Nhớ cụ Đào vinh Thạnh


Cụ Đào Tấn

 

Đối với kẻ xa quê, giữa xứ người đất khách thì đôi khi chỉ
một hình ảnh nhỏ, một tiếng động nhẹ, một ngọn gió qua, một chiếc lá
rơi, một câu hát cũ đủ làm sống lại lòng người viễn xứ bao nhiêu kỷ
niệm thiết tha! Mỗi lần nghe gió rì rào trên ba cây tùng trước nhà tôi
ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ là tôi nhớ da diết câu hát Nam của nhân vật nữ
Lan Anh trong Tuồng hát của cụ Đào Tấn Vinh Thạnh, Bình Định :

“ Lao xao sóng bủa ngọn tùng,

Gian nan là nợ anh hùng phải vay!”.

Ngoài viết Tuồng, cụ Đào còn làm thơ, viết câu đối và từ nữa (
Từ là một thể cách luật của Tàu ra đời rất lâu nhưng phải đợi đến đời
nhà Đường, nhất là vào thời nhà Bắc Tống thì phát triển mạnh. Từ cũng
là thơ nhưng có điều phải phối hợp với Nhạc-khúc. Cách thức của Từ so
với luật thơ, tuyệt cú thì nhiều hơn, có vần thay đổi cũng nhiều ;tình
trạng cách luật của Từ vừa nghiêm lại vừa khoan, câu thì có câu dài
câu ngắn không đều … Từ chia ra thành Tiểu Lệnh, nếu có từ 59 chữ đến
90 chữ gọi là Trung Điệu và từ 91 chữ trở lên gọi là Trường Điệu. Tiểu
Lệnh có Thái Tang Tử, Thanh Bình Lạc…;Trung Điệu có Điệp Luyến Hoa,
Ngư Gia Ngạo…; Trường Điệu có Mãn Giang Hồng, Thủy Điệu Ca Đầu…Cụ Đào
Tấn (1845-1907), tự là Chỉ Trúc, hiệu Mộng Mai, Mai Tăng, sinh ngày 27
tháng 2 năm Ất Tỵ, chánh quán làng Vinh Thạnh,phủ Tuy Phước, tỉnh Bình
Định. Lúc nhỏ theo học cụ tú Nhơn Ân ( tức cụ tú Nguyễn Diêu) là một
nhà Nho hay chữ và là tác giả của các vở Tuồng hát bộ (hát bội) như
Ngũ Hổ, Nhạc Phi phá bi, Võ Tam Tư chém cáo… Vì chịu ảnh hưởng của
Thầy (cụ tú Nhơn Ân) nên cụ Đào Tấn đã tập viết Tuồng từ lúc còn đi
học. Cụ Đào Tấn đậu cử nhân khoa Bính Dần, rồi năm 26 tuổi cụ Đào nhậm
chức hiệu thư ở triều đình Huế. Theo lênh vua Tự Đức, cụ Đào Vinh
Thạnh đã soạn thảo các vở Tuồng như Tam Bảo Thái Giám Thư Biểu, Đảng
Khấu Bình Địch. Năm 1874, cụ Đào được bổ nhiệm Tri-phủ Quảng Trạch,
sau được thăng Thừa chỉ, Thị tộc rồi Phủ doãn Thừa Thiên. Đến năm
1878, cụ Đào Vinh Thạnh lại soạn các vở Tuồng như Tư Quốc Lai Vương,
Quần Trân Hiến Thụy và bổ túc vở Tuồng Vạn Bảo Trình Tường do Diên
Khánh Vương mới viết được 2 phần. Sau đó cụ Đào đã xin từ quan về quê
nhà khi ấy vua Tự Đúc đã băng hà. Và chẳng bao lâu cụ Đào Vinh Thạnh
phải trở lại quan trường theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn. Năm
1880, cụ giữ chúc Tham Tá Các Vụ, năm 1883 Phủ doãn Thừa Thiên, năm
1889 giữ chức Tổng Đốc An Tĩnh, rồi Thượng Thư Bộ Công, Thượng Thư Bộ
Binh, Thượng Thư Bộ Hình và năm 1898 lại giữ chức Tổng Đốc An Tĩnh lần
thứ 2. Giữa năm 1902, cụ Đào Vinh Thạnh lại về triều đình Huế giữ chức
Thượng Thư Bộ Công, sau đó cụ Đào về hưu. Lúc về hưu cụ có dư thời giờ
hơn nên đã soạn các vở Tuồng như Diễn Võ Đình, sửa lại vở Tuồng Khuê
Các Anh Hùng (tức Tam Nữ Đồ Vương), Tuồng Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Quan
Công Quá Quan, Hộ Sinh Đàn và Trầm hương các Hoàng Phi Hổ quá giới Bài
Quan.

