Quy trình nào cho Hội Hướng đạo Việt Nam hiện nay ?

Quy trình – hoặc có thể gọi Điều lệ, Quy chế, Hiến chương, là văn bản ghi những thể lệ, những điều bắt buộc mà các thành viên của một tổ chức, một đoàn thể phải tuân theo triệt để. Ngày nay, chúng ta thường sử dụng từ Quy trình theo nghĩa là thứ tự các bước tiến hành trong một quá trình sản xuất. Ví dụ như: “Quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện kính tế và kỹ thuật hiện nay”. Vì vậy, có thể nói tóm tắt rằng: Quy trình của Hội Hướng đạo Việt Nam là văn bản do chính các hội viên của Hội HĐVN lập ra trong đó ghi những điều bắt buộc mà các hội viên phải tuân theo trong thời gian hoạt động của hội. Có thể so sánh Quy trình của Hội HĐVN giống như quy chế, điều lệ của một công ty, một đoàn thể hay một đảng chính trị.

Theo lời các huynh trưởng lão thành, trước năm 1946, phong trào Hướng đạo VN đã hoạt động theo các quy trình chưa thống nhất cho đến khi hợp nhất ba hội Hướng đạo Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ thành một Hội Hướng đạo Việt Nam với bản Quy trình được Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phê duyệt ngày 7/2/1946 và trở thành Quy trình đầu tiên của Hội Hướng đạo Việt Nam – thường được gọi là Quy trình 1946. Bản Quy trình này được Bộ Nội vụ phê duyệt chưa được bao lâu, các huynh trưởng lúc bấy giờ chưa kịp củng cố về mặt tổ chức hội, chưa kịp xây dựng Nội lệ cho hội theo Điều thứ 19 của Quy trình thì đã nổ ra Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Ở miền Bắc, chiến tranh kéo dài liên miên từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước 1975 nên hoạt động của phong trào Hướng đạo ở miền Bắc rất yếu ớt. Trong khi đó, ở các tỉnh thành trên cả nước từ 1946 đến 1954 và ở miền Nam từ 1954 đến 1975, phong trào Hướng đạo hoạt động thuận lợi và không ngừng phát triển: vừa phát triển trong nước vừa hội nhập với phong trào Hướng đạo thế giới – năm 1957 Hội Hướng đạo VN trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hướng đạo Thế giới. Sự phát triển của Hội HĐVN từ khi được thành lập chính thức 1946 không những chỉ phát triển về mặt số lượng đơn vị Hướng đạo và số lượng hội viên – theo diện mở rộng, mà còn phát triển cả về mặt chất lượng tức là được nâng cao về mặt tổ chức của hội. Về mặt tổ chức, sinh hoạt của hội ngày càng được nâng cao thể hiện một cách cụ thể qua việc sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946 theo thời gian kể từ khi được phê duyệt. Từ khi thành lập Hội HĐVN với bản Quy trình đầu tiên năm 1946, đã có tất cả 5 lần sửa đổi, bổ sung Quy trình này vào các năm 1952, 1959, 1962, 1965 và 1967. Nhìn chung, những lần sửa đổi, bổ sung quy trình của hội đều đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của hội theo tình hình thay đổi của đất nước và quốc tế. Mọi sửa đổi, bổ sung đó đều hướng đến mục đích là làm cho ngày một hoàn chỉnh, hoàn thiện các hoạt động và tổ chức của Hội HĐVN. Tuy đã qua 5 lần sửa đổi nhưng chỉ có lần sửa đổi đầu tiên vào năm 1952 là quan trọng nhất, sửa đổi sâu rộng nhất và bổ sung nhiều nhất. Còn 4 lần sửa đổi tiếp theo vào những năm 1959, 1962, 1965 và 1967 chỉ là những sửa đổi không quan trọng. Chính lần sửa đổi quy trình đầu tiên vào năm 1952 còn để lại những tranh luận và gây mất đoàn kết trong phong trào HĐVN hiện nay. Vì vậy, chúng ta chỉ cần tìm hiểu thấu đáo về lần sửa đổi năm 1952 – gọi là Quy trình 1952, so sánh với Quy trình gốc năm 1946 để có thể đánh giá, kết luận những vấn đề gây tranh cãi lâu nay cho thật đúng đắn.
Trước hết, tôi xin được nêu những nhận xét chung về lần sửa đổi đầu tiên này của Quy trình 1952, sau đó sẽ đối chiếu, so sánh những điểm, những chi tiết cụ thể được sửa đổi như thế nào để có một sự đánh giá thật đầy đủ và toàn diện.

I. Nhận xét chung:
1/ Sự sửa đổi đã bổ sung những thiếu sót quan trọng:
a. Thiếu sót quan trọng nhất của Quy trình 1946 là đã qui định tại Điều thứ 19 rằng: “Hội đồng Trung ương sẽ thảo một bản nội lệ ấn định các chi tiết về thi hành không có bản quy trình này (Ủy nhiệm các huynh trưởng công nhận các đoàn, từ chức, thải bỏ, y phục, huy hiệu v.v…)”, nhưng vì những trở ngại khách quan nên sau đó các huynh trưởng đã không thể làm ra một bản Nội lệ kèm theo Quy trình 1946. Sự thiếu sót quan trọng này đã được Quy trình 1952 bổ sung bằng một bản Nội lệ tương đối đầy đủ và rất cần thiết. Ví dụ như: Trong Quy trình 1946 đã không có qui định việc “Bảo hiểm về tai nạn và trách nhiệm dân sự” như tại Điều thứ 09 của Nội lệ 1952. Nếu không có sự bổ sung cần thiết này thì hội sẽ hoạt động trong những điều kiện rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều bất trắc có thể dẫn đến việc phải ngưng hoạt động. Hoặc sự bổ sung các qui định trong Nội lệ 1952 về việc Phong nhậm huynh trưởng, Thừa nhận đơn vị, Thay đổi đơn vị, Ra hội, Thải hồi, Từ chức, Giải tán v.v… đây là những bổ sung quan trọng tạo nên kỷ cương cho sinh hoạt hội; nếu không sẽ đưa tới tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức và mất đoàn kết như đang diễn ra hiện nay.
