1.
Không rõ bây giờ ở tận phương trời xa xăm kia em còn nhớ điều gì?. Câu
hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi giống điệp khúc của bài hát phổ
nhạc từ một bài thơ mà tôi là tác giả. “Gởi chút xôn xao/ Tình theo
gió/ Mong người xưa ấy nồng nàn yêu!.”. Bài thơ dài nhưng chuyện bài
thơ viết ngắn hay viết dài không kể. Điều đáng kể ở đây cứ mỗi lần bài
hát ấy vang lên trong lòng tôi lại xôn xao…
Trời mùa thu. Phía bên kia dòng sông. Những đám mây màu xanh xanh hòa
quyện với những đám mây màu trắng trắng bồng bềnh trôi trôi… Đã
nhiều lần sống trong tâm trạng mùa thu đẹp, mây lửng lờ trôi trên dòng
sông đẹp, dẫn tới cảm nhận bao điều tốt đẹp…
Hôm qua cũng mùa thu mà sao lòng tôi xốn xang lạ. (Tôi từ đây xin gọi là Hà Anh)
Miên Thanh ngồi mà như nằm vì tựa hẳn cả bờ vai tròn cả mái tóc xanh
mượt vào ngực Hà Anh.
Bình thường như thế nầy Hà Anh biết Miên Thanh “nói” gì. Và câu “trả
lời” không bằng lời nói mà bằng chính đôi mắt trìu mến chứa chan bao
tình yêu! Và tiếp theo… như bao đôi tình nhân, Hà Anh sẽ tặng cho em
yêu nụ hôn yêu. Nụ hôn ban đầu nhè nhẹ. Một chặp sau Miên Thanh quàng
hai tay ra đàng sau lưng Hà Anh siết mạnh. Hai đôi môi mọng chín màu
son hồng dáng hình hai trái tim ôm khít lại với nhau… với nhau…
khe khẽ hát khúc ca… tình yêu!.
Hà Anh lắc lắc đầu cắt dứt dòng suy tưởng… Nhìn xuống, bắt gặp đôi
mắt Miên Thanh đầy nước mắt. Bất giác tôi rùng mình. Điều gì đang xảy
ra?. Tại sao Miên Thanh khóc?. Tại sao?… Không biết nói câu gì cho
phù hợp với hoàn cảnh nầy, Hà Anh đùa:
“Em lại hù anh chuyện gì?”.
Miên Thanh lặng thinh một chặp rồi hình như chỉ có khóc mới bộc bạch
được điều muốn nói ở trong lòng nên em lại khóc. Khóc thành tiếng chứ
không rấm rứt nữa.
Kéo nhẹ Miên Thanh nằm gọn trong lòng kiểu con mèo thường nũng nịu nằm
trên hai bắp đùi của Hà Anh mỗi khi ngồi vào bàn học bài. Con mèo khi
ấy dễ thương lắm. Màu lông xám vàng mướt mượt, đôi mắt tròn xoe ngân
ngấn nước. Bộ dạng như thế ai nỡ bồng vất ra cho nên lâu ngày dần dần
trở thành thói quen khó mà bỏ cho được. Yêu các con vật nuôi trong nhà
là sở thích của Hà Anh từ hồi nhỏ xíu đến giờ. Mẹ hay bảo thương nó
thì ai không thương mà con để nó quá đà như thế không nên!.
Hà Anh lai suy tưởng nữa rồi!. Miên Thanh cũng nín khóc lúc nào không
hay nhưng đôi mắt em đen tròn và có độ sâu thăm thẳm kia ngày thường
đã thấy buồn buồn nay thêm vừa mới khóc trông càng buồn nhưng quá
đẹp!. Con gái dỗi hờn hai má phơn phớt hồng… đẹp và con gái mà khóc
đôi mắt ươn ướt cũng rất đẹp!. Hà Anh càng nhìn Miên Thanh càng đẹp
theo cái cảm nhận như vậy.
Có biết đâu trong lòng em đang rối tơ vò…
Ba và mẹ em hồi chiều hôm qua sau nhiều ngày bàn tính đã quyết định đi
định cư ở nước ngoài theo diện nhà nước cho phép với người Việt gốc
Hoa sau vụ bảy chín.
“Em làm sao cưỡng lại quyết định của gia đình, thế là phải xa anh
sao?. Tới lúc nầy khi nằm im trong vòng tay yêu thương của Hà Anh,
Miên Thanh còn chưa tin điều sắp nói ra là sự thật phũ phàng”. Sau nầy
em nói với Hà Anh như thế.
Hà Anh đang nghĩ chắc em nghe một điều gì đó qua các bạn kể lại. Mà
mấy “ông, bà” bạn của hai đứa thì “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” mà.
Hà Anh tính thầm trong đầu… Mà những lần trước nụ hôn vẫn là cứu
cánh cho tình yêu chân thật của tôi với em. Không suy nghĩ mung lung
nữa, Kéo Miên Thanh sát vào lòng thêm chút nữa và đặt nụ hôn thật sự
nồng ấm lên đôi môi căng tràn nhựa sống của cô con gái ở tuổi mười
chín, học năm đầu Đại học… – Hà Anh học hơn em một lớp học dĩ nhiên
đang là năm hai Đại học… cùng ở Đà Nẵng.
Nhà em ở Hội An cách chùa Cầu có mấy chục căn nhà. Ở cùng phố cổ nhưng
chỗ Hà Anh ở là khu phố mới gần nhà thờ đạo.
Phố cổ như bàn tay con đường là những chỉ tay. Cả hai sinh ra lớn lên
tại phố nầy đi học chung cấp Hai sau cấp Ba học khác trường nhưng vẫn
giữ tình bạn thân thiết và bây giờ là tình yêu…
Những con đường phố cổ Hà Anh và Miên Thanh hay ví von như những đường
chỉ tay trên bàn tay ấy không chỗ nào thiếu bóng cặp đôi “hoàn hảo Hà
– Anh – Miên – Thanh”. Mấy người bạn thân thường trêu ghẹo yêu như
vậy.
