Những Ngày Hè Xa Lắc Xa Lơ Ấy

Các bạn ơi, hè về rồi đó! Các bạn có nhớ những ngày hè năm nao xa lắc xa lơ ấy không !? Luy thì nhớ lắm, không sao quên được!

Để coi… ! Hồi học lớp Nhất tiểu học (lớp Năm bây giờ), có ban văn nghệ tí hon mặc đồng phục quần soọt xanh áo sơ mi cụt tay trắng, thắc nơ đỏ trông bảnh choẹ lắm. Trong ban văn nghệ tí hon ấy, Luy đánh đờn mandolin – chỉ có mỗi mình Luy đánh thôi – hay hay không chẳng biết, nhưng được Thầy hiệu trưởng cưng lắm, có lẽ nhờ “trong đám mù thằng chột làm vua”. Lễ phát phần thưởng cuối năm, ban

 

văn nghệ tí hon ấy hát bài Hè Về, đương nhiên là Luy được đánh bài đó, có cả tiếng guitar của Thầy hiệu trưởng đệm theo. Luy say sưa đánh nhịp và rung đờn loạn cào cào lên. Tiếng rung ở âm vực cao được vang to trong loa phóng thanh nghe réo rắc lắm, như tiếng ve gọi hè về vậy. Giờ ngồi nhớ lại, Luy vẫn thấy sướng rêm làm sao! Rồi trong một lễ phát phần thưởng cuối năm Đệ Thất hay Đệ Lục gì đó, nhóm múa của Luy trình diễn bài Chiều Lên Bản Thượng. Dĩ nhiên là nam đóng khố, mang gùi, tay cầm ống điếu, vai vác rìu; nữ thì quấn xà rông, mang gùi, tay cầm “cánh hoa không vỡ” — hoa nylon ấy mà — hổng biết ở trần hay bận áo Luy quên mất rồi. Cả đám cà nhảy cà nhót nhặng xị lên. Cuối buổi, chẳng biết có hay hay không mà được nhà trường khen lắm, rồi dẫn đi ăn mì Cây Ổi Trường Đề nữa chứ! Cái “thành tích” này nó theo Luy tới giờ, nhớ hoài hà!

Ở vào cái tuổi-trung-học ấy, cứ mỗi tháng Sáu cuối năm học là sắp nhỏ, trong đó có Luy, lại chuyền tay nhau cuốn Lưu Bút để tha hồ mà nguệch ngoạc, tha hồ mà vẽ vời, nhỏ tí nước bông, thấm chút nước lạnh (giả làm… nước mắt tạm biệt — cho nó mùi mẫn chút chút — để hòng lung lạc “ai đó”, phải hông). Ôi, nhớ quá đi thôi… !

Có một chút chuyện vui vui thế này, có lần, Luy chôm truyện Công Tử Bạc Liêu ra mà phịa rằng:

– Hồi đó công tử Bạc Liêu thân mí… tao lắm — lại thấy người sang bắt quàng làm họ rồi, cái tật dõm hổng chừa. Có lần hai đứa ngồi uống cà phê ban đêm ở một quán nọ, lỡ làm rớt một đồng bằng nhôm, tao bèn bò lê bò càng dưới nền nhà mà tìm mà kiếm một đồng đó. Thấy tội nghiệp quá, người bạn thân ấy mới rút tờ giấy bạc hai-trăm ra đốt cho tao thấy đường mà kiếm một đồng của mình. Bị tao mắt kém nên kiếm đâu có ra, nó mới an ủi tao, biểu đừng buồn nữa, dzìa đi, tối mai tới… đốt tiền kiếm tiếp nghen! Tao thấy thương nó quá!

Có lẽ tin chuyện này có thật nên mấy đứa bạn mới chê: “Sao mà dõm quá dzậy… !”.

Luy cũng có chơi Hướng Đạo nữa. Mỗi lần sinh hoạt, hát bài Anh Em Ta Về lên nghe như lời rủ rê mời gọi nhiệt tình giòn giã rộn rã lắm:

Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này
Một… hai… ba… bốn… năm…
Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này
Năm… bốn… ba… hai… một…
Một… đều chân bước nhé
Hai… quay nhìn nhau đi
Ba… cầm tay chắc nhé – không muốn ai chia lìa
Bốn… nhớ rằng bốn bể anh em một nhà
Năm… nhớ mãi tình này trong câu ca…

Anh em ta về…

Cứ thế mà hát lui hát tới cả chục lần mà vẫn thấy “bốc” lắm, hay lắm, vui lắm!

