*Lấy ý từ “Make Peace with Imperfection” của Dr. Richard Carlson
“Hoàn hảo” và “lo lắng” luôn luôn là đôi bạn đồng hành, muôn đời không thể xa rời nhau. Ngược lại, nếu có một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, chẳng bao giờ dứt, thì đó là cuộc chiến giữa “toàn diện” và “bình tâm”.
Một kiến trúc sư kiểm soát lại thiết kế của mình và tìm thấy một thiếu sót nhỏ mà ít ai để ý tới. Vì muốn được hoàn hảo, anh sửa đổi bảng vẽ, để rồi phải lo lắng nhiều vì phải đối phó với sự phung phí vật dụng và sự đình trệ của cả công trình có thể đánh mất đi lòng tin của khách hàng.
Một khi đầu óc mình bị ám ảnh bỡi ý nghĩ “chắc chắn có một đường lối khác sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp hơn những gì mình hiện đang có”, có nghĩa là mình đang tham gia vào một cuộc chiến mà phần thất bại chắc chắn thuộc về mình.
Tôi chưa từng gặp qua một người hoàn hảo lại có nội tâm an bình. Có phải bạn đang suy nghĩ giây lác rồi gật đầu: “Ờ nhỉ, mình cũng vậy, chưa từng gặp qua một người tuyệt hảo có một tâm hồn hoàn toàn thanh thản”?
Hãy nên hài lòng và trân trọng những gì mình đang có, dù là không tuyệt đối hoàn hảo vì có một vài sơ sót đâu đó. Đừng nên mổ xẻ tìm tòi những sơ sót, để rồi phải lại phải tìm tòi những cách thức cần thiết để sửa đổi nó. Xin nhớ rằng: thất vọng và bất ổn sẽ bắt đầu quấy rầy ta ngay sau khi ta khám phá ra những sai sót, lỗi lầm.
Những sơ sót này có thể là từ chính mình như một cái tủ quần áo lộn xộn, một vết trầy trên chiếc xe gắn máy mới, … hoặc từ những thiếu toàn thiện của người khác như là quần áo màu mè, tánh tình khó ưa, …
Càng để tâm nhiều đến những sự việc này, càng khó khăn để tiến tới mục đích trở thành một người thân thiện, bình thản và tử tế. Thân thiện với một người sao được khi mà mình để ý đến lối ăn mặc đáng ghét của người ấy. Bình thản sao được khi cứ nghĩ đến chếc xe cáu cảnh vừa mới bị 1 vết trầy, và tử tế làm chi đối với một gã có tính tình khó ưa, …
Đọc đến đây, tôi biết chắc bạn đang nghĩ: nếu không tìm sai sót để sửa chữa, và nếu không có tinh thần cầu tiến thì làm sao có thể có được sự kiện tốt đẹp hơn trong tương lai. Tôi không bất đồng với bạn. Tuy nhiên, những điều tôi đề cập trên đây, hoàn toàn không ăn nhằm gì đến việc mình cố gắng hết sức để mọi công việc hoàn tất tốt đẹp hơn. Nó chỉ muốn nhắc nhở bạn đừng để bị phân tâm nhiều vì những khuyết điểm của cuộc đời. Hãy biết ơn và tận hưởng những tươi đẹp đang có, trong khi vẫn nhìn nhận là luôn luôn và luôn luôn có cách thức hay hơn để hoàn tất một sự việc tốt hơn.
Quan trọng hơn hết là nên tự cứu vớt bạn trong lúc đang bị lún chìm trong đám sình buồn bã, chỉ vì cái ý nghĩ : “Tức quá! Phải chi hồi đó làm như thế kia, thế đó thì hôm nay không phải tệ như thế nọ, thế này.
Xin hãy vui vẻ nhận lấy: hạnh phúc gia đình sẵn có và đang có, tình thương từ những người thân đang ban cho, vật chất hiện tại đang giúp ta sống sót đến hết ngày hôm nay, …
Hãy luôn tự nhắc nhở mình rằng: Mình vẫn còn may mắn có được những gì mình đang có.
Tất cả mọi việc trên đời sẽ trở nên yên ổn tốt đẹp một khi sự Phán Xét và Phê Bình cùng rủ nhau vắng bóng.
Khi bạn bắt đầu dứt bỏ hành trình tìm kiếm “cách nào” để làm cho mọi khía cạnh cuộc đời được hoàn hảo, thì đó cũng chính là lúc mà bạn bắt đầu khám phá ra rằng mọi việc trên đời đang tự chuyển mình để hoàn hảo hóa, như chiếc gắn máy mới toanh trước khi tìm thấy vết trầy nhỏ!
Võ T. Phong
Lấy ý từ “Make Peace with Imperfection” của Dr. Richard Carlson
{jcomments on}