Người viết: Bạch Xuân Phẻ- Nguyên Lương
*Bạn Bạch Xuân Phẻ quê Nhơn Lý
Hiện đang dạy Hóa học tại Mira Loma High, sinh hoạt trong tổ chức GĐPT
và thiện nguyện cho Buddhist Pathways Prison Project, Inc.HX
*MỘNG GIÁC- NGƯỜI VĂN
*Tưởng Niệm người Đồng hương Nguyễn Mộng Giác
Mùa Biển Động* giữa hè hanh nắng
Cuộc đời người như vận nước Nam
Những Đợt Sống Ngầm, Mùa Biển Động
Đã vỡ bờ, người đến tự do.
Bộ truyện dài Sông Côn Mùa Lũ
Đất Tây Sơn Bình Định vang lừng
Rồi Bèo Giạt, Tha Hương đất khách
Phút lâm chung về bến Tự do.
Nay Bão Nổi, Tiếng Chim Vườn Cũ
Thương người con xứ Nẫu hào hùng …
*
* *
Mộng là giả cuộc đời hư ảo
Giác là chơn tánh Phật thường còn
Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.
Sacramento July 3rd, 2012.
Bạch Xuân Phẻ
* Chữ Nghiêng là tên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác
* KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
*.Viết tặng qúi Anh Chị Trong nhóm Nhất C và những người bạn thân thiết của tôi
Nguyên Lương
Trên chuyến bay dài từ Dallas về lại Philadelphia tôi nhớ lại từng kỷ niệm với bạn hữu trong kỳ đại hội CĐ-NTH kỷ niệm 15 năm tại Houston. Những kỳ đại hội trước, đã bao lần hứa về đây dự nhưng không làm được, lần này thì có mặt, mới biết mình đã bỏ lỡ bao cơ hội đến đây để vui với bạn bè từ phương xa tụ về. Trong cái nóng hâm hấp đầy,hơi nước của Houston làm cho mọi người có cảm tưởng mình đang ở Qui Nhơn, quên mất đây là nơi xa quê hương hơn nửa vòng trái đất, trên xứ tạm dung. Mùa hè đỏ lửa năm 72, tôi đậu Tú Tài 2, rồi xa dần, xa dần thành phố biển thân yêu. 40 năm sau, hơn nửa đời người, gặp lại nhau nơi xứ người, qúi Anh Chị học lớp trên, tôi đã biết được qua những người bạn bằng e mail trong bao năm qua, bây giờ mới gặp mặt. Anh Chị vẫn còn trẻ, đẹp và đầy năng lực, so với tuổi đời. 40 năm rồi còn gì! nhưng không sao, vì chúng ta cùng “tuổi già như nhau” nhưng vẫn mãi mãi trẻ trung, vui vẻ như ngày nào nơi ngôi trường cũ.
Bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu đổi thay, và bao nhiêu người mất, còn? thế mà chúng ta vẫn còn sống và tìm đến nhau, nói cười rôm rả. Không e lệ, mắc cỡ như ngày nào, mấy chị trong các lớp ban C, những bông hoa đẹp trong khu vườn Cường Để, nay vẫn còn đọng lại cái “duyên chết người” ấy qua ánh mắt, nụ cười . Học ban B, lớp chẳng có một bóng hồng nào, tôi thường lén qua lớp của thầy Nguyễn Mộng Giác, nói là để nghe thầy giảng Truyện Kiều, nhưng kỳ thực là để ngắm mấy nàng Kiều trong lớp ban C mà mình thầm yêu trộm nhớ. Không biết có phải vì những hình ảnh đẹp của các nàng trong lớp ban C ngày nào mà khi Anh Tân, Anh Dzũng giới thiệu nhóm Nhất C của các anh tôi xin gia nhập ngay. Đã mấy năm rồi, tin tức gì bên nhóm hai anh cũng đều chia xẻ , quen rồi tôi cứ tưởng mình là thành viên chính thức, dám cho mình cùng hội cùng thuyền với các anh chị. Hôm Đại Hội,
Anh Dzũng trân trọng giới thiệu từng người trong nhóm với vợ chồng tôi, qua ánh mắt vừa lạ vừa quen ấy, tôi tìm thấy nơi qúi anh chị những cái nhìn đầy yêu thương, thân mật, với thằng em ngoại đạo. Cũng nhờ có chút văn nghệ trong máu, người suốt đời làm việc khoa học khô khan, tôi nhập vào nhóm của những người quen sống với chữ nghĩa, thơ văn một cách rất tự nhiên.
