*Nhà văn Tiểu Tử, tên thật là Võ Hoài Nam.
Ông là con trai duy nhứt của giáo sư Võ Thành Cứ,
cựu giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký
, Sài Gòn. Ông sanh ngày 19 tháng 7 năm 1930 tại quận
Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Ông tốt nghiệp kỹ sư
tại Marseille, Pháp quốc năm 1955. Ông về Việt Nam,
dạy tại trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký niên khóa
1955-1956. Tháng 10 năm 1956, ông vào làm việc tại hãng
xăng Shell Việt Nam . Năm 1979, định cư tại Pháp.
Sau đó, ông nhận làm việc cho công ty Đường Mía
tại Côte d’Ivoire, Phi Châu, từ 1979 đến 1982.
Ông qua làm hãng xăng Shell Côte d’Ivoire cho đến khi về hưu
(1982-1991). Hiện ông đang nghỉ hưu tại Paris, Pháp quốc.
Được cô Lai Hồng giới thiệu để làm quen, nhà văn có nhã ý
đăng truyện ngắn ” Cơm Nguội “trên Hương Xưa .Xin cám ơn
cô Lai Hồng và cám ơn nhà văn Tiểu Tử .HX
Ông già đó lái xe đưa hai thằng cháu nội sáu bảy tuổi đi ăn MacDonal’s.
Bữa nay chúa nhựt, vợ chồng thằng con ông không có đi làm, nhưng
vì phải đi dự đám cưới của một người bạn vào buổi trưa nên thằng con
ông nhờ ông đến nhà vừa giữ nhà vừa trông chừng hai đứa nhỏ.
Nó đã điện thoại cho ông hôm tuần trước để…”xí chỗ” bởi vì nó biết
hai đứa em của nó lâu lâu cũng nhờ ông làm như vậy.
Nhà ông chỉ cách nhà của các con ông có ba bốn chục phút xe hơi –
nếu xa lộ không bị kẹt – nên việc đi lại không gây nhiều phiền phức.
Ông sống một mình, thành ra khi đứa con nào cần, gọi ông là ông ” ừ “
!
Trừ phi ông đã hẹn lỡ với mấy ông bạn già đi đánh bài ở nhà ông
nào đó, hay đi ăn phở ở khu 13 chợ tàu Paris…
Giữ hai đứa cháu đến bốn giờ chiều vẫn chưa thấy cha mẹ chúng nó
về. Giờ này phải cho chúng nó ăn cái gì – quen giữ mấy đứa cháu nên
ông rành thông lệ đó.
Ông đề nghị đưa chúng nó đi ăn MacDo’s, hai đứa vỗ tay nhảy cẫng reo mừng.
Vậy là ông chở chúng nó đi, sau khi viết ít chữ để lại trên bàn ăn
cho vợ chồng thằng con ông biết.
Nhà hàng nằm ngoài đồng nên có sân chơi rộng lớn với nhiều đu và cầu tuột.
Giờ này thật đông khách, nhứt là trẻ con. Nhờ có bãi đậu xe mênh
mông nên ông già không phải khó khăn tìm chỗ.
Vừa xuống xe, hai thằng nhóc chạy thẳng ra sân chơi. Ông già nói
vói theo bằng tiếng Việt :
– Hai đứa muốn ăn cái gì để ông nội lấy.
Hai đứa không quay đầu lại nhưng nói to bằng tiếng Pháp :
– Hamburger và coca.
Ông lại hỏi :
– Không lấy happy meal hả ?
Hỏi như vậy, vì thông thường trẻ con hay lấy món đó để có đồ
chơi.Tụi nhỏ vừa trèo lên cầu tuột vừa nói lớn bằng tiếng Pháp :
– Không ! Cái đó của con nít !
Ông bật cười, vừa chửi thầm “cha tụi bây” vừa bước vào trong. Nối
đuôi một lúc rồi ông mang mâm đồ ăn ra ngồi ở một cái bàn ngoài sân
dưới nắng, cho ấm.
Hai thằng cháu nội của ông đang chơi cầu tuột, la hét bằng tiếng
Pháp, om sòm.
