Điệu Calypso cuối cùng


*Lời nói đầu: Tất cả nhân vật, sự kiện, và tình tiết trong truyện nầy hoàn toàn do trí tưởng tượng của

tác giả. Mọi sự trùng hợp, nếu có, ở ngoài đời chỉ là sự ngẫu nhiên, và tác giả xin cáo lỗi trước.

Phần đầu

Tôi và Hà lớn lên ở đất Kinh Thành. Nàng học Đồng Khánh, còn tôi, trường Quốc Học.

Chiều hôm đó cũng như mọi buổi chiều khác trong niên học, tôi đứng chờ Hà ở gần trường Đồng Khánh. Nàng đã từng dặn tôi không được đứng chờ ngay cổng, mà phải cách đó vài mươi thước. Nàng không muốn người quen hoặc bạn bè cùng lớp thấy nàng và tôi đi chung với nhau.

-Dị chết thôi (Kỳ quá đi thôi).

Nhưng tôi nghĩ hầu hết các cô bạn của nàng cũng biết Hà đã có người yêu, và “anh chàng” chiều nào cũng đến đón nàng vào giờ tan học. Các cô lúc đạp xe ngang chỗ tôi đứng thường chỉ chỏ, lén nhìn, và bàn tán sao đó rồi cười với nhau.

 

 

Trời hôm đó se lạnh. Hà khoác thêm một chiếc áo len tím đậm bên ngoài chiếc áo dài trắng nữ sinh của nàng. Hai má nàng ửng hồng, tóc bay lòa xòa theo gió, và màu áo tím đậm tương phản với màu trắng áo học trò làm tăng thêm nét kiều diễm sẵn có của nàng. Thỉnh thoảng thấy đàn ông và mấy chàng trai khác chăm chú nhìn nàng, tôi cũng ghen và bực mình, nhưng bù lại tôi cũng thấy hãnh diện có người yêu xinh đẹp như vậy. Dạo ấy, tôi không nghĩ chuyện xa vời, và tôi tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối, “anh thuộc về em, em thuộc về anh” một cách ngây thơ và đơn giản.

 

 

Chỉ còn vài tháng nữa là đã đến kỳ thi tú tài. Tôi lớn hơn Hà một tuổi. Hà sẽ thi tú tài phần I, còn tôi phần II. Hai đứa chúng tôi thuộc loại học giỏi trong lớp, nhưng vẫn luôn luôn nơm nớp lo sợ thi rớt.

-Hà ơi, mình đạp xe ra Phu Vân Lâu chơi nha?

-Ừ, ra một chút thôi nghe anh. Ngày mai em có nhiều bài vở quá. Tối nay phải thức khuya để dò bài cho kịp.

-Hay là anh đưa em về?

-Không, không sao đâu anh. Từ bữa qua đến chừ, em cũng nhớ anh lắm. Ra đó ngồi chơi một tí

xíu thôi. Em chỉ sợ ra đó gió sông thổi làm anh lạnh.

-Anh không sao. Em đừng ngại. Mai mốt thi xong, mình không còn cơ hội gặp gỡ nhau như thế này nữa. Thời gian ở bên em, dù ngắn ngủi, đối với anh vẫn rất quí.

Chúng tôi đạp xe đạp qua cầu Tràng Tiền, đi ngang chợ Đông Ba, xuống cầu Gia Hội, rồi vòng ngược lên về hướng Phu vân Lâu, kiếm một ghế đá, hoặc một gốc cây, ngồi xuống nhìn mây nước và nói chuyện tâm tình. Chúng tôi ngồi thật sát nhau để sưởi ấm cho nhau. Tôi ôm cặp sát ngực để giữ hơi ấm.

Những lần như vậy, tôi thường nói với nàng về cơn sốt phiêu lưu của tôi. Tôi kể cho nàng nghe những chân trời xa lạ mà tôi đã dựng lên trong trí tượng của tôi, qua những gì tôi đã đọc được một cách ngấu nghiến trong nhiều sách báo mà tôi mượn được ở thư viện.

Tôi nói với nàng về sự ám ảnh của tôi khi nghe tiếng còi tàu hụ lúc cập hoặc rời bến, và tiếng còi xe lửa trong đêm khuya. Tôi như một con diều căng gió bay thật cao với tầm mắt phóng khoáng nhìn thật xa, nhưng vẫn còn bị buộc vào một sợi giây quái ác từ mặt đất. Tôi không quên kể nàng nghe những chuyến bay đêm của Saint-Exupéry , một mình trong một chiếc máy bay cao tít trong khoảng không gian vô tận…

Nàng thường nhỏ nhẹ, kiên nhẫn ngồi nghe tôi nói một cách say sưa, đầu tựa vào vai tôi. Thỉnh thoảng, những cơn gió đồng lõa, thổi tóc nàng bay vào mặt, mũi tôi. Mùi thơm của tóc nàng gội với chùm kết và chanh làm cho tôi ngây ngất. Tôi nghĩ, suốt đời còn lại của tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được mùi hương nhẹ nhàng và quyến rủ đó. Hạnh phúc của tôi thật nhỏ bé, nhưng đã chan chứa tràn trề. Tôi thật tình không dám đòi hỏi gì hơn nữa. Phải chi tôi có thể freeze frame quang cảnh đó, và cầm chặt nó trong nắm tay của tôi, vĩnh viễn để không bao giờ buông nó ra…

Nước sông Hương vẫn muôn thuở trữ tình.

Rồi tôi đưa nàng về. Đường về nhà nàng đi qua những hàng phượng vỹ, những giàn hoa giấy trồng trước cổng nhà, những nhánh hoa móng tay đỏ thắm mọc dọc theo các hàng giậu.

Đường đi qua môt chiếc cầu nhỏ bắc qua một nhánh của sông Hương lờ lững, rồi qua những con đường nhỏ với những dãy biệt thự kín cổng cao tường. Hai bên đường, các hàng cây me và phượng chụm đầu nhau lại để thủ thỉ; và trong buổi chiều đổ dần xuống Huế, tiếng lao xao của đàn chim bay về tổ.

Chúng tôi từ giã trước cổng nhà nàng. Cổng sắt thật nặng và kiên cố màu đen, cũ kỹ, có chỗ đã rỉ sét mà chưa được sơn lại, có giàn hoa antigone với hai loại hoa, hồng sẫm, và trắng ngà, mọc thành

một vòm bắc ngang bên trên, với những cành hoa mỏng manh buông thòng xuống đong đưa nhịp nhàng theo cơn gió thoảng. Căn nhà tôn vách đất của tôi ở tận mãi ngoại ô, ở trong xóm nghèo, nhưng với men tình làm say ngây ngất nên con đường dài về nhà chẳng lấy gì làm xa lắm.

Phần hai

Chiều xuống dần trên thành phố nằm ven biển nầy. Những tia nắng cuối cùng trải một lớp phấn vàng trên triền đồi. Quán nước nằm lưng chừng đồi, trong một khu phố nghèo đông dân cư, với những căn nhà lụp xụp, chen chúc và san sát nhau như cá hộp, đến độ nếu khách đứng ở một chỗ cao hơn để quan sát thì hầu như không thấy còn một rẻo đất trống nào. Dân cư ở đây đã xử dụng tối đa diện tích đất để xây nhà, một cách bừa bãi và vô trật tự.

 

Con đường đất đỏ chật hẹp lỗm chỗm đầy ổ gà, tách ra từ con đường chính có trải nhựa nằm dưới chân đồi, và len lỏi ngoằn ngoèo như một con rắn, qua những xóm bình dân với những căn nhà nhỏ xíu ộp ẹp tứ phía bằng tôn, với những lỗ thông hơi hạn hẹp nằm phía trên của tường, ngay dưới mái nhà. Cửa sổ rất hiếm hoi, vì khoảng cách giữa hai căn nhà rất chật hẹp. Mái cũng lợp tôn, nhưng người ta đắp thêm tranh hoặc lá dừa khô bện lại với nhau để bớt được phần nào cái nóng như nung đúc của những tháng ngày dài mùa hạ. Phương tiện di chuyển trên con đường đất nầy thường là đi bộ hoặc xe đạp. Thỉnh thoảng cũng có một vài chiếc xe hai bánh gắn máy chạy ì ạch, phun khói đầy đường. Các xe gắn máy nầy thường là của dân miệt dưới, “giàu có” hơn, chứ người dân trong xóm nghèo trên đồi kiếm miếng ăn đã khó, nói chi đến chuyện làm chủ một chiếc xe như vậy, vì xăng nhớt khan hiếm và rất đắt đỏ. Những tháng mùa mưa thì tiết trời bớt oi ả, và bớt nóng, nhưng con đường đất huyết mạch đó bỗng trở nên sình lầy và nguy hiểm cho người đi xe đạp vì có quá nhiều ổ gà mà chẳng có ai buồn để tâm đến để sửa chữa.

