Những kỷ niệm sâu sắc của Ngọc Tân

* Gia đình Ngọc Tân và gia đình Lê Công Dzũng tại Đồng Xoài

[Tân là anh chàng ôm đàn , cách Tân bởi hai người đẹp là Dzũng ]

(Viết để mừng ngày sinh nhật của Tân)

Vào khoảng năm 1998, nhân một buổi đi dự tiệc Giáng Sinh tại nhà một người bạn, tôi gặp Nguyên Lương. Giữa nơi đất khách quê người mà gặp một người bạn đồng môn thì quả thật là một niềm vui lớn. Tôi mến anh ngay từ lần đầu gặp gở. Anh ngồi phía bên kia bàn, đối diện với tôi, tôi thấy anh còn quá trẻ so với số tuổi của anh mà sau này tôi mới biết. Anh nói đủ thứ chuyện, từ chuyện được công ty chuyển qua làm việc ở Singapore, cho đến việc anh về công tác ở Việt Nam. Anh nói năng lưu loát, kiến thức sâu sắc và nhất là lối nói chuyện rất có duyên. Lúc chia tay vào lúc nửa khuya, anh biết tôi cũng là dân Cường Để. Trao đổi một vài thông tin. “Thế là anh là đàn anh của tôi rồi!” Anh nói. Tôi cho anh số điện thoại và địa chỉ của mình. Tôi cũng không ngờ là sau lần gặp gở đó, chúng tôi đã “dính” với nhau luôn. Thấm thoát mà đã 14 năm rồi. Ba ngày sau tôi nhận được CD “Tình Đông Phương”, thơ của anh do Võ Tá Hân phổ nhạc và một tập Đặc San Cường Để, số 1 hay số 2 gì đó.
Việc đầu tiên là tôi lật những trang sau cùng của cuốn Đặc San. Đây rồi, tên và địa chỉ của những người bạn cũ. Tôi bỗng thấy một cái tên, tên của một người bạn thân mà chúng tôi đã một thời gắn bó với nhau , đã xa nhau mấy chục năm rồi chưa gặp lại: Nguyễn Ngọc Tân. Tôi bốc điện thoại gọi ngay cho hắn ở Việt Nam. Hình như lúc đó đang là buổi khuya ở Viêt Nam. Tự giới thiệu mình đang ở đâu. Tao là Dzũng đây, tao đang ở Mỹ. Hắn không tin. Hắn nói đại khái là mầy mà “Mỹ miếc cái gì!” Nhưng sau cùng, sau bao nhiêu lý giãi là tôi đang ở Mỹ thật thì hắn mừng và xúc động lắm! Bao nhiêu kỷ niệm xưa sống dậy. Sau đó Đổ Hiếu Nam ở Úc cũng gọi qua cho tôi. Phải nói nhờ cuốn đặc san mà bao nhiêu bạn bè cũ đã gặp lại nhau. Chúng tôi xa nhau từ năm 1972, mùa hè đỏ lữa. Gặp nhau ngơ ngác ở quân trường, mừng mừng tủi tủi. Ra trường rồi mất nhau luôn cho đến hôm tôi gọi hắn và được biết bây giờ Tân đang ở Bầu Cá, Đồng Nai. Trước đó, hắn đã từng đi bửa củi ở đường Lạc Long Quân, Sài Gòn. Thời gian đó tôi cũng ở khu vực đó. Ngày ngày đạp xe đạp từ Chợ Lớn qua Tân Bình để thăm người yêu mà chưa bao giờ gặp hắn. Bàn tay của người nhạc sĩ chơi vĩ cầm trắng dài và thon muốt như bàn tay con gái, bây giờ sần sùi và phồng dộp lên sau bao nhiêu tháng ngày vác cái búa to như búa của Trình Giảo Kim để đi bửa củi. Chưa hết đâu, đoạn đường Bầu Cá-Đồng Nai, trên 50 cây số mà hàng ngày Tân phải đèo Ngọc Anh trên chiếc xe đạp cũ để lên Sài Gòn buôn bán áo quần cũ, mệt đến đứt hơi luôn! Khốn khổ thay cho người bạn của tôi! Câu chuyện cũng còn dài lắm, viết thành sách cũng chưa hết. Đó là hắn, còn tôi thì cũng bầm dập nhiều năm tháng trong trường Đại Học khổ sai! Mà thôi, nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi. Như hắn đã từng nói.
