Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ

Mời xem Video Hoa Bưởi Vượt Thái Bình Dương của Nguyên Nhung.HX

* Quần Đảo Hạ Uy Di

Đêm qua tự nhiên tôi lại nhớ đến bức tranh thêu bản đồ nước Mỹ của bà
Laura,  thêu tượng trưng vài vòng tròn nhỏ, rải rác ngoài khơi Thái
Bình Dương là quần đảo Hạ Uy Di, nằm gần nhau theo chiều ngang như xếp
hàng trong mênh mông của đại dương.

Tôi mới từ Hạ Uy Di về, trong đầu vẫn còn âm vang tiếng sóng vỗ bờ rào
rạt suốt đêm khuya, một buổi tối lang thang ra ngắm biển đêm. Bập bùng
những ngọn đuốc dọc theo bờ biển, như ánh lửa của người thổ dân
Hawaiian và tiếng nhạc tiếng trống rền rĩ trong khung cảnh núi rừng
hoang dã.

Phải vượt qua 3 chuyến bay và chờ đợi ở các phi trường nên đã mất hết
một ngày trôi nổi với mây trời, phi cơ nghiêng cánh trên vùng biển đêm
để đáp xuống phi trường Honolulu, ánh sáng từ bao nhiêu con tàu đậu
trên biển cho tới ánh đèn của thành phố Waikiki lấp lánh như một viên
kim cương khổng lồ. Hạ Uy Di thao thức và sống động gần như suốt đêm,
khách du lịch vẫn tản bộ thật thong dong, dòng xe trong lòng đường vẫn
không ngủ.

Phi trường Honolulu nằm trên hòn đảo Oahu, một trong 19 hòn đảo lớn
nhỏ nằm rải rác trên Thái Bình Dương, thủ đô của Hawaii là Honolulu
cách lục địa khoảng 2300 dặm, là tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ được công
nhận ngày 21 tháng 8 năm 1959. Đây cũng là tiểu bang có nhiều sắc dân
gốc Á nhất Hoa Kỳ, với khí hậu nhiệt đới và ẩm ướt, nắng mưa bất chợt
như tuổi dậy thì của thiếu nữ đang yêu, khiến người xa đến đây cứ ngỡ
là một thành phố thuộc Châu Á, nhưng thực ra nó không thuộc về châu
lục nào.

Những hòn đảo tượng trưng bé bằng hột đậu xanh trong bức tranh thêu
bản đồ nước Mỹ của bà Laura, thật ra được hình thành từ núi lửa
Kilauea, chưa kể còn có đảo san hô mà chắc không có người sinh sống.
Ngoài hai hòn đảo lớn như Oahu và Hawaii thì những đảo khác như
Niihau, Kauaii, Molokai, Lanaii, Mauii đều nhỏ nhưng vẫn có người sinh
sống, môi trường do núi lửa xói mòn nên hình thể rất đẹp, núi non, cây
cối chen nhau mọc trên các triền đồi chênh vênh, ven đường giây leo và
những bụi hoa giấy đủ màu, những cây hoa sứ màu vàng sữa hay trắng
muốt  phả mùi hương phảng phất trong nắng gió, mênh mang lẫn vào cái
buồn của núi đồi hoang dại.

Chuyến đi này lại một lần nữa tôi theo chân đoàn  Biên Hoà Hoa Bưởi
vượt Thái Bình Dương, để nhớ lại cách đây vài năm tôi cũng được tháp
tùng trong chuyến Hoa Bưởi Vượt Đại Dương thăm các nước Âu Châu.
Chuyến nào cũng vui và gắn bó tình đồng hương thân thiết,  tôi càng
cảm nhận ra cái tình đoàn kết, thương yêu rất cần thiết cho một chuyến
đi dài. Nếu may mắn đi chơi xa có vợ chồng, con cái đi theo thì đã lấy
làm quý lắm, nhưng những ai lẻ loi nếu đi chung với đoàn Hoa Bưởi,
chắc chắn sau chuyến đi trở lại nhà cảm giác cô đơn sẽ không còn, vì
sự chân tình của mọi người đối với nhau sẽ làm ấm bao nhiêu con tim
mang mối sầu cô quạnh.

