Chuyện kể
của
Trần Thị LaiHồng
(tiếp theo hai kỳ trước)
trong loạt
MANOR/MONA/MANỒ
Ngày bắt đầu từ giờ Tý canh ba. Nửa đêm. Yên ắng. Tĩnh lặng. Mọi người đều say nồng, có thể mộng bình thường hay ác mộng, nhưng vẫn đi vào tĩnh lặng, Tuy nhiên, hầu hết các cửa phòng đều mở ngỏ, nên nghe rõ từng tiếng động. Có người trở mình. Giường khung thép khung nhôm, ken két từ mấy món phụ tùng bắt gắn thêm để điều khiển nút bấm cao thấp lên xuống, co cẳng, nâng chân, dựng đầu. Mỗi giường có riêng một TV và có người mở máy cả đêm chỉ để nghe có tiếng, hoặc quên tắt khi đi vào giấc ngủ.
Phòng đối diện có ông đêm ngủ cù cưa kéo gỗ rừng khuya, lâu lâu lại mớ hoặc nói chuyện:
– Oh my dear! My dear! I want to be home! I want to go fishing! I miss my yatch! That’s my yatch, runs good, runs fast. Just 50 miles! I love the navy blue open sea and the beautiful blue sky. Oh dear! Enjoy the sunshine, but don’t forget your sunglasses. ( Ôi em ơi! Em ơi! Anh muốn về nhà! Anh muốn đi câu! Anh nhớ cái du thuyền! Cái thuyền của anh, chạy tốt, chạy nhanh. Mới có 50 dặm thôi! Anh yêu biển xanh dương và bầu trời xanh ngát. Ôi em! Vui với nắng nhưng đừng quên cặp kính mát nhé!)
Một lát lại nghe càu nhàu, không biết mắng nhiếc ai:
– Damn it! Shit!
Nghe rồi cười thầm. Nếu có mèo, đêm về với vợ tóc nâu hạt dẻ mà mớ Em yêu ơi! Anh yêu mái tóc bạch kim của em óng ánh nắng gió biển xanh …thì chắc cũng nồi niêu soong chảo tan tành như ai
Tờ mờ sáng. Lũ bìm bịp beep beep chưa lên tiếng gọi đàn. Vẳng từ cuối hành lang, có điệu kèn harmonica nhè nhẹ vọng lại. Chơi nhạc không điệu nghệ lắm, nhưng điệu nghệ ở chỗ đem những nốt trầm bổng thanh thản làm dịu nhẹ không khí của một dưỡng đường. Chỉ cần một chút tâm lành, là chân thiện mỹ đem lại niềm an lạc không riêng cho mình, mà chung mọi người.
Các y tá bắt đầu bận rộn. Có phiên ồn ào chuyện trò rôm rả nói cười ha hả đối đáp sa sả. Có phiên êm ả rón rén khẽ khàng, chỉ sau 5 giờ sáng mới có nhiều chao động. Bác sĩ đến phiên thường vào rất sớm và chỉ làm việc khoảng vài tiếng là về phòng mạch riêng. Y tá phân phối thuốc uống, thuốc chích, đo áp huyết, bắt mạch, lấy nhiệt độ, gắn ống thở dưỡng khí hoặc chuyền thức ăn cho những người cần đặc biệt. Các y tá phụ làm vệ sinh cá nhân và thay áo quần. Một số được đặt lên xe lăn đẩy ra khỏi phòng để chăn gối khăn giường được thay đổi thu dọn.
Hầu hết những người bị đẩy ra ngồi ngoài hành lang trước trạm y tá lại tiếp tục ngủ. Riêng một bà thì thầm hát nho nhỏ những bài thánh ca. Sắp Mùa Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới. Những bài thánh ca dịu dàng dù âm ư thì thầm cũng đủ nâng bổng hồn người lên cõi Trời cao bao la. Bà này hay thu mình ôm hai tay ủ kín vì dễ bị lạnh. Tôi được dịp đến gần nghe hát và xoa vai, xong nhắc nhở vận động vừa xoa vừa bóp vừa xòe từng ngón tay để máu huyết lưu thông ấm áp.
Bà cụ hồi đêm trông gà hóa cuốc trách móc ông con trai Steve, how did you kick me out … sáng nay lặng lẽ trầm ngâm không nói một lời, ánh mắt xa xăm dõi tận đâu đâu. Trong khi đó, ông tưng tửng lại lững thững vừa lăn xe vừa bâng quơ: Tui vô đây vậy là mấy ngày rồi? Tháng này là tháng mấy? Nhớ nhạc Từ Công Phụng Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em/ anh đi tìm mầu hoa em cài …Ông này không nghe nhắc em nào, chỉ nhắc nhở trông mong con gái vào thăm.
