* Xin giới thiệu tác giả Nguyên Minh, nhà văn đã từng làm
chủ biên cho tạp chí Ý Thức từ năm 1972 đến 1975 ,
hiện nay chủ biên nguyệt san Quán Văn có nhã ý đăng
bài trên Hương Xưa.HX
Những người cầu thủ của đội bóng ba tôi đã lần lượt qua đời. Bây
giờ chỉ còn lại độc nhất người trung phong. Người ấy không lạ gì với
tôi, ông là anh ruột của tôi, và là con cưng của ba mẹ tôi. Đó là anh
Thương. Tình cờ ba tôi khám phá ra tài năng đá bóng của anh. Trong
những trận tranh cúp toàn quốc anh đã làm say mê các khán giả, ba tôi
lại càng cưng chìu anh hơn. Các cầu thủ trong đội tôn trọng và mến
phục anh. Còn riêng tôi, thằng bé sáu tuổi, xem anh như một thần tượng
một thời gian dài của tuổi trẻ.
Hiện tại anh cũng như tôi đã thành những ông già. Tóc đã bạc phơ.
Lưng đã còng. Mắt đã mờ. Răng đã rụng. Anh vẫn thức khuya, nằm trên
ghế dựa, say mê theo dõi những trận bóng đá. Anh quên cả sức khỏe kém
cỏi của tuổi già.
Tôi vẫn thường lên thăm anh. Điều làm chúng tôi gần nhau là khi
chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm thời xa xưa về những người thân yêu
nhất của đời mình đã khuất bóng. Cha mẹ đã chết. Chị em đã bỏ nước ra
đi tạm cư ở nước ngoài hơn 30 năm vẫn chưa về để anh em chúng tôi đoàn
tụ. Những người cầu thủ trong đội bóng của ba tôi cũng được anh em
chúng tôi nhắc tới. Nhờ anh tôi hiểu được nhiều về họ.
Anh cười móm mém rồi chậm rãi kể lại:
– Nếu không có cái chết của anh Mai – người trung phong tuyệt vời
trong đội banh của ba – thì chẳng bao giờ anh thành cầu thủ. Anh Mai
là một thanh niên cao to. Anh gốc người Nghệ An, sau khi Việt Minh vỡ
mặt trận, anh chạy vào thị xã này. Anh từng là một cầu thủ của đội
bóng nổi danh ở Hà Nội. Chính anh ấy đã truyền đạt lại cho anh những
cú sút banh bằng chân trái. Quả bóng bay xa và xoáy tròn làm thủ môn
phía bạn phải chới với. Mỗi buổi sáng hai anh em dậy thật sớm, chạy bộ
vài cây số, kéo ra tận bờ sông. Ở đó, anh Mai huấn luyện cho anh cách
lộn nhào, cách ngã mình, cách phóng người đứng dậy thật nhanh. Rồi bất
ngờ, vào một buổi sáng bọn Tây đổ ập vào nhà bắt anh Mai trước sự ngỡ
ngàng của mọi người. Bọn Tây bảo anh ấy là một trong những người lãnh
đạo Việt Minh từ Bắc chạy vào. Vài ngày sau, bọn Tây mang anh Mai ra
bờ sông. Một lọat súng bắn vào người anh. Để tỏ lòng mến mộ tài năng
đá bóng tuyệt vời của anh họ đặc ân cho Ba được đem xác anh Mai về
chôn cất.
Như trong buổi diễn tuồng ở một gánh hát, cô đào chính thình lình
ngả bệnh, không thể hủy buổi diễn, ông bầu luống cuống phải tìm người
thay thế. Ở đội bóng cũng vậy. Ba tôi vừa thương tiếc anh Vĩnh, anh
Mai, vừa lo tìm người thế chân. Anh Tỵ biết được nổi lo lắng ấy. Anh
cười nói với ba tôi:
– Người chú cần tìm ở quanh đây thôi. Sáng mai chú ra sân dự buổi
tập dượt giữa hai đội A và B chú sẽ thấy.
Sáng hôm đó, ba tôi phải ẩn mình ở bụi chuối để theo dõi từng
bước chân của anh Thương và ông lấy làm lạ tuy vóc dáng của anh nhỏ
nhắn nhưng lanh lẹ, dẻo dai, đầy phong độ. Ba tôi thắc mắc sao anh
Thương lại có cách sút bóng tuyệt vời như anh Mai. Anh Thương mới thổ
lộ tất cả.
Từ đó Ba tôi càng thương và chăm sóc anh Thương nhiều hơn. Một kỷ
niệm làm anh Thương nhớ suốt đời. Như một vở kịch. Trong một chuyến
lên Đà Lạt để tranh giải cúp vô địch toàn miền, trước giờ ra quân lại
vắng anh Thương, ông hỏi ai trong đoàn cũng không biết anh ở đâu. Chị
Chi thấy vẻ mặt cau có và luống cuống của ba tôi nên mới nói:
– Chắc anh Thương trên đường về. Anh ấy biết giờ này chuẩn bị trận đấu mà.
Thật vậy, anh hối hả trở về khách sạn sau khi từ giã chị Hằng
trong lần đến thăm chị. Anh tìm đến nhà chị, lên dốc, xuống dốc, quẹo
phải, quẹo trái, trèo lên ngọn đồi thông, tuột xuống dưới thung lũng
đầy hoa dã quỳ. Thấy mặt anh, chị Hằng tỏ vẻ giận dỗi vì anh ít viết
thư. Anh phân trần, năn nỉ. Chị mới thông cảm. Anh chị làm lành, cùng
nhau đi dạo dưới rừng thông và anh quên hết mọi việc. Đến lúc chị Hằng
hỏi:
– Mấy giờ tập trung cầu thủ?
