La San ngày ấy…

* Tiếng đàn Violon  nhạc sĩ Nguyễn trong Les Flots Du Danube

J. Ivanovici

Tôi vào Đệ Thất 1, ban Pháp văn trường La San Bình Lợi Qui Nhơn niên
khóa 1961-1962. Trường gồm một dãy nhà một trệt một lầu đơn giản theo
lối xây cất ngày ấy, nằm sát một bên hông nhà thờ chánh tòa Qui Nhơn.
Một hàng rào bao bọc xung quanh trường, cổng trước hướng ra đường Gia
Long, một cổng phụ để tiện việc qua nhà thờ và một cổng phụ nữa ở phía
bên kia là lối qua tòa Giám mục. Sau lưng trường là một hàng cây keo
cổ thụ, trái keo chín đỏ hồng, lủng lẳng làm đám học trò chúng tôi
thèm thuồng.

Frère Lucien Quảng là Hiệu Trưởng, các frère khác như F. Savier Việt
Hồng, Frère Hubert, Guillaume, frère Thịnh Lộc, frère Minh dạy nhạc
chuyên chơi violin và nhiều frère khác tôi quên tên… cùng một số thầy
phần đông là người công giáo được mời dạy tại trường như Thầy Hòa dạy
Văn, Thầy Diên dạy Lý Hóa, Thầy Thức dạy Việt văn, Thầy Hậu dạy nhạc,
Thầy Thuận dạy nhu đạo và phụ trách thể thao, sinh hoạt học đường…

Trường lúc ấy chỉ mở từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, mổi cấp lớp hình như chỉ có
4 lớp ví dụ Đệ Thất thì có Thất 1, Thất 2, Thất 3 (ban Pháp Văn), Thất
4 (ban Anh văn). Các cấp lớp khác như Lục, Ngũ, Tứ cũng vậy. Các lớp
nhỏ Thất Lục học ở tầng dưới, Ngũ Tứ học ở trên lầu. Trường có một văn
phòng lo việc hành chánh, phòng Hiệu Trưởng và phòng Đại lý phụ trách
về học đường và học phí. Bên hông giáp Toà Giám mục có một dãy nhà
ngang là nơi tập Nhu Đạo do thầy Thuận phụ trách. Một sân bóng rổ khá
khang trang lúc nào cũng không ngớt học sinh luyện tập. Học sinh thuộc
lớp nhỏ như chúng tôi khó chen vào sân bóng rổ, chỉ mon men được chơi
vào những giờ rảnh như buổi trưa hoặc… hoàng hôn(!) Sân bóng chuyền
thì gồm hai trụ gỗ, khi nào thầy Thuận căng lưới ra mới được phép
chơi, ngoài ra chỗ nào trên sân trường cũng là sân bóng tròn, mỗi lớp
dành một khu vực cho riêng mình, thỉnh thoảng thách đấu giữa lớp này
lớp kia và trọng tài thường là các học sinh lớp lớn có thành tích về
thể thao.

Giáo sư hướng dẫn lớp tôi là frère Việt Hồng (còn gọi là frère Savier
và là em ruột của frère Hiệu Trưởng). Frère Việt Hồng có khuôn mặt
nghiêm nghị, ít thấy nụ cười, giọng Bắc khúc chiết rõ ràng. Frère dạy
Pháp văn rất nghiêm túc, phải nói là khó tính, luôn dò bài học sinh
bất cứ lúc nào. Trò nào trả lời không trôi chảy là bị phạt cấm túc,
nghĩa là tan học không được về dù cha mẹ có tới đón thì frère trả lời,
“Con của ông bà chưa thuộc bài, phải ở lại học cho thuộc rồi mới được
về.” Cả lớp chúng tôi chẳng ai mà thoát khỏi hình phạt này. Có hôm
chúng tôi bị phạt ở tại lớp đến gần xế chiều, đói bụng quá đợi lúc
frère lên phòng trên lầu, chúng tôi lẻn ra hàng keo phía sau trường
khèo vội vàng mấy chùm keo chín để đỡ lòng! Giờ học của Frère Việt
Hồng dài như thế kỷ, đầy căng thẳng và âu lo. Tuy nhiên nhờ vậy mà
chúng tôi rất giỏi Pháp văn so với các lớp khác cùng cấp kể cả với các
trường ngoài.

Sau này Frère Thịnh Lộc thay Frère Việt Hồng đổi đi nơi khác. Frère
Thịnh Lộc rất trẻ, trắng trẻo, nói tiếng Nam êm đềm, nhưng đôi lúc
cũng nghiêm khắc chẳng kém. Tôi còn nhớ có lần trong giờ Pháp văn học
về màu sắc (couleurs) một bạn trong lớp đã trả lời câu hỏi của Frère
như sau:

– Mon pantalon est rouge (quần tây của tôi màu đỏ)

Không hiểu sao mặt của Frère Thịnh Lộc đỏ bừng giận giữ, Frère nói nửa
Tây nửa ta:

– Cái gì? Ton pantalon est rouge? Anh mà mặc quần tây màu đỏ đến đây
tôi sẽ xé nó ra từng mảnh bây giờ!

Chúng tôi chợt hiểu ra là đối với Frère và đối với thời đó, quần tây
không thể có màu đỏ. Giờ nghĩ lại tôi không khỏi thầm nhủ giá mà Frère
chứng khiến thời đại bây giờ người ta ăn mặc bất cứ thứ gì người ta
muốn. Nhưng mỗi thời mỗi khác phải không các bạn?