Ngoài viết Tuồng hát, cụ Đào Vinh Thạnh còn để lại cho văn
học nước nhà số lượng Thơ và Từ rất nhiều mặc dù đã bị thất lạc một số
không ít! Giờ đây ta còn thấy lưu lại cho hậu thế các tập như Mộng Mai
Ngâm Thảo, Mộng Mai Thi Tồn, Mộng Mai Từ Lục và Mộng Mai Văn Sao. Cụ
Đào VinhThạnh mất vào ngày Rằm tháng Bảy năm Đinh Mùi, thọ 63 tuổi.

Huỳnh Giản Châu Dạ

Biển châu nhất dạ giang hồ viễn

Phù thế ngô sinh ưu lạc đa

Tảo dục quy canh, kim hựu lãn

Thương lang cục mục phó kiềm ca.

Đào Tấn

Lam Nguyên tạm dịch :

Đêm Đi Thuyền Đến Làng Huỳnh Giản

Lênh đênh thuyền nhỏ đêm sông nước

Lắm nỗi buồn vui cuộc sống này

Ta muốn sớm cày song lại nhác

Thương lan thỏa thích khúc ca say.

Lam Nguyên

Tịnh Am Tôn Thất Tặng Lan Thư Bái Chi

Huệ ngã lan hoa tam sổ tòng

Phiêu phiêu nhập tọa hữu thanh phong

Triều hồi độc tọa phần hương ức

Hà xứ giai nhân không cốc trung.

Đào Tấn

Lam Nguyên tạm dịch :

Mấy khóm hoa lan người đã tặng

Ngồi nghe trong gió thoảng hương màu

Triều về thưởng thức càng thương nhớ

Hình bóng giai nhân , nay ở đâu?

Lam Nguyên

Tý Dạ Ca (nhị thủ)

Triều tư xuất tiền môn

Mộ tư hoàn hậu chử

Ngũ tiếu hướng thùy đạo?

Phúc trung âm ức nhữ.

*

Dạ trường bất đắc miên

Minh nguyệt hà chước chước

Tưởng văn tán hoán thanh

Hư ứng không sơn mặc.

Đào Tấn

Lam Nguyện tạm dịch :

Bài Ca Tý Dạ ( hai bài)

Sớm nhớ ra cửa trước

Chiều thương lại bến sau

Biết ai cùng cười nói

Ấm ức ruột càng đau.

*

Suốt đêm trường không ngủ

Sao trăng cứ tỏ hoài

Tưởng nghe gió vọng lại

Tiếng xa núi bi ai!

Lam Nguyên

Điệp Luyến Hoa

Khách chẩm mộng hồi văn nhị cổ

Lãnh lạc thanh đăng

Điểm trích không giai vũ

Nhất thốn sầu trường thiên vạn lũ

Cánh thính thiết thiết hàn cùng ngữ

Thế sự phiên lai hoàn phúc khứ

Tạo vật nhi hy

Tụ cổ vô bằng cứ

Lợi tỏa danh cương không tự khổ

Tinh tinh mấn ảnh kim như hứa.

Đào Tấn

Lam Nguyên tạm dịch:

Điệp Điệp Luyến Hoa

Giấc mộng canh hai trên gối khách

Leo lắt ngọn đèn xanh

Giọt mưa thầm vắng nghe rả rích

Ngàn năm dạ sầu từng gan tấc

Tiếng dế nghe sao buồn dằng dặc

Việc đời lắm nỗi đành buộc chặt

Xưa nay bằng cớ gì làm thật

Lợi danh mãi mãi khóa chặt

Đắng cay tóc đời ngày thêm bạc!

