Chuyến Về Cùng Bè Bạn

Hình Tác Giả

Chiều nay ta trở lại tuổi học trò lên đường về thăm trường cũ, thăm lại bạn bè một thời đi học. Thăm lại cảnh cũ người xưa… nơi cả một thời vết chân non đã trải trên những con đường mòn của miền quê yêu dấu.

Lòng nôn nao rạo rực trong tâm trạng trở về. Hỏi không vui sao được đi cùng bè bạn gợi lại tuổi thơ. Niềm vui của chúng tôi trưa nay mổi người một khác. Bạn Hoàn quá sung sướng, không ăn, không ngủ, chờ chuyến tàu chiều. Luận biết mình không ngủ được, nên ăn thả dàn. Bạn Vinh thì chạy đôn chạy đáo, lo mua vé và thức ăn. Đúng là một trưởng lớp trách nhiệm, uy tín, và nay là trưởng hội này đây. Bạn Quý quá náo nức nên đã đi trước về quê.

14 giờ 20 Luận có mặt tại ga Hòa Hưng, Hoàn lù lù lộ diện, rồi Vinh. Chúng tôi nô nức vào ga trong, chuẩn bị lên tàu. Chiều nay mưa tạnh, mây mênh mang, gió nhẹ như hòa cùng niềm vui của chúng tôi. Niềm vui của những cậu học trò đã một thời ước mơ, bôn ba, phấn đấu, lăn lộn với học hành và cuộc sống. Nay đã tới tuổi xế chiều, gần cuối của sự thành đạt. Lòng chạnh nhớ về quê và bạn cũ, trường xưa. Muốn ôn lại những kỷ niệm của một thời, nơi tuổi thơ đã trải.

Làm sao quên được những kỷ niệm tuổi thơ, những kỷ niệm đẹp nhất của đời người, với sự trong trắng vô tư, biết bao ước mơ và hy vọng.

Trên tàu Luận ưu tiên cho Vinh và Hoàn ngồi chung, còn mình ngồi riêng một chỗ khác. Luận muốn để hai bạn ấy ngồi gần mà huyên thuyên với nhau. Còn mình thì may quá ngồi gần một cô em, dáng xinh xắn tươi cười. Cứ tưởng là một người đi buôn sành điệu, và tôi mơ màng câu chuyện thần tiên. Có lẽ nhìn ông anh ngồ ngộ, nên cô em liếc mắt tò mò (thấy tôi viết mấy câu mở đầu “Chiều nay ta trở lại tuổi học trò, cùng bạn bè về thăm trường cũ”) là cô phá lên cười. Hay ra, ấy là một cô nha sĩ ở một bệnh viện tại Qui Nhơn, đàn em của chúng tôi 15 năm. Huyên thuyên thăm hỏi. Anh em nói chuyện một lát tôi tránh ra nhường chổ cho thằng Vinh. – các bạn biết không, nói chuyện với cô em một lát rồi Vinh ngủ ngay trên mình cô ấy. Thằng Vinh trông vậy mà hay, mà gan thật, tôi nào đâu có dám. Chắc chuyện này về Sài Gòn không dám kể lại cho vợ thằng Vinh nghe. Câu chuyện ấy là thật, nếu tôi nói láo thì cho ông Trời giết chết tôi đi, mà có thằng Hoàn chứng kiến nữa. Tôi giải thích cho các bạn nghe lý do là như thế này: Vì cô em muốn nằm rộng rãi cho thoải mái nên đã nằm hẳn xuống sàn tàu, còn thằng Vinh thì năm ngay trên chiếc ghế nơi ấy. Sáng ra anh em lại tiếp tục nói chuyện: Trước khi rời tàu, tôi hỏi cô em tên gì: Cô em trả lời thật to và đầy đủ tên họ để tôi nhớ. Tôi cố gắng ghi đậm vào trí nhớ, nhưng rồi cũng thật quên nhanh. Cô vừa bước xuống xe, là tôi quên mất tên cô ta rồi. Những ông anh lớn tuổi thường là như vậy. Các bà vợ ơi, đừng bận tâm các ông chồng mình sẽ nhớ tên ai. Các ông sồn sồn này dễ quên nhanh lắm. Quên như tôi vừa quên tên cô ấy vậy. Này cô em nếu đọc được dòng này nhớ điện cho ông anh, dẫu sao bốn anh em chúng ta cũng một dịp gặp nhau và nói chuyện với nhau trên một chuyến tàu về.