Bờ sông Hoài không có bờ cát thoai thoải như các con sông khác nó được
kè và đổ bê tông chắc chắn là nơi cứ chiều về đông người đứng ngồi ven
bờ sông hóng gió mát. Đoạn sông ở đây nước cũng khác sông nơi khác
nước chè hai nghĩa là có nước ngọt lại có cả nước mặn nước ngọt từ con
sông lớn Thu Bồn chảy xuống còn nước mặn thì chắc rồi có là do nước
biển từ cửa Đợi dâng lên theo từng cơn thuỷ triều. Chính nước sông nầy
sản sinh ra một loài cá chỉ có ở đoạn sông Hoài phố, cá dìa.
Thoạt nhìn Hà Anh thấy cá dìa giống cá nâu, nhưng mình thon dài hơn,
màu vàng hơn. Mẹ mà chế biến món cá dìa nướng muối ớt rất tuyệt nhưng
công phu, dùng dao rạch vài đường trên thân cá rồi ướp muối và ớt giã
nhuyễn để khoảng mười phút quấn lá chuối rồi đem nướng. Thịt cá dìa
nướng rất săn và trắng, hương vị đậm đà. Ăn kèm rau thơm và chấm muối
ớt nặn chanh. Các cách khác như kho, chưng tương, nấu ngót, canh chua,
chiên sốt cà, hấp hành… Mẹ nhắc chị Lê Lê chú ý làm sạch ruột cá
nhưng không cắt đuôi để tránh mùi hôi rong, rồi ướp cá với ớt tươi giã
nhuyễn có tác dụng khử mùi tanh của cá, chế biến cách gì thịt cá dìa
cũng rất béo và thơm.
Phố cổ ngoài mì Quảng còn có có các món đặc sản khác nổi tiếng như cao
lầu, hoành thánh, chè xí mà, bánh bao, bánh vạt và mới nhất có hến
trộn và chè bắp Cẩm Nam. Người ta nói trái bắp mà mang qua sông ăn mất
đi hương vị không rõ hư thực nhưng phải nói Hà Anh và Miên Thanh bách
bộ qua cầu An Hội đến ăn chè bắp Cẩm Nam lần nào cũng thấy ngon như
lần đầu được ăn!.
Đón nụ hôn dài và nồng thắm. Em như không muốn rời xa nụ hôn… tình
yêu chân chất.
2.
Hà Anh nói có hai sự kiện mà chắc cho đến cuối đời không bao giờ quên
là tình yêu Miên Thanh và nhớ người bạn học cùng lớp ở cấp Hai.
Trước khi tiếp chuyện giữa Hà Anh và Miên Thanh, xin đọc chuyện Hà Anh
và bạn Lộc.
Trời nắng như đổ lửa, Hà Anh (từ đây gọi là tôi) – Tôi và Lộc đèo nhau
trên chiếc xe đạp không tốt mấy nhưng thừa sức chạy bon bon trên đường
về nhà Lộc sau giờ tan trường.
Tới nhà cất vội tập sách vở, Lộc phóng nhanh ra sau vườn hái cặp ổi xá
lị, vừa chạy vào nhà vừa kêu to:
“Hà Anh ơi, ăn ổi nè!.”
Lúc nầy tôi đang xuống nhà bếp chào mẹ của Lộc nên không ừ, lát sau
tôi mới lên tiếng:
“Ổi đâu?”.
“Đây!”.
Cặp ổi thiệt ngon to bằng nắm tay người lớn vỏ màu trắng ngà đang chín
tới, hai đứa lăng xăng đi tìm dao bổ, đi lấy muối ớt rồi vừa ăn vừa
nói chuyện rôm rả.
Mẹ Lộc bảo: “Cây ổi mới trồng hai năm đã ra trái, khi ổi mới bằng trái
cau Lộc lấy giấy kiếng bao bọc lại cẩn thận sợ chim, chuột ăn phá, từ
hôm ổi sắp chín đến giờ nó ngó chừng miết, sáng nay nói với thiếm,
trưa sẽ rủ con về hái ăn.”
Ăn ổi xong Lộc rủ tôi ra sông tắm cho mát, tôi nói:
“Tau chỉ biết bơi sơ sơ…”.
“Có tau lo gì!”.
Sông Cẩm Kim cách nhà Lộc mấy trăm mét, bờ bãi cát thoai thoải, nước
trong veo, rất nhiều ghe thuyền của bà con vạn chài sau khi đi đánh
lưới bắt cá tôm các nơi về đậu lại từng cụm một, sóng nhẹ nhấp nhô
trông thích mắt. Lộc nói ban trưa vắng người, chứ khoảng nửa chiều
đông người tắm lắm, nhiều nhất vẫn là thanh thiếu niên. Ở đây vùng
sông nước nên ai ai cũng phải tập bơi từ nhỏ, chuyện biết bơi là bình
thường, nhiều người bơi giỏi có thể bơi qua sông. Số đông người lớn
rất thuần thục việc xử dụng mái chèo, mái dầm bơi ghe, lái thuyền, trẻ
con nhà vạn chài được tập tành sớm nên mới mươi hai tuổi có thể chèo
ghe nan trên sông một mình. Lộc nói với tôi như thế.
*
Tôi và Lộc cả hai chạy băng băng trên những chiếc thuyền đậu san sát
từ bờ ra ngoài sông rồi lao người xuống nước.
Ùm! ùm! nước gây cảm giác mát toàn thân, đã quá!. Hai đứa chơi trò cút
bắt, tôi len lách theo từng ghe thuyền lúc hụp lặn lúc trồi người lên
cao.
“Đố Lộc bắt được tau!”. Tôi nói to.
“Rồi!”. Lộc đáp lại cũng to tiếng.
Đột nhiên tôi bị chìm nghỉm xuống nước. Chết rồi! mình bị nước cuốn
vào vùng nước sâu mất rồi! tôi vừa cố vùng vẫy để thoát thân vừa hét
lớn “Cứu tôi với! cứu tôi với!”, “Lộc ơi! Lộc ơi!” nhưng chẳng ai nghe
thấy, dòng nước xoáy mạnh kéo tôi ra xa bờ, càng cố hết sức bơi, lặn,
thì càng trôi ra xa hơn…
“Mẹ ơi! con sắp chết rồi mẹ ơi! chết vì không nghe lời mẹ… mẹ ơi!”