Mới vào lớp Đệ Thất bập bẹ mà chúng tôi phải làm dấu Thánh Giá và đọc
kinh Kính Mừng bằng tiếng Pháp trước mỗi buổi học. Lúc đầu nghe lủng
củng nhưng càng về sau càng nhuần nhuyễn dần dần, đến bây giờ tôi vẫn
còn thuộc nằm lòng bài Kinh đó. Chưa hết đâu, cứ mỗi lần ra chơi là
chúng tôi tránh gặp mặt các Frère vì nếu gặp thì các Frère sẽ ngoắc
lại:

– Venez ici, parlez en francais avec moi! (Lại đây, ta nói chuyện bằng
tiếng Pháp nhé!)

Thế là nạn nhân cứ đứng như trời trồng, mặt mày đỏ bừng như muốn chui
xuống đất… trông tiếng chuông reo kết thúc giờ chơi. Sau chúng tôi mới
hiểu là các Frère muốn chúng tôi quen nói chuyện bằng sinh ngữ mình
đang học. Học thì phải hành chứ! Điều đó thật hay.

Frère Hiệu Trưởng Lucien Quảng có dáng người gầy gầy, nét mặt phúc
hậu, hai tay thường chắp phía sau lưng, nụ cười hiền từ luôn mỉm trên
môi. Giọng nói của ngài từ tốn, hòa nhã nên chúng tôi thấy gần gũi
thân quen. Hai tuần một lần Frère vào từng lớp phát thành tích biểu
cho các học sinh xuất sắc từ thứ 1 đến thứ 4. Mỗi lần như thế Frère
luôn khích lệ những ai chưa từng đạt thành tích biểu, giọng Frère hiền
hậu nhưng rất thuyết phục khiến học trò chúng tôi đều tự hứa phải cố
gắng khá hơn.

Frère Minh hiền từ nhỏ nhẻ như thiếu nữ, kể cả giọng nói chuyên trách
về âm nhạc. Ngài đàn violin rất hay có thể nói là bậc thầy. Cây đàn
của ngài rất quý, sáng bóng dù trải qua bao năm tháng. Ngoài việc phối
hợp với thầy Hậu dạy nhạc (thầy chơi accordéon), frère còn hướng dẫn
một lớp học violin khoảng hai chục học sinh của trường. Mỗi tuần hai
lần chúng tôi đang học phải bị lo ra vì tiếng violin hỗn hợp khó nghe
vang từ trên lầu xuống. Bạn biết đấy, tiếng violin của người mới học
thật khó nghe, èo ẹt cứ như là tiếng thọc huyết heo, huống chi ở đây
có tới 20 con heo đang bị thọc huyết. Ban đầu chúng tôi phàn nàn với
Frère thì ngài mỉm cười nhỏ nhẹ bảo chúng tôi cứ kiên nhẫn sau này các
học viên violin sẽ ru hồn các con đó! Ru hồn đâu chẳng thấy, mỗi lần
đang học cứ nghe tiếng violin hỗn hợp ấy là chúng tôi khó chịu, riết
rồi tôi cũng ác cảm với cây đàn violin luôn.

Biết tôi có năng khiếu về âm nhạc (lúc ấy phải khoe là tôi chơi
mandoline khá rành, đã chơi cho ban Tuổi Xanh cho đài truyền thanh Qui
nhơn, hồi đó chưa có đài phát thanh). Frère Minh khuyến khích tôi học
violin. Tôi từ chối dù riêng tôi Frère không thu học phí . Để thuyết
phục tôi, Frère Minh đã dắt tôi lên phòng của ngài cho tôi nghe các
đĩa nhạc hòa tấu (đĩa nhựa 33 hoặc 45 tua chứ không phải CD như bây
giờ) trong đó tiếng violin luôn là giọng chính. Sau đó ngài tận tâm
giảng giải cho tôi về cách thưởng thức âm nhạc cổ điển tây phương. Lần
hồi tôi mê nhạc hồi nào không hay và theo Frère học violin. Kể từ đó,
cây đàn violin gắn bó với cuộc đời tôi, tôi biết chơi nhiều nhạc cụ
khác nhưng violin vẫn là thứ đàn tôi trân quý nhất. Viết đến đây tôi
không khỏi ứa nước mắt khi nhớ đến vị thầy tài hoa hiền hậu đã từng
dẫn dắt tôi những bước đầu tiên vào thế giới ảo huyền của âm nhạc. Vị
thầy khả kính của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống trong tết Mậu Thân 1968
tại Huế. Mỗi lần nâng cây violin lên vai là tôi đau đớn nhớ đến ngài,
ôi đúng là, “Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay!” (Kiều).

Một hôm đang ngồi học, người thư ký vào lớp và nhắn rằng tôi phải gặp
Frère Hiệu Trưởng. Tôi hồi hộp bước ra mà không hiểu chuyện gì. Đến
khi gặp Frère Hiệu Trưởng thì ngài cho biết là sáng ngày mai mời ba má
tôi tới trường để Frère nói chuyện. Tôi ra về lòng càng lo âu, kiểm
điểm lại thì tôi thấy mình chẳng có một lỗi nào, bài vở làm đầy đủ
điểm cao, học phí thanh toán đâu ra đấy không trễ hẹn. Sáng hôm sau vì
ba tôi đi làm xa nên má tôi cùng tôi đến trường. Sau khi chào hỏi xong
xuôi Frère Hiệu Trưởng nói với má tôi:

– Tôi đại diện cho nhà trường xin phép gia đình cho trường chúng tôi
được nuôi con của ông bà ăn học đến nơi đến chốn, mọi phí tổn chúng
tôi trợ cấp, xin ý kiến của ông bà như thế nào?

Má tôi lúng túng trước đề nghị bất ngờ đó nên xin phép để suy nghĩ bàn
bạc trong gia đình rồi trả lời sau. Về sau gia đình tôi cảm ơn nhà
trường đã có nhã ý nhưng xin từ chối đề nghị đó với nhiều lý do mà chỉ
có ba má tôi và anh trưởng của tôi biết. Tôi tò mò hỏi má tôi hoài sao
lại từ chối thì má tôi cười nói nửa đùa nửa thật rằng nhà trường đã
chọn tôi để cho ăn học thành Frère (đi tu) của dòng La San. Thật vậy
không thì đến giờ này tôi cũng chưa chắc chắn lắm, nhưng mãi sau này
vợ tôi hay được chuyện đó nàng tuyên bố một câu xanh rờn:

– Em thấy gia đình anh đã có một quyết định thật là sáng suốt!