Trong một đêm lửa trại của Sói Con, Luy đánh bài Họp Đàn, bài Nhảy Lửa, bài Nhạc Rừng Khuya, có cả bài Hè Về nữa đấy. Rồi đến đêm Tuyên Hứa của mình, Luy cũng xin anh Bầy Trưởng Sói Già Akéla cho Luy đánh bài Hè Về. Akéla hỏi sao Luy đánh bài này hoài vậy, Luy nói tại Luy thích, tại Luy nghe trong đó có tiếng ve gọi hè về…

Các bạn nè, Luy thấy bác Hùng Lân viết bài Hè Về này tài tình quá đi, hay quá đi! Lời ca thì trong sáng, nét nhạc thì vui tươi. Đêm cũng như ngày, mỗi lần đánh bài này lên thì cứ y như là mùa hè nó trải dài trải rộng trước mắt Luy với ánh nắng hè rực rỡ dát vàng lên vạn vật khắp nơi — lên sân trước vườn sau, lên cánh đồng sóng lúa, lên cát biển sóng nước… Ôi thiên nhiên vào hè đẹp biết bao!

Trời hồng hồng sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm
Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang
Nhạc hoà thơ đón hè sang!

Còn cái điệp khúc mới hay làm sao, Luy rung đờn liên tục, ráng không cho vấp váp ở đoạn này để diễn tả cái bao la bất tận của hè.

Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
đàn chim cánh do trời
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ
thuyền ai biếng đưa
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng
leo dốc trên đồi
Thanh thanh hương sen nồng
ướp gió mát khi chiều rơi

Mùa hè mà cứ giam mình trong thành phố thì thật là vô vị, chẳng có ý nghĩa gì hết. Cứ về chơi ở quê ngoại hay quê nội gì cũng được. Gió đồng nội thật mát mẻ, thật trong lành. Lại được thả diều bay trong khoảng trời xanh ngắt bao la mênh mông, lại được nghe tiếng sáo diều thánh thoát vi vu trong không gian bất tận. Còn nữa, lại được ngắm nhìn sóng lúa nhấp nhô dặt dìu theo làn gió mà thấy lòng mình cũng nhấp nhô dặt dìu theo, thật là thơ thới thanh thản nhẹ người.

* * *

Nơi Luy ở là một thành phố biển. Khi trở về phố thì Luy ra biển chơi. Đùa giỡn với sóng biển, xây nhà xây thành với cát biển, moi hang còng hay rượt đuổi bắt còng, bắt ốc — Luy thích nhất là ốc xoắn, loại xiu xíu thôi, và cứ thắc mắc hoài tại sao ốc nó tự xoắn mình được như thế, tài thật!, hoặc nằm chôn mình dưới cát. Đá banh trên bãi biển tuy chóng mệt nhưng cũng vui đáo để.

Hồi mười hay mười-một tuổi chi đó, Luy thích bơi lắm, nhưng chưa biết bơi. Anh Địm lớn hơn Luy mười tuổi – người làm trong nhà – bày Luy bắt con chuồn chuồn cho nó cắn lỗ rún thì sẽ mau biết bơi vì nó… “linh” lắm.(cái trò xúi trẻ nhỏ ăn kít gà này sau này Luy mới biết). Luy nghe theo, bắt được con chuồn chuồn kim nhỏ xíu; ảnh nói con này chưa phải là …sư tổ môn bơi, giỏi lắm là nó thuộc hàng …đệ tử tép riu, nó chỉ có… Tép Riu Chân Kinh thôi, nếu thọ giáo nó thì lâu biết bơi lắm. Hôm khác, Luy bắt được con chuồn chuồn voi to, màu đỏ như trái ớt; ảnh nói đúng rồi, con này mới là sư phụ, có tới Cửu Âm Chân Kinh lận, nó mà truyền cho một bí kíp thì sẽ biết bơi rất nhanh. Vì mắc cỡ và cũng muốn cho tụi nhóc cùng xóm ngạc nhiên mà khâm phục mình đến lé mắt chơi, Luy giả bộ đi tiêu, trốn vào nhà xí, vén áo lên, dí miệng nó vào rún mình cho nó cắn. Úi trời ơi, nó cắn đau quá! Đau điếng hồn luôn! Luy cố mím môi cho khỏi bật ra tiếng la vì đau, nước mắt rươm rướm. Nó lại càng cắn mạnh hơn, Luy cắn răng chịu đau; sau, chịu hết nổi Luy giật mạnh một cái, cái mình nó sứt ra, còn dính lại cái đầu, Luy bóp dẹp cái đầu nó mới thấy hết đau, rồi gỡ lần gỡ lần từng chút hai cái ngàm của nó bấu chặt vào rún mình. Tuy đau lắm nhưng Luy cứ chắc mẫm mình sẽ là tay bơi số dzách xóm này.