Ngoài cửa sổ, vì sao Mai bắt đầu mờ nhạt. Vài con chim sâu nâu xám lặng lẽ chuyền cành, trong khi đám bồ câu xám trắng cặm cụi nhặt nhạnh hạt thông và vụn bánh dưới đất, long lanh đôi mắt hạt cườm đen viền vàng. Trên bãi cỏ xanh mượt, mươi con cò trắng lặng lẽ bước chăm chú tìm mồi trong cỏ ướt. Một con chậm lại phía sau lò dò rón rén rình đớp chú nhái bén trắng xanh ẩn mình nép dưới búp lá kè con màu lục non mới nẩy chồi sát mặt đất.
Một xe cứu cấp chớp đèn trờ tới. Lũ cò thản nhiên tiếp tục tìm mồi. Chỉ một con giật mình tung cánh vút lên rồi lại là đà buông mình, đôi chân đỏ hồng thon dài thòng xuống trước, rồi đôi cánh đang vỗ xòe cụp xếp gọn bên hông, trông như một chiếc yếm trắng phất phơ tung lượn sà ụp xuống bãi cỏ, con cò bay lả bay la/ bay qua ruộng lúa bay về đồng xanh/ tình tính tang, tang tính tình …
Đang mải mê nhìn ngắm bình minh chỗi dậy cùng đàn cò và nghĩ đến nhạc, Điệp khúc Hồng cũng vừa trổi. Tựa đề này do họa sĩ Đinh Cường khi từ Virginia về thăm chúng tôi và cứ nghe gọi “Hồng ơi!” từng năm mười phút một.
Điệp khúc mở đầu để tôi dành phần việc của y tá phụ, làm vệ sinh cá nhân răng miệng mặt mũi tay chân, thay “khố”, mặc áo quần giày vớ tề chỉnh để ăn sáng ngay trong phòng. Ăn xong có trò “xỉa răng cọp”, súc miệng rồi đỡ dậy dìu qua xe lăn. Vừa chầm chậm bước, chàng vừa ư ử …danser danser …Tôi vừa đẩy xe vừa nhại thơ Nguyễn Đình Chiểu Kim Liên ơi hỡi Kim Liên/Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê … LaiHồng ơi hỡi LaiHồng/ Đẩy xe cho chồng phơi nắng ngoài hiên …
Trước khi ra ngoài, chúng tôi dừng lại ở phòng Recreational Therapy sinh hoạt tập thể và giải trí, có TV lớn và hai computers để bệnh nhân và thân nhân dùng liên lạc bên ngoài, miễn phí. Emails của chúng tôi thường đến từ khắp nơi. Những thư ngắn chữ lớn chàng đọc được, thư dài chữ nhỏ thì tôi là người đọc.
Một số emails còn gửi kèm bài viết theo dạng http:// nên dù máy không có phần mềm chữ Việt, tôi vẫn bấm vào và nếu bài ngắn thì đọc để chàng nghe.
Bài dài như loạt Lẩm cẩm Sàigòn của nhà văn Văn Quang thì tóm lượt và xem hình có giải thích, để chàng biết tình hình bên nhà. Một số bài khác khi về nhà tôi in ra đem vào đọc.
Sinh hoạt giải trí này nhằm gợi ôn trí nhớ, theo dõi tình hình gia đình, thân bằng quyến thuộc, thời sự trong nước và thế giới … Đang mùa vận động bầu cử ở Mỹ, Nobama và Bà Lanh kẻ thắng người bại, Tổng thống Bush bị ném giày … Ngồi đây mà nghe phở quát, miến chửi, xôi chém…từ Hà Lội thì cũng là một điều đáng ghi lại. Đang mùa mưa ở Việt Nam, Hà Lội ba mươi sáu phố phường đổ xô giăng lưới và chơm nơm bắt cá, đám cưới cô dâu chú rể vén quần lội lụt, và SàiGòn Ngả Năm Ngả Bảy thành sông sóng vỗ dập dềnh.
Khoảng sau 9 giờ, ấm nắng. Tôi đẩy xe ra ngoài. Xe lăn loanh quanh một hoặc hai vòng lề đường ngoài bãi trước có cây cao bóng mát và ghế gỗ, không có ghế đá công viên của Trịnh Công Sơn. Dừng xe bên một băng ghế sơn trắng. Khóa. Lấy sách báo hoặc truyện hoặc thơ hoặc tài liệu từ các webs in sẵn từ nhà. Người đọc. Người nghe. Và cùng nhận xét.