b. Một sự bổ sung quan trọng khác của Quy trình 1952 là: Hội Hướng đạo Việt Nam có quyền sở hữu tuyệt đối đối với: – Những chữ “HƯỚNG ĐẠO” trong tên chính thức là Hội “HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM”, viết tắt là “H.Đ.V.N.” (Điều 27), – Đồng phục Hướng đạo cùng với hệ thống huy hiệu của của các đoàn sinh các ngành đã được qui định trong Nội lệ (Điều 29), – Huy hiệu chính thức của Hướng đạo Việt Nam theo hình vẽ (Điều 30). Trong Quy trình 1946 chỉ qui định một phần về quyền sở hữu của hội tại Điều 25 là: “Huy hiệu chính thức của Hội HĐVN theo vẽ trang sau thuộc quyền sở hữu của hội”. Sự bổ sung các Điều 27, 29 và 30 này của Quy trình 1952 và cộng thêm qui định tại đoạn cuối của Điều 32 Nội lệ rằng:”Sau khi ra khỏi hội: -hội viên các hạng a, b, c, phải trả thẻ lại, -trưởng và đoàn sinh không được phép mặc y phục Hướng đạo, phải trả thẻ và huy hiệu lại”, mang ý nghĩa ngăn chận mọi sự lạm dụng, sử dụng trái phép các biểu tượng của Hội HĐVN. Qui định đó cũng nhằm duy trì sự thống nhất của hội, không để cho một cá nhân hay tổ chức, đoàn thể nào có thể dùng ảnh hưởng của mình để tách các đơn vị HĐVN ra khỏi hội mà vẫn tiếp tục sử dụng các biểu tượng thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của Hội HĐVN.
2/ Sự sửa đổi đã cắt bỏ những gì bất hợp lý của Quy trình cũ 1946 và bố cục lại một bản Quy trình mới 1952 hoàn toàn tốt hơn:
a. Điều bất hợp lý dễ nhận thấy trong Quy trình 1946 bị cắt bỏ khi sửa đổi chính là phần ghi ở Điều thứ 1: “Hội Hướng đạo Việt Nam không giới hạn trong thời gian”. Đây là một qui định hoàn toàn duy ý chí của những người xây dựng bản Quy trình 1946 và trái pháp luật khi tự ban cho tổ chức mình một quyền tồn tại vĩnh viễn. Bởi vì ngay trong Quy trình 1946 cũng qui định tại Điều thứ 20 về trường hơp giải tán hội kia mà. Vì vậy Quy trình 1952 đã cắt bỏ câu qui định bất hợp lý này khi sửa đổi.
Một qui định khác về Tổ chức trong Quy trình 1946 vừa không hợp lý, vừa dư thừa làm rối rắm người đọc và không thể áp dụng được trong thực tế hoạt động của hội, đó là qui định tại Điều thứ 7 về cái gọi là “Tổng bộ Hướng đạo”. Cái “Tổng bộ Hướng đạo” không rõ chức năng này đã được cắt bỏ trong Quy trình 1952 mà không ảnh hưởng gì đến hoạt động của tổ chức hội.
b. Việc bố cục lại toàn bộ Quy trình 1946 được Quy trình 1952 thể hiện một cách tiến bộ vượt trội:
– Qui trình 1952 đã chuyển 2 Điều của Quy trình 1946 – Điều thứ 3 về “Các hạng hội viên” và Điều thứ 4 về “Tư cách hội viên có thể bị mất”, nằm ở Chương I về Mục đích – Phương pháp – Phạm vi, vì ố cục như vậy là không hợp lý. Hai Điều này được Quy trình 1952 đưa vào Chương II về Tổ chức – Quản trị – Phong nhậm – chuyển thành Điều thứ 5 và 6, là hoàn toàn chính xác vì các Điều tiếp theo từ Điều thứ 7 đến 20 của Quy trình 1952 (cùng Chương II) cũng đều chỉ qui định về Tổ chức của hội.
– Quy trình 1952 đã nhập 2 chương: Chương IV về Nội lệ và Chương V về Thay đổi và Giải tán của Quy trình 1946 (chỉ có 3 Điều 19, 20 và 21) thành 1 Chương IV có tên chung là Nội lệ – Thay đổi – Giải tán (cũng có 3 Điều là 24, 25 và 26), đã thể hiện sự hợp lý hóa của việc sửa đổi. Còn tại Chương VI của Quy trình 1946 về Chương trình – Huy hiệu – Nghi thức chỉ có 5 Điều (từ 22 đến 26), đã được Quy trình 1952 mở rộng thành 9 Điều (từ Điều 27 đến Điều 35) và đặt trong Chương V với tiêu đề có bổ sung là Tên hội – Đồng phục – Huy hiệu – Chương trình – Nghi thức.
Như vậy, về mặt sửa đổi, bố cục lại Quy trình 1946 thì Quy trình 1952 đã xử lý hoàn toàn hợp lý và bổ sung, nâng cao chất lượng, giá trị một văn bản rất quan trọng của Hội HĐVN. Từ số lượng 6 Chương và 26 Điều của Quy trình 1946 các huynh trưởng Hướng đạo VN thời điểm 1952 đã cấu trúc lại còn 5 Chương nhưng nâng lên 35 Điều với chất lượng hơn hẳn về mặt “câu, chữ” lẫn nội dung.

