
Khi gần đến Luang Prabang mới nhìn thấy được dòng sông Mekong với nước
phù sa đục ngàu, và nhà dân thưa thớt ở hai bên. Và cuối cùng là …
Luang Prabang. Có thật không nhỉ, thủ phủ của một vương quốc giàu mạnh
ngày xưa mà như thế nầy ư? Nhân loại đang ở thế kỷ thứ 21, mà một
thành phố với dân số trên 100 ngàn người, từ trên máy bay nhìn xuống
không có lấy được một cao ốc. Chỉ toàn nhà thấp, nằm thưa thớt giữa
các khóm dừa và khóm chuối xanh mướt.
Được đưa ra đón chúng tôi là một cái xe bus cũ kỹ thuộc loại xe đò
được sử dụng mấy chục năm về trước. Hành lý một ít được chất lên mui
xe, số còn lại được chuyền qua cửa sổ để chất lên các hàng ghế phía
sau không ai ngồi. Con đường dẫn từ phi trường về khách sạn khá dài,
có nhiều đoạn chưa tráng nhựa nên lồi lõm và khá dằn xóc. Hai bên
đường là những căn nhà trệt của dân chúng, những khu chợ nhỏ, một trại
lính… Khi xe chạy ngang, bụi đường bay lên cao, tạo thành một đám mây
xám bao phủ toàn bộ các căn nhà, và chợ búa mà xe để lại đằng sau.
Khách sạn chúng tôi đến ở tạm trong hai đêm ở Luang Prabang là một
khách sạn hai tầng nằm trên một con đường nhỏ im lìm, với lối kiến
trúc hòa hợp cũ và mới tạo nên một sắc thái thanh nhã đặc biệt của
thành phố nầy. Các phòng ốc bên trong sạch sẽ và có những tiện nghi
tối thiểu. Sàn làm bằng những nẹp gỗ lớn và dày, đóng sát lại với
nhau, và được bôi lên một lớp vernis bóng láng. Tường cũng đóng bằng
gỗ, và lẽ dĩ nhiên bàn ghế cũng bằng gỗ, nên căn phòng trông tối hơn
và nặng nề. Trần khá cao, và căn phòng tương đối lớn, nên ba ngọn đèn
ống nhỏ (néon) không đủ để soi sáng cả phòng. Cửa sổ lớn đóng kín
không nhìn ra ngoài được lại càng tạo thêm cái không khí ngột ngạt tù
túng. Khách sạn không có một phương tiện giải trí nào khác, ngoài căn
phòng tiền sảnh với vài cái ghế và một ít sách báo. Ngoài đường thỉnh
thoảng mới có một chiếc xe hơi hoặc xe tuk tuk chạy ngang. Khách có
cảm tưởng mình đang sống ở một phố huyện hơn là một phố tỉnh lỵ với
một quá khứ huy hoàng…
Chợ đêm ở Luang Prabang
Chợ đêm nằm trên một con đường nhỏ, không xa trung tâm thành phố bao
nhiêu. Lòng đường xe chạy được chiếm hoàn toàn để nhóm chợ. Chợ gồm
hai dãy gian hàng với một lối đi hẹp ở giữa. Hàng hóa được bày trên
những tấm chiếu trải trên mặt đường, và khách phải khom mình xuống
hoặc ngồi chòm hõm hay quỳ gối dưới đất khi chọn hàng và mặc cả giá
tiền. Mái của gian hàng là những tấm bạt bằng vải màu đỏ. Ánh sáng
được cung cấp bởi những bóng đèn điện treo trên những cọc tre, tạo ra
một vẻ ấm cúng. Hàng bán ở đây hầu hết là tạp hóa, thiên nhiều về các
món đồ lưu niệm dành cho du khách. Chợ khá dài, chiếm gần hai khu phố.
Đi mua sắm tại đây, khách có thể trả bằng các đơn vị tiền kip của Lào,
tiền baht của Thái hay tiền đô la Mỹ.
