Tác giả: BS Nguyễn Ý Đức
Internet đã xâm nhập và thay đổi nếp sống của con người rất nhiều.
Ngồi trước máy vi tính kết nối với liên- mạng, ta có thể say mê, bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Đọc tin tức thời sự nóng hổi từ năm châu, bốn biển. Xem phim ảnh, tiểu thuyết của mọi quốc gia. Gửi nhận thư cho bạn bè chỉ trong vài phút. Mua bán mọi thứ cần dùng, kể cả xe hơi, thực phẩm, quần áo, nữ trang, thuốc men. Thôi thì trăm hồng, nghìn tía, đủ các tiết mục khác nhau
Mua thuốc qua liên-mạng đã trở nên rất phổ biến trong những năm vừa qua.
Thông thường, sau khi đi khám bác sĩ là ta phải tới dược phòng để mua thuốc về dùng. Với một số người, việc này có thể là một trở ngại nhỏ, vì không có thì giờ và phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, mua như vậy ta sẽ có cơ hội nói chuyện trực tiếp với dược sĩ và hỏi thêm về cách dùng, đặc tính và tác dụng phụ của thuốc.
Ngày nay, vai trò của dược sĩ không chỉ là điều khiển việc bán thuốc mà còn có nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn. Ngoài dược học, các vị này đã được huấn luyện thêm về lâm sàng, về dược trị liệu. Họ cũng tham gia vào việc trị bệnh bằng cách góp ý kiến với bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, theo dõi sự công hiệu và tác dụng ngoại ý do dược phẩm gây ra. Các vị đó cũng dành thời gian để giải thích cho bệnh nhân cách dùng thuốc: uống khi nào, bao nhiêu như chỉ định của bác sĩ, cho bệnh nhân biết tác dụng phụ của thuốc ra sao.
Mua thuốc qua internet được manh nha từ thập niên 60 nhưng chỉ phát triển mạnh vào thập niên 80 với sáng chế máy vi tính rồi mạng lưới internet. Dịch vụ này có một vài lợi điểm như tiện lợi, tiết kiệm thì giờ, không phải kiếm phương tiện di chuyển, mua được thuốc với giá khá rẻ vì chi phí điều hành ít. Một số người vì lý do này lý do khác lại không muốn đi khám bệnh hoặc không có bảo hiểm sức khỏe nhưng muốn có thuốc. Họ bèn mua thuốc qua internet một cách dễ dàng.
Nhiều trang web đứng đắn, hợp pháp dành nhiều cơ hội để bệnh nhân hỏi thêm về thuốc với các dược sĩ của họ hoặc có bác sĩ để lấy y sử, bệnh tình rồi biên toa. Họ cũng cung cấp thêm các tin tức về bệnh và dược phẩm qua internet. Nhưng cũng không ít trang web bán thuốc không cần toa, dù là thuốc thường hoặc thuốc trong danh sách kiểm soát, chỉ được mua, bán với toa thuốc do bác sĩ biên.
Hiện nay, bán thuốc qua mạng hiện diện khắp mọi quốc gia, đặc biệt tại nơi mà thuốc được bán tự do, không cần toa của bác sĩ.. Riêng tại Hoa Kỳ có cả ngàn cơ sở có giấy phép và cơ sở lậu bán dược phẩm qua internet. Các cơ sở hợp pháp đều được National Association of Boards of Pharmacy và Federation of State Medical Boards. chứng nhận đã hội đủ các điều kiện về bằng cấp và các tiêu chuẩn hành nghề dược. Những cơ sở trên internet có mang dấu triện hình bầu dục mầu xanh đặc biệt với hàng chữ VIPPS (Verified Internet Pharmacy Practice Sites) do NABP cấp phát đều đáng tin cậy vì đó là dấu hiệu bảo đảm sự tuân thủ của cơ sở này với chính quyền và báo cho người tiêu thụ biết được phẩm chất về thuốc mà họ cung cấp. Người mua cũng có thể tìm hiểu thêm những cơ sở này khi click vào dấu ấn trên trang web quảng cáo của họ.
