Đến chùa Viên Giác lần đầu

 

(Chùa Viên Giác, hình chụp trong thập niên 1940)

Tôi lại ra đi. Chiếc xe hiệu Renault màu xanh đậm đưa tôi rời Đà Nẵng.
Chỉ mấy tháng nhưng Đà Nẵng đã để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ
niệm, từ trại cây Thạc Giáng đến bờ cát Cỗ Mân. Không ai biết và sẽ
không bao giờ ai biết, trên những đồi cát trắng dọc bờ biển Sơn Chà,
mỗi chiều tôi âm thầm ra đứng nhìn về phía biển để chờ đợi một tin
vui.

 

Tin vui đó đã không bao giờ đến. Cha tôi không trở lại. Tôi nhớ rất rõ
chiếc áo sờn vai tôi mặc, chiếc chiếu rách, chiếc giường tre nơi tôi
ngủ. Trên cồn cát trắng kia, hơn ba mươi năm sau, vẫn còn in dấu chân
tôi như đã hằn sâu trong ký ức một đời người.

Tuyến đường Đà Nẵng-Hội An tuy ngắn nhưng với tôi là một chuyến đi xa.
Ngồi trên xe tôi lo âu suy nghĩ, nếu thầy không cho tôi ở lại, rồi tôi
sẽ đi đâu? Ngoài trại gỗ trong hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, tôi không
còn một nơi nào khác để trở về. Tôi nhớ đến những đứa bé tôi gặp ở chợ
Vườn Hoa, chợ Cồn, rạp hát Trưng Vương, giờ này chúng đang sắp hàng
nhận kem để bán, đang đánh giày, đang đi nhặt bao ny-lông ở Hòa Cầm
hay đang móc túi một người lính Mỹ nào đó.

Tôi nhớ cô tôi, chỗ dựa tinh thần duy nhất tôi có trong cuộc đời này.
Buổi sáng trước khi chia tay, cô dúi vào tay tôi những đồng bạc được
cô gói kỹ trong chiếc khăn tay, để tôi làm lộ phí và lo chuyện học
hành. Tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng với một người sống nhờ vào con,
đó là cả gia tài của cô dành dụm từ nhiều năm. Làm sao cô biết được,
ba mươi năm sau, những đồng bạc cô chắt chiu kia đã biến thành những
hạt ngọc và rực sáng trong tâm hồn tôi tình thương dành cho những
người cùng số phận.

Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con
thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm
căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng. Hôm tôi đi, cô nói cười nhiều
nhưng tôi biết chỉ để tôi khỏi buồn. Cô tránh nh́n lâu vào mắt tôi v́
sợ đứa cháu trai 13 tuổi của cô sẽ khóc. Cô không khóc và tôi cũng
thế. Tôi tập không khóc trước mặt ai. Tôi cắn răng mỗi khi có người bà
con ghé đến thăm, vuốt tóc tôi và buông đôi ba lời thương xót, tội
nghiệp, rồi bỏ đi. Tôi tập cười vui và xem thường nghịch cảnh. Chỉ vỏn
vẹn 4 tháng trôi qua nhưng tôi đã khá quen với đói khát, rẻ khinh
trong cuộc sống mỗi ngày.

Khác với những lần trước tôi đến đây trong những ngày đại lễ ồn ào
đông đúc, hôm ấy chùa vắng lặng. Thầy Thích Long Trí ngạc nhiên khi
thấy tôi bước vào chùa một mình chứ không phải với cha tôi hay các
huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như cách tôi thường đến trước đây. Tôi
chắp tay bạch với thầy những gì đã xảy ra cho tôi từ Tết Mậu Thân và
xin phép thầy ở lại. Thầy Long Trí gật đầu không một chút do dự và nói
vắn tắt :”Con ở lại đây ăn học”. Nói xong thầy đi công việc. Tôi thở
phào nhẹ nhỏm, thật không ngờ điều tôi lo lắng nhất lại được thầy chấp
nhận một cách dễ dàng như thế.