Ngồi suy nghĩ miên man trên chuyến bay chật người, tôi lần dở cuốn đặc san CĐ-NTH mà anh Dạn vừa tặng hôm Đại Hội. Cũng vì có cảm tình đặc biệt với quí anh chị trong nhóm Nhất C, tôi tìm đọc ngay những bài viết của thành viên nhóm này trong đặc san. Gần 450 trang sách dày, đầy ắp chữ, bài đầu tiên tôi tìm thấy là của Anh Lê Công Dzũng ở trang 208 với tựa “Một Góc Cho Bạn Bè”. Nói là cho bạn bè chứ thật ra bài này đặc biệt anh viết về người bạn thân “nhất” của anh, người nhạc sĩ họ Nguyễn tên Tân. Câu chuyện anh kể ở đây có phần tham dự của tôi ngay từ đầu nên dù đã biết, đọc lại vẫn thấy thật xúc động. Nhớ lại những năm Anh Chị Tân còn ở VN, mỗi lần về đó công tác tôi tìm cách liên lạc với Anh. Một lần, anh từ Trảng Bom chạy xe vào thành phố, chỉ để gặp tôi, đủ thì giờ uống với nhau ly cà phê Trung Nguyên trên đường Bùi Thị Xuân rồi tiễn tôi lên máy bay về lại Mỹ. Hôm đó, thời gian qua nhanh quá, đã đến giờ phải ra phi trường mà anh em không muốn rời nhau. Đó là cái tình đến từ cái tính văn nghệ yêu thương bè bạn của anh. Có vài lần, cũng qua sự liên kết của anh, chúng tôi tổ chức những
buổi họp mặt văn nghệ với các bạn cũ trong nước thật vui. Mùa hè 2008, anh chị qua Mỹ đoàn tụ với gia đình con gái, chưa đầy 1 tuần sau, anh chị đã bay từ Austin qua Philadelphia thăm gia đình tôi và anh chị Dzũng.
Hôm đó, chúng tôi tổ chức tiệc văn nghệ để mừng và giới thiệu anh chị với bạn bè, luôn thể cho đôi chim vừa sổ lồng được tự do hát những bài hát anh chị thích mà lâu nay không có dịp. Hôm đó, nhà văn Trần Hoài Thư vì qúa xúc động khi nghe Anh Tân líu lo những bài hát cũ, đã viết 1 đoản văn đầy ý nghĩa đăng trên Thư Quán Bản Thảo số năm đó. Chuyện Anh Dzũng kể lại về kỷ niệm gặp lại Anh Tân thế nào đã đăng trong diễn đàn Nhất C nay kể lại cho các bạn cả trường cùng nghe.
Câu chuyện gặp lại đó như bao nhiêu câu chuyện của những người bạn thân thất lạc nhau trong thời chiến tranh, khi cuộc chiến tàn, họ đi tìm nhau:
“Tìm anh như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc em tìm biển Nam”
thì không biết tìm đâu. Cũng như tôi, bao nhiêu năm đi tìm bạn cũ nhưng vô vọng. Nhờ hôm Đại Hội, gặp lại được 4 đứa. Nhưng vì đã lâu lắm mới gặp nhau nên đứa này nhìn đứa kia, ngờ ngợ, không dám hỏi tên. Đến khi nhớ ra, ôm nhau nghẹn ngào, mừng mừng, tủi tủi rồi lau vội giọt nước mắt hiếm hoi. Không ngờ vẫn còn có đứa sống sót như mình vẫn sống. 4 lớp ban B, sau Tú Tài 1 rớt đi phân nửa. Qua Tú Tài 2, vì cần có thêm sĩ quan bổ túc cho chiến trường sau muà hè đỏ lửa, thêm hơn 1 nửa phải đi làm nghĩa vụ. Những người bạn kém may mắn này đa số đã hy sinh trong vòng vài tháng sau khoá huấn luyện vội vàng ở Thủ Đức, số còn lại sau năm 75 gian nan hơn . Rơi rớt dọc đường đi, bây giờ lang
thang ở hải ngoại, gặp lại nhau chỉ còn 5 đứa. Có đôi lúc tôi thấy mình quá may mắn qua cuộc bể dâu. Không phải tham chiến, được rời khỏi nước đúng lúc, được tiếp tục đi học lại ở xứ người, được làm nhiều điều mình muốn. Còn các bạn tôi, những đứa đã tan xác trên chiến trường, những đứa lao đao lận đận tuổi thanh xuân,, những đứa bỏ thây trên biển…tất cả đâu có dịp để gặp lại nhau mà khóc trong niềm vui đoàn tụ với bạn bè như tôi.