Điểm cần lưu ý khi mua dược phẩm qua internet
Có một số điểm cần lưu ý để bảo đảm công hiệu và an toàn khi mua dược phẩm qua internet, như là:
1-Chỉ mua dược phẩm tại các cơ sở được chính thức công nhận với địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Dè dặt với các cơ sở ở nước ngoài hoặc chỉ có hộp thư liên lạc vì các nơi này có thể bán các dược phẩm cấm bán ở quốc gia mình đang cư trú. Có thể tìm ra các cơ sở này bằng cách hỏi ở National Association of Boards of Pharmacy’s (NABP). Cơ quan này có danh sách các tiệm có giấy phép hành nghề dược trên internet tại tiểu bang.
2-Chỉ nên mua thuốc do bác sĩ biên toa cho mình.
3-Lưu ý nơi bán là các dữ kiện liên quan tới cá nhân mình như tên tuổi, địa chỉ, tình trạng bệnh, thẻ tín dụng phải được giữ kín, riêng tư. Nhiều cơ sở mang bán các dữ kiện cá nhân của khách hàng cho công ty khác.
4-So sánh giá cả giữa vài ba cơ sở. Nếu thấy giá mua qua internet quá thấp thì cũng nên tự hỏi tại sao, có phải là thuốc « rỏm » hoặc đó là cơ sở buôn bán “chui lậu” không.
5-Nên để ý tới các dược phẩm “nhái” giả hiệu, chỉ có đường, bột, vài hương vị thơm thơm, hăng hắc không có dược tính. Cơ quan FDA cho hay, một lần họ thử mua thuốc trị bệnh cúm Tamiflu của một công ty có trụ sở ở Ấn Độ. Phân chất thuốc này, FDA chỉ thấy có phấn rôm và acetaminophen mà không chứa một tý hoạt chất oseltamivir trị cúm nào.
Theo cơ quan y tế Thế giới, trên 50% thuốc giả mạo được bán ra từ các cơ sở dấu diếm địa chỉ của mình và đa số thuốc “rỏm” này được sản xuất từ châu Á, châu Mỹ La Tinh, Đông Âu. Thuốc “rỏm”có thể không có hoạt chất cần thiết cho bệnh, chế biến với chất mà mình không biết tên, có thể gây hại; phân lượng hoạt chất không cân bằng, tất cả có thể đưa tới tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe.
6-Đừng mua thuốc ở các cơ sở mà họ không cần mình chứng minh có toa của bác sĩ. Các cơ sở như vậy là bất hợp pháp, hành nghề không giấy phép, vì theo luật định, chỉ có bác sĩ mới có quyền cho toa sau khi đã đích thân khám bệnh.
7-Không mua thuốc ở các cơ sở không số điện thoại và dược sĩ để liên lạc, trả lời các câu hỏi của khách hàng.
8-Đừng mua thuốc ở các cơ sở quảng cáo là có các “thần dược”, trị được bá bệnh.
9-Không mua các loại thuốc cần phải toa bác sĩ đặc biệt thuốc nằm trong danh sách dược phẩm đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan y tế như thuốc có chất ma túy, có thể gây nghiền. Cũng đừng mua dược phẩm chưa được cơ quan FDA hoặc tương đương công nhận là an toàn, hữu hiệu khi dùng.
Mua dược phẩm kiểm soát (controlled substances) mà không có toa thuốc hợp lý của bác sĩ có thể bị giam cầm, theo luật lệ liên bang Hoa Kỳ.
10-Khi nhận thuốc, kiểm soát nhãn hiệu coi có đúng tên mình, tên thuốc, liều lượng như chỉ định của bác sĩ, coi xem thuốc có bất thường như đổi mầu, biến dạng, ẩm ướt; thuốc nước có vẩn đục, có quá thời hạn sử dụng. Coi kỹ xem có đúng với thuốc mình đang uống, hàng được chuyển giao an toàn.