Các chú điệu chỉ cho tôi một chiếc phản bằng gỗ nhỏ có rất nhiều rệp,
một chiếc chiếu nặng mùi mồ hôi của những người khách từng ghé trọ qua
đêm trong chùa, một chiếc mền mỏng và chiếc mùng. Tất cả đều rất cũ.
Trong chùa lúc đó đã có một số học sinh trọ học. Hai nam một nữ, anh
Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức. Sau này có thêm Hoàng và Nhiêu, một người
nhỏ hơn tôi mà tôi rất thương và đã chết khi đạp phải mìn trên đường
về thăm mẹ. Tôi ở chung phòng phía dãy nhà Đông với hai chú điệu và
anh Sáu. Phòng khá rộng, mỗi người nằm một góc. Ngoài tôi, ai cũng
quen với đời sống trong chùa. Tới giờ họ tự động làm công việc của
mình, kẻ đánh chuông, người quét lá, kẻ nấu ăn, người gánh nước.

Anh Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức đều lớn tuổi hơn và học trên tôi vài
lớp. Chúng tôi làm quen nhau khá dễ dàng, trao đổi nhau chuyện học
hành, đời sống trong chùa. Các anh chị học ở các trường trung học
trong thành phố. Tôi chưa biết sẽ học trường nào và làm sao có thể vào
học được. Không giống tôi, cha mẹ họ đều còn sống. Họ ở Viên Giác để
đi học, cuối tuần có khi trở về nhà riêng với người thân của họ. Tôi
không có nơi về. Tôi sẽ ở đây với chùa Viên Giác, ngủ trên tấm phản
bằng gỗ chiều ngang không hơn một mét và đắp bằng tấm mền vừa được tôi
giặt cho bớt mùi hôi. Đêm đầu tiên ngủ trên phản gỗ, vừa lạ chỗ, vừa
không quen, tôi không ngủ được, nằm nghe tiếng lá đa xào xạc, một cảm
giác hoang vu, xa lạ nhưng cũng rất ấm cúng, gần gũi, thanh bình mà
tôi chưa bao giờ được nghe trước đó.

Nhìn bóng đêm hun hút bên kia cỗng tam quan tôi tự hỏi rồi mình sẽ đi
đâu nữa. Cha tôi không dặn dò gì khác. Từ nay về sau, chọn lựa một
hướng đi cho đời mình là trách nhiệm của tôi. Dù chưa biết đời mình sẽ
ra sao nhưng có một điều tôi biết, Viên Giác chỉ là một sân ga trong
nhiều sân ga của chuyến tàu đời. Ngày mai, ngày mốt, một năm hay mười
năm nữa, rồi tôi lại sẽ ra đi. Thật vậy, cuộc đời tôi cho đến hôm nay
là chuỗi dài của những điều kỳ lạ không thể nào giải thích được. Từ
quan điểm của đạo Phật tôi không nghĩ những điều đó là bí ẩn thần linh
hay xa xôi huyền bí gì nhưng chỉ là những nhân duyên do nhiều nguồn
kết tụ. Mầm sống trong tôi, ước mơ sâu thẳm của cha tôi, bàn tay nhân
ái của nhiều người, những chông gai thử thách của thế gian, tất cả,
qua nhiều năm tháng đã làm nở rộ trong tôi những cánh hoa đời có tất
cả những hương vị ngọt bùi và cay đắng.

Ngày đó chùa Viên Giác rất đẹp, yên tĩnh và rộng rãi. Phía trước chùa
là hai hồ nước, trong sân là một hồ sen. Chùa trồng nhiều hoa hai bên
lối vào. Thầy trụ trì đã nhờ đồng bào Phật tử lấp đất để trồng rau.
Con đường lát đá vào chùa có hai hàng dừa rất dễ thương. Điểm nổi bật
của chùa Viên Giác là hai cây đa trên trăm tuổi mà bóng dáng đã để lại
trong tâm tưởng tôi những dấu ấn chẳng bao giờ phai nhạt. Không giống
những ngôi chùa Phật Giáo khác ở Hội An, chùa Viên Giác, ngoài chánh
điện mang đậm nét xa xưa, cổ kính,  còn có hai dãy nhà Đông, nhà Tây
vừa được mới xây với kiến trúc hiện đại. Hai bên cổng tam quan là hai
cây đa lớn, có thể hàng trăm tuổi, che mát cả một sân chùa rộng.