II. Nhận xét chi tiết cụ thể:
Đi vào chi tiết cụ thể, chúng ta sẽ lần lượt so sánh, phân tích các Chương, Điều của 2 Quy trình 1946 và 1952:
1/ Chương I : Mục đích – Phương pháp – Phạm vi:
(QT 1946 có 5 Điều, QT 1952 có 4 Điều)
Về Chương I này thì Quy trình 1952 (QT 1952) đã kế thừa gần như đầy đủ Chương I của Quy trình 1946 (QT 1946) ngoại trừ việc bố cục lại, chuyển Điều thứ 3 và Điều thứ 4 (QT 1946) sang Chương II (QT 1952) quy trình mới nhưng vẫn giữ nguyên tiêu đề như cũ là: Mục đích – Phương pháp – Phạm vi. Nhưng vì Điều thứ 1 của QT 1946 có 2 nội dung khác biệt nên đã được QT 1952 cắt ra làm thành 2 Điều (1 và 2) cho hợp lý hơn. Còn về Trụ sở hội năm 1946 ở Hà Nội nhưng do hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ nên QT 1952 ghi trụ sở đặt tại Sài Gòn là sự sửa đổi phù hợp. Chỉ có sửa đổi ở Điều thứ 5 QT 1946 về Lời hứa Hướng đạo VN được sửa đổi thành Điều thứ 4 QT 1952 là vấn đề đã gây tranh luận trong Hội HĐVN lâu nay và đã đưa tới sự mất đoàn kết nghiêm trọng giữa các huynh trưởng HĐ. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung phân tích sâu hơn về sự sửa đổi Lời hứa Hướng đạo VN này:
Xin trích nguyên văn Lời hứa HĐ của cả 2 Quy trình để so sánh:
– QT 1946:  Lời hứa Hướng đạo VN:
“Tôi xin đem danh dự hứa rằng:
Trung thành với Tổ quốc,
Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào,
Tuân theo Luật Hướng đạo.”
– QT 1952: Lời hứa Hướng đạo VN:
“Tôi xin đem danh dự mà hứa sẽ cố gắng hết sức để:
-Trung thành với Tổ quốc và làm tròn phận sự đối với tôn giáo của tôi,
-Giúp đỡ mọi người không cứ lúc nào,
-Tuân theo Luật Hướng đạo.”
Phần sửa đổi trong Lời hứa HĐVN là đã bổ sung thêm cụm từ “và làm tròn phận sự đối với tôn giáo của tôi” trong QT 1952.
Xin lưu ý là trước phần ghi Lời hứa HĐVN của QT 1952 (Đ. 4) có ghi rằng: “Phương pháp Hướng đạo lấy “LỜI HỨA”, “LUẬT” và “CHÂM NGÔN” Hướng đạo làm căn bản”. Đây là điều bổ sung mới của QT 1952 và thể hiện tóm tắt tinh thần các ý tưởng đã diễn tả trong Điều II (Nguyên lý) và Điều III (Phương pháp) của Hiến chương Tổ chức Thế giới Phong trào Hướng đạo (WOSM) – một tổ chức mà Hội HĐVN chính thức trở thành thành viên năm 1957. Tôi đã có dịp trình bày lý do của việc sửa đổi, bổ sung phần Lời hứa HĐVN này trong Quy trình 1952 là do yêu cầu bắt buộc của WOSM trước khi Hội HĐVN được tham gia và được công nhận là thành viên chính thức của WOSM vào năm 1957. Việc sửa đổi bổ sung của QT 1952 cũng đã được các huynh trưởng HĐVN thực hiện một cách dân chủ, công bằng và trọng pháp. Nay tôi muốn phân tích sâu hơn và mở rộng đến 2 lần sửa đổi quy trình tiếp theo vào năm 1965 (lần thứ 4) và 1967 (lần thứ 5) về phần Lời hứa này.
– QT 1965: Lời hứa Hướng đạo VN:
“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức để:
Làm tròn bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và Quốc gia tôi,
…..”
– QT 1967: Lời hứa Hướng đạo VN:
“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:
Làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và Quốc gia tôi,
…..”
Chúng ta dễ nhận thấy trong lần sửa đổi thứ 4 (1965) Lời hứa đã thay cụm từ “Trung thành với Tổ quốc” bằng cụm từ “Làm tròn bổn phận đối với Quốc gia tôi”. Tôi cũng đã có dịp trình bày khái niệm Tổ quốc mang ý nghĩa là đất nước được bao đời trước xây dựng và để lại trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó. Còn Quốc gia là một thuật ngữ pháp lý trong công pháp quốc tế, được công nhận khi hội đủ các yếu tố là lãnh thổ, chính quyền và dân cư. Vì vậy, sự sửa đổi lần thứ 4 này từ chỗ trung thành với tổ quốc, mang ý nghĩa tinh thần, thành làm tròn bổn phận của một công dân đối với quốc gia tôi đã ràng buộc bằng những nghĩa vụ pháp lý cụ thể theo qui định của pháp luật. Hơn nữa, một khi cả tổ quốc và quốc gia hợp nhất thành một như hiện nay thì không cần phải bàn cãi gì thêm nữa. Còn sự sửa đổi từ tôn giáo thành tín ngưỡng, tâm linh thì thế nào ? Theo tôi, cần phải làm rõ ý nghĩa của những khái niệm này mới có thể có nhận xét đúng đắn.
– Tín ngưỡng, tôn giáo:
Đây là những khái niệm đã có sự nhìn nhận chung của xã hội và được tóm tắt như sau: Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc nhiều hơn tôn giáo, tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như tôn giáo. Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung còn tôn giáo thì không mang tính dân tộc. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể trở thành tôn giáo.(1)
Còn theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 của UBTVQH có giải thích một số từ ngữ tại Điều 3 như sau:
“Hoạt động tín ngưỡng: Là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Cơ sở tín ngưỡng: Là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, bao gồm đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở tương tự khác.
Tổ chức tôn giáo: Là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận.
Tổ chức tôn giáo cơ sở: Là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của đạo Phật, giáo xứ của đạo Công giáo, chi hội của đạo Tin lành, họ đạo của đạo Cao đài, ban trị sự xã, phường, thị trấn của Phật giáo Hòa hảo và đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo khác.
Hoạt động tôn giáo: Là việc truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý rổ chức của tôn giáo.
Hội đoàn tôn giáo: Là hình thức tập hợp tín đồ do tổ chức tôn giáo lập ra nhằm phục vụ hoạt động tôn giáo.