Có bất cứ nghi vấn nào, nên liên lạc ngay với nơi bán để hiểu rõ và nếu cần đổi thuốc. Thậm chí nếu thấy có gì bất hợp pháp thì khiếu nại ngay với các cơ quan hữu quyền như FDA (Food and Drug Administration)…
Mang thuốc vào Hoa Kỳ
Cũng lưu ý rằng luật pháp Hoa Kỳ cấm nhập cảnh các dược phẩm mới chưa được cơ quan FDA thừa nhận công hiệu trị bệnh, tính cách an toàn cũng như sản xuất từ các cơ sở đã khai báo với cơ quan này.
Thêm vào đó, còn cơ quan DEA (Drug Enforcement Administration) là cơ quan theo dõi việc sản xuất, mua bán, lưu hành và sử dụng dược phẩm trong danh sách cần kiểm soát (controlled substances) như thuốc chống đau có chất gây nghiền opiate, thuốc an thần, thuốc có chất steroid. Các thuốc này cần phải có toa của bác sĩ thực sự khám bệnh rồi biên toa. Tìm cách mua các thuốc này mà không có toa bác sĩ hoặc mua “chui” qua internet có thể bị phạt tù.
Nhân viên quan thuế có thể du di cho phép mang vào một ít dược phẩm chưa được FDA thừa nhận, không có ở Mỹ, cho cá nhân dùng không quá 3 tháng khi có bệnh trầm trọng, không có phương thức trị liệu tại đây.
Thuốc phải đựng trong chai lọ nguyên thủy, có giấy chứng nhận của bác sĩ điều trị đã khám tại nước ngoài cũng như bác sĩ sẽ tiếp tục chăm sóc bệnh tại Hoa Kỳ.
Thuốc mang vào không có mục đích quảng cáo hoặc thương mại.
Thuốc không gây ra rủi ro đáng kể.
Khi có nghi ngờ tính cách an toàn và hợp pháp của thuốc, nhân viên quan thuế sẽ liên lạc với cơ quan FDA hoặc DEA gần nhất để xin ý kiến coi có cho phép nhập cảnh thuốc hay không.
Trong thực tế, du khách về từ một số quốc gia như Canada, Mexico… đều có thói quen mua thuốc cho cá nhân dùng, vì giá rẻ hơn rất nhiều. Cơ quan chính quyền thường cũng thông cảm, vì họ nhắm vào giới nhập cảng lậu, các dược phòng bất hợp pháp trên mạng nhiều hơn là nhắm vào bệnh nhân kém lợi tức, cần một ít thuốc trị bệnh. Giá thuốc tại Hoa Kỳ rất cao, nhiều người không đủ khả năng mua thuốc. Nhưng mình phải khai báo. Vì mang dược phẩm vào Hoa Kỳ mà không khai báo là phạm luật.
Kết luận
Mua thuốc qua internet có thể là tiện lợi, dễ dàng và tiết kiệm nhưng không phải là luôn luôn an toàn. Do đó, trước khi mua, nên cân nhắc lợi hại với hoàn cảnh cá nhân và chỉ nên mua qua các trang web có uy tín và có giấy phép hành nghề.
Và đừng mua dược phẩm chưa được FDA của Hoa Kỳ hoặc cơ quan tương đương tại các quốc gia khác thừa nhận.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
Cám ơn BS Nguyễn Ý Đức đã cho đọc bài viết MUA DƯỢC PHẨM QUA INTERNET
Cám ơn Bác sĩ Nguyễn Ý Đức nhiều
SS xin cảm ơn B/S Nguyễn Ý Đức đã cho đọc bài viết MUA DƯỢC PHẨM QUA INTERNET. Rất hữu ích cho mọi người, cả trong và ngoài nước.
Cám ơn Bác sĩ Nguyễn Ys Đức đã cho đọc một bài viết rất hay và bổ ích.
Cám ơn Bác sĩ Nguyễn Y Đức rất nhiều.