CỒN BÀ ĐIÊN
Sau khi quyết định về sống ở làng, Cha tôi đã nhờ bà con lên
Vĩ Dạ tháo gỡ căn nhà làm bằng gỗ kiền kiền đem về dựng ở cồn Bà Điên,
nằm đơn độc trên cánh đồng làng, kế cận với làng Chuồn ( làng An
Truyền). Các anh của tôi phải bỏ học vì cuộc sống gia đình trở nên
khó khăn. Anh cả tôi, anh Thọ, lên học nghề làm guốc ở Vĩ Dạ, anh thứ
hai của tôi, anh Đê, thì giúp cha tôi làm ruộng.
Căn nhà được dựng trên một nền đất cao do cha tôi và các anh xắn đất
đắp lên. Lao động miệt mài cả tháng mới xong; vách thì làm bằng tre
đan trục trịch rồi trét đất sét trộn rơm đắp lên nên không đến nỗi
quá lạnh vào mùa đông và khá mát vào mùa hè.
Lúc bấy giờ là cuối năm 1945, chúng tôi bị một cơn lụt lớn.
Nhà chúng tôi như nằm trên một hòn đảo. Đã thiếu ăn vì tình trạng
chung- nạn đói Ất Dậu – lại bị cô lập giữa đồng không mông quạnh. Cũng
may cha tôi giỏi đan lát, trước đó đã đan một số lờ để bắt cá nên ngày
nào cha tôi cũng chèo thuyền đi thả lờ và bắt được một số cá chỉ hiềm
là muối rất khan hiếm. Lụt ra, cha tôi và anh tôi vội đi nhặt các mụt
khoai còn sống sót sau cơn lụt, trồng được nhiều luống khoai nên gia
đình tôi thoát được cảnh đói sớm nhất làng. Khoảng thời gian này đã có
một câu chuyện đáng nhớ xảy ra. Lúc bấy giờ có chú Tại, chú em bạn dì
của tôi ở Xuân Ổ lên ở nhờ để làm ruộng. Trong nhà, cha mẹ tôi và chú
Tại đều nghiện thuốc lá. Do lụt mấy ngày liền không có thuốc để hút
bỗng cha tôi phát hiện một cây thuốc mọc hoang trên cồn khi đi thả lờ.
Ông mang về bảo anh Đê xắt và bỏ trên trách đất để sao cho khô. Vì nôn
nóng, anh tôi đã đốt rơm thật nhiều, kết quả thuốc bị cháy gần hết.
Cha tôi đã mắng anh tôi một trận nên thân. Câu chuyện xảy ra ngày ấy
đã gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi không bao giờ nghiền thuốc lá.
Để gọi là có đóng góp, cha tôi nhận dạy “bình dân học vụ” .
Lớp học được tổ chức trong đình làng. Tối tối cha tôi đi vào làng dạy.
Tôi cũng được đi theo và học theo các cô các chú lớn tuổi trong làng.
Chúng tôi ê a đọc a, bê ( b ), xê ( c ) … rồi vần xuôi , vần ngược…
Những buổi đi học đó thật là vui dưới mắt trẻ thơ. Nhưng nhìn các chú
các bác , nhất là các o lớn tuổi vật lộn với việc đọc vần xuôi rồi vần
ngược và gò mình tập viết dưới ánh đèn dầu tù mù tôi thấy thương cho
họ và càng tự hào về cha của mình. Thế đấy, cha tôi trở thành người
thầy giáo đầu đời dạy tôi học chữ. Không chỉ có thế, trên đường vào
làng hoặc trên đường về cha tôi thường giảng giải cho tôi những điều
tôi chưa biết và dạy truyền miệng tam thiên tự kinh cho tôi.
Căn nhà đơn độc của chúng tôi ban ngày thì rất vui vì bà con trong
làng ra làm đồng thường nghỉ giải lao ở nhà chúng tôi nhưng vào đêm
thì thật quạnh hiu.
Cha tôi lên thành phố Huế xin vào làm thợ mộc trong
nhà thương Huế. Thế là việc học chữ của tôi cũng bị gán đoạn theo. Mẹ
tôi vẫn tiếp tục đi mua lúa ở hạ phường đem về xay, giã, giần sàng để
sáng mai gánh gạo lên chợ Vĩ Dạ bán. Nhiều buổi tối mẹ tôi về muộn chị
em tôi ở nhà rất sợ hãi, nhất là những buổi tối sau cơn mưa dông, ma
trơi lập lòe trên mốc giới của 2 làng, làng Phúc linh và làng An Lưu.
Giả như cuộc sống cứ trầm lặng như thế thì đã may. Nhưng cũng như các
làng khác, người dân không được yên ổn làm ăn khi Pháp quay trở lại
Việt nam. Họ đón đồn ở dưới Sư lỗ và trên Tây thượng. Thỉnh thoảng họ
đi Pa tờ rui ( patrouille – tiếng Pháp =đi tuần ), lùng sục các làng.