Tôi mỉm cười nhìn nàng nói rằng anh cũng có ý nghĩ giống em. Ra ta hợp tâm đầu!

Suốt trong thời gian học ở La San, ngoài văn hóa phổ thông như bao
trường khác, tôi đã học hỏi ở các frère, các thầy phong cách làm việc
khoa học, tính dấn thân, hài hòa giữa đạo đời, tinh thần bác ái vị tha
và lòng yêu mến người vô biên. Trong những dịp sinh hoạt như du ngọan
nhà thờ Sông Lòng Sông, cắm trại ở Cát Chánh (1961) hay tham gia hát
lễ cho nhà thờ chánh tòa, thăm viếng tòa Giám Mục, sinh hoạt cùng các
trường bạn, đặc biệt là trường Trinh Vương, hoặc kỷ niệm ngày bổn mạng
của Thánh Gioan La San… tôi cùng bạn đồng lớp học hỏi bao điều hữu
ích và đem ứng dụng trong cuộc đời mình. La San quả là nơi dạy cho học
trò chúng tôi thành con người toàn diện về văn hóa và đạo đức. Công ơn
ấy suốt đời tôi không quên.

…Năm 2000, trong dịp dự thánh lễ cầu nguyện cho một người cháu trai
khấn trọn đời dâng mình cho dòng La San tổ chức tại Tu viện Mai Thôn
(Bình Quới -Sài Gòn) tôi bất ngờ gặp lại Frère Lucien Quảng Hiệu
Trưởng La San Bình Lợi Qui Nhơn ngày xưa. Ngài đã ngoài tuổi bát tuần.
Mặc dầu hơn 40 năm qua ngài vẫn còn nhớ tôi và câu chuyện ngày cũ. Tôi
xúc động đến rơi lệ nhất là lúc Frère Hiệu Trưởng tin cho tôi biết tin
Frère Minh thầy dạy nhạc của tôi không còn nữa!

Hình ảnh chiếc áo dòng đen có đính cổ trắng của các Frère La San tôi
mang theo suốt trong đời dẫu vì hoàn cảnh tôi cũng chỉ theo học ngắn
ngủi tại trường La San vỏn vẹn một niên khóa (1960-1961). Nhưng như
các bạn đã nói, một ngày cũng là La San, phải không các bạn?

***
Hình như định mệnh sắp xếp cho tôi phải vào học trường La San Bình Lợi
Qui Nhơn trong một thời gian ngắn ngủi. Niên khóa 1960-1961 chấm dứt,
tôi “tốt nghiệp” tiểu học Nguyễn Huệ với hạng nhất. Khí thế ngút ngàn,
tôi nộp đơn thi vào Đệ Thất trường Cường Để lòng đầy tự tin. Kết quả
khá bất ngờ không như mong muốn, bảng vàng không thấy tên tôi. Tôi
ngạc nhiên và đau khổ, ngạc nhiên vì bài thi tôi làm khá hoàn chỉnh,
đau khổ vì các bạn cùng lớp thứ hạng sau tôi mà ngang nhiên hãnh diện
vào Cường Để hẳn hoi. Anh hai tôi ngạc nhiên chẳng kém, vốn là nhà
giáo anh tôi nhờ các bạn đồng sự trong cuộc chấm thi lục tìm bài thi
của tôi để kiểm tra. Thêm một kết quả bất ngờ khác, tôi rớt vì bài thi
viết bằng hai thứ mực, có nghĩa là bị nghi là cố ý đánh dấu. Tôi lặng
người nhớ lại quả thật tôi đã vô tình dùng hai loại mực trong cuộc
thi. Vô tình hay cố ý thì rớt vẫn hoàn rớt, con đường học vấn của tôi
gặp phải trở ngại ngay từ bước đầu.

Không được vào Cường Để thì phải học trường tư. Bồ Đề, Nhân Thảo, Tân
Bình, La San (hồi đó chưa có Tây Sơn) chọn trường nào? Anh tôi chọn
cho tôi vào học La San vì tin tưởng vào tài năng và đức độ của các sư
huynh dòng La San. Dĩ nhiên là không thể học Trinh Vương vì trường chỉ
dành cho nữ sinh.

Vào học La San đâu có dễ, phải qua một cuộc sát hạch khá gắt gao và
căn cứ vào số điểm mà nhà trường xếp lớp. Tôi may mắn vào lớp Đệ Thất
1, ban Pháp văn. Giáo sư hướng dẫn là sư huynh Việt Hồng (còn gọi là
Frère Savier), một người có khuôn mặt nghiêm nghị, ánh mắt sáng quắc
và giọng nói sang sảng như chuông. Frère Việt Hồng hướng dẫn cả hai
lớp Thất 1 và Thất2. Frère dạy môn Pháp văn và môn Giáo lý nên mỗi
tuần gặp chúng tôi khá nhiều, điều mà chúng tôi không muốn tí nào.
Frère nghiêm nghị và nóng tính, đòi hỏi học sinh phải tuyệt đối thi
hành đúng mệnh lệnh từ học tập đến sinh hoạt. Nghe đâu Frère từng ở
trong quân đội nên áp dụng kỷ luật sắt của nhà binh cho học sinh của
mình. Chúng tôi là nạn nhân của thứ kỷ luật ấy nên tránh gặp mặt Frère
chừng nào hay chừng nấy. Lớp tôi thường bị phạt cấm túc nghĩa là ở lại
trường học cho thuộc bài và chỉ cho về sau khi Frère kiểm tra.

