Chuyện “Cắp Đôi” Ở Lớp Đệ Lục A2.

Con Nếp đi học lại khi vết thương đã khép miệng và bắt đầu
làm da non. Mọi thứ diễn ra ở đêm thi văn nghệ trôi chảy, với
nó có thể nói là thành công mỹ mãn vì hoạt cảnh Tía Em Má
Em của lớp đoạt giải nhất, mà nó là “diễn viên” chánh. Chỉ
có một chút xui rủi là thằng Sửu, người đóng vai “tía em”
đã lỡ cuốc trúng chân nó trong đoạn “chồng cuốc đất vợ gieo
mạ” khiến chân nó bị sưng phải nghĩ học hơn một tuần. Nhưng
xui nhất là khi mẹ nó trong cơn tức giận đã chạy qua nhà
thằng Sửu “mắng vốn” làm cả xóm bu lại coi rồi bàn tán ủm
tỏi, dị òm.

Sáng thứ hai con Nếp vừa xuất hiện dưới tán cây phượng
trước cửa lớp, cả đám ùa tới. Con Nếp trả lời những câu
hỏi của bạn bè tuy mệt nhưng vui quá chừng quá đỗi vì từ
hồi nào đến giờ có ai thèm quan tâm đến nó đâu. Nó biết thân
biết phận của mình lắm chứ. Đã lùn, đã xấu lại còn học
dốt nên bị coi thường và không ai muốn chơi thân cũng là lẽ
tự nhiên. Nhưng từ nay trở đi mọi thứ sẽ thay đổi ……nó mỉm
cười. Bỗng mấy đứa con trai nhao nhao:
-Thằng Sửu kìa. Ê, Sửu…Lại đây…lại đây.
Thằng Sửu bước tới. Nó nhìn con Nếp từ đầu tới chân:
– Đỡ đau chưa? Còn đi cà nhắc không?
Mai Lan khều khều con Nếp:
-Tía hỏi thăm má kìa.
Mấy đứa con gái cười sặc sụa, có đứa còn dựa vô đứa đứng
bên cạnh làm như thể sắp té nhào xuống đất. Con Nếp cảm
giác như có con gì đó bò dọc theo xương sống tuy không rát,
không đau nhưng nhồn nhột khiến người ta muốn rùng mình. Tiếng
trống trường vang lên, cả đám  tản ra rồi tự động xếp riêng
con trai một hàng, con gái một hàng, thấp đứng trước cao đứng
sau. Bên hàng nữ con Nếp luôn đứng đầu (lùn) còn bên hàng nam
là thằng Phu, còi cọc bé choắt nên có biệt danh là “đẹt”.
Thứ hai đầu tuần nào cũng sắp hàng chào cờ như vậy nhưng sao
bữa nay đứa nào cũng tủm tỉm cười, khèo khèo ngắt déo nhau
làm đội hình có chút xáo trộn, khi mắt thầy giám thị chiếu
tới hai hàng mới trở nên thẳng thớm. Hồi trống vừa dứt và
sau ba tiếng “thùng… thùng… thùng” sân trường bỗng trở nên im
phăng phắc. Học sinh nghiêm! Chào cờ, chào!  Bài quốc ca vang
lên. Hàng trăm trái tim hồng tươi đang phập phồng trong lồng
ngực.
Trong giờ học con Nếp cố gắng ngồi im. Hôm nay học Sử nhưng ai
lên làm vua rồi ai đem quân đi đánh giặc nó không thể nhớ
được. Đầu óc hoang mang, nó ngồi im nhưng những gì đang diễn
ra trong đầu nó không chịu im. Nó biết chuyện “cắp đôi” là
chuyện thường có trong mỗi lớp nhưng đây là lần đầu tiên nó
bị mà lại bị “cắp” với thằng Sửu mới chết chớ. Hai nhà
gần nhau, mẹ nó lại không ưa thằng Sửu nên nó sợ nếu tới tai
bà thì không yên đâu. Bữa thằng Sửu lỡ cuốc trúng chân nó
trong đêm thi văn nghệ mẹ nó đã chẳng qua nhà làm rùm beng đó
sao, không khéo rồi lại làm mất lòng hàng xóm láng giềng
thì nguy to. Nó nghĩ mấy đứa cũng ác thiệt, trong lớp thiếu
cha gì con trai sao lại lựa thằng Sửu mà cắp đôi với nó. Thôi
rồi, ai biểu nó làm “má” thằng Sửu làm “tía” chi cho sinh
chuyện. Nó nhắm mắt lắc đầu cố xua hình ảnh “tía em hừng
đông đi cày bừa” nhưng không được. Cái điệu bộ quê mùa chất
phát cùng cây cuốc của anh nông dân cứ khi mờ khi tỏ trong đầu
nó. Con Nếp bỗng giựt mình vội mở to hai mắt, thầy đang chỉ
tay về phía nó:
-Em kia, vua cha gả công chúa Huyền Trân cho ai?
Con Nếp nhìn quanh như thể “em kia” không phải là mình. Thầy
nhìn thẳng vào nó:
– Cho vua nào?
Không thể trốn được, nó đáp bừa khi nhớ mang máng trong lịch
sử cũng có một vị vua cha đã gả công chúa cho …cho…thưa thầy
cho vua Quang Trung ạ.
Là tiết học cuối nên thầy trò đều có vẻ uể ỏi nhưng không
khí bỗng sôi động hẳn lên sau câu trả lời của con Nếp. Cười
tỉnh cả người.
-Em về học bài và khi đã biết công chúa Huyền Trân kết hôn
với vua nào thì chép ra một trăm lần, giờ Sử tuần sau nộp
cho thầy.
Hình ảnh anh nông dân biến mất nhường chỗ cho một hình tượng
sang trọng và đầy quyền uy của triều đình. Nhưng ông vua nào
đã cưới được Huyền Trân công chúa thì nó vẫn chưa nhớ ra.
Rắc rối quá! Mà thôi, cứ bị chép phạt một trăm lần thì sẽ
nhớ tới già.