Quán nước nằm ngay mặt tiền, và tương đối rộng rãi hơn các căn nhà chung quanh. Đằng sau quán là một căn nhà lợp tranh trên tôn lụp xụp, nằm song song với lề đường, với cửa chính nằm bên hông phía tay mặt. Cửa hậu của quán thông thương trực tiếp với căn nhà bằng một cánh cửa nhỏ rất kín đáo. Chủ quán có vẻ làm ăn khấm khá, nên sàn nhà được tráng bằng xi măng thay vì đất sét nện cứng như các nhà khác trong xóm. Khách khứa cũng ra vào lai rai.

 

Từ chỗ chúng tôi ngồi, nhìn qua khung cửa sổ, hàng cây soan dưới nắng chiều hấp hối, bỗng rực lên một màu vàng như một đoàn vũ nữ xỏa tóc, rung rinh theo nhịp gió. Chợt một tia nắng rơi trên mũi nàng, sóng mũi thẳng dọc dừa nhìn profil, dưới làn mi cong vút. Tự nhiên tôi thấy nàng thật đẹp, và cũng tự nhiên, như một làn gió thoảng, tôi thấy mến nàng. Chỉ vậy thôi, trong sát na của một giây phút ngắn ngủi. Mà tôi cũng không hiểu tại sao? Một khắc vi tế của một giây, một ý nghĩ như chớp nhoáng, bất chấp cái logic của nhà phân tâm học. Tia nắng chợt tắt mất, và khuôn mặt nàng lại chìm vào vùng tranh tối tranh sáng của căn phòng. Ở tận chân trời, mặt trời phóng nhanh xuống khỏi mặt nước, và bóng tối từ bên ngoài bỗng ùa vào. Trời đã thật sự tối.

 

Một người hầu bàn bưng một cây đèn cầy nhỏ đặt trên bàn chỗ tôi ngồi. Quán nước rất thô sơ. Một vài cái bàn tròn bằng nhôm trên trải một cái khăn vuông ni lông sọc đỏ trắng, có chỗ lốm đốm cháy đen do tàn thuốc lá. Chung quanh mỗi bàn có một vài ghế sắt. Chiếc quạt trần chạy ì ạch một cách mệt mỏi, với tiếng động đều đặn lạch cạch của cái máy khô dầu, vẫn không đủ để xua đuổi không khí nóng ngột ngạt của một buổi chiều hải đảo, một buổi chiều vùng biển Caribbean.

 

Esmeralda vẫn tiếp tục kể. Nàng nói Anh văn có vẻ khó khăn. Rồi bỗng nàng ngừng lại:

-À nầy, anh nói tiếng Pháp được, phải không?

-Ừ, chỉ một tí thôi. Tại sao vậy?

-Chỉ thích hỏi vậy thôi.

-Tiếng Pháp của anh bao lâu nay không xài, đã rỉ sét. Mon français s’est terriblement rouillé.

-Chẳng sao cả. Em kể mà. Anh chỉ phải ngồi nghe thôi. Anh có phải nói đâu mà ngại. Thật ra thì em thích xài tiếng Pháp hơn.

Rồi không đợi xem tôi có đồng ý hay không, nàng đổi hẳn sang nói tiếng Pháp. Tiếng Pháp créole với giọng Dominicaine của nàng nghe thật vui tai. Thú thật, thoạt đầu tôi nghe không hiểu gì cả, nhưng tôi vẫn giữ im lặng nghe nàng nói. Thỉnh thoảng, nàng ngừng lại, nhìn tôi mỉm cười, như cho tôi thì giờ để kịp hiểu và theo dõi. Vì quả thật nàng nói thật nhanh, nổ như bắp rang.

-Ba của em lúc trước làm tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ cách đây khá xa. Nhà của em tuy không khá giả, nhưng cũng trên mức trung lưu. Ông cố bên nội em thuộc dòng dõi quí tộc. Rồi vì nước Pháp có nội chiến, nên ông sang đây lánh nạn và lập nghiệp. Ông lấy vợ là người bản xứ. Cả ông nội em và ba em đệu lập gia đình với người bản xứ, và do đó như anh thấy, em cũng đã lai đến mấy đời rồi. Mẹ em mất lúc em lên chín, và chẳng bao lâu sau, ba của em cũng nhuốm bạo bệnh, theo mẹ em về thế giới bên kia.

Tôi vẫn giữ im lặng, ngồi nhìn nàng và nghe nàng nói. Thật tình mà nói, tôi chỉ theo dõi cầm chừng câu chuyện nàng kể, và thỉnh thoảng ầm ừ một vài câu như để góp chuyện, và để khuyến khích nàng kể thêm. Vì lúc nàng nói tôi đang thả hồn về quá khứ. Tôi đã nghe những câu chuyện thêu dệt như thế này rất nhiều lần trong những ngày vừa qua. Tôi không biết nàng có biết tôi không chú tâm đến những gì nàng đang kể không. Hoặc giả nàng có biết nhưng vẫn bất cần?

-Nãy giờ mãi nói chuyện mà em quên hỏi tên của anh? Và anh làm gì để sống?

-Anh làm thơ, thơ thẩn đó mà! Làm thơ để sống, để thở. Tên của anh là Lãng Vân. Là mây lang thang. Les nuages errants.

-Ối chà! Sao anh lãng mạn thế ! Rõ mấy ông Á châu của anh, nhất là đàn bà con gái, tên nào cũng đẹp cả : thạch thảo, hồng vân, tuyết mai, thanh trúc, v.v…

-Thì tại cuộc sống khổ quá, nên phải lẫn trốn vào thơ. Thơ cũng cần thiết như hơi thở vậy.

-Em chịu thôi. Anh lãng mạn quá. À nầy, có thật là tên của anh không đấy?

Nom de plume đó. Tên của anh là Roberto Lãng Vân.

Cả hai đứa chúng tôi cùng phá lên cười. Hàm răng nàng thật trắng, tương phản với làn da hơi ngâm đen lại càng làm trắng hơn.

-Này thôi em phải đi.

-Ngồi lại thêm một tí đi.

Quán nước bây giờ đông khách hơn. Tôi thấy bà chủ quán từ trong nhà đi ra. Bà ấy đi ngang bàn của tôi ngồi, và hình như có ra dấu gì với Esmeralda, vì tôi thấy nàng gật đầu về hướng bà hai ba lần, như nói ngầm nàng đã hiểu. Ngọn đèn vàng trên trần nhà tỏa xuống một màu vàng héo hắt bệnh hoạn. Ở trên mỗi bàn có một cây nến nhỏ đặt trong một cái lọ thủy tinh tròn.

Ngồi cuối phòng là một cậu con trai, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi cũng đang nhấm nháp một ly coke, mặt có vẻ ngượng ngùng bẻn lẽn. Thỉnh thoảng người đàn ông ngồi bên cạnh quay lại vỗ nhẹ trên vai cậu ta, chỉ chỏ, và như có vẻ khuyến khích. Hai cô gái còn trẻ ăn mặc hở hang từ trong nhà bước ra, và sà xuống ngồi xen kẽ giữa hai người. Một lát sau, cậu con trai đứng dậy đi theo một trong hai cô gái, biến mất vào đằng sau quán. Tôi cũng hiểu đấy có thể chỉ là một cái “rite de passage”, một ngưỡng cửa đi từ sự trong trắng của tâm hồn và thể xác để bước qua một bãi đất đầy chông gai và nguy hiểm rình rập đằng sau cái u mê và kém hiểu biết của một chàng trai vẫn còn ở trong tuổi dậy thì. Người đàn ông còn lại cười cười nói nói một chốc rồi cũng bước theo cô gái còn lại vào nhà sau.

Tôi móc bóp lấy thêm một tờ giấy hai mươi đồng đô la đưa cho Esmeralda. Nàng cầm lấy, gấp nhỏ lại và nhét vào kẽ hở giữa ngực.

