Kính thưa các huynh trưởng Hướng đạo VN:
Gần đây, tôi được một số huynh trưởng HĐ tham vấn về văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (viết tắt BVHTTDL) số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 trả lời đơn của ông (huynh trưởng) Đặng Văn Việt xin phép phục hồi chơi Hướng đạo. Sau khi nghiên cứu tôi xin được trình bày với các huynh trưởng một số ý kiến phân tích về mặt pháp lý liên quan đến đơn của ông ĐV Việt và văn bản của BVHTTDL như sau:
1/ Về đơn xin phục hồi “chơi” Hướng đạo của ông Đặng Văn Việt:
– Trong đơn của ông ĐV Việt ghi là: “Đơn xin phép cho tiếp tục phục hồi “chơi” Hướng đạo”. Còn xuyên suốt nội dung đơn, có lúc ông sử dụng các cụm từ như chơi giáo dục Hướng đạo, trò chơi giáo dục Hướng đạo hoặc hoạt động Hướng đạo. Tất cả những cụm từ đó đều được hiểu là hoạt động Hướng đạo đúng như trong các Quy trình của hai Hội HĐVN ở miền Nam và ở miền Bắc trước đây đã từng sử dụng. Chính văn bản trả lời của BVHTTDL cũng thể hiện sự hiểu đúng về cách sử dụng những cụm từ này của ông ĐV Việt.
– Đơn ông ĐV Việt đã gởi đến đúng 2 cơ quan thẩm quyền theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, là: 1/ BVHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động để xin công nhận ban vận động thành lập hội (Điều 6), 2/ Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội (Điều 14). Sở dĩ ông ĐV Việt gởi đơn cho BVHTTDL là vì ông đã căn cứ vào các hình thức (phương diện) và phương pháp Hướng đạo nên cho rằng hoạt động Hướng đạo thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của BVHTTDL. Thật ra, nếu xem kỹ Điều thứ 1 của Quy trình (Điều lệ) đầu tiên áp dụng cho Hội HĐVN trên cả nước – về sau là cho Hội HĐVN ở miền Bắc, rằng: “Thay và thống nhất ba hội HĐ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, hội HĐVN thành lập với mục đích huấn luyện thanh niên về ba phương diện: đức, thể, thực, theo tôn chỉ và phương pháp bày tỏ trong ba quyển: Sách sói con, Hướng đạo trẻ con, Đường thành công của Huân tước Baden Powell”. Đến năm 1952, bản Quy trình gốc được Hội nghị huynh trưởng HĐ toàn quốc sửa đổi, bổ sung – về sau áp dụng cho Hội HĐVN ở miền Nam, cũng qui định ở Điếu thứ 1 rằng: “Hội HĐVN thành lập với mục đích giáo dục thanh thiếu nhi trong toàn cõi VN về ba phương diện: đức, thể, thực – theo tôn chỉ và phương pháp “Hướng đạo” dẫn giải trong ba cuốn sách căn bản sau đây của cố Huân Tước Baden Powell of Gilwell: -Sách Sói Con (The Wolf Cub’s Handbook), -Sách Hướng Đạo (Scouting for Boys), -Đường Thành Công (Roverting to Success)”. Vì vậy, nếu lấy mục đích huấn luyện thanh niên, mục đích giáo dục thanh thiếu nhi làm căn cứ để xác định cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động. Dù diễn giải thế nào thì BVHTTDL cũng đã thụ lý đơn của ông ĐV Việt “sau khi nghiên cứu và xin ý kiến phối hợp với các cơ quan có liên quan” – tức là đơn của ông ĐV Việt đã gởi đúng cơ quan thẩm quyền.
– Bản thân công dân ĐV Việt đã có đủ điều kiện qui định tại Điều 6 Khoản 2 NĐ 45/2010: “Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân VN, sống thường trú tại VN, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động”. Một khi đơn của ông ĐV Việt đã được BVHTTDL “nghiên cứu và xin ý kiến phối hợp với các cơ quan có liên quan” trước khi ra văn bản 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 thì mặc nhiên các cơ quan thẩm quyền đó đã thừa nhận tư cách đứng đơn của ông ĐV Việt là đúng với qui định pháp luật.
2/ Về văn bản số 1507/BVHTTDL-TCCB ngày 17/5/2011 giải quyết đơn xin tái lập hội của ông ĐV Việt:
Văn bản số 1507 của BVHTTDL gởi ông ĐV Việt có nội dung như sau:
“BVHTTDL nhận được Đơn xin phép cho tiếp tục phục hồi “chơi hướng đạo” do ông đứng tên. Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến phối hợp với các cơ quan có liên quan, BVHTTDL có ý kiến như sau: “Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có thông báo về hoạt động hướng đạo hiện nay tại một số tỉnh, thành phố và chỉ rõ: “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như thành lập thêm các hội, đoàn mới”. BVHTTDL thông báo để ông biết. KT. Bộ trưởng – Thứ trưởng Lê Tiến Thọ”.