Những ngày đi học kế tiếp con Nếp có ý tránh mặt thằng
Sửu. Khi thấy thằng Sửu cầm tập vở ra khỏi nhà một chặp nó
mới bắt đầu ôm cặp lên, mẹ nó mà thấy đi chung là chết. Sau
cái bữa “mắng vốn” hình ảnh thằng Sửu đã bị mẹ nó ghim vô
đầu giống như ở đồn cảnh sát người ta ghim tập hồ sơ của tên
tội phạm trong sổ bìa đen vậy. Bà cấm con gái không được giao
du với cái thứ….cái thứ gì thì bà không biết nhưng bà không
ưa nó. Bà không ưa thì con gái bà không được kết bạn. Học
chung thì đành chịu vì xếp lớp là do nhà trường còn chơi
chung thì là do bà. Con gái của bà mà! Ở nhà nó thuộc về
bà, ai có quyền gì mà nói!!!
Sáng thứ ba không chào cờ, học sinh chỉ sắp hàng rồi vô lớp
thôi. Chưa kịp về chỗ cả lớp đã cười ầm, đám con trai đứa
thì nhảy cà tưng đứa thì chỉ tay lên bảng. Thì ra có ai đó
đã viết:

Con cò trắng bạch như vôi,
Chàng Sửu nàng Nếp xứng đôi vợ chồng.
Chàng Sửu đi bán cháo lòng…
Nàng Nếp ở nhà nấu nồi cơm khê,
Chàng Sửu đi bán về đã mệt mà còn
phải ăn cơm khê….giận quá,
…đạp nàng Nếp nê nê cào cào.
Mẹ nàng Nếp đứng bên hàng rào,
bớ Sửu …tại sao mày đánh con tao?
Chàng rể Sửu đáp: hồi trước con mợ
còn bây giờ là…vợ tui.
Hu…hu…

Tay chân lạnh ngắt, con Nếp bậm môi lén nhìn để xem phản ứng
của thằng Sửu nhưng không thấy động tịnh gì. Đồ cái thứ vô
tâm, đồ cái thứ mặt lạnh như tiền, con Nếp tức tối lên án
thằng Sửu nhưng chỉ nghĩ thầm chứ không dám nói ra. Ngu gì
lên tiếng để cho tụi nó có cớ suy diễn tùm lum, nào là “vậy
là đã tự nhận mình nấu cơm khê rồi đó nghen” nào là “má
đang cằn nhằn, trách móc tía kia kìa” thôi thì đủ thứ….mệt
lắm. Ai không biết cái lớp “quái quỷ” này chứ mình thì đã
rành “sáu câu vọng cổ” từ khuya. Con Nếp giận dỗi quay lưng
định bỏ ra ngoài, bỗng có tiếng thằng Vũ la lớn:
-Thầy tới, thầy tới…
Thằng Danh chụp cái khăn lau bảng chùi lia chùi lịa, ai nấy
chạy về chỗ ngồi của mình. Thầy “hóa” bước vào. Sáng nay
thầy giảng về những phản ứng hóa học nhưng hình như bài học
khó hiểu hay sao mà mặt trò nào trò nấy cứ thộn ra. Thầy
ái ngại nhìn quanh một lượt như muốn nói nếu khó quá thì
thầy giảng lại. Bài học không khó nhưng đầu óc không tập
trung được vì hình ảnh “con cò trắng bạch như vôi” cứ như đang
bay qua lượn lại trong đầu cái lũ “tinh le” đã được người đời
xếp đứng hàng thứ ba sau “quỷ và ma” đó thầy ơi!