*Chợ đêm ở Luang Prabang (hình internet)
*Chả giò , thịt nướng, xúc xích trông hấp dẫn
Phía bên tay trái của “chợ” là những cửa hiệu nằm trên đường phố, có
lối dành cho người đi bộ. Ở phía bên trái nầy là chợ thức ăn, với
ngoài mặt tiền có những tiệm bán nước sinh tố, chè, bánh mì, một ít
trái cây tươi. Trong hai con đường hẽm lớn nằm trên con đường nầy có
rất nhiều quán cơm bình dân bán đủ loại thức ăn đã nấu chín để ăn
chung với cơm như thịt nướng, chả giò chiên vàng và có vẻ dòn rụm, cá
nướng nguyên con, đồ xào, canh, cà ri, heo gà vịt quay, v.v… tạo nên
một không khí nhộn nhịp lạ thường, với kẻ bán người mua trông ai cũng
có vẻ bận rôn. Thực khách ngồi ở những chiếc bàn thấp kê sát tường ăn
uống rất thoải mái. Một số người đến đây mua thức ăn đem về nhà ăn.
Mùi thịt nướng, mùi chiên xào, khói cá nướng quyện vào với nhau tạo
thành một mùi hương rất quyến rủ và mời mọc, nhất là đối với những ai
bụng đang cồn cào vì đói. Tôi để ý thấy hầu hết du khách Âu Mỹ thường
đi viếng chợ “chòm hõm” nhóm trên lòng đường để mua các đồ lưu niệm.
Chỉ có một số ít len lỏi vào chợ bán thức ăn để chụp hình sinh hoạt
đặc biệt ở đây.
Cúng dường cho các sư đi khất thực.
Đối với tôi, ngay cả trước khi đến đây, ấn tượng tiêu biểu nhất về
Luang Prabang là tấm hình được đăng trên báo National Geographic chụp
các nhà sư đi khất thực trên đường phố vào lúc sáng sớm khi sương mù
còn chưa tan. Anh trưởng đoàn đề nghị mọi người không nên thức khuya,
vì sáng hôm sau phải dậy sớm để đi xem và tham dự nếu muốn, vào việc
cúng dường cho các sư. Quả là một đề nghị rất hợp lý, vì như đã
nói ở trên, khách sạn không có một phương tiện giải trí nào khác ngoài
việc xuống tiền sảnh ngồi nói chuyện, hoặc nằm trong phòng coi ti-vi,
với một số kênh hạn chế và hình ảnh không rõ. Đó là chưa nói đến
chuyện không hiểu tiếng nói, vì bất đồng ngôn ngữ. Không có wi-fi nên
không lên mạng đọc báo, gởi điện thư, hay vào youtube được…
Bố thí ba la mật là một trong sáu pháp môn của Phật gia (lục độ) giúp
cho người hành đạo phát triển tâm từ bi để độ cho mình và độ cho người
khác sớm đến bờ giác ngộ. Bố thí, theo nghĩa hiểu thông thường, thì
tất cả những ai có đủ từ tâm để giúp đỡ người khác đều có hạnh nầy. Bố
là khắp nơi, thí là cho, và ba la mật có nghĩa là bờ bên kia, hay bờ
giác ngộ.Trong bố thí ba la mật có ba phần. Tài thí là đem cho những
vật sở hữu của mình như tiền của, thức ăn, công sức, v.v… hoặc vật
trân quí nhất là mạng sống của người cho (nội tài). Pháp thí là dùng
lời hay để đưa người đi lầm đường về với chánh đạo, hay truyền dạy cho
họ giáo pháp của đức Phật. Vô úy thí là giúp hoặc làm cho người khác
hết sợ. Từ thời ăn lông ở lỗ cho đến thời hiện đại, đời sống con người
bị chi phối nặng nề bởi hàng chục nỗi lo sợ. Trẻ nhỏ có nỗi sợ của trẻ
nhỏ. Người lớn có những nỗi sợ riêng của mình. Sợ lão, bệnh, tử, thiên
tai bão lụt, mất tiền của, mất công việc làm ăn, sợ tai nạn, v.v…
Trong sách của Krishnamurti cũng có nói đến những nỗi sợ nầy…
Đúng 5:00 sáng, điện thoại trong từng phòng gọi mấy người trong đoàn
dậy. Đến 5:30AM, mọi người tập họp ở tiền sảnh để chờ đi. Ngoài trời
hãy còn rất tối và đầy sương mù. Một em bé gái co ro trong cái lạnh về
sáng, gánh hai thúng lớn đựng các lóng tre chứa xôi trắng nấu với đậu
đen (cơm lam) đem vào bán. Cơm lam là một loại xôi nếp được nướng
trong ống tre. Sau khi cơm chín, phần vỏ tre cứng bên ngoài được tước
bỏ đi, chỉ còn lại một phần vỏ mỏng và mềm. Hai lóng tre một đô la Mỹ.