Cơ sở tôn giáo: Là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận….”
– Tâm linh:
Tâm linh là gì ? Tâm linh có phải là linh hồn ? Thật khó tìm thấy được câu trả lời thống nhất cho khái niệm tâm linh. Mỗi người định nghĩa, giải thích tâm linh theo một cách khác nhau từ xưa đến nay. Còn nếu đặt ra câu hỏi: “Bổn phận con người đối với tâm linh là gì ?” thì chưa thấy ai đưa ra câu trả lời được thừa nhận. Tôi cho rằng nếu đặt câu hỏi với WOSM về sự khác biệt giữa “Bổn phận đối với tín ngưỡng, tôn giáo” và “Bổn phận đối với tâm linh”, tôi chắc WOSM không thể có câu trả lời thỏa đáng vì Hiến chương của WOSM chỉ ghi một trong 3 nguyên lý của phong trào Hướng đạo là Duty to God. Nếu dịch ra tiếng Việt = “Bổn phận đối với tín ngưỡng, tôn giáo”, theo tôi, là rất thỏa đáng. Hơn nữa, trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên 1946 đến nay và theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 vẫn chỉ qui định và công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và sử dụng các từ ngữ này để chỉ định một trong những nhân quyền của người VN trong các văn bản pháp luật. Chưa thấy các văn bản pháp luật ở VN và trên thế giới sử dụng cụm từ “quyền tự do tâm linh”.
Còn trong lần sửa đổi Quy trình lần thứ 5 năm 1967 đã cắt bỏ chữ “tròn” và giữ lại cụm từ “Làm bổn phận” thì tôi cho rằng rất thích đáng. Bởi vì một tu sĩ thực hiện thường xuyên nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật mà mình tự nguyện dâng hiến cả cuộc đời (100%) để làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tôn giáo mình thì có thể buộc phải làm bổn phận đó cho “tròn”  chớ làm sao đòi hỏi 1 Hướng đạo sinh có thể “làm tròn bổn phận đối với tín ngưỡng, tôn giáo” khi HĐS ấy chỉ dành ra khoảng từ 2% đến 3% thời gian của đời mình để sinh hoạt Hướng đạo (sinh hoạt 4 tiếng đồng hồ hoặc đôi khi 8 tiếng/tuần). Cho nên, sửa đổi thành Lời hứa “cố gắng hết sức để làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tôn giáo tôi” là phù hợp hơn, khả thi hơn.
2/ Chương II: Tổ chức – Quản trị – Phong nhậm:
(QT 1946 có 10 Điều, QT 1952 có 16 Điều)
Về Chương II thì QT mới vẫn giữ nguyên tiêu đề Chương II của QT cũ, chuyển 2 Điều 3 và 4 cũ qui định về các hạng hội viên và tư cách hội viên ở Chương I cũ sang Chương II mới, nằm trong phần Tổ chức cho hợp lý hơn. Chương II QT mới đã được trình bày lại rất rõ ràng, dễ hiểu và đã khắc phục các khuyết điểm của QT 1946…ví dụ như đã bổ sung 2 thành phần là Hội trưởng và Phó hội trưởng trong Đại Hội đồng mà QT cũ còn thiếu. QT mới đã cắt bỏ phần thừa là “Tổng bộ Hướng đạo” như đã trình bày ở trên và cắt bỏ cả các chức vụ dư thừa, khó hiểu như: “Ủy viên trưởng”, “Ủy viên của Ủy viên trưởng” của QT 1946.
Mặc dù đã sửa đổi gần như hoàn chỉnh Chương II của QT cũ nhưng QT mới vẫn còn 2 thiếu sót nhỏ. Đó là:
– Tại Điều 10 của QT 1952 qui định rằng: “Tổng Ủy viên do Đại Hội đồng bầu ra, nhiệm kỳ là 3 năm…” nhưng lại không qui định là Tổng Ủy viên có được quyền tái nhiệm, có được Đại Hội đồng bầu ra nhiều hơn một nhiệm kỳ hay không? Trong khi đó QT cũ 1946 có qui định “khi nào cũng có quyền tái cử”.
– Tại Điều 12 của QT 1952 qui định rằng: “Tổng Thơ ký của Bộ Tổng Ủy viên là Tổng Thơ ký của Hội Đồng Trung ương…” nhưng đã không qui định rằng Tổng Thơ ký này được bầu cử hay tuyển chọn?
3/ Chương III: Tài chánh:
(Cả QT cũ và QT mới đều có 3 Điều)
Về Chương III thì QT mới kế thừa gần như nguyên vẹn QT cũ, chỉ sửa đổi một điều của QT cũ đã qui định không đúng với pháp luật về người đại diện theo pháp luật của hội như sau:
– Điều 17 QT 1946: “Các giấy má khế ước về mặt tài chánh của hội phải có chữ ký của hội trưởng và một trong hai người hoặc thủ quỹ hoặc tổng ủy viên của hội”.
– Điều 22 QT 1952 sửa đổi rằng: “Các giấy tờ khế ước về mặt tài chánh đều do Hội trưởng ký”.
Qui định như Điều 22 QT 1952 là đúng với pháp luật dân sự về người đại diện của một pháp nhân; không những đúng với pháp luật dân sự thời điểm 1952 mà còn đúng với qui định của pháp luật hiện nay.
4/ Chương IV: Nội lệ – Thay đổi – Giải tán:
(QT cũ chia làm 2 Chương có 3 Điều, QT mới nhập chung thành 1 Chương nhưng cũng chỉ 3 Điều)
Về Chương IV thì QT mới đã sửa đổi tốt hơn hẳn và chính xác hơn về mặt câu chữ mà vẫn kế thừa gần như nguyên vẹn các Điều trong QT cũ. Ví dụ như:
– Điều 20 của QT cũ qui định rằng: “Một sự thay đổi gì trong quy trình này hoặc có sự giải tán của hội đồng phải do một cuộc đầu phiếu của Đại hội đồng và phải được đa số 2/3 của cử tri có mặt.
