9 giờ sáng sớm.. .
Chuông cửa reo,
– Ja, bitte! (Xin lỗi, Ai ?)
– Pakett (Có gói đồ) tiếng trả lời.
Tôi vội vàng mở cửa, ông phát thơ bưu-điện trao tôi một thùng gởi đồ nho nhỏ. Không biết là cái gì đây? Vội vàng mở ra xem. Trong thùng có ba quyển sách, được chèn giấy báo cẩn thận để khỏi bị sốc. Đặc-san Cường-để- Nữ trung học Qui-nhơn của những năm 98, 99 và 2000. Anh Nguyễn Chí Hoài-Sơn (cũng là cựu học sinh Cường Để). ở Karlsruhe gởi cho tôi mượn đọc, vì biết tôi là người có tâm sự rất nhiều với Qui-nhơn, anh nói để tôi đọc, để tôi tưởng nhớ mùi hương…Mùi hương kỷ-niệm của những năm tháng xa xưa, mùi hương của thành phố nhỏ ven biển nóng nực, mù bụi, muốn điên lên, khi ngọn gío Nam thổi tới, dễ chịu hơn, lúc có ngọn gío Nồm thổi về, mùi hương của bạn cũ, trường xưa.
Nhận ba quyển Đặc san, tôi đọc ngấu nghiến. Đọc xong, tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần Ể người đi, mà thấy phiêu hốt làm sao ấy, tôi bị mất ngủ cả tuần, nằm trên giường mà cứ trăn qua, trở lại, những hình ảnh ngày xưa, ở đâu không biết, cứ ùn ùn kéo đến. Cố xua đuổi, để vỗ giấc ngủ, nhưng trí óc cứ miên man, hết hình này chạy đến, hình kia lại chạy lui..chập chờn mãi. Tôi thấy, tôi vẫn còn ở mãi cái tuổi 18!
Đọc, thấy bao nhiêu qúi sư huynh đệ viết bài, hay qúa, tưởng như tất cả như mới xảy ra tuần rồi. Nhớ lại, sau mỗi cuối năm học, anh chị em tromg lớp loay hoay lo ra đặc san, để góp mặt với đời. Rồi ba bốn chục năm sau…chúng ta lại có tờ Đặc san cho cả đại gia-đình, bị dòng thời gian đưa đẩy, tự nhiên mình hóa gìa…Nhưng trái tim chúng mình vẫn còn mướt, ướt át lắm phải không? Tôi đọc được đâu đó một bài thơ:
Tuổi học trò hồn nhiên giao động
Tuổi học trò rung động khó quên
Tuổi thanh niên là chiếc thuyền không bến
Tuổi học trò là quyển sách không tên
Quyển sách không tên của tuổi học trò nay đã có tên rồi Đặc san Cường Để-Nữ trung học Qui-nhơn.
Lúc chúng ta loay hoay tìm lục lại thư cũ, hình cũ nằm đâu đó trong hộp, trong rương…để sống lại quãng đường đời đã đi qua, lúc chúng ta bắt đầu tin vào Thượng-đế đi nhà thờ, đi chùa thường, là dấu hiệu ngựa già đã mỏi vó, chồn chân. Thôi, hãy tìm một cánh đồng, xanh màu kỷ niệm để tung tăng…
Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung…
Tôi vào Cường Để năm 68, lớp Đệ nhất A2, sau khi đậu Tú tài I ban B trường trung học Bồ Đề, sau đó khăn gói đi du học Tây-Đức. Vốn liếng tiếng Việt của tôi, chỉ có 18 năm rưỡi, trừ bớt một năm đầu, còn bập bẹ chưa biết nói, ba năm còn mặc quần thủng đít chạy lăng quăng trong nhà, một năm đi học lớp vỡ lòng trường cô Tý, là cô ruột của tôi, ở đường Bạch Đằng, sát đầm Thị nại. Vào trường tiểu học Mai xuân Thưởng lúc 6 tuổi, học lớp Năm, đến lớp Ba mới học làm Luận văn tả vật, tả cảnh, tả người. Sau lên