{jcomments on}Những vấn đề của Hướng đạo Việt Nam từ sau khi có Nghị định của Chính phủ số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Luật sư NGUYỄN LỆNH
Phong trào Hướng đạo Việt Nam phát triển trong những điều kiện khác nhau ở hai miền Nam và Bắc kể từ khi Hội Hướng đạo Việt Nam được thành lập năm 1946. Ở miền Bắc, từ sau kháng chiến chống Pháp, các huynh trưởng lãnh đạo HĐ vừa gia nhập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vừa duy trì hoạt động của Hội HĐVN một cách yếu ớt do hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Ở miền Nam, tuy có điều kiện thuận lợi cho phong trào HĐ phát triển liên tục nhưng cũng vì trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên hoạt động chính thống của Hướng đạo cũng bị tác động không ít bởi các thế lực to lớn, mạnh mẽ từ bên ngoài. Những tác động và can thiệp từ bên ngoài đó là hoàn toàn không phù hợp với tôn chỉ “không hoạt động và cổ động chính trị” (1) ghi trong tất cả các Quy trình của Hội HĐVN từ năm 1946 trở đi. Sau biến cố lịch sử năm 1975, phong trào HĐ ở miền Nam cũng phải tạm ngưng hoạt động vì những lý do chính trị không rõ ràng. Khi qui định trong Quy trình đầu tiên của Hội HĐVN về việc “không hoạt động và cổ động chính trị”, các huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam đã nhận thức được rằng việc “hoạt động và cổ động chính trị” sẽ là nguy cơ làm hại Hội HĐVN, gây khó khăn cho một phong trào xã hội thuần túy dân sự, một tổ chức thiện nguyện nhằm giáo dục thanh thiếu niên “về ba phương diện: đức, thể, thực” (1) để các em trở thành một công dân tốt. Nói về cái tốt, cái hay của phong trào Hướng đạo ở VN và trên thế giới thì từ xưa tới nay không ai có thể phủ nhận và vì thế mà UNESCO đã trao giải thưởng và tặng danh hiệu “Phong trào giáo dục vì hòa bình” cho Tổ chức Hướng đạo thế giới – trong đó có cả HĐVN, vào ngày 1/10/1981 ở Paris. Nhưng cũng vì bản chất của hoạt động Hướng đạo là một “phong trào giáo dục vì hòa bình“, một tổ chức dân sự xã hội chớ không phải là tổ chức chính trị xã hội, nên hoạt động Hướng đạo luôn phải gánh chịu những khó khăn, những áp đặt từ bên ngoài của những thế lực chính trị hoặc phi chính trị mạnh mẽ hơn nhiều so với Hội HĐVN. Do hoạt động chính thống của tổ chức dân sự Hướng đạo là rất tốt cho xã hội nên các tổ chức mạnh mẽ hơn đều muốn có được cái tiếng tốt của “H.Đ.V.N” đó để gắn thêm tên của tổ chức mình vào khiến cho Hội HĐVN đã phải gánh chịu nhiều liên lụy kể từ khi thành lập ngày 7/2/1946 cho đến nay !
Sự kiện Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội chính là cơ hội mong đợi của Hội HĐVN từ sau khi nước nhà thống nhất, hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ VN. Sau khi Nghị định này (viết tắc NĐ 88) được ban hành, các huynh trưởng và đoàn sinh HĐVN những tưởng rằng các lý do chính trị không rõ ràng, thiếu căn cứ đã từng cản trở, không cho Hội HĐVN hoạt động lâu nay sẽ không còn nữa vì nay đã có văn bản pháp luật qui định rõ ràng, cụ thể, phù hợp với Hiến pháp về quyền tự do lập hội. Nhưng từ ngày có NĐ 88, mặc dù có nhiều nhóm HĐ liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho tái lập chính thức nhưng cho đến nay Hội HĐVN vẫn phải chịu cảnh hoạt động “ngoài khuôn khổ pháp luật”. Đó là tình trạng ngoài ý muốn, không phù hợp với “tinh thần trọng pháp” của Hướng đạo sinh VN. Vì vậy, chúng ta thử tìm hiểu và phân tích xem có những lý do gì, những vấn đề nào khiến Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước đã quan ngại chưa muốn cấp phép cho Hội HĐVN hoạt động chính thức từ sau ngày có NĐ 88 đến nay.