Thời gian này hai tập hồi ký của Nguyễn Khải và Nguyễn Đăng Mạnh được tung ra nước ngoài chuyển đến khắp mọi người.
Chàng nhận xét Nguyễn Khải can cường thẳng thắn dám nói dám viết. Đọc Nguyễn Khải là đọc nhiều vấn đề, biết được một số tài liệu về một giai đoạn lịch sử. May ông mất sớm chứ còn sống chắc chắn bị “đì”đến tận cùng nữa ngoài việc không được chôn chung vào đất “phong thần.”
Về Nguyễn Đăng Mạnh, chàng bảo ông này giỏi bươi móc và khá khoe khoang. Nhưng những điều ông ghi trong tập hồi ký này rất đáng giá cho những ai muốn tìm hiểu thêm về một số nhà văn ngoài Bắc trong thời kỳ trước và sau 54 hay sau 75. Chương XIII về Nguyễn Tuân, trong một buổi nói chuyện, có ghi lại một nhận định của Nguyễn Tuân về ký và cấu: “… để viết ký cho hay, không nhạt, tôi cho rằng phải có vốn văn hóa, vốn kiến thức. Người viết có nhiều dụng cụ thì đồ chế tạo nhất định phải tinh xảo hơn. Nói chung thì nghệ thuật nào chẳng phải vay mượn các cách của nghệ thuật khác để thể hiện.”
Phê bình thơ và thi sĩ thi nhân, Nguyễn Tuân nói: “Có hai chữ thi nhân và thi sĩ. Tôi thích chữ thi nhân hơn. Thi sĩ là chỉ anh có nghề làm thơ. Còn thi nhân thì sang và đẹp từ bản chất con người.”
Nguyễn Tuân nhắc đến Nguyên Hồng: “Người ta có bốn cái khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Nguyên Hồng bỏ qua hai khâu lão bệnh, đi thẳng từ sinh đến tử.”
Cả hai chúng tôi cùng xúc động thương cảm Nguyên Hồng, rất Bỉ Vỏ, một nghệ sĩ sống trọn vẹn cho văn học nghệ thuật, nhưng trót chọn lầm lý tưởng; và lại cười chuyện kể về Xuân Diệu và Huy Cận với những bỉ ổi của tình đời.
Chàng bảo Xuân Diệu trước cách mạng cách tân dập khuôn Beaudelaire, Rimbeau và Verlaine…nhưng cũng đã sáng tác được những vần điệu mới lạ táo bạo, ngon lành như Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi, hối hả dục dã như Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em em ơi! Tình xuân đã già rồi! và khéo léo uyển chuyển như Gió lướt thướt kéo mình trên cỏ rối/ Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trên cành…
Chàng ngâm nga Nguyệt Cầm là bài của Xuân Diệu trong tập Thơ Thơ, và bảo tuy muốn theo phong trào lãng mạn bên Tây, Xuân Diệu vẫn còn vướng mắc luẩn quẩn điển cố thơ Tàu. Nhưng bài Nguyệt Cầm này lại hay và đã gợi ý cho bức tranh cùng đề tài, chàng từng đem triển lãm tại Canada năm 1992, và cuộc triển lãm này lại là đề tài cho vụ Động Đất tại Monréal.
Khi ư ử Tràng Giang của Huy Cận, chàng nhắc lại là chỉ có vài chữ Hán, còn toàn bài dùng quốc ngữ, nôm na mà đậm đà. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà …Ở đây, bếp chẳng có khói, mà nhớ nhà, nhớ nhà, nhớ quê …Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Trông lại tha hồ mây trắng bay …Ngâm rồi nức nở khóc òa…
Trời hải đảo khi nào cũng đầy mây. Buổi sáng có mây chó cuồn cuộn và gió hây hây. Tóc bạc bay bay. Râu bạc cũng rung rung trên môi khi nước mắt lại nhỏ dài nghe đọc truyện chiến sĩ ngoài trận của Nguyễn Mộng Giác và những chuyện kể trong tập Ở Cuối Hai Con Đường của Phạm Tín An Ninh gửi tặng: những kinh nghiệm chiến trường và những nỗi đau của người thất trận, chàng chưa hề nếm trải.
Ba tập truyện của Dương Nghiễm Mậu mới in lại từ Việt Nam cũng được lần lượt đem đọc. Dịp về Việt Nam đầu tiên chúng tôi đã có đến thăm người bạn văn này, nay không viết mà vẽ và làm tranh sơn mài. Chàng nhắc lại đã dịch Ngày Đốn Cây Vú Sữa, và bảo tôi đánh máy gửi vể tác giả.
