Kể từ sau lần gia đình Kim Tiến về họp mặt ở Gia Nguyễn, quán cà phê này dường như đã trở thành điểm hẹn quen thuộc cho bạn bè chúng tôi. Nghe nói Kim Tiến đang liên lạc với bạn Lâm Cẩm Ái – bà chủ quán- để đòi tiền hoa hồng mở hàng đắc khách- mà chẳng biết có được không? ( nếu được nhớ chia cho mình với nhé!). Gần đây, bạn bè thân hữu lại hay thường xuyên về và bao giờ chúng tôi cũng hẹn nhau tới quán . Đến nỗi, cứ mỗi lần nhìn thấy số máy của tôi là nhiều bạn thường bắt đầu bằng câu hỏi vô cùng phấn khích:
– Ai dzề dzậy? Ai dzề nữa dzậy?
Lần nào nghe câu hỏi này là tôi cười đến sặc sụa. Kiểu gì lạ!
Nghe tin cô Thúy Nga của chúng tôi về Việt Nam, cô đang có mặt tại Quy nhơn và ở nhà cô Kiều Nhi, Bạn bè chúng tôi bắt đầu gọi rủ nhau đi thăm cô. Sau thời gian dài, bạn nào cũng muốn gặp cô xem cô giáo cũ của mình ra sao, mặc dù chúng tôi nhiều lần đã nhìn thấy hình và cả clip của cô trên mạng. Nhưng cuộc hẹn đầu tiên không thành! Lâm Cẩm Ái báo cho biết tối đó cô bận nên chưa gặp chúng tôi được. Vậy là phải hoãn lại lúc khác!
Chiều hôm sau, chị Quốc Tuyên cho hay tối cả bọn sẽ đi đến nhà cô Kiều Nhi 22 giờ- đó là thời gian cô Thúy Nga đang ở đó) có thể tiếp đám học trò cũ. Còn một việc bất ngờ khác nữa là vợ chồng anh Ngọc Tân -cựu học sinh Cường Để- người nổi tiếng trang web với bài viết “Tôi làm thơ” hiện đang có mặt tại Quy nhơn. Để được thuận tiện, chị Tuyết Đào- bạn học của anh Ngọc Tân- hẹn vợ chồng anh lúc 19 giờ sẽ đến uống nước ở quán cà phê Gia Nguyễn. Tôi vốn hâm mộ và kính anh qua những bài viết về kỉ niệm học trò dễ thương, qua những bản nhạc mang nặng tình cảm nhớ nhung quê nhà, tự nhiên, tôi như đứa em gái, mang tâm trạng hồi hộp mong ngóng chờ đợi anh chị mình trở về. Thật là lạ, khó diễn tả cảm giác này vì tôi chưa khi nào gặp anh ngoài đời.
Gay cho tôi! Hôm đó ông xã tôi đi công việc, nhỏ Út lại đi làm tới tối mới về. Nhà có hai chiếc xe, giờ chẳng có chiếc nào. Tính sao đây? Cuối cùng, khi thấy nhỏ Út về nhà ăn cơm, tôi vội vàng chờ con đi làm tiếp rồi ké xe đi đến chỗ hẹn.
Chưa thấy bóng ai, còn quá sớm đủ để tôi bước sang đường bên kia, làm vài cuốc đi bộ tập thể dục quanh cái công viên đối diện nhà Ái …Lẩn quẩn một hồi, khi tôi quay lại quán thì thấy mọi người đã ngồi gần như kín chỗ! Nghe chị Quốc Tuyên gọi tên tôi, một người đàn ông đeo kính phía đối diện lập tức đứng lên đưa tay về phía tôi:
_ Chào ĐTH, thư từ qua lại trên mạng giờ mới gặp đây!
