Mạn đàm, thảo luận là cơ hội ngồi lại với nhau để chia sẻ tâm tư hiểu biết hoặc phân tích bằng lý lẽ làm sáng tỏ một vấn đề.
Có mấy điều nên theo, vài điều nên tránh để cuộc trao đổi được hào hứng, thân tình:
1-Chẳng nên độc chiếm diễn đàn
Các cụ ta thường nói rằng:
“Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn, nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
Thực vậy, dù có là nhà hùng biện, nói hay nói hấp dẫn với nhiều chuyện để kể, nhưng một mình phát ngôn từ đầu tới cuối thì e cũng “mục hạ vô nhân”.
Vả lại, người khác chắc cũng có những điều muốn kể, vì mỗi người có bổn phận đóng góp phần mình. Đâu có ai muốn bị cho là chỉ “ngậm hột thị”, thụ động, im lặng ngồi nghe.
Ví dù như mình có là chủ nhà, trong cuộc nói lại càng nói vừa đủ đưa đà gợi ý cho cuộc trao đổi, để nhiều người góp ý, hơn là “đường ta, ta cứ đi”, thao thao bất tuyệt.
2-Tập trung vào nội dung câu chuyện
Khi trà dư tửu hậu thì tiện đâu nói đó. Nhưng không phải vì vậy mà cà kê dê ngỗng, lang bang chuyện này chòng chéo chuyện kia.
Đề tài phải hữu ích cho mọi người chứ không nên dài dòng văn tự về chuyện mình thấy hứng thú.
Cũng nên lưu ý rằng, chuyện chỉ hấp dẫn khi được trình bầy lần đầu. Chứ cùng một nội dung, nhắc đi nhắc lại thì liệu có nhạt như nước ốc ao bèo, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
hay không.
3-Chẳng nên nói chuyện cá nhân người khác
“Đèn nhà ai nấy sáng” là câu nhắc nhở của cổ nhân.
Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh. Dù có giận vợ ghét chồng, buồn chuyện con cái đến mấy, cũng chẳng nên “vạch áo cho người xem lưng”, với chuyên riêng tư của mình.
Và cũng chẳng nên mang chuyện “đồn đại” về người khác ra mà “gossip”, làm quà cho buổi gặp gỡ.
Thiếu gì chuyện để nói để bàn. Chuyện thời tiết nắng mưa, chuyện trên trời dưới đất biết bao nhiêu vấn đề liên quan tới đời sống cộng đồng, thế giới mà không ai nắm hết. Cho
nên, ai cũng chờ đợi được kế, được nghe để rộng tầm kiến thức.
4-Đừng phủ nhận, quyết đoán
“Trăm người mười ý”.
Và thường thường khi phát biểu thì đa số cũng chủ quan, cho là lời vàng ngọc/phát ngôn của mình chính xác, đáng nói, đáng nghe. Cũng tốt đi, nếu ý kiến đó được nhiều người
tán thưởng.
Nhưng chẳng nên “thẳng thừng” bác bỏ ý kiến người khác là sai, phải thế này thế kia mới đúng. Một phát ngôn như vậy chẳng khác chi “kê tủ đứng” vào miệng nhau, khiến cho
cuộc trao đổi đột nhiên căng thẳng, ngưng lại.
Cuộc nói vui hơn khi nhiều trao đổi nhẹ nhàng với rất ít đốp chát. Như Socrate đề nghị là thay vì “Tôi nghĩ” thì hãy “Quý vị, anh chị nghĩ sao?”
5-Đừng ngang xương ngắt lời
Lâu lâu đưa ra lời tán thưởng ngắn gọn có lẽ hợp lý hơn là khi người ta đang hào hứng mà mình “thọc gậy bánh xe” với ý kiến của mình.
Hoặc cũng có người không kiên nhẫn đợi người khác kết thúc. Họ đột nhiên xen vào, đưa ra vài nhận xét.
