Các bài đăng của tác giả Đỗ Đặng Võ.



Nuôi ốc

Tác giả: Đỗ Đặng Võ

*Để tặng bạn HVT.
I- Bữa ăn thanh đạm
Trong một chuyến đi Key West qua ngã Naples nằm bên bờ phía Tây của
bán đảo Florida, vợ chồng Nghĩa dự trù tạt ngang và dừng chân một thời
gian ngắn ở Clearwater, Fort Myers và Sarasota để thăm viếng vùng nầy,
vì họ chưa có dịp đi qua đây.
Nghĩa có người bạn tên Bình ở Sarasota, Florida, nuôi ốc đằng sau
nhà.Hai ngày trước khi khởi hành, Bình gọi điện thoại cho Nghĩa dặn đi
dặn lại đi dọc đường ông bà đừng ăn gì hết, để dành bụng ghé nhà tôi
ăn bữa cơm thanh đạm với các món ăn dân tộc của vùng Long An và Gò
Công nghe! Từ xa lộ 75, lấy đường 780, quẹo ra hướng biển, đi một đoạn
đường ngắn, chưa vào phố chính Sarasota đã đụng phải khu nhà của anh.
Con đường dẫn vào nhà Bình có nhiều cây cổ thụ cho bóng mát rượi. Nhà
của anh tương đối dễ tìm. Sát mặt đường, ở hai bên lối vào nhà để xe
có trồng hai cây phượng vỹ, một đỏ một vàng màu sắc rất đẹp. Bình nói
anh có người quen cách đây mấy năm đi Puerto Rico về cho một ít hột,
anh gieo xuống trồng thử không ngờ thành công mỹ mãn.Người quen nầy,
nhà ở Jacksonville cũng gieo vài hột, trồng qua được một mùa xuân và
mùa hè, cây lớn khá nhanh, nhưng  đến mùa đông lạnh quá nên cả mấy cây
hươi nhị tì, làm ông ta tiếc đứt ruột đứt gan. Cây bên tay mặt ra bông
màu vàng rực rỡ, cành lá thấp lòa xòa phủ lên cả thùng thơ. Vợ chồng
Nghĩa xuýt xoa, đứng cạnh thùng thơ chụp hình, khen rối rít. Bên tay
trái, dọc theo lối vào nhà xe có một hàng rào trồng hoa ti-gôn trắng
và đỏ, với những nhánh hoa đong đưa trước gió rất thơ mộng. Sát gần
nhà, chạy dọc theo mặt tiền là một giàn hoa giấy màu tím và màu đỏ lói
cho bóng mát che kín hai cửa sổ rộng lớn của phòng khách. Trước hiên
nhà gần cửa chính, có nhiều chậu quỳnh, dao, và mai tứ quý đặt trên các
bậc thềm dẫn vào nhà.

Continue reading

Chuyện ba nàng mỹ nhân ngư

Tác giả: Đỗ Đặng Võ

Từ vô thủy, những người đi biển, sau những chuyến hải hành dài trở về,
có kể lại họ đã nghe được tiếng hát tuyệt vời của các nàng tiên cá.
Biển cả mênh mông bao quanh trái đất, nhưng không hiểu sao, người ta
chỉ tìm thấy các truyện thần kỳ nầy ở trong các nền văn hóa Hy Lạp và
La Tinh?

Ở Á châu, phải chăng vì Na Tra đại náo Thủy Cung nên các cô bị bắt
buộc phải thiên cư qua trời Âu? Thủy Cung giờ đây chỉ còn Rồng trú
ngụ. Nhưng Rồng thì thường được miêu tả như một nam nhân, và hầu hết
được làm vua. Tổ tiên chúng ta cũng là một vua rồng ở biển Đông, Lạc
Long Quân. Truyện cổ tích Nhật có kể anh chàng Tarô, một hôm cứu được
một con rùa biển, nhưng không ngờ đó là công chúa con của Long Vương.
Phải chăng cô nầy cũng là một nàng tiên cá?
Continue reading

Tản mạn về một chuyến đi Đông Nam Á [ tt ]

III  -Lào

Nước Lào là một quốc gia nằm sâu trong đất liền, và là quốc gia duy
nhất ở Đông Nam Á không có đường thông ra biển, với diện tích 236.800
cây số vuông, và dân số năm 2009 là 6,8 triệu dân. 70% diện tích là
rừng, bình nguyên và cao nguyên. Thủ đô và thành phố lớn nhất là
Vientiane. Sau đó là các thành phố lớn khác như Luang Prabang,
Sanannakhet, và Parkse. Continue reading

Tản mạn về một chuyến đi Đông Nam Á

I  -Phần Mở Đầu

Trời đầu tháng chín ở tiểu bang miền Đông Nam Hoa Kỳ nầy, vẫn còn oi
bức và nóng lắm. Sáng thứ bảy cuối tuần, theo thông lệ, sau khi cà phê
cà pháo đầy đủ, Bố Mèo vác cái thân gầy còm dài lưng tốn vải ra vườn
để lao động “vinh quang” (!). Anh đem theo ra sân một bình nước đá
lạnh chứa cỡ hai lít nước để uống cầm chừng, ngừa đột quỵ do sức nóng.
Công việc ngoài vườn và chung quanh nhà sao mà lúc nào cũng ê hề, sẵn
sàng đợi anh ra để giải quyết. Cắt cỏ, cắt cây, tỉa cành, quét lá, đổ
rác, vén khéo một góc vườn nhỏ trồng đủ loại hoa của Mẹ Hươu, nhổ cỏ
dại, bắt sâu, bón phân cho mấy cây kiểng, thay cái bóng đèn trong nhà
để xe mà Mẹ Hươu đã năn nỉ ỉ ôi cả mấy ngày rồi vẫn chưa chịu làm…,
công việc nào cũng có ưu tiên riêng của nó. Xui một điều là nhà của vợ
chồng anh ở cạnh nhà một ông Mỹ già rất chăm làm vườn. Cái thảm cỏ nhà
ông ta từ sân trước ra sân sau lúc nào cũng cắt xén cẩn thận, xanh mơn
mởn không có một cọng rác, lá khô hay cỏ dại. Làm Bố Mèo mắc cỡ phát
điên lên, cứ mỗi mười ngày một lần, bất chấp nắng mưa phải nai lưng ra
mà cắt cỏ, để khỏi bị thua thiệt. Người ta bảo gần đèn thì sáng, nhưng
đèn mà sáng quá thì mình đâm mờ mắt! Mà mờ mắt thật! Bố Mèo có cái tật
thích ngủ nướng, tám giờ trời sáng bét mắt vẫn còn nằm ôm gối trong
chăn ngáy như sấm, vợ thoạt đầu tức mình “bầm gan tím ruột”, nhưng dạy
dỗ hoài không đi tới đâu nên riết rồi cũng đành phải “từ bi hỷ xả” bỏ
mặc luôn, chẳng thèm đoái hoài tới nửa lời. Ngủ dậy xong thì cà kê dê
ngỗng, uống cà phê, ăn sáng và đọc báo, mãi đến mười giờ mới ra vườn.
Lúc đó thì mặt trời đã bắt đầu lên cao, nắng chói chan và nóng bỏng
trên lưng, đẩy cái máy cắt cỏ cổ lổ sĩ chừng vài vòng là mồ hôi toát
ra như tắm, mắt đeo kính râm và bình nước uống cạn đến hết một nửa, mà
vẫn còn thấy xây xẩm!

Continue reading

Ái Lynh

Lời nói đầu:

* Tắt cả nhân vật, sự kiện, tình tiết trong truyện nầy đều hoàn toàn do trí tưởng tượng của tác giả.
Mọi sự trùng hợp nếu có, ở ngoài đời, chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi, ngoài ý muốn của tác giả, và chúng tôi xin lỗi trước. Truyện này tiếp theo” Điệu Calypso cuối cùng” đã đăng trước đây.[trang 32] .ĐV
* Vì bài dài quá số chữ ấn định nên khi bình luận xin bấm vào mục bài đăng mới nhất [ Ái Lynh ] Đa tạ .HX

Để tặng một người.

 

I.- Ngày tôi ra trường Y Khoa nhằm một ngày cuối xuân thật đẹp. Ở thành phố có nhiều đại học lớn ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ nầy, trời giữa tháng năm vẫn còn mát lạnh. Hoa trên cành đã nở rộ từ đầu tháng và những lá xanh non mơn mởn đã phủ đầy những nhánh cây đen đủi khô cằn của những tháng tuyết rét vừa qua.
Suốt bốn năm vừa qua, những lúc rảnh rỗi tôi vẫn thường ra công viên gần bờ biển nhìn trời nước mênh mông, như dạo nào tôi vẫn thường làm, có Hà bên cạnh, bên bờ sông Hương. Nhưng giờ đây tôi đã bớt đi rất nhiều sự háo hức trong lòng, kiểu anh hùng thấm mệt. Đã bao nhiêu cuộc bể dâu thăng trầm trong đời tôi đã làm lắng đọng những bồn chồn bồng bột của thời xa xưa…

Một trang sách trong tiến trình lịch sử đời tôi sắp được lật qua. Tôi bước vào đại giảng đường, nơi làm lễ trao văn bằng, một cách bình thản và ngồi xuống chung với các bạn cùng khóa. Chúng tôi đã trải qua bao nhiêu thử thách trong bốn năm vừa qua bên cạnh nhau, buồn cũng có, vui cũng nhiều. Giờ đây là giây phút hệ trọng của một đời người. Thân nhân các bạn đồng lớp với tôi ngồi chật cả giảng đường, đằng sau lưng chúng tôi. Tiếng cười nói ồn ào vui vẻ, phá tan hẳn sự im lặng đạo mạo thường ngày của giảng đường và ánh sáng flash của nhiều máy chụp hình lóe lên liên tục.

