Nàng Tiên Cá Nhỏ

Nàng Tiên Cá Nhỏ
Truyện của  Edward Eriksen

Tháng 9 năm 2012, chúng tôi du lịch Nga và Bắc Âu.  Những ngày cuối,
chúng tôi ghé thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.  Chúng tôi được đưa đi
thăm bờ biển Đan Mạch đẹp với những ngôi nhà kiến trúc mỹ thuật dọc bờ
biển.  Có một số nhà được lợp bằng một loại tranh đặc biệt bền đến 20
năm mới phải thay.  Nhìn những cánh bườm trắng đang lướt gió trên nước
biển xanh êm đềm, lòng tôi chợt thư giãn hẳn so với 2 tuần vội vã đi
đó đi đây trên đất nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển.  Mây trắng trôi lững
lờ trên vùng trời xanh Copenhagen cho tôi cảm giác nhàn cư, thoải mái.
Trí tôi có quay về một thoáng với quá khứ những năm 1954-1955 với
biển Qui Nhơn khi tôi bước chân vào bậc trung học.  Cũng những cánh
buờm trắng dập dìu của ngư dân, cũng biển xanh nhưng màu trắng của
cánh bườm Đan Mạch thật tinh khôi, màu xanh của biển thật dịu dàng,
tươi mát, êm đềm.

Sau đó, chúng tôi được đưa đi thăm Nàng Tiên Cá Nhỏ (The Little
Mermaid).  Du khách từ khắp nơi trên thế giới tụ về đây rất đông.  Quà
lưu niệm có tượng NTCN giá từ 2.5-10 đô la được bán chạy như tôm tươi.
Tôi mua một dây chuyền đeo cổ có hình NTCN làm kỷ niệm.

Tượng NTCN được dựng lên ở bờ biển nầy vào năm 1913.  Nàng đã ngồi đây
99 năm và nhiều triệu du khách từ khắp thế giới đã ghé thăm nàng.

Nàng đã ngồi đây 99 năm
Ngày mưa tháng nắng bao thăng trầm
Chờ ai mà mãi nhìn ra biển
Người đi còn khuất nẻo xa xăm

Nàng đã chờ đây gần trăm năm
Muôn ngàn du khách đã ghé thăm
Vóc dáng thơ ngây vẫn còn đó
Có cảm thương nàng hỡi trời xanh?

Nguyễn Trác Hiếu
Copenhagen 17 tháng 9 năm 2012

Dưới đây là một đoạn văn ngắn trích từ bản tin của đài BBC Luân Đôn:

“Tượng nàng tiên cá nhỏ, điểm thu hút du lịch lớn nhất ở Copenhagen,
Đan Mạch bị mất đầu tới hai lần.

Tượng nàng tiên cá, nhân vật trong truyện cổ tích Andersen, là một
trong những điểm hấp dẫn khách du lịch nhất ở thủ đô Copenhagen, Đan
Mạch.

Tuy nhiên, sau khi bị phá không biết bao nhiêu lần trong những năm 60,
các nhà chức trách quyết định rời nàng tiên cá ra xa bờ khoảng vài mét
để tránh khỏi đám đông hung dữ.

Bức tượng bị bẻ đầu tới hai lần, lần đầu năm 1964 và lần thứ hai năm
1998, đó là chưa kể lần phá hoại không thành năm 1990.

Trước đó, năm 1984 tượng bị mất một cánh tay nhưng hai ngày sau được trả lại.
Nhưng vụ phá hoại tồi tệ nhất là vào năm 2003, nàng tiên cá bị tung ra
khỏi bệ vì có người đặt thuốc nổ.

Bức tượng cổ tích này cũng bị sơn trát choe choét vài lần. Có người
còn phủ tấm khăn burka của phụ nữ hồi giáo lên tượng, và hồi năm 2006
thì nàng tiên cá bị ai đó ác tâm bỏ cả đồ chơi tình dục vào tay.”