trung-học, học thêm Việt văn: thân thế và sự nghiệp cuả vĩ nhân VN, Kiều, luận lý học, tâm lý học lia chia, là… hết phim! Tôi còn giữ được trình độ tiếng Việt tạm dùng như hiện nay nhờ lúc còn ở nhà tôi mang bệnh ghiền đọc sách, đọc chạp phô, thành phố nhỏ, chẳng biết đi đâu? lấy thú đọc sách làm vui, bắt đầu Bé Ngôn, bé Luận, xong lên chức lần lần đọc Tuổi Xanh, tuổi Hoa, lâu lâu xé rào đọc lén tiểu thuyết của bà Tùng Long, luôn cả mục gỡ rối tơ lòng, cuối cùng đến Phổ thông, Bách khoa… chưa kể Điệp viên Z28, võ hiệp Kim Dung. Như vậy cộng, trừ nhân chia xong thì trình độ tiếng Việt còn đâu được trên dưới 10 năm perfect. Sang Đức, năm đầu tôi còn hăng viết lách về Việt-nam cho tờ báo Thằng Bờm và Phổ Thông của Bác Nguyễn Vỹ, kể lể nỗi vui buồn Tây Đức của sinh viên sống xa nhà, sau ngày Bác Ng. Vỹ chết, tôi hết viết. Lúc đó, mới được nhập cảng từ VN sang, văn chương chữ nghĩa còn bề bề, bây giờ lâu qúa gần hết… pin. Tuy vậy, tôi cố gắng, gom góp kỷ niệm còn sót lại trong ký ức để viết, kể lại thời xa xưa, thân tặng những người bạn cũ cùng lứa, đã từng trải qua thời nghịch ngợm lẫn si mê nóng bỏng của bán thập niên 65-70 trong bối cảnh quê hương chẳng kém phần sôi động.
Tôi du học sang Đức đầu năm 1970. Từ dạo đó, bao nhiêu kỷ niệm, bao hình ảnh sống ở Việt nam đông cứng lại, với ngần ấy dĩ vãng, tôi bắt đầu cuộc sống mới ở quê người. Đời sống tình cảm quê hương không phát triển được tiếp. Khác hẳn với bạn bè kém may mắn hơn tôi ở lại Việt-nam, đả trải qua biết bao nhiêu biến động về thể xác lẩn tinh thần, nhiều bạn đã trải qua đời sống ở bậc Đại học, hoặc lăn lộn trong đời sống chiến binh, ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh…kỷ niệm về thuở học trò vàng son chắc hẳn phai mờ đi ít nhiều. Riêng tôi, những kỷ niệm xưa vẫn âm ỉ sống trong lòng. Tất cả thư từ, hình ảnh tôi vẫn tàng trữ, cất giữ nâng niu trên ba mươi năm nay, tôi làm Viện trưởng Viện bảo tàng tư thục. Mất một cái thư, lạc mất một tấm hình, đứt ruột cả tuần. Học bạ năm Đệ nhất, Đệ Nhị tôi còn giữ. Có thể những kỷ niệm cuối cùng trước khi tôi ra đi đã ràng buộc tôi chăng?
Tôi xin ghi lại đây một chuyện tình thuở học trò với một ngưới bạn gái cùng lớp Đệ Nhất A2 trường trung học Cường-Để Qui-nhơn, Cô bạn đó là cựu Nữ hoa khôi 66-69 của trưởng Nữ trung học: Trần thị Thanh-Tâm. Nói đến Thanh-Tâm, chắc các bạn trai cùng lớn lên trong thời gian đó, ai cũng biết? Tâm. người Bắc, đẹp, dễ thương, ít nói, đến độ lạnh lùng, chắc có lẽ chỉ là bề ngoài, để chống lại hàng chục cây si thường mọc trước trường Nữ, hay dọc vỉa đường trên suốt khoảng đường về nhà…(em đi lòng phố phân vân).Thanh-Tâm học rất chăm, rất giỏi, thông minh và rất thực tế. Không hiểu sao tôi lại chọn ban A yếu xìu. thay vì tiếp tục đi ban B?