Trong đám trẻ tóc vàng, chúng nó tóc đen mắt hí nên dễ thấy. Ông
nhìn theo tụi nó trèo lên tuột xuống, chen chúc với bầy tây con mà ông
thấy thương.
Hai thằng cháu nội của ông chỉ hiểu chớ không nói được tiếng Việt.
Tiếng Việt, tụi nó nói được có hai tiếng ” ông nội”.( Đó là bây giờ,
sau khi được ông sửa nhiều lần.
Chớ hồi còn bốn năm tuổi, tụi nó gọi ông bằng ” ông nại”, nghe
thấy cười lắm !)
Thành ra, trong đối thoại giữa ông cháu, tụi nó nói tiếng Pháp,
còn ông thì dùng tiếng Việt.
Ông nghĩ :” Cứ bắt tụi nó phải nghe tiếng Việt, kẻo không chúng nó
sẽ quên. Rồi mình sẽ đốc thúc ba tụi nó đưa tụi nó đi học nói và học
viết nữa”.
Một lúc sau, thấy hai đứa nhỏ chơi đủ lâu, ông đứng lên vẫy tay
gọi :- Tí ! Tú ! Lại ăn nè !
Tụi nhỏ còn ráng tuột thêm hai lần nữa rồi mới chạy vào, mặt mày
đỏ ửng, mồ hôi mồ kê. Ông nói :
– Vô toa-lét rửa tay rửa mặt rồi ra ăn.
Hai đứa gật đầu nhưng vẫn cầm ống hút chọc lủng nắp ly giấy, hút
vài ngụm coca trước khi hí hửng đi vào bên trong.
Ông mỉm cười nhìn theo mà nghe tình thương dào dạt trong lòng
…Ông nhớ lại ở bên nhà hồi xưa, hồi thời mà cha chúng nó bằng tuổi
chúng nó bây giờ, ông cũng hay dẫn đi ” ăn cái gì ” lúc bốn năm giờ
chiều chúa nhựt.
Mà ở Việt Nam đâu cần phải lái xe đi cả chục cây số như ở xứ Pháp
này. Cứ thả bộ ra đầu ngõ là có đủ thứ để ” bỏ bụng ” : cháo lòng, mì,
phở v
…Hồi đó, khi được dẫn đi ăn, cha chúng nó cũng có bộ mặt hí hửng
giống như tụi nó bây giờ.
Vậy mà cũng đã gần bốn chục năm…
Hai đứa nhỏ trở ra ngồi vào bàn ăn hamburger. Thằng lớn, tên Tí,
để ý thấy ông nội không có hộp MacDo’s nào hết, bèn hỏi :
– Ông nội không ăn gì à ?
– Không, ông không có đói.
Ông cầm cái ly giấy đựng cà phê đưa lên :
– Ông uống một cái cà-phê là đủ rồi.
Thằng nhỏ, tên Tú, chen vào, miệng còn ngồm ngoàm hamburger :
– Mấy người già kỳ cục lắm ! Ăn uống không giống ai hết !
Thằng anh rầy :
– Nói bậy ! Mày nói như vậy là không có lễ độ !
Rồi nó lên giọng người lớn để dạy em, nói chậm rãi :
– Người ta nói : mấy người lớn tuổi không biết cách ăn uống. Mầy hiểu chưa ?
Ông bật cười, chửi đổng ” Cha mầy ” !
Thằng Tí không hiểu tiếng chửi đó nên hỏi :
Ông nội nói cái gì vậy ? ” Cha mầy ” là nghĩa gì ?
Ông đưa tay gãi cổ, tìm cách giải nghĩa :
– Ờ…ông muốn nói…Nghĩa là…Nghĩa là…
Thấy ông nội nó có vẻ gặp khó khăn trong tiếng Việt, thằng Tí đề nghị :
– Ông cứ giải nghĩa bằng tiếng Pháp đi, có lẽ dễ hơn đó !
Ông gật đầu, nói bằng tiếng Pháp :
– Ông muốn nói rằng…muốn nói rằng là … con dễ thương !
Thằng nhỏ mỉm cười, vừa gật gật đầu vừa hí hửng nói :
– Merci ! Merci !
Thấy thương quá, ông chồm qua mặt bàn hôn lên má phinh phính của
nó. Thấy vậy thằng em đòi :
– Còn con ! Còn con !