Xuống ga Diêu Trì, chả thấy một thằng bạn nào đón. Có lẽ từ chiều hôm qua, rồi cả đêm qua, các bạn miên man nghĩ đến buổi vui mừng hội ngộ… thức khuya rồi ngủ quên đi. Nhưng trong nhóm bốn thằng cũng đã quen chỗ nên lên taxi tiến thẳng về nhà thằng Khương. Cái thằng to lớn, giọng rổn rảng, hơi xấu trai mà có lẽ đẹp trai với vợ nó, nó có trái tim rất tốt với bạn bè. Tới nhà cứ tưởng vợ chồng nó đón. Ngờ đâu, nhà cửa đóng then cài. Cứ nghĩ vợ chồng Khương đã trốn đám bạn này rồi, những thằng bạn trai ăn hại. Té ra hai vợ chồng nó lại sốt sắn chở nhau đi chợ mua về đủ thứ nào là bánh tráng, bánh hỏi, lòng heo, khế, rau. Một bữa an sáng độc đáo, rất quê hương, và đậm tình. Những thằng bạn lục tục kéo đến, mày tao huyên thuyên, rồi cứ thế lấy ghế, lấy đũa… vui ơi là vui. Nhìn bạn bè, nhìn màu xanh non của ruộng mạ, màu xanh của núi, màu sáng ửng của biển. Tất cả một ban mai chờ đợi – chờ đợi những thằng học trò bây giờ sồn sồn này, chúng sẽ làm gì đây? Bên ngoài gió ngừng thổi, chỉ khe khẽ với nhau. Ông mặt trời ló đầu qua cửa số như muốn coi cái đám nhóc già này đang làm gì.

Chờ đông đủ 14 thằng gồm: Vinh, Quý, Hoàn, Khương, Luận, Phụng, Nghĩa, Bản, Học, Thạnh, Tám, Trung, Hải, Chương lên xe hướng thẳng ra Gò Bồi. Tới nơi, xe dừng một lát để các bạn chiêm ngưỡng dòng sông. Ngắm nhìn cảnh sông nên thơ man mác gợi tình, cảnh sắc đã đem niềm cảm hứng cho biết bao nhiêu nhà thơ. Ngắm xong lại tiếp tục lên đường. Xe ra Cát Tiến, rồi tới Trung Lương.

Ổ hay, Trung Lương nơi đây, một thời Luận đã ở.Ở đây nhìn trời, nhìn biển, nhìn bãi nhỏ và cái hang xưa. Lòng tôi tràn đầy thỏa mãn, hôm nay được thăm lại chốn xưa trước sự chứng kiến của bè bạn. Và Luận đã cảm tác:

Tình cờ nay được về đây
Bãi nhỏ hang sâu chốn nơi này
Khi xưa ta tắm và câu cá
Nghĩ thời tuổi nhỏ thật là hay

Sau khi đọc mấy câu thơ, các bạn Luận, Quý, Khương, Vinh ra tắm biển, bơi lội thỏa thích, tấm lòng mình hòa cùng biển thăm thẳm đậm tình. Hôm nay đây, tấm lòng tình bạn, tình quê của chúng tôi thông qua biển mà gởi đi khắp đại dương.

Tắm xong rồi thưởng thức bửa trưa: Ồ bánh mì, batê, thịt hộp, cá hộp, dưa leo,… Bữa ăn dã chiến, anh em huyên thuyên rất vui. Chương Xụi thì xổ mấy câu:

“Đồng Nai – Sài Gòn có bao xa
Một khi xảy ra chuyện chết ba trăm thằng”

Vui quá, và Phụng Mập đã thốt lên mồ tổ cái mỏ thằng Chương, may mà nó xụi, chứ nó mà không xụi thì nó nói đến cỡ nào. Nói vậy chứ dù không xụi đi nữa thì Chương nói như thế là cũng hết cỡ rồi.

Rồi Phụng cũng cao hứng đáp lại Chương Xụi một câu gì ” …” nặng cân không kém.