Trong thâm tâm tôi trước nguy cơ kề cận cái chết ở dưới nước nói như
thế. Và rồi giống như cuộn phim chiếu chậm biết bao hình ảnh về gia
đình: ba, mẹ, các em, bà ngoại, cậu Tám, về bạn bè… nhiều nhiều lắm
hiện rõ mồn một trong đầu tôi. Tôi tức tối tự trách mình sao dại dột
quá, mẹ đã bao lần nhắc nhở đừng tắm sông nước, thế mà không nghe để
bây giờ giữa dòng sông sâu sức đuối như thế nầy làm sao đây! Tôi không
nhớ rõ đã uống vào bụng bao lần nước rồi. Cứ mỗi lần cố sức vươn lên
khỏi mặt nước kêu cứu là thêm một lần nước ọc vào miệng, sự tức tối tự
trách mình càng tăng lên gấp bội.
Sự sống và cái chết chỉ còn tíc tắc! Tôi cố hết sức bình sinh trồi lên lần cuối.
*
Về chiều nắng dịu, tôi và Lộc hai đứa nằm trên bãi cỏ sân vận động Hội
An phơi nắng. Tôi rủ Lộc ra đây phơi nắng để da bớt xanh – khi ấy tôi
nghĩ thế.
Lộc kể hồi trưa khi nấu cơm xong mẹ của mình ra sông gọi hai đứa về
nhà ăn cơm, mình kêu Hà Anh ơi, Hà Anh hỡi quá chừng mà chẳng nghe
thấy tăm hơi gì, linh tính có điều không lành xảy ra rồi!. Nhìn ra
giữa dòng sông phát hiện Hà Anh nhô đầu giơ tay lên khỏi mặt nước mấy
lần rồi mất hút, thoắt một cái mình phóng nhanh đến chỗ bạn bị nạn,
dùng tay đẩy mạnh người bạn lên khỏi mặt nước xong thả trở lại xuống
nước, sau đó nắm tay kéo vào bờ, cả người bạn mềm như bún, mắt nhắm,
da tái mét, bà con ở chỗ mình thay phiên xóc nước, hô hấp lâu lắm Hà
Anh mới tỉnh.
Lộc ơi! Không bao giờ quên tình bạn thân ái của chúng ta trong những
tháng năm cùng học dưới mái trường cấp Hai ở Hội An. Đặc biệt hành
động cứu mình thoát lưỡi hái tử thần ở sông Cẩm Kim của Lộc sống mãi
mãi trong tâm khảm mình.
3.
Phố cổ. Trời bắt đầu mưa nặng hạt Hà Anh nhận tin Miên Thanh đã đến
nơi xa xôi kia an toàn. Bụng mừng mà lòng chẳng yên…
Thời gian cứ trôi như dòng sông. An nhiên và tự tại dẫu có lúc không
yên ả. Hà Anh không là dòng sông và cũng chẳng phải là thời gian nên
từ khi Miên Thanh đi rồi một giai đoạn dài trong Hà Anh cảm thấy trống
vắng quá. Mọi khi anh trông đến buổi lên giảng đường còn hơn ngày xưa
trông mẹ đi chợ về.
Mẹ mà đi chợ thì bữa ấy cả nhà được mẹ chiêu đãi một bữa cơm hay mì
Quảng ngon lắm. Cơm có canh chua. Món Hà Anh và cả ba của Hà Anh thích
nhứt mà phải nấu với cà dìa đúng bài bản. Vị chua chua của me, chua
chua của các loại rau củ muối lạt, rồi vị the the của ớt xiêm giã
nhuyễn lẫn trong nước canh, rồi vị đăng đắng thơm thơm của rau húng
rau, rau mùi, ngò, cần tây,… chỉ mới nghe mùi đã nhẽo nước bọt chứ
đừng nói đương ăn. Còn mì Quảng khỏi nói!. Ai ở xứ Quảng mà không biết
làm mì Quảng!. Đó là điều dám cá độ năm ăn mười!. Mẹ Hà Anh hay nói
giỡn như thế mỗi khi mời mọi người ăn tô mì do chính mẹ xay bột, tráng
mì lá, rồi chấn lá mì ra từng con mì bằng nhau hay háy. Nhưn mì Quảng
không có gì qua nhưn cá tràu hoặc gà mái tơ. Tuỳ theo nguyên liệu mẹ
chế biến nhưn ăn hết ý!. Ăn tô mì Quảng của mẹ làm bao giờ cũng kèm
theo món rau sống đặc biệt từ vùng rau Yến Nê. Rau trồng trên cát theo
truyền thống chỉ chăm bón bằng phân xanh hoai mục (loại phân bón làm
từ các loại lá cây nhất là lá cây keo ta) cây lá rau xanh mướt thơm
tho… và không thể thiếu búp chuối sứ đã giải được dăm ba nãi hái
xuống dùng dao bén ngọt xắt nhỏ rí, xắt chừng nào thả vào thau nước lã
chừng nấy để có những khoanh búp chuối sứ trắng phau phau trông thích
mắt mà khi ăn chung với các loại rau ngon đáo để!. Rồi còn hạt đậu
phụng rang, bánh tráng chiên dầu… Tô mì như một tác phẩm nghệ thuật
có gam màu tươi mát và ngầy ngậy…
Ngồi lơ đãng nhìn cây cầu An Hội vắt ngang qua sông Hoài người qua lại
đông vui thế mà Hà Anh cảm thấy đơn độc quá. Báo với bạn bè là phải về
nhà có việc cần rồi xách xe Honda chạy một mạch về phố Hội, tới nơi
không biết làm gì tiếp theo thay vì về nhà Hà Anh chạy thẳng đường tới
chùa Cầu quẹo phải chạy chậm dọc dọc theo bờ sông và tới gốc cây me
phía đông cầu An Hội nầy dựng xe vào một quán bên đường ngồi lặng lẽ
buồn buồn nhìn lên cầu… như thế nầy chẳng biết bao lâu rồi. Miên
Thanh giờ đã đi ngủ chưa? Hay em còn làm một việc nào đó cho xong?.
Tính em không có gì đang làm dở dang mà để lại ngày mai. Em buồn
hay… Hà Anh thích em khóc để thấy em đẹp gấp đôi bình thường!. Nghĩ
đến đó Hà Anh muốn khóc!.
