TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN
-Chương 17 –
Ngàn năm bia miệng – Khải ngộ lòng Thiền
Huyền Trân trở lại Yên Tử được Đại Sĩ điểm hóa.
Dọc đường nghe tiếng thị phi trong dân gian.
*
1. Mưa rơi chiều nay mưa rơi
2. Mưa giăng giăng kín khung trời quạnh hiu
3. Mưa rơi từng tiếng rơi đều
4. Nghe buồn như nỗi tịch liêu trong lòng
5. Nàng ngồi dõi mắt qua song
{jcomments on}
6. Chiều mưa lạnh một mùa đông trắng về
Bên lề cuộc chơi
7. Biệt cung quạnh vắng tư bề
8. Vắng như lòng kẻ bên lề cuộc chơi
9. Từ nay thôi đã lỡ rồi
10. Lỡ duyên lỡ phận lỡ đời xuân xanh
11. Thuyền trôi qua một khúc quanh
12. Hết rồi những thác cùng gành lao đao
13. Hết rồi những sự khổ đau
14. Những thương những nhớ những sầu những lo
15. Bỏ lại tất trên chuyến đò
16. Chở người khổ lụy qua bờ giác tâm
17. Cõi lòng giờ tựa trăng rằm
18. Lăng tăng gợn sóng diệu âm đại hồng
19. Mỗi chiều chuông đổ thu không
20. Hồn như tắm gội trên sông Đại Từ
21. Hai mươi hai năm làm người
22. Biết bao sướng khổ khóc cuời buồn vui
23. Tất cả chỉ là mây trôi
24. Sinh nơi cung cấm chết nơi hỏa đàn
25. Sinh sinh tử tử tuần hoàn
26. Cầu vinh chuốc nhục cũng bàn tay không
27. Chiều mưa phẳng lặng cõi lòng
28. Tiếng chuông Tư Phúc[1] lắng trong hồn người
29. Hốt nhiên nàng nở nụ cười
30. Chắp tay ngưỡng vọng niệm lời Nam Mô
31. Nhẹ nhàng quẳng gánh âu lo
32. Khuyên hai thị nữ trả cho về nhà:
33. “Từ lâu nhị muội theo ta
34. Trải bao sướng khổ như là chị em
35. Bây giờ mọi việc đã yên
36. Hai em nên nghĩ đến duyên phận mình
37. Không nên để lỡ mối tình
38. Cùng hai kiếm sĩ bôn hành lúc xưa
39. Chị đã thượng tấu cùng Vua
40. Tứ hôn[2] kết mối duyên ưa bốn người
41. Chúc tròn hạnh phúc lứa đôi
42. Các em không thể trọn đời vì ta
43. Còn điều phụng dưỡng Mẹ Cha
44. Còn đời con gái, kiệu hoa đang chờ”
45. Ngọc, Dung nước mắt tràn trề
46. Nhất tâm không trở lại quê xa nàng
47. Huyền Trân hết mực khuyên can
48. Tặng thêm tài vật nữ trang làm quà
49. Rằng: “Mai chị sẽ đi xa
50. Lên chùa Yên Tử thăm Cha một lần
51. Hai em bảo trọng tấm thân
52. Khi nào nhớ đến Huyền Trân thì tìm”
53. Hai người khóc mãi không yên
54. Dung rằng: “Quan lộ đưa em về nhà
55. Cách chùa Yên Tử không xa
56. Đi cùng Công Chúa gọi là tiễn nhau”
57. Huyền Trân vui vẻ gật đầu
58. Chủ tớ chuẩn bị hôm sau lên đường
*
59. Chuyến xe lành lạnh hơi sương
60. Lại nhìn thấy cảnh thân thương nước nhà
61. Năm xưa trước lúc đi xa
62. Ngỡ rằng cách biệt sẽ là muôn niên
63. Ai ngờ vận số đảo điên
64. Bánh xe huyễn hóa luân phiên xoay vòng
65. Kia dãy núi nọ con sông
66. Đây hương lúa chín cánh đồng vàng tươi
67. Thân quen đất nước con người
68. Lối qua xóm nhỏ vọng lời hát ru
69. “À ơi, năm ấy mùa thu
70. Có người Việt nữ hát ru con Hời
71. Ru con còn ở trong nôi
72. Mẹ về đất Việt con nơi đất Chàm
73. Sao đành mẹ bắc con nam
74. Thà rằng tử biệt ai làm sinh ly
75. Ơi à, đây mối tình chi ??”