Frère Việt Hồng là em ruột của Frère Hoàng Gia Quảng, hiệu trưởng
truờng. Ngược với người em, Frère hiệu trưởng dáng dấp gầy gầy, gương
mặt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ ôn tồn gần gũi với học sinh nên cả
trường ai cũng cảm mến. Ngoài Frère Việt Hồng ra, các giáo sư dạy lớp
tôi gồm có: Thầy Thức dạy quốc văn, thầy Diên dạy Toán và Lý Hóa, thầy
Hòa dạy sử địa, vạn vật, thầy Hậu và Frère Minh dạy nhạc, thầy Thuận
phụ trách sinh hoạt và thể thao. Các thầy phần đông đều là giáo sư tư
nhân và có đạo được trường mời về dạy nên đều tận tâm dạy dỗ, chúng
tôi tiến bộ thấy rõ. Nhà trường chú trọng giáo dục cho học sinh nhân
cách toàn diện về trí thức và đạo đức nên uy tín của trường vang xa.
Mỗi tuần, Frère hiệu trưởng vào từng lớp phát thành tích biểu cho 4
học sinh xuất sắc của lớp: bảng thành tích biểu màu đỏ: đứng nhất, màu
xanh: đứng nhì, màu vàng đứng ba, màu vàng nhạt: khuyến khích. Frère
hiệu trưởng vui vẻ tuyên dương các học sinh giỏi trong tuần và không
quên khuyến khích các học sinh khác trong lớp cố gắng để đạt được
thành tích biểu, ai nấy đều nức lòng.

Ngoài việc đào tạo kiến thức nhà trường còn quan tâm đến sinh hoạt học
đường nhằm huấn luyện cho học sinh tháo vát và nhạy bén trong cuộc
sống. Tinh thần kỷ luật và tự giác luôn được đề cao. Mỗi học sinh đều
có trách nhiệm về hành vi của mình, sinh hoạt có tổ chức đoàn thể và
dấn thân. Một đề nghị của thầy đưa ra tức thì có nhiều cánh tay giơ
lên nhận trách nhiệm, không nhút nhát e dè, không ích kỷ riêng tư. Tôi
học hỏi đưọc tinh thần ấy ngay từ những ngày đầu vào trường.

Thời gian qua lâu, bao dâu bể dồn dập, tôi chỉ còn nhớ lại một vài sự
kiện, một vài kỷ niệm nổi bật trong thời gian ngắn ngủi theo học tại
trường. Đành phải theo phương pháp liệt kê dưới đây hầu chuyện cùng
các bạn:

LỄ THÁNH GIOAN LA SAN, BỔN MẠNG CỦA TRƯỜNG: 15-05-1961

Mở đầu buổi học nào,cả lớp cũng đọc kinh bằng tiếng Pháp theo sự hướng
dẫn của sư huynh phụ trách. Sau kinh Kính Mừng, sư huynh phụ trách lại
xướng:

– Thánh Gioan La San

Cả lớp đồng thanh đáp:

– Cầu cho chúng tôi.

Năm ấy, trường mừng lễ Thánh Gioan La San, bổn mạng của trường. Lệnh
ban xuống cho mỗi lớp phải tự tổ chức mừng lễ theo tinh thần hướng dẫn
của nhà trường. Không khí trong trường khác hẳn thường ngày. Mỗi lớp
theo sự hướng dẫn của giáo sư phụ trách trang hoàng kết hoa, xếp đèn
lồng giăng trong lớp trông thật vui mắt. Các học sinh có hoa tay được
dịp khoe tài. Các bạn nấu ăn khéo được tận dụng tối đa khả năng thiên
phú của mình. Tôi được giao cho trọng trách tập hát cho lớp để thi thố
với các lớp bạn trong buổi tối văn nghệ hôm ấy. Một vài bạn lớn con
được trường phân công phụ với các anh lớp lớn trang hoàng cổng trường
và nhất là bức hình vĩ đại của Thánh Gioan La San làm theo cách thức
hộp đèn chiếu sáng, được treo chính giữa nóc trường trông thật hoành
tráng. Bức hình này là cả kỳ công của toàn thể các lớp. Chúng tôi góp
giấy bao xi măng, lớp khác vào tận khu Sáu chặt tre để làm khung rồi
phất lên như kiểu làm lồng đèn. Tốp khác đi quyên bóng đèn của các
tiệm bán đồ trang hoàng, các anh lớp lớn khệ nệ khiêng cái máy phát
điện to tổ bố được Frère hiệu trưởng mượn được của cơ quan nào đó. Lúc
dựng bức hình để treo trên nóc trường mới thấy được sự đoàn kết của
học sinh toàn trường. Các anh lớp lớn xoay trần leo lên cao, các học
sinh lớp nhỏ như chúng tôi chia nhau nắm từng mối dây, giữ cho cân
bằng từ từ đưa lên cao dần theo lệnh của thầy Thuận. Vậy mà phải hai
ba lần thất bại, cuối cùng bức hình mới yên vị chắc chắn trên nóc
trường. Nhìn gần chỉ thấy một khung rộng bằng tre phất giấy xi măng,
nhưng khi trời tối, máy phát điện nổ dòn, bức hình Thánh Gioan La San
rực sáng trên bầu trời với gương mặt hiền từ, nụ cười mỉm vui tươi,
ánh mắt như nhắn nhủ bao điều cho thế hệ trẻ, chúng tôi vui sướng và
cảm động vô ngần. Bất giác không ai bảo ai, một tràng vỗ tay dài nổ ra
dòn dã như chúc mừng hoan nghênh tinh thần đoàn kết của học sinh toàn
trường. Nhìn từ cổng vào, ngôi trường chúng tôi lộng lẫy với những
bóng đèn treo từng cửa lớp, hoa giấy đủ màu rực rỡ vui mắt. Ai bảo nam
sinh không khéo tay nào? Phải nói thêm cho các bạn biết là hồi đó Qui
Nhơn chưa có điện công cọng.