Anh Ngọc Tân ! Người mà chúng tôi đang chờ đón ? Tôi nhanh chóng đưa tay bắt tay anh. Cảm giác thật thân tình như đã quen biết từ lâu. Lạ quá! Chỉ là liên lạc trên trang web mà cứ như anh em trong gia đình! Lần lượt nghe chị Tuyết Đào giới thiệu: Ngoài hai nhân vật chính là vợ chồng anh Ngọc Tân và chị Ngọc Anh, còn có anh Nguyễn Thúc Luyện ( cái mũi của tôi đột nhiên bị phình to khi chị Đào cho biết: Anh Luyện hồi giờ chỉ sưu tầm đăng bài, lần đầu tiên anh còm bài ” Vợ anh Bốn Rớt” của ĐTH !). Cạnh anh Luyện là anh Đoàn Ba và anh Phước, nghe anh Tân giới thiệu anh Phước là người quen thân với Kim Tiến, anh sẽ chú ý chụp ảnh anh Phước gửi cho Kim Tiến xem! Thật là chu đáo! Bên phía nữ chúng tôi: Đầu bàn là “đại tỉ ” Tuyết Đào- nghe nói danh xưng này có từ thời còn đi học- kế tới chị Quốc Tuyên,Thu Thủy, Nguyễn Thị Tiết, Lâm Cẩm Ái và tôi.
Chỉ chừng đó nhân vật mà trò chuyện rôm rả cả một góc quán. Riêng anh Ngọc Tân được ưu tiên cho phát biểu nhiều nhứt! Anh như say sưa khi nhớ lại những câu chuyện học trò rắn mắc ngày còn nhỏ, Đặc biệt, mỗi câu chuyện đều luôn gắn kết với một vài giai nhân có những tên gọi rất mỹ miều. Những cô gái ấy một thời làm anh chàng “nhà quê”- theo lời anh tự nhận- và các bạn phải ngẩn ngơ!
Trong lúc chị Ngọc Anh ( bà xã anh Ngọc Tân) đang chạy chỗ này, đứng góc nọ để làm phó nhòm bất đắc dĩ thì anh Nguyễn Thúc Luyện, ngồi kề anh Tân cũng tranh thủ góp chuyện với lời lẽ nhỏ nhẹ đầy khiêm tốn, Mặc dù anh cùng ở Quy nhơn nhưng chúng tôi thật sự chưa gặp nhau lần nào, tuy nhiên tôi nhận thấy anh thật chân tình. Anh lúc nào cũng tự cho mình là người kém cỏi luôn thua sút, không tài hoa bằng bạn bè trong nhóm. Điều đó làm anh đặt nhiều kỳ vọng ở đứa con trai cưng, anh mong đời nó phải sáng sủa hơn mình. Nghĩ thế vợ chồng anh chị đã chọn cho đặt cho cháu tên Thái Dương. Nào ngờ khi cháu đến tuổi đi học, ngày đầu đến trường cháu chạy về nhà khóc tức tưởi và một hai đòi nghỉ học. Vợ chồng anh chị hết vía, không biết chuyện gì đã xảy ra cho thằng bé.Hóa ra cháu bị đám bạn trẻ con đó gọi tên lái lại thành “Thương…D..”Anh Luyện chưa kể xong mà có người xém chết ngất vì cười!
Và cứ vậy, mỗi người góp một chuyện, vui hết biết!
Chị Tuyết Đào nhìn đồng hồ và nhắc chừng mọi người đã đến giờ hẹn với cô Thúy Nga, thế là chúng tôi phải đứng dậy, tạm chia tay. Vợ chồng anh Tân hẹn cả nhóm gặp lại tối ngày mai ở 114 Xuân Diệu. Và cái máy ảnh lại có dịp sáng đèn lên lia lịa.