Chị Lê Lê đi đâu mà coi bộ vội vả. Hà Anh đứng phóc dậy gọi:
“Chị Lê Lê!”.
“Em đây! Em đây!”.
Tới hai lần gọi Lê Lê mới dừng xe ngoái đầu lại tìm…
Đi với chị có cả cô bé Mon Mon (thật ra cô có tên rất đẹp ghi trên
giấy khai sinh là Hoàng Yến) nhưng Hà Anh thích gọi Mon Mon hơn. Mon
Mon đang là sinh viên khoa Y trường Đại học Huế tại sao hôm nay lại
về?. Hà Anh tự hỏi như thế xong gật đầu chào. Quay sang chị Lê Lê:
“Chị đi chợ!”.
“Đi chợ cùng Hoàng Yến!”. Chị trả lời.
“Nhà Hoàng Yến có giỗ!”.
“À như thế!”. Hà Anh nghĩ.
Cùng chị Lê Lê và Mon Mon dắt xe đi bộ qua cầu An Hội sang Cẩm Nam ăn
chè bắp. Hà Anh chọn chiếc bàn tròn phia cuối quán bên mé lạch nước
sát bên quán, gió từ những hàng cây dừa nước thấp thấp thổi nhè nhẹ
mang theo hơi nước lành lạnh.
Cả ba người cùng ngồi vào bàn. Mon Mon trông vui lắm. Còn Hà Anh lại
buồn buồn. Anh đang nhẩm nhẩm bài thơ mới viết đêm qua:
Đêm cắn trên môi nụ cười buồn
em đứng đó mà hồ như xa lạ
nước sông Hoài xuôi về cùng biển cả
để chùa Cầu gây nhớ với sầu vương .
Ngẩn ngơ theo đèn lồng giăng đầy phố
cách chia xa chưa tìm được lối về
chung bước ngày nào hai ta vương mắt nhỏ
để rêu , người sầu mà hoang mê .
Em bây giờ tôi nói có nghe
sông phả lạnh mấy giòng bờ cách biệt
phố Cẩm Nam người đi mà không biết
quên quê xưa và để lại tình xưa .
Hội An trong tim người đã thức dậy chưa
hồn người cũng bạc lòng theo phố cổ
ai một đời bơ vơ còn đứng đó
nép đời nhau rưng lệ mấy cho vừa .
Tình tôi dài theo bến bờ cửa Đại
tiễn thuyền đi theo bóng một người đi
thời gian… thời gian… khuất chìm trôi nổi
còn lại chăng giấc mộng tuổi xuân thì .
Trải bên đời những mối tình chia biệt
em bên tôi mà cũng đã xa tôi
ngày đêm Hội-An đi mà không biết
chôn kín trong tim bóng dáng một người. (1)
3a.
“Anh suy nghĩ điều gì mà đăm chiêu quá?”.
Mon Mon khẽ hỏi.
Hà Anh giật mình.
Nhưng chỉ một giây đã điềm tĩnh.
“Mình đang ngồi ở quán Hương xưa nầy à?”.
Hà Anh tự đặt câu hỏi như vậy mà lặng thinh không nói ra.
Mặc cho hai chị em Lê Lê, Mon Mon vừa ăn chè bắp ngon lành vừa râm ran
chuyện trò nhiều chuyện theo Hà Anh rất vui. Nếu mọi khi chắc anh sẽ
góp vào đôi câu “tinh nghịch” sở trường nhưng giờ bụng dạ đâu mà để ý
tới.
Chiếc bàn cách đây mươi mét nơi có cây lộc vừng được chủ quán sửa soạn
khá đẹp đang kỳ ra bông. Những dây bông lộc vừng như những dây pháo
hồi xa xưa trong bất kỳ đám cưới nào cũng phải có. Tiếng pháo nổ đì
đùng báo hiệu thêm một cặp vợ chồng trẻ được mọi người công nhận trong
niềm hoan hỷ và hạnh phúc của gia đình, thân hữu… Cô dâu chú rể dìu
nhau đi trên hoa pháo đỏ trải kín cả một khoảng đất giữa sân nhà. Đã
cố ý không ngồi đúng vào chiếc bàn đầy ắp kỷ niệm kia nhưng sao cái
bàn vô tri vô giác ấy vẫn gợi lên trong anh bao điều… Nơi ít nhất
mỗi tháng cặp đôi Hà Anh – Miên Thanh dắt tay nhau đến đây một lần,
nơi hôm chia tay không ai khóc mà nước mắt chảy ngược vào lòng càng
xót xa gấp bội so với nếu được khóc… khóc thật to… Giờ ngồi đây
tâm trạng Hà Anh rối bời!.
Chị Lê Lê nhắc:
“Đã lâu rồi nghe!. Không được mít ướt như thế nghe!”.
Đây là câu chỉ hai chị em thấu hiểu!. Nhưng trong cảnh nầy chắc Mon
Mon cũng hiểu ý nên thêm vào:
“Anh Hà Anh ơi!. Em chia sẻ cùng anh nghe!”.
Giọng nói của Mon Mon dịu dịu sao giống y chang giọng của Miên Thanh!.
Hà Anh bắt đầu tìm thấy ở Mon Mon điều gì đó tương đồng với…
Hà Anh liên tưởng.
Ngay cả chiếc áo Mon Mon đang mặc sao cũng đúng mode với…
Nó không cầu kỳ nhưng đẹp, đặc biệt nơi cổ áo không khoắc sâu hoặc mở
hở nút áo như các cô gái khác để lồ lộ phần da thịt nõn nà nơi chỉ có
ở người được tạo hoá giao thiêng chức làm mẹ!. Có lần Hà Anh tò mò hỏi
vì sao kín thế?. Miên Thanh trả lời tỉnh queo và dài dòng mới hết ý là
“Chỉ để mình anh được phép chiêm ngưỡng vẻ đẹp “huyền bí” có một không
hai của toà lâu đài tuyệt mỹ tạo hoá ban tặng cho em!”. Không biết Mon
Mon có nghĩ thế không mà…
Hà Anh bị chính Mon Mon cắt dòng suy nghĩ đang hình thành khá phong
phú bằng câu hỏi:
“Chí ít chị Miên Thanh cũng đi hơn một năm rồi phải không Hà Anh?.