Tại sao thằng Chương bị xụi? Người ta nói rằng “Vì lúc ấy ông già quá vui mà quên đi cứ đè mãi một bên. Nên làm ảnh hưởng cái tay thằng con”. Và người ta còn nói nếu cái tay bị xụi thì nó dồn năng lượng vào cái chân, nhất là cái chân thứ ba. Chuyện ấy có thật hay không thì không biết, chứ chuyện cái tay bị xụi nó dồn năng lượng lên cái miệng là có thật. Nhờ thế nên Chương nói liên tu bất tận mà miệng không mỏi.

Ăn trưa xong, anh em ngồi nhìn trời, nhìn biển một lát rồi lên xe. Xe vượt đèo qua Sậy, Tân, Thanh, Vũng Tô, Chánh Thiện, Chánh Hóa, Cầu Gành. Trên xe Chương liên tục kể hết chuyện này đến chuyện khác và cứ như thế từng đợt anh em phá lên cười. Nhờ vậy mà quên đi buồn ngủ. Anh em ai cũng vui, nhưng có lẽ vui nhất là Chương.

Xe đi đến Cầu Gành, Bà Gi, Chợ Gồm, Phù Cát… rồi trở ra Quốc lộ 1 đi về đèo Cù Mông. Cái đèo đã một thời nổi tiếng nơi giao lưu giữa Bình Định và Phú Yên, điểm nối giữa hai cái xứ sở hiền hòa. Hiền và dễ thương đến nỗi đi xa mà gặp người Phú Yên thì tôi nghĩ là gặp đồng hương rồi.

Đèo Cù Mông cũng là một địa danh mà xe lật khá nhiều. Có lẽ vì cây cối mọc lù cù, cảnh mênh mông man mác khiến cho các bác tài cảm thấy như lao vào cảnh tiên mà đôi lúc quên và lạc tay lái xuống đèo. Hay còn có truyền thuyết thời xa xưa còn khổ, ở Phú Yên núi rừng nhiều cho nên người ta đốt than. Rồi đêm đêm các cô gái Phú Yên gánh than qua đèo này chuyển giao cho các chàng trai Bình Định. Nên khi khỏe ra và với cảnh trăng thanh gió mát cộng với hơi hám của các chàng trai, trăng thanh thức là mặt trăng gần với trái đất, âm dương gần gũi, một sự cộng hưởng âm dương càng làm cho các cô gái Phú Yên ấy một phen không chịu nổi, phải cồng mu. Thành ra mới có cái tên Mù Công. Người ta hỏi thế các chàng trai Phú Yên ở đâu? Vì công việc chặt cây và đốt than rất khó nhọc nên các chàng trai phải làm, còn việc gánh than dễ hơn và chỉ đòi hỏi sức dẻo dai nên dành cho con gái. Thành chuyện mới xảy ra giữa con gái Phú Yên và con trai Bình Định là vậy.

Vể đến Cù Mông, mặt trời đã lặn chỉ còn sót lại vài tia ửng hồng. Anh em nói sẽ chiêu đãi gà rừng móng đỏ. Lòng tôi đôi chút rạo rực, thình thoảng đưa mắt vào rừng thử có con gà nào ra không. Nhưng ôi, chỉ thấy mấy con cục ta cục tác sau nhà. Gà ta người ta bắt lên rừng nuôi rồi gọi là gà rừng. Một con gà cồ đứng lúc túc, còn muốn tìm mái, số nó lên.

Người ta đã làm cho chúng tôi bốn con gà, hai cồ và hai mái. Họ nói có giết gà cũng giết theo cặp cho có đôi có bạn. Để dù có xuống âm phủ chúng cũng không lẻ loi. Thành ra tôi mới hiểu kẻ giết gà cũng nhơn đức dữ.

Nằm đu đưa trên võng nói chuyện với nhau một lát, tôi đã nghe mùi thơm của gà rôti, gà luộc, bánh tráng nướng, cháo, rau thơm. Thế là bạn bè tề tựu, kéo ghế rót rượu, rót bia. Thật ngon, thật vui:

“Rượu ngon lại có bạn hiền
Thế gian đâu phải có tiền để mua”