Câu chuyện của Anh Tân, Anh Dzũng là câu chuyện của hai người bạn thân, một thời sống bên nhau, xa nhau rồi lại gặp nhau….có hậu. Qua lời kể thiết tha của Anh Dzũng, tôi hình dung được niềm vui tràn ngập của hai người bạn vừa tìm lại được nhau, cách nửa vòng trái đất, sau bao nhiêu năm xa cách. Tình bạn của hai anh cũng như với các bạn cùng thời không thể có được ở những thế hệ trẻ khác. Có lẽ, thời đó sống trong chiến tranh, nỗi lo sợ mất nhau qúa lớn nên họ gắn bó nhau nhiều hơn. Còn thấy nhau hôm nay, mất nhau ngày mai là chuyện thường tình. Mỗi lần nghe tin có người bạn đi lính là tôi nhớ hai câu thơ : “Anh đi như thể là thiên thu rồi” của GHT. Anh Dzũng cũng bị đôn quân, nhưng Thượng Đế thương Anh để anh trở về lành lặn, rồi một ngày anh tìm lại bạn cũ, gây cho anh Tân sự bất ngờ: “Mầy mà mỹ miết gì, Mỹ Tho thì có” khi Anh Dzũng bảo là Anh đang ở Mỹ. May mắn cũng đã đến với một số người. Chúng ta là một trong số những người may mắn đó.
Khác với hoàn cảnh chúng ta, Chị Tuyết Đào ở quê nhà, dù cuộc sống có khó khăn, mất mát nhiều, nhưng tôi tìm thấy trong bài thơ “Yêu Nhau Trọn Đời” của Chị đăng ở trang 226 có nhiều hình ảnh đẹp, không bi quan, Chị phấn đấu để chiến thắng cuộc đời nghiệt ngã :
“… Có những lúc anh lao đao tưởng chừng gục ngã
thì chính em vực dậy để đi lên
qua rồi, những ngày lận đận
qua rồi những ngày tháng gian nan…”
Mới năm nào đây nghe tin chồng Chị mất, tôi gởi thư chia buồn. Chị trả lời trong cơn xúc động nghẹn ngào. Tôi với Chị chưa biết mặt nhau, nhưng trong sâu thẳm, hình như tôi đã hình dung ra Chị. Một người đàn bà mạnh mẽ, kiên cường, đứng lên từ mất mát, đỗ vỡ, làm lại để rồi cùng với thời gian tự vá lấy tang chồng. Bài thơ tràn đầy hạnh phúc này không biết Chị viết từ bao giờ? Nếu là gần đây thì cũng xin mượn mấy giòng chữ này để chúc mừng trái tim Chị nay đã trở lại bình yên, và
Chị đã “bắt đầu xây tương lai, bằng bước chân hiện tại”.
Qua trang 222, tôi đọc được bài thơ “Xuân Phai” của Chị Lĩnh Cơ.Bài thơ 7 chữ, 4 câu này mạnh mẽ, đầy nam tính, viết như lời tâm tình, như câu chuyện kể. Chị kể chuyện mất mát“ Bạn cũ vài ba thằng nằm xuống” , Chị kể chuyện đau thương “Xa nhau như đàn chim rời tổ”, rồi Chị kể về kỷ niệm “Ngồi đây, vỡ tiếng cười tuổi trẻ”. Chị không về dự Đại Hội, nhưng từ bên trời Âu, Chị gởi tặng bạn bè những hình ảnh :
“ Ta về trên chuyến đò qua muộn,
Giữa buổi hoàng hôn của cuộc đời
Bỗng dưng trên mái đời hiu quạnh
Nắng vàng đậu xuống một niềm vui”
Bỗng dưng, tình cờ, hay ngẫu nhiên mà nắng vàng ở Houston hôm đó chói chang, nhưng nắng có đậu xuống mái đời ai một niềm vui như lời thơ chị Lĩnh Cơ gởi thì tùy tâm trạng của mỗi chúng ta. Riêng tôi hôm đó đâu đâu cũng nghe tiếng cười rộn rã của qúi Anh Chị về dự Đại Hội mà vui lây. Hình như tất cả đã quên mất là tuổi mình đã lớn, đời mình cũng đang ở những ngày mùa Thu, những cứ tưởng như đang ở cái tuổi mười mấy của năm nào đầy ắp những ước mơ với thế giới học trò ngập tràn hy vọng. Ta về, trong thơ của Chị Lĩnh Cơ không lẫn thẩn như ý thơ Tô Thùy Yên “như lá rơi về cội”, nhưng có hình ảnh lạnh lùng, ngạo nghễ,
bất cần đầy lãng mạng trong đau thương, tủi nhục của Cao Tần ở những
năm cuối 70, thời mới vừa xa tổ quốc.