Xóm nhỏ nên đường đi bé tẹo còn nhà cửa thì hao hao giống
nhau: cũ và thấp lè tè. Nhà nào cũng có một cái thềm, khá
giả thì tráng xi măng khó khăn thì có sao để vậy. Thềm không
rộng lắm nhưng cũng đủ để cho mấy bà nội trợ chiều chiều
ngồi phe phẩy quạt, vạch áo cho con bú hoặc vừa bắt chí cho
nhau vừa nói chuyện với người ở thềm bên kia, thường là
những chuyện mà mấy ông chồng cho là tào lao vô bổ. Những
ngày không có giờ học trên trường thằng Sửu hay ra hiên nằm
võng. Chiếc võng được treo ở vị trí hơi xéo xéo vì một đầu
cột trên thân cây trứng cá mọc bên ngoài hiên sát với đường
đi, một đầu tròng vô cái vòng sắt được gắn khi xây tường cất
nhà. Nhờ chút “xéo xéo” đó mà từ thềm bên này con Nếp có
thể  đoán được là thằng Sửu đang học bài hay đang đọc
truyện, ba cái chuyện Tàu xa xữa xà xưa thường có câu “hồi
sau sẽ rõ” ở cuối mỗi chương. Có lần thấy thằng Sửu từ nhà
ông Bảy Chà Và đi ra, tay cầm hai cuốn sách, con Nếp định hỏi
nhưng Thằng Sửu ngó lơ làm như không thấy nó, ừ thì cứ giả
lơ đi, để coi trò có dấu tui được không. Nghĩ vậy nên khi
thằng Sửu vừa đi khuất con Nếp bước tới:
-Con chào chú Bảy.
-Ừ, mày tới mướn truyện hả?
Ông Bảy Chà Và, ổng thứ bảy da đen thui mắt trắng dã nên
trong xóm người ta kêu là Bảy Chà Và để phân biệt với ông
Bảy Kèn là người chuyên đi thổi kèn đám ma, miệng hỏi tay đưa
cho con Nếp mấy cuốn sách cũ mèm, mép cong bìa sứt, giấy in
đã xỉn màu:
-Mấy cuốn này hay nên nhiều người mướn, thằng Sửu mới trả
lại để đổi cuốn La Thông Tảo Bắc. Mày lấy cuốn Thủy Hử đi,
tao tính giá rẻ cho. Lúc sách còn mới hai ngày một đồng, nay
sách gần tả tơi tao lấy ba ngày một đồng. Tụi bay có chữ có
nghĩa trong đầu, bay đọc chừng một ngày là xong, có mắc công
mắc chuyện thì cũng kéo tới ba ngày là cùng. Rẻ rề, coi như
bay nhịn một cây cà rem hay hai trái bắp nấu chớ mấy.
Thấy con Nếp im lặng, ông Bảy nói thêm:
-Hay là mày đọc Tam Quốc Chí đi, hay lắm.
Con Nếp chỉ đi  “điều tra” thằng Sửu chớ có định mướn truyện
đâu. Nó cầm cuốn Tây Du Ký lật qua lật lại có vẻ tần ngần,
ông Bảy mau mắn:
-Tề Thiên Đại Thánh có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa,
phò Đường Tăng đi thỉnh kinh….
-Con không có tiền, với lại mẹ con không cho coi truyện.
-Vậy mày tới đây làm chi? Thôi, xê ra…xê ra cho tao sắp xếp… Con
gái con lứa gì đâu…
Con Nếp thầm nghĩ : Tức quá đi, mướn truyện thì thây kệ trõ
mắc mớ gì lại đi điều tra. Điều tra để làm gì, đâu phải mẹ
người ta mà có quyền cấm đoán. Còn lấy tình bạn ra khuyên
nhủ “lo học bài chớ đừng ham coi truyện” cũng không xong vì
người thường xuyên “đội sổ” là mình chớ đâu phải trõ.
Thôi…thôi…không dính dự không liên can gì tới mình, ai muốn làm
gì thì làm, muốn coi cứ coi, coi cho cố vô rồi….rồi…hồi sau
sẽ rõ. Trong cơn tự oán tự giận mình con Nếp chưa tìm được
câu nào nói cho đỡ tức thì đành lấy bốn chữ thường được ghi
chú ở cuối mỗi chương trong mấy cuốn truyện gối đầu võng
của thằng Sửu ra xài tạm vậy.
Sau lần điều tra đó con Nếp suy nghĩ lung lắm. Tức quá, trõ
tuy học không xuất sắc như vài đứa thường xuyên thay nhau đứng
đầu lớp nhưng vẫn giỏi hơn mình. Hay là mình không thể thu
nhận được những gì thầy cô đã giảng? Không lẽ mình ngu dữ
vậy sao?  Thôi rồi, óc mình đã chậm mà về nhà mẹ còn hay
sai làm chuyện này chuyện nọ thì còn thời giờ đâu mà học
bài. Nhưng thằng Sửu hàng ngày cũng phụ má nó làm tùm lum