Xa nhau năm 69 ở Quy Nhơn sau khi đậu Tú Tài 2. Bạn bè lưu lạc một đứa một nơi. Đứa ra học Đại Học Sư Phạm Huế, Đứa lên Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, tôi, Kim Huê, Ngọc Tân, Đổ Hiếu Nam, Phạm Hùng, Hồ Vân Phi, Lệnh, Thùy Hạnh thì vào Sài Gòn, đứa Văn Khoa, đứa trường Luật, đứa Vạn Hạnh..Rồi mùa hè đỏ lữa, rồi mùa xuân 1975…Những kỷ niệm với Tân ở Sài Gòn, ở Long Xuyên thì không bao giờ quên được. Ngôi nhà số 3 đường Nguyễn Thái Học, thị xã Long Xuyên đã từng một thời gắn bó với nhau. Ngày đó Ngọc Anh đi chợ nấu ăn cho cả nhóm, cô gái Huế Ngọc Anh và tôi đi phố hay đi chợ đều phải cần Ngọc Tân làm thông dịch viên, mặc dầu chúng tôi đều nói tiếng Việt. Vì cái tiếng Việt trọ trẹ của dân Huế và dân Quãng Trị thì người miền Nam không hiểu mình nói cái gí! Những bữa cơm thịnh soạn và đầm ấm đều do Ngọc Anh đảm trách. Ngoài ra còn có Huỳnh Dũ Chí và Nguyễn Thế Hiển, tay này có chiếc Vespa Italy mới cáu cạnh, mà bọn tôi thỉnh thoảng vẫn muợn chạy vòng vòng đẻ lòe thiên hạ, hay ghé thăm mấy quán cà phê. Xa Long Xuyên, hình như tôi cũng có để quên đâu đó một cuộc tình, chẳng bao giờ gặp lại cố nhân! Trong số những người sống trong ngôi nhà số 3 đường Nguyễn Thái Học, bây giờ chỉ còn lại 3 người. vợ chồng Ngọc Tân- Ngọc Anh và tôi. Huỳnh Dũ Chí đã vĩnh viễn ra đi, còn thằng Hiển thì chẳng bao giờ gặp lại. Hình như còn có một người tên Hiếu nữa. Tay này cũng mất tiêu luôn!
Hình như trong cuộc đời của mỗi chúng ta đều có một thời để xa nhau, và một thời để hội ngộ. Bao nhiêu năm xa nhau, bây giờ gặp lại thật quá đổi vui mừng. Đoạn đường trước mắt càng thu ngắn lại thì tình bạn càng đậm đà, khắng khít hơn. Cám ơn đời, cám ơn những người thân và những người bạn của tôi đã làm cho cuộc sống này đẹp thêm và có ý nghĩa nhiều hơn. Cám ơn Tân về một tình bạn đã vượt qua những chặng đường dài và gian khổ, nhưng cuối cùng đọan kết vẫn thật hay và có hậu.
Nói thêm một chút về Ngọc Tân để mừng ngày sinh nhật của bạn mình. Thầy giáo Ngọc Tân, hay nhạc sĩ Nguyễn của chúng ta lúc nào cũng chững chạc đạo mạo, nhưng có một khía cạnh nữa mà có nhiều bạn chưa biết, đó là anh chàng này có máu tiếu lâm rất cao. Tôi nhớ khi còn ở Long Xuyên, có nhiều cô học trò đến thăm thầy Tân. Có một lần tôi ở phòng bên và bỗng nghe cô học trò của thầy hát: “Khoan khoan thầy ơi, đừng làm như thế họ cười”. Và thầy Tân của chúng ta đã hát lại rằng:”Không sao trò ơi, thầy trò mình biết mà thôi!”….
Ngày 7-3-2012
.
Dzũng
Một chút kỷ niệm với Ngọc Tân để mừng ngày sinh nhật.{jcomments on}