Tôi biết hôm đó không ai đến góp vui với tôi, vì tôi đã chẳng mời ai cả. Người thân của tôi chẳng có ai nên mọi thủ tục rườm rà của một buổi lễ ra trường dã được giản dị hóa đến mức tối đa. Hà có viết cho tôi một lá thư ngắn chúc mừng ngày đại đăng khoa của tôi. Hà khá bận rộn với con cái đang lớn, và lời thư vẫn còn trìu mến và đượm vẻ hối tiếc. Sau khi đọc xong tôi gấp thư lại và bỏ vào túi áo cạnh tim mình như ngày xưa tôi đã giữ túi hoa ti-gôn của nàng. Sau một vài ngày, tôi để lạc mất bức thư đó. Ngạc nhiên thay, lòng của tôi vẫn bình thản. Tôi cần phải tìm một hướng đi mới.
Buổi lễ vừa xong, sau khi chụp hình lưu niệm với các bạn và quý thầy cô giáo, tôi thư thả bước nhẹ trên con đường với hai hàng cây cao, trải đầy hoa nắng lung linh trong gió, văn bằng tiến sĩ nằm gọn trong tay, từ chỗ hành lễ đến bãi đậu xe. Tôi nhìn chung quanh một lần chót khung cảnh học đường đầm ấm mà tôi đã dùng làm nơi ẩn náu trong bốn năm trời.
Vào khoảng vài tuần sau ngày ra trường, tôi về làm thường trú tại một bệnh viện lớn của một trường đại học khác nằm không xa mấy, trường đại học cũ của tôi. Thêm năm năm dài đằng đẳng với những đêm dài trực gác ở bệnh viện, nhiều lúc phải thức thâu đêm suốt sáng, và những hành lang vắng tanh với những ngọn đèn vàng héo hắt dẫn từ trại bệnh này đến trại bệnh khác.
Những va chạm thường xuyên hằng ngày với sự sống, chết, và thực tế khác hẳn với lý thuyết đã học qua, của thế giới bệnh tật làm cho lòng tôi nhũn hẳn lại, để rất nhiều lần nhận biết được cái kiến thức quá hạn chế của mình không đủ để giúp các bệnh nhân ngặt nghèo với những cơn bệnh đa trạng và phức tạp. Mỗi một ngày là một sự rèn luyện, mỗi người bệnh là một thử thách, một vị thầy. Và cứ như vậy, trong năm năm dài, tôi vững mạnh tiến lên, mỗi bước như có tăng thêm sức mạnh, làm cho tôi có nhiều tự tin hơn.
Thời gian vất vả cực nhọc làm thường trú đối với tôi cũng như lò luyện thép ở quân trường dạo nào. Nó giúp đào tạo người y sĩ điều trị tương lai có một kinh nghiệm vững chắc, một tâm hồn phục vụ cao cả. Và nếu áp dụng luật vô thường và Tứ Diệu Đế của nhà Phật vào cuộc sống đầy thử thách của một thường trú, thì đây cũng là một dịp giúp tôi dùng nó để quán thân bất tịnh và hiểu rõ hơn cái sanh lão bệnh tử của đời người phù phiếm như thế nào.
Trời mùa Đông thỉnh thoảng có những đêm tương đối rảnh rỗi, tôi được thư thả ngồi nhìn ra cửa sổ trông tuyết rơi trắng xóa trên các mái nhà bên dưới phòng trực. Những lần như vậy đôi khi tôi cũng chạnh lòng nhớ nhà, ở mãi bên kia Thái Bình Dương, có nắng ấm quanh năm.
Một hai mùa Giáng Sinh tôi cũng đã tình nguyện đổi trực cho vài thường trú khác để họ có dịp quay quần bên lửa ấm gia đình trong ngày lễ lớn. Đối với hoàn cảnh của tôi, sống tự mãn một mình thì ngày lễ này không quan trọng lắm. Ở nhà thì cũng thui thủi một mình đọc sách, cho nên vào bệnh viện làm việc còn hay hơn vì còn có dịp tiếp xúc với nhiều người khác.
Tôi cũng đã có dịp trở lại viếng mộ Esmeralda (1) một đôi lần trong thời gian làm thường trú. Mỗi năm tôi được nghỉ phép hai tuần, và tôi dùng thời gian đó để đi du lịch. Người bạn yêu quý, bất hạnh và bạc mệnh đó thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong dòng tâm tư của tôi, những lúc tôi ngồi trong một quán vắng nhâm nhi một ly cà phê capuccino đã nguội và đắng nghét vì không có đường.
Tôi cũng đã có một lần biên thư cho Hà để thăm hỏi về gia cảnh của nàng, nhưng thư bị trả lại. Có thể nàng đã dọn nhà đi nơi khác, hoặc đã dời đi một tiểu bang nào đó…
Ngày tôi tốt nghiệp chương trình huấn luyện hậu đại học, tôi đã trở thành một y sĩ chuyên khoa nhưng hằng ý thức rằng kiến thức của mình vẫn còn quá nông cạn, và suốt đời, tôi vẫn chỉ là một y sinh luôn phải tầm thầy học đạo, cũng giống như chàng hiệp sĩ samurai Musashi trong truyện “La pierre et le sabre” của nhà văn Eiji Yoshikawa.
Ra trường xong tôi đổi về làm việc tại một bệnh xá lớn ở tiểu bang New Mexico. Tôi đã sống nhiều ở các tiểu bang miền Đông Bắc với giá tuyết và những cơn lạnh thấu xương, nên miền Tây Nam bỗng trở thành một hấp lực khá lớn.
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở nước Mỹ, và tôi đã có nhiều cảm tình đặc biệt với vùng trời sa mạc của các tiểu bang miền Tây Nam. Những khoảng trống mở rộng bao la đến tận chân trời, những núi trọc đầy sỏi đá không có một ngọn cỏ, chân cây, xen lẫn với những cánh rừng thật mát rượi với cây cối hùng vĩ, vùng Grand Canyon kỳ danh thế giới, những vùng thung lũng phì nhiêu đối chọi hẳn với những cánh đồng sa mạc hoang vu, với nắng cháy cằn cỗi…tất cả những cái đó tạo thành những nét chấm phá độc đáo của một bức tranh linh động đầy tương phản.
Tôi đã đi thật nhiều qua các tiểu bang Arizona, Nevada, New Mexico, Utah…và vùng El Paso của Texas giáp giới với Mễ Tây Cơ. Những đêm tối xa hẳn ánh đèn đô thị, khi trời bắt đầu trở lạnh sau khi mặt trời lặn sau đỉnh núi, nằm nhìn sao nở rộ trên bầu trời, mình có cảm tưởng như có thể với tay ngắt lấy từng ngôi sao một. Và rồi phì cười với ý nghĩ ngông cuồng của mình. Gió mát đâu đó mon trớn da mặt thật nhè nhẹ, tiếng nổ lốp bốp của những cành củi còn xanh của lửa trại dần đưa người lãng tử phiêu bạt vào một giấc mộng thoát tục.
Lúc còn ở đại học, tôi đã vay tiền của chính phủ để trang trải học phí và ăn ở, với điều kiện là sau khi tốt nghiệp tôi phải về phục vụ ở những vùng thiếu bác sĩ trong một khoảng thời gian ấn định nào đó. Chuyện này đối với tôi không trở ngại gì, vì mục đích đi học y khoa, theo tôi, là để phục vụ những người kém may mắn hơn mình chớ không phải để làm giàu. Một đôi khi, lý tưởng phục vụ đã bùng cháy mãnh liệt trong bầu nhiệt huyết của tôi, và đã khiến tôi muốn về phục vụ ở những vùng trời xa xăm nào đó, những hang cùng ngõ hẻm nhun nhúc đầy người nghèo khốn khổ ở những đô thị lớn của các nước chậm tiến, và những làng mạc hẻo lánh xa ánh sáng văn minh…
Tôi làm việc tại một bệnh xá dành cho người Native Americans. Những gì tôi đã học và thu thập được qua sách vở, cùng với kinh nghiệm thu thập được qua những năm làm thường trú đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Công việc của tôi rất bận rộn nhưng không vất vả. Những ngày cuối tuần rảnh rỗi tôi thường lái chiếc Land Rover một đời chủ, mà tôi đã mua lại, đi chơi khắp vùng. Chiếc xe đã hai tuổi nhưng trông còn rất mới và ở trong tình trạng rất tốt, vì người chủ cũ rất ít xử dụng đến nó. Ông ta làm việc cho một công ty lớn có giao dịch thương mãi với các thân chủ ở các nước ngoài nên ông cứ bị phái đi công tác ở ngoại quốc dài hạn.

