Tác giả: Lê Huy
… … …
Sực nhớ tới trái banh, nó nói nhỏ Nụ chờ nó chút nhen, rồi chạy vô nhà
trong coi coi trái banh nằm đâu. Nó ở trỏng hơi lâu một chút để nghĩ
xem nó sẽ nói tiếp với nhỏ Nụ cái gì đây. À, phải rồi, nhỏ Nụ có vẻ
“tử tế” với nó quá, bằng chứng là hôm trước nhỏ Nụ đã bụm mặt lại, nén
cười khi con Mừng chọc nó là Cu Đen. Lắng tai cu, nó nghe dì nhỏ Nụ
nói với ba má nó là, hai mạ con của Nụ vô trong ni nghỉ hè, và nếu
được thì cho nhỏ Nụ ở đây học luôn với con Mừng cho có chị có em, chớ
ở ngoài nớ anh nó đi làm xa rồi, chẳng có ai nhắc nhở kèm cho nó học,
mạ nó thì suốt ngày bận trông coi cái sạp hàng xén ở chợ Đông Ba. Nghe
vậy, Luy vui vui trong bụng. Trở ra nhà trước, thấy nhỏ Nụ đang say
sưa ngắm nghía mấy con búp bê bày trong tủ hàng, nó tằng hắng nhỏ một
tiếng để nhỏ Nụ khỏi giựt mình.
– Bộ… thích búp bê lắm hả?
– Ừa…!
– Nè, mày ở đây học luôn hả?
– Ừa… ! Sao biết?
Nó nói, nhờ tình cờ nghe người lớn nói chuyện vừa rồi. Sẵn trớn, nó kể
luôn, chiều hôm qua đi tắm biển, nó hỏi thằng Mưng là Mừng với Nụ có
đi học hè không. Thằng Mưng thấy Luy cầm cây cà lem mút mút, thèm lắm,
nó nói:
– Cho mút một miếng cái đã, rồi tao nói cho nghe.
Luy cho mút, nhưng nó… ăn gian, mút một miếng rồi cũng chưa chịu nói,
“Cái thằng khỉ nhỏ này…!”. Thằng Mưng lại làm khó:
– Thôi, cho cắn một miếng rồi tao nói. Thiệt mờ!
Sợ nó cắn tham, Luy lấy ngón tay cái “bấm ngấn” — “chừng này thôi
nhen!”, rồi đút cây cà lem vô miệng thằng Mưng. Bất ngờ thằng Mưng
chụp tay Luy nhét sâu vô miệng mình, cắn một phát… quá “ngấn”, nhằm
ngón tay cái, đau quá Luy hét lên. Giựt tay ra, giận quá, nó gằn
giọng:
– Nói đi…!
Thằng Mưng sợ quá lật đật nói:
– Có… Có… ! Mừng, Nụ có học hè.
Nghe tới đây, nhỏ Nụ nhịn cười không được, nó lấy tay che miệng cười
hí… hí… “Giọng cười của nhỏ Nụ sao trong trẻo quá, đâu như mấy đứa
kia!”, Luy cảm thấy vậy.
Lát sau, Hon Anh, Hon Em và Lé Xẹ tới rủ Luy đi đá banh. Nó chạy vô
xin phép ba má, rồi ôm banh chạy ra, nói với Nụ:
– Tao đi đá banh với tụi nó nhen. Mày nhớ đi học hè, hí… !
Nhỏ Nụ cười… nụ, nói nhỏ:
– Ừ… ! Mày đi đi…! Tao sẽ đi học, bị tao còn kém quá.
Bốn nhóc vọt lẹ vì sợ chú Năm Bụng trông.
* * *
Vừa thấy chú Năm Bụng từ xa, Lé Xẹ đã rống lên:
– Chào chú Năm Bụng… !
Luy “chỉnh” nhẹ:
– Chú Năm được rồi, còn thêm Bụng nữa chi! Coi chừng chú giận đó!
– Kệ tao… ! Tao thích tiếng Bụng quá! Chú ngoắt ngoắt tụi mình kìa,
đó, chú có giận đâu, thấy hông!
Chú Năm ký nựng đầu Luy một cái:
– Hôm qua sao hông ra sân, mày!
