*TƯỞNG NHỚ NGÀY MẤT NHÀ THƠ XUÂN DIỆU 18.12.1985
Bữa nay lạnh… mà lạnh thật, chỉ còn bốn ngày nữa đến tiết Đông chí rồi. Anh đã vội ra đi để lại ngậm ngùi tiếc nuối cho biết bao trái tim yêu quý anh! Anh nào còn cha, còn má cùng thương nhớ anh. Có những tâm hồn khao khát gặp anh,yêu anh, bởi anh là người con Tuy Phước hiếu học, nặng nghĩa tình của vạn Gò Bồi đẫm hơi muối mặn nồng nàn ngàn năm nhịp nhàng con sóng của biển khơi ngoài xa kia. Anh có một tuổi thơ hồn nhiên mát mẻ quanh lũy tre làng ven sông. Anh lớn lên trong mái ấm gia đình ăm ắp câu hò hồn quê của mẹ bỗng trầm, bài học tình người của cha ấm áp, của bàn tay bà ngoại chăm chút vỗ về nhắc nhở quan tâm. Nào anh có bao giờ tự hào về mình đâu, nhưng tất cả yêu quý anh, gọi anh hai tiếng trìu mến: Xuân Diệu!
Ba mươi ba năm về trước, sáng thứ hai đến trường, mới chắp răng chắp lưỡi vì đêm hôm chủ nhật có Nhà thơ Xuân Diệu đến trường nói chuyện thơ. Sao mà tiếc đứng tiếc ngồi, tiếc luôn cả tuần lễ biết khi nào có dịp gặp anh, nghe anh đọc thơ tình . Với lại thông tin liên lạc hồi đó làm gì bắn nhanh như bây giờ. Tôi còn nhớ như in các bạn nữ ở nội trú cứ tủm tỉm cười khi kể về anh : Xuân Diệu đâu chỉ nói chuyện thơ, đọc thơ tình không thôi, mà còn đề cập đến nhiều vấn đề hấp dẫn trong xã hội nhất là về kế hoạch hóa gia đình, tình yêu đôi lứa. Cả hội trường vỗ tay cười to thích thú khi nghe Nhà thơ nói chẳng hiểu vì sao mấy anh mấy chị thời nay đâu muốn rửa một cái lỗ đít mà lại muốn rửa nhiều cái lỗ đít chứ!… Ôi cha, anh nói thế mà nghiêm túc đấy! Không một chút đùa giỡn nào đâu nghen! Rồi lần thứ hai anh về thăm quê ngoại, náo nức thế nào cũng được gặp anh. Đêm hôm đó tại UBND huyện Tuy Phước gần lắm, đầm ấm lắm mà có đi được đâu! Hai con còn nhỏ, phương tiện đi lại bằng xe đạp, trời không trăng sao, đường thì chưa có điện sáng như bây giờ. Lại hẹn. Và riêng Xuân Diệu với những trăn trở thách thức trái tim : Đêm ngủ ở Tuy Phước. Vâng, đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ, anh thức với quê hương mình những kỉ niệm của ngày xưa và của hôm nay rộng đồng tốt ruộng… :
“Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
Thức những ngôi sao, thức những bóng cành,
Đêm quê hương thương cái hương của đất…
Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc
“Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi
Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía…”
Ngủ không được bởi nhớ cha tôi là thầy đồ Nghệ
Đem tôi theo ngồi dạy học các làng
Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết xã Văn Quang.
Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn…
Tim ta ơi, ta đố em ngủ được
Khi những buổi trưa của thuở nhỏ lại về…
Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một cái vườn hoang là một địa đàng cho mình khám phá
Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá
“Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ dòn dòn”
Những ngọt bùi của quê má thân thương
Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống…
Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng
Con đê ngăn mặn gió biển ru trời
Đập Thạnh Hoà kênh mương toả xanh tươi
Tiếng trạm bơm động ba hồ chứa nước
Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước!
Bà Ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy,
Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả…
Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau.
Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước
(Đêm ngủ ở Tuy Phước,16/2/1982 – 25/2/1982 / Xuân Diệu)
Biết bao giờ được gặp anh đây!…
Bữa nay lạnh…, nén hương trên bàn thờ anh tỏa ra từng đường vòng vèo xoắn xuýt, bay lên cao một chút bềnh bồng ngỡ mái tóc anh chập chờn đâu đó. Nhưng thực tại anh ngồi trang trọng đưa mắt điểm danh từng khuôn mặt đến thăm anh thiếu vắng những ai! Làm sao đầy đủ được?! Có người thì bận công tác, chợ búa, con cái, đường xa,… Bởi cuộc sống luôn bề bộn nối tiếp.
