café vườn chuối
Từ khi chuyển cơ sở học qua trường đại học Vạn Hạnh cũ ở đối diện chợ
Trương Minh Giảng, tôi và bạn Thanh chọn điểm tập kết là quán cafe ABC
đối diện trường, mỗi khi có mặt ở trường. Nhưng đại bản doanh chính
của bọn tôi vẫn là một quán cafe cóc, dưới bóng râm của tàn cây trứng
cá lớn, nằm trên con hẻm trái đường Vườn Chuối, khu Bàn Cờ. Gần nhà
Thanh, và cũng gần ngôi nhà tôi đang ở, góc đường Lê Văn Duyệt. Bên
cạnh đó, đối diện phía bên kia đường Vườn Chuối cũng có một quán cafe
cóc khác, cũng dưới bóng râm của một cây trứng cá lớn khác. Cũng là
đại bản doanh của một cặp Thanh, Phương khác, trùng tên. Như thế, có
hai quán cafe, một trái, một phải, cách nhau chỉ chừng hai ba chục
mét, là đại bản doanh của bốn người bạn học.
Con đường Vườn Chuối ở chính giữa trở thành ranh giới phân chia hai
bên của hai quán cafe cóc, đây là tụ điểm hội họp giải trí của bốn
người bạn học cùng lớp trong suốt mấy năm dài đại học. Một cặp là dân
Nam kì và Trung kì: Văn Thanh và Ngọc Phương, cặp kia thì cả hai là
dân Bắc kì: Văn Thanh và Viêm Phương. Cũng thỉnh thoảng chúng tôi có
qua bên đó ngồi, nhưng chỉ là những dịp đặc biệt nào đó, còn không thì
đừng hòng qua lại. Tôi và Thanh xôxíchle ngồi bên này nhìn qua bên kia
chỉ cách đó mấy chục mét mà không thể bước qua. Dù rằng khi đến
trường, chúng tôi vẫn cùng ngồi chung một trụ sở là quán ABC, vẫn đấu
hót nhau, nhưng về đây thì không, hồn ai nấy giữ, sao lại như vậy.
Có lẽ từ nơi tôi và Văn Thanh bắc kì, Văn Thanh bắc kì là người đam mê
về bộ môn sử học và có nghiên cứu sâu rộng về môn học này, nên bạn bè
trong lớp gán cho danh hiệu là Thanh sử gia, để phân biệt với Thanh
xôxíchle. Và Viêm Phương cũng vậy, được gọi là Phương sử gia để phân
biệt với tôi.
Thanh sử gia, người không cao, áo quần luôn tươm tất kiểu giáo làng,
gặp mặt thì nói như khướu, ngoài đam mê về lịch sử Đông Phương, Tây
Phương, bạn rât ngưỡng mộ hai nhân vật nổi tiếng đương thời bấy giờ là
Phạm Công Thiện và Bùi Giáng, bạn thích nghiên cứu về triết học Phương
Tây, Hiện Sinh, Cơ Cấu Luận… bạn có thể ngồi kể say sưa vể tác phẩm
Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Trong Triết Học, say sưa đọc những câu
thơ lạ lùng trong Sa mạc trường ca hay Sa mạc phát tiết của trung niên
thi sĩ Bùi Đười Ươi, hay ca tụng về Sartre, Heidegger …nói tóm lại
bạn ấy là con mọt sách khá thông minh, có lẽ bạn cũng tự biết khả năng
của mình nên tỏ vẻ cao ngạo, tác phong thiếu khiêm tốn. Tuy vậy bạn
cũng có ưu điểm, như mạnh dạn tranh luận với thầy trước cả hơn trăm
sinh viên, trong giờ học. Tôi còn nhớ như in, bạn dùng tay đập mạnh
lên bàn trước mặt người thầy từ Bắc vào, nói: Tả, tả, tả. Ý bạn muốn
lập lại lời của tướng quân Lưu Vĩnh Phúc, diễn tả y lại hành động cũng
như lời nói của nhân vật. Nhưng việc lớn tiếng gằn giọng cũng nói nên
sự bực tức về điểm thiếu sót của người thầy, nét son tôi chấm cho bạn
mình. Sau này khi ra trường tôi gặp Thiện, anh ruột của bạn Thanh, và
kết thân với anh, Thiện mời tôi về nhà chơi, tôi đâu biết anh em vẫn
còn ở chung một nhà, Thiện sai Thanh rót nước mời tôi, làm hai người
bạn cũ kẹt cứng, ngượng ngập. Thiện biết, nhưng hình như phớt lờ,
Thiện ngồi trò chuyện với tôi để người em lui vào trong. Đó là lần
cuối cùng tôi gặp lại bạn, sau đó nghe tin bạn đã ra nước ngoài.