Anh hoảng hốt. Chị chỉ đường đi tắt. Anh chạy hổn hển mới về kịp.
Ba tôi hỏi:
– Đi đâu về. Sao lại thở hổn hển và toát mồ hôi vậy?
Chị Chi buột miệng:
– Đến thăm người yêu mà.
Ba tôi la hoảng lên:
– Thôi! Hỏng rồi. Hỏng rồi.
Sẵn cầm trong tay khúc gỗ nhỏ, ông quăng xuống thềm nhà, đụng
cạnh bàn văng ngang chân anh Thương. Anh Thương giả vờ trúng phải chân
mình. Ăn vạ. Anh quỵ xuống, ôm lấy chân suýt xoa làm ba tôi thêm quýnh
quáng. Sắp ra trận thi đấu mà cầu thủ què chân thì còn làm ăn gì được.
Ông vội vàng chạy đến, tay chỉ vào ai đó bảo lấy dầu thoa. Nhìn vẻ mặt
tiu nghỉu, lo âu của ông, anh Thương không nỡ làm ba mình buồn lòng
nên anh cười làm lành. Anh nói nhỏ như chỉ đủ cho ba tôi nghe:
– Suýt trúng thôi mà.
Ông mới hoàn hồn, mắng yêu:
– Tổ cha mày làm tao hết hồn.
Sau này tôi mới hiểu vì sao nghe anh Thương đến thăm người yêu mà
ba tôi tỏ thái độ như vậy. Qui định ba tôi đặt ra cho các cầu thủ bóng
đá là để giữ gìn phong độ và tâm tư thoải mái, thì trước khi ra trận
một ngày các cầu thủ không được gặp người yêu hoặc ngủ chung với vợ
mình. Gần vợ thì mất sức. Gặp người yêu thì hao tâm. Cả sức lực và
tinh thần phải hòa hợp với nhau mới tạo chiến thắng.
Ba tôi nâng niu anh Thương vì anh là con trai đầu lòng mà còn là
một cầu thủ xuất sắc đã mang về vinh quang cho đội bóng của ông.
Còn mẹ tôi, bà không thiết tha gì những chiếc cúp đoạt giải anh
Thương mang về chưng nơi phòng khách nhưng bao nhiêu tình thương bà
đều dành hết cho anh. Bà mong muốn anh sớm lập gia đình để bà có cháu
nội bồng bế tưng tiu. Chính bà gợi ý anh Thương phải gặp chị Hằng ngay
khi mới bước chân lên Đà Lạt. Mẹ chị Hằng là bạn thân của bà. Mỗi lần
bà lên Đà Lạt cùng anh Thương bà đều ghé lại. Thấy anh Thương và chị
Hằng thân thiết nhau hai bà bạn già vui sướng lắm. Chị Hằng học trường
Tây nên cách ăn mặc hợp thời trang. Anh Thương cũng không thua gì. Ra
đường lúc nào cũng quần tây thẳng nếp, áo sơ mi bỏ vào trong và nịt
hẳn hoi. Đôi giày anh mang lúc nào bóng láng. Anh hào hoa, phong nhã.
Ngoài bóng đá anh còn chơi cả quần vợt. Chị Hằng cũng thích môn thể
thao này. Chị và anh Thương hay ra sân đánh đôi thành một cặp. Cả nhà
tôi ai cũng nghĩ chị Hằng sớm muộn gì cũng làm dâu ba mẹ tôi. Chị
Miên, chị Giỏi, Chị Chi đều thương mến chị Hằng. Ngược lại chị Hằng
đối với các chị ấy rất hồn nhiên và gần gũi. Với mẹ tôi, chị xem như
mẹ của mình, nên chị hay nũng nịu. Mẹ tôi cứ khen chị mãi. Con bé cười
có duyên. Hiền lành. Dễ thương. Nết na. Mẹ tôi mong ngày chị ra trường
sẽ cậy người làm mai lên Đà Lạt dạm hỏi chị cho anh Thương. Mọi người
trong gia đình tôi ai cũng tin như vậy nếu như không có sự việc xảy ra
quá đột ngột.
Từ đâu, những tai ương dồn dập đổ lên đầu gia đình chúng tôi. Chị
Giỏi chết. Anh Tỵ bỏ đi. Anh Chín bị tù đầy. Anh Thành vào chiến khu.
Ba tôi bị giam cầm, bị tra tấn dã man. Đội banh sau năm năm lừng lẫy
bốn phương giờ rã đám. Các anh cầu thủ lại lưu lạc phương trời nào xa
xăm. Anh Thương cũng bỏ nhà ra đi.
Thuở nhỏ, tôi ngủ trên tấm phản gõ láng bóng đặt ở một góc phòng
của gian nhà giữa cùng với anh Thương. Anh Thương huýt gió rất hay. Âm
thanh êm ái này đã ru tôi vào giấc ngủ, thế câu hò ngày trước mẹ tôi
thường hát ru đưa võng cho tôi. Một buổi sáng, như thường lệ, gà vừa
gáy tôi giật mình thức giấc quay người qua ôm lấy anh nhưng trống
không. Anh Thương bặt tăm từ lúc ấy. Sau này nhớ lại lời anh nói nhỏ
bên tai tôi: “Anh đi rồi, Bui ngủ với ai?” Tôi chưa kịp trả lời anh đã
cất tiếng hát một bản nhạc buồn.
