NgàyXuân Thơ Xuân Haiku Xuân

Mỗi quốc gia có một thể thơ đặc biệt. Trung quốc có thơ tứ tuyệt, thơ Đường thất ngôn bát cú, Hàn quốc có thơ sijo, Việt Nam có lục bát, Nhật bản có haiku.

Trong những thể thơ đó, chỉ có haiku – tinh hoa văn hóa Nhật – được cả trên 50 quốc gia thế giới hưởng ứng đón nhận và phổ biến rộng rãi trong ngành giáo dục cũng như văn học nghệ thuật. Nhiều thi sĩ Tây phương say mê sáng tác loại thơ độc đáo này, như Charles Beaudelaire, George Sabiron, Jacques Prévert, Jules Renard, Octavio Paz, Paul Eluard, Paul-Louis Couchoud, Paul Verlaine, R.H. Blyth, R.M. Rieke, Victor Hugo, Vladimir Devidé …


Haiku( tiếng Nhật: 俳句 )ban đầu là một thú tiêu khiển có tính cách trào lộng, khi mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 17 tại Nhật, là những loạt liên ca renga gồm nhiều câu thơ nối tiếp của một nhóm thân hữu trước chén trà chung rượu. Sau đó, haiku ra đời, cô đọng còn 17 âm tiết trong 3 câu ngắn gọn 5-7-5 hoặc có khi viết liền một dòng dài. Haiku được phổ biến sâu rộng cho đến thế kỷ 19 mất dần tính trào lộng, mà liên kết hòa hợp hình ảnh cảnh sắc hiển lộng thiên nhiên ngay hiện tại, trước tầm mắt. Cô đọng gần như khô khốc, ngắn, gọn. Nhưng chính cô đọng khô khốc đó ẩn dụ hữu hình và vô hình, tĩnh và động, sắc và không – có khi là một công án Thiền – chứa đựng trọn tinh hoa cảm nhận của nghệ sĩ, và người đọc tự khơi dậy nhận thức cảm thọ.

 

Ngày Xuân Thơ Xuân Haiku Xuân chỉ thoát chuyển một số ít thơ Xuân của ba nhà thơ lỗi lạc hàng đầu của Nhật, là Thiền sư thi sĩ Matsuo Bashō – người khai sinh haiku – Yosa Buson, và Kobayashi Issa, trong số hàng ngàn thi sĩ tài danh khác. Chỉ một số bài, và chỉ vài bài có chữ Nhật để làm đẹp mắt quý bạn đọc.

Sự thoát chuyển này dựa trên những bản dịch tiếng Anh hoặc Pháp, nên xin lượng thứ cho người viết khi diễn đạt đã có lúc đặt tâm tư mình vào tâm người, và vẫn còn chịu đậm âm hưởng vần điệu … như Robert Frost từng nói “Poetry is what gets lost in translation” (thi ca lạc hướng trong chuyển dịch)

Matsuo Bashô/Ba Tiêu 芭蕉 (1644-1694) Bút hiệu Bashô/Ba Tiêu – cây chuối – người khai sáng phong cách thơ shofu/tiêu phong, ví nghệ sĩ như tàu chuối bầm dập rách nát trong giông bão đời. Phong cách này dung hợp thể thơ trào lộng và liên ca renga. Bashô là người đầu tiên thu gọn liên ca còn 3 câu 5-7-5, với bài thơ bất hủ rất đơn giản viết năm 1644, tuy chỉ ghi nhận sinh động hình ảnh con ếch nhảy vào ao nhưng đã gây chấn động nền văn học nghệ thuật Nhật, mở đầu loạt thơ haiku phá cách, phá vỡ thời gian và khai phóng không gian, tìm giá trị nét đẹp hồn nhiên đơn giản trong thiên nhiên, khơi động suy tưởng người đọc. Bài thơ viết bằng chữ Nhật trên tranh thủy mạc sumi-e thủ bút Basho cách đây 368 năm – gần 4 thế kỷ – đăng ngay trên đầu trang bài này cho thấy Bashô không những là một thần thi mà còn là một họa sĩ tài danh, xử dụng đường nét thật nhẹ nhàng thanh thoát, khác hẳn những thi/họa sĩ Trung Quốc chính ông ngưỡng mộ, như Tô Đông Pha , Đỗ Phủ, Lý Bạch ….