Viêm Phương thì ngược lại, ít nói, giữa đám đông bạn bè càng im lặng
hơn nữa, tôi cũng giống bạn ở điểm này. Người ‘quân tử’ là dùng mắt
chứ không dùng miệng trong đám đông. Nhưng với tôi thì người ta thấy
sự bình thản, với anh thì thấy toát ra sự cô độc và lạnh lùng. Một
điểm giống tôi nữa là khi gặp đúng đề tài, bắt đúng tầng số thì xổ ra
liên thanh, phải kéo thau, kéo chậu, kéo rổ rá ra hứng mới kịp. Nhưng,
lời anh nói ra hơi chua cay, một số như lấy đinh đóng vào đầu người
ta, anh thường chêm vào: đời là thế; sống cho qua ngày đoạn tháng;
không có gì thì lấy tuổi ra để đè nhau…thế mới khổ; với giọng bắc kì
đặc sệt. Chỉ mới hơn hai mươi tuổi mà giọng anh giống ông cụ xa trời
gần đất, bi quan yếm thế (có lẽ bọn tôi trưởng thành trong thời chiến
nên già trước tuổi cũng nên). Tôi đôi khi cũng phát ngôn như anh nhưng
miệng cười toe toét, với anh nói, là câu bi, còn tôi nói, thì biến
thành câu hài. Nhìn vẻ ngoài xù xì như thế, thật ra anh rất nghệ sĩ,
một con người nhạy cảm, và hơi cả nể với bạn bè. Sau khi ra trường,
Viêm Phương và Thanh xôxíchle là những người bạn thân thiết của tôi,
lúc này thì đủ bộ tam, là chè ba màu, cả ba miền cùng nhau một nhà,
với ba giọng nói khác nhau: Bắc, Trung, Nam. Tôi nói ừ, Thanh nói ừa,
Viêm Phương thì vâng ạ!.
Thanh xôxíchle thì có tính cách ngược lại Thanh sử gia, bạn cũng là
một con sâu sách, nói chung những người bạn học, ngồi ở hai quán cóc
cafe dưới tàn cây trứng cá, đối diện nhau, cũng cùng giống nhau ở điểm
là thuộc loại “sâu, mọt” cả. Anh bạn xíchlô ngốn rất nhiều sách, và
thay vì co cụm tự khẳng định mình, để trở nên kiêu ngạo như bạn Thanh
cùng tên, anh mở cõi lòng ra. Dù phải vất vả với những cuốc xe chạy
hằng ngày, gương mặt anh vẫn tươi, mang nét thanh thản, trông anh
giống như một thiền sư. Anh không gây tranh luận với ai, luôn im lặng
và mỉm cười. Anh bạn xíchlô thích nghiên cứu về triết học Trung Quốc,
thích Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh, thơ Đường, thích Tô Đông Pha, Hàn
Dũ..hơn Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger. Thích bàn luận về
Narzis và Goldmund, về Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis, những công
án Thiền hơn là những vần thơ bí hiểm của Nguyễn Đức Sơn, của Bùi
Giáng.