Tôi biết đến chùa Viên Giác lần đầu tiên năm lên mười tuổi nhân dịp
khánh thành trụ sở Thanh Niên và Gia Đình Phật Tử Quảng Nam vào tháng
2 năm 1967. Một trong những chi tiết hấp dẫn nhất của lễ khánh thành
năm đó là chương trình văn nghệ được dàn dựng quy mô do Gia Đình Phật
Tử tỉnh Quảng Nam phụ trách. Ban văn nghệ Gia Đình Phật Tử tỉnh quy tụ
tinh hoa văn nghệ của hàng trăm gia đình Phật Tử khắp tỉnh nên tiết
mục nào cũng hết sức công phu và xuất sắc.

Gia Đình Phật Tử Quận Duy Xuyên chúng tôi chịu trách nhiệm nhiều tiết
mục chính của đêm văn nghệ trong đó có vở ca kịch Máu Nhuộm Thiền Môn
được các thầy, các cấp trưởng bàn tán, đồn đãi rất nhiều ngay cả khi
chưa trình diễn. Cái tựa nghe rất là cải lương mà sau này mỗi khi nhắc
lại chúng tôi không thể nhịn cười nhưng thời đó là niềm kiêu hãnh
không phải chỉ của riêng tôi, của Gia đình Phật Tử Quận Duy Xuyên
chúng tôi mà cả của thầy Long Trí nữa như thầy đã nhắc lại trong hồi
ký của thầy. Hành trình tôi đi trong suốt mấy mươi năm dường như đều
có ánh trăng soi nhưng đêm trăng tròn đầy kỷ niệm đó mới là điểm mở
đầu cho một nhân duyên kỳ diệu của tôi và chùa Viên Giác.

Tôi nhớ rất rõ từng chi tiết của đêm văn nghệ mừng lễ khánh thành trụ
sở thanh niên được tổ chức rất quy mô với trọng điểm là vở kịch Máu
Nhuộm Thiền Môn do ban văn nghệ Gia Đình Phật Tử Duy Xuyên chúng tôi
đảm trách. Tác giả vở ca kịch là Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nhiều, tức
nghệ sĩ Thanh Châu. Anh Nhiều là một nghệ sĩ tài ba trong nhiều lãnh
vực. Không giống như dân nhà quê chúng tôi, Huynh Trưởng Nguyễn Đình
Nhiều vốn là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau khi cưới người chị bà con của
tôi anh Nhiều dừng bước giang hồ để sống với vợ con. Anh hát được rất
nhiều thể lọai và cũng là tác giả của nhiều ca kịch bản. Anh viết ca
kịch bản vừa có tân nhạc vừa pha thêm nhiều màn vọng cổ để thích hợp
với sở thích của đồng bào miền quê. Có một dạo anh còn là kép chính
trong đoàn hát bội lớn đi lưu diễn nhiều nơi.  Đoàn văn nghệ Gia Đình
Phật Tử Quận Duy Xuyên diễn ở các xã nhiều lần nhưng đây là lần đầu
tiên trình diễn ở tỉnh nên ai cũng vừa hãnh diện và vừa hồi hộp. Người
lo âu hồi hộp nhất dĩ nhiên là đạo diễn kiêm sọan giả Nguyễn Đình
Nhiều. Anh đến sớm trước mấy ngày để kiểm tra sân khấu, phông màn, âm
thanh, ánh sáng. Sân khấu đúng tiêu chuẩn của một đoàn cải lương, được
dựng phía bên trái chùa, ngay dưới tàn cây đa lớn.