Niên khóa 68-69 dân trường Nữ Trung-học phải dời đô lên Cường Để, vì dưới trường Nữ không có Đệ Nhất. Thế là bóng hồng trường Nữ thướt tha bay trên sân trường cằn cỗi, hanh nắng của Cường Để.
Ban đầu mới vào lớp, anh em đã xì xào với nhau lớp mình có “em” Thanh-Tâm, hoa khôi trường Nữ lên học đó! Tôi có nghe đến tên này, từ lúc còn học Đệ Tam trung học Bồ-Đề, nhưng chỉ biết vậy thôi chứ thân phận làm chú Mán, chú Mường đâu nghĩ đến chuyện leo cây quế giữa rừng!. Mấy cô trường Nữ hầu hết nhận ra tôi, vì tôi có một thời hát ở đài phát thanh Qui-nhơn (66-67) với ban nhạc Nhạc tình thương, Lúc học Đệ tam được gọi là năm dưỡng lão, tuy chỉ mới 15, 16 cái xuân tơ !. Nhàn cư vi, kiếm chuyện. Máu văn nghệ nổi lên, tôi và mấy thằng bạn bèn kiếm, lập một ban nhạc lấy tên Nhạc tình thương do Tố xuân phụ trách, trống thì có Nguyễn trương Lương, Bass có Anh, đệm Accorde có Hùng. Ca sĩ có tôi, Anh-Ngoạn, Thu-Hoa, Mỹ-Hiền… (tất cả là học sinh trường Bồ Đề) được truyền đi qua làn sóng đài phát thanh Qui-nhơn, mỗi tối thứ Hai, từ 7.15 đến tám giờ. Thứ tư thì có ban nhạc Bình Minh của anh Nhạc sĩ Nguyễn văn Xứng. Anh Xứng là ông Bầu của hai giọng hát nổi tiếng Qui-nhơn thời ấy: Diệu-Lý + Mỹ Hiền.
Thanh-Tâm chơi rất thân với Khuê, Lê thị Khuê, đi học lúc nào cũng đi chung, vì hai người ở gần nhà nhau, vả lại Khuê cũng thuộc loại học rất chăm, rất giỏi. Học cùng lớp, với thời gian chúng tôi trở nên thân thiện. Dĩ nhiên tôi cũng phải lòng người đẹp nhấp lớp rồi, tôi bắt đàu yêu Tâm, tình yêu đến lúc nào tôi chẳng biết, không cắt nghĩa được, như Xuân Diệu đã viết:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gío hiu hiu…
Chú Mán bắt đầu đòi leo cây! nhưng biết làm sao đây? Ở trong một thành phố nhỏ, ai đẹp, ai xấu, ai ham chơi, ai chăm học mọi người đều biết. Ở tuổi học trò không lo ăn học, lại đòi tình tứ bậy bạ, thể nào cũng có thằng mách lẻo đến tai ông bà bô thì… tránh đâu cho khỏi nắng? Thế nào một dịp về nhà cũng sẽ được nghe một bài giảng về moral dài lòng thòng,
Vì vậy mọi việc, nhất là việc đang dệt mối tơ lòng, phải qua trung gian và được sắp vào hạng bí mật, đại bí mật !Trung gian đó thường là anh, là em hoặc bạn bè của đối tượng, nếu đối tượng không có anh, thì thường hay dẫn em đi theo làm gardecorpe (hay kỳ đà cản mũi) để ông bà cụ ở nhà yên tâm. Làm đấng mày râu nhiều lúc thật là khổ!, nguyện kiếp sau làm con gái, lời hơn.
Tôi nhờ Khuê thương tình làm trung gian cho tôi.