_Em ngồi lại nói chuyện tiếp đi.

Nàng ngồi xuống lại miễn cưỡng.

-Em làm nghề này bao lâu rồi?

Tôi chợt thấy nàng cúi mặt xuống, hàng mi chớp nhanh và thoáng lắc đầu. Nàng ngẫng mặt lên, nhìn vào mắt tôi, gượng cười nhưng ánh mắt có vẻ trách móc. Tôi cầm lấy tay nàng,nhỏ nhẹ:

-Anh xin lỗi…Không phải anh cố ý xoi mói đời tư của em…

Từ lúc gặp Esmeralda, tôi thấy có môt thứ tình cảm khác thường đang nhen nhúm trong lòng mình.

Tình yêu thì chắc chắn là không phải. Cũng không hẳn là thương hại. Tôi vẫn tự hào mình là khách lãng tử, sống với gió, mơ cùng mây, một loại “rover” lòng đã chai đá. Sau lần thất vọng với Hà, tôi đã tự dặn lòng sẽ không bao giờ vấp ngã nữa… Đêm nằm ngắm sao trời, lấy trăng làm đèn, lấy tiếng gió reo qua cành lá làm tiếng thủ thỉ của người yêu để ru mình vào giấc mộng… đã là niềm mãn nguyện. Những buổi chiều nhìn ra khơi nghe sóng vỗ nhẹ vào bờ để nhớ đến những chân trời tôi đã phiêu bạt đến, hoặc mường tượng những vùng đất lạ tôi chưa hằng đặt chân đến, là động lực thúc đẩy tôi ra đi. Những người con gái đi qua đời tôi thì cũng đã nhiều. Nhưng vòng tay của tôi đã không bao giờ khép kín để giữ mãi một người.

Phần ba

Mùa hè năm đó, cả hai đứa chúng tôi đều thi đậu tú tài. Cuối hè, tôi nhập ngũ. Những ngày tháng cực nhọc ở quân trường cũng chẳng có gì đáng nói. Thỉnh thoảng Hà cũng vào Sài-gòn, ở lại nhà cô dượng nàng, để tiện đi thăm tôi. Những lần đi phép, tôi cũng về thăm mẹ và em tôi, và luôn tiện, thăm nàng luôn. Cuộc sống của tôi tràn đầy hạnh phúc. Rồi tôi được chọn đi không quân, và được gởi đi học lái máy bay ở Mỹ.

Lần về phép trước khi xuất ngoại, nàng bận đi học nên tôi trở về Huế để gặp nàng. Hôm ấy Hà đẹp rực rỡ. Khuôn mặt hình trái soan, và đôi mắt bồ câu đen láy. Mái tóc của nàng lúc trước dài ngang lưng đã được cắt ngắn gọn lại chỉ vừa chạm vai. Nàng mặc áo trắng hở cổ, và một cái jupe plissée màu xám đậm. Nàng còn thắt thêm một cái khăn quanh cổ, cùng màu với váy. Hôm đó trời se lạnh, nên Hà đem theo một cái áo len cashmire khoác bên ngoài áo trắng. Trông Hà sang cả như một nàng tiên.

-Em cắt tóc ngắn để cho giống anh đó. Tôi cũng hiểu nàng thẹn thùng mắc cở không muốn nói sự thật nàng đã cắt tóc để thề nguyền chung thủy với tôi. Và tôi thật cảm động.

Chúng tôi đưa nhau vào một quán kem. Quán lúc đó khá vắng khách. Bà chủ quán ngồi đằng sau quầy lơ đễnh đọc tiểu thuyết. Từ những cái loa được dấu kín đằng sau các cây kiểng, nhạc Pháp trữ tình thịnh hành của F. Hardy, S. Vartan, và nhạc Việt thời chiến nói về những gian khổ đời lính, và những tình yêu ngăn sông cách núi giữa anh chiến binh ở tiền tuyến và người em gái nhỏ ở hậu phương, được phát ra một cách êm dịu. Bây giờ tôi đã có lương sĩ quan nên có thể rủng rỉnh mời người yêu đi ciné, hoặc đi ăn kem. Nàng nhìn vào đầu tóc lính húi sát da đầu và mỉm cười:

-Trông anh giống võ sĩ Nhật quá. To con, oai vệ lắm.

Hà lại giả vờ ngắm nghía tôi một lúc lâu, đầu ngoẹo qua một bên:

-Nhìn kỹ lại trông anh giống thầy tu quá. Anh mặc áo cà sa vào là có thể xưng đại đức được rồi.

Ừ, nhưng anh mà đi tu là tạo nên một ác nghiệp lớn đó! Các ni cô gặp ông đại đức đẹp trai như anh thì khó mà tu thành chánh quả. Các tín nữ đa tình cứ bám riết theo anh, thì mọi người đều sa địa ngục hết.

Cả hai đứa đều cười sau câu nói khôi hài đó.

-Nếu vậy anh tình nguyện đi tu. Có tín nữ đẹp mê hồn như em, thì có xuống địa ngục, anh cũng cam tâm.

Nàng lấy tay bụm miệng tôi lại, phụng phịu:

-Không, không, anh không được nói bậy. Anh đi tu là em sẽ mất anh vĩnh viễn. Anh đi lính chỉ có tính cách tạm thời, rồi em có thể sống suốt đời với anh. Anh đi tu là hết…hết luôn.

Nước mắt nàng đã lưng tròng. Dạo trước, những câu nói đùa như thế này không thể làm nàng khóc được. Nhưng hôm đó là một ngày khác thường. Không bảo nhau và không nói ra miệng, nhưng cả hai đứa đều chất chứa trong lòng một nỗi buồn da diếc…trước lúc chia tay. Tôi sẽ phải đi xa một năm, một thời gian dài đằng đẳng.

Từ quán kem ra, chúng tôi xuống phố để coi chiếu bóng. Hôm đó có chiếu phim “Điệu vũ trong bóng mờ” (La valse dans l’ombre), với tài tử điển trai Robet Taylor. Với bóng tối đồng lõa của rạp hát, tôi cúi đầu xuống hôn nhẹ lên môi nàng. Trong suốt thời gian quen nhau và yêu nhau đã hơn hai năm, đây là lần đụng chạm xác thịt đầu tiên của hai đứa. Tình yêu giữa chúng tôi đã luôn luôn trong trắng, một thứ tình yêu thật platonique. Cầm tay nhau cũng chỉ xảy ra khi hai đứa ngồi gần nhau, xa ánh mắt của người khác. Thoạt đầu nàng có vẻ ngạc nhiên về sự táo bạo này nhưng chỉ một giây phút ngắn ngủi sau đó, nàng cũng hôn trả một cách say đắm. Làm sao tả được cái cảm giác của nụ hôn đầu tiên trong đời, nhất là nhận được từ đôi môi một người mình yêu say đắm? Từ rạp hát ra, đôi mắt nàng vẫn rướm lệ, không hiểu vì chuyện phim quá buồn, hay khóc cho hoàn cảnh của hai đứa chúng tôi?

Rồi tôi đưa nàng về. Chiều hôm đó trời mưa phùn thật nhẹ. Con đường về nhà nàng hôm ấy sao ngắn thế! Nàng dặn tôi chờ ở ngoài cổng sắt, và nhanh chóng chạy vào trong nhà. Cảnh vật này tôi đã nhìn qua bao nhiêu lần rồi, vậy mà hôm đó bỗng trở nên thật thê lương. Tôi tự dặn lòng không được buồn, và tự nói với mình sẽ có ngày trở lại nơi chốn nầy, và mọi chuyện rồi sẽ trở lại bình thường như trước. Với sự thiếu kinh nghiệm của tuổi trẻ, tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối nàng đã dành cho tôi, cọng với cái tình yêu bao la mà tôi dành cho nàng, thì sự xa cách sắp tới chỉ có thể là ngắn hạn và tạm thời.

Rồi nàng lại xuất hiện, cầm trong tay một túi gấm nhỏ hình trái tim. Lại sợ tôi không hiểu, nàng lấy lại túi gấm từ tay tôi, rồi nhét vào túi áo sơ mi bên tay trái, nằm cạnh tim.