Tiệc xong thì trời cũng vừa tối, bác tài đã thuộc đường nên về rất an toàn. Đêm nay mình ngủ với Vinh tại nhà Phụng, đó là khách sạn Chí Thành. Vợ chồng Phụng thật chu đáo, giao cho mình với Vinh một phòng và đầy đủ tiện nghi như khách. Đêm nay ta với Vinh như đôi tình nhân, thật thân thương. Có lúc ta ngắm nhìn Vinh, có lúc Vinh ngắm nhìn ta, rồi hai thằng nằm say ra ngủ. Sáng ra hai đứa dậy sớm ra đường tập thể dục rồi đi bộ một tý. Một buổi sang trời quang, tiết trời mát rượi, từng nhóm, từng tốp trên vỉa hè, trên công viên, kẻ đi bộ nhanh, người chạy lúp xúp tập thể dục… từng nhóm, từng tốp đi ra biển. Một thành phố biển với ban mai sinh động. Người ta đang khởi động để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Và lòng tôi bừng lên niềm lạc quan, với cảm giác quê hương đang trỗi dậy. Lòng ước ao được đóng góp một chút gì. Hẳng nhiên Qui Nhơn bây giờ rộng hơn, đẹp hơn, mà khoản chị em cũng xinh hơn nữa . Nhỉn cảnh đẹp ,người đẹp ,lòng gợn một chút nuối tiếc .Và Luận đã thốt lên:

Các ả ngày xưa đã lấy chồng
Ta về đứng ngắm cũng bằng không

Vinh vỗ vai ” Đã qua rồi,nuối tiếc làm chi”. Rồi hai đứa tiếp tục chạy bộ.

Sau khi tập thể dục ,Vinh và Luận đi tiếp khách Thiệu và Quý, gặp một nhóm bạn của cô em, các cô : Toán,Văn, Lý, Hóa, Anh Văn. Các bạn này cứ mỗi tuần , sáng chủ nhật là họ gặp nhau ăn sáng , uống cà phê, hàn huyên tâm sự chia sẻ những niềm vui và quên đi những phiền muộn. Một buổi sáng xả xú bắp.

Ăn sáng xong rồi , tôi, Vinh,Quý mỗi người mỗi ngả đi thăm vài người bạn ,người thân.Trưa hôm ấy là buổi họp mặt liên hoan chính,quần tụ đầy đủ anh em gồm: Tám, Vũ, Nhuận, Hoàn, Quý, Khương, Luận, Vinh, Trung, Quốc, Ba, Rãi, Thu ,Thiệu và vợ chồng Thông.

Hôm nay họp mặt anh em và cũng mừng Thông vừa chữa khỏi bệnh.Vợ chồng Thông xung phong chiêu đãi.Ở đây xin giới thiệu những biệt danh:

Tám: tự là Tám Khùng, một lần liên danh với Thảo ứng cử ban BD.

Vũ: Bạn này hồi nhỏ rất ưa múa, nên bố mẹ đặt cho cái tên Vũ. Bây giờ bạn bè gọi là Vũ Công.

Nhuận: Bác sĩ, tự là Tám Tàn. Không biết nó như thế nào mà anh em gắn với chữ Tàn, tôi không biết.

Hoàn với 3 biệt danh: Hoàn công chánh, Hoàn Vân canh, Hoàn dân tộc. Bởi Hoàn ở Vân canh miền núi và nước da Hoàn đen đen, màu đen chơn chất của núi rừng.

Quý: tự Tuấn Quỳnh, nhà thơ mới đương lên. Tuấn Quỳnh gốc là túm quần, thuở nhỏ đi học trong lúc thầy giảng bài tiểu nhà thơ ngồi nghe thích quá cao hứng tràn đầy rồi đột xuất xảy ra trong lớp., nên tiểu nhà thơ phải túm quần. Bây giờ nhớ lại lần hứng chí đó nên lấy nó làm bút hiệu và trại đi là Tuấn Quỳnh.

Khương: Khương lớp phó, Khương xây dựng, Khương cầu đường.

Luận: nhà thơ Khánh Luận, trong nhóm thơ 62 Trần Bình Trọng Q.5, Sài Gòn gồm (Quý, Vinh, Thuận, Luận). Không biết ông già tự dưng nghĩ ra cái tên thật hay, Khánh Luận. Khánh mới, Luận là lý luận.

Vinh: Nguyên lớp trưởng B3, nhà thơ mới bút hiệu Kim Long, Kim: cây; Long: dài. Cây dài = cai dù: lái tiếp. Vì nó là lớp trưởng, ông Trời mới cho cái thiên chức ấy.

Quốc: còn có tên thứ hai là Bằng, Bằng Gò Bồi (tức thuở xưa Quốc ở tại bến Gò Bồi quê hương của Xuân Diệu).