Đoàn Hoa Bưởi đến Hawaii chưa đầy 30 người, quá rộng cho chuyến
“school bus” chở học sinh , vào mùa hè  chở  thuê cho du khách đi
thành nhóm đông người để lấy thêm lợi tức cho trường học. Thế cũng
tiện, với một gía cả tương đối nên việc chia nhau tiền chuyên chở cho
một chuyến xe rất nhẹ túi cho du khách, mà lại được thăm nhiều nơi
trong một ngày dài, ngừng lại bên đường để nhìn bao quát cảnh đẹp của
Hawaii trong một sáng còn mù sương.

Tuyệt vời nhất là phương tiện giao thông ở Hawaii, ngoài xe taxi thì
xe bus, “trolley” đan nhau nườm nượp đón khách từ trạm để tỏa đi khắp
nơi, nên ai cũng có thể yên tâm đi đến nơi về đến chốn. Ngay tại các
khách sạn cũng  giới thiệu cho du khách liên lạc với các chuyến Tours
đi thăm các địa điểm du lịch rất nhiều, khỏi mất công loay hoay tìm
kiếm.

Riêng tôi, thú nhất vẫn là được làm khách bộ hành, lang thang trên các
con phố lúc nào cũng sạch bóng và đông người qua lại. Người lái xe ở
đây rất lịch sự, rất từ từ và ưu tiên cho khách bộ hành cứ thong thả
băng qua đường, đi dưới những hàng cây rì rào vì từ đây ra biển chỉ đi
bộ khoảng 15 phút. Trước khách sạn là “International Market”, gọi nôm
na là khu chợ Trời bán trái cây họp chợ vào những ngày thứ Năm trong
tuần, và hình như bán đủ thứ từ thức ăn cho đến quần áo vào mỗi ngày,
nếu ngại đi xa lên phố Tàu để kiếm một quán phở Tàu nhiều thịt và
bánh, nhưng sặc mùi quế mùi hồi thì ôi thôi không nuốt được. Thôi hãy
vào đây ăn uống với một gía phải chăng, món ăn cũng đa dạng nhiều khẩu
vị của mọi quốc gia.

Vào một gian hàng bán thức ăn, nói vài câu tiếng Anh thông dụng để
“order” món ăn, chủ và khách mới cười xoà nhận ra nhau là người Việt,
và thế là đĩa cơm trắng có cá chiên hôm ấy không quên xin thêm chén
nước mắm pha chua ngọt, đặc biệt chỉ xứ mình mới có loại nước chấm pha
chế tuyệt vời như thế! Buổi tối nơi khu chợ trời bán các áo hoa sặc sỡ
cho du khách đến Hawaii, những chiếc xà rông hoa thật đẹp mà gía thì
quá rẻ, quần áo trẻ em và các đồ lưu niệm, tôi gặp một lúc vài gian
hàng của người Việt. Các em tương đối trẻ, thế hệ thứ hai của những
gia đình Việt Nam ở đây, không ở tuổi còn cắp sách mà là bươn chải ra
chợ đời để kiếm sống, nghe nói miền này sống dựa vào du lịch, không
hãng xưởng sản xuất hay rất ít nên  không có việc làm, đa số nhảy ra
buôn bán, lợi tức thu hoạch nhờ khách du lịch. Những năm về trước nghề
chạy “Taxi” còn khá, sau này phương tiện giao thông của chính phủ dồi
dào và tiện lợi nên cũng xuống dốc, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu người
đi du lịch cũng gói ghém tính toán hơn xưa nên đời sống ở đây cũng khá
vất vả. Đám trẻ hơn đang tuổi đi học thì thường muốn bay về đất liền
để thăng tiến và tìm việc làm dễ hơn, Hawaii nhờ khí hậu trong lành
nên rất tốt cho trẻ con và người gìà thường có tuổi thọ cao. Về mặt an
ninh thì ở đây con số tội phạm ít ỏi, chính là vì bốn bề biển bao
quanh, các tay anh chị khó thoát lưới pháp luật, khi di chuyển từ đảo
này sang đảo kia đều phải dùng phi cơ hay tàu.