công chuyện chớ đâu được rảnh rang như mấy đứa con nhà giàu,
đã vậy nó còn mê đọc truyện nữa thì chắc chắn thời gian
dành cho chuyện học hành của nó phải ít hơn mình. Vậy tại
sao nó luôn luôn học giỏi hơn mình? Chẳng lẽ nó chỉ cần học
một lần là thuộc liền? Nghe người lớn nói người thông minh
thường có trán cao trong khi trán thằng Sửu ngắn ngủn thì
làm sao có chuyện đọc một lần là nhớ được. Càng nghĩ con
Nếp càng thấy rắc rối khó hiểu. Nó chợt nhớ bé Huyên con
gái út của chú Năm Sứ được một anh giáo sinh trong trường Sư
Phạm tới dạy kèm mỗi tuần ba lần nên tháng nào bé Huyên
cũng có tên trên bảng danh dự. Được rồi, mình sẽ nói mẹ tìm
người dạy kèm cho mình. Phải học thêm thôi, quyết không “đội
sổ” nữa. Đội hoài đội hủy cũng nặng đầu chớ bộ.
Ở trong xóm có anh học trò từ quê ra ở trọ nhà ông Ba Khàn,
nói là ở trọ chớ thiệt ra là ở nhờ. Nhà ông Ba Khàn nhỏ
xíu nhưng ông cũng ráng nhín cho anh một chỗ vừa đủ kê cái
giường bố và một cái bàn gỗ có ba chân rưỡi, nửa cái chân
còn lại là mấy viên gạch cũ. Chỗ ở tuy chật hẹp thiếu thốn
nhưng cũng quá tốt đối với anh học trò nghèo. Còn với ông Ba
Khàn không vợ không con thì dù sao “đông có mày tây có tao”
cũng phần nào đỡ hiu quạnh. Anh học trò nghèo tên Cung, đang
học lớp Đệ Nhất và nghe nói học ở trường nào cuối năm anh
cũng được lãnh phần thưởng.
Tối chúa nhật mẹ con Nếp qua nhà ông Ba Khàn, một chặp sau
bà về, tươi cười hớn hở:
-Xong rồi. Ảnh tới nhà mình một tuần ba lần, thứ hai Toán
thứ tư Lý thứ sáu Hóa. Coi như mỗi lần kèm một môn, không
cần trả học phí…
Con Nếp nhăn nhó:
– Không trả tiền con không học đâu.
-Thủng thẳng để mẹ nói cho nghe. Ông Ba Khàn nói nhà không có
đàn bà nên việc cơm nước thất thường lắm, ổng thì không sao
vì bữa nào không nấu ổng qua nhà bà Hai Trầu ăn chực. Chỉ
tội cho anh Cung những lúc như vậy phải ăn bánh bèo của thím
Keo, một dĩa không no mà hai dĩa thì không đủ tiền nên ổng đề
nghị mẹ cho anh Cung ăn cơm chiều, coi như một cách trả tiền
học.
– Trưa ảnh nhịn đói hả mẹ?
-Nhịn đâu mà nhịn. Năm ngoái ảnh học ở trường Bồ Đề nên quen
nhiều sư sãi, ngày nghỉ vô chùa phụ giúp quý thầy, có gì
làm nấy. Làm công quả riết rồi quý thầy thương coi như người
của nhà chùa vì vậy buổi trưa sau khi tan học ảnh ghé chùa
ăn cơm chay rồi mới về. Chỉ có buổi chiều là bữa đực bữa
cái thôi.
-Mẹ tính sao cũng được miễn là đừng ép người ta quá. Đã
nghèo còn mắc cái eo thì tội lắm.
Bà Chín cười:
-Mẹ có phải là hạng người “chằn ăn trăn quấn” đâu con. Thấy
nó học giỏi lại hiền lành nên mẹ coi như con cháu trong nhà,
thôi kệ, giúp được gì thì mình cứ giúp.
– Ủa, thay vì nộp tiền thì mình nộp cơm, người ta no bụng
mình no chữ, đôi bên cùng có lợi chớ mình có giúp gì cho
người ta đâu mà mẹ nói thôi kệ.
Bà Chín nghe con Nếp lý sự thì trề môi mắng yêu “giỏi quá
há!” rồi tự nhiên bà nhỏ giọng mặc dù trong nhà không có ai
ngoài hai mẹ con:
– Mẹ tính vầy nè, cho ảnh ăn coi như nhà mình chỉ thêm cái
chén đôi đũa nhưng ăn chung có nhiều cái bất tiện lắm. Mẹ sẽ
lấy cà mèn múc cơm vô một ngăn, đồ ăn vô một ngăn rồi mình
xách qua nhà ông Ba khàn là xong. Con thấy sao?
Còn sao nữa, mỗi chiều chỉ cần xách cái cà mèn qua nhà ông
Ba Khàn mà hết ngu dốt thì còn mong gì hơn. Cơm vô bụng người
ta còn chữ thì vô đầu mình. Đúng là đổi cơm lấy chữ. Con
Nếp thấy vui vui trong lòng, nó hăng hái:
-Mẹ, con rửa cà mèn rồi úp sẵn trong sóng chén cho mẹ nghen.