Mỗi buổi chiều xong những cuốc xich lô là đến hẹn lại lên, bạn cuốc bộ
ra quán cóc vì biết tôi ngồi chờ sẵn ở đó rồi, chúng tôi lại tiếp tục
những câu chuyện không bao giờ kết thúc. Câu chuyện chúng tôi tự tuyên
bố với nhau trong vòng mười lăm năm, hay hai mươi năm, sẽ làm được
chuyện vĩ đại là soạn được bộ bách khoa đại tự điển, kiểu như cuốn
Encyclopedia của Anh hay cuốn Dictionnaire encyclopédique của Pháp.
Còn chuyện viết lách và xuất bản những sách về đề tài bộ môn như những
vị giáo sư đáng kính của chúng tôi thì coi như đương nhiên phải có. Đó
là những giấc mộng lớn và giấc mộng con của chúng tôi. Đúng là không
biết trời cao đất dày, những cái đầu của bọn thanh niên mới lớn quá ư
là ấu trĩ. Những bữa cơm trưa thiếu thốn tại trường, gạo ăn độn với bo
bo, nước mắm là hợp chất của muối với nước trà, thế mà đầu óc lại nằm
trên mây, suy nghĩ viễn vông. Nhưng những lời bọn tôi tự tuyên bố ngày
xưa bây giờ nghĩ lại rất đáng yêu, thời thanh niên ai mà chẳng thế,
chuyện mộng tưởng đội đá vá trời của tuổi trẻ (và chính nhờ những giấc
mơ trời ơi ấy, mà tuổi trẻ mới làm nên được việc).
Thỉnh thoảng bên đại bản doanh bọn tôi có khách đến thăm, đó là Đại
Huynh, anh bạn thuộc loại ‘phi trường phái’ này đến đóng góp bàn luận
chuyện đời, chuyện lớp, chuyện xã hội làm cho cuộc ‘cafe đàm’ này tăng
thêm phần vui vẻ thú vị. Còn đại bản doanh bên kia, cũng thỉnh thoảng
có thêm Đắc Điền tham gia để cãi nhau chí choé, cho thêm phần sôi động
nhộn nhịp. Đôi khi cả bọn sáu người bạn ngồi quây quần nhau một chỗ,
trở thành một cái chợ chồm hổm nho nhỏ. Ai muốn nói cứ nói, ai muốn
nghe cứ nghe. Một tập họp mà ai cũng là thủ lãnh cả, thủ lãnh của
chính bản thân đương sự.
Đắc Điền, người bạn có vóc dáng rất đặc biệt, anh cao hơn bọn tôi
không bao nhiêu, chắc khoảng một mét bảy mươi tám, nhưng anh bự con
quá mức cần thiết so với dáng nhỏ thó cơ bản của người Việt Nam (có lẽ
được mẹ nuôi bằng sữa voi), tuy đồ sộ nhưng gương mặt lại hiền queo,
chút điển trai, có thể nói là một Châu Nhuận Phát của xóm chợ Vườn
Chuối, khu Bàn Cờ. Anh cũng giống tôi ở điểm, nhìn phái nữ thấy ai
cũng đẹp cả, và còn thấy đẹp hơn tôi thấy nữa kìa. Điều đơn giản là
tôi và anh đều cận thị, tôi cận nhẹ và không đeo kính, thấy mắt còn
lanh. Đắc Điền dù đeo hai mảnh ve chai dày cui mắt vẫn thấy mơ huyền,
mỗi khi cầm tờ báo hay điếu thuốc anh phải dí sát vào mắt mà đọc. Và
tôi cũng không dám chắc anh có đọc được rõ hay không, có điều phải nói
bạn tôi rất giỏi sinh ngữ. Tất cả các bạn tôi, trừ tôi ra, đều đọc
được sách báo ngoại ngữ kể cả tiếng Pháp lúc bấy giờ, riêng Thanh
xoxichle biết luôn chữ Hán, thật là những sinh viên cá biệt và tài
năng, mà trong chương trình học thì không có môn tiếng Anh, Pháp hay
Hán. Họ cũng có những giấc mơ tào lao như tôi và Thanh, chuẩn bị vốn
liếng cho cuộc hành trình mười lăm năm hay hai mươi năm sau này(và
cũng chỉ là giấc mơ thôi).