1/ Vấn đề “H.Đ Cảnh Sát V.N” và “H.Đ Quân Đội V.N”:
“Hướng đạo Cảnh sát được thành lập thời Pháp thuộc và sau tết Mậu Thân năm 1968, chính quyền Sài Gòn cho thành lập Hướng đạo Quân đội nhưng Hội HĐVN khộng công nhận hai tổ chức này là thành viên của mình. Hai tổ chức này phát triển về số lượng nhờ lợi thế: phương tiện của CS và QĐ (xe cộ, lều bạt, thực phẩm…), tài chính, người điều khiển (ai được cử trông coi các Đoàn này thì khỏi ra mặt trận), phụ huynh đã biết Hướng đạo là tốt nên sẵn sàng cho con em mình vào… Hai tổ chức này chủ yếu vẫn là giáo dục thanh thiếu niên, không rõ lắm về ý đồ chính trị của hai tổ chức này”. Đó là trích ý kiến tập thể về vấn đề Hướng đạo của 4 huynh trưởng HĐ lão thành Trần Hữu Khuê, Nguyễn Thu Duy Lương, Nguyễn Minh Triết, Đinh Hữu Quyến trong Nội dung tọa đàm với Bà Đoàn Lê Hương và Ban Dân vận Thành Ủy Tp.HCM (2). Chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù Quy trình của Hội HĐVN đã xác định rõ tôn chỉ của hội là “Không hoạt động và cổ động chính trị” và cũng xác định trong Quy trình hội là “Hội lấy tên chính thức là Hội “HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM”, viết tắt là “H.Đ.V.N”. Những chữ “HƯỚNG ĐẠO” trong tên này thuộc quyến sở hữu tuyệt đối của Hội”; nhưng làm sao một tổ chức dân sự nhỏ bé như Hội HĐVN mà theo bảng thống kê của Hội tính đến ngày 31/12/1974 có tổng số đoàn sinh và huynh trưởng đóng bảo hiểm là 14.432 người, trong đó có 2.204 huynh trưởng (3) lại có thể bảo vệ được “quyền sở hữu tuyệt đối” tên của Hội trước lực lượng Cảnh sát và Quân đội đương thời. Hơn nữa, lời hứa giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào và mục đích giáo dục thanh thiếu niên của HĐ khiến cho Hướng đạo sinh mặc nhiên phải chia sẻ với bất cứ ai muốn làm theo điều tốt đẹp mà mình đang theo đuổi. Ngay chính 2 từ HƯỚNG ĐẠO cũng hàm ý hướng người khác đi theo, làm theo điều tốt như mình đang làm thì tại sao chỉ vì “quyền sở hữu tuyệt đối” mấy chữ HƯỚNG ĐẠO trên ngực áo các tổ chức khác mong có được, mà Hội HĐVN lại phải ngăn chặn, cấm cản ?! Sau năm 1975, các “H.Đ.Cảnh sát.V.N” và “H.Đ.Quân đội.V.N” đương nhiên phải giải tán do tính chất chính trị ngay trong tên gọi của 2 tổ chức này. Vậy sao cho đến hôm nay – sau hơn 35 năm, Hội HĐVN lại phải chịu trách nhiệm về các tổ chức, các thế lực bên ngoài đã chiếm dụng trái phép cái tên HƯỚNG ĐẠO thuộc “quyền sở hữu tuyệt đối” của Hội, làm trái với Qui trình của Hội HĐVN ? Ở vào thời điểm hiện nay, vấn đề HĐ Quân đội, HĐ Cảnh sát đã lui vào lịch sử, cần phải trả lại sự công bằng cho Hội HĐVN nếu đã có một sự qui kết trách nhiệm nào đó bất công và bất hợp lý như vậy đối với Hội HĐVN.
2/ Vấn đề “H.Đ.Công Giáo.V.N” và các tôn giáo khác:
“Hướng đạo lan tràn đến Việt nam là nhờ một số linh mục thừa sai, nhất là các linh mục người Pháp, khi còn ở nước họ, đã từng hoạt động tham gia phong trào Hướng đạo hoặc với tư cách tráng sinh, huynh trưởng hoặc với tư cách tuyên úy” (4). Từ khi phong trào HĐ du nhập vào VN nó đã gắn với hoạt động truyền giáo của các vị linh mục thừa sai đạo Công giáo nên Hội HĐVN, với số hội viên lúc đông nhất cũng chỉ 14.432 người, trong đó có nhiều huynh trưởng là tín đồ đạo Công giáo thì khó lòng nói “không” với Giáo hội Công giáo về hoạt động của “H.Đ.Công giáo.V.N”. Trường hợp này cũng tương tự như với lực lượng Cảnh sát và Quân đội trước 1975 ở miền Nam. Hơn nữa, với bản chất là một tổ chức dân sự xã hội có tính thiện nguyện vì mục đích giáo dục thanh thiếu niên nên Hội HĐVN khó lòng ngăn cản Giáo hội Công giáo cũng muốn tham gia hoặc xây dựng riêng một hội đoàn tương tự như Hội HĐVN vừa để theo đuổi mục đích giáo dục thanh thiếu niên có đạo và vừa có mục đích tông đồ. Đã có lúc ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo lớn mạnh và “áp đảo” cả tính độc lập và quyền tự trị của Hội HĐVN như đã thể hiện trong một qui định thiếu căn cứ pháp lý trong bản Quy chế Hướng đạo Công giáo