Thời gian như vội vã tràn về với mùa xuân. Thành phố se lạnh, mang
theo một chút lãng mạn của đất trời trong thời khắc giao mùa, làm cho
con người thấy cuộc sống này thật đáng yêu, bởi mùa xuân đang đến với
biết bao điều kỳ diệu. Ta thầm bảo rằng, những vất vả, lo toan cuộc
sống hãy lùi lại, để cho mùa xuân về thật tinh khôi và quyến rũ, để
cho nụ xuân ngập tràn, làm vơi đi nỗi nhớ cái tết quê vốn đã thấm sâu
vào ký ức của những đứa con tha hương vì áo cơm, vì những bộn bề của
cuộc sống. Và có như vậy, ta mới nhận ra cái cái hồn của tết thật
thiêng liêng! Đó là những ngày ta chạp mả, sửa sang những ngôi mộ của
tổ tiên giòng họ dưới những đám cỏ xanh bên cánh đồng lúa đang thì con
gái trải dài như những nàng xuân khoe sắc dưới nắng xuân. Đó là những
đêm giao thừa, cả gia đình quần tụ bên nhau, thắp nén hương thành kính
trước bàn thờ gia tiên. Đó là ánh lửa lung linh sưởi ấm cả gia đình
bên nồi bánh chưng, bánh tét đêm ba mươi…Đó mãi mãi là hình ảnh lắng
sâu trong ký ức của mỗi chúng ta về cội nguồn, về nét đẹp vô cùng quý
báu khi tết đến xuân về.
Ta bồi hồi khi đất trời, cỏ cây, và vạn vật muôn loài rạo rực, hối hả
chuyển mình vào xuân. Và, ta nhận ra, nỗi nhớ cái tết quê hương đang
tràn về mãnh liệt đến vô cùng! Ai đã từng xa quê, ngồi một mình vào
những ngày giáp tết nhìn người người, nhà nhà chuẩn bị đón tết, hay
cái đêm trừ tịch, cô đơn trong cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới
thấm thía, đau đáu một nỗi nhớ quê hương tha thiết đến dường nào! Bởi
nơi đó là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, có giòng sữa mẹ chắt chiu
nuôi ta khôn lớn từng ngày, chắp cho ta đôi cánh tung bay, vẫy vùng.
Và nơi đó cũng là nơi bồi dưỡng tâm hồn ta hiểu được cái hồn của tết
quê hương thiêng liêng ngàn đời.
Sài Gòn càng rực rỡ, kiêu sa, rộn ràng khi mùa xuân đến gần. Sân bay
Tân Sơn Nhất nhộn nhịp ngày đêm với những chuyến bay hạ cánh đưa kiều
bào ở khắp các châu lục về quê hương ăn tết của dân tộc, sau nhiều
ngày, nhiều năm ăn tết xứ người. Tuy quê quán, vùng miền khác nhau,
việc làm khác nhau, người ở nước này nước khác, nhưng điều chung nhất
của các kiều bào là tấm lòng luôn khát khao được cùng người thân, bè
bạn ăn cái tết rất đỗi thiêng liêng của dân tộc, của quê hương trên
đất nước mình được sinh ra, dù nơi họ đang định cư có thể giàu hơn,
đẹp hơn. Và, sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông, bến
xe Miền Tây cũng rộn rịp đưa bà con về quê ăn tết. Thế mới hay, con
người muốn tồn tại phải lao động, làm việc, có người phải chấp nhận xa
quê hương, để có tiền đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nhưng khi mùa xuân về
lại như là mệnh lệnh của trái tim nhắc bảo không thể khác được của
tiếng gọi quê hương, nơi đó có những ngày tảo mộ, có lễ cúng ông bà,
thắp hương trên bàn thờ gia tiên đêm giao thừa, có nồi bánh tét, bánh
chưng thơm lựng mùi nếp, mùi hành, mùi thịt mỡ …
Cái tết của quê hương đưa ta về với không gian của tình người, tình
ruột thịt, cho ta tận hưởng cái giá trị tình làng nghĩa xóm muôn đời.
Và mùa xuân cũng thật bao dung mở rộng vòng tay đón ta về với cội
nguồn của dân tộc. Nhớ tết, nhớ quê hương, ta nhớ những giọt rượu cay
nồng làm mềm môi với những giải bày, chia sẻ sau bao ngày xa cách vì
cuộc sống áo cơm. Nhớ đêm giao thừa, nhớ phút giây đầu tiên lòng ta
xao xuyến, bồi hồi đón nhận mùa xuân về!{jcomments on}
Nguyễn Hữu Duyên