Tác giả: Võ Như Vũ
* Hình ảnh : Đào Hiếu
* Bài này đã đăng trên Đặc San CĐ-NTH 2008.
Nay được sửa đổi nội dung cho phù hợp với Hương Xưa.
Chân thành cám ơn tác giả .HX
“Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!”
Có lẽ Phạm Duy đã ít nhất “được” một lần chăn trâu nên mới biết điều
này. Quê tôi ít trâu, nhiều bò. Từ khi trí óc tôi vừa đủ khôn hơn
những con bò lanh nhất, tôi đã bắt đầu chăn đàn thú bốn chân này. Khi
đàn bò cặm cụi gặm cỏ, chúng tôi vui thú đốt lửa để lùi nướng mì
khoai, hoặc thảnh thơi ngâm mình vào lòng suối mát. Với tôi, chăn bò
thật sự là vui sướng!
“Vui sướng không quên học đâu”(?)
Cũng có lẽ Phạm Duy chưa một lần chăn trâu nên không biết đến:
“Vui sướng nên quên học hành. Nằm đồi non gió mát.
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, em …ngáy khò thật mau”
Tôi mà được “vui sướng” thì chuyện học hành không bao giờ tôi nhớ tới.
Tôi mà được nằm “đồi non gió mát” là tôi sẽ “khò” một giấc cho đến
hoàng hôn. Tôi đồng ý với “chăn trâu sướng lắm chứ” nhưng lại không
đồng ý với “vui sướng không quên học đâu”. Cái “đồng ý” và “không đồng
ý” với bài hát, đã nói lên một thằng tôi “ham thích chăn trâu, không
chăm học hành”. Ba tôi thường khuyên nhủ: “Hãy cố gắng học hành, đừng
để bị dốt!” Và hăm họa: “Nếu không học, mai sau chỉ có nước đi chăn
bò!” Khuyên nhủ, tôi cố gắng nghe lời. Hăm dọa, thật là vô hiệu vì tôi
đã đồng lòng với cụ Phạm Duy trong “chăn bò sướng lắm chứ!”
Với bản tánh “rong chơi, không học” này, tôi đã không ít làm phật lòng
thầy Cẩn, thầy Nhẫn, thầy Cung, thầy Giả và thầy Thọ, những vị giáo
viên đáng kính đã hết lòng dạy dỗ tôi tại ngôi trường làng yêu dấu.
Trường làng tôi là một dãy nhà gồm năm phòng chạy theo hướng Bắc Nam,
song song với con đường cái quan phía trước. Lớp Năm nằm cuối cùng
hướng Bắc, có lũy tre xanh làm hàng rào chia cách vài ngôi nhà tranh
của dân làng. Lớp Nhất cuối hướng Nam, tiếp giáp với Bệnh Xá của Xã
bằng một khoảng đất trống, vừa đủ rộng để lập nên hai sân bóng chuyền.
Phía trước là sân trường rộng lớn để chúng tôi tuôn ra chạy nhảy mỗi
khi nghe hồi trống “ra chơi”. Phía sau là đầm lúa, lác đác đây đó
những cù lao đầy tre xanh và cây dại, xa hơn nữa là những đồi cỏ cao,
làm chân đứng cho một ngọn Núi Bà chót vót. Cổng trường làng tôi có
hai cây phượng lớn. Trước mỗi lớp học có một giàn bông giấy xanh lá
sum suê, luôn đua nhau tạo nụ nở hoa, làm rực rỡ cả hiên trường.
Trường làng thật đẹp! Đẹp như làng tôi thời không khói lửa, có cây đa
to đã mấy trăm năm sừng sững trước sân miễu, có rãnh mương nhiều cá lơ
lửng “ngủ trưa” gần mặt nước trong những trưa hè, có suối nước trong
chảy róc rách làm mòn nhẵn những viên đá cuội đủ màu sắc, có màu xanh
ngút ngàn khi ruộng đồng còn non mạ và một màu vàng sẩm rì rào khi lúa
chín cho mùi thơm.
Hành trang tôi, của những buổi đến trường, không thể thiếu vài cuốn vở
với hình bìa tượng Nữ Thần Tự Do, cây viết với ngòi lá tre và một bình
mực tím. Tôi thường gói thêm vài viên mực làm “xơ-cua”, bỏ vào túi
trái của áo “sơ-mi” để đề phòng bình mực bị đổ bể khi chạy nhảy, như
đã xảy ra rất nhiều lần. Cũng vì vậy, chiếc áo nào của tôi cũng loang
màu mực tím. Vết mực tím nơi trái tim!
Suốt thời tiểu học, từ lớp Năm đến lớp Nhất, mỗi năm một lên lớp đã là
những thành tích vĩ đại của tôi. Không môn học nào tôi được xuất sắc,
ngoại trừ một lần duy nhất, thầy Phạm Giả đã làm cho cả lớp ngạc
nhiên. Thầy chọn bài “tập làm văn” tả “gà mái và bầy gà con” của tôi
làm bài mẫu để đọc cho cả lớp nghe. Tôi đã tốn biết bao thở ngắn thở
dài, hì hục nguệch ngoạc với nét chữ thật lớn để mau đầy hai trang
giấy, nên tôi biết rõ có rất nhiều gượng ép trong bài “tập làm văn”
không nhập đề, không thân bài cũng chẳng có kết luận này. Tôi nghĩ: nó
lấy được lòng thầy Giả có lẽ vì tôi đã nhớ đến Mẹ tôi mà nhân cách hóa
lòng hy sinh của con gà mái lúc tìm mồi và khi ấp ủ bảo vệ đàn con.
Tôi còn nghĩ thêm: Có lẽ thầy Giả đã chỉ muốn mượn bài “tập làm văn”
của tôi làm một cái cớ để cố tình giảng giải cho chúng tôi về cái bao
la lai láng của tình mẫu tử.
Bài Tập Làm Văn “hay” duy nhất của tôi chưa thể biến được tôi thành
một thằng hiếu học. Tôi vẫn nghĩ rằng “chăn bò là một bổn phận thiêng
liêng”, vì nếu ai cũng một lòng dùi mài đèn sách để được văn hay chữ
giỏi thì đàn bò đàn trâu kia còn ai để chăm sóc? Không có bò trâu, sao
có được đồng lúa non xanh rì? Không có đồng lúa xanh, sao nghe được
tiếng rì rào và ngửi được mùi thơm của lúa chín trong những ngày cận
mùa gặt hái? Không có lúa chín, Phạm Duy tìm đâu được nguồn cảm hứng
để viết lên bài nhạc có nhiều chữ nhiều lần lặp lại: “Mênh mông, mênh
mông sóng lúa mênh mông…Rung rinh rung rinh gánh lúa rung rinh…Gánh,
gánh, gánh thóc về, gánh thóc về. Gánh về! Gánh về!”? Không có thóc,
đào đâu ra gạo để tất cả gia đình Việt Nam được quây quần ngày ba bữa
bên nồi cơm trắng thơm tho? Và làm sao các anh chị bậc trung học được
hảnh diện khi học bài địa lý đề cao đến nông nghiệp: “Việt Nam mình là
một trong những quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu thế giới”?
Tôi khóc chào đời dưới mái tranh hiền, tập tĩnh bước đi trong gia đình
đầm ấm có Ba Mẹ và anh, em. Tôi chạy nhảy vui đùa dưới vùng trời quê
trong sáng và cắp sách đến trường cùng bạn bè ngây thơ chân thật như
Hồ Công Ảnh, Trầm Bố, Hồ Văn Định, Nguyễn Kế Đấu… Những ngày đầu đời
của tôi có cả từ những sáng tinh sương nắng hồng sáng lạng đến những
bình minh sương biếc mịt mờ, từ những giờ ngọ chói chang oi ả đến
những buổi trưa mưa dầm se lạnh, và từ những cuối chiều nhiều mây xám
ngắt đến những hoàng hôn hồng đỏ chân trời.