Bình minh Hawaii:

Trời chưa sáng hẳn, từ phía siêu thị nằm phía sau khách sạn đã nghe
tiếng chuyển động của các xe chở hàng, sáng hơn một chút thấp thoáng
vài chiếc “bus” đến đón khách du lịch bắt đầu một ngày ở quần đảo Hạ
Uy Di. Trước tiên phải đi thăm một vòng đảo cho biết, tuỳ theo yêu cầu
của “tour guide” để đến một nơi nào đó, chúng tôi dừng lại ở một triền
núi thấp nhìn ra thung lũng và núi rừng Hawaii còn mơ ngủ trong màn
sương, đỉnh núi xa vẫn mờ mờ trong sương mịt mù như dưới một cơn mưa
phùn thật nhẹ. Ngất ngây vì vẻ đẹp của núi rừng còn ngái ngủ, mọi
người dừng lại ghi vội vài tấm hình hay khúc phim làm kỷ niệm. Ở Pali
Look Out nhiều gió nên đứng một lúc là đã thấy lạnh người, nhìn xuống
thung lũng cứ tưởng như bị cuốn theo chiều gió. Xa xa thấp thoáng một
ngọn núi mờ nhạt mà người ta gọi là Chinese Hat, vì nó rất giống cái
mũ của người Trung Hoa.

Chùa Nhật Bản ở Hawaii:

Tiếp tục cuộc hành trình, xe đưa du khách đến thăm một ngôi chùa Nhật
kiến trúc rất đẹp, bên cạnh chùa thoai thoải một ngọn đồi thấp là
nghĩa trang bia mộ tuyền một màu đen. Có tiếng chuông  thả từng giọt
buồn vào không gian im vắng, nhẹ như hạt sương trong trẻo rơi vào tâm
hồn của khách lãng du. Còn trong khuôn viên của chùa bao quanh bằng
vườn thông, tre trúc, du khách thoáng thấy một đài tưởng niệm dành
riêng cho những người lính cả hai bên Nhật và Hoa Kỳ đã nằm xuống
trong trận đánh Trân Châu Cảng năm xưa, kết quả là hai quả bom nguyên
tử thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật , kết thúc thế
chiến thứ II năm 1945.

Trung Tâm Đa Văn Hoá Polynesian:

Trời lại xầm mặt xuống với một cơn mưa nhỏ, xe chạy vòng quanh ngọn
đồi để du khách nhìn bao quát một lần nữa khu nghĩa trang màu đen lặng
lẽ đến  nao lòng người. Xe chuyển bánh về hướng Bắc của đảo Oahu, đến
trung tâm đa văn hoá Polynesian, được gọi là Polynesian Cultural
Center . Sở dĩ nó mang tên này vì đây là một khu giải trí lành mạnh,
những màn trình diễn hay cách kiến trúc đều mang tính cách văn hoá của
quần đảo Thái Bình Dương.

Bước vào cổng, nếu thích bạn có thể mua một vòng hoa tượng trưng cho
vùng biển xanh, một thiếu nữ xinh đẹp nước da nâu hồng sẽ choàng vòng
hoa lên cổ bạn. Nhưng nếu cần phải tiết kiệm bạn đừng mua vòng hoa do
các thiếu nữ thổ dân choàng lên cổ nhé, vì gía của nó đắt gấp mười lần
mua ở ngoài phố, chuyến đi của bạn còn nhiều thứ phải tiêu đấy. Quá
bước vào trong một chút là mọi người có thể tham gia vào những Shows
hoàn toàn không phải trả tiền (ai cũng phải mua cái vé vào cửa khoảng
85 mỹ kim rồi mà!). Thôi thì vào xem một thanh niên thổ dân đang biểu
diễn màn vắt nước cốt dừa với hai bàn tay rất khỏe mạnh của anh ta,
sau đó một chàng thổ dân leo lên cây dừa cao nghệu để hái dừa, và còn
đòi nhảy xuống biểu diễn cho mọi người xem. Khách du lịch hồi hộp sau
mấy phút chờ đợi , nhưng người biểu diễn khoái chí hét lên “Are you
crazy?” thế là ai cũng phải té ra cười nghiêng ngả, đời nào anh ta lại
muốn gãy xương cho phí một đời trai!

