ám ảnh tôi từ mấy hôm nay. Tôi cứ nghĩ đến nó, nhớ rõ từng chi tiết,
hình ảnh, từng xúc động trong lòng mình lúc đó. Để rồi trăn trở băn
khoăn, không biết những người khác – những người Việt Nam cũng lưu
vong như tôi – có cùng một tâm trạng như tôi hay không, nếu họ chứng
kiến câu chuyện chẳng có gì hết này. Đó là lý do tôi muốn kể lại những
gì tôi đã nghe thấy cách đây mấy hôm. Và tôi nghĩ : kể lại, chắc sẽ
làm nhẹ bớt những gì từ bao lâu nay tôi chất chứa trong lòng…
…Hôm đó, tôi đi mua đồ ở siêu thị. Sau khi kiểm điểm lại
những gì mà vợ tôi dặn mua – một danh sách mười mấy món – tôi đẩy xe
caddie lại xếp hàng để ra két. Vì đông người nên hàng thật dài, kéo
sâu vào hành lang giữa hai dải kệ đầy bánh kẹo. Tôi đứng ở cuối cái
đuôi, kiên nhẫn đợi, bởi vì người xếp hàng đã đông mà caddie của người
nào cũng đầy ăm ắp.
Phía trước tôi, cách hai người, có ba con đầm tuổi choai
choai chắc đi chung nên thấy xô đẩy nhau cười nói. Chúng nó nói chuyện
với nhau, nói lớn tiếng như chúng đang ở ngoài đồng và như đứa này
cách đứa kia hàng trăm thước ! Một đứa bỗng lấy ra một điện thoại
di-động bấm nút rồi nói chuyện. Vì hai đứa kia đang nói lớn tiếng nên
nó phải la lớn hơn để người đối thoại mới nghe. Đại khái, nó hỏi : “
Hôm qua mày đi với thằng nào ? … Super… Ừ ! Ừ !… Thằng Alex hả
?… Génial ! … Ừm ! Ừm ! … Génial ! … Rồi mày làm sao ?…Ừm ! Ừm
!…”. Bỗng nó rú lên vừa nhảy cẫng vừa hét vào máy : ” Ố ! Ố
!…Super ! Super ! Génial !… Ờ… Thôi ! Mày gọi lại tao há ! Bye ! “
Nó đóng máy lại mà mắt môi vẫn còn đầy kích động ! Có vài người nhìn
nó, nhưng cái nhìn dửng dưng. Chẳng thấy có ai cau mày hay lắc đầu nhè
nhẹ để thấy họ có phản ứng, dù là gián tiếp ! Coi như chuyện bình
thường…
Tôi thì tôi không chịu được ! Thật là mất dạy. Mà ở xứ Pháp
này, cái thứ mất dạy như vậy, đầy ! Chẳng còn nề nếp gì hết, chẳng còn
lễ độ gì hết, chẳng còn kiêng nể gì hết. Loạn !
Chính trong lúc đó tôi nghe phía sau tôi giọng đàn bà nói
tiếng Việt Nam : ” Sophie ! Đừng làm như vậy ! Mẹ nói đừng làm như vậy
!”. Ngạc nhiên, tôi nhìn lại : đứng ngay sau tôi là một thiếu phụ Việt
Nam tuổi độ ba mươi và một đứa bé gái tóc vàng mắt xanh cỡ chừng bảy
tám tuổi. Thấy tôi nhìn, cô ta mỉm cười gật đầu chào, rồi tiếp tục nói
với đứa con : ” Mẹ dạy con làm sao ? Muốn cái gì cũng phải hỏi ý mẹ
trước. Thứ này ở nhà con còn tới hai hộp lận, ăn chưa hết mà con lấy
nữa làm gì ?” Đứa bé đứng cúi đầu. Cô ta nói tiếp, giọng hơi gằn : “
Sophie ! Nhìn vào mắt mẹ nè !” Đứa bé ngước lên nhìn mẹ, đôi mắt xanh
chớp chớp. Người mẹ vừa nói vừa chỉ hộp bánh nằm trong caddie : ” Con
đem hộp bánh trả lại trên kệ hàng cho mẹ ! Đừng làm cho mẹ giận,
Sophie !” Đứa bé làm theo lời mẹ, rồi trở về nắm ống tay áo mẹ giựt
giựt nhẹ, giọng như sắp ướt nước mắt : ” Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Mẹ
đừng giận con…”
Ngạc nhiên, tôi nói : ” Cháu nói tiếng Việt giỏi quá, há cô !”. Mẹ nó
cười tươi : ” Dạ, lúc nào nó nói chuyện với cháu nó cũng nói bằng
tiếng Việt. Còn nói với ba nó thì nó nói tiếng Pháp”. Rồi cô ta quay
qua nói với con : “Chào ông đi con”. Con bé khoanh tay cúi đầu : “Dạ
chào ông”. Tôi đưa tay xoa đầu nó, nói được có một tiếng “Giỏi” rồi
nghẹn ngang. Tôi vội nhắm mắt quay mặt đi để che giấu niềm xúc động.