Việt Nam tại Sài Gòn ngày 8/1/1965. Bản Quy chế HĐCGVN này đã qui định về trường hợp khi có “xung đột lợi ích” giữa Hội HĐVN và các “đơn vị HĐCGVN” đứng trong hệ thống tổ chức và chịu sự điều khiển của hai Hội Nam và Nữ HĐVN như sau: “Tuy HĐCGVN không chủ trương đứng ngoài hai Hội HĐVN, nhưng: – Khi xẩy ra trường hợp một trong hai Hội vi phạm nguyên lý căn bản của phong trào HĐ, nhất là điều thuộc về tôn giáo; – Khi xẩy ra trường hợp những người lãnh đạo một trong hai Hội có thái độ kỳ thị rõ rệt đối với tôn giáo hoặc đối với các trưởng Công giáo có khả năng tham gia Hội đồng Trung ương hay Bộ Tổng ủy viên của Hội đó. Trong hai trường hợp này, HĐCGVN sẽ bày tỏ lập trường và đưa đề nghị để Hội sửa chữa. Nếu không giải quyết xong, lúc đó các đơn vị HĐCGVN sẽ buộc lòng phải tách khỏi Hội” (5). Khi qui định trong Quy chế HĐCGVN 1965 như vậy, Giáo hội Công giáo không những đã thể hiện ảnh hưởng lớn lao của Giáo hội đối với Hội HĐVN mà còn can thiệp vào cả công việc nội bộ của Hội HĐVN qui định trong một bản Quy trình đã được phê duyệt hợp pháp. Nguyên tắc trọng pháp của Hướng đạo sinh và của Hội HĐVN không cho phép làm theo Quy chế của Giáo hội Công giáo mà phải tuân thủ triệt để Quy trình Hội HĐVN do các hội viên lập nên và đã được chính quyền phê duyệt, bảo hộ. Tất nhiên các huynh trưởng Hội HĐVN cũng hiểu điều qui định bất hợp lý đó trong bản Quy chế HĐCGVN nhưng đã có sự nể nang, không tiện phản đối, làm mích lòng một tổ chức tôn giáo đã đồng hành với phong trào HĐVN từ những ngày đầu tiên.
Nhưng dẫu sao đi nữa, vấn đề “H.Đ.Công giáo.V.N” và cả các đơn vị Hướng đạo Cao Đài, Tin Lành… đều đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam giải quyết triệt để thông qua các qui định trong NĐ 88/2003 và Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11. Các văn bản pháp luật này đã được ban hành vào những năm 2003, 2004 với các qui định liên quan như sau:
– Trước hết là qui định của Nghị định 88/2003 tại Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, như sau: ” 1.Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước đối với hội. 2.Nghị định này không áp dụng với các tổ chức: a/Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…. b/Các tổ chức giáo hội.” Với nội dung qui định tại Điều 1 NĐ 88 mặc nhiên sự tham gia của Giáo hội Công giáo dưới danh nghĩa “HĐCGVN” không còn có thể tiếp tục được nữa một khi Hội HĐVN được phép tái lập theo NĐ 88/2003 (và theo NĐ 45/2010 thay thế). Theo qui định NĐ 88/2003 này thì HĐS trong các đơn vị HĐCGVN sẽ phải chọn lựa hoặc tiếp tục ở lại trong các đơn vị HĐVN bình thường; hoặc trở về lập hội đoàn riêng của Giáo hội Công giáo, tương tự như Gia đình Phật tử.
– Tiếp theo là qui định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 tại Điều 11 như sau: “1.Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo. 2.Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài qui định tại khoản 1 Điều này phải có sự chấp thuận của Ùy ban nhân dân huyện, quận, thi xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) nơi thực hiện”.
Xin lưu ý là “cơ sở tôn giáo” được giải thích tại Điều 3, khoản 7 của Pháp lệnh này như sau: “Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận“. Như vậy, theo nội dung của qui định tại Điều 3 và Điều 11 của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo thì các vị huynh trưởng Tuyên úy hoặc Linh hướng trong Giáo hội Công giáo cũng như các nhà tu hành trong các tôn giáo khác không thể tiếp tục làm nhiệm vụ tôn giáo tại các đơn vị HĐVN như trước kia nếu không có sự chấp thuận của UBND cấp huyện, mà họ chỉ có thể hoạt động với tư cách như một huynh trưởng hoặc tráng sinh HĐ bình thường khác.
Với các qui định trong NĐ 88 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo nêu trên thì Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước Việt Nam hầu như không còn gì phải quan ngại nữa đối với vấn đề “Hướng đạo trong tôn giáo“.