Ông bèn đưa tay ôm hai cái đầu cụng lại rồi hôn chúng nó trơ trất.
Hai đứa rụt cổ cười lên hắc hắc.
Trong khoảnh khắc đó, ông già cảm thấy không còn sự sung sướng nào bằng…
Ăn xong, thằng Tí xin phép ông nội cho tụi nó tiếp tục chơi một lúc nữa.
Ông vén tay áo nhìn đồng hồ rồi gật đầu. Hai đứa nhỏ vừa chạy đi
vừa nói nửa tiếng tây nửa tiếng ta :
” Merci ông nội !”. Ông mỉm cười nhìn theo một lúc rồi mới đi vào
bên trong lấy thêm một ly cà phê.
Ngồi vào bàn, ông vừa nhăm nhi vừa nhớ lại thời ông còn nhỏ. Hồi
đó, ông ở dưới quê với bà ngoại.
Chiều nào đi học về, cũng bước vào bếp bốc một cục cơm nguội to
bằng nắm tay rồi ra ngồi ngoài hiên ăn với miếng đường mía màu nâu sặm
đen nhỏ bằng ngón chân cái. Vậy mà sao ngon vô cùng !
Và ngày nào cũng vậy. Hể nghe đói – ngoài hai bữa cơm chánh – là
cứ vô bếp lục cơm nguội.
Lúc nào nấu cơm, bà ngoại cũng nấu nhiều. Bà nấu trong cái nồi đất
và không biết nấu cách nào mà khi nguội cơm dính vào nhau chớ không
bời rời.
Cho nên chỉ cần cầm chiếc đũa bếp xắn xuống một cái là có ngay một
cục cơm gọn bân !
Nồi cơm nguội luôn luôn nằm trên đầu ông táo. “
Để kiến đừng bò vô, vì kiến sợ tro bếp”. Hồi đó nấu bếp bằng củi
nên bếp đầy tro. Lâu lâu, bà ngoại có hốt tro đổ bớt, nhưng vẫn chừa
lại một lớp dầy để giữ than cho âm ỉ dùng ” ghế” nồi cơm.
Bà giải nghĩa :
” Sôi vừa cạn nước là dập tắt lửa ngọn rồi cời than với tro ra
khỏi chưn ông táo, bắc nồi cơm xuống đặt lên đó cho gạo nở. Như vậy
kêu là ghế nồi cơm.
Nấu cơm ngon hay không ăn thua ở cái chỗ biết ghế hay không biết
ghế. Chỉ có vậy thôi !”.
Bà coi chuyện nấu cơm trong nồi đất và bằng lửa củi là chuyện dễ
ợt. Điều quan trọng đối với bà ngoại là phải nấu dư dư ra một chút.
“Cho thằng nhỏ nó có cơm nguội nó ăn”.
Nói như vậy chớ thỉnh thoảng bà cũng cho “thằng nhỏ” một khúc
khoai mì hay một củ khoai lang…những thứ không phải hiếm – nhứt là ở
vùng quê – nhưng vì nhà nghèo nên những thứ như vậy cũng trở thành
hiếm hoi cho lúc đói lòng của ” thằng nhỏ”…
Nghĩ đến đó, ông già buông tiếng thở dài. Sao mà có thể nghèo như vậy được ?
Bà ngoại chỉ có mấy nọc trầu, vài hàng cau, đôi ba cây ổi cây mít…
Ngần đó thứ chỉ đủ cho hai bà cháu có hai bữa cơm rau khô mắm hằng ngày.
Vậy mà bà ngoại cũng ráng nuôi cho ông đi học. ” Cái thứ mồ côi,
Trời bù cho cái khác.
Thằng nhỏ sáng dạ học giỏi, bắt nó ở nhà chăn trâu sao đành”. Vậy
là ông phải cắp sách đến trường như mọi đứa trẻ khác và chiều về nếu
không có củ khoai thì vẫn còn có nồi cơm nguội…
Thành ra, cơm nguội đối với thằng nhỏ nghèo là ông hồi đó, lúc nào
cũng có giá trị như hamburger của hai thằng cháu nội của ông bây giờ.