Sự đề nghị thay đổi quy trình và giải tán hội Hướng đạo Việt Nam phải do Hội đồng Trung ương hoặc do sự yêu cầu của ít nữa là 1/4 tổng số hội viên của hội.”
– Điều 25 của QT mới đã sửa đổi thành (chú ý phần gạch đít): “Mọi sự thay đổi trong Quy trình này, hoặc sự giải tán của Hội phải do một cuộc đầu phiếu của Đại Hội đồng và phải được đa số 2/3 hội viên có mặt tán thành.
Sự đề nghị thay đổi Quy trình và sự giải tán Hội phải do Hội đồng Trung ương nêu ra, hoặc do sự yêu cầu của ít nữa là 1/3 hội viên của Đại Hội đồng.”
Xin lưu ý là QT cũ ghi rằng “do Hội đồng Trung ương” mà không có 2 từ “nêu ra” như QT mới đã bổ sung khiến không thể hiểu là do Hội đồng Trung ương làm gì. Còn QT cũ qui định “do sự yêu cầu của ít nữa là 1/4 tổng số hội viên hội” là rất không hợp lý vì trong QT 1946 qui định tại Điều 3 là có đến 5 hạng hội viên, trong đó bao gồm cả hội viên danh dự, hội viên ân nghĩa và nhất là các đoàn thể Hướng đạo Ấu, Thiếu, Tráng. Còn sửa đổi như QT 1952 rằng: “do sự yêu cầu của ít nữa là 1/3 hội viên của Đại Hội đồng” là hoàn toàn hợp lý.
Còn một qui định nữa về Giải tán trong QT cũ được sửa đổi rất thỏa đáng là:
– Điều 21 QT cũ : “Số tiền thăng hạ sau giải tán chia cho các hội thanh niên”. Qui định số tiền thăng hạ không được rõ ràng vì không biết được mức chuẩn của thăng và hạ. Có phải thăng là số có còn hạ là số nợ ? Số có tức là số còn lại thì có thể đem chia được và có nơi sẵn lòng nhận; còn số nợ của Hội nếu chia cho các hội thanh niên khác liệu có được ?
– Điều 26 QT mới sửa đổi qui định này thật là thỏa đáng: “Trong trường hợp Hội giải tán, tài nguyên còn lại của Hội sẽ phân chia cho các Hội Thiện. Sự phân chia này do Đại Hội đồng quyết định”.
5/ Chương V: Tên Hội – Đồng phục – Huy hiệu – Chương trình – Nghi thức:
(QT mới kế thừa gần như nguyên vẹn QT cũ, chỉ bổ sung 2 đề mục là Tên hội và Đồng phục, nâng lên 9 Điều so với 5 Điều trong QT cũ).
Phần bổ sung Tên Hội và Đồng phục trong QT mới là vô cùng quan trọng như đã trình bày trong phần Nhận xét chung. Qui định bổ sung này là căn cứ để bảo hộ “quyền sở hữu tuyệt đối của Hội” đối với tên chính thức của mình và sẽ được Văn phòng Hướng đạo Thế giới thừa nhận là Hội duy nhất tại VN. Quyền sở hữu tuyệt đối cũng đợc QT mới qui định bổ sung cho cả Đồng phục và Huy hiệu chính thức của Hội.
Tóm lại, qua nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh, đối chiếu từng điều khoản, từng chi tiết nội dung và từng câu chữ, cách hành văn, bố cục giữa 2 QT cũ 1946 và QT mới 1952 chúng ta có thể đi đến một kết luận rất rõ ràng như sau: Quy trình 1952 khi được sửa đổi, bổ sung đã hoàn toàn căn cứ vào Quy trình gốc năm 1946 và kế thừa tất cả những gì cơ bản và ưu điểm của Quy trình đầu tiên này. Không những thế, QT 1952 còn sửa đổi, khắc phục những khuyết điểm của QT 1946 và bổ sung nhiều phần rất quan trọng (như phần Nội lệ) cũng như bổ sung những điều, những khoản mà QT 1946 chưa kịp hoàn chỉnh, hoàn thiện. Có thể đưa ra hình tượng ví dụ của một em bé sơ sinh thiếu tháng của Quy trình 1946 để so sánh với một thiếu niên cường tráng của Quy trình 1952 – cả về nội dung lẫn hình thức.