3/ Vấn đề “Hướng đạo Việt Nam Hải ngoại”:
Tổ chức có tên “Hướng đạo Việt Nam Hải ngoại” là một thành phần của Hội Hướng đạo Hoa kỳ do những người Mỹ gốc Việt thành lập từ năm 1975. Về mặt pháp nhân, không có mối liên hệ nào giữa tổ chức “Hướng đạo VN Hải ngoại” và Hội HĐVN chưa được chính thức tái lập. Nhưng giữa các huynh trưởng HĐ trong nước và các huynh trưởng HĐ đang sinh sống tại các nước khác trên thế giới vốn đã có mối quan hệ từ trước năm 1975 nên cho đến nay vẫn duy trì mối quan hệ huynh đệ Hướng đạo. Đó là mối quan hệ giao lưu có tính chất cá nhân, không phải là quan hệ giữa các pháp nhân vì Hội HĐVN vẫn chưa được Nhà nước CHXHCN Việt Nam chính thức cho hoạt động trở lại. Theo qui định của Hiến chương Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo (WOSM) tại Chương III về Tư cách hội viên như sau: Điều V, khoản 2: “Chỉ duy nhất một Tổ chức Hướng đạo quốc gia của bất cứ quốc gia nào có thể được công nhận tư cách hội viên Tổ chức Thế giới…” và khoản 3: “Tư cách hội viên của Tổ chức Hướng đạo quốc gia trong Tổ chức Thế giới yêu cầu: a/ Thành lập tồn tại hợp pháp và căn cứ vào sự hoạt động trên quốc gia của tổ chức đó….“. Căn cứ vào các qui định của Hiến chương WOSM thì mọi sự lạm dụng danh nghĩa nào đó của Hội HĐVN từ tổ chức “HĐVN Hải ngoại” đều không được WOSM thừa nhận. Nói cách khác, Hội HĐVN một khi chưa được chính thức hoạt động trở lại không thể chịu trách nhiệm bất cứ điều gì xuất phát từ tổ chức gọi là “HĐVN Hải ngoại” thuộc Hội Hướng đạo Hoa Kỳ. Mọi quan hệ nếu có từ các huynh trưởng sinh hoạt trong “HĐVN Hải ngoại” và các huynh trưởng đang ở trong nước đều chỉ là quan hệ cá nhân và mỗi cá nhân đó đều phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình nếu có vi phạm pháp luật của nước Việt Nam. Khi đã xác định rõ ràng tư cách pháp nhân của mỗi bên như vậy sẽ thấy rằng chưa có sự thiết lập quan hệ chính thức giữa một tổ chức thành viên của Hội Hướng đạo Hoa kỳ là “HĐVN Hải ngoại” và một Hội HĐVN chưa chính thức tái lập. Do đó, không thể có sự quan ngại nào về một mối quan hệ chưa có và Hội HĐVN hoàn toàn “vô can” trong bất cứ hành vi lạm dụng danh nghĩa nào, nếu có, của “HĐVN Hải ngoại”.
4/ Vấn đề “Tổ chức Hướng đạo Thế giới” (WOSM):
Có thể tìm hiểu Tổ chức Hướng đạo Thế giới thông qua Hiến chương được thành lập vào tháng 7 năm 1922 làm nền tảng, chi phối hoạt động của WOSM dựa trên tinh thần hợp tác, hữu nghị và anh em trên thế giới, áp dụng cho trên 200 tổ chức Hướng đạo quốc gia và vùng, lãnh thổ hiện nay. Tại Điều I của Hiến chương nói về Định nghĩa và Mục đích đã ghi rõ:
“1/ Phong trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục, phi chính trị và tự nguyện cho giới trẻ không phân biệt nguồn gốc, nòi giống hay tín ngưỡng, phù hợp với mục đích, nguyên lý và phương pháp hình thành bởi Người sáng lập và tuyên bố dưới đây.
2/ Mục đích của phong trào Hướng đạo là góp phần phát triển cho giới trẻ đạt được đầy đủ thể chất, trí tuệ, có tính xã hội và những tiềm năng tinh thần với tư cách là những cá nhân, trách nhiệm của những công dân và là những thành viên của địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế”.
Quan hệ giữa Tổ chức Hướng đạo thế giới và tổ chức Hướng đạo quốc gia được xác định một cách cụ thể và công khai một khi tổ chức HĐ quốc gia được chính thức công nhận. Khi đó, tổ chức HĐ quốc gia sẽ có các quyền như:
– Tham dự Hội nghị HĐ thế giới và Hội nghị HĐ vùng có liên quan.
– Được cử đại diện đến Hội nghị HĐ thế giới và Hội nghị HĐ vùng.
– Được nhận các dịch vụ, các hình thức viếng thăm, cơ hội tham gia các khóa huấn luyện và hội thảo, các loại hình trợ giúp khác … từ Văn phòng HĐ thế giới và Văn phòng HĐ vùng.
– Được tham dự Jamborees thế giới hoặc vùng, cắm trại và các cuộc tập họp chung khác.