Tôi đến Copenhagen vào đầu thu nên thời tiết dễ chịu.  Đi bộ thăm
thành phố hàng giờ không đổ mồ hôi.  Copenhagen đẹp và thơ mộng.  Kiến
trúc trong thành phố cũng đồ sộ, mỹ thuật như ở Nga.  Các trung tâm
thương mại lớn, đẹp và sạch sẽ.  Một xứ sở thanh bình.  Người Đan Mạch
nói tiếng Anh nhiều hơn người Nga.   Chúng tôi có 4 tiếng tự do đi dạo
và mua sắm.  Tôi định lợi dụng 4 tiếng nầy đi thăm hay hẹn gặp một cựu
giáo sư trung học của chúng tôi cư ngụ ở đây đã lâu khi được tàu Đan
Mạch vớt khi thầy tôi ra đi vào năm 1979.  Tôi lật bản đồ
Copenhagen nhưng không tìm ra tên khu thầy tôi cư ngụ nên tôi bỏ cuộc.
Chúng tôi không mang theo điện thoại nên cũng không gọi thăm thầy
được.

Trước khi lên đường đi Nga và Bắc Âu, chúng tôi đã được biết trước
thực phẩm và đồ tiêu dùng ở các nước nầy giá khá cao.  Tuy vậy chúng
tôi cũng ăn thử nhiều thứ cho biết.  Đi phố, chúng tôi ghé tiệm kem.
Tôi thò vào túi lôi ra một nắm tiền cắc, coins, đưa cho cô bán hàng.
Nắm bạc cắc nầy gồm tiền của nhiều nước, nào tiền Mỹ, tiền Phần Lan,
tiền Nga, tiền Thụy Điển, tiền Đan Mạch… Không biết các bà đi chung
thì sao chứ riêng tôi và mấy ông đi cùng thì không thể nào nhớ nổi
tiền gì là tiền gì, giá trị tương đương ra sao.  Cô bán hàng vừa cười
tươi vừa lựa những đồng bạc cắc mà cô chấp nhận.  Kem Đan Mạch thật
ngon nhất là khi du khách đang khát nươ’c.  Một chai nước ở phi trường
giá 5 đô la Mỹ, 10 lần đắc hơn ở Mỹ.  Ăn trưa tôi và người bạn gọi thử
một hamberger Đan Mạch để chia hai vì nó lớn hơn cả cái Whopper của
Burger King bên Mỹ.  Chúng tôi mỗi người cũng gọi một ly cà phê giống
như cà phê Starbuck ở Mỹ.  Có lần đói tôi ăn được 2 Whopper ở Mỹ,
nhưng nửa cái hamberger Đan Mạch thơm ngon cũng đủ cho tôi no.  Ly cà
phê không so sánh được với ly cà phê VN ở tiệm Little Sài Gòn ở
Orlando.  Giá cái hamberger là 30 đô Đan Mạch và ly cà phê 16 đô.
Tiền Đan Mạch ngang ngửa đồng Euro và Euro cao hơn tiền Mỹ một chút.

Ăn thực phẩm Nga và Bắc Âu 2 tuần, chúng tôi bắt đầu thèm cơm Việt
Nam.  Một bữa cơm VN không thịnh soạn mấy nhưng chúng tôi ăn như tằm
ăn lên.  Giá bữa ăn đắt gấp 5 lần bữa ăn VN ở Mỹ, hướng dẫn viên du
lịch chỉ nói vậy mà không cho biết giá rõ ràng.  Một bữa ăn trưa
Buffet Thái Lan tạm được vì ít món ăn hơn ở Mỹ, giá 66 đồng Đan Mạch.
All you can eat hay buffet ở Mỹ chỉ 10-15 đô la Mỹ.  Tiệm Tàu ở Đan
Mạch nấu ăn không ngon lắm nhưng có nước mắm ớt.  Mỗi bàn 10 người,
các bà gọi đến 3 tô nước mắm ớt.  Lại ăn như tằm ăn lên, cuối bữa các
dĩa món ăn đều được quét sạch.  Tôi không biết giá bữa cơm Tàu.  Chắc
chắn là không rẻ như ở Mỹ hay Nam Mỹ.

Khi đến Đan Mạch, hướng dẫn viên du lịch dặn du khách qua đường phải
cẩn thận kẻo bị xe đạp đâm nhằm.  Chúng tôi cùng cười.  Anh giải
thích: Đan Mạch, nhất là Copenhagen, có số người sử dụng xe đạp cao
nhất Bắc Âu để di chuyển.  Thật vậy, đường phố có lane rộng dành riêng
cho xe đạp.  Họ đạp khá nhanh, có thể gây tổn thương nặng cho du khách
nếu du khách không biết tránh họ như tránh xe hơi.  Xe đạp ở đây không
hỗn độn như ở bắc Kinh hay Sài Gòn.

Còn tiếp{jcomments on}

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.