Liên tiếp mấy chiều thằng Sửu thấy con Nếp xách cà mèn đi
về hướng cuối xóm thì nghĩ là con Nếp đi mua cháo lòng hay
bánh bèo bánh canh gì đó nhưng chẳng lẽ ăn bún ăn bánh trong
mấy ngày liền. Thắc mắc nhưng thôi kệ, biết đâu hai mẹ con ăn
hàng đổi bữa, mùa hè nóng nực muốn chết nấu nướng chi cho
mệt. Ăn cơm chiều xong thằng Sửu có thói quen ra trước hiên
hóng mát nhưng chỉ có nó mới biết được là hóng mát hay
“hóng” ai. Từ hiên nhà mình nó có thể nhìn thấy bóng dáng
con Nếp thấp thoáng bên song cửa sổ, nếu hai đứa thấy nhau
thì đưa tay vẫy chào một cái nhưng đôi khi cũng có thêm một
bóng dáng nữa, bà Chín. Những lần như vậy thì coi như bữa
đó trời đứng gió. Không có gió thì trong nhà ngoài hiên gì
cũng nóng như nhau, đi vô cho rồi chớ đứng xớ rớ làm chi cho
mỏi cẳng.
Tối thứ sáu má sai qua nhà dì Bốn thu tiền hụi, lúc đi ngang
nhà bà Chín thằng Sửu thấy con Nếp ngồi ở bàn học nhưng lạ
một điều là nó không ngồi học bài một mình như mọi khi. Đối
diện con Nếp là một thanh niên, trông dáng người này quen quen
nhưng vì chỉ đi qua chứ không dám dừng lại nên thằng Sửu không
thể biết được người này là ai. Vòng về nó định đi chậm một
chút để quan sát nhưng không được vì khi sắp tới cửa nhà con
Nếp nó thấy bà Chín đứng lù lù trước hiên, đang cầm cái
gáo dừa tưới mấy chậu bông. Thằng Sửu vô nhà khép cửa lớn
lại rồi tới bên cửa sổ hé tấm màn, cố mở to mắt để nhìn
qua bên kia. Nhưng cái bóng đèn nê-ông sáu tất của nhà con Nếp
không cho đủ ánh sáng mà người thanh niên này lại ngồi quay
lưng ra ngoài nên thằng Sửu không thể nhận diện được. Nhà đó
tiếc gì mà không dám xài bóng đèn thước hai như nhà mình,
hà tiện cũng vừa vừa phải phải thôi. Đèn đóm tù mù hèn chi
con nhỏ quanh năm học dốt, rồi nay mai hai con mắt bị cận cho
coi… Đang bực mình thì bà Tư Sành từ nhà dưới đi lên, bà đưa
tay mở toang hai cánh cửa rồi tới ngồi xuống tấm phản:
-Trời nóng nực sao không để cửa cho mát? Thu tiền hụi cho má chưa?
-Dạ rồi.
-Dì Bốn có dặn gì không?
-Dạ không.
Thằng Sửu lặng lẽ đặt xấp tiền trên bàn. Lạ quá, lần này
đi thu tiền hụi về sao thằng con bà không vui, chắc có ai bên
nhà dì Bốn chọc ghẹo gì nó đây. Ba cái đứa con nít chọc qua
chọc lại rồi giận rồi hờn. Thôi thây kệ tụi nó, chỉ vài
ngày sau lại rủ nhau ra khoảng đất trống ngoài đầu ngõ đá
banh chớ lo gì. Bà Tư Sành nhìn ra hiên, nhướng mắt về phía
bên kia đường:
-Hồi sáng đi mua gạo má gặp ông Ba Khàn nghe ổng nói mẹ con
Nếp nhờ anh Cung …
Bà Tư Sành ngưng. Bà vói tay lấy cái quạt xếp rồi từ từ mở
ra, quạt đuổi muỗi. Thằng Sửu nóng ruột nhưng làm ra vẻ thản
nhiên vói tay lấy chai nước tu từng ngụm. Bà Tư Sành đằng
hắng:
-Ông Ba càng ngày càng khàn. Giọng nói của ổng khó nghe lắm,
chắc già nên cuống họng teo lại. Nghe đâu hồi trẻ ở cổ tự
nhiên nổi lên một cục u, đưa đi nhà thương họ mổ kiểu gì không
biết mà tắt tiếng mấy tháng trời tưởng ổng bị câm luôn rồi
chớ, tới chừng nói được trở lại thì nghe khào khào…