Vắng anh, mẹ tôi khóc mãi. Nước mắt bà rơi xuống như từng mũi kim
châm vào da thịt tôi. Bà tự trách mình, xem như bà là nguyên nhân gây
ra sự ra đi của anh Thương. Mẹ tôi kể lể: “Sao con lại giận hờn mẹ như
thế. Mẹ chỉ mong con làm một người tình chung thủy. Mẹ rất ghét kẻ bạc
tình.” Mẹ tôi nói như có anh Thương đứng trước mắt bà. Mẹ tôi ân hận.
Chị Miên cũng nhận mình có một phần lỗi.
Thì ra chỉ là một lầm lẫn. Chính chị kéo mẹ tôi từ trong buồng ra
xem anh Thương đang đi với một cô gái về hướng bờ sông. Họ đi sát bên
nhau. Chỉ có tình nhân mới như vậy. Các chị khác lại đổ thêm dầu vào
lửa. Mẹ tôi giận anh Thương. Nếu chị Hằng biết được chị ấy sẽ đau khổ
biết bao. Mẹ tôi nghĩ như vậy. Mẹ tôi la rầy anh Thương như trút đổ
nước lên đầu anh. Anh chưa kịp phản ứng, phân trần. Mẹ tôi la lớn:
– Tao không muốn có thằng con tệ bạc như mày!
Chưa bao giờ tôi thấy Mẹ tôi giận hờn, la mắng anh Thương như
thế. Lúc đó, thằng bé tám tuổi như tôi, thấy đó làm ngạc nhiên và xem
như anh Thương có tội quá lớn làm Mẹ tôi đau lòng.
Trước đó, tôi thấy Mẹ tôi lúc nào cũng chìu chuộng anh Thương.
Anh muốn gì mẹ tôi cũng gật đầu ưng thuận. Ngay những lúc nghỉ trưa,
mọi người trong nhà đều im tiếng để mẹ tôi chìm đắm trong giấc ngủ dù
ngắn ngủi, thế mà nhiều khi hứng khởi anh Thương kéo tôi ra cái sân
nhỏ lát gạch trước phòng mẹ tôi cùng anh chơi banh. Anh lừa banh và
tôi nhào vô chụp lấy, trái banh nơi chân anh đảo qua đảo lại, chạy tới
chạy lui. Tôi đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại mà cũng chẳng lấy được
banh. Tôi muốn khóc anh mới bảo tôi làm thủ môn, và anh sút nhẹ trái
banh vào người tôi. Tôi chụp lấy nhưng bị ngã ngửa xuống sân vì sức
mạnh đường đi trái banh còn tôi thì quá yếu ớt. Tiếng chân người.
Tiếng nện thình thình của trái banh lên nền nhà, vào cánh cửa gỗ của
phòng mẹ tôi ầm ầm. Anh em tôi quên trong đó Mẹ tôi đang ngủ. Chị Miên
lên tiếng nhắc nhủ:
– Bộ anh hết chỗ tập dượt và thiếu người hay sao? Để Mẹ ngủ chứ?
Tiếng Mẹ tôi vọng ra:
– Cứ để anh Thương mày chơi thoải mái.
Chị Miên nguýt dài, anh em tôi mới ngừng cuộc chơi.
Lúc ấy, tôi nghĩ anh Thương đâu phạm lỗi lầm gì khi đi chơi với
bạn gái khác đến nỗi Mẹ tôi phải giận anh đến như thế. Và sao anh
Thương vì lời mắng mỏ của mẹ mình mà phải bỏ nhà ra đi.
Mấy ngày sau, chính người con gái xa lạ kia đến tìm mẹ tôi. Họ
nói nhỏ với nhau điều gì ở trong phòng riêng của Mẹ. Khi ra về, mẹ tôi
cầm lấy tay cô gái, nói khẽ câu xin lỗi. Lớn lên tôi mới biết đó là
người giao liên, mốc nối dẫn đường cho anh Thương vào chiến khu chống
Pháp. Mẹ tôi không còn dằn vặt khi biết sự ra đi của anh Thương đã
được tính toán từ lâu. Bà chỉ lo lắng liệu anh Thương có chịu nỗi sự
khổ cực thiếu thốn nơi rừng rú âm u kia không. Sự an toàn tính mạng
của anh treo như sợi tóc mong manh. Bà chỉ biết hằng đêm niệm Phật.
Từ đó, gia đình tôi thường bị chính quyền hạch xách liên tục. Mẹ
tôi phải tìm tòi những hình ảnh thư từ của anh Thương để lại cất giấu
đi.
*
Để gánh vác nuôi nấng chị em tôi cũng như cháu bên nội bên ngọai
mà ba mẹ tôi đã đem về, mẹ tôi phải cật lực tháo vác trong việc làm ăn
buôn bán. Những chuyến hàng ra Trung bằng đường thủy. Những kiện hàng
nhập về từ Sài Gòn bằng xe tải. Nhà trước nhà sau chất đầy hàng hóa.
Mẹ tôi càng ngày càng làm ăn khắm khá rồi giàu có nhất nhì trong thị
xã.
Tiền bạc sổ sách bà giao cho chị Miên trông coi cho đến lúc chị
lấy chồng đi xa. Đến phiên chị Muội thì tôi cũng đến tuổi biết nhìn
gái đẹp. Còn chị vừa đến tuổi cập kê. Tất cả của cải vàng bạc vật quí
đều cất vào tủ két bằng sắt.
