Trong đời tôi, tôi đã nghe kể lại hay chính tôi đã mục kích rất nhiều
chuyện nho nhỏ, những chuyện tầm thường không có gì “éo le gút mắt”
hết, những chuyện mà tôi cho là có nghe qua hay thấy qua rồi bỏ cũng
không sao.
Vì vậy, tôi coi thường những chuyện nho nhỏ.
Gần đây, một chuyện nho nhỏ xảy đến cho tôi đã làm tôi suy nghĩ. Thì
ra chuyện nho nhỏ có khi chứa đựng một bài học lớn mà con người không
để ý,
Vì chỉ quen nhìn những chuyện lớn, những chuyện “đập vào mắt”, xưa nay…
Rồi tôi tẳn mẳn ngồi nhớ lại từng chuyện nho nhỏ, để thấy mỗi chuyện
là một nét chấm phá của cuộc đời, có chuyện còn mang vài ẩn dụ để con
người suy gẫm.
Vậy là tôi lần mò viết lại, không cần thứ tự lớp lang, không cần chọn
lựa loại chuyện này hay loại chuyện nọ.
Mời các bạn cùng tôi đi lần vào những chuyện nho nhỏ này để cảm nhận
thi vị của cuộc sống đang nằm đầy ở trong đó, và nó thật là gần gũi
với mình như hơi thở như nhịp tim …
BÀ ĐẦM GIÀ VÀ ANH VIỆT NAM
Chuyện xảy ra ở ngoại ô Paris (Pháp)
Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi
tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi:
– Xin lỗi! Ông là người Tàu hay người Việt Nam?
Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời:
– Tôi là người Việt Nam.
Ông ta mừng rỡ:
– Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không?
Tôi càng ngạc nhiên thêm:
– Không! Tôi không có đỡ ai hết!
Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào
thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy
đồ.. …Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tổn nói;
– Ông yên tâm! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người
Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông.
– Vậy à!
Nhưng mà tôi nói thật: hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không
thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không?
– Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết.
Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe…
Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là
ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có
bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té
Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi
bỏ đi luôn.
Một người đàn ông Á đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà
đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao
không?
Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được,
chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó. Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại
cập tay bà nói để dìu bà về.
Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả
lời rằng mình là người Việt Nam.
Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam
vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ
thương …
Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa
đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn
ông, ông ở đâu?
Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng
đivà về bằng ngã này.
Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà
cụ có thật sự đi một mình được không!
Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói: “Chúa
ơi! Tao quên nói cám ơn ông ta!”.
Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á
đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”,
tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua!
Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện
cảm, nói: “Cám ơn!”.
Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám
ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam” …
NÓI: HẾT RỒI !
Một ông bạn ở Paris cho tôi uống một thứ trà Tàu đặc biệt ổng đem từ bên Mỹ về.
Ổng cầm cái hộp vuông màu xanh ve chai đưa lên khoe: “Trà này bên nây
chưa có. Nó tên là Trà Vương. Hộp 150 gr này tôi mua bên Mỹ giá là $15
đó!”.
Trà ngon thiệt! Vị ngọt phớt chớ không đắng hay chát như loại trà Tàu
khác và nhứt là mùi thơm rất “vương giả” chớ không phải mùi lài hay
sói hay sen như thường thấy.
Uống cạn chén trà, hương trà còn đọng lại trong đáy chén phất lên mũi
gợi thèm mùi vị đặc biệt này!
Ông bạn tôi nói Trà Vương có nhiều số, nhưng số 103 là ngon nhứt !.Tôi
đã đi lùng sục ở Paris nhưng không thấy bán loại
Trà Vương này. Một hôm, đi với vợ tôi ở khu 13 chợ Tàu, tôi chợt thấy
một bà Á đông cầm một hộp vuông màu ve chai vừa quơ quơ ra dấu vừa nói
chuyện với hai bà khác cùng ngồi trên băng gỗ vỉa hè.
Tôi bước lại nhìn: thì ra đúng là hộp Trà Vương!
Mừng quá! Nghe mấy bà đó nói tiếng Việt Nam nên tôi hỏi ngay: “Phải
Trà Vương không bà?”.
Bả quay qua tôi, trả lời cụt ngủn: “Ờ! Mà hết rồi!”. Rồi quay về tiếp
tục nói chuyện với hai bà kia.
Tôi chen vào: “Xin lỗi! Bà mua ở đâu vậy?”. Lần này, không quay lại
nhìn tôi nhưng bả vẫn trả lời: “Mà tôi nói hết rồi!”.
Tôi không dám cười, sợ bả bị chạm tự ái. Tôi vẫn ôn tồn hỏi: “Dạ!