Đây là điều cần tránh vì sẽ làm người khác cụt hứng, bực mình và cũng chứng tỏ mình là người hơi nghèo “văn hóa”, phá đám, làm cuộc nói trật đường rầy, trì trệ.
6-Đừng đột nhiên đổi đề tài
Mọi người đang say mê đưa ra những nhận xét, bình phẩm về thời trang, sắc đẹp mà đột nhiên có người chuyển sang vấn đề kinh tế, tài chánh thì liệu có bị cho là lạc đề không
nhỉ? Chẳng khác chi dòng nước đang êm đềm chẩy mà ai đó thò tay khuấy động…
7-Đừng nặng lời chỉ trích
Cổ nhân thường nhắc nhở rằng:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Liệu lời ăn nói cho vừa lòng nhau”
Vui gì đâu những lời châm chọc không cần thiết, những nhận xét có tính cách ác ý, những nhạo báng, coi thường.
Nếu không nói được lời vừa lòng nhau thì thà im lặng mỉm cười còn đẹp hơn.
“Vừa lòng nhau” là vừa lòng người khác mà ta cũng được bình an, không bị oán giận.
8-Nói rõ ràng, chậm rãi
Kinh nghiệm cho hay những lời nói rõ ràng, chậm rãi được nhiều người tán thưởng, theo dõi hơn là lanh chanh, líu lưỡi. Người nghe sẽ dễ dàng thu nhập, “tiêu hóa” những hiểu
biết mới.
Trong khi nói cũng nên dừng lại năm ba giây, theo dõi nét mặt người nghe, dò xét phản ứng thuận nghịch để tiện bề du di nội dung câu chuyện cho thích hợp.
Lâu lâu lại chêm vào một vài lời hài hước để không khí thêm vui nhộn là điều cũng nên làm.
9-Thích thú, theo dõi câu chuyện
Theo dõi câu chuyện không phải chỉ với tai nghe mà còn mắt nhìn, dáng điệu cơ thể.
Kinh nghiệm cho hay, khi người đang nói mà người nghe lơ đãng, vẩn vơ nhìn trời, nhấp nhổm trên ghế, tay gõ mặt bàn thì hoặc là đề tài lãng xẹt, hoặc người nghe có hẹn,
đang kiếm cơ hội rút lui.
Chẳng nên như vậy. Vừa không lịch thiệp vừa làm người nói buồn lòng, mặc cảm “chắc là mình nói vô duyên, chẳng ai muốn nghe”.
Nếu thầy cần ra đi, cứ lặng lẽ đứng lên, rời bước, để người nghe, người nói tiếp tục.
Cũng chẳng nên nhỏ to riêng với người kế bên, vừa quấy rầy họ, vừa chia trí người khác.
Và:
-Trong trò chuyện, nên dành một thời gian lớn để nghe người khác nói, trừ khi họ muốn mình nói nhiều hơn. Lợi điểm của nghe nhiều là làm vui lòng người nói mà lại dấu được
điểm yếu của mình đồng thời thu lượm thêm hiểu biết.
-“Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” là chiến thuật tốt nên áp dụng khi không hiểu rõ đề tài, chứ chẳng nên mạo hiểm “mao tôn cương”.
-Chẳng nên cao giọng khuyên răn, thuyết giảng, trừ khi được yêu cầu. Lời khuyên nên được đưa ra như một gợi ý chứ không có tính cách “dạy đời”, áp đặt.
Coi vậy mà nói với nhau cũng là cả một nghệ thuật, phải không thưa liệt quý vị đồng hương?.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/video
{jcomments on}
Thật là những lời vàng ngọc, hay lắm!
Cảm ơn BS Nguyễn Ý Đức đã chỉ bảo thêm mấy vấn đề về MẠN ĐÀM, TRÒ CHUYỆN thật hữu ích.
Cám ơn Bác sĩ, bài viết thật bổ ích.
Cám ơn BS , tui hay có tật nói dài , nói dai đọc bài nầy sẽ hạn chế bớt dần.