Trang 311 có truyện ngắn “ Cặp Đôi” của chị Thùy Hạnh, hiền thê của anh luật sư Nguyễn Lệnh. Giữa anh chị và anh em tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Anh Bằng của tôi (qua đời năm 2010) kể lại là những năm học CĐ, Anh Lệnh yêu Chị Hạnh mà không dám nói. Anh Lệnh viết thư tình trên giấy màu hồng rồi nhờ Anh tôi làm chim xanh. Sau này anh chị nên duyên, có dịp anh chị Lệnh thường nhắc đến kỷ niệm đáng yêu này. Phần tôi, không được biết anh chị những năm đó, nhưng đến năm 2002, qua Anh Tân, tôi làm quen và thân nhau từ đó. Chị Thùy Hạnh có em gái là Chị Thu Hiền, học CTKD Đà Lạt cùng lớp với Chị Ngọc Phụng (vợ Ngu Yên),
Chị Thu Yến (vợ Xuân Diệu) và Chị Xuân Mai (em gái Anh Trịnh Xuân Thọ). Mấy chị là những bông hoa đẹp, hát rất hay, của nhóm sinh viênmBình Định tại Viên Đại Học Đà Lạt Chị Thu Hiền rất đặc biệt, “tomboy”, cởi mở, vui vẻ, tự nhiên và chơi với bọn con trai chúng tôi như
bè bạn. Hiền thường ghé lại chỗ trọ chúng tôi chơi. Rảnh thì chị hay
tập bọn con trai chúng tôi nhảy đầm, tập hát, khi hát phải phát âm cho
đúng và giữ nhịp. Trên lầu 2 của căn nhà trọ đường Tăng Văn Danh thời
đó luôn có bóng dáng một người nữ rất dễ thương, dễ gần và chơi thân
vơí đám con trai qủi quái, tinh nghịch.
Trong mấy số Đặc San trước tôi có đọc truyện ngắn của Thùy Hạnh, nhưng không biết tác giả là người Chị mà tôi rất kính mến. Chị có lối viết truyện ngắn rất lạ, văn phong trong sáng, thật, và cách dẫn chuyện rất khác những cây viết khác. Truyện của chị viết về những câu chuyện rất đỗi tầm thường, của đời thường , chuyện không nên chuyện, thế mà người đọc vẫn thấy cuốn hút. Cái tài tả chân, tả cảnh đến tỉ mỉ một cách lạ thường, làm người đọc say sưa, đọc không ngừng và rất sợ
đến trang cuối. Có cái gì đó rất gần với nhà văn Võ Phiến trong lối tả chân của chị. Mà thật vậy, chị bắt đầu câu chuyện không từ đâu, và chấm dứt cũng không ở chỗ nào. Nó cứ loay hoay, rối rắm, lúc mở ra, lúc đóng lại, lúc như thông, lúc lại bế tắc…Nó tù mù như những mảng đời mà chúng ta đã từng thấy tận mắt, sống gần. Đọc truyện của Chị, ta như xem lại những cuốn phim đời của giới lao động, trong những con hẻm nhỏ, sống lúc nhúc, kèn cựa, lục xục….nhưng vui. Chị sử dụng những từ rất địa phương như trõ (trò ấy), ảnh (anh ấy), cổ (cô ấy)…làm người đọc thấy đặc sệt tính rất “nẫu” trong mẫu chuyện này. Bắt đầu là chuyện cặp đôi của cô Nếp và anh Sửu, rồi không đi đến đâu, bỗng đến cuối thì có chuyện cô Lệ Nghi tuyên bố bỏ học đi lấy chồng. Thùy Hạnh dẫn chúng ta đi thật xa rồi bỏ lửng. Chủ ý của Chị là muốn kéo chúng ta về lại cái tuổi thanh xuân, để nghe cô Nếp mếu máo: “chị bỏ đi như vây là chơi ăn gian” …vì “làm người lớn có gì hay ho mà ham”. Hơn 40 năm sau, bây giờ chúng ta đã “lớn” thật rồi. Có thấy gì vui không mà thời đó ham lớn cho nhanh!