Tuổi thơ tôi được ôm ấp bỡi thiên nhiên, được gắn liền với ruộng lúa
và lũy tre xanh. Phổi non dại tôi được hít thở gió đồng nội dịu mát
trong lành. Tầm mắt ấu thơ được trải rộng trên một bức tranh màu sống
động, có những mái nhà tranh ấp ủ khói lam trước bữa cơm chiều, những
hàng cau cao đầy buồng, hàng dừa trĩu trái và đàn bò đủ màu: vàng,
đen, nâu, bét … Thiên nhiên đã cho chúng tôi một tuổi thơ thật bình an
êm ái, một tuổi thơ chất phác đầy hồn nhiên. Hồn nhiên để chỉ biết xôn
xao khi Xuân đến vì có bánh mức và rộn rã khi Hè về vì có thể tạm quên
đi bài vở để vui chơi. Hồn nhiên đến nỗi vẫn vui vẻ dưới trời Đông đầy
u ám mưa dài và hờ hững với cuối Thu ngập lá vàng rơi vì lòng chưa
biết bâng khuâng rạo rực.
Ngày đi, tháng đến, rồi năm qua.
Không để ý đã mấy mùa Thu chết trên cây sầu đông đầu xóm, nhưng tôi
biết luống cải của Mẹ tôi đã mười lần trổ bông dưới bầu trời đầy én
xuân bay lượn để đón Tết, cây đa sân miễu đã chín lần vang tiếng “ve
vui” dưới nắng vàng tươi để mừng Hạ và đã năm mùa khai giảng tôi phải
cắp sách đến trường, ngồi lớp học nhưng chỉ mong chờ hàng phượng chóng
đỏ và ve hè mau ca để tôi được thảnh thơi trở thành … mục tử.
Ngày tháng thanh bình an vui ngắn ngủi, đi thật mau chóng. Chúng tôi
đã phải tận mắt chứng kiến khói lửa của chiến tranh. Dấu xe tăng bắt
đầu in vết trên ruộng đồng. Đại bác bắt đầu tạo hố hầm nơi nương rẫy.
Dân làng tôi đã không buồn bã nhiều, khi nhìn thấy ruộng vườn bị tàn
phá, lại dễ dàng chấp nhận những hy sinh nhỏ phải có, để những đứa trẻ
như tôi khỏi phải tự dối lòng để phải ca lên những khúc suy tôn. Xin
cảm ơn quê hương! Đã cố giữ cho tuổi thơ chúng tôi còn được hồn thơ,
không bị hận thù gặm nhấm để được hồn nhiên tung tăng chạy nhảy trên
con đường cái quan dẫn đến trường làng, và để được cùng bè bạn vui
chơi, hát lên những bài ca ưa thích tận đáy lòng.
Giữa năm lớp Nhất, năm học cuối cùng của ngôi trường làng mà chúng tôi
không có dịp hoàn tất, con đường cái quan yêu dấu đã bị biến thành bãi
mìn hãi hùng. Chú Ba Thông, suốt tuần lễ cực khổ lặn lội chặt tre, chẻ
tre cột thành bó, để rồi lại phải bị tan xác khi chuyên chở
công-lao-của-mấy-ngày ra chợ. Thiếm Sáu Lành xóm dưới, ngồi xe “lam”
đưa ba con về ăn giỗ Ngoại, không ngờ ngày giỗ của Mẹ Thiếm Lành cũng
là ngày giỗ của chính Thiếm và ba con … Bãi mìn dài và hẹp đã chia lìa
biết bao gia đình: Cha tan xác chỉ vì phải ngồi trên xe đò để tìm sinh
nhai; Mẹ không toàn thây, xác thân vung vẫy theo gánh hàng chỉ vì phải
tảo tần ra chợ để đổi lấy rau gạo cho đàn con.
Chiến tranh, tự nó đã tàn nhẫn, nhưng những kẻ đếm xác người vô tội
làm chiến công, lại vô tâm và tàn ác gấp triệu lần! Từ đấy, “thương”
và “hận” đã bắt đầu làm vẩn đục những tâm hồn vốn ngây thơ của chúng
tôi: Thương những người đã bồng bế trẻ con và dẫn dắt đàn bà ra khỏi
vùng khói lửa; hận những kẻ đã làm tan nát quê hương
Dấu xe tăng dày đặc hơn, đại bác tạo hầm hố nhiều hơn và hỏa châu bắt
đầu lơ lửng soi sáng hằng đêm. Dân làng tôi bắt đầu hãi hùng khi đêm
đến vì nó dần dần trở thành sở hữu của vô tâm và tàn ác.
Ba tôi đã quyết định từ bỏ mái nhà tranh và ruộng
vườn đẫm đầy mồ hôi nước mắt để cùng gia đình tản cư đến gần Quận Lỵ.
Tôi đành phải nửa chừng gấp lại cuốn “Quốc Văn Toàn Thư”, trong đó có
bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, để tạm thời … tôi thôi học.
Gia đình tôi lìa xa đồng quê yêu dấu. Tôi cũng phải từ giã ngôi trường
làng mến yêu và đàn bò quen thuộc để đổi lấy những giấc ngủ bình an
hơn trong căn nhà tạm, dù bị bao quanh bỡi nhiều xa lạ và rộn rịp. Tôi
không còn được nhìn đàn chim bay về tổ mỗi hoàng hôn. Tôi không còn
được nghe tiếng ễnh ương ồn ào sau những cơn mưa lớn. Đầu óc ngây thơ
chúng tôi chưa một lần lóe lên ý niệm “yêu chế độ” và rất lờ mờ đến
tình “yêu đất nước”, nhưng “yêu làng quê tôi” thì tôi chắc chắn đã
thật đậm lòng. Tôi nhớ làng tôi lắm! Đêm đêm nằm ngủ dưới căn nhà tạm,
tôi thường mơ: Ước gì tôi không phải thấy cảnh tang thương, để chúng
tôi còn được hồn nhiên như những ngày tháng cũ, được ngắm trăng thanh
tỏa ánh dịu dàng trong những đêm rằm và được đếm vạn sao lấp lánh dưới
vòm trời cuối tháng. Tôi thật nhớ nhà xưa! Một mái tranh ấm áp khi
Đông về và mát mẻ khi Hè đến. Bây giờ đã trở thành ngôi nhà hoang,
vắng lặng. Hoa lựu đỏ trước sân chắc vẫn vô tri mở cánh dưới khung
trời Hạ phủ nhiều mây trắng mang đầy màu tang tóc và những vô tâm có
lẽ đang như cỏ dại, tự do mọc đầy làm chướng ngại lối hạnh phúc an
vui.
Khu tản cư nằm ven Quốc Lộ 1, nơi có nhiều xe cộ kể cả những xe nhà
binh có ngôi sao trắng của quân đội Mỹ, Đại Hàn. Tôi chưa hề học được
một ngoại ngữ nào, nhưng theo chơi cùng trẻ đồng lứa nơi xóm mới, tôi
đã thông thạo được một vài chữ tiếng Anh: “Hế-lô”, “Guốt-bai”, “Ô-kê”
và “Ô-kê Xa-lem”. Trẻ con như tôi, mỗi lần vừa vẫy tay vừa nói “Hế-lô,
Ô-Kê Xa-lem” là mỗi lần được lính Mỹ cho kẹo cao su và đồ hộp B1, B2,…
Cũng vì lý do này, tôi cứ luôn thầm hiểu “Ô-kê Xa-lem” tiếng Việt Nam
mình có nghĩa là “cho em kẹo hay bánh gì cũng được”, và từ đó tôi cứ
luôn nói “Ô-kê Xa-lem” để được kẹo bánh, cho dù “Salem” là tên của một
loại thuốc lá Mỹ.