– Dạ, ba biểu ở nhà nhắc cháu đi học hè.
– Ừa… ! Hè vừa chơi vừa học là phải rồi.
Hon Anh tiếp lời:
– Cháu cũng đi học với nó nữa!
Chú Năm Bụng cười ha hả:
– Giỏi… ! Giỏi… ! À nè, tụi bay dám “chơi” với xóm Chuồng Gà Khu Sáu không?
Lé Xẹ háo thắng:
– “Chơi” liền, sợ gì! Xóm Bến Xe Gia Long này “chiến” lắm à chú!
Chú Năm Bụng giọng chắc nịch:
– Rồi, ngày mốt “chơi”. Bữa nay dợt kỹ nghe! — Rồi như vị chỉ huy,
chú dõng dạc ra lệnh:
– Luy, mày đá trung phong. Hon Anh, mày đá cặp với nó. Lé Xẹ, mày là
tiền vệ “con thoi”, đá bao sân, quan trọng đó nghen mày! Hon Em, mày
thuận chân trái thì đi cánh trái thằng Lé Xẹ. Mấy chỗ khác thì tao đã
dặn mấy đứa kia rùi. Thôi, ra sân tập đi!
Thế là đội xóm Bến Xe gồm chín nhóc cùng ông thầy Năm Bụng lao ra sân
hăng hái tập dợt. Chiều hôm sau đá “nháp” với xóm Sân Bay. Kết quả,
xóm Sân Bay thắng 1 – 0 nhờ cú phạt đền, đâu đáng kể. Sau trận đá
“nháp” đó, thầy trò kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chú Năm Bụng còn dặn dò
và truyền thêm một vài ngón nghề cùng mánh lới nữa. Luy đề nghị mặc
quần đùi màu gì cũng được, nhưng phải mặc áo may-dô trắng dán số màu
đỏ — chắc nó nhớ… màu áo đỏ của nhỏ Nụ, ghê thiệt!
Trận banh “sống mái” giữa hai đội Bến Xe Gia Long và Chuồng Gà Khu Sáu
thiệt là… sống mái. Kết quả là Bến Xe thắng Chuồng Gà 2 – 1. Đội Bến
Xe với đám nhóc theo ủng hộ mừng muốn chết, la hét khan cổ luôn, tung
áo tung mũ rợp trời. Đám nhóc theo ủng hộ đè đầu vít cổ đội Bến Xe ăn
mừng tưng bừng hoa lá. Còn đội Chuồng Gà thì rầu lắm, cái mặt buồn
thiu, tiu nghỉu như… gà chết. Và theo truyền thống, cả hai đội đều
được ăn cà lem – hai đứa một cây và uống nước mía – cũng hai đứa một
ly. Cả hai đám nhóc theo ủng hộ cũng được hưởng xái luôn, vui quá xá
là vui vậy đó.
Mấy ngày sau tụi thằng Luy “đòi nợ” chú Năm Bụng, mè nheo bắt chú kể
chuyện đá banh cho nghe. Trưóc khi kể, chú dặn: “Nhớ thắng hổng kiêu,
thua hổng nản, nghe bay!”. Mấy nhóc “Dạ…!” rân lên. Chú nói xa nói
gần:
– Thì trận thắng của mình vừa qua coi như là tao… kể rồi đó!
– Là sao, tụi cháu hổng hiểu gì hết — Mấy nhóc nhao nhao lên.
– Thì là như vầy nè — Chú tằng hắng lấy giọng — Đội Chuồng Gà đá vô
trước một trái là nhờ nó biết “ma giáo”, cái mánh này tụi bay cũng
phải học à nghen. Thừa lúc trước gôn mình lộn xộn, thằng Chuột Đen của
nó hất banh trúng tay Tí Sún của mình, nên tụi nó hưởng cú phạt đền,
mình bị dẫn trước 0 – 1.
– Chời wơi, tụi nó ma giáo vậy sao!