Nhớ ngày đầu mới mang cái tủ két bằng sắt này từ Sài Gòn về, chị
em tôi đã nhìn nó với vẻ ngỡ ngàng và xa lạ. Lần đầu tiên tôi mới thấy
một cái tủ không phải bằng gỗ xinh xắn nhỏ nhắn như chiếc tủ đặt ở góc
tường. Cái két sắt cũng nhỏ như thế nhưng sao nó nặng nề vô cùng. Phải
đến sáu người lớn kê vai mới nhắc nổi và còng lưng hạ nó xuống đặt vào
vị trí mẹ tôi đã định sẵn. Tôi đưa đôi bàn tay nhỏ nhắn sờ mó lên mặt
cái két. Lạnh ngắt. Tôi lấy hết sức lực bình sinh đẩy mạnh, nó vẫn trơ
trơ. Cả cái khối sắt màu xanh đen lù lù ở một góc phòng như một khối
đá nằm trơ vơ dưới chân một ngọn đồi trên đường xuống biển ở quê tôi.
Mở những chiếc tủ gỗ trong nhà đơn giản chỉ cần nắm cái tay cầm
kéo ra hoặc tra chìa khóa vào ổ khóa xoay qua xoay lại là xong. Còn
cánh cửa cái két sắt này gắn thêm bốn cái núm tròn nhỏ như những đồng
xu chồng chất lên nhau, xung quanh nó là những con số và những ký tự
la tinh.
Mẹ tôi phải nhiều lần kêu chị Muội vào phòng để chỉ chị cách sử
dụng. Chị phải lấy một cuốn vở ghi chép. Mẹ bảo như thế không bảo mật.
Phải ghi vào trí nhớ. Chị không tin vào đó vì chị thường quên. Chị nói
cho mẹ yên lòng. Con ghi chép theo cách của con.
Thời gian qua đi, chúng tôi cũng lìa xa ngôi nhà thân yêu đó, xa
cái thị trấn bé nhỏ ấy đến sinh sống ở một thành phố khác. Mỗi lần nhớ
đến cái két sắt này tôi lại xót xa.
Mọi vật dụng trong nhà tôi lúc bấy giờ chỉ do mẹ tôi mua sắm. Từ
chiếc bàn, chiếc ghế, cái tủ thờ, bộ ghế sa lông bằng gỗ gõ láng bóng.
Riêng ba tôi, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, một chiếc xe ba gác chở
về nhà một chiếc tủ gỗ to lớn, cồng kềnh. Ba tôi bảo quà tặng của một
nhà mạnh thường quân giàu có cho ông bầu đội bóng.
Chiếc tủ này đặt ở căn nhà giữa. Bao nhiêu quần áo đã ủi thẳng
nếp đều được sắp xếp trong ngăn tủ lớn. Bên cạnh là ngăn tủ ngắn hơn,
và trên đó có cái hộc nhỏ gắn liền với tấm gương soi mặt. Chiếc hộc
này đã khóa kỹ. Tôi nghĩ chắc ba tôi dùng để cất những vật quí giá,
nên tôi không dám rờ vào.
Khi ba tôi chết đi sau những tháng năm vật lộn với cơn bệnh lao
phổi, những vật dụng của ba tôi trong chiếc tủ này được lấy ra để
thiêu hủy. Riêng cái hộc nhỏ này tôi không mở được vì không tìm ra
chiếc chìa khóa. Mãi sau này chị Muội nhắc lại Mẹ tôi đã từng dặn dò
trước khi bà chết, lúc nào anh Thương trở về mới giao chiếc chìa khóa
bà để trong ngăn nhỏ của cái két sắt cũng được khóa kín. Chính cái
chìa khóa đó mới mở được cái hộc tủ gỗ.
Chúng tôi đợi chờ ngày anh Thương trở về, như ba mẹ tôi đều tưởng
rằng chỉ vài năm sau theo hiệp định Genève đất nước sẽ thống nhất. Đâu
ngờ lịch sử đã đổi thay. Cuộc chiến đôi miền càng ngày càng khốc liệt.
Ba mẹ tôi phải điêu đứng, tù tội chỉ đơn giản là có con theo Việt Minh
và đã tập kết ra Bắc. Mòn mỏi.
Từ ngày mẹ tôi mất đã hơn mười năm, chúng tôi mới trưởng thành và
tản mác khắp nơi. Đi đâu rồi cũng trở về lại nơi mình đã được sinh ra.
Ngôi nhà mang số 11 lại được chỉnh trang để thành một quán cà phê văn
nghệ. Chị Muội và tôi đã bán những vật dụng cồng kềnh để trống chỗ.
Trước khi chiếc tủ gõ đó được đổi chủ chị em tôi mới tìm cách mở cái
hộc nhỏ để lấy ra những gì mà mẹ tôi đã cất giấu.
Bấy giờ tôi mới sực nhớ đến chiếc chìa khóa nhỏ để trong cái két
sắt. Hai chị em tôi bàn bạc sẽ dời vật quí giá đó vào một nơi khác,
như vừa qua chúng tôi đã dời những ngôi mộ của ba mẹ cùng người thân
trong dòng họ từ một nghĩa trang trong thị xã ra đến một vùng đồi núi
khác.