Tình yêu tuổi học trò, thật thánh thiện. Tôi quen, tôi biết, tôi yêu linh tinh nhiều, nhưng chưa bao giờ dám vượt qua vòng lễ giáo. Gặp nhau qua ánh mắt, qua nụ cười, về nhà viết thư tình chất lại thành non, khẽ nắm nhẹ tay nhau là hạnh phúc. Không bao giờ dám làm trò xàm sở sợ bị khinh, sợ xa nhau, sợ tình yêu sẽ bị hoen ố. Đến tuổi cặp kê, tôi chắc chắn có nhiều vị còn chưa biết hôn là cái gì, nhưng viết thư thì… mạnh bạo lắm. Tôi qủa là chúa cù lần (có tiếng không có miếng).
Lớp Đệ nhất A2 tụi tôi có Giáo sư Nguyễn hữu Tánh làm GS hướng dẫn, dạy Pháp văn. Thầy Quang dạy Vật lý, Thầy Hòa dạy Triết, Toán có thầy Bé, thầy Tròn, GS Trương hữu Kha, mặt mày còn nổi lốm cốm mụn trứng cá dạy Anh văn, đâu được mấy tháng thì có GS Đào đức Duyên thay thế. Tuy mang tiếng thầy, trò chứ mấy Thầy Tròn, Bé, Kha Duyên chỉ hơn tụi học trò có 4, 5 tuổi, khoảng 22, 23 tuổi, bởi vậy tụi tôi không mấy nể, gọi là mấy “anh Thầy”. GS. Duyên sau này làm GS hướng dẫn, rất hòa đồng với tụi tôi, nên ai cũng mến. Có lúc tôi nói với thầy Duyên: – Thằng Hiếu nó thấy gái cứ tít mắt lại. Bị trả đuã một câu thấm thía: – Còn Khoa thì cứ sáng mắt ra!. Giáo Duyên lại đang phải lòng Thu-Nguyệt. Dạo đó trong lớp chúng tôi có khoảng ba chục người. Bên phải là dãy bàn cho bên Nữ khoảng mười người, bên trái cho Nam khoảng hai mươi mấy mạng gì đó. Tôi ngồi với thằng Hiếu, cách bàn Tâm + Khuê một bàn.
Tôi chỉ còn nhớ mang máng đâu vài tên như phía Nữ có Lê thị Khuê, Trần thị Thanh-Tâm, Trịnh thị Thu-Nguyệt, Thúy-Nhung, Tôn nữ Bích-Lan, Thu-Cúc, Hồng…Bên Nam: Nguyễn gia Hiếu, Đinh văn Hiếu, Lê văn Cần, Dũng con, Hùng, Phong, Dư xương Bình…
Nguyễn gia Hiếu chơi với tôi rất thân, cứ mỗi sáng, nó đi bộ từ đường Gia-Long đến đường Trần cao Vân, chỗ tôi ở, hú tôi đi học, về, thì cùng đi chung một đường, tắt qua Chùa Long-khánh. Cứ như thế đi đi, về về với nhau cả năm. Dư xương Bình, Hiếu, Cần, Thu-Cúc phụ giúp tôi rất đắc lực, dùng Nhất dương chỉ đánh máy, quay ronéo, sắp trang, đóng bià Đặc san ở nhà Thu-Cúc, lúc đó ông bô của Cúc làm trường ty Quan-thuế ở Hải-cảng, khu một, cho mượn được cái máy quay ronéo và máy đánh chữ. Giáo Duyên chi tiền cho giấy strancil đánh máy ronéo. Anh chị em trong lớp phần lớn có cảm tình vớI tôi, vì tôi chịu khó hoạt động văn nghệ và báo chí, có lần tôi có ý kiến về thái độ thiếu tôn trọng học sinh của một giáo sư không tiện nêu tên, tôi bị đuổi ra khỏi lớp. Nguyễn gia Hiếu bênh tôi, cũng bỏ ra ngoài, lần lượt nhóm con trai đi ra tuốt, đến lượt phía nữ cũng tỏ tình đoàn kết đi ra theo. Trước lớp, lố nhố, lao xao đám người như ong bị vỡ tổ. Thầy Giác, lúc ấy làm Giám thị, gọI tất cả về văn phòng hỏi nguyên do, xong cho phép tôi được vào học lại, cả lớp vào theo. Kỷ niệm khó quên! Rất cảm động, cảm ơn mấy bồ!