Tôi không cùng đi với đoàn mà đi riêng với cha tôi. Cha tôi dắt tôi đi
thăm thành phố Hội An, thăm các chùa trong phố, ăn cao lầu ở quán cách
chùa Viên Giác không xa. Đó là chuyến đi chơi chung xa duy nhất của
hai cha con tôi trong kiếp này. Sau này, mỗi khi đi ngang qua quán ăn
mà cha con tôi cùng ăn tôi thường dừng lại một chút để hoài niệm một
hạnh phúc mong manh và cũng rất thiêng liêng mà tôi còn giữ được. Dòng
sông chảy về đâu, nghìn trùng không ai hay biết nhưng dưới đáy sông
sâu những cụm phù sa vẫn chất đầy thương nhớ.

Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, chiến tranh đã lan dần đến các
quận. Quê hương tôi không còn những ngày tháng thanh bình như trước
nữa. Những trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra. Tiếng súng đêm đêm đã vọng về
từ bên phía kia sông Thu Bồn. Những chiếc ghe chở lụa không còn khua
nước nhịp nhàng trong đêm trăng. Trong làng đã có vài thanh niên chết
trận. Màu hỏa châu soi bói và đe dọa đã thay thế cho ánh trăng vàng
thân thương quen thuộc. Chiến tranh cũng đã hạn chế rất nhiều sinh
hoạt trong Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Không còn những đêm trăng sáng
quây quần bên lửa hồng. Không còn những buổi đóng trại ở lại suốt hai
ba ngày đêm.

Tôi trở lại Viên Giác lần này không phải là một diễn viên nhỏ của đoàn
văn nghệ Gia Đình Phật Tử mà ai cũng cưng chìu nhưng là đứa bé mồ côi
cha mẹ. Khoảng đất làm sân khấu vẫn còn đó, trụ sở Thanh Niên Phật Tử
vẫn còn rất mới mà tưởng chừng như đã thuộc vào một quá khứ xa xăm.
Tôi trở lại lần này không giống như những lần trước nữa. Con chim oanh
vũ nhỏ nhoi ngày xưa đã ngưng hót. Hôm đó, tôi chỉ là một con chim non
tránh bão đang đi tìm một nơi nương tựa, chẳng tha thiết ǵ đến chuyện
văn nghệ, hát hò và cũng chẳng còn ai để ý đến tôi.

Những người thân thiết nhất của đời tôi, cha tôi, các anh chị trưởng,
mới đó, đã biến mất trong khoảng không gian hiện hữu của tôi trong
ngày trở lại chùa Viên Giác. Tôi cảm thấy xa lạ ngay với cả chính
mình. Thầy Long Trí cũng ít khi nhắc lại vở kịch Máu Nhuộm Thiền Môn,
từng là niềm vui lớn của thầy chưa đầy hai năm trước.

Hôm sau, các anh Hùng và Sáu dặn tôi xuống nhà trù (nhà bếp) chào bà
Chín, một bà cụ khoảng gần 60 tuổi, có một phòng ngủ riêng phía bên
trong nhà bếp. Bà rất nghiêm trang, ít nói. Bà Chín là người quản trị
gần như tất cả sinh hoạt trong chùa, từ chuyện tiền bạc, bếp núc, ăn
uống, làm tương chao, trồng rau cải quanh chùa. Nói chung đời sống
kinh tế của chùa Viên Giác đều do một tay bà đảm trách. Từ thầy Trụ
Trì cho đến các thầy, các chú điệu đều nể trọng bà. Tôi tính chào bà
xong sẽ đi ra phố nên đội chiếc mũ vải  của người anh họ cho tôi
trước ngày tôi rời Đà Nẵng, để che nắng.
Chiếc mũ hơi lớn và không tỉ lệ với khuôn mặt của đứa bé 13
tuổi, nên làm cho tôi mang dáng dấp bụi đời.