“Vâng! Cũng hơn một năm”. Hà Anh nói lặp theo câu hỏi của Mon Mon.
Chị Lê Lê:
“Có phải ai phụ tình ai đâu?. Hoàn cảnh cả mà!”.
Trời mùa đông mới bốn giờ chiều đã chuyển sang màu gi sẩm. Trong quán
đông khách, đông nhất là các cặp đôi “hoàn hảo”. Dễ ai đó khi nhìn
thấy sẽ tưởng Mon Mon và Hà Anh là một trong các cặp đôi “hoàn hảo” ấy
không chừng vì nãy giờ đôi mắt rất đẹp của cô nàng Mon Mon không ngớt
chuyển những tín hiệu rất đặc biệt đến Hà Anh. Ánh mắt tỏ rõ bao nỗi
niềm đồng cảm và chia sẻ thật sự.
May mà hai chị em đi chợ mua thêm mấy món đồ gia vị để sớm mai làm
tiệc nhân đám giỗ nội Mon Mon chứ đi chợ kiểu nầy ở nhà trông dữ lắm!.
Chị Lê Lê nhắc và cả ba rời quán Hương xưa… mang theo hai dòng suy
nghĩ…
3b.
Về nhà mẹ của Hà Anh ngồi đợi cơm. Từ ngày Miên Thanh đi đến giờ với
linh tính và sự từng trải của người mẹ, bà Sơn (mẹ của chị em Lê Lê)
trước đây đã một mực yêu thương con nay dành cho Hà Anh thêm nhiều
tình yêu thương đặc biệt hơn.
Nếu Hà Anh không có chuyện buồn buồn… như vậy chắc sẽ bị bà Sơn cho
“ăn cháo lươn” – cụm từ chị em Lê Lê hay ví dụ để tả việc bà Sơn bắt
hai đứa con ngồi im nghe giảng giải việc đúng việc sai của con cái,
nào là…, nào là…. nào là…
Giảng giải tỉ mỉ xong bà bảo “Nếu khôn thì nghe mẹ còn dại thì thôi..”
và bảo tiếp “Đi rửa ráy rồi lên đây mẹ biểu!”. Đoạn nầy khi thì bà Sơn
chia quà bánh khi thì cho tiền để hai đứa đi ăn chè xí mà của vợ chồng
ông Ngô Thiểu bán ở ngã tư đường Nguyễn Trường Tộ.
Ông Thiểu, chín mươi bảy tuổi có trên bảy mươi lăm năm làm một việc
duy nhứt người giữ “hồn quê” món chè xí mà – thức quà đặc biệt ở phố
cổ Hội An nầy. Ông mong muốn xí mà món đặc sản của phố cổ không bị mai
một vì thế ông chẳng giấu một bí quyết gì.
Nguyên liệu chính của chè xí mà là mè đen, sau khi được ngâm khoảng ba
tiếng thì đem mè đi xay nhuyễn rồi trộn các cây thuốc Bắc vào. Nước để
nấu chè được lấy về từ chiếc giếng cổ chừng ba trăm năm tuổi gần nhà.
“Chỉ có nước nớ làm xí mà mới có mùi vị đậm đà riêng thôi. Xí mà sẽ
ngon ngọt hơn. Người ăn sẽ dễ dàng nhận ra nó dở nếu dùng nước máy!”.
Ông Thiểu nói như vậy
Có lẽ ấn tượng nhất là cái cách thưởng thức chè xí mà. Khách ăn buộc
phải ngồi lổm xổm. Ghế đọt chỉ có dăm bảy cái dành cho người nước
ngoài nếu không quen theo cách lổm xổm. Chiếc chén sứ bé chỉ chừng hai
vá chè là đầy. Ăn xí mà phải dùng một chiếc muỗng con, nếm dần từng tí
một sẽ thấy ngọt lịm từ đầu lưỡi và thơm thoảng mùi thuốc Bắc. Ai mà
đến phố cổ gặp mưa, cơn mưa nhẹ lất phất se lạnh, bưng trên tay chén
xí mà nóng hổi thoảng mùi thơm dịu, nhất định sẽ cảm thấy lòng yên
bình và nhẹ nhàng đến lạ!. (2)
Tối nay bà Sơn khuyên Hà Anh:
“Thôi mẹ biết cả hai đều buồn – cả hai đây ý nói Miên Thanh nữa –
Nhưng không làm gì hơn con ạ!.”.
Hà Anh thưa:
“Con sẽ cố gắng học năm cuối thật giỏi mẹ nói giùm ba cho con đi du
học tiếp sau Đại học…”.
Không biết sao tối hôm nay Hà Anh lại có suy nghĩ nầy, một suy nghĩ
chưa bao giờ Hà Anh nghĩ tới bao giờ!.
Tự nhiên sau khi đề nghị xong dù mẹ chưa trả lời Hà Anh có cảm giác
bình yên lạ. Hà Anh sẽ… sẽ…
Phố cổ đêm nay tràn ngập không khí vui vẻ, náo nhiệt…
Cảnh từng đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài thanh thản đi bộ
tham quan phố cổ Hội An vào đêm thật an lành. Hai bên dãy nhà cổ sáng
lung linh ánh đàn lồng. Tối mai ngày rằm mới chính thức tắt tất cả đèn
điện để phố cổ chìm trong ánh sáng mờ ảo tuyệt đẹp của ngàn sao “đèn
lồng” nhưng đêm nay lác đác một số cửa hàng đã thực hiện rồi “Thắp đèn
lồng em thấy phố đẹp hơn nhiều!”. Một chủ hiệu ở phố đường chùa Cầu
nói như vậy.
Hai chị em Lê Lê và sau đó có cả Mon Mon nữa cùng rảo bước trên các
nẻo đường phố cổ.
Con đường hẹp mà quang đãng và nề nếp gọn gàng không chê chỗ nào được.
4.
Sáng nay vợ con kéo nhau đi về bên ngoại, nên khi đi công việc về nhà,
Hà Anh chỉ ăn qua quýt bữa trưa rồi vội chúi đầu vào phòng định ngủ
một giấc. Thế nhưng khi cặp mí mắt sắp nhắm lại thì bộ não lại nhớ câu
hỏi Sóng biển bắt đầu từ đâu?
