TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN -Chương 7-
Hai châu Ô – Lý – Một tấc lòng son
Triều đình Đại Việt tranh cãi về hôn sự.
Khắc Chung miệng lưỡi, ủ rũ Thăng Long, ngậm ngùi Đại Việt .
***
1. Cho dù ngày tháng lê thê
2. Bước thời gian dẫu nặng nề cũng qua
3. Bốn lần mai rụng thềm hoa
4. Lời hôn ước cũ lân la đến kỳ
5. Chế Mân sắp sửa lễ nghi
6. Bồ Đài[1] dẫn sứ bộ đi trăm người
7. Ngọc ngà, bạch tượng mấy mươi
8. Đưa sang Đại Việt quốc thư thỉnh cầu
9. Hồi môn Ô – Lý hai châu
10. Đúng lời hôn ước đón dâu rước về
11. Anh Tông khó vẹn đôi bề
12. Nửa thương em gái nửa nghe Thượng Hoàng
13. Họp quần thần để nghị bàn
14. Mười người hết chín thương nàng Huyền Trân
15. Đoàn Nhữ Hài[2] rằng: “Chế Mân
16. Dẫu Vua một nước cũng dân rợ Hời
17. Công Chúa như tiên trên trời
18. Sao đem cành quế trao nơi tay Mường
19. Nước ta dân thịnh binh cường
20. Rồng Tiên không thể lộn phường rợ Chiêm”
21. Văn Túc Vương[3] vội đứng lên:
22. Thượng Hoàng đã hứa không nên nuốt lời
23. Bên trong thánh ý của người
24. Muốn cho Chiêm Việt đời đời kết thân
25. Tránh đau khổ cho muôn dân
26. Nên đưa Công Chúa Huyền Trân về Chàm”
27. Nhượng Vương[4]: “Dù ý Thượng Hoàng
28. Nhưng giờ người đã non ngàn tịnh tu
29. Những lời hứa lúc vân du
30. Nay Vua đâu buộc khư khư tuân hành”
31. Bá quan trên dưới đồng thanh
32. Thương em Quốc Chẩn khuyên anh chối từ
33. Anh Tông trong dạ ngần ngừ
34. Nghĩ thương em gái hiền từ thơ ngây
35. Nhưng Thượng Hoàng vẫn còn đây
36. Lời người đâu thể xuôi tay xem thường
37. Một bên là đạo cương thường[5]
38. Một bên quốc sỉ hai đường khó dung
39. Quan Hành Khiển Trần Khắc Chung[6]
40. Trổ tài hùng biện vô cùng sát sao:
41. “Thượng Hoàng đức trọng ngôi cao
42. Một vì Vương Thượng lẽ nào hí ngôn[7]
43. Vã trong sính lễ cầu hôn
44. Ta được Ô – Lý đất vuông dặm ngàn
45. Thêm vùng biển rộng thênh thang
46. Hải Vân[8] hiểm trở ải quan địa đầu
47. Nếu động binh chiếm hai châu
48. Thì xương máu đổ biết đâu mà lường
49. Ngày nào còn giặc Bắc phương
50. Dân ta còn phải tìm đường vào Nam
51. Nay có được Hải Vân quan
52. Con đường Nam tiến thênh thang mai này”
53. Nhượng Vương tức giận cau mày:
54. “Binh ta mạnh, tướng lắm tay kiêu hùng
55. Chỉ cần một một trận tranh phong
56. Hai châu Ô – Lý nằm trong tay rồi
57. Công Chúa tuổi chớm đôi mươi
58. Sao không thương xót một đời nữ nhi
59. Đem má phấn đổi Ô – Ly
60. Thì đời nam tử sống chi thẹn lòng”
61. “Đã là trả nợ núi sông
62. Sao còn phân biệt má hồng, nam nhi
63. Công Chúa ngọc diệp kim chi
64. Về Chiêm cũng bậc mẫu nghi nữ hoàng
65. Cành vàng đổi lấy giang san
66. Muôn đời thanh sử công nàng khắc ghi
67. Một lần xa giá vu qui
68. Muôn dân cảm tạ bước đi của nàng”…
69. Thật là miệng lưỡi sắt gan
70. Đã thu phục cả bá quan đương triều
71. Anh Tông lòng cũng muốn xiêu
72. Tay run hạ chiếu lo điều đưa dâu
73. Hôn kỳ hẹn đến xuân sau
74. Tiễn đưa Việt nữ qua cầu sang Chiêm
75. Mối tình không thuộc con tim
76. Thì hôn nhân chỉ là niềm đau riêng