Dưới đây là bài thơ bằng chữ Nhật, viết lại theo chữ romaji :

Description: Japanese for Basho - The old pond, a frog jumps in, the sound of water (furu ike ya kawazu tobikomu mizu no oto) furu ike ya kawazu tobikomu mizu no oto.

into the ancient pond

a frog jumps

water’s sound ! (D.T. Suzuki dịch sang tiếng Anh)

the old pond

a frog jumps in

the sound of the water (R.H. Blyth dịch sang tiếng Anh)

trong vũng ao ngày nào

con ếch phóng vào khua nước động

thinh không tiếng nước xao

Ghi nhận công lao của Reginald Horace Blyth, một giảng sư Đại học người Anh thông thái đa tài, thạo tiếng Nhật, Hàn và Trung quốc, thi sĩ, chuyên biên khảo văn học Á đông, đưa thi ca Á đông vào văn học Tây phương với một loạt sách, xuất bản và phổ biến sau Đệ nhị Thế chiến, làm rộ nở cao trào thơ haiku trên thế giới.

Trong cuốn Japanese Life and Character in Senryu xuất bản năm 1960 tại Tokyo, R.H. Blyth tôn vinh Matsuo Bashô “ Nước Nhật sinh ra cùng Bashô năm 1644. Bashô chính là người sáng tạo linh hồn cùa Nhật.” (Ghi chú năm 1644 là năm Bashô công bố bài haiku ếch nhảy vào ao)

Dưới đây là vài bài haiku Xuân của Matsuo Bashô, phần thoát chuyển của người biên soạn :

ume ga kani

notto hi no der

yamaji kana

山路かな 梅が香に のっと日の出る

along the mountain path

suddenly the sun rose

to the scent of the plum-bossom

(bản dịch của R.H. Blyth)

hốt nhiên vầng hồng dậy

ngời ngời rạng rỡ ngàn hương Mai

trải dài lối lên đồi

Hito mo minu

haru ya kagami no
ura no ume
人も見ぬ 春や鏡の うらの梅

spring unseen of men

on the back of the mirror

a flowering plum-tree

(bản dịch của R.H. Blyth)

Xuân về nào có hay

soi gương chợt thấy phía đằng sau

cội Mai rộ nở đầy

Yosa Buson 与謝蕪村 (1716-1784) – Buson cũng là một thi/họa sĩ, có ngót ba ngàn bài haiku, gần phân nửa là tranh thơ với chủ trương người nghệ sĩ phải có tai nghe thính nhạy, mắt nhìn thông suốt và một tâm cảm sâu đậm để ghi nhận và diễn đạt, và tranh thơ của ông cũng đơn thuần mộc mạc như tranh Bashô. Octavio Paz, giải Văn chương 1990, văn/thi sĩ và là một nhà ngoại giao, từng làm thơ haiku, cũng đã nói : “To read a poem is to hear it with your eyes; to hear it is to see it with your ears” (Đọc một bài thơ là nghe bằng mắt; nghe bài thơ là nghe bằng tai). Vài bài haiku Xuân của Buson:

ike to kana in the spring rain

hitotsu ni narinu the pond and the river

haru no ame have become one

mưa Xuân tuôn tuôn tràn

hồ rộng sông dài lênh láng dâng

mạch sống cùng giao hoan

haru-no umi the spring sea rising

hine mosu notari and falling rising

notary kana and falling all day

biển xuân dâng dâng cao

nhấp nhô rào rạt sóng lao xao

suốt ngày rào rạt rào

osoki hi no slow days passing, accumulating

tsumorite tooki how distance they are

mukashi kana the things of the past

ngày dài chầm chậm qua

Xuân chồng chất mãi nỗi phôi pha

Quá khứ lùi lùi xa

Kobayashi Issa 小林一茶 (1763-1828) Issa là người sáng tác hùng hậu nhất với trên 20 ngàn bài haiku, dùng chữ rất dung dị rất trẻ thơ nhưng sâu sắc, thường nói đến những điều nhỏ nhoi, những sinh vật tầm thường mà quen thuộc như con sâu cái kiến … khi ghi nhận sự việc hàng ngày. Ông gặp nghịch cảnh suốt đời, gần gũi khổ đau và sớm ngộ lẽ vô thường, thả tâm từ bi vô lượng vào thi ca, tìm thanh thản an nhiên trong mắt thương nhìn đời.

Ganjitsu mo New Year’s Day

tachi no manma no my hovel

kuzu-ya kana the same as ever

Mồng Một Tết rồi đây

túp lều xiêu vẹo vẫn lung lay

trống trải như mọi ngày …

medetasa mo my happiness

chu-u gurai nari just about average

oraga haru at my New Year !

hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi

cũng tầm tầm lưng lửng vậy thôi

vừa Năm Mới tới nơi …

harusame ya Spring rain

kuware-nokori no the uneaten ducks

kamo ya naku are quacking …

mưa Xuân phơi phới rơi

đàn vịt còn lại sau bữa thịt

quác quang quang quàng quạc

harukaze ya the warm spring wind

ushi ni hikarete and my cow led me to pay a visit

Zenkoo- ji to Zenkoji Temple

ngọn gió Xuân đầm ấm

con bò dẫn lối đưa tôi thăm

đền Zenkoo-ji

Saohime no the Goddess of Spring

same soko nai missed a few spots …

madam yama mottled mountain

Chúa Xuân cũng hẹp hòi

đem muôn mầu sắc rắc khắp nơi

riêng núi vài chấm thôi !