Thật đáng tiếc là có những huynh trưởng, những đoàn sinh trong chúng ta không phải đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, đối chiếu, so sánh một cách đầy đủ để đi đến đánh giá, kết luận cho thật chuẩn xác việc sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946. Có khi chỉ dựa vào vài chỉ dẫn, chi tiết hình thức, vào thời điểm sửa đổi, bổ sung đã vội vã suy diễn thiếu căn cứ vững chắc và đi đến kết luận mang tính chất và ý nghĩa của “sự phủ định sạch trơn” những công sức, thành tựu của các thế hệ huynh trưởng đi trước đã đóng góp cho phong trào, cho hội. Từ sự nhìn nhận khác nhau về việc sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946 đó đã dẫn đến sự bất đồng, phân hóa, chia rẽ trong phong trào HĐVN. Tiếp tục xin được nêu câu hỏi: Nguyên nhân nào đã dẫn đến “sự phủ định sạch trơn” việc sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946 và hệ quả của sự phủ định đó ? Câu trả lời sẽ dễ tìm thấy khi chúng ta nhìn lại quá trình vận động xin phép được sinh hoạt Hướng đạo của các huynh trưởng từ sau 1975 như sau:
– “Manh nha từ cuộc họp mặt truyền thống Hướng đạo ngày 2/1/1987, mãi đến ngày 25/1/1993 mới được Trưởng Hoàng Đạo Thúy – nguyên Tổng ủy viên, ký Giấy ủy nhiệm cho thành lập và ủy nhiệm cho 20 Anh Chị Em  Hướng đạo cũ sung vào Ban Liên lạc Lâm thời Hướng đạo Việt Nam, nhận trách nhiệm trước Anh Chị Em Hướng đạo cả nước”. (2)
– “Ngày 3/3/1993 Ban Liên lạc Lâm thời HĐVN đã gởi Tờ trình đến Bộ trưởng Nội vụ xin phép thành lập Ban Liên lạc HĐVN, đồng thời Tờ trình ấy cũng được gởi đến một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. (2)
– “Cho đến kỳ họp ngày 28/12/1994, Anh Em trong Ban Liên lạc Lâm thời HĐVN ở phía Bắc mới quyết định ngừng hoạt động”. (2)
Sau 7 năm liên lạc và vận động để thành lập Ban Liên lạc HĐVN nhưng cuối cùng BLL Lâm thời phải quyết định ngừng hoạt động vì ngay cả việc xin thành lập chính thức Ban Liên lạc HĐVN cũng không được chấp thuận mà không biết nguyên nhân vì sao. Mãi đến khoảng đầu năm 2000 có một lập luận, một chủ trương được đưa ra bởi “Một số huynh trưởng HĐVN”, cho rằng nguyên nhân của việc phong trào HĐVN không được hoạt động hợp pháp là như sau:
“Muốn tồn tại, muốn được hoạt động hợp pháp, muốn được thực hiện mơ ước của toàn thể phong trào HĐVN là được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam chính thức cho phép hoạt động, chúng ta nên áp dụng Quy trình năm 1946 do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký”. (3)
Các huynh trưởng này đã đưa ra quan điểm có tính chất “phủ định sạch trơn” cả 5 lần sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946 như sau:
“Chúng ta không thể tiếp tục thực hiện luật pháp của chính phủ bù nhìn và tay sai thực dân Pháp từ 09/1945 đến 07/1954 như Quy trình Nội lệ do Vũ Hồng Khanh ký năm 1952.
Chúng ta càng không thể tiếp tục áp dụng nghững Quy trình Nội lệ của các năm 1959, 1962, 1964, 1969… Vì tất cả những Qui trình và Nội lệ này đều được duyệt ký do những Bộ trưởng trong thời chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, là chế độ đã sụp đổ từ chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
Chúng ta là những huynh trưởng HĐ, chúng ta phải gương mẫu trong việc tôn trọng luật pháp để dẫn dắt và giáo dục các em noi theo.
Kể từ 30/4/1975, tất cả các Quy trình Nội lệ HĐVN trước 1975 đều không còn giá trị, đều phải được chấm dứt áp dụng cùng với toàn bộ luật pháp của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu”. (3)
Theo tôi, đã có một sự nhầm lẫn trong nhận định của một số huynh trưởng có quan điểm, chủ trương trên về những nguyên tắc trong sự phân biệt và áp dụng các định chế pháp luật, định chế chính trị, các thủ tục hành chánh… nên đã đưa ra quan điểm thiếu chính xác trên. Tôi xin trình bày rõ hơn một số điểm nhầm lẫn đó như sau:
– Trước hết là một nguyên tắc rất quan trọng : Khi một chế độ chính trị bị thay thế bởi một chính thể mới, dù có thông qua dân cử hay không, thì chính thể mới lên luôn công bố đường lối, chính sách và lập trường chính trị mới của chính thể mình. Qua đó, những định chế, tổ chức chính trị nào còn phù hợp sẽ được tiếp tục tồn tại, ví dụ như các đảng chính trị Dân chủ, Xã hội ở VN vẫn tồn tại cho đến những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước mới tự giải thể. Còn các định chế dân sự, tổ chức dân sự của người dân trong chế độ cũ luôn luôn được chính thể mới tuyên bố tiếp tục thừa nhận, bảo hộ những quyền và lợi ích hợp pháp mà cá nhân và tổ chức đó đã thủ đắc hợp pháp dưới chế độ trước. Hội HĐVN là một tổ chức dân sự, từ khi chính thức được thành lập hợp pháp ngày 7/2/1946 đến nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với các chính thể khác nhau nhưng chưa từng bị chính thể nào công bố hay ra văn bản pháp lý giải thể cả. Ngược lại, tất cả các Hiến pháp và văn bản pháp luật khác của các chính thể ở VN trước nay đều công nhận quyền lập hội của các HĐS VN. Các huynh trưởng muốn phủ nhận quyền tồn tại hợp pháp của Hội HĐVN từ sau năm 1946 trên cả nước và từ 07/1954 đến 30/4/1975 ở miền Nam VN nhưng đã không thể viện dẫn căn cứ pháp lý hay văn bản pháp luật nào của Nhà nước CHXHCN Việt Nam xóa bỏ Hội HĐVN.
– Về thủ tục phê duyệt của Bộ trưởng Nội vụ: Xin được lưu ý rằng, Hội HĐVN được thành lập dựa trên quyền lập hội – là một nhân quyền, qui định bởi Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan chớ không phải căn cứ trên sự phê duyệt Quy trình của Bộ trưởng Nội vụ. Sự phê duyệt Quy trình của một tổ chức dân sự như Hội HĐVN chỉ là một thủ tục hành chánh được qui định trong hầu hết các nước trên thế giới áp dụng cho những tổ chức dân sự có phạm vi hoạt động trên cả nước. Sự phê duyệt của Bộ Nội vụ vừa mang ý nghĩa của sự chứng thực, sự công chứng ở phạm vi quốc gia; vừa mang ý nghĩa đã kiểm tra, xác nhận Quy trình được phê duyệt là không trái với pháp luật của quốc gia – nếu trái với pháp luật thì có quyền từ chối phê duyệt và yêu cầu hội sửa đổi. Bản chất của sự phê duyệt cũng như quyền hạn của Bộ trưởng Nội vụ phê duyệt không thể đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Trong trường hợp Bộ Nội vụ từ chối phê duyệt mà không có căn cứ pháp lý thì ông Bộ trưởng sẽ phải trả lời, giải thích trước tòa án hành chánh về “hành vi hành chánh” từ chối phê duyệt đó. Không thể coi các chữ ký, các con dấu gắn với các chức danh viên chức hành chánh của địa phương hay quốc gia trên các giấy tờ chứng minh một quyền và lợi ích dân sự hợp pháp của cá nhân và tổ chức dân sự dưới chế độ cũ là đương nhiên không còn giá trị gì khi có thay đổi chính thể. Ở đây có sự nhầm lẫn của các huynh trưởng khi đồng hóa một quyền hợp pháp của Hội HĐVN với “lý lịch chính trị” của các ông Bộ trưởng nội vụ chế độ cũ. Sao Hội HĐVN phải chịu trách nhiệm về hoạt động chính trị của những viên chức hành chánh, dù là cao cấp như Bộ trưởng, đã chứng thực, phê duyệt việc sửa đổi, bổ sung trên bản Quy trình phù hợp với qui định của pháp luật quốc gia mà Hội tồn tại ?