Nhưng xin bà làm ơn cho tôi biết bà mua ở đâu vậy?”
. Bả nhìn tôi, chắc coi tôi có… khùng không mà cứ lải nhải hỏi hoài.
Rồi bả cầm cái hộp lia lia về hướng phía dưới con đường một chiều:
“Dưới kia kìa”. Tiếp theo là bả gằn từng tiếng:
” Tôi-nói-hết-rồi!”.
Tôi cám ơn rồi kéo vợ tôi đi “mò” dài dài xuống “dưới kia kìa”, tiệm
nào cũng vô kiếm Trà Vương! Khi đi gần… rã chân thì vào một siêu thị
lớn. Họ nói: “Có!. Nhưng mà hết rồi!”.
Hỏi chừng nào có nữa, họ trả lời không biết!
Thì ra bà già hồi nãy nói đúng. Bả đã tốt bụng “nói cho thằng chả biết
là hết rồi để thằng chả khỏi phải lội xuống tuốt dưới kia xa thấy mồ
chớ bộ”!
Các bạn có thấy chuyện nhỏ này dễ thương không?
Bà già đó, cho dầu có lưu vong ở chân trời góc biển nào đi nữa, bà vẫn
giữ nguyên phong cách Việt Nam. Trân quí lắm, các bạn à !{jcomments on}
Hai chuyện nhỏ nhưng mà không nhỏ đều nói lên niềm tự hào về nhân cách đáng quý của người VN .
Đọc hết rôi!Sao còn muốn đọc tiếp!
Đọc hai mẩu chuyện nhỏ mà lòng thấy vui chi lạ, người VN mình dù ở đâu cũng thể hiện nhân cách thật đáng quý. Cám ơn nhà văn Tiểu Tử nhiều.
Cám ơn Tiểu Tử đã nói đúng những gì tôi từng “nghe và thấy tận mắt” phong cách của một số người (tôi nói một số người) Việt Nam ta vẫn còn giữ y nguyên cái phong cách khi còn ở quê nhà, không chịu thay đổi theo lối sống lịch sự, văn minh dầu đã sống ở những nước văn minh, có văn hóa nhiều năm mà vẫn giữ lối sống cũ, không thay đổi, không chịu học cái hay cái tốt của người khác. Người Việt Nam ta từng tự hào là một nước có văn hóa ngàn năm. Tôi nhớ trước đây, có đọc một bài tường thuật của một Linh Mục, Ông nói đi ra nước ngoài không dám xưng là người VN. Buồn lắm thay!!
Như tôi từng thấy ở nước ngoài, người ta có “văn hóa xếp hàng”, mọi người đi mua sắm hay chờ đợi môt việc gì đó, luôn đứng xếp hàng trước sau, có ông đầu đen, mũi tẹt đến thường chen lấn, dành chỗ đứng trước…ai cũng trố mắt nhìn, nhưng họ lịch sự không phản ứng và khi đi vào cửa không giữ cánh cửa cho người đi kế sau,buông cái rầm cũng may người đi sau tránh khỏi, không thôi bể đầu, gãy cổ. Sẽ có cảnh sát đến “làm việc”!. Bài học lịch sự nhỏ nhen như thế mà có nhiều người học hoài không thuộc ?? Vì thế không tiến bộ được. Buồn thêm nữa.
văn hóa xếp hàng rêu gặp hoài ở trong Siêu Thị, đôi khi chỉ biết thở dài…………..
Anh Song An Châu mến,
Tôi nghĩ vị Linh Mục trên phải tìm cơ hội để tự xưng mình là người VN mới phải, vì cái lịch-sự/hiểu-biết của ông ta sẽ cứu vớt phần nào cái không-lịch-sự/ít-hiểu-biết của “một số” đồng hương khác.
Hai câu chuyện nhỏ nhưng mà không nhỏ(KT), nếu người VN nào cũng giữ được nhân cách này thì hảnh diện cho người VN mình biết bao! Cám ơn nhà văn Tiểu Tử.
Đọc để yêu thêm tính cách cao quý của người VN dù rằng đôi khi cũng có ” con sâu làm rầu nồi canh “
Chuyện nho nhỏ hưng mang ý nghĩa lớn. Cảm ơn anh, sao lại là Tiểu tử?
Chuyện nho nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Cảm ơn anh, sao lại là Tiểu tử?
Tui thích đọc truyện Tiểu Tử cái chất giọng miệt vườn trong cả từng câu văn.
Bài “những chuyện nho nhỏ” của anh Tiểu Tử ý nhị lắm!