Trung: Bố mẹ bạn này đặt cho tên Trung vì ông bà già thích những người chung thủy, trung hiếu.

Ba: Tự Ba hói, vì nay già đầu nó hói. Không biết hói vì suy nghĩ nhiều hay vì các cô em bức tóc.

Rãi: Là do người ta đánh máy sai. Thực ra là Rải, tức nó rải con cái lung tung.

Thu: tự Xuân Thu, có lẽ ông già thích truyện xuân thu ở Trung Quốc, mới lấy chữ ấy đặt tên cho thằng con. Nhưng Thu trắng như con gái, bạn bè gọi là Thu Cúc.

Thiệu: ông cụ của bạn này đặt tên cho con thực ra không có ý gì với Nguyễn Văn Thiệu cả. Vì từ lúc NVT chưa là Tổng Thống thì thằng Thiệu này đã có cái tên rồi.

Thông: tự Thông in, và Thông là giám đốc xí nghiệp in.

Buổi tiệc vui làm huyên náo buổi trưa Quy Nhơn… gồm: Tám, Vũ, Nhuận, Hoàn, Quý Khương, Luận, Vinh, Quốc, Trung, vợ chồng Thông, Ba, Rãi, Thu, Thiệu, ai uống say nồng.

Sau tiệc một số anh em Luận, Quý, Vinh, Thu, Trung, Khương rút về nghỉ ngơi ở nhà Phụng. Chờ đợt đánh buổi chiều cá diếc rau răm.

Trời vừa ngã bóng là đổ xe về hướng Diêu Trì, nhà Khương. Vợ Khương đã đi chợ từ sang mua cá diếc rau răm, và các món để đãi bạn buổi chiều. Cá diếc là loại cá vẫy mềm, thịt ngon, cái dáng vừa um úm mà đám đàn ông hay khoái. Mấy khi được thưởng thức lại món cá quê hương mà trong khi khung cảnh có bạn bè, thì độ ngon nó tăng lên.

Theo dự định tôi phải trở về Quy Nhơn để sang tiếp bạn nhưng mà thôi chuyến đi Tam Quan cũng khá xa nên nghỉ đêm lại nhà Khương để sáng đi sớm. Thế là tối nay ở tại nhà Khương có thêm ba ông khách Vinh, Quý, Luận. Vợ Khương lên lầu ngủ chung với con, giao mấy căn phòng bên dưới này cho bè bạn. Đêm nay Vinh ngủ với Khương vì lâu rồi lớp trưởng và lớp phó mới có dịp nhau, tỉ tê tâm sự. Còn Quý và Luận hai nhà thơ, hiếm khi có dịp gặp nhau nhiều như thế này. Đã được gần, rồi được ngủ chung một giường mới thú vị chứ.

Trong đêm nằm gác chân nhau
Ta nghe tình bạn râm ran khắp người

Bạn bè nói chuyện trong cảnh đêm thanh, gió mát của miền quê hòa cùng tiếng ếch, dế. Hình như chúng cũng hiểu được niềm vui của chúng tôi. Chuyện đến khuya, khuya đến tĩnh mịch không còn ai nói nữa. Có lẽ ếch, dế cũng mỏi miệng mỏi cánh cả rồi, hai anh chàng đã ngủ trong niềm vui, niềm hạnh phúc của tình bạn, tình quê.

Sáng ra Luận dậy sớm, vì nghe đi chơi là khoái rồi. Rồi Vinh, Quý, Khương, tất cả đều dậy, đánh răng rửa mặt xong rồi lại lên đường. Ra ngã ban ăn bánh xèo. Thấy có khách vợ chồng người bán lặt rau, quạt lửa tíu tít. Thế là trên 25 cái bánh ra lò, bồn người ngồi ăn mà có 13.000đ. Bánh vừa ngon, vừa rẻ.

Ăn xong Khương trở về nhà, còn Vinh, Quý, Luận tiếp tục lên đường về Tam Quan quê hương của Vinh có ông ngoại trước kia làm chi huyện của huyện Bình Khê. Quê của ngoại ở Tam Quan. Hôm nay nó đưa bạn bè về thăm quê và thăm mộ ngoại.

Dọc đường nghe Vinh kể, xứ Tam Quan quanh năm rợp dưới bóng dừa. Nên con gài Tam Quan nước da rất trắng. Đã thế còn tắm nước dừa da còn mịn màng. Vinh hứa sẽ giới thiệu cho tôi một cô gái xinh đẹp xứ dừa và cho tôi được nắm tay. Còn khoản có được hôn hay không thì không nghe Vinh nói.