Trông thấy em tội nghiệp, nhiều người bỏ tiền mua mà không cần mặc cả.
Vào khoảng 5:45AM, ba chiếc xe tuk tuk đã chờ sẵn ngoài lề đường trước
mặt khách sạn. Ở Thái Lan và ở Lào, xe tuk tuk (được gọi như vậy vì
tiếng túc túc của máy nổ) nhìn tương tợ như xe Lambro (xe Lam) ngày
xưa ở Sàigòn.
*Các sư đi khất thực ở Luang Prabang
Họ đi theo từng đoàn rời nhau, sắp thành hàng một, với bộ y màu cam
đậm hở vai phải, và cánh tay phải cũng để trần; đai thắt lưng bản lớn
bằng vải vàng, chân đi đất không giày dép, và bình bát được đeo ở vai
phải. Họ đi trong im lặng, mắt nhìn về phía trước, và chỉ đứng lại khi
có thí chủ muốn cúng dường. Họ dùng tay mặt để mở nắp bình bát, và sau
khi nhận xong tặng phẩm, đậy nắp lại rồi rảo nhanh theo lưng vị sư đi
trước. Họ đi có trật tự, với tốc độ không nhanh nhưng cũng không chậm.
Việc nhận được nhiều hay ít tặng phẩm không phải là một vấn đề, vì khi
trở lại chùa của họ, trong bữa ăn chính ngọ, tất cả các thức ăn được
chia phát đều cho mọi người. Đối với các vị chân tu, chuyện ăn uống
chỉ là một nhu cầu cần thiết để sống. Sau bữa cơm trưa, họ phải nhịn
đói cho đến sáng sớm ngày hôm sau, mới được ăn lại. Trong các đoàn sư
cũng có vài chú sãi, hình như chưa quen với nếp sống nầy, nên mặt vẫn
còn đôi chút bỡ ngỡ và mắc cỡ. Các du khách được khuyến cáo nên giữ im
lặng, tránh nhìn thẳng vào mặt các sư để tỏ lòng kính trọng, và nên
tránh đứng chụp hình với họ, vì như vậy sẽ cản trở đường đi. Hết đoàn
sư nầy đến đoàn sư khác lần lượt đi ngang chỗ chúng tôi đứng. Sau khi
phát hết thức ăn, các thí chủ trong đoàn có thể ra mua thêm xôi để vào
phát tiếp, hoặc bước xuống lòng đường để chụp hình quang cảnh lạ mắt
nầy. Các sư sãi tiếp tục đi thẳng trên con đường nầy thêm vài khu phố
nữa, cho đến khi không còn thí chủ đứng bên đường cúng dường nữa. Khi
bóng dáng vị sư cuối cùng khuất dần sau một thân cây ở dãy phố bên
trên, đám du khách và thí chủ cũng bắt đầu giải tán. Mặt trời cũng vừa
ló dạng từ đằng sau các lùm cây. Một ngày mới đã bắt đầu.
Thạch động Pak Ou
Cách Luang Prabang 25 km đi về thượng nguồn sông Mekong, có một thạch
động đá vôi nổi tiếng ở vùng nầy, có tên là Pak Ou. Pak Ou trong tiếng
Lào có nghĩa là cửa sông Ou và đây cũng là nơi gặp gỡ giữa hai dòng
sông Mekong và sông Ou. Từ Luang Prabang đi bằng đường thủy phải mất
gần hai giờ đồng hồ bằng thuyền máy vì phải đi ngược dòng. Có một bãi
cát nhỏ và ngắn nằm ven sông được dùng làm bến đổ của các thuyền du
lịch. Vì bãi cát rất hẹp, nên các thuyền, sau khi thả khách xuống,
phải dang ra xa, rồi cặp song song với các thuyền khác, đậu chờ khách
của mình trở lại thuyền sau khi thăm động.