Những chiếc xe gắn máy tiếp tục lăn bánh đến con hẻm nhỏ quen thuộc trên đường Hai Bà Trưng. Chân đi khập khiểng, bước thấp cao, cô Kiều Nhi nghiêm nghị của chúng ta thuở nào nay đã yếu đi rất nhiều. Nhìn cô tay cầm cây roi dài canh chừng con chó hung dữ, nó cứ nhe răng nhìn chúng tôi dáng vẻ hăm he. Nể chủ, con chó ấy mới cụp đuôi để cho học trò cũ có thể vào nhà . Nhìn cô gầy guột,mà thương cô chi lạ! Bước qua cái cổng nhỏ cả nhóm đã nhìn thấy cô hiệu trưởng Vương Thúy Nga thân yêu . Mấy chục năm rồi chúng tôi mới lại nhìn thấy cô, thế nhưng trông cô cũng chẳng thay đổi là mấy! Vẫn khuôn mặt phúc hậu, giọng cô vẫn nhẹ nhàng, dịu dàng như hồi chúng tôi còn ngồi dưới lớp ngóng nhìn lên bục nghe cô giảng bài. Tôi như có thể hình dung ra cô trong chiếc áo dài tha thước và luôn là những màu nhạt, rất nhã đi qua lại trước đám học trò nữ.Cô trò tay bắt mặt mừng, thăm hỏi lẫn nhau, được biết cô có cuộc sống ổn định hạnh phúc chúng tôi thật vui. Cô còn nhắc nhở đến những kỉ niệm trước đây với học trò cũ, mấy chị ganh nhau mỗi khi có một chị nào đó nhận được sự thân mật ưu ái của cô. Những chuyện tưởng như đã quên lâu, nay khơi dậy làm cho lần gặp mặt, thăm cô trở nên ấm áp vô cùng…
Thời gian trôi về khuya thật nhanh, chúng tôi lưu luyến nắm tay, ôm cô như không muốn rời. Từ giã cô Kiều Nhi và cô Thúy Nga, chúng tôi ra về…Trên những con đường quen thuộc đã bắt đầu thưa người của Quy Nhơn chúng tôi hầu như không trao đổi gì. Sự im lặng mà lại như nói lên rất nhiều điều…
Thật tiếc! Tối đó không ai đem theo máy ảnh để lưu lại hình cô trò, thiếu xót này làm tôi cứ thấy ray rứt.
Anh Ngọc Sanh ( nhạc sĩ Bùi Tuyên Đông).
Vợ chồng: anh Ngọc Tân – chị Ngọc Anh.
*Nguyễn Tiết, Lâm Cẩm Ái, Hòa, chị Quốc Tuyên và Thu Thủy.
Ngần tuổi này rồi, tôi không thể nhớ nỗi mình đã dự bao nhiêu lần họp mặt với bạn bè, người thân, đoàn thể…Và dường như mỗi lần, tôi đều ghi nhận những kỉ niệm đáng nhớ khác nhau. Hôm ấy cũng vậy! Các anh cựu học sinh trường Cường Để cùng khóa với anh Nguyễn Ngọc Tân đến khá đông: Qua giới thiệu tôi thấy có các anh Văn Hữu trình, Tôn Thất Long, Thân Trọng Hoài, Nguyễn Thúc Luyện…Đặc biệt co một nhân vật đến khá trễ nhưng lại được chào đón khá nồng nhiệt là anh Lê Quang Bảo Tấn! Anh cũng là vai chính trong truyện ngắn “Tôi làm thơ” của anh Ngọc Tân độ nào. Anh Tấn có nước da đen nhẻm, anh đến cùng cây đàn nặng trĩu trên vai. Khi anh Tân giới thiệu đùa anh Tấn là tác giả bài “Tiếng thu”, trong lúc mọi người cùng “Ồ” lên cười, anh chỉ khẽ nhếch mép, gương mặt anh lạnh lùng không biểu lộ cảm xúc gì.. Nếu không đọc truyện, chắc tôi khó hình dung anh là người cực hài hước.