Cầm chiếc chìa khóa nhỏ tra vào ổ hộc tủ tôi bỗng run tay, lòng
hồi hộp. Vặn mãi mới mở được. Kéo cái hộc tủ từ từ ra. Mắt tôi chăm
bẩm nhìn vào. Như một người vừa tìm ra kho báu mong thấy vàng bạc,
ngọc ngà, để cất tiếng reo mừng. Mẹ tôi đã cất giấu vật gì quí giá đến
thế. Trước mắt tôi, trong chiếc hộc tủ nhỏ này, chỉ là một tập vở học
trò. Tôi nghĩ chắc đó là di chúc mẹ tôi để lại cho anh Thương. Tôi tò
mò lấy ra, mở từng trang một. Những dòng chữ viết rất đẹp và bay bướm
về những bản nhạc của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quí…
Dưới mỗi bài có ký tên người chép: Thương. Ngoài ra không có một dòng
chữ nào của mẹ tôi. Rủ tập vở, rơi ra một tấm hình. Người con gái
trong đó có đôi mắt trầm buồn. Chị Hằng. Phía sau có hàng chữ viết
tặng anh Thương cùng những lời hẹn hò. Một lá thư viết dở dang của anh
Thương chưa kịp gởi cho chị, nhắn nhủ chị đợi ngày anh về.
Lúc đó trong tôi có một sự ganh tỵ với anh Thương. Những gì anh
Thương bỏ sót lại, một tập vở chép nhạc mà Mẹ tôi cũng cất giữ cho anh
như một vật quí giá ngàn vàng. Tấm hình của chị Hằng đã hoen ố theo
thời gian. Trong tâm khảm của Mẹ tôi chị Hằng trẻ đẹp, hiền từ, mẹ tôi
vẫn nghĩ đó là người con dâu yêu quí của bà.
Tôi đóng mạnh chiếc hộc tủ vào. Tôi muốn vất tập vở chép nhạc đó
xuống đất, nhưng không hiểu sao như có bàn tay ai níu lại, ngăn cản
tôi. Có tiếng ai đó rất mơ hồ từ một cõi xa xăm nào đó gọi tên tôi,
như nhắc nhủ tôi tránh phải một sai lầm. Tôi nhận ra tiếng gọi của Mẹ
tôi ngày nào mình còn thơ ấu khi bà muốn can ngăn những lỗi lầm tôi
sắp phạm tới. Tiếng gọi ấy làm tôi nghĩ không phải tôi đang cầm trong
tay một tập vở chép nhạc của anh Thương mà tôi đang giữ cái hồn của Mẹ
tôi. Tôi tìm một tờ giấy trắng gói cẩn thận tập vở lại bỏ vào ngăn kéo
bàn giấy thường ngày tôi làm việc. Như tôi vừa mới nhận lời sẽ thực
hiện lời trối trăn của Mẹ tôi.
Thời gian trôi qua. Tôi cũng quên tập vở chép nhạc ấy. Những bản
nhạc mà anh Thương chép lại để tặng chị Hằng, suốt cả khoảng thời gian
của tuổi thanh xuân tôi cũng đã từng đắm hồn mình vào từng lời ca ý
nhạc đó. Cho đến tuổi già, héo hon, tôi vẫn còn rung động.
Người đầu tiên làm cho tôi cảm nhận được cái hồn của bản nhạc là Mẹ tôi.
Có những buổi chiều, trời ráng nắng, những đám mây màu vàng,
mảnh như dòng sông kéo dài, vắt qua mặt trời ửng đỏ. Tôi từ bờ sông
Dinh trở về nhà. Giọng hát réo rắt hòa lẫn tiếng đàn du dương từ phòng
Mẹ tôi vọng lên, vun vút dội vào hồn tôi. Tiếng còi trong sương đêm.
Tôi bước từng bước chân nhẹ nhàng. Đến phòng Mẹ, nhìn qua khung cửa
sổ, hình ảnh một người đàn bà tuổi trung niên đang ngồi dựa ngữa vào
chiếc ghế mây, mắt nhắm lại và môi mắp mấy, hát theo tiếng hát phát ra
từ cái máy quay dĩa mà Mẹ tôi đã mua về từ mấy ngày trước. Tôi không
dám lên tiếng, lẳng lặng ngồi trên cái phản gỗ gian nhà giữa, mà hồn
mình bay lơ lửng, đến tận những chân trời nào đó. “Nhà em bên chiếc
cầu soi nước. Tôi đến thăm một lần…” “Đêm nay thu sang cùng heo may.”
Tiếng hát đã ngừng mà bên tai tôi, mơ hồ, hình như sao có tiếng rơi
rất khẽ giọt nước mắt của ai đó. Tiếng nấc bật lên. Nghẹn ngào. Rồi
chìm lỉm vào không gian bất tận.
Cũng từ đó, Mẹ tôi mỗi lần về sau chuyến đi buôn ở Sài Gòn bà
thường mang về những chiếc đĩa hát, với giọng hát cao vút và truyền
cảm của các ca sĩ danh tiếng đã làm rung động tâm hồn tôi. Mẹ tôi,
mua những đĩa hát thu hầu hết những bài ca anh Thương chép lại trong
cuốn vở. Và cả Mẹ tôi và tôi cứ mỗi buổi tối trước khi đi ngủ đều thả
hồn mình theo tiếng hát. Những nỗi buồn không tên, những niềm mong nhớ
mông lung của tuổi mới lớn làm lòng tôi xao xuyến. Còn Mẹ tôi, bà gởi
tâm sự mình vào đó cho ai? Nỗi ray rứt. Chờ đợi. Nhớ thương. Đến cuối
đời, nằm trên giường bệnh, Mẹ tôi bảo tôi để cho bà nghe những bản
nhạc ấy. Bà thiếp đi. Trong cơn hôn mê Mẹ tôi cứ lẩm bẩm: “Sao chưa
thấy thằng Thương trở về?” – “Mà mày nhớ dẫn con Hằng về nữa nhé, con
dâu của Mẹ!”. Có lúc Mẹ tôi nắm lấy tay tôi, thảng thốt: “Thương, con
đừng đi nữa nhé!” Mẹ tôi cười mếu máo: “Mẹ phải nhốt cả hai đứa mày
trong căn phòng nhỏ xíu. Chật chội lắm phải không? Nhưng ấm cúng, con
ạ! Cái hộc tủ.”