Nhìn các lính viễn chinh tôi rất sợ nhất là những người lính Bắc Phi,
những Tây mặt rạch. Họ cũng là những người dân thuộc địa của Pháp ở
châu Phi như Algery, Maroc bị bắt đi lính và đưa sang Việt nam.
Để chống càn, ban kháng chiến xã lệnh cho đồng bào ban đêm đi phá cầu,
đào đường, đắp mô để xe Pháp không đi được và sau đó cũng chính đồng
bào đó đi tháo giở đình làng, chùa, nhà thờ các Họ ra sửa chữa cầu,
san lấp mặt đường cho xe nhà binh Pháp đi theo lệnh của lính Pháp. Còn
khổ nào hơn thân phận người dân nông thôn thời chiến!
Một lần nọ, lính Pháp bắt lùa đi tất cả thanh niên trong
làng- trong đó có anh thứ hai của tôi – dẫn ra tập trung thanh lọc ở
sân nhà thờ công giáo làng Chuồn ( Làng An truyền ). Mẹ tôi vội trút
vào nón lá nồi cơm ghế khoai vừa chín tới cho anh tôi mang theo để ăn.
Cũng may ở làng Chuồn có anh em nhà ông No và ông Đủ làm bỏ nhà thờ
vốn quen biết cha mẹ tôi và biết anh thứ hai của tôi nên đã bảo lãnh
cho anh tôi khỏi bị bắt. Sợ quá – không lâu sau đó – anh tôi lên Huế
xin vào làm y công trong bệnh viện nơi cha tôi làm.
Cuộc sống cứ thế dần trôi. Giữa năm 1946 mẹ tôi sinh em gái
út, em Xuân. Ở cử hơn 1 tháng mẹ tôi phải tiếp tục làm hàng xáo còn em
út tôi được giao cho chị tôi chăm sóc. Buổi sáng trước khi gánh gạo ra
chợ mẹ tôi cho em bú thật no, trưa về cho bú và tối mịt mới được bú
còn xế chiều chị tôi nấu cháo thật loãng mớm cho em tôi. Riêng tôi,
ban ngày tôi theo các anh chăn trâu đi mò cua, bắt cá rồi dùng các
phân trâu khô để nướng, có hôm đi mót lúa. Cho đến một hôm, một sự cố
xảy ra với tôi đã đưa tôi trở về Vĩ Dạ. Một buổi sáng sớm đầu thu năm
1947, tôi mắt nhắm mắt mở ra khỏi giường và gọi mẹ bỗng thanh gổ gác
trên tra không biết vì sao lại rơi xuống trúng vào đầu tôi, máu tuôn
xối xã.bằng phương thức dân gian mẹ cầm máu cho tôi
Tưởng thế là yên không ngờ một hôm mẹ tôi làm cỏ sắn, nhặt được một
cái đầu vịt bằng gỗ cũ – dùng để vặn lưỡi cưa – vất cho anh em tôi
chơi. Vô tình em tôi khỏ cái đầu vịt bằng gỗ đó trúng ngay vết thương
của tôi. Máu lại tuôn xối xả. Mẹ tôi làm đủ cách vẫn không cầm máu
được. Sau đó đành nhờ người lên nhắn cha tôi về cõng tôi lên nhà
thương Huế.
Lúc bấy giờ cha tôi ở trọ trong khu nhà ngang của dinh cơ
nhà ông Tham – vốn có bà con xa với cha tôi. Tôi được đưa lên nhà
thương Huế để chăm sóc vết thương. Lúc bấy giờ tại bệnh viện bác sĩ và
y tá hầu hết là người Pháp. Trông họ rất khác với các người lính viễn
chinh chúng tôi thấy trong các trận càn. Họ khám và chăm sóc vết
thương của tôi – một đứa bé nhà quê chân đất gầy nhom vì thiếu ăn –
thật dịu dàng đã gây cho tôi sự xúc động và ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì
không ngờ họ lại không phân biệt đối xử. Họ chăm sóc tôi cũng như bao
bệnh nhân người Việt khác với tấm lòng của các bậc lương y, thi ân bất
cầu báo. Họ không đòi hỏi bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân phải trả
ơn bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Thì ra ở đâu cũng có người này thế
này, người kia thế khác.