Lửa đạn bắt đầu rực trời vùng Cao Nguyên và Bắc Bình Định thuộc An
Lão, Tam Quan, Bồng Sơn, … Cùng cảnh ngộ với gia đình tôi, thật không
ít. Làn sóng tản cư đến thành phố thật ào ạt. Dân làng đã phải gạt
nước mắt lìa bỏ những gì gắn bó nhất để bảo tồn những gì quí giá hơn,
đó là chút bình an và sự sống. Chiến tranh đã đẩy tôi xa đàn bò đến
một nơi không ruộng đồng. Hè 1965, mùa Hè đầu tiên tôi không còn là
mục tử, mùa phượng đỏ đầu tiên tôi xa đồng nội, xa gió mát nơi đồi
non. Tôi không còn được tắm suối, lùi khoai hoặc bắt cá, bắt cua mà
phải rong chơi theo kiểu mới, kiểu “OK Salem”. Tiếng Mỹ của tôi bắt
đầu trôi chảy thêm vài từ mới, gồ ghề hơn, như “Gạt-tem” và “Bố-xiệt”.
Ba tôi buồn biết rõ ràng rằng: “English OK Salem” của tôi càng sáng
lạng bao nhiêu, tương lai tôi sẽ càng mịt mờ bấy nhiêu. Kết quả: tôi
bị đưa đi xa quê thêm ba mươi hai cây số nữa, vào Qui Nhơn để tiếp tục
cắp sách đến trường.
Tôi đến Qui Nhơn, thành phố nhiều đèn xe, khi tất cả các trường Trung
Học đã khai giảng được ba tuần. Tôi bắt đầu chương trình trung học trễ
tại trường La-San Bình Lợi nơi anh tôi đang theo học lớp Đệ Tam.
Trường La-san có nhiều thông cao bốn phía. Một màu xanh bao phủ khắp
ngôi trường, ấp ủ bên dưới những lớp học yên lặng và những hành lang
dài, đôi khi hơi lành lạnh vì có Frère Phillip cầm chiếc roi dài có
bao da như thanh kiếm, rảo bước tới lui. Mỗi sáng, tôi ngồi trên yên
sau của chiếc xe đạp để anh tôi gù lưng đạp lên giốc Phan Đình Phùng
từ đường Bạch Đằng, ngược chiều với giòng xe cộ của bùng binh công
viên, ngang qua rạp hát Trưng Vương, theo Võ Tánh, rồi hì hục ngược
gió biển trên đường Nguyễn Huệ, vòng qua “eo Nín Thở” để đến trường.
Mỗi chiều, anh tôi đưa tôi ngược theo lối cũ, xuôi giòng xe cộ bùng
binh công viên, đổ giốc Phan Đình Phùng để về nhà.
Tôi đeo lưng anh tôi đến trường La-San xa lắc được vài tháng. Học phí
cao, đường xa, … tôi không rõ vì yếu tố nào, tôi lại thôi La-San, xa
bạn mới quen Lê Văn Cảnh, để nhập học Bồ Đề vừa đúng lúc chuẩn bị cho
kỳ thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt. Đối với tôi, các trường trung học
La-San, Bồ Đề, Cường Đễ và Nhân Thảo đều giống nhau. Tuy nhiên hai
trường Trinh Vương và Nữ Trung Học lại có khác, vì lẽ những thằng nhóc
như tôi, dù tài giỏi cỡ nào cũng không thể xin vào học được. Tôi vui
vẻ dưới mái trường Bồ Đề trong một lớp học có nửa trai nửa gái, sát
cổng chùa Long Khánh. Tôi có được những bạn thân như Trần Đình Khuê,
Nguyễn Đại Tâm, Tô Bá Tùng, Võ Hòa, Thái Sinh Hòa, Nguyễn Hữu Đệ, Lê
Thanh Tuyến … toàn là những bạn học chăm, giỏi. Gần nhiều đèn chắc
chắn phải được sáng, đáp lại thịnh tình của bạn bè đã “chịu chơi chung
với một thằng dốt” và vì không còn bò để chăn, tôi bất đắc dĩ trở nên
lo lắng học hành dưới sự dìu dắt của cô An, cô Tuấn (dạy Pháp văn),
thầy Á, thầy Minh, thầy Mi và thầy Dần (dạy toán).
Sau khi vui Tết Bính Ngọ 1966, lúc những cánh mai vàng còn đang rơi
rụng và nhạc bản “Ly Rượu Mừng” còn đang vang khắp phố phường, anh tôi
lôi tất cả bài vở của lớp Nhất giao tôi và còn ghi danh cho tôi theo
học lớp Luyện Thi Đệ Thất. Ba và anh tôi đã ầm thầm đào sẵn một khúc
sông nhỏ và quanh co, để giòng nước đời tôi theo đó mà xuôi chảy. Tôi
ghét năm Ngọ, có lẽ tại vì là năm ngựa kéo xe nên tôi phải cùng lúc
kéo hai xe bài vở của năm lớp Nhất và Đệ Thất. Tôi phải cắp sách đến
trường vào ban ngày lẫn ban đêm; về nhà còn phải ngồi cùng bàn học,
dưới ánh mắt nghiêm khắc của anh tôi để tụng những kinh “ré, tui á, in
la, … rờ xui, tui é, in le (j’ai, tu as, il a, ….Je suis, tu es, il
est)”, vẽ rồng rắn những hình học, đại số và nhai lại những bài toán
đố, toán động tử của một năm qua. Lớp Luyện Thi Đệ Thất do thầy Dần
giảng dạy, nằm trong dãy học mới của trường Bồ Đề, sát bên đường Tăng
Bạt Hổ. Tâm trạng “bị đày” của tôi giảm đi nhiều khi thấy bạn Tô Bá
Tùng ngay trong đêm đầu “khai lớp” luyện thi. Tôi không còn thấy lẻ
loi vì đã có bạn cùng thuyền, cùng hội. Lúc Tùng chăm học, tôi cũng
phải siêng năng theo. Khi “cúp cua”, cả hai cùng một ý. Một đêm, chúng
tôi không vào lớp thầy Dần để ôn về “vận tốc tương đối của hai chiếc
xe vận tải cùng chiều” mà lại vào rạp chiếu phim thường trực Trưng
Vương để học về “truyện cổ tích hoạt họa Bạch Tuyết, bảy Chú Lùn”.
Xong phim, hai đứa chúng tôi ngồi bệt xuống sàn gạch bông dưới hiên
rạp hát, chép bài cũ vào trang giấy mới để nói dối với anh tôi và chị
Mai của Tùng rằng: đây là bài học của đêm nay. Tuy nhiên, rìu tôi
không thể múa qua mắt thợ. Tôi bị sưng cả hai lòng bàn tay. Bị trừng
phạt nhưng tôi không hối hận vì nghĩ rằng: lỡ mai sau, khi tuổi thơ
chúng tôi đã cất cánh xa bay, vị Hoàng Tử đẹp trai có trăm hôn ngàn
hít cũng vẫn không làm sống lại được nàng Bạch Tuyết tuyệt trần.
Niên học Đệ Thất cũng đến lúc để chúng tôi chuyền tay nhau những cuốn
lưu bút và ăn kẹo bánh liên hoan. Tôi man mác buồn khi nghe cô bạn
cùng lớp tên Hương (tiệm Mỹ Lệ, đường Gia Long, gần ngả tư Phan Đình
Phùng), thẹn thùng không dám lên bục gỗ gần bảng đen, hát thật hay cho
chúng tôi nghe khúc: “rồi chiều nay Hè trở về đây. Phượng thắm ơi!
Phượng thắm rơi đầy. Lại cách xa nhau chín mươi ngày, hay là một thế
kỷ dài,….”. Thế kỷ dài! Tôi không dám nghĩ đến, vì rất có thể tôi sẽ
không còn dịp gặp lại Nguyễn Đại Tâm có Ba là một quân nhân, thường
xuyên thay đổi đơn vị và nhiều bạn bè khác vì hoàn cảnh không thể tiếp
tục học hành. Tôi não nề thêm khi nghe tiếng ve Hè rên rỉ từ trên vài
cây keo lớn bên lề đường Tăng Bạt Hổ. Từ đấy, tôi thôi gọi “ve vui” và
đã bắt đầu cảm thấm được ý nghĩa của “ve sầu”.
Ngày cứ đi, tháng cứ đến.