Về mặt pháp lý có thể phân tích một số điểm trong văn bản của BVHTTDL:
– Văn bản giải quyết Đơn ông ĐV Việt xin tái lập (hoặc thành lập) Hội HĐVN của BVHTTDL theo thuật ngữ pháp lý gọi là hành vi hành chính. Tại Điều 2 Khoản 11 của Luật khiếu nại, tố cáo ngày 02/12/1998 có qui định: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
– Văn bản 1507/BVHTTDL đã thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được qui định tại Nghị định 45/2010, Điều 6 Khoản 5 về “Công nhận ban vận động thành lập hội”, tại Điểm d như sau: “… trường hợp không đồng ý (Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính) phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”. Văn bản 1507/BVHTTDL đã không đồng ý và nêu rõ lý do bằng cách trích nguyên văn Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (BBT/TW) là “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như thành lập thêm các hội, đoàn mới”.
– Về mặt thẩm quyền và về mặt thực hiện công vụ theo qui định của pháp luật thì văn bản 1507/BVHTTDL đã không sai khi không đồng ý công nhận yêu cầu nêu trong đơn của ông ĐV Việt. Nhưng phần nêu rõ lý do làm căn cứ cho sự không đồng ý đó như thế nào ? Lý do mà văn bản 1507/BVHTTDL nêu ra có phù hợp với các qui định trong hệ thống pháp luật hiện hành hay không ? Tức là phải phân tích xem Thông báo của BBT/TW có nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hay không mới có thể đánh giá chính xác hành vi hành chính của BVHTTDL có trái pháp luật hay không, có xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (ĐVV), tổ chức (Hội HĐVN) hay không.
3/ Về lý do mà BVHTTDL dùng làm căn cứ để không đồng ý công nhận đơn xin tái lập hội của ông ĐV Việt:
Lý do mà BVHTTDL đã nêu chính là Thông báo của BBT/TW đưa ra ý kiến của mình về vấn đề Hướng đạo. Thông báo đó là văn bản nằm trong hệ thống tổ chức Đảng có hiệu lực đối với các đảng viên và tổ chức Đảng theo điều lệ của Đảng CS – tương tự như một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước hay một bản án trong hệ thống toà án của Nhà nước CHXHCNVN. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ nội dung của Thông báo BBT/TW để xác định sự thật khách quan và các căn cứ pháp lý được dùng để kết luận vấn đề của Hướng đạo như thế nào; đồng thời xem xét cơ sở pháp lý của Thông báo BBT/TW.
Xin trích phần quan trọng nhất trong Thông báo được BBT/TW dùng làm căn cứ cho ý kiến “không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm hội đoàn mới”:
“Hoạt động hướng đạo du nhập vào VN từ đầu thế kỷ 20. Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong khi ở miền Nam hoạt động hướng đạo tiếp tục phát triển và phân hóa, ngoài tổ chức hướng đạo chính thống, Mỹ ngụy xây dựng các loại hướng đạo trong tôn giáo, quân đội, cảnh sát… Sau năm 1975, tất cả các tổ chức này mặc nhiên giải thể. Tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào hướng đạo VN nói chung và ở Tp.Hồ Chí Minh nói riêng đang phát triển một cách tự phát và diễn biến phức tạp. Có nhiều nhóm hướng đạo đang hoạt động, sinh hoạt ngày càng thường xuyên, có nền nếp, bài bản và công khai hơn. Các nhóm hướng đạo tuy có sự khác nhau, thậm chí mâu thuẫn về quan điểm và đường hướng hoạt động, nhưng đều mong muốn được Nhà nước chính thức cho phép tái lập tổ chức hướng đạo; cả một số cán bộ, đảng viên trước đây vốn là huynh trưởng hướng đạo cũng ủng hộ nguyện vọng này. Nhiều nhóm đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập, mặt khác không ngừng hoạt động ngầm để phát triển lực lượng một cách tự phát, ngoài khuôn khổ pháp luật, chuẩn bị chờ Nhà nước cho phép tái lập”.