Chàng thích những loạt thơ mới sau này của Ngu Yên và Hoàng Xuân Sơn, nặng nỗi đam mê vừa sâu sắc vừa khắc khoải mà chân thành bộc phát từ trái tim chân tình. Hai chàng thi nhân này còn say mê âm nhạc. Ngu Yên đặt nhạc jazz vàng, không phải jazz đen nhưng thao thức ray rức bứt đứt từng khúc ruột; và Hoàng Xuân Sơn vừa chơi lục huyền cầm vừa hát giọng trầm, chỉ để góp mặt vui bạn.
Chúng tôi cùng nhận chân rằng những người thực sự đam mê yêu văn học nghệ thuật không vì danh vì lợi vì tình tiền …chỉ có một tấm chân tình, mới làm được những việc đáng để đời chiêm nghiệm quý trọng.
Bài viết mới của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về tuổi già với lời lẽ dí dỏm cũng được đem đọc. Người già muốn sống làm sao cho … sướng là “biết mình …già, thấy mình già như trái chin trên cây, phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác … mà không khỏi tức cười.”
Vậy, già sao cho … sướng? Ba cái lăng nhăng người già sống sao cho sướng là có bạn, ăn uống tùy thích nhưng cẩn thận, và cần phải vận động. Nhưng, thử hỏi mấy ai có đủ điều kiện đạt được, thì làm sao mà sướng đây!!!
Riêng chuyện ăn uống, chàng nhắc lại là rất muốn ăn món bún xáo thịt bò bắp ướp nhiều sả và có nêm mắm ruốc Huế. Một lần tôi có lén làm đem vào, mùi sả bay thơm lừng nhưng mùi mắm ruốc thì tôi chỉ nêm rất ít gọi là có chút vị. Mấy năm trước có dạo chàng ăn chay, nhưng bảo là đã xin với Phật, là … không chừa mắm ruốc, và Ngài dạy: No problem! Tôi nói có biết người ăn chay nhưng tối đó người nhà làm gà nấu cháo nêm hành răm thơm phức, bà bèn bảo là đã quá 10 giờ tối, có thể …ăn mặn! Ôi, chay hay mặn, do tâm mình. Chẳng thế mà các cụ xưa đã bảo ăn mặn nói ngay ăn chay nói dối đó sao!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc uyên bác là người chúng tôi cảm phục. Bác sĩ có bản dịch Bát Nhã Tâm Kinh sáng láng nhẹ nhàng dễ hiểu dễ thấm hơn là nguyên bản tiếng Phạn Gaté, gaté, paragaté parasamgaté bodhi svaha …hoặc tiếng Tàu Yềt đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng đế, Bồ Đề Tát Bà ha.
Chàng lầm thầm đọc:
Vượt qua,
vượt qua,
vượt qua bên bờ ,
hoàn toàn vượt qua,
hoàn toàn giác ngộ.
Gone,
Gone,
Gone forever,
Awakened !
Sau đọc và nghe, là đi bộ. Tôi phải mang sẵn cái đai lưng, và đã học cách dẫn dắt từ chuyên viên phục hồi đi đứng, chắc và vững từng bước một, chầm chậm vòng quanh lề đường khu cây cỏ trước Trung tâm, vừa đủ mệt cho cả hai.
Khi nắng bắt đầu gắt, tôi đẩy chàng trở vào khu tập thể dục phục hồi vận động tay chân đầu óc dưới hướng dẫn của các chuyên viên.
Tôi rời Trung tâm về nhà, cho đến khoảng sau 4 giờ chiều trở lại để phụ giúp ăn tối. Buổi trưa chàng ngồi ăn cùng Papal, và ông tưng tửng (*).
Ra khỏi Trung tâm ManorCare vào Village Boulevard/ Đại lộ Cái Làng ngang mấy khu vườn cây lá quen thuộc. Xoài sum suê những chùm lá lục đậm bên cạnh những rặng chuối xòe tàu lá to bản óng mướt màu ngọc. Ba tiêu Basho. Có vườn cây khế trái vàng nẫu rụng đầy bên chân mấy luống cải hoa vàng tươi chen những búp su tròn bậm xanh thẫm. Đang mùa cam quit, cây trĩu trái vàng lủng lẳng đong đưa, và chanh xanh màu ngọc. Có cả bưởi trái lớn như bưởi Biên Hòa. Năm Roi Bảy Roi hay Ba Roi, chẳng biết. Hẳn mấy nhà này thuộc di dân hoặc Á đông hoặc hải đảo nhiệt đới vì còn thấy cây Akee tương tự đào lộn hột nhưng khác giống không biết ăn là trúng độc, riêng người vùng quần đảo Caribbean biết cách sử dụng.