Trầm hương nghi ngút sưởi ấm căn giữa nhà tưởng niệm Xuân Diệu. Gian phòng phía trên là trưng bày một số hình ảnh, tác phẩm thơ văn anh. Gian phía dưới là phòng khách đầy ắp kỉ niệm về anh yêu thương và trân trọng. Bên ngoài trời buốt giá. Quả thật bữa nay lạnh mà. Bầu trời như sà thấp hơn bởi những đám mây xám xịt theo gió mạnh mẽ vồ vập bao trùm muốn ôm lấy chúng tôi, lúc đầu đã lất phất vài hạt bay bay ngỡ thế nào cũng mưa. Nhưng kì lạ lắm, năm nào cũng vậy, hình như từ trên cao ấy anh đã đưa tay che chắn cho chúng tôi ngồi bên nhau giữa cái sân rộng tâm tình với anh, đọc thơ anh, hát khúc ca về dòng sông, về cánh đồng lúa quê hương Gò Bồi Tuy Phước. Cùng thưởng thức những món ăn đã vào trong thơ anh từ lúc nào : “ Bánh tráng Trung Thành, nem chợ Huyện, rượu Trường Thế mê li ”. Có cả món trứng gà nướng chấm muối tiêu, món cá tràu ( cá lóc) um bắp chuối, món trộn chua ngọt cổ hủ heo nhai dòn dòn, cũng như không thể thiếu bánh hỏi thịt heo chấm nước nắm Gò Bồi hương vị thơm ngon giàu chất đạm. Và sau cùng tráng miệng bánh ít lá gai đặc biệt chỉ có ở Bình Định là tuyệt vời nhất!…
Bữa nay lạnh… nhưng quý cái tình anh với quê hương, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, nơi anh chập chững từng bước đi đầu tiên trong đời, nơi nuôi dưỡng hồn thơ anh từ thuở ấu thơ với lòng biết ơn sâu đậm cho anh viết những dòng chữ đầu tiên: Lòng biết ơn ngoại , biết ơn thầy mẹ, biết ơn tình làng nghĩa xóm, đường quê, ruộng vườn, dòng sông, bãi cát, con đò,… tất cả thấm đẫm trong từng câu thơ chan chứa ngọt ngào đến lạ. Mà ngoại đâu chỉ của riêng anh:
Bà ngoại ơi, bà ngoại có chết đâu!
Bà ngoại tiếp tục ở trên đời, để cho muôn lứa cháu đời đời tiếp nối.
“Cháu ngoại thương dại thương dột, cháu nội chưa vội gì thương”
Bà ngoại là người thứ nhất của quê hương…
( Miền Nam quê ngoại, Xuân Diệu)
Với thầy mẹ thật thiết tha sâu nặng:
Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con
Cảm ơn Thầy, vượt Đèo Ngang bất kể!
Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ
Nên máu con chung hòa cả hai miền
(Cha ở đàng ngoài, Mẹ ở đàng trong, Xuân Diệu)
Còn với má từng mang nặng đẻ đau, một đời lam lũ, bền bĩ chịu đựng, anh yêu thương khao khát vô ngần:
Má đẻ ra tuổi nhỏ của con
Thầy mất rồi, má hãy còn ở lại
Con muốn má sống với con mãi mãi
Thiên niên cùng vạn đại, má ơi!
(Thơ tặng má, Xuân Diệu)
Bữa nay lạnh… “ Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm” nghe sao cứ tức anh ách cái nghịch lí của tự nhiên quá anh ạ! Hay là cái cớ để anh nói thật ở câu thứ hai tiếp theo mà chẳng cần úp mở làm chi: “ Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em!” Vâng, anh nghĩ sao viết vậy, có thế em mới yêu anh vô cùng. Có thể anh chỉ nhớ em thôi, có thể anh nhớ một người nào đó, hay hai người, ba, bốn, năm người, hay bảy, tám, chín, mười người nữa thì sao! Thi sĩ mà yêu bao nhiêu cho đủ?!… Anh có như vậy không?!… Được làm người yêu của anh là hạnh phúc, được anh tặng thơ thì hạnh phúc cứ thế bình phương lên. Nhưng chưa bằng lòng cái triết lí lúc nào tặng cho Vũ đình Liên thật Vội vàng** là nét riêng của anh : “ Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi / Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời…”. Một chút tham lam ai mà chẳng có phải không anh?! Nhưng từ khi biết làm thơ Xuân Diệu đã sống mãi với thời gian, với tất cả chúng ta rồi mà!
Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm anh ơi!…
NguyễnThị Phụng.{jcomments on}