Thằng Sửu ngắt ngang:
-Bởi vậy người ta mới kêu ổng là Ba Khàn, má nói …
-Nói gì?
-Thì chuyện hồi sáng má gặp ông Ba Khàn…
Bà Tư Sành đập cái quạt vô bắp chân:
-Dạo này muỗi con nào con nấy to như hột đậu đen, bu cắn sưng
mình sưng mẩy. Con hỏi gì?
-Chuyện ông Ba Khàn…
-Chuyện ông Ba Khàn là chuyện gì?
-Thì chuyện bà Chín…
-À, bà Chín nhờ anh Cung dạy kèm cho con Nếp một tuần ba
buổi. Anh Cung không nhận học phí nên ông Ba Khàn đề nghị bả
nấu cơm chiều….
Thế là rõ rồi. Xách cà mèn đi đưa cơm cho anh Cung, hèn chi
hồi nãy thấy người này quen quen. Trong xóm ai cũng biết anh
Cung tuy anh chỉ mới chuyển tới có mấy tháng. Anh lễ phép
cúi chào những người lớn tuổi mỗi khi gặp họ nhưng anh
thường làm như không nhìn thấy những đứa “lóc chóc” như thằng
Sửu.   Phải rồi, làm gì có chuyện đàn anh Nhị-Nhất giao du
với mấy nhỏ Thất-Lục. Anh Cung mặt mày thanh tú, tính tình
hiền lành lại học giỏi nên ai cũng quí mến, nhất là mấy bà
già rằm mùng một thường đi lễ chùa. Có lần thằng Sửu nghe
một bà nói: cậu Cung mặt mày khôi ngô phúc hậu chỉ cần cạo
trọc là y hệt Đường Tăng…Hồi đó nghe nhưng không quan tâm, có y
hệt Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng mặc kệ nhưng sao giờ đây chỉ
mới nhớ lại thôi mà thằng Sửu đã thấy mặt nóng bừng bừng.
Thiệt là tức cành hông, nói vậy mà cũng nói, chỉ cần cạo
trọc là y hệt, ai cạo trọc lại không y hệt, cứ nhìn đầu của
mấy ông sư coi thử có y hệt như nhau không? Ở đó mà y với
hệt, nghe bực cả mình. Bỗng chốc từ tâm trạng bực bội thằng
Sửu chuyển qua cảm giác lo lắng. Chết cha, rồi đây dưới sự
dạy dỗ của Đường Tăng con “ma nữ” sẽ  thoát ngu, thoát dốt.
Nó sẽ hết u mê ám chướng và không chừng nó vượt lên đứng
nhứt, nghĩa là tên nó được đánh máy ở hàng đầu trong bảng
vị thứ. Một khi học giỏi nó sẽ coi thường mình và biết đâu
mình sẽ là đứa thế mạng vào cái vị trí “đội sổ” mà con
“ma nữ” đã ‘trấn thủ” từ bấy lâu nay. Con trai mà học dở hơn
con gái thì bị cho ra rìa là cái chắc.
Hai chữ “ra rìa” khiến tim gan phèo phổi như bị ai xát muối,
thằng Sửu trằn trọc cả đêm không thể nào ngủ được. Đến khi
thiếp đi vì quá mệt nó mơ màng thấy như có bóng ai đang đứng
trước mặt mình với dáng vẻ uy nghiêm, một tay cầm trượng một
tay cầm tràng hạt. Trời ơi! Đường Tăng. Trong cơn mê sảng nó ú
ớ : bạch thầy…rồi hét lên: Cứu! Cứu!
Thằng Sửu giật mình ngồi bật dậy, thấy toàn thân ướt đẫm
mồ hôi. Nó ngơ ngác nhìn quanh… Ngoài kia gà vừa gáy sáng.
Hôm sau thằng Sửu gom hết mấy cuốn truyện tàu, truyện chưởng
bỏ vô giỏ rồi chạy u một mạch ra đầu xóm gần ngã ba, chỗ
cho thuê sách. Vừa thấy nó ông Bảy Chà Và vồn vã:
– Lần này muốn đổi cuốn gì? Nè, mới có Liêu Trai Chí Dị
của Bồ Tùng Linh…
Chưa nói hết câu ông Bảy bỗng sững người khi nghe thằng Sửu
tuyên bố: không đọc truyện nữa!
Thằng nhóc khách hàng “ruột” của ông đưa bàn tay chạm trán
theo kiểu nhà binh:
-Chào chú Bảy, chào luôn ông Bồ Tùng Linh.

