Luật tố tụng hành chính mới ban hành và cơ hội
tìm lại sự công bằng cho Hội HĐVN !
* Hình minh họa từ cô Mỹ Loan
Kính thưa các huynh trưởng Hướng đạo VN:
Luật tố tụng hành chính đã được Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010
gồm có 265 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Đây là điều kiện cần thiết để “vấn
đề” của Hội HĐVN được xem xét một cách công khai bởi một Tòa án xét xử tập thể, độc lập và
chỉ tuân theo pháp luật. Đây cũng là cơ hội mở ra cho Hội HĐVN đối thoại với tổ chức, cơ quan đã
từng ngăn cản việc xin phép tái lập hội theo các qui định trong hệ thống pháp luật nước CHXHCNVN
– từ Hiến pháp đến Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 ban hành Luật qui định quyền lập
hội và đến Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản
lý hội. Các huynh trưởng HĐVN cũng tìm thấy cơ sở để tin tưởng vào những điều luật được qui định
trong Luật tố tụng hành chính mới ban hành sẽ bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành tố
tụng như Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát
viên v.v…, cũng như với tư cách là “người khởi kiện” sẽ được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với
các cơ quan, tổ chức là “người bị kiện” trước Tòa án. Tất cả những gì được qui định trong Luật tố
tụng hành chính này sẽ là cơ hội để Hội HĐVN tìm lại được sự công bằng cho mình, có thể xin phép
tái lập Hội HĐVN, đưa các hoạt động của HĐS VN vào khuôn khổ pháp luật theo đúng tinh thần
trọng pháp mà Hội HĐVN đã luôn coi là tôn chỉ của mình. Tôi xin được trích dẫn một số Điều luật
cần thiết của Luật tố tụng hành chính kèm theo “lời bình” của tôi ở mỗi điều luật liên quan cho dễ
hiểu. Riêng phần lớn các điều luật qui định về “hoạt động tố tụng” còn lại trong số 265 Điều, tôi
không trích dẫn vì e làm rối các huynh trưởng. Xin được lần lượt trình bày một số các Điều luật
của
Luật tố tụng hành chính như sau:
Điều 3: Giải thích từ ngữ.
“1- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác
hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề
cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối
tượng cụ thể.”
Lời bình: “Tổ chức” được giải thích ngay tại khoản 9 của Điều 3 này bao gồm cả “tổ chức
chính trị” tức là Đảng Cộng sản Việt Nam; trong đó Ban Bí thư TW và Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh
là cơ quan trung ương và cấp ủy địa phương thuộc tổ chức chính trị này. Do đó, các văn bản
ngăn cản hoạt động của Hội HĐVN như Thông báo số 143 – TB/TW ngày 20/4/2004 và Thông
báo số 157 – TB/TW ngày 20/5/2008 về vấn đề hoạt động HĐ của Ban Bí thư Trung ương, rồi
đến văn bản Kế hoạch số 47 – KH/TU ngày 20/4/2009 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
(thực hiện Thông báo số 157 – TB/TW ngày 20/5/2008 của Ban Bí thư Trung ương), cả 3 văn
bản này đều được gọi là “quyết định hành chính” theo sự giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3
Luật tố tụng hành chính.
“2- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác
hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm
vụ, công vụ theo qui định của pháp luật.”
Lời bình: Văn bản Bộ Văn hóa TT&DL số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 trả lời ông
(huynh trưởng) Đặng Văn Việt về việc ông ĐV Việt xin tái lập Hội HĐVN chính là hành vi hành chính
theo sự giải thích tại khoản 2, Điều 3 Luật này. Còn trường hợp như cá nhân hay ban vận động
nào nộp đơn xin phép thành lập hội HĐVN theo NĐ 45/2010 mà cơ quan thẩm quyền hoặc người
của cơ quan thẩm quyền như Bộ Giáo dục & Đào tạo hoặc Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch chẳng
hạn giữ im lặng, không trả lời đơn xin phép thì sự im lặng, không trả lời đơn của cơ quan thẩm
quyền hoặc người của cơ quan thẩm quyền đó bị coi là đã không thực hiện nhiệm vụ, công vụ
theo qui định của pháp luật. Sự im lặng đó cũng là hành vi hành chính theo qui định của Luật này
nên cá nhân hay ban vận động có thể khởi kiện vụ án hành chính theo Luật tố tụng hành chính.
Đây là điều qui định rất mới và rất tiến bộ theo hướng “Nhà nước pháp quyền”.
“5- Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
“6- Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định
hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại
về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri.”
Lời bình: Bất kỳ huynh trưởng HĐ nào cũng có thể là cá nhân khởi kiện theo giải thích từ ngữ
của Luật này.