Nhắm mắt mà tôi vẫn thấy đứa bé khoanh tay cúi đầu chào, một cử chỉ
rất tầm thường nhưng sao nó bật lên cho tôi hình ảnh quê hương, cái
quê hương ngàn trùng xa cách ? Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba
mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần
lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy. Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này,
một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành
rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ
ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh
Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Trả tiền xong, tôi quay lại nói : “Thôi ! Chào cô nghen !
Thấy cô dạy cháu bé như vậy, tôi thật cảm phục. Ở đây, hiếm lắm, cô
biết không ?”. Cô ta cười : “Dạ ! Có gì đâu? Mình là người Việt Nam mà
bác. Dạ ! Chào bác”. Bé gái đang phụ mẹ chất đồ lên quầy cũng ngừng
tay nhìn tôi cúi đầu chào… Thấy thương quá !
Trên đường về tôi miên man nghĩ tới người thiếu phụ trẻ
tuổi đó và thấy quí những người như vậy vô cùng. Không phải tại vì
hiếm mà quí. Mà tại vì nhờ có những người như vậy cái gốc Việt Nam vẫn
còn, vẫn có trên khắp các nẻo đường lưu vong.
Rồi liên tưởng nhắc tôi một thằng bạn. Tụi tôi quen thân
nhau từ nhỏ. Lớn lên, nó làm trong nhà nước, tôi làm hãng tư, nhưng
vẫn thường gặp nhau. Nó đi tháng tư 75 rồi định cư ở Pháp. Tôi sống
mấy năm trời lận đận. Sau đó tôi cũng đi Rồi cũng định cư ở Pháp.
Chúng tôi lại gặp nhau ở Paris. Nó làm việc cho nhà nước Pháp, cuộc
đời ổn định từ lâu. Tôi lêu bêu một dạo rồi trôi qua Phi Châu mới có
công ăn việc làm. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau…
Phải hai mươi năm sau, về Paris tôi mới lại gặp nó. Nó có
nhà ở dưới tỉnh, cách Paris cả ngàn cây số. Nhân dịp lên Paris ở hai
ngày để dự đám cưới thằng cháu, nó tìm gặp lại tôi ở nhà một người bạn
chung. Nói chuyện suốt cả buổi chiều vẫn chưa thấy đã. Sau đó, nó biên
cho tôi địa chỉ của nó trên một tờ giấy nhỏ, tôi nhìn mà nhớ lại thuở
thiếu thời. Hồi đó, nó là một trong vài thằng viết chữ đẹp nhứt lớp,
cho nên ông thầy chỉ định nó mỗi buổi sáng vào lớp trước giờ học để
viết trên đầu tấm bảng đen cái thứ trong tuần và ngày tháng năm. Hồi
thời đó, được chỉ định như vậy, “hách” ghê lắm ! Bây giờ, tuồng chữ
của nó vẫn còn đẹp như xưa nhưng cứng rắn hơn.
Mấy hôm sau, tôi viết cho nó một bức thư dài, nhắc lại
những kỷ niệm cũ mà hôm gặp lại nhau còn quên chưa kịp nhắc. Thằng con
tôi bảo tôi viết xong đưa nó đánh vào máy vi tính rồi in ra cho tôi.
Máy của nó có hệ VNI nên đánh chữ Việt Nam được. Tôi nói : “Không ! Ba
muốn gởi thư viết tay, nó trang trọng hơn. Ngoài ra, khi bạn của ba
cầm lá thư trên tay, chưa đọc, chỉ nhìn tuồng chữ thôi, ông ta cũng sẽ
thấy được ba trong từng nét bút. Còn thư đánh máy, nó không mang một
bản sắc nào hết, nó cứng ngắt, vô hồn…”
Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư hồi âm của nó. Thư đánh
máy và bằng tiếng Pháp. Tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đâu có dè nó
“mất gốc” đến độ như vậy ! Tôi chỉ còn nhìn ra được thằng bạn tôi ở
cái chữ ký, còn lại là một thằng tây nào đó chớ không phải một thằng
Việt Nam ! Tôi chua xót, nhưng cũng ráng đọc cho hết bức thư trước khi
thả nó rơi vào sọt rác. Tình bạn mà tôi đã dành cho nó từ thời tuổi
nhỏ chắc cũng đã rơi theo vào sọt rác, nghe nhẹ như hơi thở dài…
Đó ! Câu chuyện không có gì hết mà tôi muốn kể lại. Suy cho
cùng, chắc nó có mang một “cái gì đó” chớ không phải “không có gì
hết”. Tại vì tôi không thấy. Chớ nếu nó không “nói” lên cái gì hết thì
tại sao tôi cứ phải nghĩ ngợi băn khoăn ?