76. Chao ôi lời hát khác gì kim châm
77. Xa con chốc đã tròn năm
78. Mẹ nào Mẹ chẳng âm thầm khổ đau
79. Chẳng qua thế sự nan cầu
80. Tang thương từ độ mái đầu còn son
81. Mẹ nào Mẹ nỡ bỏ con
82. Chẳng qua tạo vật ghen tuông má hồng
83. Bây giờ cách núi ngăn sông
84. Biên cương chia cắt dẫu mong được nào
85. Phương Dung nước mắt tuông trào
86. Lặng nhìn Công Chúa nghẹn ngào xót thương
87. Thánh thiện trong trắng như gương
88. Lại lâm vào cảnh đoạn trường đắng cay
89. Sống làm sao hết kiếp này
90. Tránh sao vạ gió tai bay miệng đời
91. Đọa đày đến thế thì thôi
92. Oan khiên mấy kiếp luân hồi mới tan
93. Bao giờ sạch mối hàm oan
94. Để đóa sen trắng ngát hương cõi trần
95. “Ai đem hạt gạo trắng ngần
96. Nỡ vo nước đục còn vần lửa rơm
97. Nhưng dù là cháo là cơm
98. Thì hạt gạo trắng hương thơm vẫn lừng”
99. Chia tay bịn rịn gót chân
100. Phương Dung mỗi bước mỗi dừng ngoảnh trông
101. Thâm ân tạc dạ ghi lòng
102. Niềm yêu kính giữ mãi trong tâm hồn
*
103. Chiều tim tím bóng hoàng hôn
104. Hồi chuông Long Động điểm dồn công phu
105. Âm ba hòa tiếng gió ru
106. Đầu non chênh chếch đêm thu bóng hằng
107. Đón nàng, chú tiểu Pháp Đăng[3]