Chúng tôi xuống thuyền ở Luang Prabang vào một buổi sáng sớm, dưới một
bầu trời âm u như muốn đe dọa đổ mưa bất cứ lúc nào. Từ mặt đường cái,
nơi xe minibus thả chúng tôi xuống, khách phải đi bộ xuống bến đò bằng
một con đường nhỏ có độ nghiêng cao. Những chiếc thuyền du lịch đậu
dài ở mé sông chờ khách.Vì mùa nầy không phải là mùa cao điểm của du
lịch, nên số thuyền trống vắng khách khá nhiều. Đây là những con
thuyền dài và hẹp bề ngang dùng để di chuyển trên sông. Hai bên mạn
thuyền được sơn màu xanh và đỏ trông lạ mắt. Thuyền có mái che, với
những khoang cửa sổ rộng và cao, để khách có một tầm nhìn phóng khoáng
từ trong thuyền nhìn ra. Thuyền có nhiều cỡ, tùy theo nhu cầu của
khách du lịch. Chiếc thuyền chúng tôi bước xuống có thể chứa 40-50
người dễ dàng. Vì nhóm chúng tôi chỉ 22 người (tính cả hướng dẫn viên
địa phương), nên còn dư rất nhiều chỗ trống. Khoang thuyền khá rộng. Ở
phía trước là một buồng lái nhỏ, tiếp đến là nhiều dãy ghế ngồi. Ở
phía sau có một cái bàn nhỏ, một quầy bán nước ngọt, cà phê và snacks;
và đằng sau cùng là khu sinh hoạt riêng của gia đình người tài công.
Người tài công, và cũng có thể là chủ thuyền, là một người đàn ông
trung niên mặt mày phúc hậu. Người phụ tá là một cậu thiếu niên khoảng
14-15 tuổi, không chừng là con trai của anh, trông đạo mạo và chững
chạc so với số tuổi. Tài công cầm lái khi thuyền xuất bến, lúc thuyện
cập bến, và ở những đoạn sông có nhiều đá ngầm. Ở những đoạn dễ lái,
tài công giao cho “phụ tá” lái, và anh đứng bên cạnh để chỉ dạy thêm.
Họ hoàn toàn im lặng, không nói với nhau một lời. Chú bé đăm chiêu,
mắt nhìn ra phía trước, nghiêm nghị và đạo mạo trong vai trò lái
thuyền của mình. Chị vợ của tài công thỉnh thoảng xuất hiện, khi có
người cần mua cà phê, nhưng đa số thời gian, chị ở phần cuối thuyền,
không lộ diện.
Cảnh vật hai bên bờ sông rất đẹp, nhưng vì trời âm u, nên cũng mất bớt
nhiều vẻ hấp dẫn của nó. Vì mặt nước thấp hơn mặt đất nhiều, nên thỉnh
thoảng mới thấy được một ít làng xóm ở bên trên. Sinh hoạt trên sông
có lẽ lúc bình thường cũng không có gì nhộn nhịp lắm. Một vài thuyền
du lịch chạy ngược xuôi, một ít thuyền của cư dân trong vùng chở hàng
hóa, một hai chiếc tàu khách sạn (hotel boat) đang di chuyển thật chậm
gần Luang Prabang. Ra khỏi vùng phố thị Luang Prabang, thiên nhiên trở
về với tất cả vẻ đẹp hào hùng của nó. Những núi thấp ở xa xa ẩn hiện
qua màn sương, những rừng cây hoang dã dọc theo bờ sông, một vài phụ
nữ giặt áo quần bên sông, một ít thuyền câu đang thả lưới bắt cá, hoặc
một vài đứa trẻ nô đùa trên bãi cát gần bờ… Khách nên tìm một góc
thuyền vắng người, ngồi tách riêng để im lặng thưởng thức tất cả những
vẻ đẹp đó, và thả hồn theo mộng. Theo thiển ý của tôi, nếu đầu óc cứ
phải bận rộn với việc chụp hình và quay video, thì khách sẽ khó lòng
có thì giờ riêng tư cho mình để hòa nhập với phong cảnh và thiên nhiên
chung quanh mình.
Ở những đoạn sông an toàn, thuyền chạy thật nhanh, và gió lạnh từ
những khoang cửa sổ mở rộng, ập vào. Một số người trong đoàn đứng dậy
đi lui tới cho bớt lạnh. Đi được nửa đường, sau gần cả tiếng đồng hồ,
thì mặt trời bắt đầu ló dạng. Quang cảnh hai bên bờ bỗng sáng và ấm
cúng hẳn lên. Núi non trông hùng vĩ hơn, và các rừng cây trông cũng
tươi mát hơn.