Ngày thi vào lớp Đệ Thất của trường công lập cũng đã đến. Anh tôi chở
tôi đến Cường Đễ, bỏ tôi trước cổng trường và chờ đợi bên ngoài với
lòng tin cao độ, ngàn lần hơn là tôi tin tôi. Công lao chỉ dẫn của anh
tôi cũng đã đến hồi thử nghiệm. Đọc đề thi, tôi thở phào nhẹ nhỏm,
thầm cảm ơn thầy Dần, nhất là cảm ơn anh tôi đã sát kèm tôi để tôi
được quen thuộc với những bài toán gần giống như đề thi. Tôi chậm rải
hoàn tất bài thi rồi rời khỏi lớp.
Nét mặt vui tươi của anh tôi khi đón tôi tại cổng trường đã nhanh
chóng biến thành buồn rầu khi nghe tôi nói đáp số bài làm. Thì ra, đề
thi sau khi phát cho chúng tôi, được “bắn” ra ngoài nên anh tôi đã
giải ra đáp số đúng, khác với đáp số tôi. Anh tôi dắt xe đạp cùng tôi
đi bộ về nhà. Vừa đi anh tôi vừa hạch hỏi tỉ mỉ cách làm bài của tôi.
Sau khi biết được tôi đã làm sai một bài toán chia, anh thất vọng
nhiều. Công sức dạy dỗ của anh tôi đã như đám khói đang tan bay.
Tôi chưa bao giờ thấy anh tôi buồn như hôm nay. Tôi cũng buồn thật
buồn và nhớ tới đàn bò nhiều, khi nghe anh tôi mắng: “Cọng, trừ, nhân,
chia mà làm không xong! Đi chăn bò là vừa!”.
Ước gì chiến tranh chấm dứt vào lúc này, tôi sẽ không ngần ngại về
ngay làng cũ, kéo dài thêm tuổi hồn nhiên để vui cùng đàn bò, ruộng
lúa. Nhưng tôi không được may mắn này, cái may mắn mà cả bà con làng
tôi, cả công dân đau khổ của quốc gia tôi đang thiết tha chờ đợi. Tôi
chỉ được về lại căn nhà “tôn” khu tản cư Quận Lỵ, nơi xóm mới, được
thành lập bỡi những dân lành đã từng an nhàn lấy ngô sắn và lúa khoai
làm nguồn sinh lợi chính, nay phải bon chen uốn nắn theo hoàn cảnh,
với phương thức sinh nhai khác để được tiếp tục nuôi sống gia đình.
Khu tản cư đã trở nên chen chúc rộn rịp vì những tiệm tạp hóa, trạm
rửa xe nhà binh và quán bia mọc lên khắp nơi dọc theo Quốc Lộ 1. Tôi
lạc lõng giữa xô bồ, luôn thẫn thờ, lẩn quẩn trong phạm vi căn nhà
hẹp. Tôi thất vọng vì đã đốt kỳ vọng của Ba và anh tôi thành tro bụi.
Mấy tháng trường kéo bài vở đến lưng trầy vai lở, vẫn không được kết
quả như Ba và anh tôi mong muốn.
Qua kỳ thi, mắt tôi trở nên sáng hơn trước để thấy rõ được cái giá trị
đáng hãnh diện của một học sinh Cường Đễ, một học sinh Nữ Trung Học.
Niềm mơ ước mới của tôi bây giờ: “được trở thành một học sinh của
trường Trung Học Cường Đễ, được mặc áo trắng có tên trường và tên cúng
cơm của tôi trước trái tim”. Phải chi “cây mơ” này đâm chồi nẩy nở
trong tôi sớm hơn được vài năm, có lẽ nó đã đơm hoa kết trái để giờ
này tôi khỏi phải u sầu.
Tôi ngồi im lặng dưới giàn mướp đang lọc bớt ánh nắng chang chang của
trời Hạ, mẹ tôi an ủi tôi trong lúc tôi cần được an ủi nhất: “Kết quả
kỳ thi chưa có, đậu rớt vẫn chưa biết, đừng buồn nữa! Nếu có bị rớt,
chẳng qua là: học tài, thi phận. Chạy đi chơi đi!”. “Tài, phận”. Lòng
tôi tự nhiên nhẹ nhàng hơn nhiều, vì nghĩ rằng tôi đang có “tài”, vài
ngày nữa, bảng vàng không có tên tôi chẳng qua chỉ là “phận”.
Ngày giờ vẫn cứ đi.
Sau một bữa cơm trưa với canh mướp, mướp xào, và cà dĩa với mắm ruột
kho, tôi thấy anh tôi xuất hiện trước hàng rào làm bằng những nhánh
tre khô, bước vào nhà với nét mặt thật vui tươi: “Mày đậu rồi! Tùng
cũng đậu! Tùng báo cho tao biết. Ba, Má ơi! Nó đậu vào Cường Đễ rồi!”.
Anh tôi đã lặn lội mấy chục cây số để báo tin vui này. Khi tôi làm sai
bài thi, anh tôi buồn làm tôi ủ rủ buồn theo. Khi có kết quả như mong
muốn, anh tôi vui mừng hơn cả chính tôi. Anh tôi đã coi việc học của
tôi như là của chính anh. Tùng đậu! Tôi cũng đậu! Còn gì vui bằng!
“Tài” hay “phận” đây? Chắc không phải là “tài”, vì có nhiều bạn bè học
giỏi hơn tôi tại La-San và Bồ Đề. Dù gì đi nữa, “phận” tôi đã là “phận
học sinh Cường Đễ”. Từ nay, tôi có thể hãnh diện trả lời rằng: “Em học
trường Cường Đễ Qui Nhơn”, nếu “được” hỏi. Giấc mơ tôi đã đạt! Không
còn tự cô lập trong căn nhà “tôn” nóng cháy nữa, tôi tháp tùng cùng
trẻ em lối xóm, ra Quốc lộ 1 để …học thêm vài tiếng Mỹ mới.
Không cần nài nỉ, mẹ tôi dẫn tôi ra tiệm, may cho cho tôi một quần
“kaki” xanh và áo “tê-tô-rông” trắng, dài tay. Tôi thích áo dài tay,
nhưng khi mặc vào, tôi lại thích xăn lên khỏi cổ tay hai bận. Tôi nhờ
anh tôi (người viết chữ đẹp nhất mà tôi biết) viết lên trên túi áo tên
trường và tên tôi bằng bút chì, rồi nhờ người chị họ (người thêu thùa
khéo tay nhất mà tôi biết) theo nét bút chì mà thêu lên màu xanh, đỏ.
Cũng chẳng phải xin xỏ, anh tôi cho tôi một cây viết máy “Pilot” mới
toanh. Cây viết màu xanh đậm thật đẹp, có cây que bên hông để tôi nâng
lên đè xuống khi bơm mực. Có viết mới, tôi nhớ cây viết cũ với ngòi lá
tre mà đã một năm qua tôi không dùng đến. Tôi nhớ lúc Mẹ tập tôi viết
những chữ cái “a, b, c, …”, Mẹ dặn rằng: “nét xuống, hơi mạnh tay và
nét lên hoặc móc ngoặc, phải nhẹ tay”.
Viết lá tre, bình mực tím không còn sát cánh bên tôi những khi đến
trường nữa, nhưng mãi mãi nằm sâu trong trái tim tôi. Bình mực tím của
tôi có khi chỉ là một ve thuốc chích “peniciline” mà người y tá đã
quăng bỏ đi, tuy nhỏ nhoi nhưng chứa đầy những hình ảnh của thuở đầu
đời, trong đó có người Cha hơi nghiêm nghị nhưng đầy trách nhiệm và
ban muôn vàn yêu thương cho gia đình, con cái; có nguời Mẹ hiền từ,
bao la một tấm lòng thương con, chìu chồng, chịu đựng và hy sinh; có
ngôi trường làng yên đẹp với các vị giáo viên đáng kính; có đủ nguyên
một thời thơ ấu hồn nhiên tại chốn cũ bình an, nơi có nhiều chim trời
bay trên màu xanh mênh mông của ruộng lúa.