77. Dẫu Công Chúa cũng thiền quyên
78. Cũng theo định số nhân duyên đã dành
*
79. Chiều nay sương khói xây thành
80. Thăng Long ủ rũ lan nhanh nỗi buồn
81. Toàn dân Đại Việt ngùi thương
82. Tiếc thân nguyệt quế ngát hương lìa cành
83. Thương nàng trách bấy cao xanh
84. Hồn như sen trắng phận đành long đong
85. Ai đem trọn gánh non sông
86. Trao riêng cho khách má hồng nặng vai
***
[1]Tháng 2 năm Ất Tỵ 1305, Chế Mân sai Chế Bồ Đài dẫn sứ bộ trăm người mang lễ vật sang Đại Việt cầu hôn Công Chúa Huyền Trân theo lời hứa của Thượng Hoàng Nhân Tông lúc trước.( ĐVSKTT)
[2] Đoàn Nhữ Hài khi đi sứ sang Chiêm quốc đã không chịu lạy Vua Chiêm . Ông đã để chiếu thư trước mặt Vua Chiêm rồi mới vái lạy và nói rằng vì sứ giả đi xa nhà nhớ Vua mà lạy chiếu chỉ của Vua. Từ đó về sau sứ Việt khi sang Chiêm đã không phải lạy Vua Chiêm nữa .( ĐVSKTT)
[3] Văn Túc Vương Trần Đạo Tái là con của Thượng Tướng Trần Quang Khải, cũng chính là thầy dạy học của Huyền Trân. Ông rất thương yêu Huyền Trân và cũng rất được lòng của Thượng Hoàng Nhân Tông và Vua Anh Tông. (ĐVSKTT)
[4] Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là cậu của Công Chúa Huyền Trân. Ông đặc biệt thương cô cháu gái này nhất trong Hoàng tộc vì đã gần gũi nàng từ tấm bé và cũng vì tâm hồn thánh thiện và nhân hậu của nàng.
[5] Đạo cương thường: Tức tam cương: Quân thần, phụ tử, phu thê . Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
[6] Trần Khắc Chung ( ..? – 1330) tên thật là Đỗ Khắc Chung, người ở Giáp Sơn cùng quê với mẹ của vua Trần Hiến Tông. Em trai Trần Khắc Chung là Đỗ Thiên Hư, cũng là một người nổi tiếng đương thời từng được cử làm Sứ thần sang nhà Nguyên năm 1288.Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai 1285, Trần Khắc Chung có làm sứ giả, sang thương thuyết với Ô Mã Nhi. Nhờ công lớn trong cuộc kháng chiến đó, ông được vua ban quốc tính nên đổi là Trần Khắc Chung và được phong chức Đại Hành Khiển. Qua bốn đời vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Khắc Chung lãnh nhiều chức vụ quan trọng: Đại hành khiển (như Tể tướng), Thượng thư, Ngự Sử đại phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo. Những chức vụ này đều thuộc Văn quan, Trần Khắc Chung không phải là Võ tướng như người đời thêu dệt. Ông cũng là người tu theo đạo Phật thuộc Thiền Tông và đã viết lời Bạt cho tậ p “Tuệ Trung Thượng Sĩ” của Thiền Sư Pháp Loa, Vua Anh Tông hiệu đính (BKTT mở)
[7] Dựa theo câu “Quân vô hí ngôn” (Vua không nói đùa).
[8] Đèo Hải Vân là một mạch núi trong dãy Trường Sơn, là ranh giới giữa Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam. Đây là con đèo có mức độ hiểm trở bậc nhất trong các ngọn đèo ở Việt Nam với chiều dài 21km. Trên đỉnh cao nhất của đèo, với độ cao 496 m so với mực nước biển có cửa ải tên Hải Vân quan xây từ thời Minh Mạng và được chính nhà vua cho treo biển “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (danh hiệu mà Lê Thánh Tông đặt cho nơi đây). (BKTTmở){jcomments on}