Có lẽ tại vì lâu nay tôi thường nghe người Việt lưu vong
than đã mất quê hương, mà tôi thì cứ cho là chuyện bình thường, chẳng
có gì phải suy nghĩ. Chính cái cung cách khoanh tay cuối đầu chào của
cô bé tóc vàng mắt xanh đã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu người Việt lưu
vong giống thằng bạn của tôi thì đúng là họ đã để mất quê hương thật.
Còn như họ giống mẹ con người thiếu phụ trẻ tuổi mà tôi gặp trong siêu
thị thì làm sao nói mất quê hương ? Quê hương còn nguyên đó chớ, thể
hiện bằng tư duy, bằng ngôn ngữ, bằng phong cách đặc thù Việt Nam. Đó
là cái gốc mà mình đã mang theo, chỉ cần một quyết tâm gìn giữ, vun
bồi là nó sẽ đâm chồi nẩy lộc… Còn hay hơn nữa : mình nên bắt chước
người mẹ trẻ tuổi đó, coi chuyện gìn giữ cái gốc là chuyện tự nhiên,
ai ai cũng phải làm. Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : “Dạ ! Có gì đâu
? Mình là người Việt Nam mà bác !”. Và tôi tin chắc : một người như cô
ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương !
Bây giờ thì tôi thấy “câu chuyện không có gì hết” thật sự
không phải không có gì hết !{jcomments on}
Xin chào bác Tiểu Tử !
Từ “gốc” (đơn giản) mà bác dùng để lý giải cho câu chuyện “Chuyện chẳng có gì hết” mà thật sự không phải không có gì hết là rất chính xác đấy ạ ! Nói văn vẻ lên thêm một chút thì có thể gọi đó chính là “cái hồn – cái cốt” của người Việt mình dù ở hoàn cảnh nào, ở thân phận nào mà vẫn giữ được, không bị lai căng, không bị đồng hóa…cũng đều rất quý. Vì vậy, cái “không phải không có gì hết” của bác – theo cảm nhận của cháu – là rất sâu sắc, rất nhân văn.
Cám ơn bác đã thêm một lần trãi lòng với bạn đọc HX như một lời tâm tình, gửi gắm, tin cậy của một người VN tha hương nặng tình với quê hương đất nước. Phải chi bác sắp xếp được thời gian để cùng trao đổi thêm với bạn đọc qua comment & reply thì sẽ rất hay. Chúc bác vui khỏe !
Bây giờ thì tôi thấy “câu chuyện không có gì hết” thật sự
không phải không có gì hết !
Chỉ một câu kết thôi đã chứa đựng biết bao nhiêu điều trong đó. Bài viết của bác thật sâu sắc. Chúc bác sức khỏe.
Câu chuyện chú viết làm cháu cứ bâng khuâng mãi , cám ơn chú .
Chào bác Tiểu Tử! Đọc “Chuyện chẳng có gì hết” của bác, cháu thực sự xúc động. Xúc động vì ở một nơi rất xa quê hương nhưng tâm hồn, suy nghĩ, cốt cách của bác vẫn là người Việt Nam. Theo như sự cảm nhận của cháu thì đằng sau mỗi câu chuyện là nỗi lòng đau đáu của một con người Việt về quê hương, về bản sắc văn hóa dân tộc. Đúng như anh Khoa Trường đã nói: “đó chính là “cái hồn – cái cốt” của người Việt mình dù ở hoàn cảnh nào, ở thân phận nào mà vẫn giữ được, không bị lai căng, không bị đồng hóa…”.Câu chuyện của bác còn là bài học, là cái giật mình thức tỉnh của thế hệ trẻ Việt Nam. Cảm ơn bác! Chúc bác có thật nhiều sức khỏe ạ!
