Văn nghiệp và cuộc đời minh đức – Hoài trinh

VĂN NGHỊỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH

của  NGUYỄN QUANG

Khác với những vùng khác, xứ Huế đặc biệt vì chất Huế. Một cái “Chất” mà ít nơi nào có được. Đó là cái chất vừa khó vừa dễ. Khó vì sự khắc khe của xứ Huế cổ kính và dễ là vì cái dễ thương của Huế. Huế đúng là vừa dễ thương lại vừa dễ ghét, nên nó được nói đến như là cái xứ “đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương” chung quy cũng bởi cái Chất Huế mà ra.

Một trong những cái chất Huế này phải kể đến chất phụ nữ Huế. Đây là cái chất làm người phụ nữ bước chân không quá tà áo dài, ăn không hở miệng, nói không hở môi. Đố ai thấy được một người phụ nữ thuộc loại Huế phong cách cười đùa đôi co to tiếng ngoài đường. Càng “Cành Vàng Lá Ngọc” chừng nào thì càng bị cái chất Huế bám chặt. Nhỏ nhẹ bên trong, kín đáo bên ngoài làm tăng vẻ quý phái của người phụ nữ đất Thần Kinh.

Vậy đó mà Chất Huế không ngăn cản được hoài bảo vươn cao, bước ra với thế giới bên ngoài của một người con gái Huế, cháu nội của một vị quan Thượng Thư và là con gái của một quan Tổng Đốc Thượng Thư thuộc triều Nguyễn: Cô Võ Thị Hoài Trinh. Năm 17 tuổi cô đã tạm “quên” chất Huế đang bám trên người, rời bỏ “Hương Trang” nơi mà một tên tướng Nhật đã rút kiếm hỏi thẳng Cụ Nội của cô là “Giữa quân đội Hoàng gia Nhật Bản và chính phủ Pháp Cụ thương ai ?” Ông Cụ đã trả lời :”Tôi thương cho số phận của người dân Việt Nam chúng tôi, tám mươi năm nô lệ”, để đi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp về sau lại từ bỏ để sang Pháp học ngành báo chí, một ngành học mà nam giới vào thuở đó còn chưa dám nghĩ đến chứ đừng nói đến người con gái con nhà quan đài các kiêu sa như cô. Rồi cô được nhận làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF. Một nữ phóng viên đã hiện diện khắp chiến trường đẫm máu tại Algérie và sau này là trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam được quốc tế và người dân Việt Nam ngưỡng mộ qua bút hiệu Minh Đức Hoài Trinh.

Minh Đức Hoài Trinh là một trong số rất ít những ký giả tài năng, kể chung cả nam lẫn nữ. Bà vừa là phóng viên chiến trường làm việc cho các hãng thông tấn ngoại quốc và viết cho vô số báo chí tại Paris và tại Sài Gòn. Bà lại còn dạy đại học, và vừa viết văn lại làm thơ. Thơ của bà không ít đã được các nhạc sĩ danh tiếng phổ nhạc, trong đó có Phạm Duy với “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” hoặc “Đừng Bỏ Em Một Mình” v.v… Đối với giới văn chương quốc tế bà Minh Đức Hoài Trinh đã nổi bật qua bài thơ “Em Mười Sáu Tuổi” được chuyển sang Anh ngữ:

Em mới mười sáu tuổi!

Sao bắt em ra chiến trường?

Để em chết trần truồng phơi gan phổi!

Nhìn xác em, ai không giận, không thương?

Ai bày ra chiến tranh?

Ai buôn chi gươm súng?

Để máu người hôi tanh!

Oán thù lên từng vũng!

Tên của bà cũng đã gắn liền với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam một thời và điểm đặc biệt mà giới làm báo viết văn tại Hải Ngoại phải nhớ đến bà, không thể nào quên được chính bà đã âm thầm tranh đấu với Văn Bút Quốc Tế thành lập nên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Cuộc đời trong sáng, sinh hoạt việc làm sôi nỗi của Võ Thị Hoài Trinh- Minh Đức Hoài Trinh nay đã được Nguyễn Quang, phu quân của bà, gom góp dữ liệu viết cuốn “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH”.

Đây không phải là hình thức của một cuốn hồi ký mà Nguyễn Quang chỉ cho ta thấy vô số hình ảnh và sự kiện lịch sử Minh Đức Hoài Trinh đã sống và làm việc. Từ những chuyến viếng thăm Hạm đội USS Enterprise, công tác báo chí tại Cam bốt, hoặc những bước chân đầu tiên vào ngày giải tỏa  thành phố Huế trong trận Mậu Thân, phóng viên thường trực tại Hội Nghị Hòa Đàm Paris 1973 cho đến những hình ảnh bà tranh đấu tại các Đại hội Văn bút Quốc tế tại Thụy Điển, Ba Tây…với những dữ liệu chính xác lôi cuốn qua hai ngôn ngữ Việt – Anh.

Nếu nói rằng “Hàng trăm câu văn cũng không bằng một tấm hình” thì “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH” của Nguyễn Quang đã thành công khi giúp cho những người yêu mến văn tài của bà và những thế hệ sau có được những tư liệu hình ảnh đánh dấu một giai đọan khó khăn của lịch sử, của một trong những người phụ nữ tiền phong. Minh Đức Hòai Trinh, người phụ nữ đượm đầy “chất Huế”, xuất thân qúy phái kiêu sa đã vượt thóat cái e ấp khép kín của một người thiếu nữ Huế, dấn thân và thành đạt với những thành quả và đóng góp rất đáng kính phục. Bà là người của buổi giao thời đã có can đảm sống một cuộc sống tự lập của người phụ nữ Âu Mỹ thời đại hiện thực.

Minh Đức Hòai Trinh, con người tài hoa đã với  tư tưởng mạnh mẽ vạch cho mình một hướng đi và đạt được cuộc sống giá trị phong phú lợi lạc cho đời. Hình ảnh của một người thiếu nữ khuê các đã kiên cường chọn đời sống tự lập tháo vác năng động, là kết quả của những hoạt động gian nan, sôi nỗi nhưng đầy thành công của Bà. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc xa gần “VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI MINH ĐỨC HOÀI TRINH” của Nguyễn Quang.


Phương Tôn

{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.