Xin lần lượt phân tích về mặt pháp lý và thực tế các căn cứ mà Thông báo BBT/TW nêu ra để cho rằng 2 Hội HĐVN ở miền Bắc và ở miền Nam đã chấm dứt pháp nhân của mình:
a/ Từ sau kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc tổ chức hướng đạo đã ngừng hoạt động và gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên VN ?: (HLHTNVN)
– Có lẽ Thông báo BBT/TW dùng cụm từ “ngừng hoạt động” để chỉ định việc “chấm dứt pháp nhân” là thuật ngữ pháp lý mà Bộ luật dân sự hiện hành đang sử dụng. Nếu xét về tính hợp lý, cần phải đảo ngược động từ chỉ 2 hành vi liền kề của tổ chức hướng đạo ở miền Bắc theo thứ tự là: đã gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên VN (trước) và ngừng hoạt động (sau). Bởi vì một khi đã ngừng hoạt động (tức là đã chấm dứt pháp nhân), thì không còn có tư cách pháp lý của Hội HĐVN để sau đó gia nhập HLHTNVN.
– Gia nhập có phải là sáp nhập không ?: Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS.Nguyễn Lân xuất bản năm 2006:
gia nhập: đgt (H. gia: thêm; nhập: vào) Tham gia vào một tổ chức: Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng Xã hội Pháp (PhVĐồng).
sáp nhập: đgt (H. sáp: nhập vào; nhập: vào) Đem gộp lại thành một: Sáp nhập tỉnh Kiến an vào thành phố Hải phòng.
Như vậy, theo giải thích trong Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân, Hội HĐVN ở miền Bắc sau khi gia nhập HLHTNVN không bị mất tư cách pháp nhân cũ.
– Điều lệ của HLHTNVN qui định có 2 loại hội viên: cá nhân và thành viên tập thể. Hội HĐVN ở miền Bắc khi gia nhập HLHTNVN với tư cách là thành viên tập thể tức là vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân của Hội HĐVN chứ không bị chấm dứt.
– Bộ luật dân sự của nước CHXHCNVN qui định tại Điều 95 Sáp nhập pháp nhân như sau:
“1. Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác cùng loại (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập) theo qui định của điều lệ, theo thỏa thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập”.
Nếu căn cứ vào qui định tại Điều 95 BLDS này thì Hội HĐVN chỉ gia nhập HLHTNVN chớ không được sáp nhập vào HLHTNVN.
– Các chứng cứ pháp lý và thực tế thể hiện sự tồn tại của Hội HĐVN ở miền Bắc sau khi gia nhập HLHTNVN:
1/ Hai thẻ đại biểu còn lưu giữ của huynh trưởng Phạm Ngọc Try là đại biểu của Hội HĐVN ở miền Bắc đã tham dự Đại hội thành lập HLHTNVN (lần thứ 1) năm 1957 và Đại hội toàn quốc HLHTNVN Lần thứ 2 năm 1961.
2/ Thư còn lưu giữ của Hội HĐVN ở miền Bắc có đóng dấu Bộ Tổng ủy viên, do Trưởng Trần Ngọc Chu ký (TM) ngày 5/2/1965 gởi các anh chị huynh trưởng và các bạn Tráng, Thiếu, Ấu Hướng đạo sinh Trung, Nam bộ.
3/ Bài viết ngày 19/5/1993 của huynh trưởng Lê Bằng, Châu trưởng Châu Thăng Long có nói rõ: “Từ năm 1956-1960, Hội HĐVN ở miền Bắc chỉ còn hai Châu Thăng Long (Hà Nội) và Hải Bắc (Hải Phòng) là còn hoạt động, các đơn vị Ấu, Thiếu vẫn sinh hoạt và có tổ chức hai trại chung cho hai Châu, một lần ở chùa Láng (Hà Nội) vào năm 1954 và một lần ở Đồ Sơn vào năm 1957. Từ năm 1961, các Ấu sinh, Tráng sinh, Thiếu sinh trưởng thành và hòa nhập vào phong trào chung. Năm 1965, tất cả đi di tản, tham gia phong trào chống Mỹ cứu nước”.
b/ Ở miền Nam hoạt động hướng đạo tiếp tục phát triển và phân hóa, ngoài tổ chức hướng đạo chính thống, Mỹ ngụy xây dựng các loại hướng đạo trong tôn giáo, quân đội, cảnh sát… Sau năm 1975 tất cả các tổ chức này mặc nhiên giải thể ?:
Có thể hợp lý khi cho rằng “Hướng đạo quân đội” và “Hướng đạo cảnh sát” sau năm 1975 đã mặc nhiên giải thể bởi vì 2 tổ chức này trước năm 1975 đã không được Hội HĐVN ở miền Nam thừa nhận do tính chất “chính trị” ngay trong tên gọi của 2 tổ chức này không phù hợp với tôn chỉ trong Quy trình của hội là “không hoạt động và cổ động chính trị”. Còn đối với tổ chức “Hướng đạo công giáo” thì Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004 ngày 18/6/2004 đã điều chỉnh bằng qui định tại Khoản 6 Điều 7 về “Hội đoàn tôn giáo” và theo Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 45/2010 thì không áp dụng Luật quy định quyền lập hội cho các tổ chức giáo hội.