Thỉnh thoảng chúng tôi hay tổ chức làm văn nghệ với nhau với giáo Duyên. Lúc ra đi, tôi có mang theo tập đặc san Góp mặt của Đệ Nhất A2, tiếc rằng, sau tám năm lưu giữ, bị một tên bạn nào đó mượn, rồi cầm nhầm luôn, đến nay vẫn còn tiếc, nên tôi không nhớ rõ hết tên bạn cùng lớp. Tôi nhớ một chuyện, lúc ra Đặc san trong lớp, mỗi người nên viết đóng góp một bài, Thanh-Tâm không có tài viết văn, cầu cứu, tôi viết giúp Tâm một bài thơ. Lúc đó văn thơ lai láng, đi chơi chung với mấy thằng bạn văn thơ một bụng, si tình, lập Thi văn doàn lấy tên Đất đứng nổ ra mấy bài thơ lục bát độc đáo tặng Thanh-Tâm:
Qui-nhơn phố nhỏ lên đèn
Nọc đen rắn dại, thổi kèn chiêu thân
Em đi lòng phố phân vân
Tuổi tròn mười tám sinh phần lên ngôi
Tên em đinh đóng bờ môi
Lời xưa hẹn ước cuốn trôi về nguồn…
Hoặc:
Mặt trời nhỏ giọt mưa buồn
Phớ này vấy máu ghen tuông trãi dài
Em là con gái bán khai
Đêm ôm trái phá cuối ngày bỏ trôi
Tình yêu mọt nhắm khung trời
Đá tên Thượng-đế chối lời yêu đương…
Chuyện tình giữa tôi và Tâm trong lớp không ai biết gì cả, chúng tôi tuyệt đối giữ kín bí mật. Chúng tôi hẹn lúc thi xong, hai đứa sẽ vào Saigon học tiếp, dễ gần nhau hơn, chứ ở Qui-Nhơn cái nơi mà đi dăm bước đã về chố cũ, có nhiều dị nghị tai hại! Tình yêu Tâm dành cho tôi, là thôi thúc tôi học, lúc nào tôi cúp cua, là nàng quấn cả lên.
Cả thằng Hiếu, tôi cũng không nói cho nó biết. Người làm chim xanh và bắt nhịp cầu thông cảm cho tôi là Khuê. Tôi rất mến Khuê theo đúng nghĩa bạn bè. Bạn bè chỉ có giữ con trai với con trai, giữa hai phái khác nhau, sẽ không có được! Hoặc giả có một mối tình đơn phương mà một trong hai người vô tình chẳng biết?.Tôi không tin như vậy vì Khuê đang yêu Hùng và ngược lại. Tôi mến Khuê vì Khuê là ân nhân của tôi, là bà mối của tôi, là người kết hợp Tâm với tôi dù tình yêu của chúng tôi chì là những “vu vơ tuổi học trò”! Ngay cả việc gặp T. cũng đâu có được, tuy nhà không có chó, nhưng ông bà cụ Tâm mà biết được sẽ thành “đại sự ” ngay. Vì thế, những khi thấy lòng nhớ nhung đến mức “không gặp chịu không nổi” và “buồn như một con chó ốm” tôi bèn lần mò đến nhà Khuê để nhờ cô bạn “cứu bồ”.Khuê thường nhờ đứa em ra nhà chị Tâm mời lại Khuê để có chuyện cần bàn. Địa điểm duy nhất để chúng tôi gặp gỡ chỉ nhà Khuê, chứ chẳng biết ở đâu?