– Về hệ quả của “sự phủ định sạch trơn”: Không hiểu các huynh trưởng khi phủ nhận tất cả 5 lần sửa đổi bổ sung Quy trình, kể từ lần đầu vào năm 1952, có quan tâm đến hệ quả của sự phủ nhận đối với bao thế hệ huynh trưởng và đoàn sinh đã từng được điều chỉnh bởi các qui định đã có hiệu lực trong các Quy trình đã được sửa đổi từ 1952 đến nay ? Ví dụ như tư cách hội viên Hội HĐVN của các hội viên danh dự, hội viên ân nghĩa, hội viên bảo trợ, hội viên hoạt động, hội viên tham dự đã thủ đắc hợp lệ, hợp pháp từ năm 1952 đến nay; các chức danh trong tổ chức Hội HĐVN như Bộ Tổng Ủy viên và hệ thống trực thuộc, Hội đồng Trung ương, Các Ban Bảo trợ, Các Ban Chuyên môn đã hình thành từ sau 1952 đến nay; mọi phong nhậm huynh trưởng HĐ từ sau 1952 đến nay v.v… tất cả những điều đó “đều không còn giá trị” theo quan điểm, chủ trương của “Một số Trưởng HĐVN” này ? Nếu điều này trở thành hiện thực thì “đau đớn” và “oan nghiệt” cho Hội HĐVN quá !
– Điều biện minh duy nhất mà “Một số Trưởng HĐVN” có chủ trương xóa sạch mọi sửa đổi, bổ sung QT 1946 từ năm 1952 và những lần kế tiếp là sự kỳ vọng của các Trưởng ấy rằng sẽ: “được Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chính thức cho phép hoạt động”. Nhưng thời gian đã chứng minh ngược lại sự kỳ vọng mà các Trưởng có chủ trương xóa sạch đó đưa ra từ ngày 10/1/2000 ở Tp.Hồ Chí Minh (3). Đó là các Thông báo số 143 năm 2004 và Thông báo số 157 năm 2008 của Ban Bí thư TW Đảng Cộng Sản Việt Nam về hoạt động Hướng đạo hiện nay là: Không đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Như vậy, nguyên nhân của việc Hội HĐVN chưa được hoạt động chính thức không phải là vì Hội đã 5 lần sửa đổi, bổ sung Quy trình 1946. Từ một sự suy đoán không có căn cứ vững chắc mà chủ trương của các huynh trưởng đó đưa ra đã làm phân hóa, chia rẽ nội bộ phong trào HĐVN từ 10 năm qua. Rất mong tất cả chúng ta, những HĐS VN hôm nay, sẽ rút kinh nghiệm từ việc này, một việc mà các huynh trưởng HĐVN đi trước đã dặn dò chúng ta rất rõ trong Quy trình 1946 lẫn Quy trình 1952. Đó là:
– Điều thứ 1 QT 1946: “…Hội Hướng đạo Việt Nam không hoạt động và cổ động về mặt chính trị…”
– Điều thứ 2 QT 1952: “…Hội Hướng đạo Việt Nam không hoạt động và cổ động chính trị…”

Trở lại với câu hỏi được dùng làm tiêu đề bài viết; vậy thì: Quy trình nào cho Hội Hướng đạo Việt Nam hiện nay ? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi thử đưa ra một “lộ trình” mà các HĐS VN cần phải thực hiện để đưa Hội HĐVN chính thức trở lại đời sống bình thường trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành:
1/ Trước hết phải dựa vào các Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) qui định về quyền tự do lập hội. Đây là văn bản pháp luật cao nhất mà không một cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào có thể cho mình có quyền đứng trên Hiến pháp.
2/ Phải coi việc thành lập Hội HĐVN vào năm 1946 với Quy trình đầu tiên được phê duyệt bởi Bộ nội vụ là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp. Những sự sửa đổi Quy trình Hội HĐVN vào những lần tiếp theo là phù hợp với các qui định ngay trong Quy trình đầu tiên và phù họp với các qui định pháp luật dân sự đương thời. Bất cứ ai muốn phủ nhận giá trị của các Quy trình được sửa đổi, bổ sung hợp lệ cần phải chứng minh bằng những chứng cứ, căn cứ pháp lý vững chắc. Hội HĐVN có quyền bảo vệ sự tồn tại hợp pháp của mình trước tòa án hành chánh hoặc dân sự; hoặc trước bất cứ một cơ quan thẩm quyền nào để phán xét về tính hợp pháp của Hội HĐVN hiện nay.
3/ Phải coi việc thành lập Hội HĐVN đầu tiên vào năm 1946 và chỉ mới sau hơn 3 tháng đã chính thức được Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận làm Danh Dự Hội trưởng là một vinh dự hiếm có cho Hội. Mọi công dân VN, mọi đảng viên đảng Cộng sản VN nếu có lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh phải biết nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và giá trị của việc nhận lời làm Danh Dự Hội trưởng Hội HĐVN của vị lãnh tụ tối cao.