(Ghi chú: Saohime là Chúa Xuân)

Dẫu chỉ hạn hẹp trong một số bài, hẳn bạn đọc nhận thấy Bashô là một người thơ luôn tìm cho được khoảnh khắc thơ để viết thành thơ, trong khi Buson là một nghệ sĩ luôn tìm thấy nghệ thuật hiện hữu trước mắt, trong cuộc sống hàng ngày, và Issa là người đầy lương tri luôn nhìn đời để nhận chân điều quan trọng phối hợp tâm linh.

Theo dòng thơ thoát chuyển, người viết cũng ngẫu hứng có vài haiku Xuân tặng quý bạn.

Xuân xông đất ra vườn

hạt sương long lanh vương lưới nhện

sao Mai còn hiển hiện

những giọt ngọc mong manh

ngọn cỏ cô đọng lời Tâm Kinh

thuyết minh trong tĩnh lặng …

đóa Đào vừa hé nụ

con vàng anh thảng thốt vút cánh

sương thức giấc lìa cành

vui mừng vui quá vui

đì đùng Mồng Một pháo reo cười

mừng tôi thêm thọ tuổi

trên cành Mai trơ trụi

nụ nhỏ thu mình mơ nắng Xuân

về sưởi ấm Đất Trời

Người đã về đã tới

những đóa Mai vàng còn ở lại

Xuân cười trên cội xưa …

nhổ cỏ tưới rau vườn

áo não đỗ quyên vẳng giọng buồn

đau đáu thương quê hương …

Trần thị LaiHồng

Hoa bang, đầu Xuân Con Rồng 2012

Tài liệu tham khảo:

Bertrand Agostini, Development of French Haiku, Essays 2001

Erie Takase, The Art of Japanese Haiku, www.takase.com/JapaneseCalligraphy/Haiku/Haihu.htm

Đàm Trung Pháp, Đọc Thơ Haiku Nhật Qua Lối Viết Romaji

http://sangtao.org/2011/04/11/d%E1%BB%8Dc-th%C6%A1-haiku-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-qua-l%E1%BB%91i-vi%E1%BA%BFt-romaji/

Hiroaki Sato, Bashô’s Narrow Road: Spring and Autumn Passages, Stone Bridge Press, 1996

Lee Gurga and Emiko Mizashita, Love Haiku, Masajo Suzuki’s Lifetime of Love, Brooks Books, Illinois, 2000

Michelle Harris, Matsuo Bashô, National Geographic Feb 2008

Patriccia Donegan, Haiku Mind, Shambhala, Boston & London, 2008

Peter Beilenson and Harry Behn, Haiku Harvest, The Peter Pauper Press, N. Y.1962

www.takase.com/JapaneseCalligraphy/Haiku/Haiku.htm, Haiku Art, Fine Japanese Callifraphy

Robert Hass, The Essential Haiku, Ecco Press, 1994

Tranh thư họa thủ bút Matsuo Bashô bài thơ chấn động Haiku “The Ancient Pond” 1644 www.livingworkshop.net/basho.html

Une Grenouille Saute, givethemhell.wordpress.com/2008/08/une-grenouille-saute/ {jcomments on}

0 thoughts on “NgàyXuân Thơ Xuân Haiku Xuân

  1. Nguyễn t Mộng Thường

    – nhổ cỏ tưới rau vườn

    áo não đỗ quyên vẳng giọng buồn

    đau đáu thương quê hương …

    Haiku Xuân của Cô thật tuyệt vời .Cám ơn cô .

    Reply
  2. Kiều Thanh

    – Người đã về đã tới

    những đóa Mai vàng còn ở lại

    Xuân cười trên cội xưa …
    Ngậm ngùi quá cô ơi !

    Reply
  3. nguyentiet

    nhổ cỏ tưới rau vườn

    áo não đỗ quyên vẳng giọng buồn

    đau đáu thương quê hương …

    Hay quá cô Lai Hồng ơi!

    Reply
  4. Phượng

    – trên cành Mai trơ trụi

    nụ nhỏ thu mình mơ nắng Xuân

    về sưởi ấm Đất Trời

    – Người đã về đã tới

    những đóa Mai vàng còn ở lại

    Xuân cười trên cội xưa …

    Thật siêu việt

    Reply
  5. Tuệ Minh

    – Xuân xông đất ra vườn

    hạt sương long lanh vương lưới nhện

    sao Mai còn hiển hiện

    – những giọt ngọc mong manh

    ngọn cỏ cô đọng lời Tâm Kinh

    thuyết minh trong tĩnh lặng …

    Lai một vị Thiền thơ…

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.