– Cú gỡ “một đều” của mình thì thằng Lé Xẹ đã theo đúng bài bản của
tao để thằng Gà Tồ làm bàn, như tao đã đá với đội Cảnh Sát Huế –đội
này vô địch miền Trung đó nghen. Để coi… ! Từ cánh phải, tao bấm bóng
vô giữa, bóng treo lơ lửng gần chấm phạt đền của đối phương, chú Tư
Khều huấn luyện cho đội Chuồng Gà đó, lợi dụng chiều cao của mình, từ
vạch mười sáu thước năm mươi, bay ào vô “tết” cái đầu. Thủ môn Dần của
Cảnh Sát Huế cao lớn dềnh dàng như kênh kông nhảy lên đón bóng, nhưng
nó lầm, Tư Khều “tết” cái banh gặt xuống đất, cái banh nẩy lên xỏ qua
nách thằng Dần, chui vô gôn luôn.
Đám nhóc vỗ tay rần rần:
– Hay wá… ! Hay wá… !
Chú Năm hiu hiu cặp mắt, tiếp:
– Chưa hay lắm đâu! Còn cú thắng thứ hai của mình thì thằng Hon Anh
cũng đã theo đúng bài bản của tao để thằng Luy làm bàn ngon ơ. Nè… !
Cũng trong trận đó, tao dẫn banh lắc léo xâm nhập vùng cấm địa của tụi
nó, thằng Dần có vẻ tự tin xàng qua xàng lại chờ bắt cú sút của tao,
bất ngờ tao dùng gót chân giựt ngược trái banh ra sau, chú Xin Hủ Lô
lao tới xỉa bóng xẹt vô góc sà lăn vô gôn, thằng Dần đứng chết trân,
rồi tức tối đá bồi vô… lưới nó luôn.
Làm như trận thắng Cảnh Sát Huế là trận thắng của đội Bến Xe mình, mấy
nhóc nhào tới ôm chặt khừ chú Năm Bụng mà nựng… tới bến. Chú la bai
bải:
– Nghẹt thở tao, bay! — Rồi mặt chú đỏ bừng lên, cái phút vinh quang
ngày xưa chợt trở về với chú.
– Trận đó, đội tỉnh mình thắng 2 – 1. Tao được nhận danh hiệu là “cầu
thủ có đường chuyền hay nhứt giải”.
* * *
Nhưng rồi mấy trận banh mùa hè hào hứng đó lại bị xẹp dần bỡi mùa
luyện thi Đệ Thất của mấy nhóc.
Lớp luyện thi Đệ Thất của thầy Dần đông lắm. Chẳng hiểu lấy sức ở đâu
ra mà thầy dạy một ngày ba xuất sáng-chiều-tối luôn. Nhưng gương mặt
thầy vẫn tươi tắn, chẳng thấy bơ phờ chút nào. Chắc thầy yêu nghề và
yêu lũ trẻ tương lai của Đất Nước lắm. Thấy mà thương thầy vô cùng!
Lớp luyện thi ấy có Luy – Hon Anh – Vàng – Chuột Đen. Có cả hai chị em
nhỏ Nụ – Mừng nữa. Hai nhỏ này ngồi bàn trước, Luy với Hon Anh bon
chen ngồi ngay bàn sau lưng tụi nó. Nụ vẫn khoát thêm bên ngoài cái áo
mỏng màu đỏ. À, có cái đặc biệt là lúc nào ra đường Nụ cũng đội nón
lá, mà phải là chiếc nón bài thơ làm từ Huế kìa, Nụ mới chịu. Nụ đội
nón là để che mưa che nắng và cũng để che… mặt luôn. Luy không hiểu
tại sao gọi là chiếc nón bài thơ, bỡi nó thấy nón nào nón nấy cũng
giống nhau cả thôi. Mà Luy cũng chưa tiện hỏi nhỏ Nụ là “Tại răn
rựa?”.
Theo học lớp này, Luy thấy mình và lũ bạn “người lớn” hẵn lên. Luy
cũng thấy hình như mái tóc của Nụ có dài xuống ngang lưng chút xíu.
Thỉnh thoảng nói chuyện với Nụ và Mừng thì nó gọi tên xưng mình, chớ
không còn mày tao nữa. Hình như Luy “có chút gì thay đổi” đây. Ở nhà
Luy nói như két, vậy mà đến lớp thì lại ít nói, chắc tại có… Nụ. Có
khi Hon Anh chơi nghịch giựt giựt một hai sợi tóc dài của Nụ, Luy nhăn
mặt nhíu mày, vẻ không vui.