Còn hơn thế nữa là nhờ có cơm nguội mà ông đã đi hết bậc tiểu học
một cách trơn tru rồi sau đó thi đậu học bổng vào trường lớn ở Sàigòn,
cũng dễ dàng như bà ngoại nấu cơm trong nồi đất !
Ông già vén tay áo xem đồng hồ rồi đứng lên gọi :
– Tí ! Tú ! Về, tụi con !
Hai đứa chạy lại mang mâm hộp không ly không dẹp vào trong rồi
theo ông nội chúng nó ra xe.
Về đến nhà thì ba mẹ của hai thằng nhỏ cũng đã về rồi. Ba chúng nó
hỏi bằng tiếng Việt :
– Tụi con đi chơi có vui không ?
Hai đứa gật đầu. Thằng Tí giành nói :
– Ông nội cho tụi này chơi cầu tuột, chơi đu, lâu thật lâu. Đã luôn !
Ba chúng nó quay sang ông già :
– Tụi nó có ngoan không, ba ?
– Ngoan chớ. Dễ dạy lắm.
Mẹ chúng nó vừa đưa cho mỗi đứa một cái bánh sô-cô-la vừa nói bằng
tiếng Pháp:
– Mẹ tưởng tụi con không có đi ra ngoài nên mẹ mua bánh cho tụi con đây.
Hai đứa vừa ôm mẹ hôn vừa nói
” Cám ơn ! Cám ơn !” tía lia. Thằng Tú bẻ cái bánh của nó ra làm
hai rồi đưa phân nửa cho anh nó :
– Ăn với Tú nè ! Để dành cái bánh của Tí lác nữa ăn !
Thằng anh vui vẻ cầm lấy phần bánh nói ” merci” rồi vừa hôn lên má
em vừa nói bằng tiếng Việt :Cha mầy !
Mẹ nó giật mình, trừng mắt, la lên bằng tiếng Pháp :
– Tí ! Sao con chửi nó ?
– Con đâu có chửi. Con nói nó dễ thương mà !
– ” Cha mầy ” là tiếng chửi đó !
– Hồi nãy, ông nội nói ” cha mầy là dễ thương ” !
Ông già bật cười trong lúc mọi người đều ngạc nhiên nhìn ông không
hiểu. Ông nói :
– Ờ ! Hồi nãy ba có giải nghĩa như vậy khi thằng Tí nói một câu dễ thương.
Thật ra, hai tiếng đó tùy trường hợp và tùy cách nói mà thành
tiếng chửi hay tiếng mắng yêu, tụi con hiểu không ?
Mẹ chúng nó quay sang hai con, nói bằng tiếng Pháp :
– Tiếng đó chỉ có người lớn mới có quyền dùng thôi. Tụi con không
được nói, nghe chưa ?
Thằng Tí gật đầu, rồi vừa kéo thằng em đi vào trong vừa càu nhàu :
– Ồ…tiếng Việt Nam rắc rối quá !
Mấy người lớn nhìn nhau mỉm cười. Ông già nói, giọng nghiêm trang :
– Ba nghĩ tụi con nên sắp xếp thì giờ để chở tụi nhỏ đi học nói và
học viết tiếng Việt. Ở Paris thiếu gì chỗ dạy.
Ngoài ra, ba cũng muốn nhắc tụi con thường xuyên nói tiếng Việt
với chúng nó thay vì dùng tiếng Pháp.
Để cho chúng nó đừng quên. Mình đi lưu vong, bỏ hết mất hết.
Chỉ còn có tiếng nói mang theo mà cũng để cho mất luôn…thì mình sẽ
thành ra cái giống gì, hả các con ?
Giọng ông già bỗng như nghẹn lại.
Ba mẹ tụi nhỏ chừng như xúc động , làm thinh. Yên lặng một lúc, mẹ
thằng Tí vừa đi vào bếp vừa nói :
– Để con đi làm cơm. Ba ở lại ăn với tụi con nghen.
– Không, con. Chơi một chút rồi ba về.
Ba tụi nhỏ rót trà vào tách đưa cho ông già :
Biết ba thích uống trà nên con có pha sẵn bình Ô long cho ba đây.
– Ờ…Cám ơn con !
Ông già hớp một hớp, đặt tách xuống, gật gù :
– Ùm…Ngon !