Lúc tỉnh táo, Mẹ tôi nhắn nhủ: “Một mai khi hòa bình anh Thương
trở về con mở cái hộc tủ ra.”
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, anh Thương mới trở về. Gia đình
chúng tôi đã tản mác. Các chị và em tôi đều di tản ra nước ngoài. Ba
Mẹ tôi không còn nữa. Anh Thương cứ đinh ninh ngày mình trở về, mọi
người còn sống đầy đủ, gia đình đều đoàn tụ trong ngôi nhà số 11 này.
Anh sửng sốt mới biết tin mẹ tôi đã qua đời trong cơn bệnh nan y. Tôi
mang ra tập vở chép nhạc đã được gói kín giao lại cho anh với giọng
nói run run tràn đầy cảm xúc:
– Của mẹ bảo em giao lại cho anh.
Anh ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi, hỏi:
– Cái gì thế?
– Anh cứ mở ra xem thì biết.
Anh Thương xé vội phong bì, tập vở chép nhạc rơi ra. Tôi đưa mắt
theo dõi anh. Tôi cứ nghĩ là anh sẽ cảm động khi nhận ra tập vở này.
Anh lật từng trang giấy, mặt lạnh lùng, vẻ bực bội hiện lên trong đôi
mắt đỏ bừng. Anh hỏi lại tôi với giọng nói cay cú:
– Của ai vậy, chép toàn những bản nhạc lãng mạn không ra gì?
Tôi như bị ai cầm dao đâm vào tim mình, đau nhói, tôi cố lấy bình
tĩnh trả lời anh:
– Chẳng lẽ anh không nhận ra chữ viết của mình sao?
Anh cau mày, thú nhận bằng cách gật đầu. Anh lại hỏi tôi:
– Mà mẹ giữ nó lại làm gì? Sao không hủy đi những thứ nhạc vớ vẩn này.
Lúc này tôi giận anh vô cùng. Tay chân tôi run lên. Máu trong cơ
thể tôi chạy rân rân. Anh Thương vất tập vở chép nhạc đó xuống đất.
Tôi, hình như nghe ra tiếng kêu, từ một cõi xa xôi nào đó, vọng vào
tim mình. Thảng thốt. Rên rỉ. Đau đớn. Khuôn mặt buồn phiền, thất
vọng. Đôi mắt ngẩn ngơ. Rớm lệ. Từng giọt nước mắt rơi xuống. Của Mẹ
tôi. Theo từng trang giấy lật tung lên. Những tiếng hát du dương từ
những lời chép tay trong tập vở đó như những làn sóng từ ngoài khơi
biển cả mênh mông cuồn cuộn vỗ vào bờ cát trắng. Ầm ầm. Sóng bỗng lên
cao, cao vút, đập vào bờ phá tan tất cả những hàng dương đã từng vi
vút reo lên như tiếng sáo hòa cùng âm điệu rì rào muôn đời của biển
cả. Mẹ tôi bước đi, xiêu vẹo, khập khểnh. Mẹ tôi vấp ngã. Cả thân hình
tiều tụy ập lên tập vở đó. Tôi chạy đến nâng Mẹ lên. Tôi cầm tập vở,
như tôi cầm lấy tay Mẹ. Lạnh ngắt. Bóng tối từ bên ngoài tràn vào. Mẹ
tôi tan biến, hòa nhập vào tập vở chép nhạc.
Đến lúc này tôi không muốn kể cho anh Thương biết vì sao cả chị
Miên, em Ngân và tôi đều thích nghe những bài ca mà hầu hết anh Thương
đã chép lại trong tập vở này. Những giòng chữ nghiêng nghiêng và bay
bướm của anh đã làm Mẹ tôi rơi nước mắt nhỏ xuống làm hoen ố một vài
con chữ. Mẹ tôi tập hát. Giọng bà run run. Thu đi cho lá vàng rơi… Ai
lướt đi ngoài sương gió… Ngân hát hay. Giọng ca thánh thót, truyền cảm
cũng nhờ nghe từ máy quay đĩa mà Mẹ tôi mua về đặt trên chiếc bàn nhỏ
nơi đầu giường. Thường, vào buổi chiều tôi cùng Mẹ đều ngồi trầm ngâm
lắng nghe tiếng hát của nữ ca sĩ Minh Trang, giọng hát ngọt ngào đưa
tôi vào những miền đất hoang vu.
Lớn lên khi tôi biết yêu, tôi cũng nắn nót kẻ từng giòng nhạc
những bản tình ca. Dư âm. Em đến thăm anh một chiều mưa. Buồn tàn
thu…Không phải vào tập vở như anh Thương, mà vào phía sau tấm ảnh
thiệp xuân, chữ nhỏ xíu, cả đêm bỏ học bài, ngồi cong lưng, cố gắng kẻ
những nốt nhạc từng bản một, để sáng mai đem tặng cho T. Sau này, hơn
ba mươi năm gặp nhau lại T. cho biết nàng vẫn còn giữ để kỷ niệm cho
mối tình đầu đời.
Trong những tháng năm đầu, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 bao nhiêu
tai ương, khổ đau đập xuống đầu chúng tôi, anh Thương như một cái phao
để chúng tôi níu lấy. Những buổi tối anh tụ họp mọi người trong gia
đình ngồi quanh trên tấm phản gỗ để nghe anh phổ biến những tin tức
quan trọng trong nước và phê bình những điều mà anh cho là chúng tôi
phạm sai lầm.