– Nhớ giữ nó cho kỹ nghe anh…

Hà phải khó khăn lắm mới nói được những lời đó. Nước mắt lã chã. Nàng phải bậm môi để khỏi khóc oà. Tôi cũng không khá gì hơn nàng. Hai mắt tôi nhòa lệ. Nàng đưa tay vẫy từ giã và biến nhanh đằng sau cái cổng sắt. Tôi đạp xe về nhà, chân và lòng nặng trĩu…Con đường sao mà hôm đó dài lê thê…

Rồi tôi sang Mỹ để học lái máy bay, thực hiện giấc mơ lãng tử vẫy vùng, tang bồng hồ thỉ, nam nhi chí trai rày đây mai đó. Cũng đời sống quân trường, nhưng thoải mái hơn nhiều, không gò bó quá nhiều với kỷ luật sắt của đời sống quân ngũ. Lúc nào rảnh là tôi biên thư cho Hà. Tôi không dám gọi điện thọai vì gia đình của nàng rất cổ hủ và quan liêu. Tôi cũng hiểu cha mẹ nàng không mấy có cảm tình với một thằng con trai nghèo chưa có tương lai như tôi. Nàng trả lời thư của tôi đều đều. Cái vui mừng nhận được thư của người yêu, với những dòng chữ quen thuộc, cũng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ và buồn da diếc của sự ngăn cách. Ngày cuối tuần và ngày lễ lạc, tôi cũng theo các bạn đồng khóa ra ngoài giải khuây.

Họ thường xuyên vào các bar để uống rượu cho say mèm, hoặc đi đến các động để giải tỏa sinh lý.

Mỗi lần như vậy họ đều cố gắng níu kéo tôi tham dự cuộc vui nhưng tôi đều từ chối. Tôi vẫn muốn giữ mình, một cách lỗi thời, để trung thành với người yêu. Vả lại tôi cũng muốn để dành tiền để phụ giúp mẹ tôi. Từ đó, tôi được các bạn gọi đùa là “the Saint”, một cái tên mà sau nầy gặp lại ở Mỹ, họ vẫn còn nhớ.

Tôi vẫn giữ chiếc túi gấm, và tôi trân quí nó như một lá bùa để chống cám dỗ, và giữ mãi tình yêu được trong sạch. Trong những tháng đầu, tôi thường xuyên nhận được thư của Hà. Có những lá rất dày cộm, vì nàng gởi kèm theo hình của nàng. Qua thư của Hà, tôi được biết nàng đã thi đậu tú tài phần II, và có thể nàng sẽ vào Sài-gòn để học đại học. Thư nào cũng đầy ắp tình yêu thương với lời văn nhí nhảnh, ngọt ngào, đôi khi đượm nét khôi hài, làm tôi đọc đi đọc lại thật nhiều lần, y như có nàng ngồi đối diện đang nói chuyện với tôi…Thư nào nàng cũng dặn dò tôi phải tránh sự cám dỗ của “các cô gái bên đó họ tự do dữ lắm”, “anh coi chừng dính phải một cô tóc vàng mắt xanh, thì em sẽ khổ lắm”.

Nhưng rồi bỗng dưng những lá thư tình ngưng đến. Im bặt. Tôi như một đứa trẻ còn nhỏ đang bú sữa mẹ, rồi bỗng dưng bị cai sữa đột ngột. Tôi bỗng nhiên bị liệng vào một cơn hoang mang khủng khiếp. Tôi cứ đinh ninh trong lòng một tai nạn nào đó đã đến với Hà, và vì ở xa, nên tôi hoàn toàn bất lực, Và chính sự bất lực đó lại càng tăng thêm cái cảm giác bất ổn ở trong lòng tôi. Tôi có biên thư về nhà, nhờ em tôi đi ngang nhà Hà xem có gì lạ không. Thư trả lời của em tôi có nói rằng không phát hiện được cái gì bất thường cả.

Trong nhiều tháng trời tôi đã sống trong sự lo âu, phiền muộn, ray rức, dằn vặt, và đôi khi tự đổ lỗi cho mình…Cái nỗi buồn của tôi không có gì khỏa lấp được. Tôi cũng đi theo các bạn đồng khóa đi vào các quán rượu, hoặc các vũ trường, nhưng những giờ phút vui chơi đó chỉ có tính cách tạm thời, và rồi buổi tối nằm đối diện với chính mình thì cái buồn đó lại tiếp tục dày vò và ám ảnh mình.

Ngày về nước, trong đợt đi phép đầu tiên, tôi đã đến nhà Hà. Hôm đó tôi mặc bộ đồ quân phục phi công đẹp nhất của tôi. Tôi vẫn sợ rằng, nếu lỡ ra có gặp cha mẹ nàng , thì bộ đồ bay cũng giúp tôi che dấu phần nào cái thân phận nghèo nàn của tôi. Bà vú già của nàng ra mở cổng. Trước đó tôi đã gặp bà nhiều lần, và hình như bà có một chút cảm tình đặc biệt dành cho tôi.

-Cô ấy đi lấy chồng rồi. Cậu thật tình không hay biết gì hết hay sao?

-Đi lấy chồng?…Hồi nào vậy vú?

-Cũng gần cả năm rồi.

-Vú nói thật hả vú? Hay là tại Hà không muốn gặp cháu nên nhờ vú nói như vậy?

-Cậu không tin tôi hả? Rồi bà đưa ngón tay lên miệng, hầu như nhắn bảo tôi hãy nói nhỏ nhỏ một chút. “Cậu đứng đây chờ già này môt chút. Già sẽ ra ngay.”

Tôi đứng chờ mà bồn chồn hoài, sốt cả ruột. Một lúc sau vú ra.

-Đây này. Tôi cho cậu xem.

Tôi nhìn vào hình và bỗng choáng váng mày mặt. Hình của Hà đẹp tuyệt vời trong chiếc áo cưới xinh xắn, nụ cười thật tươi,chan hòa hạnh phúc đứng bên cạnh ông chồng cao ráo lực lưỡng trong bộ tuxedo được cắt may thật khéo, đẹp trai như tài tử điện ảnh, diện mạo khôi ngô, rất xứng đáng với Hà. Tôi đứng im lặng, không một giọt nước mắt, mặc dầu tôi rất muốn bật khóc và la hét thật lớn.

Và không chờ tôi hỏi thêm, vú điềm đạm nói tiếp:

-Cô ấy vào Sài-gòn học, rồi gặp anh ấy. Chẳng bao lâu sau làm đám cưới luôn. Đám cưới ở Sài-gòn. Anh ấy là bác sĩ, nghe đâu làm thiếu tá ở dưới vùng bốn…Cậu có muốn giữ hình này không?

Tôi lí nhí cám ơn vú và đưa trả lại tấm hình. Tôi đứng im trong giây lát, đưa mắt đảo quanh một vòng, khung cảnh quen thuộc này một lần nữa, để rồi vĩnh viễn không bao giờ tận mắt thấy lại nữa.

Vòm hoa ti-gôn vẫn còn đầy hoa thắm nở, lôi cuốn và quyến rủ lũ ong bướm vô tình đến hút nhụy, nhưng người xưa đã ra đi…Tôi đạp xe ra bờ sông, tìm đến ghế đá mà nàng và tôi vẫn thường thích ngồi, và thờ thẫn nhìn mây nước. Phảng phất đâu đây, cơn gió thoảng quái ác vẫn như muốn trêu chọc tôi, và nhắc tôi nhớ mùi thơm tóc nàng gội với chùm kết và chanh tươi.

Tôi ngồi bất động như vậy thật lâu, cho đến khi mặt trời sắp sửa lặn xuống sau triền núi. Từ đó tình đã chết trong lòng tôi. Và tôi cũng bặt tin của Hà luôn.

“Người đi một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn kia hóa dại khờ”

Khi tôi trở về đơn vị thì cuộc sống gian truân đã giúp tôi khoác lại bộ mặt lạnh lùng, trầm ngâm, mà trước đó tôi vẫn thường có. Tôi không dám uống rượu. Có người dùng men rượu để tìm quên, và tránh nhìn trực diện vào sự thật. Nhưng đối với tôi, rượu chỉ làm tê đi những cảm xúc trong giây lát; và sau cơn say khi tỉnh dậy, như một con đê vỡ nước, kỷ niệm buồn lại cuồn cuộn đỏ về, giận dữ như một cơn trả thù. Đó là những lúc mà người yếu lòng thường bị lôi cuốn rơi xuống vực thẳm của tuyệt vọng.