Bữa nọ, Luy rủ mấy nhóc cùng xóm đi tắm biển, cũng không ngoài cái ý là “cho chúng mày biết tài ông”. Thấy mấy nhóc kia cứ đập đập hai tay cà chũm cà chũm trong nước giống mấy con… cún quá, Luy cười trong bụng. Luy lẳng lặng một tay ôm cái víc-xi, một tay quạt và hai chân đạp lia lịa trong nước. “Ê, Luy! Thả víc-xi ra mới ngon chớ!” – “Thả thì thả, sợ gì!” — Luy tự tin trả lời. Thế là từ từ buông víc-xi ra, Luy quạt quạt tay đạp đạp chân trong nước, nhưng hình như cơ thể mình nó đang chìm dần chìm dần. Luy cố rướn theo cái víc-xi, khi vừa chạm tới thì nó lại vuột ra khỏi tầm tay vói của mình; lại chạm tới thì nó lại vuột ra xa hơn… Giẫy giụa thêm chút nữa, lại bị vọp bẻ, Luy đuối sức, la thất thanh: “Cứu… ! Cứu… !”, bị uống vài ngụm nước, rồi chìm dần… chìm dần… Khi tỉnh dậy mở mắt ra, thấy mấy nhóc kia bu quanh mình, Luy mới biết là mình vừa… chết đuối hụt. May mà nhờ có chú huấn luyện viên bơi lội của Ty Thanh Niên bơi ra cứu kịp.

Lấy đó làm kinh nghiệm nên Luy không dám chỉ vẽ cho nhóc nào cái chiêu “Chuồn chuồn cắn lỗ rún” cả. Còn cái anh Địm kia, hồi đó Luy đâu có biết là ảnh chỉ nói giỡn thôi, mà Luy lại quên rằng ảnh có cái tính cà tửng cà tửng, hay pha trò tỉnh bơ, y như thiệt. Vậy mà Luy không ghét ảnh chút nào, chỉ tự trách mình sao cả tin và “hậu đậu” quá đi thôi!

* * *

À, Luy nhớ nhất là bài thơ Đồng Khánh Ngày Xưa của Lưu Trần Nguyễn, đặt dưới gốc cây phượng có dằn lên một cánh phượng đỏ và hòn cuội trắng, trước trường nữ Đồng Khánh năm nao. Bài thơ đó như thế này nè:

Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sớm trưa chiều ba bữa đi về
Đưa với đón làm chi không biết.

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Đừng có nhìn làm loạn bước tui đi
Lá thư tình ông gửi làm chi
Cha mạ biết rầy la tui chết.

Ông tán tỉnh làm chi không biết
Tui như ma như quỷ dưới âm ty
Nói hoài lời hoa mỹ làm chi
Tui còn nhỏ chuyện tình răng biết được.

Tội tui lắm cách cho vài bước
Đừng đi gần hai bước song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị.

Theo chi rứa răng mà không biết dị
Thôi được rồi đưa lá thư đây
Mai tan trường đợi ở gốc cây
Tui sẽ tới trả lời cho biết.