bóng chuyền
Khi đến trường bọn tôi chỉ đóng đô chung ở quán ABC, dù rằng góc đối
diện cũng có vài quán cafe khác. Có lẽ là do chỗ ngồi thông thoáng dễ
quan sát ngôi trường, biết khi nào chuông reng giờ ra chơi, giờ vô lớp
để mà ứng phó. Bước qua cửa cổng lớn, giữa khuôn viên trường có sân
bóng chuyền, và cũng chỉ có một lưới bóng chuyền duy nhất dựng lên
giữa sân trường rộng rãi. Tôi và Văn Thanh rất say mê với môn thể thao
này, và cả hai cùng có ưu thế về chiều cao (hình như đây là đặc điểm
của dân bóng chuyền), có thể vừa làm tay nâng vừa làm tay đập, nhưng
thể lực tôi kém nên hầu như làm tay nâng là chính, khi lên lưới lợi
dụng cái tay dài hơn đối thủ nên thay vì đập mạnh tôi lại bỏ nhỏ trái
banh mới hi vọng thắng điểm được, đúng là lối chơi của kẻ sức yếu,
không hay chút nào. Văn Thanh chơi banh tốt hơn, thêm nữa bản tánh dễ
chịu lại tếu nên được nhiều anh em thích và nể trọng, Thanh chơi tốt ở
mọi vị trí và là chủ lực mỗi khi phân chia nhóm, còn tôi chỉ đóng vai
đệm phụ mà thôi.
Trong thể thao tôi luôn luôn đóng vai phụ. Suốt thời tiểu học, tôi đã
giữ một vai phụ rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất trong
đội banh. Đầu tiên tôi được xếp đứng vào hàng tiền vệ, nhưng do chạy
đuổi theo trái banh không nổi, mệt á thở, bọn bạn cho xuống đứng hàng
hậu vệ khỏi phải chạy long nhong mà nhàn nhã hơn. Nhưng khi tiền vệ
đối phương xông tới, tôi ốm yếu ngăn chặn không xong bị đối phương lấn
tới, hất té chỏng gọng. Thật là bết bác! Vị trí cuối cùng của tôi là
thủ môn, nghĩa là đứng giữa hai đống dép bự thay cho cột cầu môn, nhìn
bọn chúng chơi banh mình vỗ tay reo hò cổ vũ và chạy lượm banh đem về
cho chúng đá, đó là nhiệm vụ là quan trọng. Bởi vì nếu tôi không chịu
chạy đi lượm banh, thì sẽ không có banh cho bọn chúng đá, một vai phụ
thật quan trọng là như thế đấy.
Trong khi cả nhóm bạn Cafe Vườn Chuối thích ngồi tán gẫu ở quán cafe,
thì Thanh xoxichle và tôi lại thích ra sân tham gia vào các cuộc đấu
bóng chuyền. Trường học cả ngàn sinh viên, lớp tôi hơn cả trăm, nhưng
sinh viên toàn trường chơi bóng chuyền dưới sân thì không có bao nhiêu
mà trong đó nhóm bọn tôi chiếm gần một nửa. Tôi, Thanh xôxichle và các
bạn ghiền bóng chuyền trong lớp như Trung Đoàn, Chánh(già), Lâm(bồn),
Lê Nại, Nguyễn Nam, Xuân Vẻ, Thanh Đoàn, Quan (ròm), Văn Hưng, Hồng
Diệu, Bổn, Trị, Quí… thường đóng đô chiếm giữ, lấn át tất cả các
sinh viên ở các phân khoa khác. Đơn giản là vì bọn tôi đã chơi có ban
bệ từ khi ở cơ sở một, sư phạm cũ nằm đường Cộng Hoà.