Qua khỏi khu Village vào Millitary Trail/Đường mòn Nhà Binh – không phải Đường mòn Hồ Chí Minh trên Trường Sơn – có phố xá chợ búa, rồi vào Purple Heart Highway/Xa lộ Trái Tim Tím ngang qua tòa cao ốc Bệnh viện Thương Phế binh hồng tím, tiếp Beeline Highway/Đường Ong Bay rẽ vào Đại lộ NorthLake/Hồ Bắc, có Wetland Restoration Project/Khu Trùng tu Cây cối Đầm lầy, rất nhiều Bald Cypress là loại bách dương có gốc phình chứa nước lá thanh nhỏ bản màu xanh lục nõn mùa Xuân nhưng mùa Đông rụng trơ trụi trọc. Nhiều loại thảo mộc đặc biệt địa phương được bảo vệ trong khu này, trong số phải kể loại tùng Slash Pine thân nâu vỏ sù sì từng mảng vuông hoặc chữ nhật rất ngộ.
Khu đầm lầy rậm rạp rừng tràm. Tràm này khác với tràm Cà Mau miền Nam vì rất cao rất thẳng. Nhớ những trận bão mấy năm trước, thân tràm bị bóc vỏ nâu bên ngoài để lộ lớp vỏ trắng nõn bên trong, trông như bầy con gái cao cẳng dài giò vén quần xếp hàng lội lụt. Đang giữa tháng Mười Một, tràm trổ bông trắng chùm dài lòng thòng đong đưa tỏa hương thơm lừng. Hương Rừng Cà Mau. Dưới chân tràm là rừng mắm quen thuộc của bờ biển Cà Mau, rễ thòng thọc cắm sâu vào đất để giữ bờ khỏi lở, mở rộng thêm đất cho người. Tràm và mắm. Rừng Mắm Văn Nghệ.
Khu Trùng tu có hàng loạt khóm kè và thốt nốt vút cao giữa những vạt lau sậy. Hoa lau trắng phất phơ trong gió nhớ ngàn bông lau reo đưa theo chiều gió phất phới/ hay bóng cờ năm xưa còn đâu đây …của Bóng Cờ Lau Đinh Bộ Lĩnh hay Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ.
Đây cũng là sào huyệt của rùa, rắn, trăn và đám cá sầu quẫy đuôi giữa đầm lầy, lũ cái cò cái vạc cái nông từng đàn kiếm mồi cào cào châu chấu cắc kè cóc nhái bên dưới lau sậy, trong khi bầy ó trọc đầu bald eagle họp bạn chiếm lĩnh mấy ngọn cây cao, và lũ kên kên đen đủi bay lên liệng xuống dành nhau rỉa xác mấy con trút, chồn hương, cùi lúi, rùa, chuột đồng …bị xe cán dọc đường.
Lũ ó trọc đầu bald eagle có tên nghe dị hợm nhưng chúng là biểu tượng của cường quốc Hiệp chủng Cờ Hoa. Florida là tiểu bang đặc trách việc bảo toàn ó trọc đầu, có riêng mấy khu trùng tu đầm lầy để khoảng một ngàn cặp cư ngụ. Bây giờ cuối Thu vào Đông, là mùa ó trọc đầu làm tổ, vì thức ăn đầy đồng.
Chính khu trùng tu này đêm đêm mùa hè có giàn nhạc đại hòa tấu uềnh oang của cóc nhái ễnh ương uệnh oạng đệm kèm giàn trống liên hồi của lũ cá sấu gọi tình mùa động rượng, vang vọng khắp vùng tận nhà chúng tôi, vì vùng này có nhiều con lạch thoát nước chằng chịt là hệ thống dẫn âm rất hiệu nghiệm.
Qua hết khu trùng tu là đồi cù của dân nhà giàu miền Bắc mùa Đông xuôi Nam trốn tuyết. Hai bên có hai hồ nước tĩnh lặng, nhiều cây Muồng hoa vàng và cây Hoàng hậu hoa hồng tím chen với Bằng lăng ba màu đỏ tía, hồng tím và trắng, mùi thơm dịu như phong lan. Bên dưới những hàng cây này là Hà Tiên cô và Hà Tướng quân, là hai loại coi như lan đất mọc vùng nhiều nước, đặc biệt có nhiều ở Hà tiên. Phía trái là Ibis Boulevard/Đại lộ Cò Quăm vào khu biệt thự nhà giàu có cổng gác ra vào phải trình căn cước báo xin phép chủ nhà. Cò quăm lớn gấp đôi cò thường, mỏ cong đỏ hồng, chân cũng hồng đỏ rất đẹp. Tôi rẽ vào Coconut Boulevard/Đại lộ Hàng Dừa. Gọi là Hàng Dừa nhưng bên đường chẳng bóng dừa nào trừ trong vườn nhà thiên hạ.