Nhớ mùa hè năm nao, Nụ vô trong ni nghỉ hè, ở nhà của dì, nên tình cờ Nụ lại là hàng xóm của Luy. Luy quen Nụ, quen sơ sơ thôi. Rồi cùng học luyện thi Đệ Thất với Luy… Mấy năm sau, gia đình Nụ vô ở luôn trong nì. Nụ hát hay, Luy cũng biết đàn chút chút. Có lần đến nhà Nụ chơi, Luy đệm guitar cho Nụ hát bài Tiếng Hát Học Trò. Tiết điệu slow rock vừa dặt dìu vừa thiết tha quyện với giọng hát ngọt ngào và trong trẻo của Nụ, sao Luy nghe như có vị ngọt thanh ngọt dịu của thanh trà ngoài nớ,

Thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ
Tà áo em xanh màu mắt ngây thơ
Nụ cười hồn nhiên không vương sầu nhớ
Lời ca vang bên gác nhỏ

Tiếng tơ êm đềm trong ngõ…

Rồi theo dòng thời gian,

Tôi đi trong mơ tìm bóng dáng yêu kiều
Mùa Thu lá rơi bên đường thật nhiều
Dư âm câu ca ngày xưa đâu nào thấy?
Tìm đâu tiếng hát thơ ngây…

Và cũng theo dòng thời gian,

Tà áo năm xưa còn mãi trong tôi
Còn thiết tha như giọng hát buông lơi
Rồi thời gian trôi Xuân qua Hè tới
Mùa Thu mây bay khắp trời
Gieo niềm thương nhớ đầy vơi…

Môt hôm, mạ sai Nụ qua nhà Luy để thu tiền hụi hay trả tiền mỹ phẩm chi đó. Hai đứa ngồi nói chuyện bài vở rồi chuyện nhạc nhiếc ở phòng khách. Lát sau Luy nhón một trái táo trong diã ở trên nóc buffet tặng Nụ cầm về. Đến trưa, thấy mất trái táo trên diã đó để cúng Phật, cô của Luy hỏi; đâu dám nói tới cái chuyện tặng tiếc kia, bèn nhận đại là: “Cháu lỡ… ăn rồi”. Cô nói: “Mang tội lắm nghen cháu”. Thiệt là chuyện “quít… ăn cam chịu!”.

Lại cũng nhớ lắm hè năm nao được ra ngoài nớ chơi, Luy đến thăm Nụ. Nhà Nụ ở ngay trong khuôn viên của một ngôi trường mé hữu ngạn sông Hương.

Lúc đó, mạ và anh Nụ đi đâu đó. Luy ngồi uống nước ở gian bếp cạnh cửa sổ nhìn ra vườn sau. Gió hè hiu hiu thoang thoảng mát dịu. Nụ thì lui cui làm cơm chiều. Hai đứa có biết nói chuyện gì đâu. Chốc chốc Nụ vừa phe phẩy cái quạt lửa vừa thỏ thẻ: “Nóng quá Luy hỉ!” — “Ừa… ! Mà ở cửa sổ này thì hơi mát đó!” . Rồi cả hai lại nín khe. Cái nín khe sao thấy nó ngường ngượng quá. Có lẽ hiểu thế, Nụ nói: “Luy ra hái trứng cá ăn đi!” — “Ừa… ! Luy ra hái nghe!”. Ra vườn, cạnh cây trứng cá có cái rọ khèo trái cây với cái cán dài, Luy khèo được một rọ. Đem vào nhà, Luy hỏi Nụ ăn không, Nụ nói không; thế là Luy thiệt tình cứ thế mà… tì tì hết rọ. Luy lại khèo tiếp, rồi lại… tì tì một mình… Trời đã chạng vạng, Luy nói Luy về nghen. Bất ngờ Nụ hỏi nhỏ: “Trứng cá của Nụ mô?”. Luy lúng túng: “Ủa… ! Nụ nói Nụ hông ăn mà!”. Nụ lườm mỏng Luy một cái, trách nhẹ: “Nụ nói rứa thui chớ bộ… !”.

Thiệt tình… ! Trời cũng không hiểu nổi con gái nữa là… — Bây giờ nghe bài hát Đừng Nghe Những Gì Con Gái Nói sao Luy thấy thấm quá!

… … …

Ôi… ! Những kỷ niệm nho nhỏ dễ thương ấy hôm nay xa rồi, đã xa thật rồi… !

Lê Huy{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.