Rồi ông tiếp :
– Hồi nãy, ở ngoài Mac Do’s, tự nhiên sao ba nhớ lại ba hồi nhỏ.
Hồi đó, vì nghèo nên ba đâu có quà bánh gì để ăn.
Ba chỉ biết có cơm nguội ăn với đường mía, loại đường cục đậm đen
nhìn không thấy thèm mà khi cắn vô mùi mật mía thơm phức làm tươm nước
miếng.
Ông già ngừng nói đưa tách lên môi hớp một hớp trà, làm như ông
vừa bắt gặp lại vị ngọt đậm đà của cục đường đen và ông cần một hớp
trà để đẩy đưa cho hậu vị…
Người con ông ngồi đối diện, uống trà trong im lặng. Anh biết cha
anh đang sống lại với dĩ vãng nên không dám làm xáo trộn giòng suy tư
của cha.
Ông già nói tiếp :
– Hồi thời đó bà ngoại của ba nấu cơm trong nồi đất, nhúm lửa bằng
giăm bào, chụm bằng củi. Muốn cho lửa bắt phải hít hơi đầy phổi rồi
dùng ống trúc mà thổi nhiều lần.
Ống trúc đó gọi là ” ống thổi”. Khi sử dụng, phải để ý. Bởi vì ống
thổi có một đầu sạch và một đầu dơ. Đầu sạch là đầu mà mình chúm môi
kê vào để thổi, còn đầu dơ là đầu mà mình thọc vào chỗ có lửa.
Đầu đó luôn luôn bị cháy nám đen và dính tro bụi.
Người không biết, thổi ở đầu dơ, một lúc sau mồm mép dính lọ đen
thui mà không hay !
Ông già khịt mũi cười rồi mới tiếp :
– Rồi phải đợi cơm sôi để hạ lửa, sớm một chút là cơm nhão, trễ
một chút là cơm khê. Nấu cơm cực lắm chớ không phải như bây giờ nấu
bằng nồi điện, chỉ cần nhận có cái nút !
Ông ngừng nói, cầm tách lên hớp mấy hớp trà. Ba thằng Tí cũng đẩy đưa :
– Như vậy mới là tiến bộ, chớ ba.
– Dĩ nhiên. Đó là điều cần thiết cho cuộc sống. Bây giờ mà bắt mấy
bà mấy cô nấu cơm bằng nồi đất, bằng lửa củi…chắc họ nổi loạn !
Ba muốn nhắc lại chuyện nấu cơm hồi trước là để cho con thấy trong
hột cơm hồi đó có chút công sức
của người nấu, có chút tình người làm cho hột cơm có giá trị hơn
hột cơm ” nhận nút ” của thời bây giờ. Chỉ có vậy thôi.
Ông già ngừng nói, nhìn thằng con một chút rồi tiếp :
– Nhưng chuyện mà ba muốn nói ở đây là chuyện ” cơm nguội” . nguội
là một thứ chẳng có gì hấp dẫn !
Cho dù nó có nằm trong nồi đất hay trong nồi điện gì, nó cũng
không gợi thèm như tô phở hay tô mì. Nó không có chỗ đứng trong hàng
quà bánh. Chẳng ai để ý tới nó hết !
Vậy mà khi mình đói và chẳng có gì ăn thì cục cơm nguội lại trở
thành ” có giá” !
Nó như loại bánh xe xơ-cua của xe hơi : bình thường chẳng ai nhìn
đến, nhưng khi bị xẹp bánh mới thấy cái bánh xơ-cua, dù đã mòn lẵn,
thật hữu ích vô cùng.
Ông già lại ngừng nói, tự tay rót trà vào tách, chậm rãi như để
cho thằng con có thời giờ ” thấm ” những gì ông muốn nói. Sau một hớp
trà, ông tiếp :
– Con thấy không ?
Cục cơm nguội cũng có cái giá trị của nó đó chớ !
Ngoài ra, khi ăn cục cơm nguội, đối với những ai chỉ biết nồi cơm
điện chớ chưa từng biết cái nồi đất như tụi con chẳng hạn, thì cục cơm
nguội chẳng gợi lên hình ảnh gì khác.
Nhiều lắm là chỉ gợi lên hình ảnh cái bánh xơ-cua thôi !