Giải thích sao cho đúng. Nhớ hồi học môn triết học nói về tam đoạn
luận. Tam đoạn luận là suy luận gồm ba bộ phận: tiền đề lớn, tiền đề
nhỏ và kết luận. Ví dụ: Có khói là có lửa. Trên núi có khói. Trên núi
có lửa.
Theo đó bất kể sự việc gì đều phải có nguyên cớ, hệ quả. Cái bộ môn
buộc học trò tư duy đặt vấn đề, luận đề, giải quyết vấn đề sao logic
người đọc người nghe tâm phục khẩu phục. Nguyên tắc đầu tiên không hàm
hồ viết hoặc nói lấy được. Tất cả phải theo trình tự, căn cứ, chứng
minh chứ không chung chung qua loa lấy lệ. Bởi vậy khi có một vị sư
trù trì chùa… nói câu “Như là sóng mà không ở biển”. Rõ ràng không
phải tự nhiên muốn nói là nói.
Điều Hà Anh khó ngủ trưa như thường lệ chỉ một phần vì câu nói của sư,
một phần khác ở bài báo có kèm theo bức ảnh rõ mồn một tờ giấy viết
tay, cho biết một em học sinh lớp 10 viết lá đơn xin nghỉ học. Lý do
nghỉ học chưa bàn, điểm đáng lưu ý là mỗi lá đơn ngắn củn vậy mà có
đến hàng chục lỗi chính tả, có lỗi khá trầm trọng… : “Hôm lay, em
viết cái Đơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học
em quá đùa ngích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và
không thể vươn lên Được, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở
lêm em ngĩ em không xứng Đáng làm học sinh của chường…”. (nguyên văn
lá đơn).(3).
Phía dưới đơn có chữ ký của em học sinh và chữ ký xác nhận của phụ huynh.
Hà Anh nằm lơ mơ. Ban đầu Hà Anh nhân vật đồng thời cũng là tác giả
của truyện ngắn nầy có ý định chỉ mình anh độc thoại mà thôi nhưng
truyện cũng có nguyên tắc chứ chẳng lẽ muốn gì được nấy sao?.
Lại đem lý luận ra rồi. Hà Anh bảo tác giả:
“Ông cứ viết!. Tôi cứ độc thoại!. Những lời của tôi độc thoại và con
chữ của ông viết sắp xếp lại theo nguyên tắc là được cần gì?”.
Tác giả bảo:
“Nói như ông thì ai cũng là văn nghệ sĩ cả sao?.”.
“Thì ở đâu cũng gặp “nhà thơ”, ông không thấy à!”.
“Biết là thế! Nhưng tại…”.
Hà Anh cắt ngang câu trả lời của tác giả:
“Tôi nói ông đừng dùng mấy từ: Tại. Bởi. Tại vì. Bời vì… trong
truyện của ông.”.
Tác giả mấp máy môi định nói, Hà Anh tiếp lời:
“Ông mà viết những từ ấy truyện sẽ là bản trình hay báo cáo mất!. Ông
có quyền gì đi binh ai? binh điều gì?”.
Thấy Hà Anh hôm nay nói có tình có lý nên tác giả tiếp tục yên lặng,
sè sẹ rót chén nước chè xanh uống một hớp, bình thường cỡ chè xanh
nước đầu ngon, chát như thế nầy tác giả sẽ “chắp chắp miệng… rồi khà
khà” khen bà xã chọn mua chè xanh ở đâu mà đạt quá!”. Nhưng tác giả
nghĩ bụng bây giờ lên tiếng là phá đi hồi cao trào lý và giải… Chẳng
thà nói thẳng “tổ cha mi” mà Hà Anh không giận bằng!.
Lẽ ra tác giả nói cho Hà Anh rõ “Truyện ngắn là những tác phẩm tự sự
viết ngắn, không tham lam chứa hết sự kiện cuộc đời, thường là những
nhát cắt ngang của cuộc sống, ý tưởng, chợt nhận, bỗng tình cờ phát
hiện hoặc đã nghiền ngẫm kỹ, nhưng có khả năng làm người đọc “giật
mình” vì những chuyện vẫn thấy nhưng không chú ý, vẫn nghe mà đã vô
tình bỏ qua, bây giờ bỗng dưng nhà văn nói viết lại cho mình…”(6).
Nhưng lại thôi!.
Hà Anh lan man chuyện khác… Qua lá đơn của em học sinh, anh tự hỏi
“Tại sao một học sinh lớp 10 lại viết sai lỗi chính tả khủng khiếp đến
như thế?. Đọc một câu mười chữ thì có đến năm sáu chữ là sai lỗi chính
tả. Lời văn thì lủng củng, một câu có đến ba bốn chữ “và”… Những điều
đó lẽ ra không được phép sai, vì ngay khi học hết lớp 1 thì học sinh
đã phải đọc thông, viết thạo. Đúng là việc dạy và học còn quá nhiều
điều cần làm ngay.”.
Giật mình tỉnh dậy sau đâu gần ba mươi phút chợp mắt trong trạng thái
mơ mơ màng màng… Hà Anh vuột dậy xem đồng hồ mới mười ba giờ rưỡi
còn sớm, đi xuống căn bếp đến lavabo mở vòi nước rửa mặt mũi cho tỉnh
táo xong vào phòng khách định lấy laptop mở xem trang mạng… trước
khi đi làm buổi chiều. Bất chợt Hà Anh nhìn thấy tập những bức thư mở
đầu bằng @ của Miên Thanh và Hà Anh mail qua lại trong những năm đầu
xa cách, chắc là bà xã Hà Anh lấy ra xem quên để trở lại giá sách. Hà
Anh cầm tập email ngồi xuống ghế chăm chú đọc:
@.1
Bây giờ là gần trưa ở phố… còn bên nhà lại đang là buổi tối. Xa nhau
nữa vòng trái đất như thế nhưng em chưa lần nào nghĩ chúng mình xa
nhau đến thế!. Mấy đứa bạn nước sở tại bảo em đã ở thế kỷ hai mươi…
rồi mà còn quá nhạy cảm trước tình yêu, y hệt tâm trạng của thế hệ ông
nội của mấy đứa bạn khi chân ướt chân ráo di cư sang đây lập nghiệp.