Đêm ấy, chúng tôi hoà mình trong không khí từng bừng của lễ hội. Tiếng
đàn tiếng hát ngân vang lôi kéo quan khách khắp nơi về trường xem thử.
Họ vào từng lớp nhìn ngắm các học sinh trang hoàng. Được các thầy
hướng dẫn trước, chúng tôi chào mừng quan khách bằng lời chào nồng
nhiệt và những bài ca lành mạnh trong sáng. Trong đám quan khách có
mặt của các phụ huynh con em của trường, họ vui mừng hãnh diện vì con
em mình được hưởng sự giáo dục tốt của nhà trường.

Hình ảnh rõ nét nhất tôi còn lưu giữ trong đầu cho tới bây giờ là nhìn
thấy Frère Thịnh Lộc đứng tiếp khách ở cửa lớp. Frère là người trẻ
nhất trong các sư huynh của trường, cặp mắt sáng sau mục kính, chiếc
áo dòng đen chùng kín dáng thanh niên đứng lạc lõng giữa bao nam thanh
nữ tú qua lại khiến đầu óc ngây thơ non nớt của tôi thoáng chút ái
ngại cho Frère. Không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ như thế nhưng chắc
chắn cảm giác ấy tôi vẫn nhớ rõ như mới hôm nào.

TẬP HÁT THÁNH LỄ CÙNG VỚI TRƯỜNG BẠN TRINH VƯƠNG

Hôm đó đang trong buổi học, tôi và một vài bạn khác được Frère hiệu
trưởng kêu lên văn phòng. Đến nơi thì thấy nhiều người đã có mặt ở đó,
cả các anh lớp lớn. Đang thầm lo âu vì không biết chuyện gì thì Frère
tươi cười cho chúng tôi biết là trường mình phối hợp với trường Trinh
Vương để hát Thánh ca trong lễ mừng Đức Mẹ năm nay. Học sinh lớp nhỏ
như chúng tôi thì vô tư nhưng mấy anh lớp lớn thì mừng rỡ ra mặt. Gì
chứ ngàn năm một thuở mới được hát chung với các người đẹp mà lại là
nữ sinh Trinh Vương nữa đấy! Sung sướng nhất là trong khi các bạn khác
ở lớp đang bù đầu với bài tập thì ban văn nghệ chúng tôi đủng đỉnh
ngồi tập hát dưới sự hướng dẫn của thầy Hậu và Frère Minh dạy nhạc.

Thầy Hậu với bàn tay đẹp như con gái, đàn accordéon rất hay, còn Frère
Minh thì khỏi nói, tiếng đàn violon thánh thót của ngài làm trang
trọng thêm cho những khúc thánh ca. Chính Frère là người đầu tiên dạy
dỗ và gây niềm đam mê cho tôi trong môn vĩ cầm. Những Thánh ca về Đức
Mẹ bao giờ cũng nhiều cảm xúc, chúng tôi được tập tành chu đáo và
thiệt tình mà nói ráng hát cho hay để rạng danh trường, để các nữ sinh
Trinh Vương khỏi chê.

Rồi ngày hát lễ cũng đến, ngày chờ đợi dài cổ của các anh lớp lớn.
Sáng hôm đó chúng tôi mặt đồ đại lễ là quần tây trắng, áo trắng, thắt
nơ trắng, trông cứ như là ca đoàn thứ thiệt. Các anh lớn đỏm dáng hẳn
lên, đầu chải lật chững chạc, cử chỉ lịch thiệp khác hẳn vẻ ồn ào mọi
ngày, mắt cứ liếc chừng về phía các người đẹp ngồi ở dãy bên kia thánh
đường. Ôi chao, áo dài màu xanh dương của các nữ sinh Trinh Vương
trông mới nhã nhặn xinh đẹp làm sao! Một thoáng ngây ngất của đám nam
sinh La San… Tiếng nhạc trổi lên làm mọi người tỉnh mộng. Tiếng rì rào
của phong cầm, tiếng thánh thót của vĩ cầm, tiếng hát trong trẻo bè
soprano của các nữ sinh trường bạn hòa với tiếng nồng ấm giọng tenor
các anh lớp lớn tạo thành một thứ âm thanh huyền ảo vang vọng trong
thánh đường cổ kính cao vút. Chúng tôi đắm mình trong tiếng nhạc lời
ca, để hết tâm hồn vào ca khúc. Giọng nữ vút cao:

-“ … Con thờ thiên tính, con tôn thờ thiên tính…Trong bánh hữu linh,
ngự trong bánh hữu hình. ..”

Giọng nam tiếp nối:

-“ Tâm trí con tin, tâm trí con tin kính…”

Hai giọng cùng hòa: “Chúa chí linh, chiêm ngưỡng Chúa chí linh…” Đoạn
hát về Đức Mẹ nhạc vừa tha thiết vừa thôi thúc rất lôi cuốn, hai bè
nam nữ hòa nhanh:

-“ Tung hô uy danh Maria ! Đẹp tươi như sắc bao muôn hoa! Chúng con
kính dâng tiếng ca, hát khen mừng danh Maria…”

Cho tới bây giờ tiếng hát ngày nào vẫn như còn vang vọng… Khung cảnh
ấm áp, âm thanh huyền diệu, hình ảnh đẹp của tuổi trẻ một thời sống
mãi trong ký ức của tôi, làm sao có thể quên được.