Khi thuyền cập bến ở dưới chân động Pak Ou, thì trời nắng sáng hẳn.
Đường lên động hẹp, và độ dốc hơi đứng, nên khó trèo một chút. Động
đầu tiên mà khách đến viếng là động dưới (Tham Ting). Trên đường lên
động dưới, có một đường nhỏ khác nằm mé trái, dẫn lên động trên (Tham
Theung). Con đường bên trái nầy thoạt đầu đi xuống, rồi sau đó bọc
triền núi để đi lên khá cao, với khoảng trên 200 bậc cấp được đẽo hoặc
xây theo thế núi. Ở trong hai hang động nầy có chứa gần 4000 tượng
Phật bằng gỗ, đá, đồng, hay thạch cao. Có tượng đã cổ trên mấy trăm
năm, với đủ loại hình dạng (trong các tư thế nằm, ngồi, đứng) và đủ
kích thước. Các tượng gỗ có cái đã mục nát theo thời gian. Các tượng
nầy được người dân Luang Prabang chèo thuyền đang đêm, đem đến đây cất
giấu, mỗi khi kinh đô bị chiến tranh tàn phá hay bị ngoại xâm. Thời
còn vua chúa dạo trước, các quân vương thường đến đây dâng hương vào
dịp Tết té nước (Pimay) của người Lào, và ở lại qua đêm ở một bản gần
đó. Trong dịp nầy, các Phật tử ở những vùng lân cận cũng ngược xuôi
sông Mekong kéo đến đây hành lễ.
*Lối vào động dưới Tham Ting ở Pak Ou
Động dưới tương đối nông, có cửa hang rộng lớn và nằm sát mặt núi nên
ánh sáng mặt trời rọi vào dễ dàng. Có cả trăm, cả ngàn tượng Phật được
sắp trên các kệ gỗ hoặc các thềm đá không theo một thứ tự nhất định,
tạo nên một không khí vừa trang nghiêm, vừa hỗn loạn. Đáng kính phục
là lòng tín ngưỡng của những chủ nhân các bức tượng nầy, đã bỏ công
chèo thuyền, đem các vật sở hữu mà họ rất trân quí đó đến cất giấu
trong các hang động nầy, chứ không để chúng rơi vào tay giặc. Trong
hang có đủ ánh sáng nên chụp hình khá dễ dàng. Trên đường lên động
trên, có một vài em bé bán đồ lưu niệm. Tôi đọc đâu đó, đoạn đường nầy
có những em khác bán những lồng chim nhỏ, với chỉ một con chim bên
trong, bán để người mua phóng sanh. Động trên nằm sâu hơn trong lòng
núi nên rất tối tăm. Chúng tôi có đem theo một đèn pin, nhưng điện
yếu, không thấy được nhiều. Phải dò dẫm đi trong bóng tối, và dùng đèn
flash của máy chụp hình để định hướng. Số tượng được cất giấu trong
động trên nầy, theo thẩm định chủ quan của tôi, không nhiều bằng ở
động dưới. Dĩ nhiên đây là một ước lượng thiếu sót và có thể đầy sai
lầm, vì động thì sâu mà tầm nhìn của chúng tôi lại quá hạn chế trong
bóng tối…
Trên đường về, vì đi xuôi dòng, thuyền chạy nhanh hơn nhiều, và chỉ
chừng hơn một tiếng đồng hồ sau đó là chúng tôi đã về lại Luang
Prabang.