4/ Văn bản pháp luật hiện đang được áp dụng cho trường hợp của Hội HĐVN là Nghị định Chính phủ số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010. Căn cứ vào các qui định của Nghị định này về thủ tục thành lập hội và  văn cứ vào thực tế hoạt động của Hội HĐVN từ trước đến nay thì không cần thiết phải thành lập “Ban vận động thành lập hội” tại Điều 6 của Nghị định 45 mà chỉ thực hiện các thủ tục còn lại trong NĐ 45. Một trong những văn bản quan trọng qui định tại Điều 7 của NĐ 45 về hồ sơ xin phép thành lập hội là “Dự thảo điều lệ” tức là Dự thảo Quy trình của Hội HĐVN. Dự thảo điều lệ này phải có ít nhất là 13 nội dung theo qui định tại Điều 8 của NĐ 45. Trong 5 nội dung chủ yếu của đại hội thành lập hội qui định tại Điều 11 của NĐ 45 có 2 nội dung quan trọng là: -Thảo luận và biểu quyết điều lệ (tức Quy trình); và -Bầu Ban lãnh đạo và Ban kiểm tra ( tức là các tổ chức tương ứng trong Hội HĐVN như Bộ Tổng ủy viên, Hội đồng Trung ương, Đại hội đồng v.v… theo đặc thù của Hội). Cuối cùng là “Phê duyệt điều lệ hội” do Bộ trưởng Bộ nội vụ ký theo qui định tại các Điều 13 và 14 của NĐ 45. Điều 13 đã qui định rằng: “Trường hợp quy định của điều lệ hội trái với pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối phê duyệt và yêu cầu hội sửa đổi” . Xin lưu ý rằng Điều 13 của NĐ 45 này qui định rất rõ ràng là chỉ khi nào “điều lệ hội trái với pháp luật thì cơ quan nhà nước thẩm quyền” mới “từ chối phê duyệt và yêu cầu hội sửa đổi”. Điều này có ý nghĩa gần như chắc chắn 100% là dự thảo Quy trình mới của Hội HĐVN một khi đã được Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc HĐVN thảo luận và biểu quyết thông qua thì sẽ được Bộ trưởng nội vụ phê duyệt. Nếu có điều khoản nào trong Quy trình trái với pháp luật thì sẽ được Bộ nội vụ “yêu cầu sửa đổi” trước khi phê duyệt.
Với tinh thần trọng pháp của một Hướng đạo sinh, tôi tin chắc rằng Hội Hướng đạo Việt Nam sẽ được phê duyệt một bản Điều lệ, một bản Quy trình mới – kế thừa các Quy trình cũ có sửa đổi, bổ sung, sao cho phù hợp với hoàn cảnh và sự phát triển hiện nay của xã hội. Trong niềm mong đợi điều tốt lành đó tôi nghĩ rằng các huynh trưởng, các đoàn sinh và các đơn vị HĐ trên cả nước nên đóng góp nhiều ý kiến vào một dự thảo Quy trình mới, hoặc nếu có thể, biên soạn cả một dự thảo để gởi đến Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc HĐVN thảo luận và biểu quyết. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đóng góp ý kiến cá nhân vào dự thảo Quy trình mới đó trong tương lai. Trước khi kết thúc bài này, tôi xin đưa ra một “dự thảo” về Lời hứa HĐVN cho Quy trình mới như sau:
“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức:
– Làm bổn phận đối với Quốc gia và tín ngưỡng, tôn giáo tôi theo qui định của pháp luật.
– Giúp đỡ mọi người không (bất) cứ lúc nào.
– Tuân theo Luật Hướng đạo.”
Tôi xin mở ngoặc để giải thích thêm rằng:
-Tại Điều 2 Luật Hướng đạo trong tất cả các Quy trình của HĐVN từ năm 1946 đến những lần sửa đổi, bổ sung về sau đều ghi “Hướng đạo sinh trung thành với tổ quốc…” nên không cần ghi trùng lắp điều này trong Lời hứa.
-“Bổn phận đối với quốc gia” là một nghĩa vụ pháp lý được qui định cụ thể trong các văn bản pháp luật, có chế tài rõ ràng đối với công dân không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ bổn phận của mình đối với quốc gia. Còn tổ quốc là một khái niệm tình cảm, “trung thành với tổ quốc” thuộc phạm trù đạo đức, nó không ràng buộc bằng những nghĩa vụ cụ thể như bổn phận công dân đối với quốc gia.

Cuối cùng, tôi xin được nhắc đến qui luật về sự vận động và phát triển cho thấy mọi sự vật đều thay đổi theo thời gian, không có cái gì bất biến, đứng im một chỗ. Trước kia, không ai nghĩ đến điều mà Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (từ 24/7 đến 29/7/2006) đã thông qua về “Qui định đảng viên làm kinh tế tư nhân”, theo đó, không có qui định nào giới hạn về qui mô đảng viên làm kinh tế tư nhân mà chỉ làm theo luật pháp. Rồi đến Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại phiên khai mạc Đại hội XI ngày 12/1/2011: “Tiếp tục thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân, thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”. Sự thay đổi đó cho thấy rằng một nhà tư bản hôm nay có thể là một đảng viên cộng sản, hay có thể nói nhà tư bản và đảng viên cộng sản ngày nay ở VN đã có thể hòa nhập làm một trong Đảng Cộng sản. Vậy sao các Hướng đạo sinh VN chúng ta lại không tin rằng Hội Hướng đạo Việt Nam sẽ tiếp tục tồn tại trong nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo?

Luật sư NGUYỄN LỆNH (02/2011)

———————-
(1) http://vi.wikipedia.org
(2) Lịch sử Phong trào Hướng đạo Việt Nam, Tập II, Ngô Văn Phương, trang 183, 184, 185. 
(3) Lịch sử Phong trào Hướng đạo Việt Nam, Tập I, Ngô Văn Phương, trang 79, 80, tựa đề bài viết: “Vấn đề tín ngưỡng tâm linh trong Qui trình Nội lệ HĐVN”, tác giả bài viết: Một số Trưởng HĐVN/10.01.2000.

{jcomments on}

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.