108. Thưa: “ Lịnh bà tạm nghỉ chân nơi này
109. Sư phụ ở tại Am Mây
110. Cháu đưa bà đến gặp thầy sớm mai”
111. Thiền môn sạch bụi trần ai
112. Tuyệt nhiên tịch lặng tách ngoài thế gian
113. Nàng qùi trên chiếc bồ đoàn
114. Nhẹ nhàng trút bỏ muôn ngàn phiều ưu
115. Quên bao vui sớm khổ chiều
116. Những ngày lo sợ những điều hàm oan
117. Ngước nhìn lên ánh hào quang
118. Tiếng chuông Tịnh Độ vỗ an tâm hồn
119. Một đời nệm gấm cung son
120. Tỉnh ra như giấc mộng con hão huyền
121. Trầm hương ngan ngát mùi thiền
122. Mỉm cười an lạc khởi duyên Bồ Đề
*
123. Chim kêu dưới suối Hổ Khê[4]
124. Lối lên Thạch Thất[5] tư bề thông reo
125. Quanh co đường đất cheo leo
126. Ngọa Vân Phong ngọn gió vèo qua cây
127. Ngàn hoa còn ẩn trong mây
128. Dương hồng rực rỡ bướm bay chập chờn
129. Đại Sĩ chân đi hài rơm
130. Cà sa gậy trúc đón con tươi cười
131. Ba năm mới gặp lại người
132. Nàng nghe ấm áp một trời yêu thương
133. Ngõ quanh trúc mọc xây tường
134. Ba người lên đến am đường Tử Tiêu[6]
135. Dõi từ đỉnh núi cheo leo
136. Núi sông trải dưới nắng chiều bao la
137. Biển Đông gợn sóng xa xa
138. Non xanh nước biếc thật là cảnh tiên
139. Cha con tâm sự hàn huyên
140. Nàng đem kể hết truân chuyên chuyện mình
141. Đại Sĩ ngồi nghe lặng thinh
142. Ẩn trong ánh mắt trọn tình thương yêu
143. “Đời con đau khổ đã nhiều
144. Từ thơ dại phải chịu điều tang thương
145. Hy sinh cho cả quê hương
146. Cô đơn thân gái dặm trường bôn ba
147. Những mong dẹp bớt can qua
148. Để cho thiên hạ nhà nhà bình an
149. Nào ngờ lại chuốc nghiệt oan
150. Sinh ly tử biệt chồng con chia lìa
151. Chẳng qua trần thế dưới kia
152. Chỉ là mộng ảo đêm khuya giật mình
153. Những điều sướng khổ nhục vinh
154. Đều do vọng niệm cấu thành mà ra
155. Chúng sanh trong cõi ta bà
156. Chịu nhiều đau khổ như là con đây
157. Cũng vì vay trả trả vay
158. Nghiệp gieo tiền kiếp báo ngay đời này
159. Luân hồi nhân quả xưa nay
160. Trồng đậu được đậu[7] chẳng thay đổi nào
161. Khổ đau không ở trời cao
162. Mà do dục vọng chuốc vào tự thân…”
163. “ Cha đặt tên con Huyền Trân
164. Ví như viên ngọc trong ngần tinh khôi
165. Từ khi con hiểu sự đời
166. Chưa từng vọng niệm chưa lời tham sân
167. Hy sinh mình cho tha nhân
168. Sao vương oan kiếp bao lần long đong
169. Hay trời đố kỵ má hồng
170. Vì câu bỉ sắc tư phong[8] mà hờn?”
171. “ Con sinh ra là thiện nhơn
172. Nhưng vì tiền nghiệp hãy còn quá sâu
173. Kiếp này nhận lãnh khổ đau
174. Tạo nhiều thiện phước kiếp sau nhẹ nhàng
175. Muốn thoát nhân quả tuần hoàn
176. Phải nhờ đến Ánh Đạo Vàng soi tâm
177. Theo gương Đức Quán Thế Âm[9]
178. Thì oan khiên dẫu ngàn năm có gì
179. Thế nhân khẩu thị tâm phi[10]
180. Ta dùng hai chữ Từ Bi độ người
181. Giữ tâm thanh tịnh an vui
182. Thấu lý duyên khởi[11] muôn lời cùng thông
183. Nhìn đời vạn sự giai không
184. Vượt qua ngã tướng[12] thoát vòng trầm luân”
Như hạt sương mai
185. Nàng nghe lòng nhẹ lâng lâng
186. Dâng lên thành hạt lệ mừng thoát thai
187. Đời người như hạt sương mai
188. Tan mê một cõi trần ai đi về.
* * *
[1] Từ khi trở lại Thăng Long, Huyền Trân Công Chúa được đưa vào ở một biệt cung gần chùa Tư Phúc. Chùa Tư Phúc được xây dựng từ thời Lý như một Giác Hoàng Tự dành riêng cho Hoàng Gia ở trong kinh thành. (Tài liệu tham khảo của đền thờ Huyền Trân – Huế).
[2] Tứ hôn: Khi Vua ra chiếu chỉ tác hợp hôn nhân cho 2 người gọi là tứ hôn.
[3] Pháp Đăng là đệ tử út mới nhận của Trúc Lâm Đại Sĩ, lúc ấy mới có mười bốn tuổi.
[4] Hổ Khê: tên một con suối quanh chùa Long Động.
[5] Am Thạch Thất Là nơi Trúc Lâm Đại Sĩ dùng để viết kinh sách. Chính nơi đây Ngài đã viết ra Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục ..v ..v…
[6] Am Tử Tiêu là nơi cao nhất của đỉnh núi Yên Tử cũng là nơi tịnh tu của Trúc Lâm Đại Sĩ .
[7] Trồng đậu được đậu: là ví dụ cụ thể của thuyết nhân quả luân hồi, gieo nhân nào thì gặt qủa đó.
[8] Bỉ sắc tư phong: Bỉ: cái kia . Sắc: ít . Tư: Cái ấy . Phong: nhiều . Ý nói được cái này thì kém cái kia . Tài sắc hơn người thì mệnh phải kém người .
[9] Tương truyền Đức Quán Thế Âm khi còn tu trong cõi ta bà , hóa thân là Thị Kính giả trai lên tu ở chùa. Sau bị Thị Màu vu oan là đã có con cùng Ngài . Ngài nhận lãnh hàm oan mà nuôi đứa bé . Sau sự thật phơi bày mọi người đều ca tụng tấm lòng từ bi và đức khổ hạnh của Ngài .
[10] Khẩu thị tâm phi: Ngoài miệng thì nói phải nhưng trong lòng thì nghĩ trái. Lòng người dối trá không thành thực .