Ban Xang Hai, hay Làng Gốm
Trên đường đi hang động Pak Ou, có một bản nằm dọc sông Mekong, ở phía
bên tay phải, mà hầu hết các du khách đi thăm viếng động đều được dẫn
đến đây. Làng nầy ngày xưa nổi tiếng về đồ gốm, nên còn được gọi là
Làng Gốm. Hiện nay gốm không còn được sản xuất ở đây. Bây giờ làng nầy
nổi tiếng nhờ nghiệp vụ nấu và cất rượu mạnh làm từ gạo, có tên là Lao
Lao. Dụng cụ nấu rượu hãy còn thô sơ, với rượu được nấu bằng củi than,
trong những thùng phuy bằng sắt có chỗ đã rỉ sét đặt trên mấy viên
gạch kê dưới đất. Sau đó rượu được chiết ra bằng một ống sắt nhỏ chảy
vào một bình chứa bằng đất nung, có một lớp vải hoặc giấy ở trên
miệng bình để lọc chất cặn. Nước trên mặt thùng phuy trông đục ngàu
bẩn thỉu. Rượu rất mạnh, nghe nói có nồng độ đến 50%, có thể đốt cháy
được lục phủ ngũ tạng của bất cứ khách giang hồ nào có gan muốn uống
thử! Mà rượu Lao Lao nầy nào phải là rượu đế bình thường. Đặc sản của
bản nầy là rượu rắn, và rượu độc vật như bò cạp, rết…Các độc vật nầy
to lớn dị thường, hẳn phải làm Bắc Cái Hồng Thất Công ganh tị, vì
những con rết của ông bắt được trên núi tuyết biết đâu nhỏ hơn, hay
cũng chỉ lớn đến cỡ nầy là cùng? Làng nầy do đó còn có tên độc đáo là
Whisky Village. Khách vừa từ dưới thuyền leo một con dốc ngược lên đến
bản là trông thấy ngay ở hai bên đường, nhiều quầy bán nhiều chai rượu
đủ cỡ và đủ hình dáng. Bên trong mỗi chai là một con rắn, rết, hay bò
cạp khổng lồ. Rắn cũng có nhiều loại, mà tôi chẳng biết phân biệt
giống nào với loại nào.
Rượu Lao Lao rắn, rết, bò cạp (và các độc vật khác) ở Ban Xang Hai
Ngoài các sinh vật trên, trong chai rượu còn có thêm nhân sâm, hoặc
một vài loại dược thảo khác. Người bán không quên nhấn mạnh đến các
dược tính đặc biệt của loại rượu nầy như bồi dương, bổ âm, ông uống bà
mừng, v.v… Một vài quầy có cho uống thử hay bán từng cốc nhỏ cho kẻ
nào nhiều can đảm thích của lạ.
Ngoài việc sản xuất rượu, dân làng còn dệt tơ lụa, và làm giấy Sa, một
loại giấy lấy từ gỗ cây dâu tằm. Đa số lượng giấy sản xuất ở đây được
chở xuống bán ở Luang Prabang. Vì lý do đó, làng nầy cò có tên là Xang
Khong Posa, hay là Làng Giấy. Bản nầy khá rộng, với nhiều con đường
làng dọc ngang. Những con đường gần bờ sông được dùng vào việc thương
mại. Dọc theo và ở hai bên những con đường nầy, đầy rẫy các gian hàng
rượu, các quán nhỏ bán các sản phẩm bằng tơ lụa, hay những vật dụng
làm bằng giấy Sa như lồng đèn, quạt giấy, album đựng hình, dù, giấy
viết, đồ chụp đèn, v.v.., và những quán bán đủ loại quà lưu niệm khác
dành cho du khách. Các người bán hàng ở đây, rất hiền lành và không
níu kéo hay làm phiền hoặc làm dữ với du khách như ở một vài quốc gia
khác.
Nếu khách chịu khó rảo bước sâu hơn một chút vào bên trong làng, thì
sẽ được thấy phần nào nếp sống của người dân ở đây, với các đền chùa,
các trang miếu thờ một thần khỉ có mặt người, hay thờ một ẩn sĩ ngồi
dưới gốc cây đa, v.v… Khách cũng có thể nhìn thấy những quày chuối
nặng trĩu trái, những khóm tre, một vài căn nhà tranh ẩn hiện sau các
lùm cây…
Wat Xieng Thong
Đây là một trong những đền chùa quan trọng nhất của nước Lào. Chùa nằm
bên sông Mekong, nơi gặp gỡ giữa hai dòng sông Mekong và Nam Khan. Wat
là đền thờ, và Xieng Thong là thành phố vàng, do đó có thể dịch là
ngôi đền thờ ở thành phố vàng (Luang Prabang). Chùa được xây từ năm
1560, dưới triều vua Settathirath (1548-1571). Rất nhiều vị vua đã làm
lễ đăng quang tại chùa nầy. Năm 1887 thành phố Luang Prabang bị giặc
Cờ Đen đánh phá, nhưng ngôi đền nầy may mắn không bị phá hủy, vì thủ
lãnh giặc Cờ Đen, Deo Van Tri, trước đó có thời đã đi tu ở đây, và đến
khi đánh chiếm thành phố, đã dùng đền nầy làm đại bản doanh của hắn.