CẮM TRẠI TOÀN TRƯỜNG Ở CÁT CHÁNH

“…Đêm hôm nay bên ánh lửa hồng dưới ngàn cây xanh lá. Anh em ta quây
quần chốn này cất cao muôn lời ca. Đêm hôm nay ta nắm tay nhau ta hát
cho quên sầu. Mai ra đi không chút vấn vương trên đường ta tranh đấu.
Là tài trai chí bốn phương một lòng quyết lên đường. Lửa bùng lên tí
tách reo làm bùng cháy tâm hồn. Đoàn ta vì sông núi, vượt qua đời tăm
tối. Tiến bước lên, chiến đấu cho nước Việt bừng sáng muôn đời. Ú u ú
u ù u…u ù u…”

Suốt hai tuần liền cả trường chúng tôi đồng vang khúc ca “Nhảy lửa”
cho cuộc cắm trại toàn trường ở bãi biển Cát Chánh, cách thị xã Qui
Nhơn trên dưới 30 cây số. Mỗi lớp đều có các thầy, các sư huynh dạy
cho học sinh bài ca này. Mà đâu chỉ có tập hát không thôi, vừa hát vừa
múa, vừa làm điệu bộ cho phù hợp với lời ca. Sau khi đã thuộc nằm lòng
bài hát, học sinh cả trường tập họp trên sân trường, lớp lớn vòng
ngoài cùng, lớp nhỏ hơn vòng trong kế tiếp, lớp nhỏ nhất như chúng tôi
vòng trong cùng. Chúng tôi nắm tay nhau theo sự hướng dẫn của sư huynh
trưởng trại nhảy múa theo điệu nhạc, lời ca; lúc thì vòng ngoài cùng
xen vào thành vòng trong, lúc thì vòng trong tẻ ra để kết hợp với vòng
ngoài. Thỉnh thoảng một vòng chụm lại bên ngọn lửa trại rồi tức khắc
bung ra ngoài để vòng khác tiến vào, lúc thì xoay trái xoay phải trông
rất đẹp mắt… Hôm tổng dượt, mỗi học sinh đều cầm trên tay một cây đuốc
cháy bùng làm sáng ngời cả sân trường, quang cảnh thật huy hoàng sinh
động.

Sau khi đã thuần thục vũ khúc nhảy lửa trại của toàn trường, mỗi lớp
quay về lo chuẩn bị chương trình của riêng lớp mình. Mỗi lớp đều phân
ra từng tổ : dựng trại, nấu ăn, văn nghệ, trật tự cứu thương… mỗi tổ
chịu trách nhiệm phần việc của mình. Tất cả đều sẵn sàng cho ngày xuất
phát.

Hôm đó, học sinh toàn trường La San “Ra đi khi trời vừa sáng ” . Bài
ca của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vang lừng trong sương sớm. Tiếng ca
của chúng tôi đánh thức cả thành phố đang còn ngái ngủ. Nhà trường chu
đáo mượn được xe của các cơ quan đủ chỗ cho đoàn học sinh đông đảo.
Cảnh sắc thanh bình và gió mát của đồng quê làm chúng tôi phấn chấn
tâm hồn.

Đến nơi thì đã thấy Frère trưởng trại và trại phó là thầy Thuận cùng
với một số học sinh lớp lớn đã có mặt tự bao giờ. Đó là đoàn đi tiên
phong xem xét địa điểm, nghiên cứu mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn
cắm trại. Sau hồi còi lệnh bắt đầu các trại dựng lên trong chớp nhoáng
vì có chấm điểm trại dựng nhanh và đẹp. Bao nhiêu ngày chuẩn bị nay có
dịp thi thố tài năng, tuổi trẻ năng động lại được hướng dẫn chu đáo
nên các trại đều đẹp mắt, khang trang trật tự.

Suốt cả ngày hôm đó chúng tôi trải qua nhiều cuộc thi như nấu ăn, tìm
mật thư, biểu diễn các trò chơi cộng đồng, thi bơi lội… và thi tìm củi
cho dàn lửa trại. Một ngày đầy bận rộn nhưng hào hứng, học hỏi nhiều
điều bổ ích. Tối đến, lửa trại bùng sáng một góc rừng dương, màn nhảy
lửa công phu tập tành bao nhiêu ngày qua bây giờ được thể hiện. Giữa
cảnh biển trời bao la hùng vĩ, bên ngọn lửa trại đoàn học sinh hòa
lòng với lời ca tiếng nhạc, say sưa nhảy múa trong tình đoàn kết
thương yêu, ngập tràn cảm xúc:

“Màn đêm buông lơi chơi vơi. Gió rừng rung mãi bên khung trời. Cùng
nhau vui đi anh ơi biết đâu ngày mai sáng tươi lên rồi. Ngàn muôn vinh
quang dâng khơi như lửa bừng sáng trong rừng tối. Ấm vui khắp trời,
sắc hồng rạng đẹp miệng cười. Tiếng ca, tiếng đàn, tiếng lửa bập bùng,
bập bùng…”

Bài ca “Bừng sáng” của nhạc sĩ Song Ngọc vang lên thật hợp tình hợp
cảnh. Frère Minh quả là nhạy bén khi dạy chúng tôi hát bài này cách
mấy hôm trước. Cuộc thi văn nghệ của các lớp bắt đầu với nhiều tiết
mục độc đáo của từng lớp. Cứ thế chúng tôi vui chơi quên cả đêm dài…
Tiếng ca, tiếng đàn, tiếng lửa bập bùng suốt canh thâu và… âm vang mãi
trong cuộc đời chúng tôi.

DU NGOẠN NHÀ THỜ LÀNG SÔNG

Frère Thịnh Lộc bước vào lớp với dáng vẻ trầm trọng, khuôn mặt buồn
buồn, đôi mắt hấp háy sau mục kính. Frère bước lên bục chống tay vào
bàn, yên lặng nhìn chúng tôi hồi lâu… Có chuyện gì vậy? Chúng tôi hồi
hộp, âu lo…Frère từ tốn nói :

– Frère buộc lòng báo với các con một tin không vui…

Thấy chúng tôi căn thẳng quá độ, Frère bỗng nhoẻn miệng cười đổi giọng:

– Frère bắt buộc tất cả học sinh của lớp phải nghỉ học sáng thứ bảy
tuần này để cùng Frère du ngoạn nhà thờ Làng Sông. Có ai không đồng ý
giơ tay lên!