Còn như đối với những người như ba, nhai cục cơm nguội là nhớ công
ơn người thổi lửa nấu cơm nuôi mình. Nhai cục cơm nguội là nhớ cái gốc
nghèo của mình.
Cái gốc mà từ đó ba đã cố gắng vươn lên để về sau, ở Sàigòn, tụi
con mới có đủ thứ quà bánh bỏ vào bụng khi cần, và để bây giờ, ở đây,
tụi thằng Tí thằng Tú mới có hamburger .
Con thấy không ? Cơm nguội đâu phải chỉ là cơm nguội !
Dứt lời, ông già đứng lên cầm tách trà uống một hơi. Ông đặt tách
xuống rồi nhìn ra ngoài :
– Thôi, ba về kẻo tối. Già rồi, mắt mũi dở lắm, con à.
Rồi ông hướng vào trong, nói lớn :
– Ông nội về nghe tụi con !
Tụi nhỏ ló đầu ra cửa buồng nói nửa tiếng Pháp nửa tiếng Việt ” Au
revoir Ông Nội”.
Có tiếng mẹ chúng nó từ trong bếp vọng ra
:” Dạ ! Ba về. Lái xe cẩn thận nghen ba !”
Ra đến cửa, ông già đưa tay bắt tay thằng con. Anh ta cầm tay cha,
vừa siết mạnh vừa nói :
Cám ơn ba ! Cám ơn !
Trong cái siết tay đó, hình như người con muốn nói lên một điều
gì…Anh ta đưa ông già ra xe, đứng nhìn theo chiếc xe đi lần ra ngõ
trong ánh hoàng hôn chập choạng.
Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao
hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình
thương cha vô cùng…thương vô cùng…
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội
vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm
:” Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…”
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…
{jcomments on}
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội
vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm:” Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…”
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…
Bài viết hấp dẫn bởi sự ví von
dù rất thật nhưng vẫn ẩn chứa một chút chua chát…..
Bài viết đậm tính chất Nam Bộ: mộc mạc, chân tình nhưng hàm ẩn triết lý sâu xa.
Cơm nguội trong nồi đất ăn ngon lắm.
Cơm nguội trong nồi đồng ăn càng ngon
Cơm nguội trong nồi điên ăn đỡ đói
Dù sao đi nữa có cơm nóng mới có cơm nguội, đừng để cơm thiu. Có còn hơn không.
Cơm nguội rất có giá trị khi đói lòng đó nhà văn ơi!
Những hình ảnh, đối thoại của ba ông cháu vui quá!
Cơm nguội mang một giá trị trãi nghiệm sâu sắc về nghệ thuật sống của bác Tiểu Tử. Mà sao bác lại chọn bút danh Tiểu Tử nhỉ? Hẳn đó cũng sẽ là một câu chuyện thú vị, cháu có cảm giác thế!
Rất mong được đọc tiếp những bài viết hay nữa của bác. Chúc bác vui khỏe!
…khi ăn cục cơm nguội, đối với những ai chỉ biết nồi cơm
điện chớ chưa từng biết cái nồi đất như tụi con chẳng hạn, thì cục cơm nguội chẳng gợi lên hình ảnh gì khác.
Nhiều lắm là chỉ gợi lên hình ảnh cái bánh xơ-cua thôi !
Còn như đối với những người như ba, nhai cục cơm nguội là nhớ công ơn người thổi lửa nấu cơm nuôi mình. Nhai cục cơm nguội là nhớ cái gốc nghèo của mình.
Cái gốc mà từ đó ba đã cố gắng vươn lên để về sau, ở Sàigòn, tụi
con mới có đủ thứ quà bánh bỏ vào bụng khi cần, và để bây giờ, ở đây, tụi thằng Tí thằng Tú mới có hamburger .
Con thấy không ? Cơm nguội đâu phải chỉ là cơm nguội !
Thật chí lí!
Bài viết hay quá rất mong được đọc nhiều truyện hay của nhà văn Tiểu Tử trên trang nhà HX.
Bài viết của bác Tiểu Tử rất giá trị, trong xã hội có xu hướng phát triển tính vô cảm ngày nay.Mong sao có nhiều bài viết thể hiện
lòng yêu thương chân thật,lòng biết ơn,sự cảm nhận chân thành từ người và người…Xin cảm ơn Bác rất nhiều.