Nhớ những đêm gặp Tâm ở nhà Khuê thật tuyệt vời! Dưới ánh đèn dầu (Qui-nhơn dạo đó hay cúp điện, phải dùng đèn dầu, và nhiều lúc chúng tôi phải học bài dưới những cột điện) Tâm đẹp hơn Tố-nữ, tuy không biết Tố-nữ đẹp đến cỡ nào? Tâm ngồi đó, với đôi mắt to đen nhánh, long lanh dưới ánh đèn dầu, nhìn tôi, hay cúi mặt xuống để nghe tôi ba hoa con chích chòe. Tôi cảm thấy, trong thiên hạ, thật không có gì đẹp bằng đôi mắt mỹ nhân. Tôi chơi vơi trong hạnh phúc…Hai đứa ngồi cạnh nhau, nhiều lúc luống cuống, không biết nói cái gì, dù có biết bao nhiêu điều muốn nói. Tuy vậy, những lúc im lặng, là những phút thiên thần đang bay qua. Hình như tôi thoáng nghe cánh thiên thần Amore bay qua khe khẽ đâu đây. Tôi thu hết can đảm nắm nhẹ tay Tâm (run gần chết!), Tâm để yên được một lúc, rồi kéo tay về, rụt rè nói:
– Thôi để Tâm về kẻo Mợ lo
Mỗi lần gặp nhau chỉ được nửa đến một tiếng là cùng, quá ngắn ngủi !
Tôi, thằng Mán may mắn và sung sướng nhất đời!
Tình yêu theo Nguyễn-Bính là ghen tương ích kỷ:
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm người…
Qủa thật, tôi trở thành ích kỷ, dễ ghen tuông (là căn bệnh của những con gà giò mới lớn, thiếu tự tin và thiếu kinh nghiệm).
Bấy giờ tôi bắt đầu yêu thơ Nguyên sa:
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn.
Tôi biết Tâm là đối tượng của hầu hết mấy chàng học sinh thuở đó. Lại nữa, mấy ông nhà binh hay lượn Honda, xe Jeep qua nhà với hai, ba bông mai vàng, bạc sáng chói, có nhiều ưu thế hơn thằng học trò chỉ có chồng sách để học và chỉ có thể cho em một tấm lòng! Tôi sợ mất Tâm là cái chắc! Hôm đó, lại nhà Khuê để học (mượn cớ để gặp Tâm) tôi bắt gặp tên Tân (đờn Violine rất hay) cũng là dân Cường Để, đang chở Vespa đưa Tâm về nhà. Thế là cu cậu uất ức, buồn bã, hết muốn đi học, đòi đi lính chết phứt cho rồi, (đến đây khỏi cần diễn tả tiếp, ai đã không từng qua cái cây cầu khỉ này), tôi bỏ học, cúp cua ba bữa ở nhà hút thuốc, ngâm bài con cá chết vì nước ! Tôi biết thể nào Tâm cũng sẽ hỏi, nếu thấy vắng tôi (tạm làm áp lực – xem thử em có còn yêu mình nữa không ? Xì, thói xấu ! ) Sau ba hôm Khuê ghé lại nhà, trao cho tôi một bức thư bằng giấy học trò nhãn hiệu Xích lô máy (trang đôi) của Tâm. Thư viết ngắn ngủi như sau :
Khoa ơi, thật T. không ngờ……….
K. nghe T. nói vất thuốc đi, chải đầu thay quần áo đi học đi nghe.
T. không muốn K. như vậy đâu – K. …. ……
Không biết lời nói này của T. nó có hiệu nghiệm gì không ? hay chỉ làm K. ghét thêm – Mặc kệ ! K. đi học đi nghe K. Nếu không ………
Gặp K. nói nhiều nếu cho phép.
T.
đi học nghe K.
K. hút thuốc hút nhiều rồi phải không ? K. không thể phá hoại thân thể một cách tàn nhẫn như vậy được, đi học nghe K. nhìn xuống thấy vắng K. chắc T. ………..
Khổ qúa, đi nghe K. Khoa nghe Tâm nói gì không ? đi học !