Những thân dừa ở đây cũng rất ngộ, nhiều cây chắc ảnh hưởng của gió
lại cong vòng xoắn chứ không nghiêng bóng dịu dàng như bóng dừa ở quê
mình. Chưa hết đâu, cảnh chèo thuyền trên sông với mái chèo vừa vặn
trong tầm tay, để mặc cho con thuyền trôi xuôi theo dòng nước. Cảm
giác được trở về dòng sông quê nhà như sống dậy, gìa trẻ lớn bé đều có
thể nhập cuộc chơi thỏa thích mà không phải trả một xu teng nào. Hoặc
du khách có thể ngồi phây phả trên đò để ngắm cảnh hai bên bờ, đò từ
từ đi qua những bến nước có bóng dừa và các loại hoa miền nhiệt đới,
ngay cả những loại cổ thụ thì cây cũng chi chit đơm hoa.

Đò cập bến rồi phải lên thôi, hay muốn đi thêm một chuyến nữa  thì lại
xếp hàng đợi chuyến kế tiếp. Nắng hình như gay gắt hơn, mọi người nghỉ
chân trên bờ kinh uống nước chờ màn biểu diễn múa bụng ( hula hup) của
các sắc dân sống trong quần đảo Hawaii: Samoa, Maori, Tonga, Eater
Island, Tahiti … Đây có lẽ là màn trình diễn hấp dẫn nhất trong các lễ
hội của thổ dân , những chàng trai lực lưỡng cuồn cuộn bắp thịt, những
thiếu nữ da nâu hồng xinh đẹp trong chiếc váy nhiều màu sặc sỡ , khi
lắc lư gào rú như thác đổ , lúc êm nhẹ như suối reo trong rừng vắng.
Nhạc lan lan trên sông và tiếng trống bùm bùm từng hồi hoà theo tiếng
chân giậm thình thịch trên chiếc thuyền hoa khiến ai cũng thấy bừng
bừng sức sống.

Mọi người tản mát đi tìm trò chơi mới, thăm các căn nhà xưa của các bộ
tộc để biết cách sống của những tộc trưởng ra sao, và khi xem xong rồi
nếu cảm thấy thích thì hãy cùng một thiếu nữ người Tahiti nhảy muá
điệu Hula  trong tiếng trống dập dồn. Với trò chơi vui vẻ này làm tôi
lại nhớ đến những đêm đốt lửa trại thời đi học, rồi cùng nhau hát
những bản nhạc có âm hưởng núi rừng cao nguyên, tay nắm tay nhau chạy
quanh đống lửa, lòng phơi phới yêu đời và yêu người, bây giờ làm gì
còn những phút vui hồn nhiên như thế!

Vẫn còn dư thời gian thì đây đã có một chiếc xe “bus” chờ sẵn chở bạn
chạy ra khỏi khu Văn Hoá. Tưởng sao, xe chạy vào thánh địa của nhà thờ
Mormon, và sau khi viếng nhà thờ còn được xem một đoạn phim ngắn, kể
chuyện về thời kỳ đầu tiên những nhà truyền giáo Mormon đến hòn đảo
này, họ đã ra sức khai phá miền đất mới lúc đó còn hoang vu, đồng thời
cũng khai tâm cho người thổ dân để có một đời sống văn minh hơn. Do đó
sau này thổ ngữ chỉ còn tên trên những con đường, còn hầu hết mọi
người đều nói tiếng Anh, và bớt dần đi những hủ tục tế thần có tính
cách man rợ. Bữa tiệc tối được khoản đãi tôi đã ngờ ngợ nhận ra rằng
đây  là một trung tâm Văn Hoá của giáo hội Mormon, vì món thức uống
trái cây đặc biệt của địa phương đựng trong trái dứa được khoét ruột,
lại thiếu mùi rượu dứa như ở các quán nước  ngoài phố. Sau mới biết là
Trung Tâm Polynesia của giáo hội Mormon, được hình thành là để gây quỹ
làm học bổng giúp cho những học sinh bản xứ có phương tiện học hành,
hy vọng họ quay về xây dựng và nâng cao đời sống các cộng đồng của
người thổ dân tại Hawaii. Thật là một nghĩa cử văn hoá rất đáng trân
trọng.