Chiếc xe để ở nhà không xử dụng đến mà vẫn phải đóng thuế nên ông ta quyết định bán nó đi. Đây là một món quà xa xí mà tôi tự tặng tôi, sau khi lãnh cái paycheck đầu tiên. Tôi cũng phải đi vay ngân hàng một số tiền lớn để mua xe này.Thật ra thì lương của tôi cũng khá dư dả cho một mình tôi. Do đó tiền trả nợ xe hằng tháng không phải là một gánh nặng lớn.
Cuộc sống độc thân của tôi cũng êm đềm. Thời gian cuối tuần hoặc các ngày lễ, tôi thường đeo backpack đi vào núi hoặc rừng hoang để cắm trại. Có khi tôi lái xe đi chơi thật xa, đi để mà đi, hoàn toàn không có mục đích, để thực hiện những giấc mơ lãng tử của thời niên thiếu. Những lúc thời tiết xấu không tiện đi chơi xa, thì tôi dùng để đọc sách, hoặc đi xem trình diễn văn nghệ như vũ và âm nhạc tại các đại hý viện. Tôi cũng thường được các bệnh nhân của tôi mời đến dự các lễ lạc đầy màu sắc cổ truyền của họ.
Bệnh nhân của tôi phần lớn thiếu thốn về mọi phương diện. Tôi cố gắng giúp đỡ họ thật nhiều trong khả năng hạn chế của tôi. Tôi cũng hòa đồng với họ một cách dễ dàng. Tôi bắt đầu để tóc dài, và vì hoạt động ngoài trời nhiều nên chẳng mấy chốc mặt mày của tôi sạm nắng đầy vẻ phong trần.
II.-Tôi thường xuống Albuquerque chơi. Albuquerque là một thành phố nằm trong một thung lũng rộng lớn. Giữa một bên là dãy núi Sandia và bên kia là vùng cao nguyên chạy dài song song với dòng sông Rio Grande. Dân số của thành phố này trên bốn trăm ngàn người. Đây là một thành phố lớn, có nhiều sắc thái phối hợp của ba nền văn minh: American Indian, Tây ban Nha và Anglo. Hằng năm, vào tháng mười có đại hội thi đua Khinh khí Cầu với sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới, trông rất đẹp mắt. Khu Phố Cũ được tân trang lại, là một nơi thu hút rất nhiều du khách đến viếng.
Người Việt Nam ở Albuquerque không đông lắm, nhưng cũng được vài tiệm ăn nằm trên đường Central, không xa viện đại học New Mexico bao nhiêu. Những con đường nằm cạnh viện đại học cũng khá trữ tình, tuy không thơ mộng bằng con đường Duy Tân cây dài bóng mát của viện đại học Sàigòn.
Tôi gặp nàng vào một buổi chiều nóng bức khi trời đang chuyển mưa. Từ thư viện của truờng đại học ra, tôi ghé vào một tiệm ăn bán hamburger gần đó, định bụng ăn thật nhanh rồi còn phải lái xe trở về bệnh xá, cách đó khoảng một giờ lái xe. Lái xe giữa sa mạc đồng khô cỏ cháy trong cơn mưa giông với gió thổi mạnh và sấm sét ngập trời chẳng có gì thú vị cả. Gặp những lúc trời mưa đá rơi ào ào trên kính chắn và nóc xe, mà phải lái hoài trên xa lộ dài thăm thẳm và thẳng tắp nhưng vẫn không thầy có chỗ ẩn nấp thì rất kinh hoàng…
Nàng mặc đồng phục của hiệu ăn và đang đứng sau quầy hàng. Bốn mắt vừa chạm nhau, tôi liền cảm thấy bị thu hút thật mạnh, và bước chân tôi bỗng chốc dường như khựng lại. Tôi ấp úng mãi mới nói được vài lời. Hồn khôn của tôi sao bỗng dưng bay mất. Còn nàng mặt vẫn tỉnh như không. Sau này nàng kể cho tôi nghe “mặt anh lúc đó đực và thộn ra trông chẳng có khí phách gì cả” và, “không hiểu tại sao em lại có thể yêu anh được?”. Sau khi nhận thức ăn và nhận tiền thối lại, tôi bưng khay ra một chiếc bàn con nhìn ra ngoài đường, và ngồi xuống. Lúc nàng trao tiền thối lại cho tôi, tôi ngại quá không kịp đếm, bỏ hết tất cả lên khay thức ăn. Đến lúc về đến bàn ngồi xuống kiểm lại thì mới nhận biết nàng đã thối dư cho tôi nhiều lắm. Tôi vội đem số tiền thôi dư đó trao lại cho nàng.
Khuôn mặt nàng lúc đó có vẻ thiếu bình tĩnh, và si dại như đã bị hớp hồn, khi thấy tôi trở lại.
-Tôi phải cám ơn cô về nhã ý quá tốt của cô, vừa cho ăn miễn phí mà lại còn cho tôi thêm tiền nữa.
-Ủa, ông nói gì vậy?…Mặt nàng nhí nhảnh, hai mắt tươi cười… À thôi, tôi biết rồi: tôi thối lộn tiền chứ gì?
-Quả đúng như vậy. Và tôi trao lại tiền thối dư cho nàng.
-Cám ơn ông thật nhiều. Hôm nay vì tôi quá bận rộn, nên cũng thấy mệt. Cũng may là sắp hết giờ rồi. Nếu cứ thối lộn kiểu nầy hoài thì chỉ có làm công không cho chủ mà thôi.
Và nàng cười. Nụ cười hiền dịu thật dễ thương.
Hai chân tôi hầu như đã mọc rễ. Cũng may lúc đó tiệm ăn vắng người. Ngoài trời mưa đã ầm ầm đổ xuống, và sấm chớp liên hồi. Và tôi cũng không còn nhớ đến chuyện ra về sớm. Đằng nào cũng phải chờ cho cơn mưa giông qua, hoặc chờ cho mưa bớt nặng hột trước khi lái xe về.
Chúng tôi hỏi nhau những câu hỏi xã giao bâng quơ:
-Cô làm ở đây đã lâu chưa?
-Cũng được mấy năm rồi. Nhưng chỉ làm hè và cuối tuần thôi. Và cũng vì đã làm lâu rồi nên họ cho làm manager.
-Thế mấy tháng kia không phải hè cô làm ở đâu?
-Tôi đi học. Tôi là sinh viên của UNM (University of New Mexico).
-À thì ra là thế.
Tôi muốn hỏi thêm thật nhiều, và muốn tìm hiểu thêm về cô gái, nhưng đã có một vài người thực khách vừa bước vào tiệm, nên tôi phải trở về bàn mình…Bản tin thời tiết trên ti-vi cho biết cơn giông chiều hôm đó có thể kéo dài nặng hơn, nên tôi vội vã ăn thật nhanh để phải lên đường ngay trước khi trời tối, vì còn phải lái đường xa. Tôi liền xin số điện thoại của nàng và hứa sẽ liên lạc ngay khi nào có dịp.
Từ buổi ban đầu gặp gỡ đó, tôi trỏ về nhà mà tâm hồn vẫn còn vương vấn mãi ở Albuquerque. Chúng tôi trở nên thân thiết và thương nhau từ đó. Lần đầu tiên tôi gọi điện thoại cho nàng, giọng nàng rất mừng rỡ qua điện thoại, cười nói không ngớt.
Từ lúc quen nàng, tôi buông thả hẳn bao nhiêu dè dặt mà tôi đã có sẵn hơn mười năm qua. Tôi như con bướm vừa mới thoát ra khỏi cái kén mà tôi đã tự dệt quanh tôi để tự bảo vệ mình. Tôi cũng như người vừa tìm được cây kim trong một vựa rơm, và mừng không kể xiết.
Nàng là một người con gái khỏe mạnh, tầm vóc cao lớn, với làn tóc đen dài chảy xuống quá bờ vai, mũi thanh và thẳng, mắt to lớn và đen nhánh như hai hột nhãn, một khuôn mặt thật đẹp, bầu bĩnh, và một nụ cười thật tươi tắn, nhí nhảnh tinh ranh như sẵn sàng trêu chọc, nhưng ngược lại cũng thật hiền dịu. Hàm răng trắng và đều đặn tạo thêm vẻ duyên dáng cho nụ cười rất dễ thương của nàng. Nàng có nhiều vẻ đẹp của một kiều nữ Á châu, có lẽ từ mẹ nàng truyền lại.
Ông nội của nàng là người American Indian, trước làm trưởng làng. Ba của nàng được gia đình cho đi học luật, và đã tốt nghiệp luật sư. Trong thời gian học đại học, ông đã quen được với một nữ sinh viên dược khoa thật xinh đẹp người Thái Lan, và sau khi tốt nghiệp, hai người đã kết hôn với nhau. Ba của nàng không muốn trở lại pueblo để sinh sống, và sau khi kết hôn với mẹ của nàng , thì hai người ra lập nghiệp ở Santa Fe. Ông mở một văn phòng luật sư khá thành công và có rất nhiều thân chủ.
Nhờ biết khôn ngoan đầu tư vào thị trường chứng khoán và địa ốc, nên chẳng bao lâu, cha mẹ nàng trở nên giàu có. Hai ông bà chỉ có một mình nàng là con duy nhất nên họ rất nuông chiều. Mẹ nàng đã bỏ hành nghề dược sĩ để ở nhà lo cho con.
Nhờ gia đình khá giả, và vì nàng là con một, nên nàng không thiếu thốn gì cả. Nàng thông minh, và học rất xuất sắc nên lấy luôn một lúc hai majors : khảo cổ và Anh văn. Vậy mà điểm học của nàng cũng rất cao trong tất cả các môn học. Nàng cũng rất tích cực trong các hoạt động thể thao : kiếm thuật (fencing), bơi lội và bóng rổ. Có lần nàng đoạt giải quán quân về bơi lội ở cấp tiểu bang. Nàng cũng ở trong đội bóng rổ của trường đại học, nhưng phải bỏ ra, vì thời gian tập dợt và thi đấu với các đội khác đòi hỏi quá nhiều thời gian.
-Mẹ của em bảo em bơi như con rái cá. Nhưng có gì khó hiểu đâu anh! Ở cạnh pueblo của ông bà nội em có môt con sông lớn. Mỗi lần em về thăm nội, em đều nhảy xuống đó bơi, riết rồi thành bơi giỏi lúc nào chẳng hay. Còn kiếm thuật giúp cho em tập trung tinh thần, lúc thủ cũng như lúc công. Các kiếm sĩ samurai của Nhật ngày xưa không ít thì nhiều cũng đều học thêm tịnh tọa. Dạo trước mẹ em cũng bắt em đi học ballet và tap dancing, nhưng sau một thời gian em cảm thấy không thích hợp với các bộ môn nghệ thuật đó, và đã xin phép mẹ em cho nghỉ học. Mẹ em lúc đầu không chịu, nhưng nhờ ba em năn nỉ thêm và thuyết phục mãi nên bà mới chịu. Tên của nàng là Ailene. Tôi hỏi nàng từ đâu có tên đó. thì nàng phì cười giải thích :
-Lúc đầu ba em đặt tên cho em là Irene. Nhưng mẹ em đọc chữ “R” thấy khó quá, nên ba em đổi ra Ailene cho dễ gọi.
-Tên em đổi sang tiếng Việt là Ái Liên hoặc Ái Lynh.
-Nếu vậy em sẽ chọn Ái Lynh.
-Ừ, thì anh sẽ gọi em là Ái Lynh vậy.