Tháng tư 1975, vận nước đổi thay. Tôi may mắn được đi theo một ngưòi bạn phi công khác, lái trực thăng đưa gia đình anh ra đến hạm đội thứ bảy đang đậu ở hải phận quốc tế. Đến cuối năm 75, tôi được trở lại Hoa Kỳ. Vừa đi học vừa đi làm, tôi trở lại mài đũng quần trên sân trường đại học.

Học để tìm quên. Giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, những cuốn sách dày cộm thật nặng, những đêm dài nghiện cà phê đậm đặc để chống chỏi với cơn buồn ngủ đầy ma lực, những buổi chiều nằm trên ghế đá ở sân trường chờ đến giờ học tối…Rồi tôi được trúng tuyển vào trường Y khoa. Lại thêm bốn năm trời nữa để tôi tự giam mình đằng sau những cánh cửa sắt nặng nề đó, những chướng ngại vật tâm lý đó để tìm quên hẳn và để thấy lòng thanh thản hơn. Những đêm dài trong hành lang bệnh viện. Những bệnh nhân ngặt nghèo mà khoa học đành bó tay. Những bệnh nhân ra đi vĩnh viễn trong giấc ngủ, nằm chết mà như mơ.

Vào khoảng năm 1980, tôi có nhận được tin Hà đã sang được bên Mỹ, và đang sống ở Minnesota. Một thời gian ngắn sau đó, qua trung gian của một người quen, Hà có gửi cho tôi một cái thư ngắn và một cái hình chụp nàngvà hai con còn nhỏ đứng trước sân nhà phủ đầy tuyết. Chồng của nàng còn kẹt lại ở Việt Nam. Thư và hình đó đã làm tôi nhuốm bệnh hơn cả tuần lễ. Vết thương lòng tưởng đã hàn gắn lành vĩnh viễn, bỗng dưng òa vỡ. Tôi chợt nhận biết tôi vẫn còn yêu người xưa lắm, và bao nhiêu chướng ngại vật mà tôi đã dựng lên, tưởng đâu bền vững lắm, giờ đã trở thành những cái chắn bằng đất sét trước cơn lũ…

Phần bốn

Tôi vẫn ngồi mơ màng và đang trở về quá khứ.

-Này, sao anh lại ngồi thừ người ra vậy? Vào đây với em.

Esmeralda cầm tay tôi kéo đi:

-Vào xem phòng riêng của em.

-Phòng riêng của em ư? Tôi hỏi lại.

-Vâng, phòng riêng. Ở đây chỉ có bốn đứa tụi em là có đặc ân nầy. Vì tụi em làm được nhiều tiền hơn hết. Nên bà chủ cho mỗi đứa một căn phòng riêng.

Và để giải thích thêm, nàng nói tiếp:

-Đây chỉ là phòng tiếp khách trong giờ làm việc. Em không phải ở đây thường trực. Em từ nhà của em đến đây mỗi ngày.

-Mà tại sao em lại làm được nhiều tiền hơn mấy cô kia?

-Rõ cái anh nầy lẫn thẫn và khéo hỏi ghê! Thì tại em đẹp hơn mọi người! Chớ còn sao nữa?

Esmeralda cười ngặt nghẽo. Tôi cũng phải cười theo. Nàng có một sự lôi cuốn mà tôi không thể tả được. Chiếc mũi dễ thương của nàng nhíu lại:

-Nói đùa đấy. Tại vì em lai trắng. Người đàn ông ở đây rất thích được gần gũi với đàn bà trắng hoặc lai trắng. Cũng có thể vì da trắng tạo ra ấn tượng của một giai tầng xã hội cao hơn.

“Phòng riêng” của nàng như một cái hộp kín, không có cửa sổ. Vách tường sơn màu hồng tươi.

Khăn trải giường cũng đồng màu với tường. Ở trên trần, một chiếc quạt máy cũ chạy mệt nhọc như người lên cơn suyễn. Ở trong một góc, có kê một chiếc tủ đứng nhỏ bằng gỗ sơn bóng. Bên trên tủ là một cái gương nhỏ. Một không khí ngột ngạt làm tôi khó chịu.

-Này Esmeralda! Thay đồ khác đi! Anh đưa em đi chơi.

-Đi chơi? Không được đâu! Em còn phải làm việc đến khuya.

Tôi dúi vào tay nàng hai trăm đô la và bảo nàng đi điều đình với bà chủ quán…

Esmeralda dặn tôi ra ngoài quán ngồi uống nước tiếp chờ nàng về nhà thay áo quần. Nàng bắt tôi chờ khá lâu. Sau một thời gian dài, nàng bước vào quán gặp tôi. Nàng đã hoàn toàn thay đổi. Mọi người đàn ông trong quán đều chăm chú nhìn nàng.

Esmrealda đẹp thật! Tóc dài uốn quăn lúc nãy buộc thành đuôi ngựa, giờ bỏ thỏng xỏa bờ vai. Nước da màu cà phê sữa nhạt, đôi mắt mở lớn và linh động, chiếc mũi dọc dừa thật xinh, hàm răng trắng đều với nụ cười duyên dáng. Nàng mặc áo đầm trắng dài đến đầu gối, bên ngoài khoác thêm một cái khăn voan, đi giày cao gót. Nói chung, trông nàng thật đẹp, một cách tươi mát, nhí nhảnh và hồn nhiên. Tôi và nàng đi bộ xuống đến đường cái mới đón được taxi. Nàng đi sát vào tôi và khoác tay rất tình tứ. Chúng tôi đi ciné ở dưới phố. Lại chuyện tình thời chiến, ở đảo Hạ uy Di.

Phim “Tant qu’il y aura des hommes” do Burt Lancaster và Deborah Kerr thủ diễn. Chuyện phim buồn làm Esmeralda thỉnh thoảng lau nước mắt.

Từ rạp ciné ra, chúng tôi rảo bộ thong thả ra hướng biển, và đi ăn tối ở một quán nổi có vũ trường. Cơn gió biển thổi nhẹ vào phòng ăn làm tan đi cơn nóng ngột ngạt của đêm caribbean.

Thức ăn ở đây cũng tạm được, trên trung bình. Nhưng ban nhạc thật xuất sắc. Họ chơi đủ loại

nhạc: calypso, reggae, mambo, jazz, cha cha…

Calypso là một loại nhạc Phi châu-Caribbean xuất xứ từ Trinidad và Tobago vào đầu thế kỷ 20. Chữ Calypso có thể đã bắt nguồn từ chữ Kai-so của Phi châu (có nghĩa là bravo, hoan hô tán thưởng). Thoạt đầu, các người nô lệ Phi châu bị cấm không được nói chuyện với nhau. Do đó, để tiện liên lạc với nhau họ bày ra lối nói chuyện qua lời ca, tiếng hát, thường bằng patois, một ngôn ngữ pháp créole, để thông báo tin tức cho nhau, để đùa giỡn hoặc than thân phận nô lệ xa quê hương, chia rẻ vợ chồng, cha mẹ, con cái… Điệu Calypso có lúc vui, lúc buồn, phối hợp trống, với saxophone, trombone, guitar điện, trompette...

Tôi có ra nhảy với Esmeralda một điệu nhạc slow, nhưng rồi sau đó nàng được rất nhiều người mời ra sàn nhảy liên tục với các điệu twist, cha cha, samba, calypso, merengue, mambo…Nàng nhảy rất dẻo và đẹp. Thân hình nàng uyển chuyển, tràn đầy sinh lực, sống động và nhịp nhàng bước theo điệu nhạc, hầu như Thượng đế đã tạo riêng nàng để múa và nhảy. Trông nàng nhảy, tôi cũng vui lây.

Mãi đến khuya chúng tôi mới từ giã vũ trường ra về. Đêm như vừa chớm nở. Những vì sao trên trời như mời gọi, lấp lánh và rực rỡ hơn bao giờ cả. Men rượu đang thấm dần vào máu và chạy khắp châu thân tôi. Tôi chỉ muốn về nhà nằm vật xuống giường cho hết đêm nay. Cơn buồn ngủ đè nặng trên hai mí mắt.