Khi chào bà Chín tôi quên lấy mũ xuống nên bà ta nhìn tôi khó chịu. Bà
không nói gì nhưng khi tôi bước ra, nghe tiếng bà vọng lại “Thầy dắt ở
đâu một thằng du đãng về”. Tôi nghe rất rõ câu nói đó. Bà vô tình đã
nhỏ một giọt muối mặn vào vết thương trong lòng tôi và làm tôi đau
đớn. Tôi cắn răng để khỏi quay trở lại hỏi bà tại sao bà mắng tôi như
thế. Từ đó tôi không xuống bếp nữa. Khi bữa ăn đến nếu còn chỗ trống
tôi ngồi, hết chỗ trống tôi nhịn đói nhưng không xuống bếp lấy thêm
chén đũa hay để tìm đồ ăn như các anh chị khác.

Thầy trụ trì rất bận. Tôi không buồn gì thầy tôi vì ngài đảm nhiệm một
lúc quá nhiều trọng trách trong giáo hội nên rất ít khi ở chùa vào ban
ngày. Phòng riêng của thầy bên dãy nhà tây, rất ít khi mở cửa. Có khi
tôi chỉ gặp thầy một lần vào buổi sáng, cúi đầu chào trước khi thầy ra
xe đi các quận. Từ hôm gặp thầy lần đầu, tôi chưa hề được thầy hỏi han
gì  về chuyện học hành ăn ở của tôi.

Trước mặt chùa ngày đó là vùng đất rộng, bà Chín cho trồng nhiều loại
rau hai bên đường vào chùa. Mỗi sáng các chú gánh nước tưới rau và
buổi chiều nhóm học sinh phải ra nhổ cỏ, tỉa các nhánh bị sâu ăn hay
cắt rau cho ngày mai đem ra chợ bán. Dĩ nhiên, các anh Hùng, anh Sáu
đi làm vườn tôi cũng phải đi theo.

Tôi không biết làm vườn, chỉ biết ngó các anh chị làm để làm theo một
cách chậm chạp. Bà Chín nhìn tôi nhíu mày, hẳn bà nghĩ là tôi lười
biếng. Bà thì thầm với những người chung quanh về tôi. Tôi không nghe
được bà nói gì nhưng đoán là những lời không tốt.  Bà Chín là người có
công nhất, trung thành tuyệt đối với thầy và tận tụy đối với chùa Viên
Giác, tiếc thay ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên bà không có một chút
thiện cảm nào dành cho tôi, đơn giản chỉ vì chiếc mũ. Dù ở tuổi 13,
tôi cũng đủ tự ái để có thể dửng dưng trước sự khó chịu của bà. Tôi
không quan tâm đến những điều bà nghĩ về tôi vì tôi biết bà không cản
được bước tôi đi, mối quan tâm duy nhất của tôi là không biết học
trường nào. Tôi tự nhủ với mình, tôi vào Viên Giác là để đi học chứ
không phải chỉ để nhổ cỏ, bắt sâu. Nếu vào đây để làm như thế thì thà
tôi đi đánh giày, bán cà-rem cây ở Đà Nẵng vui hơn.

Vài hôm sau, khi nghe trường trung học đệ nhất cấp Duy Xuyên, nơi tôi
học lớp bảy trước đây, vừa dời xuống Vĩnh Điện, dạy nhờ ở trường trung
học Nguyễn Duy Hiệu, tôi quyết định rời chùa Viên Giác.

Sáng hôm sau, khi thầy trụ trì vừa thức dậy tôi bạch với thầy tôi cần
lên Vĩnh Điện học nên phải ra đi. Vĩnh Điện cách Hội An khoảng hơn
mười lăm cây số nhưng với điều kiện giao thông thời đó không thể sáng
đi chiều về. Thầy gật đầu. Thầy gật đầu khi tôi từ biệt ra đi cũng
giống như thầy gật đầu khi tôi đến, bình thản và không thắc mắc tôi sẽ
lấy gì để sống. Tôi như chiếc lá đang rơi ngoài sân chùa kia, chẳng là
gì trong suy nghĩ của thầy hay của một ai ở chùa Viên Giác. Người lo
lắng cho tôi trên đời này chính là tôi chứ không phải ai khác.