Nghe nói khi ấy họ cũng để lại chốn cũ biết bao nhiêu tình yêu thiết
tha sâu lắng và trong số tình yêu đẹp ấy có người không vượt qua khiến
họ không hòa nhập được với nếp sống bản địa trở thành người luôn luôn
đi sau nhiều lĩnh vực. Nếu không muốn nói rõ là tuột hậu. Em thiệt thà
tâm sự nếu anh giận em cũng đành chịu.
Chỉ còn không lâu nữa em sẽ đi làm. Cách học ở đây khá lý thú, ban đầu
khó theo kịp nhưng dần dà thích nghi được mới thấy tại tư duy của mình
“cứng” quá, nhiều việc cần phải năng động hơn.
Hôm qua nhóm em đi “thực tế” mà làm hơn thiệt. Bác sĩ hướng dẫn sinh
viên yêu cầu trước mọi người bệnh người thầy thuốc phải công bằng.
Khám, kê toa, tư vấn hướng dẫn… vì căn bệnh người bệnh đang mắc phải
chứ không cần biết người bệnh đó là ai?. Làm gì?. Ở đâu?. Bác sĩ nói
thêm nếu các em thực hiện tinh thần ấy ngay ca chữa bệnh đâu tiên
trong cuộc đời bác sĩ, tương lai các em nhất định sẽ thăng tiến trở
thành người thầy thuốc giỏi có ích cho xã hội!.
Mail sau em sẽ kể kỹ hơn đề tài quan trọng nầy…
@. 2…., @. 3…., @.4…
@. 5
Tại sao ở bên nầy em cố gắng gìn giữ chữ Việt, tiếng Việt trong sáng
và đúng ngữ pháp thì có một số bạn trẻ hiện ở trong nước đang “làm
mới” chữ và tiếng mẹ đẻ của mình bằng nhiều cách viết và nói đơn giản
hoá từ và câu. Nếu em lỡ viết phát âm sai và lỗi còn được chứ các bạn
trong nước mà như vậy thì tương lai sẽ ra sao khi chính các bạn sẽ trở
thành người chủ của đất nước. Trong khoa học kỹ thuật tối kỵ làm giản
đơn sơ lược, trong ngôn ngữ học càng tối kỵ điều ấy. À em quên anh là
một kỹ sư tương lai, nên anh quá biết chuyện nầy rồi!.
Hôm trước nhận email của anh, em mới biết anh định đi du học ở… Em
ủng hộ anh cái khoản nầy nhưng cũng góp ý chân tình nghe!. Anh sang
đây để học hay mỗi chỉ để gặp em. Em nói thật lúc đầu em vui hết lớn
luôn… mấy ngày sau khi niềm vui lắng dịu em mới nghĩ đến câu hỏi như
vậy với anh.
Chắc anh bảo nhỏ Miên Thanh giờ “lớn” nhanh ghê!. Mà em cũng “lớn” lên
thật anh ạ!. Những gì hai đứa dành cho nhau ở lứa tuổi mới lớn ngày
nào là vô cùng tốt đẹp. Nhiều lúc em nghĩ mai sau có gia đình có con
cái, em sẽ kể cho con mà nhất là với con gái em nghe về những kỷ niệm
đẹp ấy.
Kỷ niệm không dễ có được nếu hai đứa mình không yêu nhau thật sự!.
Phải không anh?.
…
@… @… @…
Những trang email qua và lại được Hà Anh in đóng thành tập theo thứ tự
thời gian.
Và mới đó đã mươi lăm năm rồi.
Bác sĩ Mon Mon mà không phải gọi là bác sĩ Hoàng Yến mới đúng. Cái
nick – neam đáng yêu kia không bao giờ quên được nhưng phải để cho nó
hoàn thành nhiệm vụ của thời con gái đẹp như mơ… của Mon Mon!.
Hà Anh không giấu giếm một điều gì, cả tập email kia cũng đang là kỷ
vật “tài sản”chung của hai người ngoài một ngôi nhà, chiếc xe đúng
mode mà đặc biệt nhất “tài sản” vĩ đại hai đứa con của đôi uyên ương
Hà Anh – Hoàng Yến: Hà Trung và Hoàng Nhân, đứa học lớp ba đứa lớp
bảy. Con ngoan học giỏi còn gì bằng!.
Bài hát phổ nhạc từ bài thơ của Hà Anh được chính Hoàng Yến hát thu
vào đĩa được xem là kỷ niệm lớn nhất với Hoàng Yến. Chia sẻ nỗi buồn
ngày xưa với Hà Anh bằng cách mỗi lần hẹn hò gặp nhau Hoàng Yến đều
thì thầm hát cho Hà Anh nghe bài hát Hà Anh viết tặng người con gái
phương xa với tất cả chân tình.
Câu hát “Gởi chút xôn xao/ Tình theo gió/ Mong người xưa ấy nồng nàn
yêu!.” mang bao nỗi niềm của Hà Anh được Hoàng Oanh chắp thêm đôi cánh
chim bằng để rồi ngày mà Miên Thanh báo tin “Em phải yêu người… như
yêu anh mà thôi” cũng chính là ngày Hoàng Yến không kiềm được nỗi niềm
ấp ủ từ lâu, trái tim yêu thương lên tiếng hát “Em yêu anh! Hà Anh
yêu!”.
Kết.
Tình theo gió ơi ời!… ời ơi!…
Một mình giữa phố quạnh hiu
Gió vương gió
ngõ Giếng chiều vắng em
Qua Chùa Cầu ván gập ghềnh
Nhớ tà áo trắng bồng bềnh dáng xưa
Sông Hoài sóng nước đong đưa
Mênh mông câu hát
“chưa mưa thấm…” rồi
Tiếng chuông xa vọng góc trời
Tình xưa phố cũ
gọi lời rêu xanh.(4)
Bài thơ thứ hai Hà Anh viết trước khi thật sự chia tay với Miên Thanh
sau hơn ba năm dài sống trong dằn vặt, khắc khoải…
Cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với
nhau!. Câu chuyện tình nhẹ nhàng đằm thắm không có gút mắc gì ghê gớm
nhưng không phải không đau!. Chắc ai cũng cùng suy nghĩ trong tình yêu
càng chân tình, càng yêu thương, khi xa càng đau!. Hà Anh đau lắm!