Và kể từ ngày đó, giũa chúng tôi, nàng là Ái Lynh. Nàng có vẻ muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Thấy nàng có tính háo thắng, và năng khiếu bẩm sinh về sinh ngữ, tôi để thì giờ chỉ dẫn thêm cho nàng về cách đọc và viết tiếng Việt. Về phần tôi, tôi cũng đã ghi danh học thêm sinh ngữ Spanish ở UNM. Nàng cũng có Spanish trong curriculum của nàng, nhưng các lớp học của chúng tôi không trùng nhau. Về sau nầy, hai đứa chúng tôi có thể nói chuyện với nhau bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng sinh ngữ chính vẫn là tiếng Anh và tiếng Việt. Riêng về phần tôi, tôi không hiểu nàng thương tôi ở điểm nào? Cái khuôn mặt sạm nắng và tóc dài buộc sau gáy chăng?
-Trông anh giống người bản xứ của em lắm. Mặc dầu em là một đứa con với hai dòng máu, nhưng trong thâm tâm em, thì dòng máu bản xứ từ ba của em rất mạnh. Nếu không muốn nói là dòng máu chính. Quê mẹ của em ở một nơi chốn xa xôi, cách trở đến nửa vòng địa cầu, mà em chưa có dịp đặt chân đến. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà em không yêu quí dòng máu Thái trong huyết quản của em. Anh có cặp mắt buồn buồn như có gì uất ẩn từ mấy ngàn năm qua.
-Thế bây giờ được gặp em và yêu em, anh đã hết buồn rồi. Như vậy, em có còn thương chăng?
-Thương chứ! Thương mãi và yêu hoài. Anh vui, thì em mừng cho anh và vui theo. Anh buồn thì em lại càng thương hơn.
Nàng kể cho tôi nghe về nỗi buồn của người Mỹ bản xứ (native americans), nỗi buồn bị thống trị. Tổ tiên nàng đã bị đám lính viễn chinh Conquistadores sang đây bắt làm nô lệ. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đi theo vết chân của đám người chinh phục nầy đã dùng vũ lực ép buộc người bản xứ phải từ bỏ tín ngưỡng của tổ tiên họ truyền lại để chấp nhận một giáo lý mới hoàn toàn xa lạ với họ. Những người nào lén lút thực hành tín ngưỡng gốc của mình đều bị đàn áp dã man, và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Những Conquistadores nầy còn đem đến với họ các bệnh truyền nhiễm tàn ác mà tổ tiên chúng em không kháng cự được vì không có sẵn sự miễn nhiễm tự nhiên, nên hàng vạn người đã chết.
Chúng tôi dành thì giờ rảnh rỗi, tuyệt đối hoàn toàn cho nhau. Nàng bận đi học, và tôi bận đi làm. Hầu như cuối tuần nào không bận, thì chúng tôi đều đi chơi xa. Phong cảnh sa mạc ở vùng nầy rất đẹp. Chiếc xe Land Rover lãng tử và bước chân giang hồ của chúng tôi đã đi qua bao nhiêu thắng cảnh hùng vĩ của Arizona, Nevada, Utah, Colorado, New Mexico và Texas.
III.- Không bao lâu sau khi quen nhau, chúng tôi dành ra hai tuần để đi hiking dưới đáy Grand Canyon. Với backpack nặng trĩu đeo sau lưng, đầy nhóc thực phẩm khô và vật liệu cắm trại, chúng tôi đi dọc theo dòng sông Colorado, ban ngày đi lang thang tìm tòi học hỏi và “thám hiểm”,còn ban đêm thì dựng lều ven bờ sông nằm nghỉ, lắng nghe tiếng sóng nước và ngắm sao. Những lúc như vậy,
thời gian hầu như ngừng trôi hẳn lại, và con người với sự vô nghĩa của mình đã nhập thể và hòa hợp với vũ trụ rộng lớn mênh mông bao quanh mình.
Chúng tôi đi mấy ngày liền mà không gặp một bóng người. Có gặp chăng thì người kia cũng vội vã lẫn tránh thật nhanh khỏi tầm mắt mình, để tìm lại cái hoang dã và im lặng của thiên nhiên. Không nói mà cũng dễ hiểu, những ai đã bỏ công đi bộ từ miệng vực thẳm xuống đến tận đáy, đều muốn bỏ lại đằng sau cái náo nhiệt ồn ào của cuộc sống văn minh vật chất, để tìm lại cái tịnh của tâm hồn qua sự hòa đồng với quan cảnh thiên nhiên còn ban sơ đẹp tuyệt vời chung quanh mình…Ngay giữa mùa hè, nước sông Colorado vẫn lạnh như cắt, và phải nhiều can đảm lắm mới dám vọc mình dưới nước. Tôi đọc báo được biết rằng nước sông dạo trước đục ngàu vì dồi dào chất phù sa, và ấm hơn bây giờ. Khi con người xây đập đề tạo Lake Powell và khai thác thủy điện thì bao nhiêu chất phù sa đều bị giữ lại ở thượng nguồn, nên nước sông mới trở thành trong.
Một hôm, trời chuyển giông thật nhanh. Chúng tôi vừa ăn cơm chiều xong, và đang chuẩn bị dựng lều cho buổi tối thì mưa tới. Mưa tầm tã và nặng hột. Chúng tôi phải rời bỏ chỗ dự định cắm lều cạnh bờ sông, và men lần theo các tảng đá lên chỗ cao hơn. Canyon ở đoạn nầy khá hẹp nên mực nưóc có thể dâng lên cao một cách nhanh chóng, và vì nước chảy xiết nên rất nguy hiểm.
Mãi đến nửa giờ sau, chúng tôi mới kiếm được một hang đá khá lớn có thể làm chỗ trú ẩn qua đêm. Trần hang khá cao, có thể đứng lên đi lui tới mà không sợ đụng đầu. Mặt đá dưới chân chúng tôi khá bằng phẳng nên thật là lý tưởng để nằm nghỉ. Hai đứa chúng tôi đều ướt sùng sũng như chuột, nhưng hớn hở vì không phải ngủ đêm dưới mưa. Trời cũng vừa tối và màn đêm phủ xuống thật nhanh. Chúng tôi thay áo quần trong bóng tối dày đặc, dày đến độ không thấy bàn tay mình lật ngữa trước mặt, vắt cho ráo bớt nước và kiếm chỗ trải phơi ra cho chóng khô. Thật ra cơn mưa cũng cho chúng tôi một cơ hội tắm rửa sạch sẽ, vì đã bao nhiêu ngày qua chúng tôi đã không tắm được do nước sông quá lạnh. Chúng tôi kiếm một chỗ bằng phẵng và khô ráo, trải tấm bạt bằng vải dù trên nền hang và nằm xuống nghỉ. Mỗi lần có sấm chớp, chúng tôi có thể nhìn thấy màn mưa dày đặc, và một đôi khi khác, bức tường đá sừng sững bên kia sông.
Và tối hôm đó, trong cơn thịnh nộ của vũ trụ, trong cơn giận dữ của trời đất, mặc tiếng thị oai của sấm sét, mặc cho cơn mưa như thác lũ của thời khai thiên lập địa, hai đứa chúng tôi quấn quýt ôm chầm lấy nhau, như ngoài kia trời và đất đã nhập một dưới cơn mưa dữ dội, trong sự hòa đồng của mây mưa, gắn chặt vào nhau để sưởi ấm cho nhau trong sự chan chứa của tình yêu đôi lứa. Thời gian như cô đọng và dừng hẳn lại, và khái niệm về không gian cũng mất hẳn, để chỉ còn thấy người mình yêu nằm gọn trong vòng tay của mình…
Mãi đến khuya mưa mới tạnh. Chúng tôi vẫn còn thức và cảm thấy đói bụng. Giá có thể đốt lửa được thì tôi sẽ nấu một tô phở đậm đà để hai đứa cùng chia sẻ, rồi pha cà phê hoặc trà mạn sen để nhâm nhi cho ấm bụng. Tôi có đem theo nhiều gói phở khô và thịt bò sấy khô để ăn dần trong chuyến hành trình nầy. Ở dưới tận đáy của canyon mà có phở để ăn thì quả là một niềm vui tối thượng. Chúng tôi đành gặm chocolat, ăn nho khô cùng bánh crackers, và uống nước đun sôi đã nguội từ bình thermos.
Sau cơn giông và cơn mưa như thác lũ, bầu trời đã sáng trở lại. Tối hôm đó không có trăng, nên sao trời nở rộ. Chúng tôi ra ngồi ở bên ngoài miệng hang, ngước mắt nhìn trời. Nàng cuộn mình trong cái chăn ấm, hai chân duỗi ra, và đầu tựa vào ngực tôi. Nàng chỉ cho tôi cách coi sao và dạy cho tôi tên của các vì sao lớn. Từ nhỏ đến lớn tôi đã ngắm sao biết bao nhiêu lần mà vẫn chưa tìm cách biết tên sao. Nàng cũng không quên kể cho tôi nghe những câu chuyện thần thoại mà bà nội nàng đã kể cho nàng nghe thuở tấm bé, có dính líu đến các tinh tú trên trời. Tôi ngồi thật yên nghe nàng nói. Bàn tay phải của tôi ôm chặt bờ vai nàng, còn tay trái choàng ngang ngực nàng, và hơi ấm của chúng tôi chuyền sang cho nhau.
Sau môt lúc nói chuyện thật lâu, nàng ngừng kể. Cả hai đứa đều giữ im lặng. Đêm hình như cũng dừng lại. Hơi thở nàng trở nên đều hơn…và tôi biết nàng đã thiếp ngủ. Tôi nhớ lại chuyện chàng mục đồng trong truyện của Alphonse Daudet, chăn cừu trên núi Luberon ở xứ Provence của nước Pháp, ngồi kể chuyện cho tiểu thư Stéphanette, người con gái cưng thật đẹp của ông bà chủ trại, mà chàng đã thầm yêu trộm, cũng vào một đêm đầy sao trời như thế nầy. Chỉ khác một điều: người chăn cừu kia rất giỏi về tinh tú học. Tôi cố gắng ngồi thật yên để nàng ngủ cho thẳng giấc. Nhưng rồi hơi thỏ đều đặn của nàng, gió đêm thoáng nhẹ và mát, và cơn mệt nhoài của thân thể tôi đã liên kết với nhau để tấn công tôi mãnh liệt, nên chẳng mấy chốc, cơn buồn ngủ xâm chiếm lấy tôi một cách dữ dội, và tôi đã đầu hàng. Tôi ôm trọn nàng trong tay mà ngủ quên lúc nào không hay…
Kể từ đêm hôm đó, chúng tôi tự thấy không thể thiếu nhau được, và chúng tôi quấn quýt lấy nhau trong sự chan chứa tình yêu. Mùa Đông chúng tôi đi trượt tuyết ở Aspen (Colorado), Park City (Utah) hoặc Taos (New Mexico). Các mùa khác, nhằm ngày khô ráo chúng tôi đi hiking trong núi hoặc cưỡi ngựa trong rừng. Tôi có một bệnh nhân mà cũng là một người bạn thân thường rủ tôi đến trang trại của ông vào dịp cuối tuần hoặc bất cứ lúc nào tôi rảnh , để đi cắm trại hay cưỡi ngựa. Ông ta có một chuồng ngựa với những con ngựa thuần thục và khỏe mạnh mà ông rất hãnh diện. Ông và tôi có lần rong ngựa vào núi đi chơi cả tuần lễ liền, sống cuộc đời du mục của mấy tay chăn bò ngày xưa.