Cả lớp cười ồ lên và nhao nhao:

– Chúng con đều đồng ý hai tay, Frère ơi!

Sau màn phân công đâu vào đấy, cả lớp nôn nao chờ ngày lên đường. Sáng
hôm ấy, chúng tôi có mặt tại trường từ sớm, tất cả ăn mặc gọn gàng cho
chuyến du ngoạn. Đặc biệt lần đầu tiên chúng tôi thấy Frère Thịnh Lộc
không mặc áo dòng. Frère mặc áo kaki vàng tay dài, quần sọt, giày bata
trắng, đầu đội nón lưỡi trai… chỉ có nước da quá trắng không che nổi
dáng dấp thầy tu. Frère biết chúng tôi đang ngắm nghía mình nên đánh
trống lảng:

– Còn đợi gì nữa, xuất phát!

Tất cả đi bằng xe đạp, thầy trước trò sau… Qua khỏi thành phố chúng
tôi cất cao tiếng hát… Bài hát “Đoàn người lữ thứ” của nhạc sĩ Lam
Phương vừa mới ra lò nên hầu như ai cũng thuộc: “Kìa là rừng sâu âm u
dưới chân trời khuya. Một đoàn tàu đi quanh co giữa đêm trăng đầy.
Lòng tràn niềm vui hôm nay chúng ta cùng sum vầy, bên nhau ta hát, hát
mãi, hát quên đường xa… Rừng già về khuya im nghe tiếng ca đoàn ta.
Hòa cùng trời mây bao la thắm tươi mơ màng. Vượt dặm ngàn xa gian nguy
chí trai thề tung hoành, ra đi ta chỉ ước một ngày mai huy hoàng…”

Bài hát không ăn nhập gì với hoàn cảnh chúng tôi hiện tại. Chúng tôi
đi xe đạp vào lúc sáng sớm mà bài hát lại mô tả cảnh đoàn tàu đi trong
đêm khuya. Mặc kệ, bài hát hay và nhiều người thuộc là ổn rồi! Điều
không ngờ là Frère Thịnh Lộc cũng thuộc bài hát và hát theo chúng tôi.
Frère đề nghị chúng tôi sửa lời vài chỗ cho hợp hoàn cảnh.

Nhà thờ Làng Sông là một ngôi nhà thờ cổ, cách Qui nhơn khoảng 20 cây
số,nổi tiếng về nhiều nhân tài xuất thân từ đây. Nơi đây có chủng viện
đào tạo các tu sĩ. Nhà thờ nằm gần sông, cảnh trí thơ mộng êm đềm.
Dòng sông đến mùa nước cạn chỗ trồng đậu chỗ trồng ngô khoai…

Đến nơi chúng tôi vào thăm nhà thờ, chào hỏi mọi người ở đó và hạ trại
dã chiến bằng mấy tấm poncho nhà binh. Chúng tôi lay hoay với công
việc không để ý Frère Thịnh Lộc và lớp trưởng bí mật đi đâu không
biết, hồi lâu mới về. Sau này mới biết là đi giấu mật thư để chúng tôi
sẽ tìm và có thưởng cho ai tìm được. Những bài học về hoạt động thanh
niên học trong lớp nay được đem ra ứng dụng. Mỗi học sinh đều phải trả
lời các câu hỏi, ai không trả lời được bị phạt chổng mông lên trời 15
phút, hoặc chạy một vòng quanh bờ sông. Tôi bị lãnh đủ cả hai hình
phạt bởi cái tội xem nhẹ môn hoạt động thanh niên.

Một anh chàng khám phá ra là bên cạnh trại có cây cốc, lá chua chua ăn
vào rất ngon miệng. Thế là cả lớp như đàn khỉ leo lên cây, thoáng chốc
cây cốc trơ trụi không còn cành lá. Frère Thịnh Lộc trêu chúng tôi:
giống như người trong nạn đói Ất Dậu 1945. Sau đó Frère kể cho chúng
tôi nghe về nạn đói khủng khiếp đó và kết luận:

– Frère cầu Chúa cho trong đời chúng con không bao giờ gặp nạn đói tương tự.

Trò chơi lớn đi tìm mật thư bắt đầu. Chúng tôi đem bài học mật hiệu,
dấu đi đường ra ứng dụng để quyết dành được mật thư. Ai nấy đều chăm
chú làm việc, không hiểu sao anh chàng Lập của lớp cứ ung dung tự tại
nhàn nhã như người ngoài cuộc. Lập là một học sinh nhanh nhẹn, tháo
vát thông minh và nghịch ngợm. Tôi cố gắng lần theo mọi dấu vết, truy
cứu bài học, các bạn khác cũng vậy nhưng chẳng ai tìm ra… Anh chàng
Lập bỗng dưng biến mất trong những phút cuối cùng và anh ta xuất hiện
với mật thư trên tay giữa lúc mọi người thất vọng sau bao cố gắng.
Thật bất ngờ!

Phần thưởng cho người tìm được mật thư là một quyển Kinh Thánh bọc bìa
da và một số tranh ảnh về cuộc đời Chúa Giê Su thật đẹp. Frère Thịnh
Lộc trân trọng trao phần thưởng cho Lập nhưng anh ta cứ ngần ngừ chẳng
nhận.

Cuối cùng anh ta mím môi quyết định:

– Thưa Frère con chẳng nhận đâu…

Sao vậy? Lập cúi đầu thành thật kể rằng mình chẳng cất công tìm gì cả,
khi Frère Thịnh Lộc và lớp trưởng đi giấu mật thư, anh ta đã đoán biết
và lén theo xem và biết rõ chỗ cất giấu.