* Các anh : Bảo Tấn, Ngọc Tân, Hứa Tấn Mỹ, anh Phước
* Các anh : Mạc Như Đẩu, Thân Trọng Hoài, Huỳnh Ngọc Liên
*Các anh : Thúc Luyện, Võ Trung Tánh, Văn Hữu Trình
Sau khi trên bàn thức ăn đã vơi dần đi, quán bắt đầu thưa hẳn khách. Với tay lấy cây đàn, vợ chồng anh Tân mở đầu bằng bản nhạc “Uống nước bên bờ suối” của Lê Uyên Phương nghe thật nồng nàn và lãng mạn, Bất ngờ vợ chồng anh Tân lại cất lên khúc ca do chính anh Ngọc Tân sáng tác . Mấy em nhỏ phục vụ bàn cũng không muốn rời căn phòng của mấy ông bà già, một số em ngồi hẳn bên góc cửa . Tất cả cùng lắng nghe. Lời bài hát vừa da diết, vừa rộn ràng sôi động thể hiện một tình cảm mãi xuân, mãi bên nhau hạnh phúc lứa đôi tuyệt vời. Chính lúc đó, tôi chợt bắt gặp trên đôi mắt, sau cặp kính của anh Phạm Ngọc Sanh long lanh trĩu buồn…Anh tâm sự: Trước đây, vợ chồng anh cũng từng ước ao những lúc thảnh thơi được cùng bên nhau, cùng vui hát với bạn bè, không may vợ anh đột ngột qua đời. Niềm mơ ước nhỏ bé không thực hiện được khi người phụ nữ của anh không còn nữa, giọng anh trầm hẳn xuống. Cả gian phòng như lắng lại…
Thay đổi không khí, Thu Thủy được sự khích lệ của nhóm nữ đã đáp lễ các anh bằng một bản nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên:” Chiều nay không có anh”. Và rồi cứ như thế, lần lượt các anh, chị, các bạn thay phiên nhau mượn tiếng hát để thể hiện tình cảm của mình. Riêng anh Lê Quang Bảo Tấn cứ mỗi lần cất tiếng hát là anh lại làm tôi lo lắng, không biết anh gồng mình như vậy để đưa tiếng hát trầm khàn của mình thoát ra từ lồng ngực chẳng biết có nguy hiểm gì đến sinh mạng của anh không. Tuy nhiên, tới bận anh Tấn hát là tôi cứ tưởng tượng đến chú học trò nhỏ, lén chép thơ Lưu Trọng Lư rồi ghi tên mình bị thầy phát hiện là tôi không thể nhịn được cười…Nếu anh có đọc bài này xin cũng đừng giận H nghe( Nếu có giận thì anh… chuyển qua giận anh Ngọc Tân đi, chính anh ấy đã đưa nhân vật này lên truyện đó!) Chúng tôi những người học trò cũ của hai ngôi trường Cường Để và Nữ trung học Quy Nhơn như say chìm trong những hồi ức, những kỉ niệm niên thiếu “buồn ít hơn vui”, tất cả như tan hòa vào tiếng đàn lời ca bay bổng.
Sau cùng, anh Văn Hữu Trình ngồi đầu bàn, anh đứng lên nâng ly, vừa chạm ly từng người anh vừa hát:
…..
Cảm ơn vợ chồng anh Ngọc Tân! Cảm ơn tất cả các anh chị và các bạn đã tặng nhau cơ hội gặp gỡ chan hòa, thân thương đêm nay! Không riêng gì anh Tân, tất cả chúng tôi cũng sẽ lưu giữ những hình ảnh đẹp này thêm vào hành trang đang đi về cuối con đường còn lại của mình….
Cho đến khi anh Tôn Thất Long nói lời chia tay, anh chúc và mong lại gặp vợ chồng anh Tân trong năm tới! Giọng đầy xúc động, hai tay nắm lại trước ngực, anh Tân bày tỏ:
– Ước gì đó là sự thật!
Chúng tôi lần lượt bắt tay nhau, những cái ôm thân thương giành cho chị Ngọc Anh thật thắm thiết…Một chút bịn rịn trước lúc rời xa cũng làm cho những người bạn già ướt mắt.
Đào Thanh Hòa
5/10/2011{jcomments on}