Xin phép được gọi là chú vì so tuổi chú nhỏ hơn ba mẹ con, bài viết chú thật cảm động nhất là câu cuối con đọc thấy xót xa quá chú ơi!
Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao
hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình
thương cha vô cùng…thương vô cùng…
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm
:” Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…”
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…
Dửng dưng mà quá xúc động .
Nội dung đơn giản nhưng hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc về quê hương , gia đình .Cám ơn tác giả của sông nước miền Nam.
Một truyện ngắn hay, đây cũng là tâm trạng chung của những người lớn tuổi sống ly hương, bài viết có nhiều điều để lớp trẻ suy gẫm.
Trong cái siết tay đó, hình như người con muốn nói lên một điều
gì…Anh ta đưa ông già ra xe, đứng nhìn theo chiếc xe đi lần ra ngõ trong ánh hoàng hôn chập choạng.
Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao
hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình
thương cha vô cùng…thương vô cùng…
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng.
Bỗng ông thở dài, lẩm bẩm
:” Mình, bây giờ, cũng chỉ là một thứ cơm nguội đối với các con.
Tụi nó chỉ phone tới, khi nào tụi nó cần…”
Con đường trước mặt ông sao thấy như dài thăm thẳm…
Câu chuyện “Cơm nguội” của bác Tiểu Tử hay quá!Nhẹ nhàng nhưng sức truyền cảm vào lòng người thật mạnh mẽ.
Câu kết rất hay và có ý nghĩa sâu sắc.
Sự ân hận của người con trai làm cho ta phải suy nghĩ:Tại sao ta không nói lời yêu thương với cha mẹ khi cha mẹ còn sống bên mình. Đó là niềm vui , là niềm hạnh phúc mà cha mẹ rất cần nghe , cần biết để cha mẹ không hờn tủi vì nghĩ rằng “Mình, bây giờ, cũng chỉ là thứ cơm nguội đối với các con”
Cảm ơn Bác Tiểu Tử đã cho đọc một truyện ngắn hay và mong được đọc tiếp những bài viết khác nữa của bác. Chúc bác luôn khỏe mạnh .
Xin cám ơn các bạn đã hồi âm sau khi đọc ” Cơm Nguội ” . Thật là một khích lệ lớn cho người cầm bút !
Riêng về bút hiệu ” TIỂU TỬ ” , tôi thấy xưa nay thiên hạ hay xưng mình là ” ĐẠI HÁN “, đi đứng kênh kiệu ra vẻ ta đây ( ngày xưa mang đao mang kiếm , ngày nay mang súng ngắn súng dài … ! ) nên tôi chọn làm ” Tiểu Tử ” cho yên thân !
Kính ,
Tiểu Tử
Bác Tiểu Tử kính mến!
Cháu đọc văn của bác lần đầu tiên và cảm nhận được sự thẩm thấu sâu sắc những kinh nghiệm sống của bác trong từng câu chữ của “Cơm nguội”. Và xin bác hãy nghĩ rằng : Đó cũng chính là niềm vui của người đọc chúng cháu khi đọc được những sáng tác hay, có ích cho việc tự chăm sóc-nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của mình…Thế nên rất mong bác tiếp tục viết và gửi thêm nhiều sáng tác nữa cho Hương Xưa, bác nhé!
Rất cảm ơn bác đã giải thích về việc chọn bút danh Tiểu Tử mà cháu đã hỏi. Cháu cũng đã tưởng tượng & hình dung ra được câu trả lời na ná như vậy qua đọc văn của bác. Kính chúc bác mạnh khỏe, trường thọ.
Kính!
Khoa Trường.
Xe đã đi khuất mà anh ta vẫn còn nhìn theo hướng đó, ân hận sao
hồi nãy mình không nói được một lời gì để cho cha hiểu rằng mình
thương cha vô cùng…thương vô cùng…
Trên đường về nhà, ông già lái xe chậm rãi. Hình ảnh cục cơm nguội
vẫn còn vươn vấn đâu đó ở trong lòng
hình ảnh người cha và tấm lòng người con cảm động vô cùng.