– Được mời đến các Jamborees quốc gia, cắm trại và các cuộc tập họp chung khác…(6)
Trải qua 89 năm kể từ khi có Hiến chương WOSM, chưa có bất cứ sự quan ngại nào hay sự cố gì từ các quốc gia hội viên có tổ chức Hướng đạo đối với Tổ chức Hướng đạo thế giới; bởi vì Tổ chức này đã tuyên bố rõ ràng tại Điều IV của Hiến chương rằng “Tổ chức HĐ thế giới là một tổ chức độc lập, phi chính trị, phi chính phủ“. Vì thế cho nên, không thấy có căn cứ gì cho một sự lo ngại rằng các tổ chức Hướng đạo thế giới và Hướng đạo vùng có thể móc nối hoạt động chính trị với Hội HĐVN – cũng là một tổ chức dân sự “không hoạt động và cổ động chính trị“, nhằm làm tổn hại đến an ninh, chính trị quốc gia VN.
5/ Vấn đề “Mục sư, huynh trưởng HĐ Nguyễn Quang Minh”:
Có thể tìm hiểu về hoạt động của mục sư Nguyễn Quang Minh trên trang web của mục sư Minh: http://quangminhscouting.com
. Mục sư Minh nguyên là một sĩ quan chế độ cũ, có quân hàm đại úy trong quân đội và là một huynh trưởng Hướng đạo trước năm 1975 với tên rừng là Sơn ca phiêu lưu. Sau năm 1975 định cư ở Mỹ và trở thành mục sư đạo Tin lành. Mục sư Minh là một trong những thành viên sáng lập “Hướng đạo Việt Nam Hải ngoại” nằm trong Hội Hướng đạo Hoa Kỳ. Từ năm 1991, mục sư Minh về Việt Nam để làm nhiệm vụ truyền giáo của một nhà tu hành và viết đơn gởi các cơ quan Nhà nước Việt Nam xin cho Hướng đạo Việt Nam hoạt động chính thức trở lại. Mục sư Minh cũng đã cùng với một số huynh trưởng HĐ ở Tp.HCM lập nên một số đơn vị HĐ, có tài trợ một số tiền không đáng kể cho những lần sinh hoạt, họp mặt, cắm trại và làm từ thiện của các đơn vị này. Đến khoảng năm 2003, mục sư Minh không được Nhà nước Việt Nam cho nhập cảnh nữa – tính ra, từ năm 1991 đến 2003, mục sư Minh đã được Nhà nước VN cho nhập cảnh phải trên 20 lần. Việc mục sư Minh về VN làm đơn xin Nhà nước cho Hội HĐVN hoạt động trở lại không có kết quả gì là điều dễ hiểu vì các huynh trưởng HĐVN có uy tín với Nhà nước VN đã nhiều lần vận động, làm đơn xin mà vẫn chưa được. Việc mục sư Minh có cùng với các huynh trưởng khác lập nên vài đơn vị HĐ và tài trợ vài trăm đô la Mỹ cũng là điều bình thường, không phải là việc gì to tát. Việc làm của mục sư Minh nếu có lợi cho phong trào HĐVN cũng chỉ có thể liệt kê ra chừng ấy nhưng những việc xảy ra liên quan đến cá nhân mục sư Minh đã để lại nhiều điều không hay cho phong trào HĐVN mãi đến hôm nay. Xin kể ra như sau:
– Việc đầu tiên là trong lần mục sư Minh về VN vào ngày 19/5/1995, tại khâu kiểm tra an ninh ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, đã phát hiện trong hành lý của mục sư Minh có 601 tờ tài liệu, trong đó có 18 tài liệu chống cộng mà mục sư Minh là tác giả của 2 bài viết (7). Sau khi kiểm tra 601 tờ tài liệu đó, bộ phận an ninh chỉ giữ lại 18 tờ tài liệu chống cộng, số tài liệu khác trả lại cho mục sư Minh. Việc làm này của mục sư Minh đã vi phạm pháp luật của Nhà nước VN, còn đối với phong trào HĐVN, với tư cách là một huynh trưởng HĐ, việc làm này của mục sư Minh đã mang khó khăn, tai tiếng cho Hướng đạo VN. Việc làm đó của mục sư Minh đã vi phạm qui định trong Quy trình của Hội HĐVN là “Không hoạt động và cổ động chính trị”; còn nói theo kiểu Hướng đạo là đã vi phạm vào điều luật bất thành văn của HĐS như nhiều huynh trưởng HĐ khác đã đánh giá.