Anh bảo tôi phải lột xác, đồ tiểu tư sản. Phải lao động sản xuất.
Phải đốt hết các lọai sách báo của miền Nam. Toàn văn hóa phản động!
Vứt đi những dĩa nhạc ủy mị. Xóa hết những tàn tích của chế độ Mỹ ngụy
để lại trước khi chiến dịch chống văn hóa đồi trụy sắp diễn ra. Anh
muốn gia đình tôi là một gia đình gương mẫu vì có người thân là quân
giải phóng đang ở trong nhà.
Trong thời gian anh chờ đợi lệnh thuyên chuyển về Nam anh đã thu
xếp trước cho vợ mình từ Bắc vào công tác ở thị xã nhỏ bé này. Lúc đầu
tôi gặp mặt chị, tôi xót xa vì đôi mắt chị hoằn sâu, thân hình chị
tiều tụy, nước da xanh mét. Chị luộm thuộm trong bộ đồ cũ mèm, chiếc
áo thun trắng đã ngã màu, hoen ố. Tôi không thể nghĩ chị tuổi ở đôi
mươi. Anh Thương nói nhỏ với tôi: “Ngoài nớ nghèo lắm.” Từ từ rồi chị
cũng thay da đổi thịt. Cách ăn mặc đã khác đi. Trông chị xinh xắn hơn
xưa rất nhiều. Chị đã lột xác.
Ngược lại chúng tôi như con tàu đang tuột dốc, xác xơ. Cuộc sống
khó khăn dồn chúng tôi vào ngõ cụt. Để giữ tinh thần sau những giờ
phút lao động, để kiếm sống tôi vẫn thường thức dậy sớm pha cho mình
một cốc cà phê đậm, hút một điếu thuốc thơm, nghe lén vài bản nhạc từ
cái casette cũ mèm.
Tưởng không ai biết. Nào ngờ, trong buổi họp mặt gia đình, anh
Thương chỉ trích tôi và cho biết quần chúng đã phản ảnh là tôi còn
mang tư tưởng của giai cấp “tiểu tư sản”. Thật tình tôi không hình
dung nổi tiểu tư sản là gì? Trong tôi không có phân biệt giai cấp gì
cả. Người giàu, kẻ nghèo. Chỉ có người tốt, người xấu. Mà tốt hay xấu
đều do nơi hoàn cảnh sinh ra. Thế thôi. Tôi thắc mắc hỏi anh: “Quần
chúng là ai?” Anh chỉ tay vợ anh đang đứng bên cạnh. Đến lúc này thì
tôi giật mình. Một cơn gió mạnh như vũ bão thổi vào tim tôi. Lạnh buốt
và xô tôi ngã xuống vực sâu.
Mấy ngày sau đó, tôi dẫn vợ con rời ngôi nhà thân yêu đến một
vùng quê xa lạ. Ở đây chúng tôi cũng đã sống gần mười lăm năm như
những người nông dân. Sau này chúng tôi mới kéo nhau vào sinh sống ở
Sài Gòn. Anh Thương đổi vào đây trước tôi vài năm. Đời sống của gia
đình anh đã trở nên giàu sang.
Cuối đời anh Thương mang chứng bệnh nan y, như mẹ tôi ngày trước.
Ung thư. Tôi vẫn thường vào thăm anh ở bệnh viện. Chúng tôi nhắc lại
những kỷ niệm ngày xa xưa. Khi tôi hỏi sao khi ra ngoài Bắc anh không
còn chơi bóng đá. Anh thều thào: Tiếc là những tháng năm ở liên khu 5
anh bị bệnh sốt rét, mất sức. Bỏ cuộc. Tôi kể cho anh nghe: “Mẹ tôi
suýt đi tù vì lý do viện cớ qua Campuchia để gặp mặt anh. Bà nghe tin
từ đâu là anh có chân trong đội bóng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tranh
giải Bóng đá Đông Dương. Chính quyền không cấp giấy thông hành. Họ
nghi ngờ anh Thương là cầu thủ lừng danh ngoài Bắc.” Thực ra, thời
gian đó anh Thương được vào đại học xây dựng. Anh chỉ là khán giả đi
xem bóng đá mà thôi. Ngoài Bắc không ai biết anh đã từng là một cầu
thủ lừng danh của miền Nam. Ở Sài Gòn, những tờ báo thể thao khi nói
đến bóng đá người ta nhắc nhiều về anh. Vang bóng một thời.
Ngồi ở chiếc ghế đá trước hành lang bệnh viện, dưới gốc cây cổ
thụ, lác đác vài chiếc lá vàng rơi xuống sân cỏ công viên. Hai ông già
nhắc lại những kỷ niệm về người Mẹ đã khuất. Những lần trước thì tôi
mang cảm giác mình nhỏ lại như hồi còn ấu thơ đang bơ vơ ngơ ngác lạc
loài giữa phố chợ, đến tuổi trưởng thành, ngày cưới vợ mình dâng trầu
cho người đã sinh ra vợ mình, còn tôi ngẩn ngơ cầm khay trầu rượu như
muốn tìm ai đó.
Lần này, linh cảm như một mất mát sắp xảy đến với anh em chúng
tôi. Nhắc đến người Mẹ tôi không thấy mình nhỏ lại mà nhận ra anh em
chúng tôi là hai ông cụ già cháu chắt đầy đàn vẫn là những kẻ mồ côi
mẹ. Còn người mẹ đã khuất lại là người thiếu phụ tuổi chỉ 50.