Mở đến trang 294, truyện ngắn “Làm Cô Giáo” của Kim Tiến hiện ra.Truyện này làm tôi đọc đi, rồi đọc lại vì có điều gì trong đó giống mình. Nhớ lại những năm học ở Đà Lạt tôi học Sư Phạm, và mơ mai kia làm nghề thầy giáo. Đầu niên khoá 74-75, tôi được qua dạy thực tập trường Nữ Bùi Thị Xuân, môn Hóa Học, lớp 11 ban A. Nhớ lại hôm đầu tiên lên bục giảng, từ trên nhìn xuống, hồn phách tôi bay lên mây bởi chạm phải hơn 50 đôi mắt đen láy, tinh nghịch, tò mò nhìn lên. Những
đôi mắt đẹp, tinh ranh của lũ học trò con gái mới lớn nhìn chăm chăm làm người “thầy” trẻ quên hết mình phải dạy điều gì. Tôi run run, đứng không vững, trên bục cao thấy mình như đang bị trời trồng. Để lấy bình tĩnh, tôi dở trò, đọc liền hai câu thơ nói về tính âm(-) dương(+), luật cân bằng và sức hấp dẫn nhau trong tính hoá trị:
“Có âm dương, có vợ chồng
Dẫu trong nguyên tử cũng vòng phu thê”
Đám học trò đang ồn ào, bỗng im lặng lắng nghe rồi cười rộ lên, thích thú, la hét… yêu cầu thầy đọc tiếp thơ. Tôi ra điều kiện rằng các em phải ngoan, nghe bài giảng, đến cuối giờ sẽ đọc thêm thơ cho nghe.Những đôi mắt sáng, long lanh, trở nên ngoan, hiền như nai tơ, bớt đi nét tinh nghịch, phá phách, cúi xuống chăm chú chép bài. Cuối giờ, tôi đọc tặng các em bài thơ của Anh Phạm Cao Hoàng, trong đó có câu:
“Ngựa có khi cũng mỏi vó giang hồ
Anh có lúc cũng thèm đứng lại”
Và bải giảng hôm đó cũng “đứng lại” ngay ở đó.
Trong bao năm qua, có lúc tôi cũng “thèm đứng lại” để nhìn quãng đời mình đã đi qua, sót lại ký ức, lục lại kỷ niệm cũ để tìm lại những đôi mắt ngây thơ trong sáng tinh nghịch của đám nữ sinh vô tư ngày nào trên xứ mù sương. Ôi! những “đôi mắt ấy làm sao tôi quên được”. Không may mắn như Kim Tiến, tôi chưa có dịp đứng trên bục giảng để làm quen với tuổi thơ, để nhớ lại lời một cô học trò đã viết trong thư “thầy đọc thơ hay hơn là giảng bài hóa học”. Ở Mỹ, những lần đi dự đại hội kỹ thuật và có dịp thuyết trình trước đám đông cử tọa là những ngườ trong ngành, tôi thấy mình hoạt bát, bình tĩnh, không sợ. Nghĩ lại, không phải khi xưa mình không có khiếu ăn nói trước đám đông, nhưng có lẽ những đôi mắt ngây thơ, tinh quái… ấy đã hớp hết hồn mình.
Trên xứ người cô em Kim Tiến may mắn được dạy các bé đánh vần, dạy từng câu ca dao, tục ngữ, từng lời hay, ý đẹp trong ngôn ngữ Việt. Văn hóa Việt còn mất, kéo dài được bao lâu trên đất nước người là nhờ những người có công lao như cô giáo Kim Tiến. Ráng lên cô giáo nhé!