Bọn tôi ra sân chơi bóng chuyền hằng ngày, sinh viên cũ thì không kể
đến, nhưng sinh viên mới thì chắc là ngạc nhiên chút ít, khi thấy tôi
và Thanh xíchlô là đôi bạn đi cặp kè, một đôi bạn trông rất ngộ
nghĩnh. Tôi thì áo quân tươm tất, tóc tai rẽ ngôi, bề ngoài có vẻ gọn
gàng, mặt chút héo úa đăm chiêu. Thanh thì râu ria có khi cạo, có khi
không, áo bỏ ngoài quần trông rất lè phè, mặt luôn nở nụ cười thân
thiện, thường đi sóng đôi với nhau, nhìn rất đối nghịch. Sinh viên ở
phân khoa khác chắc đôi lúc cũng tự hỏi, tại sao họ lại bạn bè được
với nhau? Quốc Hùng trong giai đoạn này bận với công tác đoàn đội, gặp
nhau chỉ trao đổi những điều cần thiết, khó có dịp cặp kè với tôi như
lúc trước.
Tôi và bạn Thanh đi học giống như đi chơi bóng chuyền, bộ điệu khá
nhàn nhã, bạn Thanh vì sinh kế có chút lơ đễnh trong chuyện học, còn
tôi chán ngán việc học, kiểu học ở Văn Khoa thích hợp tôi hơn, cho lấy
lớp, lấy môn, rồi tự học, tự nghiên cứu hay bỏ đi chơi, cuối năm quay
lại thi. Còn ở đây tôi cảm giác gò bó giống như mình đang học lớp mười
ba. Tôi ngồi trong lớp học mà kiểu cách giống như ngồi quán cafe hay
trong rạp xi nê. Mà thật vậy, tôi mang nguyên ly cafe từ bên ngoài vào
lớp, bỏ lên bàn, đôi lúc còn lấy muổng khuấy leng keng như còn đang
trong quán, bạn Thanh xíchlô cũng một ly như thế, ngồi xem thầy giảng
qua truyền hình trực tiếp. Bên cụm truyền hình khác, Thanh sử gia và
Viêm Phương cũng cùng một giuộc như bọn tôi, với hai ly cafe trên bàn,
Đắc Điền luôn luôn tham gia bên ấy, Đại Huynh phi biên giới lúc bên
này lúc bên kia. Năm cuối cùng một nhân vật nữa tham gia nhóm Cafe
Vườn Chuối đó là Văn Khương, tôi cũng vừa biết anh thuộc dân Cường Đễ
Qui Nhơn như tôi, nhưng có lẽ anh đang đeo đuổi bóng hồng Từ Nhơn bên
khoa Văn nên ít tham gia nhập bọn cho đến tận sau này.
Cơ sở đại học Vạn hạnh lúc ấy rất hiện đại, giáo sư giảng dạy ở hội
trường một, được truyền hình trực tiếp qua một hành lang dài có đặt
bốn năm TV và truyền tới hội trường thứ hai bên cạnh, với bốn cụm TV.
Trong hội trường thứ hai này sinh viên thường kéo ghế ngồi tụ tập
quanh TV để nghe giảng. Bọn tôi co cụm quanh chiếc truyền hình với ly
càfe bên cạnh, nhiều khi thấy vắng người và không bạn nữ, bọn tôi còn
lén hút thuốc lá tại chỗ nữa. Có khi còn tệ hơn thế nữa, có lúc điểm
danh trong lớp xong (chính đây là điều đáng chán), tôi và bạn Thanh
xíchlô len lén ra ngay khỏi lớp, làm vẻ thản nhiên đi qua cổng kiểm
soát bên ngoài, rồi lỉnh ngay vào quán cafe ABC, đôi khi vừa ngồi
xuống thì bắt gặp ngay một số chiến hữu cùng tình cảnh trốn tránh như
bọn tôi ngồi sẵn, thế là phe ta nhìn nhau cười khoái chí.