Hong biet “TIEU TU” bi nhieu tuoi ma ai cung goi la “Bac”
Thoi thi cung “cam on Bac”, nhung gi bac noi la o co gi ma tui thay nhan nhan o moi noi…nhieu nguoi lon moi roi que nha co 10 nam la quen het ngon ngu VIET, nhieu khi muon “no” cho ban be so choi do thoi,
Bac viet , toi doc va chi goi mot “Tieng tho dai” tang bac thay cho loi cam on
Tôi ít khi bỏ qua truyện của Tiểu Tử.
Nhân đây tôi cũng xin kể một chuyện. Năm 1971, tôi ra trường đại học, từ Sài Gòn về Tây Sơn, Bình Định thăm quê cũ. Trên con đường làng, tôi gặp hai em bé khoảng 9-10 tuổi đi học về. Hai em thấy tôi đi tới vội đứng qua một bên con đường làng hẹp nhường lối cho tôi đi. Khi tôi đi ngang hai em, hai em vội lấy nón lá xuống khỏi đầu và cùng nói, “Dạ chào bác!” Tôi đột nhiên cảm động, đứng sững lại, nhìn vào mắt hai em. Hai nụ cười nữa lại chào đón tôi một cách chân tình, không chút e lệ. Tôi sờ đầu hai em và nói, “Hai cháu giỏi, ngoan lắm, mà ai dạy hai em gặp người lớn chào hỏi như vậy?” Hai em cùng trả lời, “Dạ thưa bác, cô giáo dạy các em.” (chắc là các cô giáo HX)
Sau đó, tôi cảm động bước đi trên con đường làng, hồi tưởng ngày tôi còn thơ, cũng quần cụt áo nâu, cũng nón lá, chân đất, đi học trường làng, trên những con đường gồ ghề dấu chân trâu bò nầy. Bỗng dưng tôi ước sao trong hai hay ba mươi năm nữa hai em bé kia cũng trở về làng với kiến thức văn hóa như tôi.
Cảm ơn Tiểu Tử, chắc anh cũng không lớn hơn tôi bao nhiêu. Mong được đọc thêm những gì anh viết. Chúc sức khỏe.
Tôi nhớ hoài câu nói của cô ta : “Dạ ! Có gì đâu
? Mình là người Việt Nam mà bác !”. Và tôi tin chắc : một người như cô ta chẳng bao giờ than rằng đã mất quê hương !
Quê hương đâu có mất tự mình đánh mất rồi than thở phải không Bác.
Mình cũng nghĩ như Bích Vân vậy ! Quê hương đâu có mất ,tự mình đánh mất rồi than thở…đọc truyện của Tiểu Tử thật là sâu sắc,thâm thúy & rất hay! Cám ơn anh Tiểu Tử rất nhiều!
NT cũng nghĩ như Bích Vân và chị Loan :Quê hương đâu có mất tự mình đánh mất rồi than thở …cho NT ké với nghen Bích Vân và chị Loan. 😛
Bài viết đã nói lên nỗi lòng với que hương đất nước con người Việt Nam thật tuyệt vời và sâu sắc cám ơn bạn Tiếu Từ
Từ lâu, rất lâu – có lẽ cũng gần ba mươi năm – tôi không còn thấy cái cung cách lễ độ đó. Ở Việt Nam, phần lớn các bà mẹ đều dạy con như vậy.Bây giờ, trên xứ Pháp xa xôi này, một người mẹ Việt Nam trẻ tuổi chẳng những dạy đứa con lai nói rành rọt tiếng Việt mà còn dạy cả cung cách Việt Nam nữa. Người mẹ đó bỏ xứ ra đi, đã biết mang theo những gì quí nhứt của quê hương. Hình ảnh Việt Nam bỗng ngời lên trước mắt…
Câu chuyện như nhắc nhở mọi người cung cách sống của người VN, cám ơn nhà văn Tiểu Tử rất nhiều.
Đánh mất quê hương và biết mình đánh mất, dám bộc lộ tâm tình qua văn thơ là điều đáng quý. Mất quê hương mà không hay mới đáng buồn. Quê hương vẫn nằm lặng lẽ bên bờ biển Thái Bình. Mất hay không mất là do cảm nghĩ và hoàn cảnh mà thôi.
Cám ơn các bạn . Tưởng ” Chuyện Chẳng Có Gì Hết ” té ra ” nó ” … có gì đó nên đã gợi sự chú ý của các bạn. Xin được nói thẳng : các bạn đã nhìn thấy ” nó ” là điều làm tôi vừa thích thú vừa hãnh diện và – dĩ nhiên – tôi thấy được khích lệ vô cùng . Cám ơn ! Cám ơn !
Tiểu Tử