Từ dạo tôi quen Ái Lynh, ông không đi chơi chung với tôi nữa. Mỗi lần Ái Lynh và tôi đến thăm, thưòng thì tôi gọi điện thoại báo trước, ông bảo người nhà thắng sẵn cho chúng tôi hai thớt ngựa tốt, và cung cấp thực phẩm cùng các vật dụng cắm trại đầy đủ, rồi để mặc tình cho chúng tôi muốn đi đâu thì đi. Mùa thu lá vàng rộ, mà cưỡi ngựa đi sâu vào trong núi cắm trại thì rất thú vị. Thông thường chúng tôi dựng lều bên một nhánh sông nhỏ để làm trại nghỉ chân. Ban ngày chúng tôi đi hiking, ngắm phong cảnh và nghiên cứu thêm về các loài hoa, thảo mộc. Nàng có một kiến thức rất dồi dào về các món dược thảo mà tổ tiên nàng đã xử dụng từ bao thế kỷ nay để trị bệnh. Tự nhiên tôi cũng được học thêm về dược lý học của một ngành y học cổ truyền ở phương trời Tây, và tôi rất lấy làm thích thú.
Những lần đi chơi như vậy, chúng tôi thường tinh nghịch lấy những cái tên đẹp, thơ mộng, hoặc ngộ nghĩnh để đặt cho nhau. Tôi đặt cho nàng thật nhiều tên: Marguerite, Violeta, hoa cúc vàng nằm trong kẹt đá, ngọn lá đỏ bên dòng suối mơ, con nai con mệt mỏi, cục đá ù lì, con chim non nhí nhảnh…Còn tôi với cái thân to lớn vạm vỡ thì được nàng chọc là con bò mộng, con gấu làm biếng, mây chiều thơ thẩn, sư tử núi nhanh như chớp, diều hâu lẹ như cắt…Mỗi cái tên là một kỷ niệm êm đềm, một trận cười vui vẻ…
Một vài lúc khác, chúng tôi lái xe đi về miền Bắc, qua South Dakota, trên đường đi viếng Crazy Horse, tượng đá khổng lồ khắc đẻo vào núi, hoặc Yellowstone National Park nằm giữa Wyoming và Montana, hoặc đi California để ghé Yosemite…
Những lúc không đi chơi xa, thì chúng tôi bỏ thì giờ đi dự các buổi trình diễn văn nghệ tại các hí viện như: múa ballet, hòa tấu nhạc cổ điển, hoặc nghe nhạc thính phòng, xem các Broadway shows đi lưu diễn ở thành phố địa phương hoặc các thành phố lớn gần đó.
IV.- Thời gian thấm thoát như thoi đưa. Sau khi nàng tốt nghiệp đại học, chúng tôi quyết định chung sống vĩnh viễn bên nhau. Với sự đồng ý của cha mẹ nàng, chúng tôi chỉ làm đám cưới rất đơn giản. Thoạt đầu, ông bà nội nàng không đồng ý. Họ muốn có một buổi tiệc ăn mừng thật lớn để mọi người trong pueblo được vui chơi thỏa thích trong một đêm. Nhưng khi đứa cháu nội gái duy nhất của họ ra công thuyết phục thì trái tim đầy thương yêu của họ cũng mềm lòng.
Chúng tôi gạt bỏ tất cả những thủ tục rườm rà mà xã hội đã bày ra để làm cho cuộc sống con người vốn đã phức tạp với nhiều phiền toái, lại càng thêm phức tạp. (Tôi cũng quên không kể trước rằng gia đình nàng theo đạo Phật, tôn giáo gốc của mẹ nàng. Nàng cũng đã từng kể cho tôi nghe rằng cha nàng trước đó đã bị tiếng sét ái tình đánh quá mạnh khi gặp gỡ mẹ nàng lần đầu tiên, và sau đó ông sẵn sàng hy sinh, bỏ hết tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu).
Sau lễ trao nhẫn cưới trước bàn thờ tổ tiên, với sự chứng kiến của ông bà nội và cha mẹ nàng, cả đám sáu người chúng tôi đi dự tiệc cưới ở một nhà hàng lớn mà chủ nhân là một bạn thân của cha nàng. Hôm đó chỉ có một số rất ít quan khách rất thân tình mà chúng tôi coi như cốt nhục, được mời đến chung vui với hai đứa chúng tôi. Tôi hứa với cha mẹ nàng tôi sẽ yêu thương, săn sóc và trân quí người con gái duy nhất của họ với tất cả tấm lòng chân thật của tôi. Nàng là người bạn đường của tôi từ thuở ban đầu mới gặp gỡ buổi chiều mưa định mệnh đó. Vã lại, tất cả ngôn từ dùng để mô tả tình yêu đó cũng chỉ là gượng gạo, và vô nghĩa. Làm sao định nghĩa cái không thể định nghĩa được?
Tôi cũng đã biên thư cho Hà về chuyện tôi sẽ lập gia đình, nhưng có thể thư bị thất lạc, nên tôi không nhận được thư hồi âm.
Ái Lynh và tôi rất tâm đầu ý hợp. Hai giọt nước tuy không thể nào giống nhau, nhưng hợp lại rồi thì trở thành một đơn thể. Lối suy nghĩ của chúng tôi hầu như hoàn toàn giống nhau. Thoạt đầu lúc mới về sống chung, chúng tôi cũng có một ít dị đồng rất nhỏ. Nhưng dần dà, chúng tôi cố gắng phỏng đoán và tìm hiểu những sở thích của nhau để làm cho hai người đều vui vẻ. Tất cả các quyết định của nàng trong cuộc sống hằng nhật, tôi đều chấp nhận như chính tôi đã quyết định. Và ngược lại, nàng cũng vậy. Chúng tôi hầu như không biết bất đồng ý kiến là gì.
Được sống bên nhau là một duyên lành và một món quà lớn nhất mà chúng tôi có thể ao ước được, và đang nằm trong tầm tay của mình, nên tất cả mọi chuyện khác đều trở thành vô nghĩa khi đem ra so sánh. Mọi quyết định chúng tôi làm đều chỉ có một mục đích duy nhất là tạo niềm vui cho người mình yêu. Không bao giờ giữa chúng tôi có sự trách móc, giận hờn, hoặc buồn tủi. Một giây phút sống bên nhau là một giây phút đầy hân hoan và an lạc.
Chúng tôi quấn quýt bên nhau suốt ngày, ngoại trừ giờ làm việc mà chúng tôi bắt buộc phải xa nhau. Mọi sinh hoạt đều làm chung, nếu có thể được. Tôi với nàng chỉ trở thành địch thủ tạm thời trong lúc đánh banh trên sân quần vợt, những lúc đánh cờ, chơi games trên ti-vi. Ngay chính những lúc như vậy, chúng tôi vẫn nhường nhịn nhau. Những lúc nàng đi bơi, hoặc đi đấu kiếm tôi đều đi theo. Khi tôi đi dạy võ nhu đạo với tính cách huấn luyện viên, hoặc những lúc tôi đi đấu để tranh giải, nàng cũng đến dự khán.
Thời gian ở bên nhau không thể là thời gian bỏ phí. Tôi không thể thiếu nụ cười hồn nhiên, nhẹ nhàng, dịu hiền nhưng đôi khi cũng ranh mãnh chế nhạo để chọc cười của nàng, cũng như tiếng cười trong trẻo, tinh nghịch, rộn rã đầy vui tươi làm cho lòng tôi thơ thới nhẹ nhàng và thoải mái. Chúng tôi sống cho nhau, và vì nhau, một cách trọn vẹn. Tôi và nàng thường đến đón nhau ở sở làm, rồi đi ăn cơm trưa hoặc cơm tối ở ngoài.
Những lúc đi xem trình diễn văn nghệ hoặc đi ciné, nàng vẫn cầm lấy tay tôi và giữ chặt, như dạo mới quen. Những lúc ở gần nàng, mọi căng thẳng tinh thần, mọi phiền não của tôi trong công việc hằng ngày đều tiêu tán và biến mất một cách nhanh chóng như có phép lạ.
Những lúc nàng đánh dương cầm, tôi bỏ hết mọi việc đang làm để ngồi nghe một cách thích thú. Những lúc tôi ngồi vẽ tranh, nàng thường ngồi thêu thùa bên cạnh. Chúng tôi cố gắng sắp xếp các hoạt động trong ngày của mình thích ứng với các hoạt động của người kia, để luôn luôn được ở bên cạnh nhau. Có lần tôi đùa với nàng rằng sau nầy về hưu hết hàng nghề y, tôi sẽ vẽ tranh đem bán để độ nhật, thì nàng phá lên cười: “Nếu vậy em sẽ phải để dành tiền ngay từ bây giờ, vì tất cả các tranh của anh đem bán, em sẽ mua hết.”
-Nhưng có một bức tranh vô giá mà em không thể nào mua được. Đó là bức tranh họa chân dung của em.
-Rõ cái anh nầy lẩm cẩm. Tranh đó anh đã tặng riêng cho em rồi, thì cần gì phải bỏ tiền ra mua?
Một hôm Ái Lynh hỏi tôi:
-Em được biết dạo trước anh có làm thơ tình lãng mạn lắm, nhưng từ độ quen em đến bây giờ em không nghe anh nói về Thơ, hoặc làm thêm một bài thơ nào cả?
-Anh làm sao có thể đặt thơ được khi anh đang ngụp lặn trong hạnh phúc tuyệt vời được sống bên em? Nàng thơ đã bỏ anh ra đi rồi. Nàng ấy ghen với em, ra đi mà không hẹn ngày trở lại.
Làm thơ tình phải dang dở, ray rức, cay đắng thì người đọc mới thích. Cũng như uống cà phê có thật đắng thì mới thú vị. Hoặc uống trà đậm đặc lúc đầu chát lưỡi, nhưng sau đó thì lại được thưởng thức cái hậu vị ngòn ngọt thế nào ấy. Nầy nhé, đọc thơ của Verlaine “Mưa ngoài phố nghe như tiếng thổn thức trong lòng mình, Và có một sự rã rượi nào đang ngấm vào hồn tôi”, hoặc Lamartine “Chỉ thiếu mỗi một người mà vạn vật trở nên trống trải”. Đọc xong, gấp sách lại, để cảm thấy một cái gì đay nghiến, cào cấu đến rướm máu trong lòng mình, em có đồng ý không?
Nàng ngã đầu vào lòng tôi, phì cười:
-Ai chà! Rõ mấy ông nhà thơ phức tạp ghê anh nhỉ?
-Thơ của anh làm dạo trước chỉ là sự chấp nối, ghép đặt các chữ và vần sao cho xuôi tai, nên đã không tạo được một sự rung động trong lòng người đọc. Do đó phải nói rằng anh chỉ là một thợ thơ còn quá kém cỏi, và cẩn phải trau dồi học hỏi thêm. Nhưng thơ không phải học mà làm được.
Thơ chỉ có thể biến chuyển từ những rung động của tâm hồn rồi trở thành một loại ngôn từ đặc biệt mà ta gọi là thơ, chớ không thể ngược lại. Anh vốn đã làm thơ thật dở, mà bây giờ lại đang sống trong hạnh phúc bên cạnh em thì làm sao có thể đặt bút làm thơ được? Nàng nhìn tôi mỉm cười, và hai đứa chúng tôi ngồi im lặng cầm tay nhau không nói thêm lời nào.
Chúng tôi sống trong một căn nhà nhỏ nằm ven biên của thành phố, nhìn ra một cánh rừng. Và xa nữa là núi. Hàng xóm của chúng tôi đều là những người đã lớn tuổi, một số thì con cái đã lớn khôn và đã ly khai với cha mẹ.