Chốn cũ vẫn còn đó, nhưng bình an đã bị thay thế bỡi âu lo và sợ hãi
lúc đêm về. Một số ít dân làng còn ở lại đang phải đương đầu với đạn
mìn và phải đau khổ chịu đựng một cuộc sống dưới sự kéo xé của cả hai
chế độ: ngày và đêm.
Chết chóc, khổ đau vì chiến tranh bị nghe thấy hàng ngày. Anh họ tôi
bị mất tích tại chiến trường để tôi được còn đây, trong con phố Qui
Nhơn tương đối bình an; người tôi thân quen đã không toàn thây ra đi
vĩnh viễn để tôi được ở lại nguyên tròn dưới mái ấm gia đình.
Nước nhà tôi nhỏ bé nhưng toàn thế giới đều nhìn thấy, vì khói lửa
chiến tranh cao ngút đến tận trời xanh và vì sự hiện diện của người Mỹ
trên quê hương tôi. Quân đội tác chiến Mỹ, sau khi đến Đã Nẵng đơn vị
đầu tiên, đã lần lượt có mặt tại nhiều nơi khác trên toàn lãnh thổ Nam
Việt Nam, họ xây dựng phi trường Phù Cát, lập nhiều văn phòng và nơi
đồn trú tại Qui Nhơn kể cả một đài “ra-đa” cao lớn trên núi Bà “Quả”.
Tiếng Anh đã trở nên thông dụng và “hợp thời” nên số học sinh yêu
thích Pháp ngữ dần ít để nhường chỗ cho số đông theo học Anh văn.
Nắng Hạ chói chang của thành phố Qui Nhơn làm khô đi những bóng dáng
học trò đã ba tháng. Hè đã qua. Anh chị em từ các quận lỵ và vùng quê
hẻo lánh như tôi, trên toàn cõi Bình Định, đã ùn về Qui Nhơn để bắt
đầu niên học mới.
Mùa khai trường đến, như một cơn mưa đầu mùa, tràn bờ những tà áo
trắng thướt tha của nữ sinh và áo trắng quần xanh của các đấng nam
sinh, ngập thành phố.
Đường phố Qui Nhơn như những giòng suối mát, chảy quanh co vào buổi
sáng, xuôi những bông trắng thơ ngây về những ao đầm hiền hòa để vui
tươi học tập. Chiều về, cũng những giòng suối này, nhiệm mầu chảy
ngược giòng, đưa những tâm hồn trong trắng về nguồn an vui hạnh phúc
của gia đình. Trong đám áo trắng quần xanh, có tôi len lỏi.
Chiếc áo trắng mới tinh, có thêu tên trường và tên tôi cách hàng nhau
bằng một “hoa thị” màu xanh, hôm nay mới được cùng chủ nó đến “trường
mơ” lần đầu. Đường đến “trường mơ” tuy quen thuộc nhưng mới lạ, tôi
bùi ngùi nhớ con đường Tăng Bạt Hổ dẫn đến chùa Long Khánh và trường
Bồ Đề, nơi có khoảng sáu chục bạn bè tôi đã quen biết trong năm qua.
Dù lúc chia tay, mỗi chúng tôi đều hẹn: gặp lại nhau sau “chín mươi
ngày”, nhưng chắc chắn niên học mới sẽ thiếu vắng đi một số bạn gái
vào Nữ Trung Học, vắng tôi, vắng Tô Bá Tùng và vắng cả Nguyễn Đại Tâm
vì đã phải theo gia đình thuyên chuyển vào Nam. Tâm ơi! Tao với mày
chắc phải xa nhau “thế kỷ dài”!
Từ nay tôi sẽ không còn được nghe tiếng nói ngọt ngào và giọng hát
thánh thót của nữ sinh trong một lớp học mới của trường con trai Cường
Đễ.
Niên khóa 1966-1967, trường Cường Để, do thầy Trương Ân làm Hiệu
Trưởng và thầy Nguyễn Mông Giác làm Giám Học, chưa đủ phòng học. Bầy
nai non lứa tuổi mười một của lớp Đệ Thất chúng tôi phải tựu đàn tại
trường tiểu học Nguyễn Huệ do thầy Nguyễn Danh vừa mới nhậm chức Hiệu
Trưởng.
Đối diện với tiệm thuốc nam “Hồng-Nam” trên đường Võ Tánh, bên trong
cổng trường Nguyễn Huệ, mở rộng một sân trường ngập bóng me tây. Cuối
sân trường, trên một khoảnh đất thấp hơn 3 bậc thang, là một căn nhà
dài gồm năm phòng học. Đệ Thất 1, lớp Pháp Văn độc nhất của chúng tôi
chiếm phòng đầu tiên, gần đường Võ Tánh hơn và đương nhiên phòng cuối
cùng thuộc về các bạn lớp Đệ Thất 5.
Đám học sinh mới chúng tôi, như những con nai tơ vừa lìa xa đàn cũ từ
các quận lỵ và các trường tiểu học trong thành phố, đang tung tăng hớn
hở lập đàn mới, trong một cánh rừng Cường Để có thật nhiều cành non và
cỏ xanh.
Tôi ngơ ngác tìm bóng dáng thân quen của Tô Bá Tùng. Không những gặp
được Tùng, tôi còn được gặp các bạn Võ Hòa, Thái Sinh Hòa từ Bồ Đề
sang và cả bạn Lê Văn Cảnh từ La-San đến … Lớp học đột nhiên biến
thành quen thuộc, làm tôi nhanh chóng cảm thấy: Đây chính là “lớp của
tôi”!
Tôi ngồi bàn đầu, cạnh Tô Bá Tùng, người bạn thân trong một năm qua.
Chung quanh tôi còn có Nguyễn Ngọc A, Hà Ngọc Ẩn, Ngô Tấn Bình, Trần
Yên Bình (xuất sắc mọi môn), Cao Bá Cảnh, Dương Văn Cảnh, Ngô Đình
Chiến (cao ráo, mê biển nên bơi lội giỏi), Mai Văn Cư.
Nguyễn Hữu Dự (say mê tạp chí Tuổi Hoa của Quyên Di, và chuyên sưu tầm
tài liệu liên quan về không gian, vũ trụ), Lê Đảo (thường cùng tôi leo
núi Bà Quả), Dương Phước Đễ (bạn bè gọi là Đễ Cùi vì tai nạn làm mất
đi gần nửa ngón tay), Bùi Thúc Đệ (cận thị nặng, có cặp kiếng mỏng hơn
đít chai Coca-Cola một chút), Hồ Sĩ Đình.
Võ Hòa (nhà bạn có bán món chè “đậu xanh đánh trộn đá bào” ngon nhất
tỉnh nhà), Thái Sinh Hòa (từng được thầy Dần gọi là “thằng rể tao” khi
bạn làm toán đúng), Ngô Anh Hoàng (thường cùng tôi ăn thua cờ tướng
dưới bóng mát của cây keo già trong hẻm Bạch Đằng)
Phạm Đình Hoàng (được gọi là Hoàng Tôm, nghịch và vui) là cặp bài
trùng của Hồ Anh Hùng (biệt hiệu Hùng Monkey), Hoàng Kim Hùng (vì hơi
“bụ bẫm” nên bạn bè gọi là Hùng Ù), Nguyễn Mạnh Hùng (bạn bè đặt cho
tên Hùng Đức, hay Hùng Trà), Đặng Văn Hùng (luôn le lưỡi liếm môi trên
nên lúc nào môi trên cũng đỏ và hình như dày hơn môi dưới gấp ba lần),
Đào Chí Hiếu, Thái Thượng Hưng.