*Huynh đệ bóng chuyền, trong sân trường đại học
lời thêm:
Văn Thanh và Viêm Phương đã từ lâu và hiện nay sống bằng ngòi bút, còn
đa số bạn khác trong nhóm Café Vườn Chuối thì đang sống rải rác ở Úc,
Canada, Mỹ.
Với Viêm Phương, bạn gõ vào google: Phạm Viêm Phương, sẽ ra tất cả
những gì về bạn ấy.
Với Văn Thanh, rất đa dạng. Vào google gõ: Huynh van Thanh Sach .(nằm
trong vinabook, hoặc minhkhaibook, hoặc Xbook.com hoặc nobita.com),
nếu bạn nào đã từng thích quyển Cổ học tinh hoa xưa kia thì sẽ thích
quyển sách dịch nhuần nhuyễn của Huỳnh Văn Thanh: Kho tàng Minh Triết
Trung Quốc.{jcomments on}
Anh Phương ơi! mỗi người mỗi vẻ , nhưng nét nào đẹp nhất của bạn đều giống anh nên anh là người hoàn hảo nhất rồi .
Đời sinh viên của anh Phương thú vị thiệt, lại có nhiều bạn trên cả tuyệt vời thit quá .
Người bà con tướng sếu vườn mà thể thao gớm .
Tôi ngồi trong lớp học mà kiểu cách giống như ngồi quán cafe hay
trong rạp xi nê. Mà thật vậy, tôi mang nguyên ly cafe từ bên ngoài vào lớp, bỏ lên bàn, đôi lúc còn lấy muổng khuấy leng keng như còn đang trong quán, bạn Thanh xíchlô cũng một ly như thế, ngồi xem thầy giảng qua truyền hình trực tiếp. Bên cụm truyền hình khác, Thanh sử gia và Viêm Phương cũng cùng một giuộc như bọn tôi, với hai ly cafe trên bàn, Đắc Điền luôn luôn tham gia bên ấy, Đại Huynh phi biên giới lúc bên này lúc bên kia.
Sinh viên như Phương sướng quá há trong lớp mà vừa học vừa nhâm nhi cafe!
Cứ vào google gõ là ra tên bạn của anh Phương , còn với anh Phương vào Google gõ: Trần Ngọc Phương thì không ra nhưng gõ: Những lời cám ơn hay Những lời xin lỗi thì lại ra ngược thiệt .
“…tôi và bạn Thanh xíchlô len lén ra ngay khỏi lớp, làm vẻ thản nhiên đi qua cổng kiểm soát bên ngoài, rồi lỉnh ngay vào quán cafe ABC, đôi khi vừa ngồi xuống thì bắt gặp ngay một số chiến hữu cùng tình cảnh trốn tránh như bọn tôi ngồi sẵn, thế là phe ta nhìn nhau cười khoái chí.”
Cúp cua được là khoái nhất trong đời học trò .
Thanh xôxíchle thì có tính cách ngược lại Thanh sử gia, bạn cũng là một con sâu sách, nói chung những người bạn học, ngồi ở hai quán cóc cafe dưới tàn cây trứng cá, đối diện nhau, cũng cùng giống nhau ở điểm là thuộc loại “sâu, mọt” cả. Anh bạn xíchlô ngốn rất nhiều sách, và thay vì co cụm tự khẳng định mình, để trở nên kiêu ngạo như bạn Thanh cùng tên, anh mở cõi lòng ra. Dù phải vất vả với những cuốc xe chạy hằng ngày, gương mặt anh vẫn tươi, mang nét thanh thản, trông anh giống như một thiền sư. Anh không gây tranh luận với ai, luôn im lặng và mỉm cười. Anh bạn xíchlô thích nghiên cứu về triết học Trung Quốc, thích Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh, thơ Đường, thích Tô Đông Pha, Hàn Dũ..hơn Friedrich Nietzsche, Martin Heidegger. Thích bàn luận về Narzis và Goldmund, về Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis, những công án Thiền hơn là những vần thơ bí hiểm của Nguyễn Đức Sơn, của Bùi
Giáng…
Đúng là sức trẻ, đầy ắp sức lực và hoài bảo anh Phương hỉ?