Chúng tôi gọi tên Việt cho nhiều con đường trong vùng, có Đại lộ Hàng Kè Ngự, Đường Hàng Cam, Đường Hàng Quít, Đường Hàng Đoát, Đường Hàng Xoài, Đường Hàng Me, Đường Bông Giấy, Đường Bằng Lăng, Đường Mộc Lan, Đường Hải âu, Đường Se sẻ, Đường Cun Cút …, kể cả dưới phố có Đường Phượng Bay, Đại lộ Cây Đa, Đại lộ Bông Bụp…
Thời gian này tôi cố tìm giải thoát lo lắng buồn rầu bằng tìm hiểu thêm về Thiền, và say mê đọc các tài liệu Thập Mục Ngưu Đồ/Mười Tranh Chăn Trâu của cả Tàu lẫn Nhật. Và nảy sinh thú dịch thơ Thiền, vẽ tranh Chăn Trâu. Dịch đến đâu đọc chàng nghe để nhận xét. Chàng khuyến khích tôi vẽ tranh phụ họa thay vì dùng tranh của họa sĩ Nhật. Mười Tranh Chăn Trâu, vì năm tới là năm Con Trâu, và con trai tôi tuổi Trâu, nên vẽ tranh Trâu là phải.
Hết chăn trâu quay qua tìm hiểu người nô lệ Phi Châu, và di dân từ các hải đảo Caribbeans, nhất là đảo Haiti nghèo khổ nhất thế giới, bị đọa đày nô lệ không những do người hành mà còn bị Trời hành thiên tai bão lụt hằng năm. Say mê này cũng do cảm tình nảy sinh với đám y tá Trung tâm Phục hồi ManorCare, đa số người Haitians. Với tôi, làn da nâu đen của họ ấp trái tim trắng hồng đầy ắp thương yêu, và cái đầu sọ dừa tóc xoắn tít ôm tâm hồn thẳng thắn thanh sạch. Từ những cảm tình đó nẩy ra loạt chuyện kể Manor/Mona/Manồ lần lượt đăng làm năm kỳ trên mạng lưới gió-o (*) (**) (***).
Mấy tiếng đồng hồ về nhà là nhổ cỏ bón phân tưới cây ngoài vườn, đặc biệt săm soi mấy cây Mai chính cống Huế và Mai Tứ quý để chuẩn bị trảy lá cho nở dịp Tết, lu bu giặt giũ tắm táp nấu ăn lau bàn quét bụi trong nhà, emails và đọc webs, đánh máy bài viết, trả lời điện thoại, thư từ …làm cơm và thức ăn đem theo. Thật nhanh. Tranh thủ để kịp trở lại trước bữa ăn tối ở Trung tâm vào khoảng sáu giờ chiều.
Bữa ăn tối có thêm vài người mới, trong số có một bà cao ráo vóc dáng khá đẹp nhưng ngồi xe lăn ăn thức ăn xay nhuyễn và thức uống làm đặc. Vào bàn là bà cất tiếng hát, giọng soprano lảnh lót những bài Thánh ca. Người bên cạnh hỏi hay nói gì là bà đáp lại bằng một câu hát. Oh my God! Ho ho, ho ho ho! Yes, yes, I known, but I can’t eat this! Don’t blame me! Please! I don’t feel good now! Ho ho, ho ho ho …(Lạy Chúa! Hô hô,hộ hồ hô! Vâng, vâng, tôi biết, nhưng tôi không ăn được món này! Đừng trách, xin đừng trách! Bây giờ tôi không khỏe … Hô hô, hộ hồ hô!)
Tôi thú vị quá chừng, đến ghé tai bà nói nhỏ:
– You have a beautiful voice! I love it! I love you! (Bà có giọng hát tuyệt diệu! Tôi thích giọng bà lắm! Tôi thích bà lắm!)