Tôi gọi cho Esmeralda một taxi riêng, trả trước tiền cuốc xe cho nàng, và chúng tôi chia tay nhau. Tôi cầm lấy tay nàng, và hôn nhẹ trên mấy đầu ngón tay. Chợt nàng ôm chặt lấy tôi trong một giây lát ngắn ngủi, rồi cười nhẹ vẫy tay chào. Đó là cử chỉ âu yếm duy nhất và ngắn ngủi giữa hai đứa chúng tôi tối hôm đó. Điệu Calypso còn văng vẳng, và vương vấn đâu đó…

Phần năm

Lúc tôi nhận được thư của Hà, thì tôi đang học năm thứ nhất y-khoa. Năm đầu tiên là năm gay go và khó khăn nhất của học trình. Trong suốt hơn một năm trời tôi đã phải tự hỏi rất nhiều lần phải làm gì. Tình yêu mà tôi nghĩ đã chết, vẫn còn đó. Trong suốt mấy năm trước đó thật ra tôi đã tự dối lòng, nhưng tình yêu của tôi đối với Hà đã rất quá mãnh liệt. Tôi phải một lần dứt khoát, và cuộc tình nầy phải có một cứu cánh, một điểm chấm dứt.

Cuối năm thứ hai, vào thời gian nghỉ hè, tôi đã quyết định tìm đến thăm Hà. Thời gian qua, tôi có thỉnh thoảng liên lạc với Hà, xuân thu nhị kỳ, bằng thư từ. Tôi đã không cho nàng biết số điện thoại của tôi, vì tôi rất sợ nghe lại tiếng nói của nàng, vì dạo đó tôi vẫn còn clueless. Trưóc khi đi, tôi đã không thông báo trước cho nàng biết. Và trên chuyến xe buýt đến Minneapolis-St Paul tôi đã rất hồi hộp, lo âu, vì không biết xử trí như thế nào.

Minneapolis và St Paul là hai thành phố sanh đôi (twin cities), nằm hai bên bờ dòng sông Mississippi, được nối liền với nhau bằng mấy chiếc cầu. St Paul là thủ phủ của tiểu bang Minnesota, có vẻ cổ kính hơn, với dân số khoảng 280 ngàn người. Minneapolis thì ngược lại, tân tiến hơn, với rất nhiều cao ốc chọc trời, và có dân số khoảng 370 ngàn người. Mùa đông ở đây rất lạnh, còn mủa hè thì oi bức.

Từ trạm xe buýt, tôi đi taxi ra khu chợ Việt Nam mua một ít quà tặng cho Hà và hai con của nàng. Tôi đến gõ cửa apartment của Hà vào khoảng bảy giờ tối, tim đập thình thịch.

Một người đàn bà còn son trẻ mở cửa cho tôi. Đúng là Hà rồi. Hà của Huế mộng mơ. Hà của những đêm xót xa, buồn quá không ngủ được. Hà của thời học trò đầy lý tưởng. Bốn mắt ngỡ ngàng. Im lặng bất động. Thời gian như chìm hẳn xuống. Nàng trố mắt nhìn tôi, quá đỗi ngạc nhiên, và shocked.

-Ông… ông…Anh…

-Chào chị T. (tên chồng nàng) …

Nàng đưa tay ôm lấy ngực lảo đảo, thụt lùi vài bước, và thả mình ngồi xuống ghế sofa, như không thở được. Im lặng…Nàng vẫn chăm chú nhìn tôi, hầu như không tin được cặp mắt của nàng.

Tôi vội bước gần đến nàng.

-Hà, em..Chị T. có sao không?

Nàng úp mặt vào lòng bàn tay và khóc nức nở. Tôi bước trở lại đóng cửa chánh lại. Hai tay tôi vẫn còn ôm mấy gói quà, chưa biết đặt ở đâu. Nghe tiếng khóc của Hà, hai đứa con của nàng, một trai một gái thật kháu khỉnh, chạy từ phòng ngủ ra, đứng bên cạnh mẹ nó, và nhìn tôi một cách ngây thơ, đầy ngạc nhiên. Tôi cười với chúng.

Hà lau nước mắt, và bảo con:

-Hai đứa chào chú đi con.

Và để giới thiệu với tôi: “Đây là cháu Dũng, và đây là Tina”

Tôi lấy quà ra đưa cho mỗi đứa.

-Em và mấy cháu sắp ăn cơm chiều. Hay là mời anh ở lại dùng cơm với chúng em cho vui?

Tôi nhận lời. Hai đứa nhỏ vào trở lại trong phòng, chờ đến giờ cơm. Hà bật ti-vi ở phòng khách lên, dặn tôi ngồi xuống coi cho đỡ sốt ruột. Rồi nàng nhanh chóng bước vào bếp, sửa soạn thức ăn.

-Sao anh mua cho em nhiều thức ăn quá vậy nầy?

Hà vui vẻ ra mặt khi được gặp lại tôi. Về phần tôi, tôi cũng cảm thấy vui, một cái vui tạm thời, ngắn hạn, mà không biết có kéo dài được không? Hà vẫn còn đẹp lắm, duy có hơi mập hơn lúc trước. Những phong sương vừa qua trong mấy năm liền không ít thì nhiều cũng đã để lại vết hằn trên mặt nàng. Hà bây giờ đã là một thiếu phụ có chồng, với hai mặt con, mà chồng thì còn kẹt lại ở Việt Nam. Bây giờ nàng phải một mình nuôi hai con. Nàng phải đi làm, về nhà thì làm trưởng gia đình, đóng một lúc hai vai: cha và mẹ. Cái hồn nhiên, nhí nhảnh ngày xưa đã biến mất. Bây giờ nàng rất đạo mạo. Tôi biết tôi cũng chẳng trẻ gì hơn. Tim của tôi cũng đã có bao nhiêu vết sẹo.

Trong bữa ăn, chúng tôi sinh hoạt như một gia đình . Hai đứa bé giờ đã quen với tôi, nên cởi mở hơn, và nói líu lo, tíu tít. Sau khi dọn dẹp xong, cả bốn người quây quần ở phòng khách, coi một phim hoạt họa của con nít.

Hà quay sang nói nhỏ với tôi:

-Tối nay, anh ở lại với em nhé?

-Anh có mướn phòng ở khách sạn rồi. Anh thấy ở lại không tiện cho em và hai đứa nhỏ.

Nàng khẩn khoản mời tôi ở lại:

-Em có rất nhiều chuyện cần nói với anh. Ngày mai thứ bảy em không phải đi làm, nên tối nay em có thể thức khuya nói chuyện được.

Rồi tôi cũng xiêu lòng. Và quả thật , tôi cũng có thật nhiều thứ để bàn với Hà.

Sau khi đã cho các con đi ngủ và chờ cho chúng thật yên giấc, nàng mới đóng cửa phòng chúng lại, và trở ra phòng khách ngồi với tôi. Nàng cũng không quên pha cho hai đứa hai ly cà phê đậm để chống buồn ngủ. Phòng khách không lớn, nhưng ấm cúng. Trên tường có treo một vài bức ảnh chụp hoa và phong cảnh, không mắc tiền, nhưng có thể đem lại cho căn phòng một ít tô điểm, làm vơi đi cái trống trải của ba bức tường rộng sơn trắng. Tôi để ý thấy trên tường, và trên cái bàn nhỏ gần sofa có để hình của chồng nàng. Bức hình trên tường chụp bác sĩ T. oai vệ trong bộ quân phục với cái lon thiếu tá và phù hiệu con rắn của ngành quân y trên ngực áo. Trong bức hình để trên bàn, ảnh của chồng nàng trong bộ complet màu sậm trông rất đẹp trai và vẫn còn dáng thư sinh.

Đồ đạt trong phòng đã cũ kỹ.

Nàng tắt hết đèn và chỉ để lại một ngọn đèn mờ ở mộtgóc phòng.

Tôi vẫn còn ngồi ở sofa, còn nàng thì ngồi trên một chiếc ghế bành đơn. Chúng tôi ngồi im lặng thật lâu, không biết mở miệng, bắt đầu câu chuyện như thế nào. Rồi nàng phá tan bầu không khí im lặng:

-Anh ác lắm! Tại sao lúc mới gặp, anh lại gọi em bằng Chị T.? Em vẫn là Hà của anh. Em nghe chữ chị T. mà lòng em đau như dao cắt.

-Cho anh xin lỗi vậy.