Thà rằng Tâm viết ra hết mọi ý nghĩ đi, chứ đừng dùng mấy dấu chấm chấm để tôi suy nghĩ. Tâm không ngờ cái gì ? không ngờ tôi ngu đến thế hay sao ? Nếu tôi không chịu đi học, thì Tâm sẽ không còn yêu tôi nữa ? Nhìn xuống thấy vắng tôi, chắc Tâm… thế nào ? chết mất hay buồn lắm ? Tâm lo cho tôi đến thế hay sao ? Xin lỗi nhé, đã làm Tâm lo sợ. Lời nói Tâm có hiệu nghiệm hơn cả thuốc cải tử hoàn sinh, thương Tâm không biết để đâu cho hết, làm sao mà ghét Tâm được…
Nhận thư xong, tôi vội vàng ôm sách đi học ngay, bao nhiêu giận hờn vu vơ tan biến hết. Lệnh của Nữ-hoàng truyền xuống đâu dám cãi…
Bức thư này, tôi đã giữ kỹ cho đến hôm nay. Giấy ca rô học trò đã ngã màu vàng (32 năm đã qua). Thư được gấp lại thành tư, đã rách theo những đường lằn gấp, thành tám mảnh, tôi đã dán lại bằng băng keo. Băng keo cũng đã bong theo bước thời gian, bây giờ được lồng vào bao nhựa, để nhớ, để bồi hồi…Một bảo vật của Cường-Để tặng tôi.
Xin kể tiếp…Hè năm 69 thi Tú tài phần hai, tôi bị hỏng đợt đầu, đề thi năm đó, rất khó, chắc chính phủ cần lính mới? Tâm và Khuê đều đậu nhưng với hạng Thứ (mặc dù hai người học rất giỏi). Tôi trở thành con nhạn là đà, chờ thi khóa hai. Tâm đậu xong đi trước vào Saigon xin ghi danh vào Y, ngày đi của Tâm tôi cũng không biết, vì mãi lo luyện bài thi cho đợt hai. Nếu đi đoong chuyến này nữa thì…Nợ non nước anh đền ngay ! May quá, tôi đậu được khoá hai với điểm khá cao, vào Saion xin đi du học Nhật, nhưng lúc ấy xảy ra một chuyện : báo Nhật đăng tải tin một tùy viên sứ quán, đi tửu lầu (Geisha) bị bắt gặp, bêu xấu làm mất mặt Việt-nam, tôi giận qúa, xin đổi đi học Tây-đức. Lo đơn xin chuyển, lo làm giấy tờ, tôi chẳng biết Tâm ở Saigon chỗ nào để mà tìm gặp, rồi từ ngày ấy, đến khi tôi sang Đức tôi mất liên lạc hẳn với Tâm. Trước khi ra đi, tôi cũng đã suy nghĩ kỹ, nhiều lúc ngập ngừng không muốn xuất dương. Nếu ra đi, thì có thể vĩnh viễn xa Tâm. Nhưng đường tiến thân có nhiều hứa hẹn. Nếu ở lại, không biết gia đình Tâm có chấp nhận mình không ? trong lúc còn đi học chưa có công danh sự nghiệp? Chuyện tình, nhiều khi đứt gánh giữa đường là thường. Thế rồi tôi quyết đînh : Ra đi ! Sang Đức, không dám gửi thư qua địa chỉ của Tâm, đường Nguyễn công Trứ. Hơn nữa, sau khi mình trượt khóa đầu rồi Tâm còn nhớ đến mình? Câu hỏi đó mãi đến nay và vĩnh viễn về sau tôi sẽ không bao giờ được biết, Tôi đã không giữ lời hẹn năm xưa, hay Tâm lỗi hẹn?
Tôi đâu có ngờ lần giã biệt Qui-nhơn cuối cùng, ra đi, là một lần vĩnh biệt …
Tôi còn giữ nhiều thư từ của những ngày đó. Thư của Anh Thầy Duyên gửi ngày (22.06.70) có đề cập đến việc Thầy Kha đi hỏi Khuê, việc T. về ở hẳn Qui-nhơn và đi dạy tư thục, việc một đám cưới uớc mơ của “anh Thầy” và “trò Nguyệt” việc mong Khoa và T. có cơ may kết hợp. Việc Thầy Kha cưới Khuê thì đúng, dù không vui, việc “anh Thấy” và “trò Nguyệt” không hiểu vì lý do nào đó đã không xảy ra như dự tính và tôi thì vĩnh viễn không bao giờ có T.T.