– Việc tiếp theo là trong quá trình về VN vận động, xin phép cho Hội HĐVN được hoạt động chính thức trở lại, mục sư Minh lại là một trong những nguyên nhân tạo ra sự xung đột, mất đoàn kết giữa các huynh trưởng trong phong trào. Sự xung đột giữa các huynh trưởng có lúc đã bùng nổ thành một “trận chiến thư nặc danh lẫn minh danh” kéo dài trong nhiều năm. Trong bao nhiêu trang sử hay, tốt, đẹp mà HĐS và huynh trưởng HĐVN của bao thế hệ để lại cho đời, đã bị những huynh trưởng tham gia vào “trận chiến thư nặc danh lẫn minh danh” làm hoen ố ít nhiều. Sẽ còn nhiều thế hệ HĐS tiếp theo phải xấu hổ giùm khi đọc lại những lá thư đó. Những tác giả của những “lá thư đen” đó không những đã vi phạm đạo đức, vi phạm Điều luật thứ 4 của HĐS mà còn phạm tội hình sự theo qui định tại Điều 122 Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam.
Những việc làm của mục sư Minh trên lãnh thổ VN đều là những việc làm xuất phát từ cá nhân của mục sư Minh và mục sư Minh phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Hội HĐVN không thể chịu trách nhiệm thay cho mục sư Minh về những hành vi vi phạm pháp luật VN. Điều đáng lưu ý là mục sư Minh đã không hề bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong suốt mười mấy năm đi và về VN. Nhưng việc Nhà nước VN đã không tiếp tục cho phép nhập cảnh VN từ năm 2003 cũng là một biện pháp, một cách xử lý do hậu quả việc làm đáng tiếc của cá nhân mục sư Minh. Điều đáng khen ở mục sư Minh là trước bao nhiêu lời sỉ nhục nặng nề dành cho mục sư Minh trong những “lá thư đen” mà mục sư Minh vẫn không một lời “xấu xí” đáp trả. Hiện nay, tuổi đã cao lại thêm bệnh tật, mục sư Tin Lành, huynh trưởng Hướng đạo Nguyễn Quang Minh – Sơn ca phiêu lưu, chỉ có thể tự trách mình khi muốn về thăm quê hương và anh em Hướng đạo ở quê nhà mà không còn được nữa. Còn anh em HĐ ở VN cũng chỉ có thể cảm thông và chia sẻ với Trưởng Minh khi nghe Trưởng Minh tự thán là “Chim Việt nhớ rừng” !
6/ Những vấn đề thuộc về trách nhiệm cá nhân, “trách nhiệm hình sự” :
Chúng ta đều biết rằng mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật riêng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong quốc gia của mình. Ở Việt Nam hiện nay đã có tương đối đầy đủ các qui định pháp luật trong các văn bản từ Hiến pháp, bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, các văn bản pháp qui…thuộc nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Riêng trong lãnh vực an ninh, trật tự liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN đã có Bộ luật hình sự thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi từ thực tế cuộc sống. Xin trích những Điều luật quan trọng của Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay đã qui định về nhiệm vụ này như sau:
– Điều 1: Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự
“Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.
– Điều 2: Cơ sở của trách nhiệm hình sự
“Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật hình sự qui định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Với 2 Điều luật này của Bộ luật hình sự cho thấy bất cứ cá nhân nào có hành vi phạm tội đã được qui định trong Bộ luật hình sự của nước CHXHCN VN bảo vệ các quyền và lợi ích của những đối tượng được nêu ở Điều 1, đều phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi vi phạm đó. Bộ luật hình sự cũng qui định một nguyên tắc là “Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội …”, tức là trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng cho cá nhân, cho người nào, chớ pháp nhân (như Hội HĐVN) không phải chịu trách nhiệm hình sự. Từ những qui định này, chúng ta có thể thấy rằng: những hành vi của bất cứ cá nhân nào khi có quan hệ với bất cứ ai hay tổ chức nào ở trong nước hay ngoài nước, với bất cứ sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài nào, một khi các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xác định là có dấu hiệu tội phạm đều có thể bị khởi tố vụ án hình sự đối với cá nhân đó. Vì vậy, không có căn cứ để phải lo lắng rằng hội viên của Hội HĐVN sẽ phạm tội nhiều hơn, tội phạm sẽ nghiêm trọng hơn hội viên ở các tổ chức, hội đoàn khác để rồi chủ trương cho phép hội đoàn khác hoạt động mà không cho phép Hội HĐVN tái lập. Tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, hành vi phạm tội có thể được thực hiện bởi bất cứ cá nhân nào. Mỗi khi có hành vi phạm tội xảy ra, Bộ luật hình sự đã có qui định và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý. Không nên ngăn cản Hội HĐVN hoạt động chính thức chỉ vì một sự quan ngại thiếu căn cứ pháp lý, dựa vào sự đánh giá không công bằng và không khách quan.