– Thank you! Thank you! Oh my God! Hô hô, hộ hồ hô! …
Chồng tôi bảo:
– Giọng tốt quá! Không thua gì Ella Fitzgerald, nữ hoàng nhạc jazz thề kỷ trước, giọng soprano cao vút từng cất tiếng hát làm loảng xoảng ly tách thủy tinh trên bàn dạ tiệc lễ đăng quang của Tổng thống Kennedy …
Tôi thì thích bà Mahalia Jackson Queen of the Gospel rất ly kì với giọng contralto trầm và mạnh hơn, trình diễn rất điệu nghệ, nhất trong bài Silent Night. Mỗi lần nghe là nổi da gà. Tuyệt diệu!
Sau bữa ăn tối, thăm hỏi chuyện vãn với vài người chung quanh, chúng tôi về lại phòng. Thu xếp chỗ nằm cho chàng ngả lưng, trong khi ông láng giềng gốc Sénégal còn nằm yên không đụng muỗng vào khay thức ăn, mệt mỏi đau nhức rên nho nhỏ cựa mình kêu lạnh. Tôi nhè nhẹ kéo cao chăn phủ lên vai, vỗ về an ủi, nhưng không biết làm gì hơn để giúp dịu cơn đau.
Riêng chàng của tôi, mệt mỏi vì suốt ngày ngồi xe lăn và tham dự thể dục thể thao cùng những sinh hoạt tập thể, tôi tiếp nắn di chuyển từng ngón tay rồi hai cánh tay, xoa bóp hai chân vì có khi ngồi lâu máu tụ, và cũng cần vận động nhiều giúp gân cốt mềm dẻo. Những vận động này không có trong chương trình phục hồi của Trung tâm. Vừa giúp vận động, vừa nói chuyện và báo cáo thư từ cùng điện thoại nhận ở nhà, hoặc cùng bàn vài vấn đề cần quyết định.
Trước giờ ngủ, y tá phụ vào thay “khố” và áo quần. Chàng của tôi không chịu mặc cái áo ngủ gọi là nightgown dùng trong tất cả bệnh viện hoặc viện dưỡng lão hay phục hồi, vì chẳng quen và có phần dị hợm.
Khi hai người nằm yên, tôi mở máy chơi mấy đĩa nhạc nhẹ thư giãn music therapy, healing hay meditation music, nhạc suy niệm/nhạc trị liệu, như Swan Lake/Hồ Thiên nga của Tchaikowsky và Ode To Joy của Beethoven, có sóng vỗ dạt dào cùng tiếng hải âu điểm những giọt dương cầm thánh thót hòa giây tơ hồ cầm cello êm dịu, và những bản nhạc đặc biệt Songs From a Secret Garden/Tâm nhạc từ Khu Vườn Thầm kín của Rolf Lovland, hòa âm và thu lại từ những cuộc trình diễn khắp thế giới.
Secret Garden từng được giải Irish-Norvegian về Neo-classical music /NhạcTân-cổ điển.
Loạt tâm nhạc này mang âm hưởng cổ điển thanh thoát sắc lạnh của khí hậu Bắc Âu, nhẹ nhàng giao hòa giai điệu êm dịu Celtic và Na-uy, Đan-mạch … khai thác cảm xúc và tâm tưởng riêng tư mỗi người được ấp ủ nuôi dưỡng tiềm tàng sâu kín tận khu vườn trong tâm khảm, tạo giây phút tĩnh lặng thư giãn, thanh thản thuần khiết tìm về chốn an bình nương náu nguôi ngoai phiền muộn đau buồn.
Vườn Tâm tư của Võ Đình
Bản nhạc hay nhất trong Secret Garden là Nocturne/Khúc Ai ca rất được chàng ưa thích. Chàng cũng có một tranh lớn tựa đề Nocturne. Bản nhạc Nocturne chiếm giải Eurovision Song Contest năm 1995 trước cả 400 triệu thính giả từ Nhật đến Iceland. Mười năm trước đó, bài La Det Swinge/Let it Swing/Hãy quay vòng cũng của Rolf Lovland đã đoạt giải đầu tiên của Eurovision cho Secret Song, năm 1985.