Tôi dược thư của Khuê gửi ngày 14.08.70 và nhiều cái sau đó, tất cả thư Khuê đều không vui với sự tan vỡ một tình yêu và một đám cưới vì chữ hiếu, tôi muốn mở văn khố để đăng lại những bức thư một thời đã đem lại những vui buồn, xao xuyến cho tôi về những người quen thân nhiều tình cảm một thời Qui nhơn cũ, nhưng nghĩ lại, thư đề cập đến nhiều chuyện, liên quan đến tình cảm riêng tư của nhiều người. Hãy trả nó về với dĩ vãng, đừng khơi dậy nỗi đau trong lòng ai.
Cứ thế thời gian tiếp tục trôi…cho đến cách đây hai năm, tôi hỏi thăm nhiều người quen biết và chút ít tin tức về T.T. Nghe nói nàng đã lập gia đình, có con, nhưng hình như không được hạnh phúc mấy? Năm 1980 Thanh-Tâm xuống thuyền vượt biển. Chiếc tàu có Tâm trên đó, không biết trôi dạt về đâu ? Từ ngày Tâm ra đi, gia-đình vẫn mòn mỏi ngóng chờ một tin lành!. Nhưng không một ai trả lời được nỗi mong chờ đó, cho đến nay…Tâm đã trôi dạt đến một nơi chốn ước mơ nào hay giông bão, tai ương đã vĩnh viễn cướp mất một bóng hồng một thời Quinhơn và một bóng mãi đẹp của riêng tôi.
Đã mấy mươi năm qua, tôi vẫn cầu mong Tâm được hạnh phúc, gặp nhiều may mắn sau khi giã từ tuổi học trò, lao vào cuộc đời nhiều dâu bể. Ngày xưa tôi ra đi, với một tương lai đầy hứa hẹn, không kịp một lời giã biệt, thật đáng trách. Cái mặc cảm chưa có công danh cứ ám ảnh. Không biết Tâm có thầm oán trách tôi không? Mười năm sau, Tâm ra đi, với một tương lai bấp bênh, đầy sóng gío, rùi nhiều, may ít. Định mệnh không thể đoán trứơc được! Chuyện tình đã qua, mình có thể nhắc lại với tính cách thời sự không Tâm? Cố chôn dấu những kỷ niệm trong một góc hẻm nào đó của tâm hồn. Nhưng một hôm, dĩ vãng lại về …tạo nỗi buâng khuâng. Một thoáng hương xưa!
Tâm ơi, thật Khoa không ngờ……………
T. nghe K. nói cố gắng vượt mọi trở lực, để sống nghe.
K. không muốn T. như vậy đâu T. …………
Không biết lời nói này của K. nó có hiệu nghiệm gì không?
Hay chỉ làm T. ghét thêm. Mặc kệ!
T. gắng sống đi nghe T. Nếu không………..
Gặp T. nói nhiều nếu cho phép
K.
T. đã khổ, khổ nhiều rồi phải không? T. không thể hành hạ đời mình
một cách tàn nhẫn như vậy được. Gắng sống nghe T.
nhìn đời thấy vắng T. chắc K. ………….
Khổ quá! gắng sống nghe T. Tâm nghe Khoa nói gì không?
Sống!
…………………………………………………………….
Thành phố biển, con đường ven biển với những con sóng nhỏ hay vẫy chào bước chân Tâm đi học về mỗi chiểu, ngày xưa, hôm nay nỡ làm con sóng dữ, cướp mất người bạn mến yêu của tôi sao?
Lòng ta chôn một mối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu…
(Sounet d Avers )
Dành một phút suy tưởng về người nữ hoa khôi Trần-thị-Thanh-Tâm trường Nữ trung học Qui-nhơn thuở nào.
Bùi Đăng-Khoa
(Đức) 2001{jcomments on}