Miên Thanh đau lắm!. Nhưng khi hoàn cảnh phải xa nhau thật rồi nỗi đau
kia phải cố gắng không tồn tại để sống đẹp với nhau chứ!.
Câu hát “Gởi chút xôn xao/ Tình theo gió/ Mong người xưa ấy nồng nàn
yêu!.”(5) mang một thông điệp… mãi yêu thương nhau phải không các
bạn đang yêu!.
Hòa Văn
—————-
-(1): Hội An và Em thơ Huy Uyên
-(2): Theo Nguyễn Văn Luận
-(3): Theo GDVN
-(4): Tình rêu Thơ Hòa Văn
-(5): Trích Hoài thương thơ Hòa Văn
-(6): Theo Nguyễn Hòa VCV.{jcomments on}
Cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với nhau!. Câu chuyện tình nhẹ nhàng đằm thắm không có gút mắc gì ghê gớm nhưng không phải không đau!. Chắc ai cũng cùng suy nghĩ trong tình yêu càng chân tình, càng yêu thương, khi xa càng đau!.
Được sống hết lòng với nhau là điều quý nhất trong đời. Các nhân vật trong truyện đã sống hết lòng với nhau vì thế họ đã có một cuộc sống êm ấm hạnh phúc mặc dù thỉnh thoảng mối tình thơ lấp ló ở đâu đó. Truyện thật hay và cảm động anh hòa Văn ơi.
Thanks TT – Truyện ngắn nầy HV định viết lâu rồi nhưng nói thật mỗi lần ngồi trước trang giấy (nay là màn hình vi tính) không biết sao cứ thấy “khó” viết! … Đến gần đây đọc bài thơ Hội An và em của tác Huy Uyên đăng trên trang Hương xưa nầy, HV viết nhanh y như sợ chậm sẽ lại không viết được vậy!. Cho HV gởi lời chia sẻ “nỗi niềm” của HU nghe và thanks nhiều!.
“Bây giờ là gần trưa ở phố… còn bên nhà lại đang là buổi tối. Xa nhau
nữa vòng trái đất như thế nhưng em chưa lần nào nghĩ chúng mình xa
nhau đến thế!. Mấy đứa bạn nước sở tại bảo em đã ở thế kỷ hai mươi…
rồi mà còn quá nhạy cảm trước tình yêu, y hệt tâm trạng của thế hệ ông
nội của mấy đứa bạn khi chân ướt chân ráo di cư sang đây lập nghiệp.
Nghe nói khi ấy họ cũng để lại chốn cũ biết bao nhiêu tình yêu thiết
tha sâu lắng và trong số tình yêu đẹp ấy có người không vượt qua khiến
họ không hòa nhập được với nếp sống bản địa trở thành người luôn luôn
đi sau nhiều lĩnh vực. Nếu không muốn nói rõ là tuột hậu. Em thiệt thà
tâm sự nếu anh giận em cũng đành chịu.”. Lời của Miên Thanh.
Sự bản lĩnh trong mọi công việc kể cả trong tình yêu là hết sức quý ở tuổi trẻ thời @!. Khổ luỵ ư?, được gì? Chi bằng cả hai nhận rõ “sự thật” và mãi giữ với nhau tình yêu đẹp, quá đẹp!
Đáng ra truyện còn một số chi tiết “hậu tình yêu” thú vị và như thường nói là “có hậu” nhưng HV dừng lại. Tình theo gió…
À xin tác giả Huy Uyên cho HV viết câu thơ thay vì “ba bảy năm..” thành “Thời gian… Thời gian… khuất chìm trôi nổi”.
Thanks!
Tình xa ai nào ngờ …
Thanks Phượng!.
Lời vắn tình dài!
Nhân vật nữ trong truyên rất tuyệt vời, ít co.
HV không cố ý tô son cho nhân vật nữ mà sao dậy hổng biết?.
KT rất tinh ý đó!. Chúc vui!
Trời sao Hà Anh tốt số quá.
Bởi có tình…
Phải không BL?
Chúc vui!
Cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với nhau!. Câu chuyện tình nhẹ nhàng đằm thắm không có gút mắc gì ghê gớm nhưng không phải không đau!. Chắc ai cũng cùng suy nghĩ trong tình yêu càng chân tình, càng yêu thương, khi xa càng đau!. Hà Anh đau lắm! Miên Thanh đau lắm!. Nhưng khi hoàn cảnh phải xa nhau thật rồi nỗi đau kia phải cố gắng không tồn tại để sống đẹp với nhau chứ!.
Câu hát “Gởi chút xôn xao/ Tình theo gió/ Mong người xưa ấy nồng nàn yêu!.”(5) mang một thông điệp… mãi yêu thương nhau phải không các bạn đang yêu!.
QT thích đoạn kết của câu chuyện rất có hậu! Nỗi đau theo thời gian rồi cũng phôi pha…
Thanks QT nhiều!
Đây cũng là điều HV thích nên viết để chia sẻ…
Chúc vui!
“Cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với nhau!”
Một câu nói hay quá. Một chuyện tình rất đẹp .Cám ơn anh Hòa Văn .
Ý chị cũng giống như nguyentiet dzậy! “cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với nhau !” Một chuyện tình thật đẹp & rất hay! TKL rất thích ! Cám ơn Hòa Văn nhé!
HV thanks nguyentiet và Tran Kim Loan nhiều!.
“cuộc đời không có gì đáng lo sợ nếu mỗi người đều sống hết lòng với nhau !”.
Thanks!
Nhưng khi hoàn cảnh phải xa nhau thật rồi nỗi đau
kia phải cố gắng không tồn tại để sống đẹp với nhau chứ!.
Câu chuyện hay thật ý nghĩa đó anh Hòa Vân.
Thanks KM!
Đây là truyện mới nhất viết sau khi đọc bài thơ của tác giả Huy Uyên Hội An và em đăng trang HX. Ý tưởng thì lâu rồi nay mới viết.
Chúc vui!.
Mới đầu đọc thấy như mớ bòng bong dần dần trải nghiệm thì ra là chuyện tình khá hay .
Thanks!
Tình đành gởi gió cho mây ngàn bay.
Thank! lời bình KT.
Vẫn buồn vui khi đọc truyện ngắnTình theo gió.TKS các bạn HX!