Bốn chàng ngự lâm của sân trường Đại học người nào cũng phơi phới tình xuân , một thời đẹp đẽ đã qua .
Thời sinh viên của anh Phương lừng lẫy quá còn thời sinh viên của BV thì cứ hối hối hả hả thi cử lo toan .
Dạ Lan: Cám ơn lời com có cánh(dễ gãy)của bạn.
Sẻ Xám: thời trung học bạn là do tự nhiên mà có, thời đại học bạn là do tự chọn, sau đó nữa, bạn là do nhu cầu cuộc sống cần có. Phuong cám ơn tất cả những người bạn có được trên đường đi.
Phượng: Phuong rất thích và bây giờ vẫn còn chơi thể thao, mê đá banh, bóng chuyền và tennis, nếu có trên TV thì khó rời mắt ra được.
Quốc Tuyên: Kể thì vui, nhưng lúc đó chán lắm. Các bạn có tên đề cập đến như Ngọc Liên, Hồng Phúc, Văn Khương, cặp Hoàng Việt và Kim Phụng đang ở đây (Sg). Các bạn khác như Đại Huynh ở Canada, Thanh bắc kì và Đắc Điền ở Mỹ, bạn Quốc Hùng, Trung Đoàn, Văn Hưng, Hiên Trần, Tuyết lê và Lương Hoa ở Úc. Mấy ông bạn đang âm thầm theo dõi bài viết chắc phải lắc đầu than rằng, tên này sao mà nhớ dai nhách!
Tuệ Minh: Phuong cũng thấy đúng dzậy. :=) 😛
Uyển Diễm: Còn chín mươi bạn mới nhập vào(giống maika, từ trời rơi xuống), họ học hành rất tử tế.
b Thủy: thời sinh viên hay đến nhà Văn Thanh cũng bởi trên gác gỗ chỉ có một cây guitar cũ đen sì còn toàn là sách và sách, không có bạn ở nhà anh nằm đọc sách và ngủ quên luôn ở đấy. Trong nhà Viêm Phương hay Thanh bắc kì cũng thế. Bởi vậy lúc ấy mới kêu bọn họ là lũ sâu mọt.
Kiều Thanh: thế nên rất hợp với mục gọi là Kỉ Niệm Ngày Xanh phải hôn? Nhưng thời đẹp nhất bao giờ cũng là thời hiện tại đó bạn.
Bích Vân: tại thời sinh viên Bích Vân quá khiêm tốn, nếu lúc ấy Bích Vân nách thì kẹp vở, tay cầm ly cafe, tay khác cầm điếu thuốc đứng tựa hành lang nhìn xuống sân trường, khỏi cần bưng cafe vào lớp cũng đủ lẫy lừng thiên hạ rồi. Thật ra bọn Phuong cũng bị hai cô Định và Hoà(đoàn viên) nhắc nhở, nhưng họ là những maika nên rất nể và ngại mấy ông này lắm, Phuong và Thanh cũng không để bọn họ khó xử nên sau đó đành bỏ thùng rác. Thật là phí của giời!
Nhớ kỉ niệm nhiều quá có bị bà xã la không ha ha
Thanh Nga: sao lại thế? càng vui chứ, câu chuyện không ảnh hưởng đến an ninh và nền hoà bình thế giới, chỉ tăng thêm tình hũu nghị thắm thiết mà thôi. Cám ơn sự quan tâm của bạn.