Tác giả: Trần Ngọc Phương
Ngày em hai mươi tuổi / Tay cắt mái tóc thề / Giã từ niềm vui nhé / Buồn ơi hỡi chào mi. Phạm Duy mở đầu bản nhạc với lời lẽ da diết như luyến tiếc. Có lẽ đây là một nhạc phẩm theo thể điệu bolero hiếm hoi của ông. Thêm vào nữa với giọng ca ‘sương khói’ chuyên trị bolero của Thanh Thuý, hát với nhịp điệu hơi dồn dập (dù trên bản nhạc có ghi nhịp ‘không nhanh lắm’) đã ru ngủ đưa người nghe vào cõi mộng, nhớ về cuộc tình ở tuổi đôi mươi của mình. Tác giả bản nhạc có lẽ chấp nhận cách diễn đạt này nên đã lấy hình của ca sĩ làm bìa cho nhạc phẩm của mình.
Tuổi hai mươi, tuổi vào đời. Tuổi hai mươi, tuổi biết yêu người. Tuổi hai mươi, con tim lên tiếng gọi. Cắt đi mái tóc thề mà như thể cắt đi tuổi thơ, giã từ ngây thơ, giã từ niềm vui hồn nhiên, để chào đón…buồn ơi …chào mi. Tuổi hai mươi là tuổi già của thiếu niên, nhưng là tuổi trẻ của người trưởng thành, cái tuổi lơ lửng trong cuộc đời. Cô gái ở tuổi hai mươi là biết yêu biết thương một người, không chỉ là những người thân quanh mình. “Ngày em hai mươi tuổi, mới chớm biết yêu người”. Cô gái bắt đầu đi vào những giấc mơ. Bấp bênh giữa hiện thực và mơ mộng đầu đời. “Ôi đã thoáng qua tuổi thơ / Khi suốt đêm hồn ngơ / Nghe trái tim ngủ mơ”. Cái nhìn cảnh vật chung quanh cũng đổi thay “Ôi nghe gió reo ngoài hiên / Mưa sẽ rơi triền miên / Sẽ hết chuyện thần tiên” Vâng không còn chuyện thần tiên nữa, mà thực tế hơn, biết thực trạng và ảo ảnh, biết đã có đến thì có đi, đã biết lo buồn “Đã buồn vì duyên mới / Rồi đây sẽ nhạt phai.” Continue reading →