Còn đối với Hội HĐVN ở miền Nam mà Thông báo BBT/TW gọi là “tổ chức hướng đạo chính thống“, sau năm 1975 có mặc nhiên giải thể hay không ? Xin được phân tích như sau:
– Theo giải thích trong Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân: mặc nhiên: trgt (H. mặc: thầm lặng; nhiên: như thường) Không nói ra mà là đồng ý: Không phản đối là mặc nhiên tán thành rồi.
– Còn giải thể được qui định tại Điều 98 Bộ luật dân sự như sau: Giải thể pháp nhân:
“1. Pháp nhân có thể bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a/ Theo qui định của điều lệ;
b/ Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c/ Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản”.
Nếu căn cứ theo qui định của Bộ luật dân sự về giải thể pháp nhân như trên thì Hội HĐVN ở miền Nam vẫn chưa giải thể; và lại càng không thể gọi là mặc nhiên giải thể được. Ngược lại, có những chứng cứ từ thực tế đến văn bản thể hiện sự mong muốn tiếp tục hoạt động của Hội HĐVN sau năm 1975 nhưng tổ chức HĐ và các HĐS liên tục bị những cấm cản từ phía Đảng và Nhà nước. Xin được nêu một số sự việc:
– Trụ sở của Hội HĐVN ở miền Nam đặt tại đường Bùi Chu, Quận 1, Sài Gòn đã bị Ủy ban Quân quản Tp. HCM “quản lý” cùng với tài sản của hội tại trụ sở sau ngày đất nước thống nhất năm 1975.
– Từ đó: “phong trào Hướng đạo VN nói chung và ở Tp.HCM nói riêng tái phát triển một cách tự phát và diễn biến phức tạp”, “không ngừng hoạt động ngầm…”, để “chuẩn bị chờ Nhà nước cho phép tái lập”; bởi vì “nhiều nhóm đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập” và các nhóm “đều mong muốn được Nhà nước chính thức cho phép tái lập tổ chức hướng đạo” (trích Thông báo BBT/TW).
– Có một số đông các huynh trưởng Hướng đạo trên khắp các tỉnh, thành được các anh bên công an mời làm việc, trao đổi về các hoạt động Hướng đạo của các huynh trưởng đó. Những lần tổ chức trại Hướng đạo đều có những người lạ mặt quanh quẩn dò xét dù các huynh trưởng đã xin phép chính quyền địa phương. Ở Tp.HCM thì hoạt động Hướng đạo được nhà nước “giám sát” tương đối nhẹ nhàng nhưng ở các tỉnh khác thì nghiêm nhặt hơn. Ví dụ như ở Qui Nhơn – Bình Định, một vài huynh trưởng HĐ được các anh bên công an mời làm việc, yêu cầu các huynh trưởng tự khai “lý lịch Hướng đạo”, viết giấy cam kết không chơi HĐ nữa và giải tán các đơn vị HĐ mới thành lập. Ngay bản thân tôi, sau một số bài nghiên cứu có tính pháp lý về phong trào Hướng đạo VN gởi đến các huynh trưởng cũng bị một anh gọi điện thoại, cho biết tên và nơi làm việc là Cục Bảo vệ chính trị, muốn mời tôi đi uống cà phê để “nói chuyện” với lời lẽ rất lịch sự.
– Mới đây, văn bản số 47-KH/TU ngày 20/4/2009 của Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng cả một Kế hoạch thực hiện Thông báo của BBT/TW, thể hiện mạnh mẽ “ý muốn giải thể” Hội HĐVN từ phía tổ chức Đảng chớ không có sự “mặc nhiên” từ phía các HĐS hay Hội HĐVN.