Chỉ trong vòng 4 tháng, tôi đã đi ba chuyến đi quan trọng, rời quê
hương, rời Đà Nẵng, và rời Viên Giác. Nhưng tôi phải đi để tìm cách
tiếp tục con đường học vấn. Khi bước ra khỏi cổng tam quan chùa Viên
Giác tôi thầm nói với chính mình, ngày nào bà Chín còn sống tôi không
trở lại ngôi chùa này nữa.{jcomments on}

 

0 thoughts on “Đến chùa Viên Giác lần đầu

  1. WHWH

    Hay như được xem lại một khúc phim ngày cũ:

    “Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, chiến tranh đã lan dần đến các quận. Quê hương tôi không còn những ngày tháng thanh bình như trước nữa. Những trận đánh lẻ tẻ đã diễn ra. Tiếng súng đêm đêm đã vọng về từ bên phía kia sông Thu Bồn. Những chiếc ghe chở lụa không còn khua nước nhịp nhàng trong đêm trăng. Trong làng đã có vài thanh niên chết trận. Màu hỏa châu soi bói và đe dọa đã thay thế cho ánh trăng vàng thân thương quen thuộc.
    ————
    Tự truyện về cuộc đời mình anh TTĐ viết chân thành, rất lôi cuốn người đọc. Như hồi trẻ tôi đọc Vô Gia Đình của Hector Marlot. Mong được coi tiếp. Cám ơn anh. 🙂

    Reply
  2. Dạ Lan

    Tôi tự nhủ với mình, tôi vào Viên Giác là để đi học chứ
    không phải chỉ để nhổ cỏ, bắt sâu. Nếu vào đây để làm như thế thì thà tôi đi đánh giày, bán cà-rem cây ở Đà Nẵng vui hơn.
    Ý chí hiếu học của cậu bé 13 tuổi thật dáng khâm phục

    Reply
  3. Thu Thủy

    Làm sao cô biết được, ba mươi năm sau, những đồng bạc cô chắt chiu kia đã biến thành những hạt ngọc và rực sáng trong tâm hồn tôi tình thương dành cho những người cùng số phận.

    Lòng nhân hậu, tình thương người cứ lan truyền, tiếp nối trong đời sống. Thật đáng quý biết bao.

    Reply
  4. Đặng Danh

    “Người lo lắng cho tôi trên đời này chính là tôi chứ không phải ai khác”
    Những người trưởng thành sớm cuộc sống về sau sẽ ổn định.

    Reply
  5. TSN.Ngọc Diệp

    Anh TTĐ thật tài hoa, viết văn thật giản dị nhưng lôi cuốn, xoáy vào lòng người đọc. Một quãng đời thật cảm động. Cám ơn anh đã chia sẻ.

    Reply
  6. Giáng Hương

    Những lời tự sự quá hay .Một nghị lực phi thường đã thể hiện nơi cậu bé 13 tuổi.

    Reply
  7. Huynh N Tín

    ” Không ai biết và sẽ không bao giờ ai biết, trên những đồi cát trắng dọc bờ biển Sơn Chà,mỗi chiều tôi âm thầm ra đứng nhìn về phía biển để chờ đợi một tinvui.
    Tin vui đó đã không bao giờ đến. Cha tôi không trở lại. Tôi nhớ rất rõ chiếc áo sờn vai tôi mặc, chiếc chiếu rách, chiếc giường tre nơi tôi ngủ. Trên cồn cát trắng kia, hơn ba mươi năm sau, vẫn còn in dấu chântôi như đã hằn sâu trong ký ức một đời người.”

    Tự truyện anh viết rất hay, rất cảm động.Ôi! cũng một kiếp người sao mà gian lao quá!Một đứa bé mồ côi giữa chợ đời phải tự mình sinh sống, học hành và vươn lên trong cuộc sống.Tuổi thơ anh thương quá anh ơi!

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.