Họ thường nói đùa với chúng tôi về hội chứng vắng tổ (empty nest syndrome) của họ.
Miếng đất nhà chúng tôi khá lớn. Đằng sau nhà có rất nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát. Mùa thu lá vàng rực rỡ, ngồi từ sân thượng ngắm nhìn và thưởng thức, thấy rất thú vị. Chúng tôi dành một khoảng đất riêng để trồng rau cải dùng thường nhật trong các gia đình Á châu, vì làm biếng phải ra chợ Việt Nam. Ái Lynh thích sưu tầm và trồng trọt các loài hoa dại nên chúng tôi cũng có một khu vườn hoa hỗn tạp nhưng khá ngộ nghĩnh.
Bên trong nhà thì đồ đạc để ngổn ngang nhưng lại có thứ tự đâu vào đó. Chúng tôi có thể ngồi hoặc nằm xuống bất cứ nơi nào trong nhà mà vẫn cảm thấy thoải mái, vì các đồ vật, sách vở, báo chí, băng nhạc đều đã có sẵn trong tầm tay. Đồ đạc trông ngổn ngang nhưng chúng tôi biết đích xác vị trí của từng món một..
Phòng vẽ của tôi , đối với bà mẹ vợ của tôi, là mất trật tự nhất. Bà không bao giờ dám bước vào phòng vì ngại dẫm lên cọ và các ống màu của tôi. Nhưng bà không hiểu được rằng tôi chỉ là một anh chàng dại khờ mới tập tễnh và chập chững vào nghề, một loại amateur không hơn không kém. Có những lúc hứng chí muốn phóng cọ lên khung vải ngay, nhưng phải lo tìm kiếm cho đủ dụng cụ thì cái hứng đã biến mất. Từ đó tôi trở thành “bừa bãi”,và “vô tổ chức” như bà mẹ vợ tôi vẫn thường vừa cười vừa chỉ trích. Mỗi lần bà đến thăm và đem quà cho chúng tôi, bà không muốn ở lâu. Cái đầu óc “có ngăn nắp” và tiêu chuẩn gọn ghẽ, sạch sẽ, đâu vào đó của bà khiến bà “phát ngộp” mỗi khi đến chơi, nhưng bà chỉ lắc đầu và phì cười một cách trìu mến.
Cả hai gia đình chúng tôi rất gần gũi. Ái Lynh là con một, nên tôi cũng được hưởng lây tình yêu của ba mẹ nàng dành cho chúng tôi.
V.-Ngày Ái Lynh đi khám bác sĩ về và được xác nhận nàng sắp làm mẹ, nàng vội gọi điện thoại cho tôi ở sở để báo tin vui. Chiều hôm đó chúng tôi ngồi im lặng cầm tay nhau, chan hòa trong niềm vui rộn rã, và cũng từ hôm đó tôi nhận thấy một sự thay đổi hẳn ở Ái Lynh. Tôi thỉnh thoảng bắt gặp nàng ngồi cười một mình. Khuôn mặt thật đẹp của nàng bỗng trở nên rạng rỡ và đẹp hơn. Nàng ít đùa cợt hơn và trở nên rất điềm đạm. Cái nhí nhảnh, tinh nghịch, hồn nhiên, cái đi đứng như chân chim nhảy nhót… hầu như biến mất chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Nàng trở nên dịu dàng hơn và ít nói hơn dạo trước. Nàng như có một ánh hào quang bao quanh lấy nàng. Tôi đón nhận sự thay đổi một cách trìu mến, cùng lúc với sự ngạc nhiên thích thú.
Nàng như một cánh hoa hồng, hoa cúc nở rộ, và trong thân thể nàng, nhựa tình mẫu tử đang chảy xiết mạnh trong từng vi huyết quản. Một đôi khi tôi cũng không tránh khỏi, trong một khắc vi tế của một tích tắc thời gian, một ý nghĩ ích kỷ muốn vặn lại kim thời gian để đem trở lại cái hình ảnh người con gái thuở ban đầu mới gặp. Nhưng ý nghĩ nầy rất ngắn hạn, và trong thâm tâm tôi, cũng có sự rạo rực và một niềm hãnh diện vô bờ bến là mình sắp được làm cha.
Những giây phút ngồi một mình suy tư như vậy, mỗi lần nghĩ đến Ái Lynh sắp làm mẹ, tôi không thể không nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi sanh ra trong một gia đình nghèo. Lớn lên đi lấy chồng lại làm thân con cò lặn lội bờ ao, quanh năm suốt tháng vất vả cực nhọc kiếm thêm tiền phụ chồng nuôi một đàn con. Thuở mẹ tôi mang thai anh lớn của tôi, hoặc lúc mang thai tôi, không biết mẹ có cái xa xỉ của
một vài phút ngắn ngủi, rảnh rỗi ngồi một mình chan hòa trong niềm vui sắp được làm mẹ không, hay chỉ biết đầu tắt mặt tối nghĩ đến chạy gạo cho bữa cơm sắp tới?
Những lúc ngồi nghĩ như vậy tôi không tránh khỏi bị xúc động, và Ái Lynh, những lúc biết được thường ôm lấy tôi và hôn nhẹ lên trán để an ủi. Mẹ của tôi bạc phước, cũng như bao nhiêu người trồng cây mà không được ăn quả. Khi tôi đã nên người, khi tôi khả dĩ có thể bảo đảm cho mẹ một cuộc sống khả quan thì mẹ đã vĩnh viễn ra đi, đắm chìm trong giấc ngủ ngàn thu của mẹ…
Thời gian trôi thật nhanh. Ái Lynh mỗi ngày một trở nên nặng nề hơn. Nàng vẫn còn hăng hái tập thể dục, và thực hành đúng theo các phương pháp dưỡng sanh mà nàng biết được qua sách vở và mạng lưới internet. Nàng muốn cho con nàng sẽ được vẹn toàn về mọi phương diện.
Sau cuộc thử nghiệm bằng siêu âm, chúng tôi được biết con đầu lòng sẽ là con trai. Tối hôm đó, ngồi bên lò sưởi nhìn mấy cành củi cháy nổ tí tách nghe rất vui tai, chúng tôi quyết định chọn tên cho con. Ngoài một cái tên thật hay và có nhiều ý nghĩa trên giấy tờ chính thức, chúng tôi cần đặt thêm một cái tên khác thật ngộ nghĩnh hoặc trìu mến để gọi ở nhà. Người Á châu và người native americans thường có thông lệ này. Có người đặt tên con là “bánh bao” vì lúc bà mẹ mang thai thèm bánh nầy. Có nhiều người có những tên thật hay như “chồn đỏ tinh khôn”, “diều hâu không biết sợ hãi”, hoặc ngộ nghĩnh như “nhảy với chó sói”…
Ái Lynh nói với tôi:
-Này nhé! Anh là “mây lang thang”. Em muốn con mình nó ở một chỗ, làm vua một cõi. Anh nghĩ sao?
Tôi cười: Chúa tể rừng xanh?
-Không được đâu! Nghe sao giống Tarzan quá. Ở đây đâu có rừng già để đu dây leo. Chỉ có núi nhiều mà thôi. Ừ, hay là đặt cho thằng nhỏ là vua núi đi?
-Nó còn nhỏ quá, sao làm vua được?
-Well, không vua lớn thì là vua nhỏ vậy.
-OK, thì đặt là Tiểu Sơn Vương vậy.
Ái Lynh thích chí vỗ tay cười. Tôi cũng vui lây niềm vui của nàng.
Tiểu Sơn Vương mỗi lúc mỗi lớn mạnh. Nó thỉnh thoảng nhắc nhở cho mẹ nó biết sự hiện diện của nó bằng cách đấm đá lung tung bên trong bụng nàng. Mỗi lần như vậy thì Ái Lynh vờ trách tôi: “Anh coi con của anh nó đá em đây này!”. Rồi nàng nói chuyện với chính mình và mỉm cười:
-Thằng ông mãnh này có lẽ đang tập judo. Lớn lên chắc dữ lắm. Không phải lù khù như cha nó đâu. Có phải không “đằng ấy”?
Tiểu Sơn Vương mặc dầu còn ở trong bụng mẹ, nhưng đã được huấn luyện rất kỹ. Nó bị bắt buộc nghe nhạc cổ điển Tây phương, nhạc Việt Nam, nhạc của người Mỹ bản xứ, hoặc các loại nhạc thời trang êm dịu. Lại còn phải học ba bốn sinh ngữ khác nhau. Có nhiều lúc tôi đi làm về, thấy Ái Lynh đang nằm trên ghế sofa cho con nàng nghe nhạc. Không biết Tiểu Sơn Vương có hấp thụ được gì không, nhưng mẹ nó thì mệt quá nằm ngủ say. Trông thấy Ái Lynh thương con và chịu cực như vậy, tôi lại càng thương nàng hơn.
Trong những ngày tháng cuối của thai nghén, Ái Lynh ít thích ra khỏi nhà, đi đây đi đó nữa. Nàng tiếp tục đi làm và tiếp tục các hoạt động khác hằng ngày của nàng. Nàng đã ngưng đi bơi và đấu kiếm kể từ ngày thụ thai, nhưng vẫn thường xuyên tập thể dục và đi bộ thật nhiều. Chúng tôi cũng đã bỏ hẳn thú đi ăn cơm tiệm, và chỉ mua thức ăn đã làm sẵn đem về nhà ăn, vì hai đứa chúng tôi đều đi làm. Buổi tối, ăn cơm chiều xong, chúng tôi quay quần trước lò sưởi, ngồi đọc sách, nghe nhạc, coi ti vi, hoặc ngồi nói chuyện.