xxxxxx

Trong lớp không phải một mình con Nếp bị cắp đôi, chị Lệ
Nghi cũng bị gán ghép với anh Phùng lớp trưởng khi mấy thằng
“tinh le” biết đó là hai học sinh “già” nhất. Thỉnh thoảng
thằng Tịnh còn hát bâng quơ “bà già lấy le ông già, chiều
chiều dắt ra bờ sông…”  Nghe thằng Tịnh hát anh Phùng ngó mông
lung, anh giả điếc còn chị Lệ Nghi thì mắc cỡ, chị ngồi bàn
chót nhưng mấy đứa ngồi bàn đầu quay xuống nhìn đều có thể
thấy được hai má chị đỏ bừng.
Thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt xong lớp nào cũng lơ là việc học
vì thời điểm này thầy cô bận chấm thi hơn nữa phần giáo khoa
trong chương trình cũng đã hoàn tất. Những buổi học hình như
cho có lệ, có nói chuyện hay làm ồn cũng không bị ghi tên,
mà sướng nhất là không bị dò bài. Những cuốn lưu bút bắt
đầu được trao cho nhau còn giờ cuối thường dành cho những lời
bàn tán sôi nổi về liên hoan về pic-nic. Khi anh Phùng đưa ra
đề nghị đi Gành Ráng bằng xe đạp, cả lớp vỗ tay rần rần.
Vài đứa con gái nhao nhao:
-Tụi em không có xe đạp thì sao hả anh?
-Không có xe thì đi chung với người có xe.
Thằng Tịnh hào hứng:
-Thôi cứ như vầy đi, tập trung lại rồi ai chở ai thì lúc đó
hẵn tính. Tụi em đứa nào cũng có xe, dư sức cho mấy trò
khác quá giang…hì…hì.
Anh lớp trưởng tán thành:
-Ừ. Vậy Kim Chung và Phương Mai lo phần đồ ăn, mua đồ khô là
tiện nhất. Nước uống và chén đũa thì tự ai nấy lo. Sáng
chúa nhật tập trung tại sân vận động. Đúng 6 giờ có mặt
được không?
-Sao không tập trung ở bến xe cho gần. Nhà em ở tuốt luốt trên
Cầu Đôi.
Anh lớp trưởng giải thích:
-Người ở trên Cầu Đôi kẻ ở dưới Tấn (khu 1) thì chọn sân vận
động là công bằng, muốn đi chơi thì phải lo dậy sớm chớ. Ai
đi thì ghi tên đóng tiền, Kim Chung thu xong tới ngày cứ mua,
thiếu đủ gì tính sau.

Khi mọi người đã đứng thành vòng tròn, anh Phùng bắt đầu
đếm người rồi đếm xe. Anh nói:
– 5 người không có xe, vậy ai muốn chở giùm thì xung phong đi.
Thằng Tịnh nhanh nhẩu:
-Để em sắp xếp cho. Thằng Danh chở Ngọc Hân.
-Ủa, Mỹ An nói sẽ đèo tui mà.
-Vậy mày chở Kim Chung đi Danh. Thằng Tịnh tiếp tục phân công.
Kim Chung im lặng, tay xách cái giỏ nặng trịch còn mặt thì
cúi gằm xuống đất, nhìn sơ sơ mọi người cũng có thể đoán
được là “hổng chịu”. Thấy vậy Khanh nói với thằng Tịnh:
-Đồ nặng mà xe tao là xe mới thì thôi để tao chở. Rồi quay
qua Kim Chung: đưa cái giỏ đồ ăn máng lên ghi đông cho.
Trong lớp không ai biết được dạo này Khanh hay nói “trỗng” với
Kim Chung. Trong mỗi câu thường thiếu chủ từ, đại từ hay túc
từ gì gì đó….thiếu lung tung nhưng thiếu thì cứ thiếu mà
hiểu thì vẫn hiểu. Có khi không nói gì mà vẫn hiểu. Vậy
mới tài!
-Bình chở Ngọc Nga nghe. Anh lớp trưởng đề nghị.
-Dạ.
-Trời đất, sao tui vô duyên dữ vầy nè! Thằng Tịnh đưa hai tay
lên trời than thở. Hay là tại tui không có bản lãnh chỉ huy
nên không ai chịu chấp hành. Thôi cho tui lấy oai “ra lệnh” lần
chót đi: tía chở má. Nếp, trò lên xe của thằng Sửu….hò dô
ta….là lá la…tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi
cày bừa…
Cả đám reo hò. Anh Phùng bật cười ha hả. Vui quá! Thấy vậy
thằng Tịnh hào hứng phán luôn:
-Còn “ông già” thì chở “bà già”….chuẩn bị xuất phát anh em ơi!
Tiếng cười, tiếng hoan hô chen lẫn tiếng huýt sáo thật là
huyên náo. Anh Phùng nín khe, mặt anh đỏ gay, không biết đỏ vì
ngượng hay đỏ vì tức. Còn chị Lệ Nghi thì ngó mông lung, lần
này tới phiên chị giả điếc nhưng….tai điếc chớ mắt thì không
hề hấn gì vì tụi nhỏ thấy đôi mi chị chớp chớp…chớp chớp.

