Con đường từ ga Đồng Hới đến vùng đồi núi Đồng Sơn dài sáu cây số. Ba
mẹ con đi bộ vừa xách vừa mang, khoảng cách xa xa mới có cây bạch đàn
lớn tỏa bóng mát, còn lại đều nhỏ và yếu ớt. Chúng tôi đi dưới nắng
gay gắt, mỗi lần nghỉ chân, đứa con trai mười ba tuổi lại dụ dỗ tôi:
“Con ăn ít thôi, mẹ nhé”, còn đứa con gái tám tuổi lại lôi bánh đường
đen ra cắn một miếng, miệng lẩm bẩm: “Thôi để dành cho ba”. Rồi gói
lại cẩn thận.
Đi mãi rồi căn nhà thăm nuôi cũng thấp thoáng hiện ra. Lòng mừng khấp
khởi trông mau đến để nghỉ chân. Vừa đến nơi, tiếng người nói, tiếng
cười làm ai nấy đều rộn rã niềm vui. Mỗi tháng một lần, gặp nhau là
quý, gặp nhau là mừng, ai cũng vượt hàng ngàn cây số, đi tàu có, đi xe
có, đi bộ có. Mỗi lần gặp anh, tôi lại áy náy xót xa, quà đem theo thì
ít, mà dọc đường con ăn lại bớt đi. Buổi gặp nhau chỉ có ba giờ, ba
giờ sao mà ngắn ngủi, sao mà quá nhanh, cảm giác như có ai đó đốt thời
gian. Độ bốn giờ chiều, ai nấy đều lần lượt ra về, con đường bây giờ
như dài thêm vì rã rời, vì bịn rịn, vì vấn vương.
Ba mẹ con tôi đợi tàu đến mười một đêm. Khó khăn lắm chúng tôi mới có
chỗ ngồi dưới sàn tàu. Mệt mỏi quá, hai con tôi dựa vào tôi để ngủ.
Con tàu chạy xình xịch, thỉnh thoảng rít lên kêu ken két. Tôi nghe mơ
hồ như tiếng rên rỉ của những thanh sắt cọ sát vào nhau giữa đêm
khuya. Xuống ga, đi ngang quán cơm sườn nướng, mùi thơm lan tỏa, bụng
đói cồn cào, nước miếng rệu ra. Con trai tôi cứ bần thần, tôi nhẩm lại
tiền trong túi và quyết định vào quán kêu hai dĩa cơn sườn và một dĩa
cơm không. “Sao vậy mẹ – Mẹ ăn chay”. Tôi sững sờ nhìn con trai háu ăn
của tôi đang dùng đôi răng non tơ của nó cắn xé thịt cho nó, cho em.
Chớp nhoáng, nó đã ăn xong. Nó còn nhặt các miếng mè, sả cháy bỏ vào
miệng, trông có vẻ còn thèm, nó le lưỡi liếm các vệt mỡ trên những
ngón tay gầy. lòng tôi buồn thấm thía, nước mắt ứa ra, và tôi phát
hiện rằng mẹ con tôi chưa đánh răng, chưa súc miệng, chưa rửa tay. Lâu
nay tôi thấy các con tôi thiếu thốn mọi bề nhưng người làm mẹ như tôi
chỉ biết âm thầm chịu đựng, âm thầm đớn đau. Chúng tôi đón xe lam về,
đến khi xuống, chủ xe vội vã đi đón khách mới quên thu tiền mẹ con
tôi. Chúng tôi ngơ ngác một phút và đi về nhà ông bà ngoại. Tôi và bốn
con nương tựa nơi đây nhờ sự giúp đỡ của các dì, còn đứa đầu được cô
ruột cưu mang. Trên đường về, đứa con trai tôi hỏi: “Mẹ ơi, tiền xe
lam làm gì?”. Tôi vội nói, mẹ sẽ nấu một nồi chè đậu đen, đường tán
đãi các con. Nhìn nụ cười rạng rỡ, đôi mắt hân hoan tươi sáng của nó,
lòng tôi chan chứa niềm thương cảm dạt dào.
Nó vắt cái ba lô trống rỗng trên vai, vừa đi vừa ngoái lại, giơ lên
một ngón cái: “Bé Tý ơi, nhất mẹ mình”.{jcomments on}
Những ngày khốn khổ
Leave a reply