Câu chuyện hầu như lúc nào cũng xoay hướng về chàng vua núi. Nàng tường trình cho tôi nghe về các “tiến bộ” của con, rồi bàn về các hoạch định, sắp đặt mà nàng đã bỏ công suy nghĩ về phương cách giáo dục.
_Em sẽ thương nó nhiều lắm, nhưng em sẽ rất “nghiêm” với nó. Rồi anh sẽ thấy!
Có lẽ vua núi cũng đồng ý với tôi rằng nó sẽ rất được mẹ nó thương. Nhưng mẹ nó “nghiêm” với nó? Tôi nhìn nàng lắc đầu mỉm cười:
-Em mà cứ nói cho nhiều. Anh sợ em sẽ cưng nó quá, riết nó hư luôn. Người ta bảo, con hư tại mẹ, em không biết sao?
Nàng phụng phịu cười: Rõ anh chẳng tin em tí nào cả.
VI.-Tiểu Sơn Vương mở mắt chào đời vào một buổi tối mùa xuân. Ái Lynh chuyển bụng khá nhanh và chẳng bao lâu thì sanh nở. Mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Cha mẹ nàng và tôi ngồi ở phòng chờ. Lúc cô y tá ẳm nó ra cho chúng tôi coi mặt thì nó mở mắt ra hé nhìn chúng tôi, chân tay quờ quạng như chào hỏi rồi thiếp ngủ một cách ngon lành. Chúng tôi ghé vào thăm Ái Lynh thì thấy nàng tỉnh táo, hơi mệt nhưng cũng cố nhoẻn miệng cười. Cha mẹ nàng sau khi thấy mọi việc đều ổn thỏa và tốt đẹp thì ra về, hẹn ngày mai sẽ trở lại.
Tôi ở lại túc trực suốt đêm với nàng. Tối hôm đó nàng có biến chứng, và bị ra máu thật nhiều. Vị bác sĩ hộ sanh phải đưa nàng vào phòng mổ đẻ giải phẫu cấp cứu. Trong thời gian hậu giải phẫu khá lâu, người ta vẫn chưa tháo bỏ máy thở được vì nàng chưa thở được một mình. Rồi tôi được biết nàng bị nhiễm trùng đường máu. Những tin xấu nầy đến với tôi một cách dồn dập. Đêm dài hầu như bất tận, và thời gian nặng nề trôi thật chậm. Mãi đến gần sáng người ta mới đưa nàng từ phòng hậu giải phẫu ra ICU (intensive care unit). Nhân viên ở ICU đều biết tôi, vì tôi cũng ở trong ban giảng huấn của bệnh viện nên họ thông cảm để tôi ngồi túc trực bên giường bệnh của nàng.
Nhìn người tôi yêu nằm bất tĩnh, khuôn mặt nàng trắng bệch, nhợt nhạt và sưng phù lên, hai mắt nhắm nghiền, người phủ chiếc ra giường trắng toát, miệng có ống gắn vào máy thở, hai cánh tay với nhiều đường ống nhựa gắn vào tĩnh mạch chuyền thuốc trụ sinh, nước biển và máu, tôi thấy lòng đau như cắt.
Tôi nhớ mẹ tôi dạo trước, cứ mỗi lần có một đứa con yêu của mẹ đau nặng, bà thường niệm Phật Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn một cách thành khẩn. Với sự hiểu biết hạn chế và yếu kém của mẹ và sự bất lực của mẹ khi đứng trước một hoàn cảnh đe dọa sức khỏe và tánh mạng con của mẹ, mẹ chỉ biết cầu nguyện Đấng thiêng liêng hằng cứu khổ độ trì và phù hộ cho con mẹ tai qua nạn khỏi. Mỗi lần như vậy mẹ thường nguyện ăn chay một hay hai ba tháng sau khi con yêu của mẹ khỏi bệnh. Tội nghiệp mẹ tôi! Con của mẹ thì nhiều, đứa nầy hết bệnh thì đứa khác ngã bệnh, nhà nghèo, thuốc thang khan hiếm, nên mẹ tôi nhiều khi phải ăn chay dài dài.
Tôi bắt chước mẹ tôi, cầm lấy tay Ái Lynh, rồi tôi quỳ xuống bên giường cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm, đầu tôi gục xuống song giường. Tôi cũng thừa hiểu đây là nghiệp của người tôi yêu, nhưng tôi vẫn cầu nguyện rất thành khẩn. Thân phận con người đối với vũ trụ nhỏ bé quá.
Suốt năm ngày đêm liền, tình trạng của nàng vẫn không thuyên giảm. Và cũng trong suốt thời gian đó, tôi đã túc trực bênh giường bệnh nàng. Mẹ của nàng thỉnh thoảng vào thay thế cho tôi về nhà tắm rửa và nghỉ ngơi trong chốc lát. Trong thời gian nầy, người ta đã cho Tiểu Sơn Vương xuất viện, và tôi hoàn toàn giao nó cho ông bà ngoại nó chăm sóc, để tôi rảnh thì giờ ở lại chăm sóc cho mẹ nó.
Tối hôm thứ sáu, về phần tôi, mặc dầu bị thiếu ngủ trầm trọng, tôi vẫn kiên trì cầm tay nàng và quỳ xuống bên giường nàng cầu nguyện như những đêm trước đó . Và tôi thiếp ngủ lúc nào không hay trong cái mệt rã rời của tâm thần và thể xác. Và trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy Phật Bà hiện ra, một tay cầm bình nước Cam Lồ, và tay kia dắt một thiếu nữ mà tôi trông rất quen. Một lát sau tôi mới nhận ra đúng là Ái Lynh. Nàng đang cười với tôi, nụ cười đẹp muôn thuở…và nàng bóp tay tôi nhè nhẹ. Tôi giật mình tỉnh dậy, xấu hổ với chính mình , và lấy tay trái dụi mắt cho tỉnh ngủ. Bàn tay phải của tôi vẫn còn nắm lấy tay nàng…Không, tôi phải nói lại. Tay của tôi nằm trong tay nàng. Và đột nhiên tôi cảm thấy có ai sờ nhẹ ngón tay cái của tôi. Tôi vội vàng đứng thẳng dậy.
Nàng đang nhìn tôi, một cái nhìn yếu đuối, với dòng lệ trào ra. Tôi reo lên vì sung sướng. Tôi bảo nàng bóp nhẹ tay tôi, và nàng làm theo. Tôi bảo nàng mở mắt lớn hơn nữa, và nàng mở rộng đôi mắt nai nhìn tôi thật lâu rồi nhắm nghiền lại vì mệt mỏi. Bàn tay nàng cầm chặt lấy tôi như không muốn cho tôi rời đi. Tôi mừng quá bật khóc, ôm chầm lấy nàng và hôn thật lâu trên trán nàng.
Lúc tôi nhìn lên thì đã thấy cô y tá trực đứng bên kia giường, nhìn tôi và nhìn nàng, rồi gật đầu mỉm cười. Tôi ra khỏi phòng nàng, để gọi điện thoại về thông báo cho cha mẹ nàng biết… Lúc tôi trở vào phòng thì nàng đang ngủ. Cô y tá cho tôi biết mọi việc đều bình yên. Tôi hôn nhẹ lên trán của Ái Lynh, và bước gần đến cửa sổ. Thành phố đang chuyển mình bừng dậy. Ánh sáng bình minh bắt đầu ló dạng ở chân trời. Những tia nắng đầu tiên trải nhẹ lên các lá của mấy cây aspen đứng dưới đường, một lớp phấn vàng. Những lá non vừa mới chớm nở nhẹ lay trong cơn gió thoảng ban mai. Một ngày mới vừa bắt đầu…
VII- Tạm thay phần kết
Tôi đang ngồi ăn trưa ở phạn sảnh gần phòng họp thì điện thoại reo. Tôi nhìn vào máy điện thoại cầm tay: Ái Lynh gọi. Căn phòng thật lớn, đặt thật nhiều bàn tròn lớn có trải khăn ăn trắng, mỗi bàn có đến mười hai ghế, chứa đến cả mấy trăm người cùng ăn một lúc, nên không khí rất vui, tuy có phần ồn ào, với tiếng cười nói, tiếng dao nĩa lách cách, và tiếng va chạm của chén dĩa, ly tách…Tôi vội quay qua hai người ngồi bên cạnh tôi, và lịch sự xin lỗi họ vì tôi cần phải ra ngoài để trả lời điện thoại. Họ khoát tay thông cảm. Tôi ra ngoài hành lang và phải bước đi một đoạn mới có cửa thông ra vườn. Ở đây, điện thoại dễ bắt sóng hơn.
– Cưng đó hả? Có bận lắm không?
– Không, anh không bận gì cả. Vừa mới tan họp, đang chuẩn bị ăn trưa (tôi ngại nàng lo lắng, nên phải nói dối). Em đang ở đâu vậy?
– Em đang ở câu lạc bộ đánh kiếm nè. Em mới dạy xong lớp của em. Michael vừa mới gọi em. Nancy, vợ nó đang đau bụng dữ dội nên nó phải chở vào nhà thương gấp. Bác sĩ bảo có thể sanh bữa nay. Michael hỏi em có thể nào dạy thế cho nó lớp sắp tới được không. Em bảo nó em cần phải hỏi Anh trước. Cưng giúp em, đón giùm Tiểu Sơn Vương ở trường rồi đưa nó đi học võ được không?
Tôi nhìn đồng hồ:
– Được chứ em. Thật là may quá. Anh xong phần thuyết trình của anh sáng nay rồi. Từ đây đến chiều anh chỉ cần dự thính các giờ họp khác mà thôi. Cũng không có gì quan trọng lắm. Em cứ ở đó dạy giúp cho Michael đi. Anh sẽ đi đón con, rồi đưa nó đi học võ.
– Em cám ơn Anh. Để em gọi Michael, trả lời cho nó yên tâm. Em chưa thấy mệt, vẫn còn sung sức lắm. Dạy thêm một lớp nữa cũng chẳng sao…Hẹn gặp hai bố con chiều nay nhé?