Sau khi vết thương được chữa lành, tôi được ở lại với cha
tôi tại thôn Vĩ, không phải về cồn Bà Điên nữa. Cha tôi nhặt các bao
xi măng đã dùng rồi ở bệnh viện, rủ sạch bột xi măng và bụi bám, đóng
thành tập và kẻ ngang cho tôi tập viết ở nhà và học cửu chương khi cha
tôi đi làm. Từ tờ mờ sáng cha tôi đã thức dậy, nấu cơm sáng và cơm
trưa cho hai cha con rồi bới cơm trưa theo. Đến khi gần đến giờ đi làm
cha tôi mới gọi tôi dậy, dặn dò việc nhà, việc học cho tôi rồi mới đi
làm. Thỉnh thoảng mẹ tôi bán gạo xong sớm ở chợ vội vội vàng vàng ghé
thăm cha con tôi. Khi thì mẫu sắn hoặc khoai luộc, khi thì vài viên
kẹo ú. Tôi chỉ nhận phần ít cho mẹ tôi vui lòng còn phần lớn tôi yêu
cầu mẹ mang về cho chị Hoa và em Xuân ở nhà.
Năm sau cha tôi quyết định đưa mẹ tôi, chị tôi và em tôi hồi
cư về thành phố Huế. Cha mẹ tôi thuê căn nhà của bác Ngữ ở cầu Thanh
Long, phường Phú Bình, thành phố Huế bỏ hoang căn nhà bằng gỗ kiền
kiền đầy ắp kỹ niệm. Không lâu sau đó căn nhà bị Tây đốt trong một
trận càn – chấm dứt giai đoạn đầu đời của tôi ở tuổi thứ bảy.{jcomments on}
Một giai đoạn lịch sử đã qua trong một đời người cám ơn tác giả .
Cám ơn BL nhiều lắm
Cám ơn tác giả đã ghi HỒI KÍ- GIAI ĐOẠN 1945-1948 cho hậu sinh đọc để biết thêm về hoàn cảnh lịch sử của đất nước .
Đất nước trong thời kỳ bị đô hộ mà BGKU ơi!
Anh viết hồi ký thật súc tích, cám ơn anh.
Cám ơn em QT
Giai đoạn 1945-1948, một giai đoạn lịch sử đất nước đói nghèo và con người đã chịu bao khổ cực.Cảm ơn anh Thương đã cho em hiểu biết thêm một giai đoạn lịch sử nước nhà.
Đó là bước ngoặc của lịch sử đó em
TSN vẫn được nghe Ba Mẹ kể về những ngày tản cư từ Sơn Tây qua những làng bên cạnh ở ngoài Bắc nên rất thông cảm với sức chịu đựng của gia đình Đào Thương trong thời gian khó khăn này.Bài viết thật xúc tích và cảm động. Cám ơn Đào Thương đã chia sẻ.
Cám ơn TSN Ngọc Diệp đã ghé thăm
Anh viết thật lôi cuốn .
Anh và chị Camtucau cũng là đôi nghệ sĩ rất đẹp
Viết cho vui thôi hổng dám là nghệ sĩ đâu nhen
Cha tôi nhặt các bao xi măng đã dùng rồi ở bệnh viện, rủ sạch bột xi măng và bụi bám, đóng thành tập và kẻ ngang cho tôi tập viết ở nhà và học cửu chương khi cha tôi đi làm. Từ tờ mờ sáng cha tôi đã thức dậy, nấu cơm sáng và cơm trưa cho hai cha con rồi bới cơm trưa theo.
Có lẽ vì cuộc sống đạm bạc nên xã hội lúc đó ít tệ nạn như bây giờ phải không anh ?
Hồi đó ăn trộm vặt nhiều lắm DL ơi!
Một bước ngoặc lịch sử mà lúc đó tui chưa có mặt trên cõi đời .
Rất vui được TĐL ghé thăm
Việt Nam tôi ơi ! Quê hương có những người mẹ lúc nào cũng cực khổ một đời .
Mẹ lúc nào cũng tuyệt vời phải không KT
Một giai đoạn lịch sử đáng trân trọng .Cám ơn tác giả.
Anh cũng cám ơn Phượng đã đọc bài viết của anh chúc vui nhé
Bài hồi ký hay quá!& rất cảm động nhưng lúc này mình cũng chưa ra đời !Cám ơn Đào Thuong!
Thời kì nầy TN chưa xuất hiện nhưng rất cảm thông nỗi khổ của người dân .
Lời trần tình,
Các bạn thân mến,
Thật ra thì dân ta trong giai đoạn đó – ngoại trừ thị dân ở các thành phố – đều trải qua nhiều nổi đớn đau, đớn đau nhiều gấp bội mà gia đình tôi gặp phải – một cổ hai, ba tròng.
Rất nhiều điều tôi chứng kiến đã ăn sâu vào tâm tưởng tôi không thể nào quên nhưng không tiện viết ra. Xin hứa một ngày nào đó tôi sẽ bổ sung thêm.
Một lần nữa xin cám ơn các bạn đã đồng cảm cùng tôi.