Chúng tôi kể cho nhau nghe quá khứ mấy năm qua. Nàng cho biết, sau ngày 30 tháng tư 75, cha mẹ nàng đã nhuốm bệnh nặng và đã qua đời. Chồng nàng đi cải tạo. Nàng dẫn hai con đi theo gia đình cô dượng nàng vượt biên. Mọi người được đi định cư ở Minnesota, nhưng sau đó gia đình cô dượng nàng vì không chịu lạnh nỗi, nên đã dời về Texas. Còn nàng vì đã có công ăn việc làm vững vàng, và cũng không muốn nhờ cậy mãi gia đình cô dượng, nên quyết định ở lại. Nàng không hề đá động đến việc nàng đi lấy chồng, và tôi cũng chẳng muốn nghe.

Nàng nhỏ nhẹ nói trong nước mắt, như thổn thức:

-Em thật có lỗi với anh quá. Anh tha lỗi cho em nghe?

Tôi ngồi im, mím chặt môi để khỏi bật khóc, mắt nhoè lệ.

Một lúc sau, nàng bỏ ghế nàng và sang ngồi cạnh tôi. Nàng với tay tắt đèn. Tôi vẫn ngồi bất động.

Nàng ngồi sát tôi hơn. Y như ngày xưa hai đứa ngồi trên ghế đá bên bờ sông Hương. Tôi có thể ngửi được mùi hương da thịt của nàng. Nàng kê đầu vào vai tôi, hơi thở ấm phà lên mặt tôi. Tim tôi đập liên hồi, loạn nhịp. Hơi thở nàng dồn dập. Hơi thở của tôi cũng dồn dập. Nước mắt nàng thấm ướt vai áo tôi.

-Ôm em đi anh.

Như một cái máy, tôi đặt tay tôi lên bờ vai nàng. Nhưng tôi vẫn chưa ôm lấy nàng hoặc siết chặt vòng ôm.

-Anh…tha thứ cho em nhé?

-Em đâu có lỗi gì mà tha…Anh chưa bao giờ oán hận em…Anh chỉ biết than trách tại sao duyên phận giữa hai chúng mình lại mỏng manh và bạc bẽo như vậy. Không! Không, anh hoàn toàn không giận hờn gì em cả.

Hơi thở nàng càng lúc càng dồn dập hơn. Rồi nàng bỗng quay đầu lại hôn vào má tôi.

-Anh yêu quí…Em rất có lỗi với anh. Tối nay…em muốn dâng hiến tất cả cho anh. Em không còn tiết trinh nữa, nhưng em còn tiết hạnh. Em không còn gì để đắn đo nữa. Có nhiều lúc nằm bên chồng mà em vẫn còn nhớ đến anh, nhớ da diếc, nhớ nụ hôn lần đầu ở trong rạp hát…

Tôi lấy tay bụm miệng nàng lại. Nàng đùa, cắn nhẹ vào tay tôi. Rồi tôi xoay lại ôm nàng. Mùi tóc, mùi thơm da thịt. Con người lúc trước tôi yêu sống yêu chết đang nằm gọn trong tay tôi, ở tư thế đợi chờ. Tôi hôn lên tóc, trán, mắt, mũi…nước mắt ràn rụa. Cả hai đứa đều khóc. Tôi vứt bỏ hết tất cả: đạo lý, luân lý…Và như hai thỏi nam châm, môi chúng tôi tìm lấy nhau và chúng tôi hôn nhau môt cách say đắm. Hôn ngấu nghiến. Hôn như không có ngày mai. Cho dù lúc đó trời có sập đổ, tôi cũng bất cần. Hôn quấn quýt và bỏng lửa, nồng cháy. Bao nhiêu nhung nhớ đau khổ của bao nhiêu năm qua bây giờ bùng trở về, tung nổ như để trả thù. Một nụ hôn đầy thú tình yêu và thú xác thịt. Tôi hôn lên ngực no tròn của nàng, qua làn áo. Nàng thở hổn hển. Tôi thở dồn dập. Máu cuồng nhiệt chảy tuôn nhanh như thác đổ trong châu thân tôi.

Tầm mắt tôi chợt rơi vào tấm hình chồng nàng để trên bàn. Tôi dừng lại và nới rộng vòng tay.

Hà có thoáng ngạc nhiên, nhưng nàng chợt hiểu.

-Hà, anh không thể làm như vậy được. Anh không thể phá hoại gia đình của em… Anh xin lỗi.

Tôi hôn nàng say đắm trên trán, và nàng ôm chầm lấy tôi, hôn trên má. Như vậy đã quá đủ. Chúng tôi không cần phải nói hoặc giải thích gì hơn nữa…

-Đêm đã khuya, anh nằm nghỉ cho khỏe. Hà đứng dậy, uể oải bước vào phòng ngủ với hai con.

Tôi nằm trăn trở trên sofa một lúc thật lâu, và sau đó ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Buổi sáng lúc thức dậy tôi thấy trên mình tôi có đắp một cái chăn, mà tôi biết do Hà chăm sóc cho tôi. Kể từ đó chúng tôi là bạn, một thứ tình bạn gượng ép, vì tôi vẫn còn thương nàng.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn ít liên lạc với nàng vì sợ khơi động lại vết thương chưa lành hẳn.

Phần sáu

Bệnh xá nầy là trạm chót trong chương trình nghiên cứu về bệnh AIDS ở hải đảo nầy, trước khi tôi về Mỹ để đúc kết lại và hoàn thành luận án Ph.D. Tôi cũng đã tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tháng vừa rồi, và tôi cũng cần trình luận án này để lấy thêm văn bằng Ph.D. về y tế công cộng (public health). Trong những tuần vừa qua ở trên hải đảo tôi đã thu thập được rất nhiều dữ kiện về căn bệnh khắc nghiệt này.

Bệnh xá là một căn nhà tôn khá rộng và rất thoáng khí. Các cửa sổ lúc nào cũng rộng mở để đem gió từ bên ngoài vào. Bên ngoài chỉ sơn một dấu hồng thập tự lớn. Cái tên của bệnh xá được viết trên một cái bảng lớn treo trước cửa, dần dà với thời gian đã gãy đổ.

Bệnh nhân rất đông. Đông lắm. Từ sáng sớm, họ đã đứng chực ở trước cửa, chờ vào xin khám. Họ là những người đã đến nước cùng, không còn chỗ nào nhận nữa. Những nhà thương tư phải trả tiền thì nhiều phương tiện hơn, nhưng lại vượt quá tầm tay của đám bệnh nhân khốn khổ nầy.

Vào mùa hè năm ngoái, tôi đã đến hải đảo này làm việc, và đó cũng là lúc tôi đã gặp Esmeralda. Một lần duy nhất.

Và bây giờ tôi đang ở bệnh xá này, làm phụ tá cho một ông bác sĩ địa phương, chăm sóc đám người bệnh này. Có cái gì trong ánh mắt của người đàn bà này làm tôi nhận ra nàng ngay. Nàng bây giờ đã tiều tụy lắm. Khuôn mặt hốc hác, tròng mắt sâu hoẵm, và thân hình khẳng khiu. Nàng bước vào bệnh xá với dáng đi loạng choạng, khựng lại khi nhìn thấy và nhận ra tôi. Nàng và tôi nhìn nhau trân trối, chỉ trong vòng mấy giây ngắn ngủi, mà tôi ngỡ chừng như kéo mãi không dứt.

Tôi chưa hết bàng hoàng thì đã thấy nàng vuốt lại mái tóc, sửa lại chiếc áo xốc xếch, và bước vội ra khỏi cửa, rồi biến mất. Bệnh nhân bao vây tôi và đứng quanh phòng khá đông nên tôi không có phản ứng kịp thời để chạy theo nàng. Trong phòng hầu như chẳng có ai để ý đến việc nàng đến và vội vàng bỏ ra đi, và có lẽ cũng chẳng ai quan tâm đến làm gì.

Phương tiện ở bệnh xá này rất nghèo nàn. Chúng tôi chỉ có thuốc bổ, thuốc chống đau nhức và thuốc trị tiêu chảy. Họa hoằn lắm mới có một ít thuốc trụ sinh. Hầu như người bệnh nào cũng có tiêu chảy nặng và ói mửa. Cơn bệnh tàn phá dữ dội cơ thể của họ, cộng thêm với sự nghèo đói và bệnh lao phổi làm cho họ trở thành những bộ xương bọc da. Bệnh xá không đủ giường nên rất nhiều người bệnh phải nằm ra đất, khi cần chuyền nước biển. Mùi xú uế của nưóc phân xông lên nồng nặc.