Lam Nguyên

Độc Sở Từ

Nhàn tình hứa cửu thất câu lưu

Phản tiếu tao nhân vị thiện sầu

Hạ nhiệt đông hàn hồn bất quản

Khước tương thanh khí oán cao thu.

Đào Tấn

Lam Nguyên tạm dịch:

Đọc Sở Từ

Thanh thoát từ lâu lòng vẫn nhàn

Giờ cười tao khách sầu chưa mang

Đông về hè đến lo chi nhọc

Gió mát chớ phiền thu mới sang.

Lam Nguyên

Trường Tương Tư

Thu phong thanh

Thu nguyệt minh

Diệp diệp ngô đồng hạm ngoại thanh

Nan giao quy mộng thành

Thế cung minh

Thụ điểu kinh

Tái nhạn hàng hàng thiên tế hoành

Thiên thương lữ khách tình.

Đào Tấn

Lam Nguyên tạm dịch :

Trường Tương Tư

Gió thu thanh

Trăng thu minh

Xao xác hiên ngô lá động cành

Mộng về quê khó thành

Dế thềm đàn

Chim cây xanh

Ngang trời ải nhạn bay bay nhanh

Buồn thương lữ khách tình!

Lam Nguyên

Phải công nhận rằng trong lịch sử Tuồng Việt Nam Cụ Đào VinhThạnh

là tác giả viết Tuồng thành công nhất. Còn về phương diện vănhọc nghệ

thuật của cụ Đào thì rất đa dạng và phong phú. Thương về Bình Định ắt

ta nhớ đến Tuồng hát của cụ Đào Tấn, yêu thơ văn hẳn phải thích Thơ và

Từ của thi sĩ Mộng Mai. Tâm hồn của cụ Đào VinhThạnh là một tâm hồn

của một đại nghệ sĩ, một ông quan thanh liêm, yêu dân và cũng là một công

dân quí của đất Bình Định nói riêng và dân tộc Việt nói chung. Ngồi viết đôi

dòng để nhớ cụ Đào mà lòng tôi xao xuyến tiếc nuối những chuỗi ngày

hồn nhiên và đầy thơ mộng của tuổi học trò Cường Để, Qui Nhơn! Nhớ tỉnh

nhà Bình Định!

Lam Nguyên

Seattle, Thu Kỷ Dậu ( 1999){jcomments on}

 

 

0 thoughts on “Nhớ cụ Đào vinh Thạnh

    1. Minh Nguyệt

      Quê hương cụ Đào là quê Hương của Minh Nguyệt mà. Không phải của anh Luận.

      Reply
  1. TRANKIMLOAN

    Nghe danh về cụ Đào Tấn,nhưng cũng chưa hiểu gì lắm về cụ
    Hôm nay nhìn được hình ảnh dù đã cũ & đọc bài viết của Lam Nguyên mình mới hiểu rõ hơn về cụ đúng là mộtngười tài ba của Đất Bình Đinh!
    Cám ơn Lam Nguyên đã cho đọc một bài viết rất bổ ích!

    Reply
  2. Thuấn Lê

    “Lao xao, sóng bủa ngọn tùng
    Gian nan là nợ anh hùng phải vay!”

    Mình tâm đắc hai câu này từ nhỏ, và cho đến bây giờ nghiệm thấy rất hay!

    Reply
  3. Hoàng Vĩ Dạ

    Ví phỏng đường đời bằng phẳng quá
    Anh hùng hào kiệt có hơn ai ?
    Cho nên càng gập ghềnh càng chông gai càng chứng tỏ
    bản lĩnh của Thuấn Lê .

    Reply
    1. Meocon

      Meo thít coi hát bậu lém Cọp ui !tấu nay 2 đứa mình đi nhen(nhưng hổng được en thịt Meo à nhen?)meo meo

      Reply
  4. Thỏ con

    Cọp mà đòng đòng Meocon đi xem hát bậu TC sẽ tung tăng chạy phía trước,hổng chịu lẻo đẻo đi sau đâu .Meo wơi! Cọp là Cọp Thỏ là Thỏ đấy.Oan nghe.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.