Trong Nocturne, tiếng vĩ cầm thật nhẹ chấp chới rung như những cánh bướm chập chờn lướt vờn trên những giọt dương cầm êm dịu hòa hợp giây tơ hạc cầm, kèn bầu hơi pipes và sáo thổi… quyện nhau diệu vợi tôn bật giọng hát thiên thần thanh thoát của Gunnhild Tvinnereim ca sĩ người Na-uy, với chỉ 30 lời thơ Petter Skavan nhưng chở đầy ý nghĩa an ủi vỗ về:
Now let the day
just slip away
So the dark night
may watch over you
Nocturne
Though darkness lay
it will give way
When the dark night
delivers the day …
(Hãy để ngày vừa trôi qua/ cho đêm đen về trùm lên tâm ta/Khúc Ai ca/ dầu bóng tối phủ xuống/cũng sẽ nhường lối khi đêm đen đi qua/ chuyển mang ngày tới …)
Đêm xuống bên ngoài. Đèn khu vườn trước soi sáng những thân đoát và kè có những tàng lá trên cao rung rinh dưới vì sao Hôm lấp lánh. Sao Mai sáng nay của Võ Đình cũng là Sao Hôm đêm nay. Tôi khe khẽ hát lời ru Duyên Thề của nhạc sĩ Thanh Trang Một vì sao sáng/ trong đêm lặng lẽ/nhạc buồn xa vắng/mênh mông trần thế… và cầu nguyện mọi điều an lành cho những người tôi thương yêu quý mến, cho chàng, cho cả chính tôi, và cho tất cả mọi người xa gần …
{jcomments on}
Chúng tôi gọi tên Việt cho nhiều con đường trong vùng, có
Đại lộ Hàng Kè Ngự, Đường Hàng Cam, Đường Hàng Quít, Đường
Hàng Đoát, Đường Hàng Xoài, Đường Hàng Me, Đường Bông
Giấy, Đường Bằng Lăng, Đường Mộc Lan, Đường Hải âu, Đường
Se sẻ, Đường Cun Cút …, kể cả dưới phố có Đường Phượng Bay,
Đại lộ Cây Đa, Đại lộ Bông Bụp…
Quê Hương luôn trong trí nhớ của người Việt .Cám ơn cô .
Một mối tình cuối đời thật dễ thương .
Đây chính là tình yêu .
Bút ký của Ms TTLH ghi nhận tất cả xung quanh: những con người, sinh hoạt mỗi ngày, cảnh vật thiên nhiên và các công trình nhân tạo đồng thời điểm qua những nét văn hóa một số vùng qua mắt nhìn của một người trí thức Việt.
Tất cả đều được gọi tên và miêu tả sinh động. Đọc rất thú vị, giống như bạn tham gia một chuyến đi của Discovery hay Animal TV channel.
Cô viết hay quá cô ơi !
Mình thích những đoạn văn tả cảnh thật nhẹ nhàng mà lại sống động đến từng chi tiết. Những đoạn như: “Ngoài cửa sổ, vì sao Mai bắt đầu mờ nhạt. … chú nhái bén trắng xanh ẩn mình nép dưới búp lá kè con màu lục non mới nẩy chồi sát mặt đất”
Đoạn này cũng rất uyên bác: “tiếng Phạn Gaté, gaté, paragaté parasamgaté bodhi svaha …hoặc tiếng Tàu Yềt đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng đế, Bồ Đề Tát Bà ha.
Chàng lầm thầm đọc:
Vượt qua,
vượt qua,
vượt qua bên bờ ,
hoàn toàn vượt qua,
hoàn toàn giác ngộ.
Gone,
Gone,
Gone forever,
Awakened !”
Cám ơn chị TTLH với đoạn cuối thật đẹp của tình yêu bất tận.
Vượt qua,
vượt qua,
vượt qua bên bờ ,
hoàn toàn vượt qua,
hoàn toàn giác ngộ.
Qua được mọi khổ ách, qua được bến bờ mê của cuộc đời để đến được bến bờ giải thoát là hạnh phúc nhất của con người. Cám ơn cô
Cô Lai Hồng giỏi quá, một ngày của cô không biết bao nhiêu là việc, vừa ở trung tâm vừa lo việc nhà vậy mà cô vẫn vui vẻ yêu đời, em rất ngưỡng mộ cô đó nha!
Vừa chăm sóc bệnh nhân vừa viết văn hay quá .
… không biết từ bao giờ mới lại đọc được một bài viết với tâm trạng một đứa nhỏ năm xưa đọc Bách Khoa, Sử Địa … mà trời đất vốn rất cao và rộng trong tâm trí … em phải search Trần thị Lai Hồng để đọc những “công trình” của Cô … phew … rất sung sướng khi thấy những gì khiến em băn khoăn đã được Cô “làm” hết rồi … Đa Tạ Cô Giáo! (Oh … không biết năm xưa Cô có dạy học ở Quy Nhơn không … sao Hương Xưa lại may mắn được Cô nói chuyện …)
hoangtruc
“…cầu nguyện mọi điều an lành cho những người tôi thương yêu quý mến, cho chàng, cho cả chính tôi, và cho tất cả mọi người xa gần …”
Tâm hồn của cô thật đẹp , rất đáng trân trọng .