Nghỉ hè. Hai tiếng “nghỉ hè” cho lứa tuổi học trò cái cảm
giác bâng khuâng vui buồn lẫn lộn. Cái cảm giác đầy mâu thuẫn
này rất mơ hồ, chỉ có thể cảm nhận chứ không thể diễn tả.
Và chỉ có những ai đang cắp sách đến trường mới “thấm” với
nỗi vấn vương trong tâm hồn mỗi khi hè về.
Buổi học cuối cùng cả lớp xúm lại nói chuyện, bàn trên
quay xuống bàn dưới, thường ngày mỗi băng ghế có bốn trò bây
giờ sáu trò ngồi vẫn không thấy chật. Đám con gái chụm đầu
nhỏ to tâm sự. Chị Lệ Nghi cho biết chị không trở lại trường
nữa vì hè này cha mẹ chị kêu về quê gả chồng. Có anh nông
dân cùng thôn được thừa kế mấy đám ruộng “cò bay thẳng cánh
chó chạy ngay đuôi” đang nhòm ngó chị thì làm cha làm mẹ
phải túm lấy thôi. Cha mẹ chị nói ở đời có thực mới vực
được đạo chưa kể người ta còn có câu nhất sĩ nhì nông hết
gạo chạy rong nhất nông nhì sĩ  thì làm con gái học chi cho
nhiều. Nhiêu đó hiếm.
Vẫn biết mọi thứ sẽ trôi theo thời gian, vẫn biết rồi đây
sẽ có ngày này nhưng sao sớm quá, bất ngờ quá. Mấy cô nữ
sinh bé nhỏ ngơ ngác nhìn nhau. Họ chưa kịp hiểu gì, chưa kịp
hình dung như thế nào về cuộc đời thì bỗng thấy có người
cùng lớp sắp trở thành người lớn, sắp bước qua một cuộc
sống mới. Cuộc sống mới này ra sao, cả đám không ai biết,
chỉ biết một điều là nó hoàn toàn khác xa với “đời học
sinh” mà họ đang có.  Nỗi hoang mang chen lẫn cảm giác đổ vỡ
mất mát khiến tất cả như đang bị những bàn tay vô hình bóp
cổ đến nghẹt thở.

… ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
Biết vậy nhưng tại sao lại “bỏ” vào lúc này? Chưa lớn mà!
Mà mắc mớ gì phải lớn vội lớn nhanh? Chẳng phải người lớn
cũng đã có lúc van xin: “cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về
sau…” đó sao? Thế thì làm người lớn có gì hay ho mà ham.
Trong tâm trạng hụt hẫn như sắp bị bỏ rơi con Nếp chồm tới
gục đầu vào vai chị Lệ Nghi mếu máo: chị bỏ đi như vậy là
chơi ăn gian, chị đúng là…là… kẻ phản bội. Chị Lệ Nghi cầm
tay từng đứa, thở dài. Bỗng chị vụt đứng dậy chạy nhanh ra
cửa rồi nhào tới ngồi bệt dưới gốc cây phượng trước lớp,
khóc oà.

Nét hồn nhiên trong những đôi mắt thơ ngây kia cũng vừa vụt
thoát theo “kẻ phản bội” của lớp Đệ Lục A2 . Hồn nhiên ra đi
và mãi mãi sẽ không không bao giờ trở lại.

Huỳnh Thị Thùy Hạnh

Tháng 4/2012{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.