[11] Lý duyên khởi: Là lý thuyết căn bản của nhà Phật. Sự vật nương nhau mà sinh và tồn: không sự vật nào có thể tự mình sinh ra mình và tự mình tồn tại độc lập với những sự vật khác mà phải nhờ các điều kiện khác phù trợ xúc tác mới thành. Đó là các duyên hay những điều kiện cần. Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: “Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không nên cái kia không, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt…”.
[12]Ngã, tướng: bản ngã và hình tướng. Theo đạo lý duyên khởi của nhà Phật vạn vật nương vào nhau mà sinh, diệt cho nên vạn vật phải là vô thường vì nếu không vô thường thì sẽ bất sinh bất diệt. Vạn vật là Vô Ngã vì là tập hợp bỡi nhiều duyên (vật) khác nhau mà thành. Vạn vật cũng là Vô tướng (Không) vì do các duyên cấu thành nên không có một thực thể thường còn đồng nhất. (Đạo Phật trong đời sống hang ngày – Thíc Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh)
Đời người như giọt sương mai
Tan mê một cõi trần ai đi về
Hai câu này rất hay !
Mưa rơi chiều nay mưa rơi
Mưa giăng giăng kín khung trời quạnh hiu
Mưa rơi từng tiếng rơi đều
Nghe buồn như nỗi tịch liêu trong lòng
Thơ như nhạc
Đời người như giọt sương mai
Tan mê một cõi trần ai đi về
Mình cũng thích giống KL , hai câu ni rất hay !
Đời người như hạt sương mai
Tan mê một cõi trần ai đi về.
Đúng là hai câu này đã nói lên hết trọn kiếp người, mong manh, ngắn ngủi.Hay lắm!
Cảm ơn Kim Loan, QT và Ngọc Tín, các bạn chọn đúng 2 câu đắc ý nhất của VT trong đoạn này rồi đó. HTCC đã khải ngộ được chân lý này cho nên sau chuyến viếng thăm Đại Sĩ nàng đã “bỏ thân lá ngọc cành vàng ..”xuống tóc đi tu và đắc hạnh Bồ Tát. Hầu hết các vị Bồ Tát hay Thánh, Phật đều phải chuyển kiếp xuống trần để (đi) để đem thân trau dồi và thử thách các hạnh nhẫn nại, chịu đựng, từ bi, bác ái …sau đó mới đắc đạo và làm cuộc trở về (về) với cái bản ngã sơ nguyên của mình rồi hòa nhập vào Đại Ngã của Vụ Trụ hay là nhập chốn Niết Bàn (theo nhà Phật), về với đấng Cứ Thế theo Thiên Chúa…
-Bạn Thế Luân có cảm nhận âm nhạc thật chuẩn. VT cũng vừa từ những câu thơ đó viết được một nhạc phẩm Mưa Lạnh Tàn Canh trong điệu Rhumba. Hy vọng sẽ có dịp gởi các bạn nghe cho vui.
Chúc tất cả vui vẻ cuối tuần.
Kiếp này nhận lãnh khổ đau
Tạo nhiều thiện phước kiếp sau nhẹ nhàng
Đúng là chân lý .
Anh Vũ Thanh hay thiệt , canh làm sao mà đọan thơ nầy đăng vào dịp mở màn cho mùa Phật đản , bái phục .
Cảm ơn Kim Khánh nhé.
Dạ Lan ơi, may rủi mà thôi chứ không phải là canh hay đâu. Dù sao cũng cảm ơn Dạ Lan nhiều nhé. Thật ra trong việc khảo sát và thực hiện trường thi này VT có linh cảm như mình đã nhận được một sự giúp đỡ thật linh thiêng mà VT tin rằng nếu không có sự giúp đỡ đó thì trường thi sẽ thiếu hẳn đi ý nghĩa, không thể đạt được như bây giờ. Đôi khi VT nghĩ có lẽ lòng mình chí thành nên được giúp đỡ từ phía bề trên. Chúc các bạn an vui trong mùa Phật Đàn tới.
Nàng ngồi dõi mắt qua song
Chiều mưa lạnh một mùa đông trắng về
TN rất thích hai câu nầy , vừa hay mà cú pháp mới lạ .
Vũ Thanh khiêm tốn đó các bạn ơi !
Vũ Thanh làm chi cũng tuyệt vời cả .
Thanh Nga và Kiều Thanh cho VT uống nước đường ngọt qúa. thank you.
Chúc hai bạn vui vẻ.