Trời đã về chiều, cuộc vui chưa tàn vì với cái vé vào cửa bạn sẽ còn
được thưởng thức một  màn trình diễn tuyệt vời  trên một sân khấu lộ
thiên rất hùng vĩ. Hùng vĩ vì có thác đổ lẫn trong tiếng thông reo,
những ngọn đèn bài trí rất nghệ thuật và cũng vì ánh trăng đêm ấy toả
ánh sáng huyền ảo xuống rừng khuya hoang dã. Tất cả các máy chụp hình
và quay phim không được chụp hay thu màn trình diễn đặc biệt của họ,
các thanh niên thiếu nữ diễn lại sự tích lịch sử của một người thổ dân
từ lúc chào đời cho đến ngày cuối cùng của anh ta, được sinh ra trên
mảnh đất hoang vu do núi lửa tạo thành. Cũng khởi đầu và kết cuộc như
bao câu chuyện khác, cũng lúc bình yên và cũng có chiến tranh giữa bộ
tộc này với bộ tộc khác, họ phải chiến đấu để sinh tồn trên mảnh đất
mà ngày nay chúng ta gọi là Hawaii, hòn đảo thần tiên. Cuối cùng là
một màn múa lửa vô cùng ngoạn mục mà hình như chưa từng được xem trên
bất cứ sân khấu nào, đó cũng nhờ vẻ hoang dã của núi rừng thiên nhiên
tạo thành một bức phông tuyệt tác.

Thế là hết một ngày ở Hawaii, xe đã tới đón mọi người về khách sạn. Ai
cũng thấm mệt nhưng hài lòng với chuyến đi khám phá được nhiều cái hay
cái lạ, ở một hòn đảo xa xôi mà ngày xưa mỗi lần nghe nói lại chỉ nghĩ
là  truyện cổ tích.

Đêm đã khuya , từ tầng trên của khách sạn nhìn ra phong cảnh bên
ngoài, Hạ Uy Di vẫn nhấp nháy ánh đèn như một thảm kim cương diễm lệ.
Nguyên Nhung
(Summer in Hawaii, 2012){jcomments on}

 

0 thoughts on “Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ

  1. Giáng Hương

    Đọc bút ký, nhìn ảnh và du khách một mình Nguyên Nhung đã minh họa đúng là:
    Hawaii, hòn đảo thần tiên.

    Reply
  2. Gấu nhí nhảnh

    Mẹ ui bửa nào bố mẹ dẫn chúng con du lịch Hawaii nghe.
    Thấy cô Nguyên Nhung viết hay lắm.

    Reply
  3. Dạ Lan

    Một bài viết hay .Đi sống và viết… Xứ lạ nhưng sao quá gần có lẽ nhờ lối văn quyến rũ của tác giả, cám ơn Nguyên Nhung.

    Reply
  4. Kim Đức

    “…Chuyến nào cũng vui và gắn bó tình đồng hương thân thiết, tôi càng cảm nhận ra cái tình đoàn kết, thương yêu rất cần thiết cho một chuyến đi dài. Nếu may mắn đi chơi xa có vợ chồng, con cái đi theo thì đã lấy làm quý lắm, nhưng những ai lẻ loi nếu đi chung với đoàn Hoa Bưởi, chắc chắn sau chuyến đi trở lại nhà cảm giác cô đơn sẽ không còn, vì sự chân tình của mọi người đối với nhau sẽ làm ấm bao nhiêu con tim mang mối sầu cô quạnh.”
    Bút ký sau chuyến đi Hawaii, NN đã làm lôi cuốn người đọc bởi lối viết văn chất chứa nhiều cảm xúc chân thật, lối tả cảnh sinh động, quyến rũ người đọc. Cám ơn nhà văn NN. Chúc vui.

    Reply
  5. Nguyên Nhung

    Cảm ơn QT nhiều lắm, và cũng nhờ bạn chuyển lời cảm ơn của NN đến các bạn đã chia xẻ với NN về bài viết về Hawaii, hy vọng là trong những bài viết tới NN sẽ gửi để kể chuyện từ xa cho các bạn cùng biết về quần đảo thần tiên này. Tuy vậy khi bước sang Hawaii, Big Island thì Hawaii không hẳn còn là một vùng đất mà mình có thể sống, vì đất đai khô cằn do nham thạch từ núi lửa phun lên, ngay cả bãi biển cũng đen ngòm và giữa đồng cỏ hoang vu là những đám khói rải rác khắp nơi, vùng của thần lửa mà ai biết được lúc nào nó sẽ hoạt động trở lại.
    Khi nào viết xong những phần này NN sẽ chuyển cho các bạn xem.
    Bây giờ thì QT thưởng thức những thước phim do anh nhà mình quay cho mọi người đi nhá!
    Thân chúc vui khoẻ.
    NN

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.