Trước năm 1975, đây là một ngôi chùa hoàng gia, do các vua bảo trợ.
Đền Wat Xieng Thong, Luang Prabang
Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với bao nhiêu chiến tranh tàn
khốc, thời gian và sự bỏ phế của con người, đền thờ đã bị hư hại
nhiều. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhiều nhất vào các thập kỷ 50
và 60 của thế kỷ XX, tạo nên các vẻ đẹp mà chúng ta thấy hiện nay.
Trong khuôn viên của chùa, còn có một quần thể gồm hơn 20 kiến trúc
khác như điện thờ, phù đồ, nơi ăn ở của chư tăng, và biết bao nhiêu
cây, hoa, cỏ khác tạo thêm một vẻ đẹp tươi mát, hiền hòa và quyến rũ
đặc biệt cho ngôi đền nầy.
Viện bảo tàng cung điện hoàng gia Lào
Trong thời gian Pháp cai trị Lào, cung điện hoàng gia (Haw Kham) được
xây cất cho vua Sisavang Vong từ năm 1904 đến 1909. Địa điểm được chọn
ngay cạnh bờ sông Mekong, để các khách khứa chính thức đến triều kiến
vua bằng đường sông có thể tắp thuyền vào tầng dưới, rồi đi thẳng vào
phòng tiếp tân. Sau khi vua Sisavang Vong chết vào năm 1959, con trai
ông, thái tử Savang Vatthana lên kế nghiệp, và sống trong cung nầy cho
đến năm 1975. Cung điện nầy sau đó được biến thành viện bảo tàng hoàng
gia Lào.
Phía bên trái của phòng đại sảnh là phòng thư ký nhà vua. Nơi đây được
trưng bày các tặng vật của các nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới
tặng cho vua Lào. Các phẩm vật được chia ra thành 2 nhóm có ghi rõ “xã
hội” hay “tư bản”, tùy theo thể chế chánh trị của quốc gia đã dâng
tặng.Tận cùng về bên trái của cung điện là phòng tiếp tân của hoàng
hậu. Các tranh chân dung của vua Savang Vatthana, hoàng hậu Khamphoui,
và thái tử Vong Savang do họa sĩ Glazounov vẽ năm 1967 được treo ở đó.
Chào anh Đỗ Đặng Võ
Một bài ký sự hay quá . Đọc bài viết anh muốn đi Lào một chuyến xem sao!
Chưa đi Lào nhưng nghe các bạn đi về nói ở Lào ít xảy ra nạn
cướp giật.
Có lẽ vì thế khách du lịch thích đến Lào hơn là đến VN.
Ở Lào chắc không có nạn sư giả danh.
Qua bài viết của tác giả thấy đât nước Lào thanh bình như một câu ca dao, có đúng vậy không ?
He he đi chơi nhiều nước sướng gốm .
Chào chị Bích Vân,
Chào chị Quốc Tuyên(Tôi nợ Chị một lời xin lỗi.Trong phần phản hồi bài Thái Lan, vì không biết trước, nên tôi vô tình gọi bằng Anh. Mong Chị đừng giận hí?)
Chào quý Anh Chị,
Đoàn tụi tui chỉ ở Lào chưa tới 2 ngày, nên ngoài một phần nhỏ của Luang Prabang ra, không biết gì nhiều. Đồng ý với Qua Đường và Hương, những người Lào mà chúng tôi được tiếp xúc, rất hiền.
Hy vọng quý AC có dịp đi Lào một chuyến. Phong cảnh bây giờ còn rất đẹp. Mai kia, chỗ nào cũng mọc KS 4-5 sao, có lẽ sự hấp dẫn cũng bớt đi phần nào.
Trời! hai ngày du lịch mà có một kí sự để đời. Bái phục tác giả.
Khách đến viếng viện bảo tàng phải tháo giày bỏ bên hông trái của cung điện, và gởi tất cả xách tay và túi đeo vai, máy hình và máy quay phim vào trong một ngăn tủ có khóa trước khi bước vào bên trong. Ở bên trong cung điện cấm chụp hình và quay phim.
Cám ơn bài ký sự rát có giá trị của anh Đỗ Đặng Võ. Làm TT nhớ ở Đà Lạt khi vào dinh vua Bảo Đại cũng phải bỏ giầy dép ở ngoài, nhưng trong ding người ta vẫn cho quay phim và chụp hình.