Tóm lại, những vấn đề của Hội HĐVN cần phải được nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ, phải có thái độ công bằng, khách quan khi tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội từ khi được du nhập vào VN cho đến ngày nay. Cần phải đi vào chiều sâu, vào bản chất hoạt động của Hội HĐVN và cả Tổ chức HĐ thế giới để có kết luận đúng đắn, chính xác. Nếu phải đưa Hội HĐVN ra “luận tội”, thì với sự giải trình trên đây liên quan đến những vấn đề của Hội HĐVN, có thể đi đến kết luận là với tư cách pháp nhân của một tổ chức dân sự hợp pháp, được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận, cho phép hoạt động hợp pháp từ năm 1946 đến nay, được Tổ chức Hướng đạo thế giới công nhận là hội viên chính thức từ năm 1957, thì Hội HĐVN hoàn toàn không vi phạm bất cứ điều gì – hay nói cách khác là không có vi phạm điều gì trong các qui định của Quy trình Hội HĐVN hoặc phạm tội gì trong các qui định pháp luật của cả 2 chính thể ở 2 miền Nam, Bắc VN trước và sau 1975. Còn nếu đưa ra “luận công” thì kể từ khi phong trào HĐ được du nhập vào VN trên 80 năm qua, Hội HĐVN đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp giáo dục chung với vai trò là một tổ chức xã hội giáo dục bổ sung cho giáo dục của gia đình và nhà trường, đã có nhiều thế hệ huynh trưởng có uy tín cao tham gia hoạt động, có được vinh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Danh Dự Hội Trưởng đầu tiên v.v… Với vô số những điều hay, điều tốt, điều đẹp không thể kể ra hết được mà phong trào HĐVN đã đóng góp trong công cuộc giáo dục thanh thiếu niên, giúp các em trở thành công dân tốt cho quốc gia, xã hội thì có thể kết luận về Hội HĐVN một cách xác đáng là : công rất là cao dày mà tội thì chẳng có gì. Ngay như trong đánh giá của Tổ chức Đảng CSVN gần đây cũng đã dành cho phong trào và Hội HĐVN một sự nhìn nhận rất tốt khi chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên CS HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, rèn luyện thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tiếp thu có chọn lọc hình thức, phương pháp của Hướng đạo trong giáo dục và tổ chức hoạt động của thanh thiếu niên.
Tìm hiểu những vấn đề của Hội HĐVN, chúng ta thấy rằng tuy nhiều sự việc cách nay đã nhiều năm nhưng vẫn còn làm cho Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước VN vẫn còn quan ngại, vẫn chủ trương chưa cho phép Hội HĐVN chính thức hoạt động trở lại khiến cho Hội vẫn phải hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật. Nhiều nhóm HĐ đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập và vẫn tiếp tục kiên trì chờ đợi Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước sẽ có thay đổi chủ trương, cho phép tái lập Hội HĐVN. Sự chờ đợi về sự thay đổi đó của các HĐS VN không phải là không có căn cứ. Chúng ta đều biết rõ sau năm 1975, chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân được áp dụng ở miền Nam VN như thế nào rồi. Việc cải tạo thành phần kinh tế gọi là phi xã hội chủ nghĩa đó đã được Hiến pháp năm 1980 xác định rõ tại Điều 18 là:
“Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân, chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên”.
Nhưng qui luật vận động và phát triển cho thấy đã có sự thay đổi trong đánh giá của Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước đối với thành phần gọi là kinh tế phi xã hội chủ nghĩa: kinh tế tư nhân. Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (từ 24/7 đến 29/7/2006 đã thông qua “Qui định đảng viên làm kinh tế tư nhân“. Rồi đến Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI ngày 12/1/2011: “Tiếp tục thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân, thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. Sư thay đổi vô cùng quan trọng này cho thấy sự đổi mới trong nhìn nhận của Đảng đối với thành phần kinh tế mà trước đây đã từng bị coi là đối tượng cần phải xóa bỏ trong quá trình xây dựng xã hội XHCN. Chính sự thay đổi đó đã giúp cho các Hướng đạo sinh VN tin tưởng rằng một ngày nào đó, Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước cũng sẽ thay đổi chủ trương, cho phép Hội HĐVN được tái lập, đưa các hoạt động hiện nay của phong trào Hướng đạo vào khuôn khổ pháp luật.