Bỗng dưng, anh Thương đưa bàn tay gân guốc chỉ còn bọc da, lạnh
ngắt, hỏi tôi:
– Cái đó đâu rồi?
Tôi ngơ ngác. Tôi nhìn anh sững sờ. Tiếng hát từ đâu vọng lại.
Nhà em bên chiếc cầu soi bóng. Anh đến thăm một lần…Tôi vừa nhận ra ý
anh nhưng tôi vẫn giả vờ không hiểu, hỏi lại:
– Cái gì?
Đêm nay thu sang cùng heo may…Tiếng hát trầm ấm, khàn khàn của
Khánh Ly như đang dẫn dắt anh Thương trở về một nơi mộng mơ xa xôi nào
đó.
Một giọt nước mắt nóng hổi của anh rơi xuống vai tôi. Rồi tiếng
nấc nghẹn ngào từng hồi tuôn ra.
Cuối cùng môi anh mấp máy:
– Tập vở chép nhạc ngày ấy…{jcomments on}
Chiện bùn wá nhà dăn NM wơi!
Hoà Văn chia sẻ với tác giả:
“Bỗng dưng, anh Thương đưa bàn tay gân guốc chỉ còn bọc da, lạnh
ngắt, hỏi tôi:
– Cái đó đâu rồi?
Tôi ngơ ngác. Tôi nhìn anh sững sờ. Tiếng hát từ đâu vọng lại.
Nhà em bên chiếc cầu soi bóng. Anh đến thăm một lần…Tôi vừa nhận ra ý
anh nhưng tôi vẫn giả vờ không hiểu, hỏi lại:
– Cái gì?
Đêm nay thu sang cùng heo may…Tiếng hát trầm ấm, khàn khàn của
Khánh Ly như đang dẫn dắt anh Thương trở về một nơi mộng mơ xa xôi nào
đó.
Một giọt nước mắt nóng hổi của anh rơi xuống vai tôi. Rồi tiếng
nấc nghẹn ngào từng hồi tuôn ra.
Cuối cùng môi anh mấp máy:
– Tập vở chép nhạc ngày ấy…”.
Hoà Văn chia sẻ với tác giả: “Bỗng dưng, anh Thương đưa bàn tay gân guốc chỉ còn bọc da, lạnh
ngắt, hỏi tôi:
– Cái đó đâu rồi?”
Thật cảm động!
Nhớ những tập vở chép những bài hát xa xưa quá .Cám ơn tác giả .
Bỗng dưng, anh Thương đưa bàn tay gân guốc chỉ còn bọc da, lạnh
ngắt, hỏi tôi:
– Cái đó đâu rồi?
Tôi ngơ ngác. Tôi nhìn anh sững sờ. Tiếng hát từ đâu vọng lại.
Nhà em bên chiếc cầu soi bóng. Anh đến thăm một lần…Tôi vừa nhận ra ý anh nhưng tôi vẫn giả vờ không hiểu, hỏi lại:
– Cái gì?
Một giọt nước mắt nóng hổi của anh rơi xuống vai tôi. Rồi tiếng
nấc nghẹn ngào từng hồi tuôn ra.
Cuối cùng môi anh mấp máy:
– Tập vở chép nhạc ngày ấy…
Chào anh Nguyên Minh!
Bài viết bao quát cả đời người thật tỉ mỉ
Anh Thương sống dối lòng với mọi người kể cả người thân nhưng cuối cùng anh ko thể sống dối chính anh được …
Bài hay lắm!
Cảm ơn anh cho thưởng thức.
Khảo Mai.
Bài viết quá hay, làm độc giả rớm nước mắt tới đọan cuối cùng.
Cám ơn Nguyên Minh.
Văn phong lão luyện, cây viết dạn dày .
Bài viết hay quá. Một giai đoạn lịch sử, một đời người, một tình yêu, một kỷ niệm…cuối cùng còn đọng lại trong sâu thẳm tâm hồn anh Thương là “Tập vở chép nhạc ngày ấy…” đã làm ray rứt lòng người.Cảm ơn anh NGuyên Minh .
Bài viết hay quá! Cám ơn anh Nguyên Minh, rất mong được đọc những bài viết hay của anh trên trang nhà HX.
QT
Xin chào anh Nguyên Minh đã vào với HX ! xin chào một cây viết lão luyện…bài viết cảm động & hay quá ! Cám ơn anh nhiều chúc vui khỏe anh nhé!
Chào anh Nguyên Minh, một nhà văn lão luyện với ngòi bút tuyệt vời đã vào chơi sân Hương Xưa. Rất mong được đọc những tác phẩm hay như thế này của anh trên trang nhà. Kính mến!
Chào anh Nguyên Minh,
Gặp lại anh trên Hương Xưa qua một câu chuyện xưa. Hình như anh Nguyên Minh là nhà văn của hồi ký, vì những hồi ký anh viết luôn cuốn hút độc giả.
Chúc anh chị khỏe, vui, hạnh phúc buổi về chiều.
Chào anh Nguyên Minh
Câu Chuyện thật lôi cuốn cảm động , mong đọc bài của anh thường xuyên hơn trên HX
Chúc anh chị sức khỏe và hạnh phúc
Hôm nay tôi mở lên mạng mới thấy các bạn cảm nhận bài trung phong của tôi.
Tôi rất vui có đọc giả hiểu mình.
Rất cám ơn các bạn.
Thỉnh thỏang tôi sẽ gởi bài vào Hương Xưa.
Thân ái,
NM