Một buổi sáng, khoảng một tuần trước khi tôi rời đảo, vì đã hoàn tất công việc nghiên cứu; trong khi tôi đang ngồi phát thuốc, thì có một cậu bé chạy nhanh đến gần tôi và trao cho tôi một phong thư một cách lẹ làng. Tôi chưa kịp hỏi thì cậu đã biến mất. Phong thư đã nhầu nát nhưng nét chữ vẫn còn sâu sắt. Vì công việc quá bận rộn, nên tôi gấp vội thư và nhét vào túi áo trong, và chúi đầu vào việc đang làm.

Tối hôm đó, trong phòng riêng ở khách sạn, tôi mới có dịp bóc thư ra đọc.:

Anh Roberto yêu quí,

Khi anh đọc đến những dòng chữ này, thì người con gái bất hạnh và khốn khổ này đã không còn ở trên thế giới này nữa, và đã ra đi vĩnh viễn…Anh thấy không, cho đến giờ phút này em vẫn chưa được chính thức biết tên thật của anh. Nhưng nào có quan hệ gì anh nhỉ?

Đối vớ em, anh là Lãng Vân, là mây lang thang, đi qua đời em trong quãng giây ngắn ngủi của một đêm định mệnh. Em cũng là mây nữa, một đám mây hồng vào một buổi chiều mặt trời hấp hối. Và hầu hết mọi người trong chúng ta thảy đều là những đám mây, như những bức tranh vân cẩu, chợt nhìn thấy đó mà trong phút chốc đã biến dạng ra đi, nay tụ mai tan. Há chăng cuộc đời chẳng là vậy anh nhỉ? Như những cánh bèo trôi dạt ra biển, như những bọt nước đổ vào bờ theo ngọn sóng? Nhưng cuộc đời đẹp và thi vị là ở chỗ đó. Đẹp ở chỗ có giai đoạn tính, phù phiếm và ngắn ngủi.

Anh đừng nghĩ là em mê sảng nhé! Không, em tỉnh táo và sáng suốt lắm. Trong những giờ phút cuối của cuộc đời em. Cơn bệnh quái ác nầy chỉ hủy hoại được thể xác em, nhưng không giết được tâm linh của em.

Em sáng suốt cũng như tình yêu em dành cho anh vậy. Buổi ban đầu gặp gỡ, em cũng tưởng anh cũng như tất cả những người đàn ông khác đến mua vui trong chốc lát; nhưng chỉ ngồi nhìn anh và nghe anh kể chuyện là em đã biết rõ ngay anh là một người khác thường. Tư cách đối xử anh dành cho em lại càng làm cho em kính phục anh hơn. Và tình yêu chớm nở từ đó. Em cũng hiểu tình yêu của em vô vọng, nhưng em vẫn yêu. Tình vô vọng, tình đau khổ mới là tình đẹp… Ông nhà thơ nào đã viết lên mấy câu đó anh nhỉ?

Nếu phân tách kỹ thì em rất ích kỷ khi em yêu anh. Em cũng không hiểu là em yêu anh hay là em yêu em? Nói cho cùng, trước khi gặp gỡ anh, em tự nghĩ cuộc đời của em như rác bẩn, chỉ chờ đào thải. Do đó tình mà em dành cho anh, đối với em, cũng như một cái phao vậy. Em phải bám vào đó

dùng làm nơi nương tựa và để tiếp tục sống.

Đọc đến đây, chắc hẳn anh thắc mắc không hiểu tại sao đứa con gái nầy lại đa đoan như vậy? Nhưng anh biết không, em nghĩ tình yêu em dành cho anh là một đặc ân mà Thượng Đế đã ban cho em vậy. Một đặc ân mà trước đó, chưa bao giờ em dám ước mong và ấp ủ chờ đợi, và em tưởng sẽ không bao giờ có được. Trong cái oan nghiệt của đời em, con tim đã trở thành chai đá để chẳng bao giờ còn biết nghĩ đến luyến ái.

Anh yêu (cho phép em gọi anh như vậy nhé!)

Em sanh ra làm một đứa con gái nghèo. Mẹ của em là một kỹ nữ bán thân nuôi mình và nuôi con., hằng đêm, ở những hộp đêm rẻ tiền dọc theo hải cảng. Em chưa bao giờ nhìn thấy mặt của ba em cả. Chỉ được nhìn qua một tấm hình cũ kỹ. Một người đàn ông da trắng đẹp trai, nhưng tầm thường như tất cả mọi người đàn ông khác.

Người đàn ông đó, ba của em, đến với mẹ em khi bà còn là một nữ sinh ngây thơ. Gia đình của mẹ em dạo ấy không phải giàu có gì, nhưng không đến nỗi nghèo túng. Cha mẹ em gặp nhau trong một đêm dạ vũ. Người đàn ông ấy đến, với những hứa hẹn sanh tử, và cuộc tình rồi sẽ bền vững như non biển; và chỉ sau mấy tháng đã dứt gánh ra đi với một lời hứa sẽ tái hợp. Mẹ của em đã trót bỏ nhà ra đi theo người yêu, nên đã vì tự ái mà không trở về chốn cũ.

Con tàu mang tên Calypso đã đến và đã ra đi, mang theo với nó một mối tình mà mẹ em cứ tưởng sẽ keo sơn và bền bỉ. Và như vẫn thầm mong người mình yêu sẽ có ngày trở lại, mẹ em đã lấy tên con tàu định mệnh đó đặt làm tên của em. Cái tên Esmeralda, như anh đã đoán biết, chỉ là một cái “chiến danh” trong nghề nghiệp dùng để chôn vùi và che dấu quá khứ của mình vậy.

Mẹ của em đã tần tảo nuôi em đến lớn khôn, đã cố gắng cho em cắp sách đến trường học như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng rồi đã không chịu nỗi những dằn vặt của cuộc đời, đã lâm trọng bệnh. Và đã đến lúc em phải trả hiếu cho mẹ em. Em đã xấc bấc xang bang đi kiếm việc làm, nhưng nào đâu có dễ. Mẹ của em càng ngày càng yếu, nên em không còn đường nào để chọn, ngoại trừ nhắm mắt buông xuôi đi vào nghiệp dĩ này. Em lăn lóc trong nghề cũng đã hơn hai năm…cho đến khi em gặp anh. Số tiền em kiếm được hàng tháng đều hầu như gởi hết về cho mẹ em để trang trải thuốc men.

Lý do em viết thư nầy cho anh trước khi chết là để nói hết sự thật về cuộc đời của em. Em yêu anh với một tình yêu chân chính, nên trong những tháng ngày qua, em đã bị dằn vặt rất nhiều khi em đã nói dối với anh về thân thế của em. Nhưng bây giờ em đã toại nguyện. Cầu xin Thượng Đế, và anh tha lỗi cho em.

Người con gái bạc phước yêu anh,

Ký tên, Calypso.

Đoạn kết

Nắng trưa chói chan trên mộ nàng. Tôi đã phải mất nhiều ngày liền mới tìm ra được nơi an nghỉ nghìn thu của nàng. Nghĩa địa nghèo nên thiếu nhiều phương tiện. Không một bóng cây, không một chỗ nghỉ chân. Những thứ nầy hầu như là xa xí phẩm. Những ngôi mộ san sát nhau, chật hẹp, không có lối đi, hỗn loạn và thiếu trật tự. Người ta đến lúc chết vẫn còn có sự phân biệt.

Mộ của nàng nằm trên núi, nhìn ra biển. Gió thổi lồng lộng, mây trời lang thang. Vào giờ nầy khách đi viếng mộ chẳng có ai. Tôi ngồi một mình cạnh mộ nàng. Bó nhang tôi mua từ phố Tàu đã được đốt lên và cắm xuống đất. Khói nhang nghi ngút theo gió, vây tỏa lấy tôi, và phảng phất đâu đó, tôi linh cảm linh hồn Esmeralda cũng đang đứng nhìn ra biển khơi.

Và văng vẳng đâu đó ở cuối thôn, có tiếng trống bập bùng, và điệu nhạc buồn Calypso theo gió cuốn đến, một điệu Calypso cuối cùng.

Viết xong lần đầu: 1988

Viết lại từ đầu: 03-14-2008.{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.