Cả lớp cười ồ, cả Frère Thịnh Lộc cũng cười, Frère bảo:

– Cũng là một kinh nghiệm cho Frère…

Nói xong, Frère đưa phần thưởng về cho Lập trước sự ngạc nhiên của chúng tôi:

– Con hãy cầm lấy, phần thưởng này vẫn dành cho con.

Lập ngạc nhiên mở to mắt:

– Thưa Frère,con không xứng đáng…

Frère Thịnh Lộc ngắt lời:

– Con rất xứng đáng, con đã can đảm thành thật nhận lỗi. Chỉ bấy nhiêu
cũng đủ cho Frère vui lòng trao cho con phần thưởng này.

Quay về phía cả lớp Frère nhắn nhủ:

– Các con phải luôn thành thật trong mọi trường hợp, giống như Lập hôm nay.

Cả lớp vỗ tay dài. Lập nhận lấy phần thưởng mà vẫn còn ngượng nghịu.

Một năm học ở La San để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi mang
nó trong đời và từng bước nên người. Hình ảnh chiếc áo dòng đen của
các Frère và những kỷ niệm về trường xưa là hành trang tôi bước vào
đời.{jcomments on}

 

0 thoughts on “La San ngày ấy…

  1. nguyentiet

    Bài viết về những kỷ niệm thời học trò dễ thương lắm .
    Còn tiếng đàn violon lúc du dương, lúc réo rắt, lúc dập dồn theo từng giai điệu …hay quá! Thật tuyệt vời. Cám ơn tác giả Nguyễn và nhạc sĩ Ngọc Tân.

    Reply
  2. Lê Huy

    Nguyễn rất thân ơi,
    Khi hôm đã khuya rồi mà Nguyễh vẫn gởi cho tôi nghe bài này qua ngón đờn của bạn. Thật cám ơn bạn rất nhiều và tôi đã email lại cho bạn ngay:

    “Đang nghe Nguyễn đờn bài Les Flots Du Danube với tiếng đệm piano đây.
    Hay lắm… Ngón đờn của bạn thật điêu luyện và tuyệt vời !
    LH còn nhớ ngày xưa còn đi học Nguyễn đã đờn cho tôi nghe tại nhà bạn trong khu Kiến Ốc Cục bài Les Flots Du Danube (Sóng Nước Biếc) và bài Le Beau Danube Blue”.

    Hẹn gặp tại Houston / Texas nha !

    Reply
  3. Đóa và Khuếch

    Một bản nhạc bất hủ dũõc̀ thể hiên qua tiếng đàn tài hoa cuả n. s.NGYỄN. Tôi nghe tiếng sóng dạt dào của dòng sông mênh mông chảy về phía xa mờ,tiếng gió rì rào trong hàng cây ven bờ,tôi mơ thấy ánh trăng lung linh trên muôn ngàn con sóng và tiếng dòng sông kể về một tình sử..
    Bài viết về kỷ niệm thời học La San rất sống động tưởng như mới gần đây thôi Chúc mừng nghen.Bạn ở thật xa mà cảm thấy như còn đâu đây

    Reply
  4. Sóng

    Yêu nàng thiếu-nữ ven sông chèo đò
    Yêu vì đôi mắt em không hoen mờ
    Cho lòng du-khách bâng-khuâng mong chờ
    Cho giòng sông xanh lại trôi lững-lờ

    Hay quá nhạc sĩ ơi!

    Reply
    1. Trần Kim Quy

      Cảm ơn tiếng đàn violon đã cho tôi thưởng thức giai điệu trữ tình, réo rắt, mượt mà của bản nhac “Sóng Danube” bất hủ!
      Cảm ơn một bài viết rất hay của tác giả Nguyễn khi trải lòng với những ký ức đẹp đẽ, cảm động của một thời “dùi mài kinh sử” dưới sự dìu dắt của những con người đáng kính!

      Reply
  5. Phượng

    Trường La San ngày xưa là trung tâm giáo dục rất uy tín của QN xa xưa, cám ơn anh Nguyễn.

    Reply
  6. tucumi

    Có một anh chàng thích chơi violon lắm mới tìm thầy để học.
    Sau một thời gian “tầm sư học đạo”, cứ đêm đến là chàng ta leo lên căn gác sau nhà mình mà kéo violon một cách say sưa. Căn gác bên kia có một cô gái trạc bằng tuổi chàng, cứ lấp ló sau cánh cửa sổ để nghe chàng đờn.
    Một hôm tình cờ chàng nghe nàng khóc thút thít, nghĩ là nàng đã “cảm” tiếng đờn violon của mình, chàng mới mon men làm quen và hỏi:
    – Chắc tui đờn hay lắm nên cô mới cảm động mà khóc.
    Cô gái lau nước mắt, thủ thỉ:
    – Thưa anh… không !
    Chàng hỏi tới:
    – Thế sao cô…
    Cô gái lại khóc òa lên:
    – Dạ, vì tiếng đờn của anh làm tui nhớ tới ba tui.
    – Ồ… Thì ra ba cô cũng chơi violon hay như thế !
    – Thưa không… Tui nhớ vì hồi xưa ba tui làm nghề thiến heo, anh à !

    Reply
  7. Tôn Nữ Yên Khê

    Tiếng đàn Violon quá tuyệt .Mấy Frère sở trường về Piano và Violon.

    Reply
  8. HOANGKIMCHI

    Anh Ngọc Tân tài hoa quá, viết văn hay, đàn Violon càng hay hơn nữa, cảm ơn anh.

    Reply
  9. TSN.Ngọc Diệp

    Bài viết đã hay lại được nghe tiếng đàn violon réo rắt nữa! Tuyệt! Cám ơn nhạc sĩ đã làm chiều thứ bảy ấm trong tim hơn.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.