“7- Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính,
quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh
tranh, lập danh sách cử tri bị khởi kiện.”
Lời bình: Theo giải thích từ ngữ của khoản 7 Điều 3 Luật này thì cả BBT/TW, Thành ủy Tp
.HCM và BVHTTDL là những tổ chức, cơ quan đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính
ngăn cản việc đưa hoạt động HĐ vào khuôn khổ pháp luật và từ chối việc xin phép thành lập hội
HĐVN nên đều trở thành là những người bị kiện trong vụ án hành chính.
“8-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện,
không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của
họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án
đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Lời bình: Theo giải thích từ ngữ tại khoản 8 này thì tất cả các cựu Hướng đạo sinh đã ngưng
sinh hoạt, các huynh trưởng và đoàn sinh Hướng đạo đang sinh hoạt đều là những người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu một vụ án hành chính về vấn đề tái lập Hội HĐVN được khởi kiện.
“9- Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội,
tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế,
đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.”
Lời bình: Theo giải thích từ ngữ ở khoản 9 này thì có rất nhiều hình thức tổ chức trong đời sống
xã hội được bao gồm trong qui định này. Theo đó thì Đảng Cộng sản VN là một tổ chức chính trị;
còn Hội HĐVN là một tổ chức xã hội.
Điều 5: Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo qui định của Luật này.”
Lời bình: Đây là một bước tiến bộ của luật pháp theo hướng dân chủ. Đây cũng chính là cơ
hội dành cho các Hướng đạo sinh là những người luôn trọng pháp, được quyền yêu cầu Tòa án
xét xử để trả lại sự công bằng cho các HĐS và đưa Hội HĐVN vào hoạt động trong khuôn khổ
pháp luật.
Điều 7: Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện.
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ
thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải
quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của
mình theo qui định của Luật này.”
Điều 8: Cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính.
“1- Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu
của mình là có căn cứ hợp pháp.
2- Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này qui định.”
Điều 9: Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền.
“Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung
cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình
đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát; trường hợp không
cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và nêu
rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ.
Điều 10: Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính.
“1- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Tòa án không phân biệt dân tộc, nam
nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp.
2- Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở
hữu và những vấn đề khác.
3- Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.”
Điều 11: Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
“1- Đương sự tự mình hoặc có thể nhờ luật sư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình.
2- Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của họ.”
Điều 12: Đối thoại trong tố tụng hành chính.
“Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại
về việc giải quyết vụ án.”
Điều 13: Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính.
“Việc xét xử vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia theo qui định của Luật này. Khi
xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.”
Điều 14: Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
“Khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Ngăn cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ.”
Điều 16: Tòa án xét xử tập thể.
“Tòa án xét xử tập thể vụ án hành chính và quyết định theo đa số.”
Điều 17: Xét xử công khai.
“Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước
hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín nhưng phải
tuyên án công khai.”
Điều 18: Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia
tố tụng hành chính.
“Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm
sát, Kiểm sát viên, người phiên dịch, người giám định không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng,
nếu có lý do chính đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của mình.”
Điều 19: Thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
“1- Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử vụ án hành chính…
2- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật
hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo qui định
của Luật này.”
Điều 20: Giám đốc việc xét xử.
“Tòa án cấp trên giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp dưới, Tòa án nhân dân tối cao giám đốc
việc xét xử của Tòa án các cấp để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.”
Kính thưa các huynh trưởng.
Tôi đã trích dẫn các điều luật chủ yếu của Luật tố tụng hành chính mới ban hành và bắt đầu
có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 cùng với lời bình, giải thích một số điểm liên quan đến vấn đề xin
phép tái lập Hội HĐVN mà các huynh trưởng quan tâm. Tôi hy vọng là nội dung lá thư này sẽ
giúp ích cho các huynh trưởng trên bước đường tìm kiếm sự công bằng cho Hội HĐVN, tái lập Hội
HĐVN để đưa tất cả các Hướng đạo sinh vào sinh hoạt hợp pháp trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Thân ái BTT.
Luật sư NGUYỄN LỆNH (7/2011){jcomments on}
Hy vọng rất nhiều mà không biết có bị thất vọng không đây .
Mình cũng hi vọng HHĐVN sẽ được tái lập.
Để chị được sinh hoạt HĐ lại từ đầu hỡ chị QT 😉
Mắt mờ , răng rụng thì sinh họat chi đây hè .
Ráng đi anh Lệnh ơi, Thắng sẽ trở lại sinh hoạt dzới 😀
😆 😆 😆 😆 😆