Được đi tham quan và được thưởng thức. Như vậy hỏi lòng sao không vui.

Phong cảnh ban mai mát rượi, từng cơn gió chào đón chúng tôi. Ánh nắng ban mai dịu êm lan tỏa khắp núi rừng, đồng ruộng, trùm phủ lên ba thằng bạn đang rượt đuổi, đua nhau trên đường trong niềm vui hạnh phúc. Tôi thật sung sướng ngồi sau, đang ôm chặt lấy thằng Quý. Tôi ôm chặt không phải vì sợ té, mà muốn siết lấy cái thân thương của tình bạn. Chẳng mấy chốc thì ba thằng cũng đến được đền thờ Đào Duy Từ trước khi đến Tam Quan. Mấy khi có dịp đến mộ của người anh hùng dân tộc đã một thời góp công dựng nước và giữ nước, nên chúng tôi ghé vào kính cẩn viếng cụ.

Một lát rồi ra, tiến thẳng về quê hương của người lớp trưởng. Một người không lắm lời mà cũng không ít nói, luôn luôn ghé mắt để ý đến tình cảnh buồn vui đời sống từng bạn bè. Tôi quý ở chỗ ấy, nên quyết lần này phải đến tận quê hương của bạn.

Đến nơi đã có người em rể của Vinh đón sẵn. Uống xong một trái dừa, đúng kiểu tiếp khách của Tam Quan, rồi sau đó mới kéo nhau ra biển.

Đến biển Thiện Chánh. Ngồi trên bãi biển cát trắng chạy dài, ngoài kia là biển xanh, một dãy núi nhỏ chồm ra như một cánh tay muốn chìa ra ôm biển lại. Nơi đây phong cảnh hữu tình, và người em rể của Vinh ngâm lên mấy câu:

Quê hương tôi là đây
Chỉ có những hàng cau vườn chuối
Mặc dù nó mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm

Vinh gọi mấy món cá ngừ bò đại dương, tôm hấp…, nem, bia. Một lát, một cô em bưng ra rồi đặt thức ăn cẩn thận lên bàn. Vì giữa nắng trưa và cô em cúi xuống nên để lộ ra:

Nõn nà soi dưới nắng trưa
Chiếu vào mắt khách sao vừa hơi men

và làm cho nhà thơ Tuấn Quỳnh cảm tác mấy câu:

Hỏi em trải mấy trăng tròn
Mà sao khuôn vẻ vẫn còn xuân xanh

Cô em cười cười, nhìn trời, nhìn biển, rồi nhìn vào mắt nhà thơ mà đáp:

Hỏi anh trải mấy trăng tròn
Mà sao khuôn vẻ như còn trai tơ

Ổ cả đám phá lên cười, vui quá, thi vị quá.

Đây là lần đầu tiên tôi ra biển Thiện Chánh, phong cảnh và con người ở đây thật hữu tình và tình bạn ở đây thân thương quá. Món cá ngừ bò thật ngon và mòn mù tạc thật nồng, hòa với cái nồng nàn tình bạn rồi thơm của bia, gió mát của biển, nên tôi đã ăn thật no và uống thật say. Đúng 13 giờ? Tôi phải quay về Quy Nhơn để trở lại Sài Gòn, đành chia tay với Vinh, Quý, tôi về trước. Em rể Vinh đưa tôi ra xe và gởi gắm cẩn thận. Tôi ngồi trong xe miên man trong hơi say, miên man trong nuối tiếc chưa nắm được tay người con gái Tam Quan và chưa được hôn lên má em.

Xe về Qui Nhơn hơn ba giờ chiều, tôi kịp nghỉ ngơi, tắm một cái rồi lên xe Thuận Thảo về Sài Gòn. Xe chạy trong đêm, gió thật mát và lòng tôi tràn đầy tình bạn, tình quê, trong niềm vui sướng và hạnh phúc. Và nghĩ rằng năm tới sẽ lại trở về.

Tuổi trẻ ta thích đi xa
Đến khi về già lại nhớ cố hương
Nhớ quê, nhớ bạn, nhờ trường
Muốn về tìm lại thân thương thuở nào

Lê Khánh Luận
29/7/2005{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.