– Ừ, hẹn gặp lại em chiều nay… À này! Thư ký của anh mới gọi cho biết ông hội trưởng hội Y sĩ Việt Nam ở Quận Cam có gởi giấy mời vợ chồng mình đi dự tiệc Tất Niên do họ tổ chức cuối tuần tới ở khách sạn Hyatt Regency Huntington Beach. Em coi liệu đi được thì cho anh biết để ngày mai anh trả lời với người ta…
Sau khi giao kèo của tôi với chánh phủ chấm dứt, tôi kiếm được một chân phó giáo sư ở trường đại học UCLA (University of California Los Angeles). Tôi cũng đã nộp đơn ở UC Irvine nhưng họ chưa có chỗ trống. Lật bật thế mà cũng đã trên chín năm, kể từ ngày tôi rời New Mexico để về Nam Cali. Lúc mới đi, Tiểu Sơn Vương chỉ gần tròn một tuổi, vậy mà bây giờ cậu bé đã mười tuổi… Tôi đi làm cho trường đại học nên giờ giấc có chừng mực, sáng vác ô đi, chiều vác ô về. Thỉnh thoảng tôi cũng có trực gác nhưng mọi chuyện đều đã có các thường trú và toán bác sĩ trực của nhà thương lo liệu, nên rất ít khi tôi phải vào ban đêm. Tôi mua nhà tuốt trong núi ở khu Irvine, thuộc Quận Cam, ở vùng Nam Cali. Mỗi ngày đi làm, lái xe đi về tốn khá nhiều thời gian vì đường xa và kẹt xe kinh niên, nhưng tôi không ngại điều đó. Tôi cũng hy vọng một khi UC Irvine có chỗ trống thì họ sẽ cho tôi chuyển về. Irvine nằm gần biển nên không khí không bị ô nhiễm trầm trọng như ở LA. Nhà của chúng tôi cũ kỹ, nhà trệt một tầng nhưng khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Chung quanh nhà là một mảnh vườn rất to lớn với nhiều cây cổ thụ. Ở đằng sau nhà, xa hơn một chút có một con đường mòn dẫn sâu vào trong núi. Cuối tuần nào không dùng chiếc LandRover đi chơi xa, thì ba người chúng tôi cùng đi hiking trên con đường mòn nầy.
Ái Lynh mới khoảng hai năm nay, đã đi làm nửa buổi cho một viện bảo tàng ở LA. Thời gian còn lại nàng đi dạy đánh kiếm, và làm soccer mom, đưa đón Tiểu Sơn Vương đi học đàn, bơi lội, học võ, hoặc tham gia các hoạt động khác dành cho học sinh do trường tổ chức. Cuộc sống bình dị cứ vậy mà theo tháng ngày lặng lẽ trôi qua…
Khách sạn Hyatt Regency ở Huntington Beach tọa lạc trên một miếng đất rộng lớn, chiếm nguyên một block phố với tầm nhìn ra đại dương khoảng khoát. Trong khuôn viên khách sạn có trồng rất nhiều cây dừa cao vút, đong đưa theo gió biển thật đẹp mắt.
Dạ hội tất niên được tổ chức trong một sảnh khiêu vũ rộng lớn, có sân khấu rộng rãi cho ban nhạc sống và ca sĩ, một sàn nhảy đầm cho quan khách vui chơi, hai quày rượu bên trong phòng, và một quày rượu ở ngoài hành lang. Các bàn ăn tròn sang cả với khăn trải trắng tinh, có hoa tươi đặt ngay giữa bàn, chiếm gần hết diện tích con lại của sảnh. Dọc theo hai bên phòng, đặt cạnh tường là hai dãy bàn dài chứa đầy ắp thức ăn Việt, Mỹ có món còn đang nóng hổi.
Vì không quen biết ai, nên Ái Lynh và tôi chọn một bàn ở gần cuối phòng, ở trong một góc. Quan khách đã đến đông đủ. Đếm theo số bàn ăn hiện hữu, tôi ước chừng cũng phải trên bốn trăm người. Khách đa số người Việt, tuy nhiên tôi để ý thấy cũng có một số đông người Mỹ và các sắc dân khác. Ngồi chung bàn với chúng tôi có các vợ chồng một ông luật sư người Mỹ, một bà luật sư Việt Nam, hai bác sĩ VN và một nha sĩ VN ở San Diego lên. Mọi người đều đã đi lấy thức ăn cho mình và đã bắt đầu ăn. Các người hầu bàn đi rót rượu vang cho từng người một.
Trên sân khấu, Ông Bác sĩ Hội trưởng đang bắt đầu đọc diễn văn khai mạc và chúc Tết mọi quan khách. Tôi đang sắp hàng lấy thêm thức ăn thì bỗng thấy nàng đi đến. Tôi nhận ra nàng ngay… Từ những vực thẳm của thời gian, những ký ức từ bao lâu nay bị đè nén bỗng ào ạt trở về như sóng thủy triều, như đê vỡ nước. Hà của hơn ba mươi năm về trước. Hà của Huế mộng mơ ngày xưa. Hà của nụ hôn đầu đời ở trong rạp hát. Hà của những tháng ngày nhung nhớ quay quắt và ray rứt, những đêm dài thao thức, trăn trở không tài nào ngủ được vì đau khổ và lòng quặn thắt. Hà của vị đắng những ly capuccino không bỏ đường, men cay của ly rượu tìm quên. Hà của mùi hương chùm kết và chanh trên tóc,
mùi hương thơm da thịt những lúc kề cận, của áo len tím trên chiếc áo trắng học trò, và biết bao nhiêu vẻ đẹp khác từ khóe môi nụ cười đến ánh mắt giận hờn khi làm nũng… Hà của những lúc đang ngồi học bài ở thư viện để chuẩn bị cho buổi thi cuối khóa, mà phải đặt sách xuống bàn vì nhớ thương và tiếc nuối da diết khi bỗng chợt nhớ đến nàng. Và Hà của nụ hôn đắm đuối chan hòa nước mắt, lần chót găp gỡ ở Minneapolis và ngày chia tay xót xa như vết thương xát muối hơn hai mươi mấy năm về trước…
Tôi suýt đánh rơi cái dĩa thức ăn đang cầm trên tay. Vì quá đỗi ngạc nhiên, hơn là xúc động. Vì đã từ lâu hình ảnh Hà đã trở thành hình ảnh một người bạn mà tôi trân quý hơn là một người tình. Hình như nàng vẫn chưa trông thấy tôi… Cứ mỗi bước đi lại đem nàng đến gần tôi hơn. Tôi vẫn chăm chú nhìn nàng. Như bị thôi miên, tôi không rời cặp mắt khỏi nàng được. Rốt cuộc nàng cũng nhìn thấy tôi. Bốn mắt chạm nhau. Hai mắt nàng mở thật lớn, miệng há hốc đầy ngạc nhiên. Tôi gật đầu, như thầm xác nhận. Sau một lúc im lặng khá lâu… Tưởng như dài vô tận…
– Anh!…
– Em…
Tôi tách rời khỏi hàng và lùi lại đứng dựa vào tường. Nàng bước theo, đến gần tôi.
– Anh…
– Em…
Nàng cố gắng một nụ cười, miệng méo xệch.
Nước mắt nàng bỗng tuôn trào. Nàng không ngừng lấy khăn chặm mắt. Im lặng. Không có lời để mà nói với nhau. Nhưng muốn nói thật nhiều. Đèn trong phòng bỗng được vặn thấp xuống. Trên sân khấu vẫn còn đèn sáng trưng. Cũng may, không ai để ý đến chúng tôi…
Bỗng nàng quay mặt lên sân khấu:
– Chồng em đó…
Tôi nhìn theo. Đứng trước máy vi âm là một người đàn ông trung niên với mái tóc hoa râm ăn nói chững chạc, duyên dáng và với giọng nói trầm ấm. Trông ông khác nhiều so với bức ảnh cưới, và tấm hình mặc quân phục mà tôi thấy ở nhà Hà trước đây. Người ông có vẻ gầy hơn nhiều, tuy vẫn cao lớn, với đôi bờ vai rộng và khuôn mặt chữ điền đạo mạo, ánh mắt đầy cương quyết và nghị lực, nhưng nét mặt nói chung trông hiền lành và đầy thiện cảm. Bác sĩ T.. Bác sĩ hội trưởng… Người mời vợ chồng tôi đến đây.
Thật tình cờ. Hoàn toàn không quen biết từ trước. Một cách mời xã giao để tạo tình thân giữa các y sĩ VN trong vùng. Định mệnh oái oăm thay!
Hà vẫn tiếp tục khóc sụt sùi… Lòng tôi hoàn toàn không dao động nhưng cũng nặng trĩu khi thấy nàng khóc. Tôi quay mặt, hướng nhìn về phía Ái Lynh.
– Vợ anh ở kia. Để anh giới thiệu Ái Lynh với em nhé?
Nàng gật đầu.
– Anh về bàn của Anh trước đi. Cho em đi trang điểm lại và lau khô nước mắt, rồi … em sẽ đến gặp vợ Anh liền…

Tôi cố lấy lại bình tĩnh trước khi về lại bàn mình. Chỉ gặp gỡ Hà có vài giây phút mà tôi đã cảm thấy có lỗi với Ái Lynh rồi…
viết xong lần đầu: 12-30-98
viết và sửa lại: 03-01-11


Đỗ Võ.
Ghi chú:


1- Esmeralda, một cô gái bạc phận ở một hải đảo nằm trong vùng biển Caraibes (Antilles) đã thầm yêu nhân vật chính (xem Điệu Calypso cuối cùng).