“ Chào em, người của nghìn trùng
Trong ta ngày tháng mịt mùng lối xưa”
– Tặng …GT
Vẫn ước ao được như thuở nào, hai đứa mình cùng nắm tay nhau, tựa vào nhau sóng bước chân yêu đi dạo biển, chờ ngắm trăng lên. Sóng biển rì rào, trời sao lấp lánh, em thì thầm vào tai anh những cung bậc du dương của bài ca tình ái. Trời, đất mênh mang…
Ngáy ấy, em vô tư chân sáo; còn anh thì vụng về, non dại thốt lời yêu!.
Ngày ấy, nhà em cổng kín , tường cao , “danh gia- vọng tộc”; còn anh thì đạm bạc, xóm lá đìu hiu… Nhưng em yêu anh! Và ta yêu nhau! Yêu nhau!
Ngày ấy, em học trên anh một lớp, song, trong tình yêu thì biên giới không còn! Và bởi vậy nên ta yêu nhau! Yêu nhau!
Ngày ấy, có những áng mấy trắng bềnh bồng trôi trong gió thu nhè nhẹ, anh đi qua ngõ nhà em bằng những bước chân khe khẽ, rôi ta cùng chở nhau trên chiếc xe đạp mi ni màu trắng sữa, em nói cười liếng thoắng kể chuyện học hành…
Ngày ấy, em học giỏi toán , giỏi văn và giỏi sinh ngữ Pháp, còn anh thì lười, chỉ giỏi mộng mơ…
Ngày ấy, ta cứ ngỡ mỗi người là một nữa của nhau, tưởng như “ông Tơ, bà Nguyệt” đã se sợi tơ hồng, đôi lứa ước mong!
Ngày ấy, với tình yêu đầu đời, tinh khôi , thánh thiện; anh và em cùng thả bước ngây thơ vào khu vườn địa đàng đầy hoa thơm và mật ngọt, nào biết đâu có gai góc giăng đầy, “trái cấm” đắng cay!
Ngày ấy, vào một buổi chiều mùa đông định mệnh có mưa bay, gió dãi…Em, chính là em, người con gái đã hằn dấu “khai hoang” vào “khu vườn nguyên sơ” của ái tình diễm tuyệt- và, cũng chính là em, trong một chiều đông tàn tạ, dã buông lời vĩnh biệt để đặt dấu chấm hết cho một cuộc tình mà anh mãi một đời chưa hết nguôi ngoai!
Ngày ấy, em ra đi, lạnh lẽo ra đi với lời từ tạ cuộc tình bằng một cái nhìn ngoái lại của đôi mắt đen lay láy, long lanh , rực lên ước mộng huy hoàng, cao sang từ miền đất hứa của đô thành hoa lệ. Và anh, ngậm ngùi, tê tái, ê chề cúi \mặt đếm bước chân hoang…
Ngày ấy, ta xa nhau! Em ra đi gieo cuộc tình sầu! Nhưng ngày ấy, dẫu sao anh cũng xin cám ơn em, vì chính từ cuộc chia ly đã cho anh biết tìm đên “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An, và, cảm thấu được nỗi đớn đau và tình yêu tuyệt vời, mãnh liệt, lớn lao của “Docteur-Zhivago” (Vĩnh biệt tình em của Borit-Pasternad). với người tình Lara bất hạnh.
Ngày ấy, anh đã biết buồn khi nhìn những mùa thu đi qua khung cửa hẹp của căn gác xép; đã biết tê tái sầu đến não lòng khi nữa đêm chọt thức, nghe tiếng mưa rơi…
Ngày ấy, thường khi đêm về , trên ban công của căn gác nhỏ, anh u buồn ngồi gậm nhấm nỗi cô đơn, rồi ôm cây đàn guitare, miên man rãi những giai điệu sầu đời, và gửi hết nỗi lòng vào những bản nhạc: “Gợi giấc mơ xưa” của Lê Hoàng Long;”Thu ca” của Phạm Mạnh Cương; “Bao giờ biết tương tư” do nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc…
Ngày ấy, theo cùng năm tháng, với những biến động, thăng trầm của dòng trôi lịch sử, thế cuộc đổi thay! Những ngây thơ, khờ dại; những tình ái, u mê; những hoài bão, ước mơ của một thời hoa mộng đã đi vào quá khứ! Lịch sử sang trang…
Từ ấy, anh dấn bước vào đời theo “cơn lốc xoáy”, và mơ màng, mộng mị khát vọng công danh! Để rồi một hôm bỗng giật mình bừng tỉnh “giấc mộng kê vàng”! Mòn mõi “nợ” áo cơm…
Em- từ thuở đi xây mộng đẹp nơi chốn viễn phương, chưa hề một lần ngóng về quê cũ, năm tháng mịt mù…
……………………………………………
“Dưới cầu Mirabeau, sông Sein chảy”- (Guillaume Apollinaire),
Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm đềm, xuôi chảy như một dòng sông lặng lẽ, hiền hòa và đầy ắp ân tình bởi những bồi đắp phù sa cho bến bờ của sự sống!
Theo lời kể của một người bạn phương xa về thăm cố quận, cũmg như bao nhiêu cuộc đời khuôn theo cái qui luật sinh tồn bất biến- em học hành giỏi giang, thành đạt, rồi kết tóc, se tơ với một người vốn là một học giả tiếng tăm, đã từng xuất bản nhiều đầu sách viết về đề tài triết học phương đông , với những kiến thức và lý giải, uyên thâm, sâu sắc. Những tưởng em sẽ mãi ấm êm, hạnh phúc bên cuộc hôn nhân danh giá, nhưng, như dòng sông với những khúc quanh làm đau mình sõi đá- “gãy cánh uyên ương”!
“Thuở trời đất nỗi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”- (Kiều-Nguyễn Du).
Em! Người con gái mà trong những năm tháng hoa niên đã khiến anh phải đêm từng đêm nhớ nhung, thao thức; dệt mộng trăm năm; người con gái mà đã cho anh một thời nếm trãi mật ngọt của tình yêu và trái đắng của sự chia lìa, cách biệt- nay đã về đâu?!
“ Rồi năm tháng sẽ qua đi…Những cuộc chiến tranh sẽ im lắng dần; những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại trong anh tấm tình em nồng nàn, nhẫn nhục, chứa chan tình yêu thương”.
Anh mượn lời của Vadim Roshchin nói với Katya Bulavina trong tác phẩm “Con đường đau khổ” của văn hào người Nga- Aleksey Nikolayevich Tolstoy-để lấy làm lời kết của “Tình khúc cho em” . Cho dẫu “… tấm tình em nồng nàn, nhẫn nhục và chứa chan tình yêu thương” mà em đã dành trọn cho ai đi nữa, anh vẫn gửi tặng em tình khúc muộn mằn này. Và, anh cũng không quên gửi lời cầu chúc của một người đã từng cùng với em hòa khúc tình ca diễm tuyệt, rằng anh lúc nào cũng luôn luôn mong muốn ( như không thể mong muốn hơn) nụ hồng hạnh phúc sẽ lại một lần nữa, hé nở trong em!
Chào em, người của nghìn trùng!
Trong ta ngày tháng mịt mùng lối xưa…
Quy Nhơn, chiều mưa tháng ba – 2012.
{jcomments on}