Ngày 23/12/2010, các huynh trưởng Hội HĐVN ở 2 miền Nam, Bắc về dự cuộc họp mặt tưởng niệm 110 năm ngày sinh cụ Hoàng Đạo Thúy – huynh trưởng sáng lập Hội HĐVN, tổ chức tại Hà Nội. Tại đây đã hình thành Ban chấp hành lâm thời Hội HĐVN gồm 6 huynh trưởng đại diện 2 miền Nam Bắc là: Đặng Văn Việt (Chủ tịch), Bùi Tiến An (Phó Chủ tịch), Lê Công Giàu, Ngô Văn Phương, Hoàng Đạo Hùng và Nguyễn Mạnh Tùng. Ban chấp hành lâm thời gồm các huynh trưởng lão thành, có uy tín và có quan hệ thuận lợi đối với Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước. Các huynh trưởng trong Ban chấp hành lâm thời đã không quản ngại khó khăn khi đứng ra làm đơn để giải trình và kiến nghị với các vị lãnh đạo tối cao của Tổ chức Đảng và Cơ quan Nhà nước nguyện vọng chính đáng của tất cả các Hướng đạo sinh Việt Nam hiện nay, mong được các cấp lãnh đạo tối cao thay đổi chủ trương, cho phép Hội HĐVN được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước VN. Nếu cuộc vận động của Ban chấp hành lâm thời Hội HĐVN được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN chấp thuận thì một Hội nghị huynh trưởng toàn quốc Hội HĐVN sẽ tiến hành các công việc còn lại theo thủ tục đã được qui định trong Nghị định 45/2010 để đưa Hội HĐVN trở lại đời sống bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Đó cũng là điều mà nhiều thế hệ HĐS Việt Nam khát khao, mong đợi từ gần 36 năm qua.
Luật sư NGUYỄN LỆNH (3/2011)
————————–
(1) Quy trình Hội HĐVN năm 1946 và những lần sửa đổi, bổ sung.
(2) Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam, Tập II, Ngô Văn Phương, bài viết Nội dung tọa đàm của Trần Hữu Khuê, Nguyễn Duy Thu Lương, Nguyễn Minh Triết, Đinh Hữu Quyến, trang 216, 217.
(3) Giữ vững mối dây 6, bài viết: Bốn gỗ xưa, bốn gỗ nay: Gỗ nào hay, gỗ nào dở, tác giả Sáo dễ thương, trang 93.
(4) Quy chế Hướng đạo Công giáo Việt Nam – Văn phòng Trung ương HĐCGVN, bài Lịch sử HĐCGVN, trang 45.
(5) Quy chế HĐCGVN 1965, mục II Các tương quan, điều 2, điểm c.
(6) Phụ lục của Hiến chương WOSM: “Các tổ chức Hướng đạo quốc gia được chính thức công nhận”.
(7) http://quangminhscouting.com, trang 172, bài đăng báo Việt báo Kinh tế ở Mỹ ngày 7/7/1995.
Cám ơn anh Lệnh đã giúp tui em hiểu rõ hơn về Hứơng Đạo ,hồi nhỏ em rất thích , mà ba em không cho tham gia
Hồi nhỏ mình tham gia Hồng thập tự nhưng quen mấy anh Hướng đạo ,họ sinh hoạt rất vui.
Việc hay thì nên làm chứ ?
Có nhiều tổ chức tốt thì tệ nạn tuổi trẻ sẽ bớt đi .
Hướng Đạo là con đường sáng của thanh thiếu niên.
Năm 2011 là năm đánh dấu:
– 70 năm ngày mất của Lord Robert Baden Powell. Người sáng lập HĐTG.
– 111 năm ngày sinh của Trưởng HĐVN Hoàng Đạo Thúy.
Anh Nguyễn Lệnh lao tâm khổ tứ với sự nghiệp Hướng Đạo là một việc làm đầy ý nghĩa cho thế hệ tương lai.
Ai đã từng nói “Chân lý dập xuống bùn nó vẫn là chân lý”. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào một ngày mai HĐVN sẽ sống lại huy hoàng.
Mong anh sẽ lập một website HĐVN (tham khảo http://www.pinetreeweb.com/B-P.htm) để thông tin trao đổi và đăng những bài ca hùng tráng vui tươi của HĐVN và những sáng tác văn học nghệ thuật của HĐVN.
Chúc anh thành công.
Công trình tâm huyết:
Thấy các em ngồi đầy trong quán net và quán cafe mới hiểu được ý nghĩa công trình của anh Nguyễn Lệnh.
Hết giờ học trường đi học thêm nhà thầy cô, rồi ra ngồi chơi game, lớn một chút ra tiệm bida, quán cafe, đua xe, nhậu nhẹt …
Ai có thể dẫn dắt các em trở thành thế hệ tương lai khỏe mạnh, tháo vát, năng động, yêu thiên nhiên, yêu tổ quốc bằng thực tiễn sinh động chứ không phải yêu trên giấy?
Thầy cô giáo ư? rời nhà trường thầy cô giáo còn trăm công nghìn việc, nhiều người phải làm ca 2, ca 3 để bù lương, tâm trí đâu mà dẫn dắt.
Cha mẹ ư? Nhà nước ư? gia đình và xã hội đang đau đầu vì thanh thiếu niên hư hỏng, ốm yếu, sống ỷ lại, nhút nhát, đua đòi …
Hãy để cho dòng nhựa sống tuôn chảy trở lại. Càng nhanh càng tốt!
Xin cám ơn lời chúc của bạn Xuân Phong.
Mời bạn Xuân Phong và các bạn khác, nếu có thời gian rảnh, ghé thăm trang mạng về Hướng đạo VN : Giup ich.org