Nguyễn Ngọc Huy (bạn này chắc là thụt bi da hay lắm nên có biệt danh
là Huy Thụt, lúc nào cũng có chỉ một cuốn vở quấn tròn, nhét vào túi
quần sau, môn Việt Văn rút cuốn vở quấn tròn như cuốn bánh tráng này
ra, môn Sử Địa cũng rút ra cuốn vở đó, môn Toán cũng chẳng có cuốn vở
khác ngoài cuốn vở này, một cuốn vở cho tất cả mọi môn vậy mà bên
trong vẫn còn nguyên những trang giấy trắng, ngoài bìa cũng trắng
luôn, hình Nữ Thần Tự Do của cuốn vở bị bay mất vì rút ra nhét vào
nhiều lần bỡi bàn tay đầy mồ hôi của Huy Thụt), Trần Khanh, Huỳnh Văn
Khánh (dáng người ốm nhôm và cao ròng như cây tăm, thật tốt bụng, rất
nhiều lần đã khiến cho bạn bè cười bể bụng vì cái tính vui vẻ và tiếu
lâm của bạn, không hiểu lý do gì lại bị chết tên Khánh Méo), Hà Văn
Long (bị thầy Lê Văn Ba hỏi: “mày có bà con gì với tên Hà Văn Lâu
ngoài Bắc không?), Lê Đình Long, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Hồng Liêm.
Nguyễn Hữu Lý (bạn này còn nhỏ nhưng đã đi làm phụ giúp gia đình, có
lần bạn “đậu” xe đạp không đúng chỗ, bị Bác Cai khóa lại, bạn tức giận
vì trễ giờ làm, đã không suy nghĩ mà dộng vào đít Bác Cai một cái
“rờ-nu” khi Bác đang lom khom mở khóa xe cho bạn, thiệt là hết chỗ
nói!), Minh (hơi đen, lúc nào cũng nhe răng mở nụ cười thân thiện),
Nguyễn Văn Nghiêm (được bạn bè thực thi dân chủ và công bằng, bầu lên
làm trưởng lớp), Đoàn Văn Nghĩa.
Phan Tấn Ngọc (rất lanh lợi, nói năng thật vui vẻ, ghiền tắm biển), Đỗ
Tấn Quỳ, cùng họ và chữ lót với bạn Đỗ Tấn Xoa, có lần thầy Lê Văn Ba
(cũng là thầy Ba) hỏi: “hai đứa bay là anh em ruột hả?”, bạn Đỗ Tấn
Xoa võ nghệ đầy mình vì là đệ tử của Hoàng Trọng Sơn; Lê Kỳ Sơn (chẳng
bao giờ thấy bạn nổi quạu khi bị gọi là Lê Kỳ Đà), Nguyễn Hữu Thành
(thường cùng tôi tranh thắng bại tại những bàn “banh tông”), Vương
Đình Trí (da ngâm đen, mắt to với lông mi dài), Vũ Hồng Triều (nói rặc
giọng Bắc Kỳ).
Nguyễn Văn Tuyển (trắng trẻo, mũi cao, bạn này rất thông minh, vui vẻ
và lanh lợi, là cặp bài trùng với Khánh Méo trong những dịp vui chơi).
Bùi Văn Tuyết và bạn Xuân nằm cuối sổ kiểm diện, bạn phải chờ dài cổ
mới được gọi tên.
“Lớp Đệ Thất 1 của tôi” gồm thế đó! Nó được kết hợp bỡi nhiều cá tính
và diện mạo khác nhau.
“Lớp Pháp Văn Cuối Cùng” của trường Cường Để tôi như thế đó! Vui,
nghịch, hiền, chăm đều có đủ.
Chúng tôi “như những đóa hoa muôn màu” đang cùng nhau chia xẻ một tuổi
xanh tươi thắm, dưới sự dìu dắt và dạy dỗ của cô Trần Thị Mỹ Nhật, cô
Cung Thị Ngọc Anh, thầy Lê Văn Hà, thầy Nguyễn Phụ Chính, thầy Nguyễn
Minh Đức, thầy Nguyễn Minh Thành, thầy Trần Công Lễ, thầy Dương Minh
Ninh và thầy Phùng Văn Viễn quí mến.
Tôi rạo rực khi nghĩ đến: “Lớp Đệ Thất 1 của chúng tôi” sẽ nghiêm
trang trong bộ đồng phục màu trắng, để cùng tất cả anh chị toàn trường
đồng hát lên “khúc kết đoàn” khi “họp dưới bóng cờ” vào mỗi sáng thứ
Hai, ngày đầu tiên của tuần lễ.
Tôi thật vui vẻ được ngồi chung với bạn bè trong lớp Đệ Thất 1!
Tôi thật hãnh diện được cùng anh chị lớp trên núp chung dưới mái
trường Cường Để!
Tôi có cảm tưởng như được ngồi trên đám mây hạnh phúc đang nhẹ nhàng
xuôi theo cơn gió yên vui để hướng về một chân trời thật sáng. Cô tôi,
Thầy tôi và bạn tôi tại trường Cường Để đang thật sự mang đến cho tôi
“lửa sống dạt dào” và “niềm tin bao la”.
“Lửa sống” và “niềm tin” này đã làm tôi hiểu rõ rằng: Ba, Mẹ và anh
tôi đã không khoét một khúc sông nhỏ hẹp và quanh co để con nước đời
tôi phải len lách chảy theo, như tôi từng than thở, mà là đã mở cho
tôi thẳng tắp một con “đường đi vui thênh thang”, có “cỏ hoa” hai bên
lề và còn có cả tiếng chim luôn ca hót: “nhịp sống yêu đời, màu quê
hương ngát xanh lên bao nguồn vui!”.{jcomments on}
Một bài viết hay , lôi cuốn từ dòng đầu đến những chữ cuối .
Một giai đoạn lịch sử đã qua với chiến tranh và thù hận nhưng tuổi thơ của nhân vật đã được bay cao như cánh diều mơ ước .
Tuệ Minh mến,
Một thời đã qua. Buồn, đau có đủ . Hy vọng bình an sẽ đến cho đời sau và sau nữa!
Cảm ơn HX đã sửa đổi để được nhưng lời bình đẹp đẽ như của Tuệ Minh.
Cảm ơn Tuệ Minh!
“MỰC TÍM,TRƯỜNG MƠ” _Đọng đầy cái chân tình sâu lắng của một tâm hồn thấm đẫm “vị ngọt” quê hương , với cánh đồng xanh ,đàn bò í …ọ… để ngẩn ngơ ! Thả cảm xúc tuôn chảy rất thực , không màu mè bằng “ngôn từ đao to, búa lớn” nhưng rất cảm động , hay và lôi cuốn…
Cảm ơn anh VNV về bài viết trên,đã khắc họa bức tranh “tuổi thơ những ngày đi học” rất ấm tình… gia đình, bè bạn và quê hương trong cái “bối cảnh xã hội” đầy biến cố thời ấy !
Nơi sinh ra, gia đình và bạn bè là những gì quí giá nhất!
Cảm ơn bạn đã thường xuyên góp ý cho HX và đọc MT,TM!
VNV
Mực Tím, Trường Mơ và khát vọng tuổi trẻ…
Rất thực không phải là mộng nên đọc xong ngồi lặng thinh hằng giờ để thương tiếc thời Mực Tím, Trường Mơ chỉ còn là kỷ niệm
Cảm ơn R Xưa đã cùng tôi thương tiếc thời Mực Tím!
Chúc bạn vui, khỏe!
VNV
MỰC TÍM, TRƯỜNG MƠ một thuở xa rồi… còn chăng là kỉ niệm của một thời tuổi nhỏ.
Xin chào bạn Võ Như Vũ đến HX Một bài viết rất hay, rất mong bạn thường xuyên ghé trang nhà giao lưu cùng bè bạn cho vui..
Cảm ơn Quốc Tuyên đã không ngại mà đăng bài của mình lên!
Cảm ơn HX đã tạo nơi liên lạc để Anh Chị Em kết thân!
VNV
““Lửa sống” và “niềm tin” này đã làm tôi hiểu rõ rằng: Ba, Mẹ và anhtôi đã không khoét một khúc sông nhỏ hẹp và quanh co để con nước đời tôi phải len lách chảy theo, như tôi từng than thở, mà là đã mở cho tôi thẳng tắp một con “đường đi vui thênh thang”, có “cỏ hoa” hai bên lề và còn có cả tiếng chim luôn ca hót: “nhịp sống yêu đời, màu quê hương ngát xanh lên bao nguồn vui!”.