Đang viết bài này gần đến đoạn kết, Anh Ngọc Tân gọi điện thoại báo hung tin Thầy Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời hôm qua ở Cali (2 tháng 7). Cũng mới sáng hôm qua, Kim Tiến gởi điện thư cho Anh Tân đã nói chắc Thầy cũng sắp đi xa rồi. Tiến viết: “ Lẽ vô thường của đất trời, nghe hoài, học hoài mà cũng có thuộc bài đâu! Nghe cũng xốn xang lắm anh Tân ạ.”
Ôi! người thầy đáng kính của em cũng như của bao thế hệ học sinh Cường Để. Bao nhiêu học trò cũ của Thầy nay biết viết văn, biết làm thơ, biết thích văn học Việt cũng do thầy dạy cho. Năm 65, em học lớp Đệ Thất, Thầy về phụ trách môn Việt Văn. Nhờ lối giảng bài lôi cuốn, phân tích hay, em yêu thích môn Văn hơn bất cứ môn nào. Em đã đọc bao nhiêu lần truyện dài Mùa Biển Động và trường thiên dã sử Sông Côn Mùa Lũ của Thầy, mỗi lần đọc lại thấy thêm cái hay.
Năm 85, liên lạc được với Thầy, em đã chép tặng Thầy bài thơ “Bông
Cỏ May” có mấy câu:
”Ngọn cỏ ốm là dáng gầy của Mẹ
Đám cỏ khô là mái tóc của Cha
Em muốn hiện thân làm bông cỏ dại
Bám gấu quần về thăm mái nhà xưa…”
Nay Thầy không cần phải làm bông cỏ dại để bám gấu quần về thăm mái nhà xưa mà hương hồn Thầy đã về lại bên kia, với quê hương, với tổ tiên.
Vĩnh biệt Thầy.
Nguyên Lương
Horsham, 3 Tháng 7, 201
{jcomments on}
Chân dung và tư tưởng của Thầy chúng ta cũng đã gặp trong những tác phẩm của Thầy nhưng BXP đã ghép thành những vần thơ trong sáng, rất ý nghĩa. Thích nhất vẫn là:
“Mộng là giả cuộc đời hư ảo
Giác là chơn tánh Phật thường còn
Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.”
Cám ơn BXP đã viết về một Người Thầy đáng yêu, kính.
Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.
Hay và chính xác với Người.
Bài thơ Tưởng niệm về thầy NGUYEN MỘNG GIÁC của BXP hay quá !
Bạch xuân Phẻ có phải là anh trai của Bach xuân Lộc không dzậy !sao có sự trùng họ hay quá! nếu không anh em cũng là bà con họ hàng….của người Nhơn Lý ! xin chào Giòng họ BẠCH XUÂN từ nay xin được đọc những bài thơ kế tiếp nữa nhé!
Phe là cháu, con của người anh con ông Bác của Lộc đó chị Loan ơi.
Nguyễn Mộng Giác lúc trẻ răng khễnh cười có duyên..
MỘNG là giả cuộc đời hư ảo
GÍAC là chơn tánh Phật thường còn
NGƯỜI đi sợi nắng vừa loang
VĂN thanh thi tứ vỡ toang vô thường.
Bốn câu thơ BXP viết về thầy NMG rất hay , đậm đà tình yêu thương và lòng tôn kính Thầy. Cám ơn BXP.
“Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.”
2 câu thơ tiễn biệt người đồng hương NMG hay lắm, xin chào Bạch Xuân Phẻ.
Tình Đồng Hương Qúy Lắm Người Ơi!
“Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.”
Hay quá là quá hay .
Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.
Hai câu cuối bàng bạc một trời thơ .
“Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.”
Hai câu tiễn biệt thầy hay lắm.
“Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.”
Hai câu thơ thật hay để tiễn biệt một “Người Văn” tài hoa vừa nằm xuống.
Một bài thơ tưởng niệm người đồng hương lồng vào đó là những tác phẩm nỗi tiếng và ca ngợi văn tài của người vừa nằm xuống rất thanh thoát , cám ơn tác giả .
Tác giả nhớ người đồng hương rất sâu sắc.
Chân thành cám ơn quý anh chị và quý bạn đã đọc thơ và chia sẽ cảm nhận .
Trân trọng.
BXP