Như vậy, có căn cứ pháp lý hoặc thực tế nào để cho rằng Hội HĐVN ở miền Nam đã “mặc nhiên giải thể” theo nghĩa “không nói ra mà là đồng ý giải thể” hay không ? Câu trả lời là rất rõ ràng: Chắc chắn là cả 2 Hội HĐVN ở miền Bắc và ở miền Nam đều rất mong muốn tiếp tục hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như bao nhiêu hội, đoàn khác đã được qui định trong các bản Hiến pháp từ 1946 đến nay và Luật quy định quyền lập hội năm 1957. Nhưng mong muốn này của các HĐS đã bị cấm cản bởi Nhà nước như là “quản lý”, tịch thu trụ sở của Hội HĐVN từ năm 1975 và Thông báo ý kiến của BBT/TW ngăn cản HĐS hoạt động trên cả nước. Có thể thấy rõ điều gọi là “mặc nhiên giải thể” này chỉ xuất phát từ ý kiến riêng của BBT/TW, qua Thông báo của mình, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân “cần tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương không đặt vấn đề tái lập tổ chức hướng đạo, cũng như tránh lập thêm các tổ chức hội, đoàn mới”.
Hiến pháp 1992 – được sửa đổi, bổ sung năm 2001, đã “thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” khi lần đầu tiên thuật ngữ pháp lý “Nhà nước pháp quyền” được sử dụng trong Hiến pháp, tại Điều 2 như sau: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Sự lãnh đạo của Đảng CS cũng được xác định tại Điều 4 của Hiến pháp: “Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nếu Thông báo ý kiến của BBT/TW ngăn cản quyền lập hội hợp pháp của các HĐS nói chung và của ông ĐV Việt nói riêng; đồng thời không cho cơ quan nhà nước là BVHTTDL thực hiện nhiệm vụ, công vụ là ra quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hợp pháp của ông ĐV Việt, thì Thông báo của BBT/TW đó có bị coi là đã “vượt ra ngoài khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật” không ? Trong hệ thống pháp luật hiện hành, có qui định nào có thể xác định được tính hợp pháp, hợp hiến của Thông báo BBT/TW ? Có thể xác định tính hợp pháp của văn bản BVHTTDL khi nêu lý do từ một Thông báo không nằm trong hệ thống các văn bản pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam – cao nhất là Hiến pháp trở xuống đến bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định v.v…?
4/ Qui định nào trong pháp luật hiện hành có thể xác định được tính hợp pháp của văn bản 1507/BVHTTDL và Thông báo của BBT/TW ? Ai có thể giúp đỡ về pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ?
Như đã phân tích ở trên, tư cách đứng đơn xin tái lập hội của công dân ĐV Việt là phù hợp với qui định của Nghị định 45/2010 và đã được BVHTTDL thụ lý giải quyết. Văn bản trả lời của cơ quan nhà nước BVHTTDL không đồng ý với lý do được nêu từ Thông báo BBT/TW là một hành vi hành chính. Còn về Thông báo của BBT/TW là văn bản thuộc tổ chức Đảng CS, không nằm trong hệ thống các văn bản pháp luật của các cơ quan thuộc Nhà nước CHXHCNVN căn cứ vào các qui định trong Hiến pháp và pháp luật. Nếu công dân ĐV Việt cho rằng hành vi hành chính, văn bản 1507/BVHTTDL đã xâm phạm quyền lập hội của mình và lý do mà BVHTTDL nêu ra lại xuất phát từ văn bản của tổ chức là Đảng CS thì cả 2 văn bản này cũng đã xâm phạm quyền lập hội hợp pháp của công dân ĐV Việt. Để xác định xem cả 2 văn bản của BVHTTDL và của BBT/TW có trái pháp luật hay không, có xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay không, ông ĐV Việt có thể căn cứ vào các qui định trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 cũng như các Luật sửa đổi bổ sung năm 2004, năm 2005 và Nghị định hướng dẫn thi hành số 136/2006 như sau:
Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998:
“Điều 1.
1- Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2- Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Điều 2.
Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- “Khiếu nại” là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này qui định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2- “Tố cáo” là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
3- ……….. “
Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo:
“Điều 3.
1. Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có những quyền sau đây:
a/ Giúp người khiếu nại viết đơn khiếu nại; cùng với người khiếu nại liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khiếu nại để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
b/ Tham gia cùng người khếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác liên quan;
c/ Tham gia các giai đoạn khác trong quá trình giải quyêt khiếu nại.
d/ Giúp người khiếu nại thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. ………. “
Trích dẫn các qui định pháp luật và giải thích các khía cạnh pháp lý liên quan tới đơn của huynh trưởng HĐ Đặng Văn Việt và văn bản trả lời của BVHTTDL, tôi hy vọng có thể giúp các huynh trưởng Hướng đạo VN hiểu rõ hơn những vấn đề mà các huynh trưởng quan tâm.
Thân ái BTT.
Luật sư NGUYỄN LỆNH (6/2011){jcomments on}