Vậy là ” Hướng về chân trời sáng ” được rồi .Chúc mừng.
Cỏ May mến,
“Chân trời sáng” mình cố hướng đến, nhưng trở ngại cũng không ít.
Dù gì trắc trở cũng đã qua. Mong mọi con đường chúng mình đi đều hướng về chân trời thật sáng!
VNV
Công nhận anh Võ Như Vũ viết hay thiệt sâu sắc và thâm thúy lắm .
GH đọc câu :
“Tôi đành phải nửa chừng gấp lại cuốn “Quốc Văn Toàn Thư”, trong đó có bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, để tạm thời … tôi thôi học.”
sao mà xót xa quá.
Rồi cái tên ngồ ngộ của anh nữa GH đoán hồi làm khai sinh cho anh , chắc ba anh bị mấy ông hộ tịch hành về cái họ Võ nên ông nỗi khùng đạt luôn là tên Như Vũ phải không anh ?
Giáng Hương mến,
Tên mà là 1 “tên ngồ ngộ”? Làm mình buồn 5 phút!!! Cũng may ông già không cho mang “Võ Bình Định”, lúc đó chắc GH sẽ không nói “ngồ ngộ” mà là “thiệt là ngộ”. Dù gì cũng là cái tên, Giáng Hương à. Đúng ra, theo Ba, Vũ cũng là họ Võ theo miền Bắc. Tên Võ Như Vũ có ý nghĩa Nam Bắc cùng nhà đó Giáng Hương ơi.
Cảm ơn Giáng Hương đã đọc MT,TM mà còn để ý đến cả “đi học” và “thôi học”!
Mến,
Võ Như Vũ
Một bài viết về hồi ức tuổi thơ thật hay và đầy đủ.Ai đọc chắc cũng thấy mình trong đó, nhất là các bạn học Cường Đễ và ở Bình Định.
Cảm ơn HN Tin!
VNV
Lâu ngày mới gặp được anh trai của em chào anh nhé. TT
Tại em lâu ngày không vào Hương xưa thôi!Bận quá mà!
Dạ, mà máy cũng bị trục trặc nữa anh ạ.
Hôm nay đi dự 20/11 có vui không?
Em với Nguyễn Tiết cùng dự đó anh vui, mà cũng bâng khuâng anh ạ, không được đến trường dạy học, buồn quá!
Anh Tín cũng từng là giáo viên phải không anh , xin chúc anh mọi sự an lành.
Anh cũng làm GV gần 10 năm đó!Thu Thủy cũng về hưu rồi sao?
Được hai tháng rồi anh ạ.
Bang huu nao sinh nam … 1953, 1954, 1955… muon tim lai minh thoi nien thieu hay den voi Muc Tim – Truong Mo cua Vo Nhu Vu.
Mot thien hoi ky, hoi uc rat hay va day cam xuc… ngdtrinh k hoc lop Phap Van nhung phan nhien cai ten trong MT-TM la ban be chi cot…
lenhholangtu mến,
Danh sách lớp mình phần nhiều là bạn bè chí cốt của lenhholangtu, vậy anh và tôi có lẽ cũng là bạn mà mình chẳng biết. Đúng vậy, 1953, 54, 55 & 56 là lứa tuổi của tụi mình .
Cảm ơn anh đã đọc MT, TM!
VNV
Ha ha! Lộ rồi lenhholangtu chính là Độc cô cầu bại Nguyễn Đăng Trình!
😀 Mới trở thành thi sĩ mà quên trước quên sau rầu! Mai mốt anh Tín nhớ để ý, ai mà RB kèm sát.. tức là những vị đặc biệt quý khách đó.
[quote name=”RB”]:D Mới trở thành thi sĩ mà quên trước quên sau rầu! Mai mốt anh Tín nhớ để ý, ai mà RB kèm sát.. tức là những vị đặc biệt quý khách đó.[/quote]
😀
😉 😛
😆 😆 😆 Chao HN Tin… 😛
Chào Lãng Tử Độc Cô Cầu bại!Nguyễn Đăng Trình.
Ai mà nói cả tên cúng cơm người ta dzậy HNT !!!!!!!!
[quote name=”TRANKIMLOAN”]Ai mà nói cả tên cúng cơm người ta dzậy HNT !!!!!!!![/quote]
😉
Cảnh sát HNT đã thổi còi NĐT rồi…
Cùng giang hồ hành hiệp với nhau nhưng bất vị thân ha anh Tín
😛
Ô vậy là trang Hương Xưa của mình có hai Độc Cô Cầu Bại luôn:
Một là Vạn Lý Độc Hành Độc Cô Cầu Bại Lê Công Dzũng.
Hai là Độc Cô Cầu Bại Nguyễn Đăng Trình.
Chúc hai Độc Cô Cầu Bại vui yêu đời và sáng tác nhiều hơn.
🙄 😆 😉
🙄 😆
“Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!”
Cái này phải hỏi anh Nguyên Lương và chị Trần Kim Loan nhe!
Chờ mãi mới có người nhắc đến tên mình. Cảm ơn TT. Đọc bài này của Võ Vũ (tên nghe như mấy đường quyền) thấy giống chuyện tuổi thơ mình qúa xá.Tác gỉa họ Võ có tài nhớ dai kinh khủng. Nhớ như in từng chi tiếc nhỏ về bè bạn nơi mái trường xưa. Lâu lắm mới đọc một bài viết về tuổi học trò hay đến thế. Cảm ơn tác gỉa cho mình sống lại với tuổi thơ một chút. Cô Mỹ Nhật ở gần nhà mình.Cả thầy Thái và cô Nhật vẫn còn đẹp lắm. Trông Cô như 40 dù tuổi thật đã gần U 70 rồi. Sẽ gởi bài này cho Thầy Cô xem.
NL
Anh Nguyên Lương mến,
Anh đang ở đâu? Chắc là không ở SG này ? Nghe nói thầy Thái và cô Nhật đang ở nước ngoài? Có dịp cho tôi kính lời thăm Thầy Cô!
Bài thơ bạn làm, anh Nguyễn phổ nhạc thiệt hay!
… Không còn đôi tay ôm ấp, nhưng có cả đời để ôn những giấc mơ…
Cảm ơn anh!
Đúng như HNT nói tôi đã tìm thấy tôi trong bài viết này.Ở quê tôi, không có chăn trâu , trâu thường thả lên núi và người lớn đảm nhiệm việc chăn dắt, bọn trẻ chúng tôi chủ yếu là chăn bò, chăn bò vui vô cùng , chỉ cần thả bò trên đám cỏ còn tụi tôi kết bè với nhau hái chim chim ,dủ dẻ ,trái trâm , ổi rừng đi mót khoai lang, củ mì, bẻ mía ăn và chơi đánh nhau thỏa thích đương nhiên học là đội sổ rồi nhưng rồi chiến tranh,tản cư cả một miền quê thanh bình chỉ còn trong kí ức nhớ thương mà không biết làm sao năm tháng trôi kỉ niệm mới chồng lên kỉ niệm cũ rồi lập gia đình lo tương lai cho con cái quên mất thời thơ ấu đẹp đẽ của mình. Bạn ơi! đọc bài nầy , tôi nhớ lắm nhớ vô cùng
Cảm ơn Kiều Thanh đã cùng nhắc lại thời quê xưa! Nhất là nhắc đến “trái trâm”, lần đầu sau thời gian dài mình mới được nghe đến trái trâm chua ngọt này. Còn chà là và trái sung nữa. Chiến tranh làm bọn mình lưu lạc đủ phương. Hiện Kiều Thanh đang ở đâu? có phải tại SG này không? Thơ ấu, vùng quê trong sáng giản dị và bà con lối xóm thân tình. Thiệt không thể tìm lại được. Cùng hoàn cảnh, xin cho được chia xẻ cùng Kiều Thanh cái bận rộn gia đình, tương lai con gái mà lỡ bỏ những kỷ niệm xưa nằm trong 1 xó óc. Thảnh thơi chút đỉnh, mới có thì giờ nghĩ lại tuổi thơ.