0 thoughts on “Những kỷ niệm sâu sắc của Ngọc Tân

  1. Gió

    Kỷ niệm luôn ùa về trong lòng bạn bè .Ai cũng có một thời để nhớ để yêu thương.Biết bao niềm vui nổi buồn và cả đắng cay với hoan hỉ trong cuộc đời này…!!! Tình bạn thời học trò, tình đồng hương bao giờ cũng đẹp cũng cao quý đáng yêu.
    Xin chúc mừng đôi bạn Dũng -Tân .

    Reply
  2. nguyencantu

    Lê Công Dzũng mến. Anh chúc mừng hai em đã có những bài viết cho nhau thật thắm thiết và tri kỷ. Còn nhắc đến Nguyên Lương là đầu mối của sự tìm lại bạn xưa nơi phương trời xa lắc, nơi mà Anh và Tân, Xuyên, Đóa đang gây sòng tìm lại hương xưa của thời cổ kính. Với những kỷ niệm thật đặc biệt nên làm sao quên được,đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hết chuyện về nhau. Chúc hai em như Tử Kỳ, Bá Nha nhé.

    Reply
  3. Bích Ngâu

    Có một lần tôi ở phòng bên và bỗng nghe cô học trò của thầy hát: “Khoan khoan thầy ơi, đừng làm như thế họ cười”. Và thầy Tân của chúng ta đã hát lại rằng:”Không sao trò ơi, thầy trò mình biết mà thôi!”….
    Chứng tỏ anh Dzũng cũng có máu tiếu lâm đó .

    Reply
  4. Quốc Tuyên

    Anh DZũng viết hay quá! Những kỉ niệm về bạn bè làm sao quên được anh hỉ?

    Reply
    1. TRANKIMLOAN

      Kiều Thanh nói rất đúng ! tình bạn nở hoa trong bài viết! rất hay rất chân tình!

      Reply
  5. Đào Thanh Hòa

    Bài anh Dzũng viết về kỉ niệm bạn hữu thật vui và ấm áp.
    Em xin nhân đây chúc mừng sinh nhật anh Ngọc Tân và gia đình luôn an vui hạnh phúc!

    Reply
  6. Nguyên Lương

    Anh Dzũng lúc nào nào cũng trân trọng và tha thiết với tình bạn. Bạn với Anh là bạn đời, bạn kiếp, chứ không một sáng một chiều như bao người khác. Anh trân trọng tình bạn trong từng kỷ niệm nhỏ, từng lời nói vui, từng câu chuyện tếu. Ai chơi quen thân với anh, nhớ cẩn thận, nhỡ có điều gì đó anh “ghim” trong trí nhớ rồi thì khó mà “tẩy” ra được. Nhưng cái hay là anh chỉ nhớ lâu những chuyện của bạn trai thôi, còn bạn gái thì như anh đã nói trong bài Anh viết:…. “Xa Long Xuyên, hình như tôi cũng có để quên đâu đó một cuộc tình, chẳng bao giờ gặp lại cố nhân! ” Cái chữ “đâu đó”, không phải là địa danh nào trên đất Long Xuyên mà trong một góc nhớ của anh. Phần của bạn trai thì anh trang trọng để ra đàng trước, cần là moi ra ngay. Phần của bạn gái thì anh để “đâu đó” trong mớ ngổn ngang của qúa khứ anh. Và cũng đâu đó anh đang tìm lại một tờ thư cũ, một tấm ảnh xưa hay một mái tóc, một ánh mắt… ánh mắt đó bừng lên trong góc tối “đâu đó” . Tình cờ hôm qua đọc đưọc bài thơ vui của Cung Trầm tưởng trong bài thơ “Râu Xanh” có mấy câu còn nhớ loáng thoáng, mình chép tặng Anh Dzũng, Anh Tân đây:

    …. Đến anh thân thể ngọc ngà
    Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu….
    …. Đến anh gót chớ phân vân
    Để mai còn có trăm lần đến Anh….
    …. Chờ Em Anh để râu xanh
    Để mai xây bức tường thành giam em…

    Trong tấm hình đầu bài qúi vị có thấy Anh Dzũng thời đó đã để “râu xanh” rồi đấy. Ôi! “bộ râu như bàn chải, bộ râu như rễ tre” đó đã làm khổ bao nhiêu người rồi. Khổ chưa?

    Reply
  7. Nguyễn tMộng Thường

    Ôi! “bộ râu như bàn chải, bộ râu như rễ tre” đó đã làm khổ bao nhiêu người rồi. Khổ chưa?
    Nguyễn t Mộng Thường tâm đắc câu ni lém anh Nguyên Lương à !

    Reply
  8. HOANGKIMCHI

    Một tình bạn thật đáng trân trọng, cảm ơn anh Dũng viết dí dỏm và hay quá.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.