Chúc Kiều Thanh, anh nhà, cùng các cháu khỏe!
Bài viết hay quá. Những kỷ niệm tuổi thơ của tác giả trôi chảy qua ngòi bút rất thật đã làm người đọc xúc động bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình.Cám ơn anh VNV.
Xin chào NguyenTiet,
Thơ của bạn còn hay gấp bội lần!
Cảm ơn NguyenTiet đã chịu khó đọc MT,TM ,1 bài không ngắn so với hình thức trang mạng.
Chúc bạn vui và cũng có đôi lúc buồn nhưng chỉ để làm thơ!
VNV
Vậy là VNV cũng đã đọc thơ của nguyentiet rồi à. Cám ơn bạn nhé và NT xin bạn đừng nói “Thơ của bạn còn hay gấp bội lần!”, không phải vậy đâu.Chúc vui và mong đọc tiếp bài của bạn.
nguyentiet mến,
Thơ của bạn không những hay mà lại nhiều lãng mạn!
Mình rất thích những bài thơ của bạn về tuổi học trò và về nắng Hạ!
VNV
Tựa đề đã hấp dẫn vào đọc lại ngợp vì cách viết lưu loát của tác giả , những nỗi buồn âm ỷ đâu đó trong những lời tự sự dửng dưng
mà chua xót vô cùng .Hay và rất hay.
Đặng Danh mến,
Đi đâu cũng nhớ quê. Đầu óc mình luôn in những hình ảnh xưa. Đôi lúc hơi sợ phải ghé thăm quê cũ, vì ngại thấy cảnh mới và đổi thay sẽ làm mất đi hình ảnh xưa cũ của thuở đầu đời.
Cảm ơn bạn!
Xin chào Võ như Vũ ! đã dến với HX một bài viết quá hay ! quá mượt mà nhiều cảm xúc ,khiến người đọc thật bồi hồi với những ký ức của tuổi thơ ! cám ơn VNV & mong được đọc tiếp những tác phẩn của bạn nhé!
Xin chào chị Kim Loan,
Cảm ơn chị đã đọc và khen MT,TM!
Cũng nhờ Huongxua sửa lại. Cảm ơn HX!
Võ Như Vũ có phải là anh của Võ Dư Vinh?
Chào bạn HN Tin,
Cùng họ Võ nhưng tiếc là mình chưa được quen Vinh.
Một bài viết hay hay hơn mấy ông văn sĩ viết về kỉ niệm tuổi thơ.
Cho Bích Vân thắc mắc một chút xíu : hình như anh Võ Như Vũ là tác giả mới thấy tên anh là lạ .
Bích Vân mến,
Đúng là mới, vì đây là lần đầu Vũ được HX đăng bài.
Cảm ơn Bích Vân đã đọc và quá khen MT,TM!
…Nét mặt vui tươi của anh tôi khi đón tôi tại cổng trường đã nhanh
chóng biến thành buồn rầu khi nghe tôi nói đáp số bài làm. Thì ra, đề thi sau khi phát cho chúng tôi, được “bắn” ra ngoài nên anh tôi đã giải ra đáp số đúng, khác với đáp số tôi. Anh tôi dắt xe đạp cùng tôi đi bộ về nhà. Vừa đi anh tôi vừa hạch hỏi tỉ mỉ cách làm bài của tôi.
Sau khi biết được tôi đã làm sai một bài toán chia, anh thất vọng
nhiều. Công sức dạy dỗ của anh tôi đã như đám khói đang tan bay…
Anh Vũ ơi ! anh may mắn hơn Dạ Lan , vì Dạ Lan cũng bị anh trai kềm kẹp trong mùa thi , được đưa đi thi mà khi thi đã 18 tuổi rồi còn bị mắng ” ngu như bò ” làm Dạ Lan khóc từ trường về nhà đó .
Dạ Lan ơi,
Dạ Lan biết sao mà ông anh của mình không đạp xe chở mình về không? Vì ngồi lên xe, thằng em ngồi sau, không nhìn được thẳng vào mặt nó để mắng “đi chăn bò là vừa” cho nó đã. Và cũng vì cần thời gian dài để chửi, nên dắt bộ.
Mình là con trai còn muốn khóc, huống chi là Dạ Lan. Cùng cảnh ngộ!
Anh của Dạ Lan coi vậy mà khắc nghiêm hơn ông anh của mình vì “đi chăn bò” có nghĩa là còn chút chút thông minh hơn bò .
Cảm ơn Dạ Lan đã đọc, còn cùng chia xẻ quảng đời xưa!
Chúc Dạ Lan vui, không còn khóc nữa!
VNV
[quote name=”Võ Như Vũ”]lenhholangtu mến,
Danh sách lớp mình phần nhiều là bạn bè chí cốt của lenhholangtu, vậy anh và tôi có lẽ cũng là bạn mà mình chẳng biết. Đúng vậy, 1953, 54, 55 & 56 là lứa tuổi của tụi mình .
Cảm ơn anh đã đọc MT, TM!
VNV[/quote]
😛
Cám ơn Võ Như Vũ đã viết bài bài “Mực Tím, Trường Mơ”, Hồ Sĩ Đình đã giới thiệu tôi bài viết của bạn. Ngôi trường bạn nhắc đến cũng là ngôi trường tôi từng học, như thế chúng ta có “Tình nghĩa… đồng môn” rồi đó. Lúc đó tôi có học thầy Cung, thầy Giả, hình như thầy Cẩn là Hiệu Trưởng? Ngoài Hồ Sĩ Đình, bạn có nhắc đến Hồ Công Ảnh, người bạn thời niên thiếu của tôi. Cách đây chục năm tôi về quê thăm hắn, tôi nhắc, mầy có nhớ khi xưa mầy chỉ tao phải gõ nhịp vào thùng đàn Guitar khi chơi bài Knock Three times không? Mầy còn nhớ chỉ tao cách cua gái không? Hắn ngửa mặt nhìn trời cười khanh khách một hồi rồi quay lại nói “Tao cóc nhớ”. Hết biết. Tính hắn vẫn sảng khoái như ngày nào, bây giờ lại cọng thêm cái đầu hói, trông rất bác học! Tên Hoà, cũng bạn của hắn, hồi tết vừa qua báo cho tôi biết, Ảnh bị đột quỵ (?) miệng còn méo, và nói chuyện hơi khó khăn. Thầy Nguyễn Minh Đức mà bạn nhắc là chú (dượng, chồng bà cô) tôi. Tôi đã ở trọ nhà ổng (đúng hơn nhà cô tôi) khi xuống QN (nhưng bụt nhà không thiên, ổng ở nhà hiền queo, hiện tại ổng ở SG vui thú điền viên). Cảm ơn bạn đã cho các bạn đồng môn một hoài niệm thân thương thời mới lớn.
Mãi đến hôm nay mới đọc được bài viết này của anh.
“Dấu xe tăng dày đặc hơn, đại bác tạo hầm hố nhiều hơn và hỏa châu bắt đầu lơ lửng soi sáng hằng đêm. Dân làng tôi bắt đầu hãi hùng khi đêm đến vì nó dần dần trở thành sở hữu của vô tâm và tàn ác.
Ba tôi đã quyết định từ bỏ mái nhà tranh và ruộng vườn đẫm đầy mồ hôi nước mắt để cùng gia đình tản cư đến gần Quận Lỵ.
Tôi đành phải nửa chừng gấp lại cuốn “Quốc Văn Toàn Thư”, trong đó có bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, để tạm thời … tôi thôi học.”
Tuổi thơ của anh chẳng khác tuổi thơ của MT là bao nhiêu, nhưng có lẽ anh còn may mắn hơn MT đó.
Bài viết thật hay và nhiều cảm xúc, những kỷ niệm thời thơ ấu của anh thật đẹp, anh Như Vũ có trí nhớ thật tuyệt vời.