Nụ và Mừng học hành cũng khá chớ bộ. Môn Tập Làm Văn thì Nụ ngon lành
lắm, được thầy Dần lấy làm mẫu cho cả lớp hoài, Luy cũng vui lây. Còn
môn toán thì hai nhỏ đó khá suông sẻ. Khi nào căng lắm thì mới kín đáo
hỏi Luy thôi. Thầy Dần thường ra bài thi “toán chạy”, trò nào làm
nhanh và đúng lên nạp bài trước thì thầy khen lắm. Mà cái màn “toán
chạy” này thì bộ ba Vàng – Chuột Đen – Luy là số dzách. Khi ở nhà, thì
Nụ – Mừng – Hon Anh và Luy tuy không đến học chung với nhau, nhưng
cũng thường hay hỏi qua hỏi lại về các môn học cần thiết. Bài nào bí
lắm thì Luy nhờ anh Hai mình giảng cho bốn đứa hiểu luôn.
À, nhỏ Mừng này vẫn thường hay ghẹo Luy lắm. Có lần nó sai nhỏ Mững
cầm miếng giấy chút xíu có ghi câu hỏi “Lông quặm là gì?” đưa cho Luy.
Luy nghĩ là con Mừng cũng biết chớ, nó biểu nhỏ Mững về đi, sẽ trả lời
sau. Rồi Luy lật cuốn sách Vệ Sinh ra, chép lại… câu trả lời từ trong
sách đó rồi cầm qua nhờ Mững đưa lại, chớ không dám đưa thẳng cho
Mừng. Té ra Luy vẫn còn… “né” nhỏ Mừng. Lúc nào thấy buồn buồn thì Luy
“kiếm chuyện” qua nhà bên đó giả bộ hỏi này hỏi nọ để được gặp Nụ. Luy
nói “Nụ rán học đi, thi mà đậu vô trường công là sướng lắm đó!” — “Ừ,
thì Nụ cũng đang rán đây! Có gì kẹt thì nhờ Luy nghen!” – “Mà Luy có
gì kẹt thì nhờ lại Nụ nghen!”.
Hồi đó, Luy chơi mandolin cũng nhuyễn lắm. Cứ khuya khuya, học bài
xong là Luy leo lên mái tole nhà mình đánh mandolin. Luy cố tình đánh
lớn lên để mong rằng Nụ cũng nghe được. Luy đánh vài bài, mà khi nào
cũng có bài Suối Tóc của Văn Phụng mà Luy vừa biết đây. Luy vừa đánh
vừa khẽ hát theo,
Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi,
Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai.
Ghi trong nét bút u hoài hình bóng ai,
Tôi thấy em một đêm thu êm ái
… … …
Một hôm, Nụ hỏi:
– Bộ túi túi Luy hay đạnh đờn lặm hị?
Vậy là Nụ đã nghe được tiếng đờn của mình rồi; sướng rêm người lên,
Luy ngập ngừng nói nhỏ:
– Ừa… ! Luy đánh đó… ! Mà… dở ẹt Nụ hỉ?
– Không… ! Nghe hay lặm, Luy… ! Nụ nọi thiệt đọ… !
Luy nghe trống ngực mình đánh thình thịch:
– Cám… cám… ơn… Nụ.
– Nụ còn biệt Luy đạnh bài Suội Tọc nựa đọ… ! Nụ cụng thịch bài này lặm… !
Luy nghe hai vành tai mình nóng ran lên, chắc là cái mặt nó cũng đang đỏ lắm!
Thoắt một cái là đến ngày thi rồi. Mặt mày nhóc nào nhóc nấy cũng đầy
vẻ lo âu. Rút kinh nghiệm, anh Hai của Luy dặn chung mấy nhóc là gần
ngày thi vài hôm thì nên dạo phố hay ra biển chơi cho đầu óc được
thoải mái; đừng có đụng tới sách vở nữa để khỏi phải bị lo âu nhiều
rồi sinh ra hồi hộp, không tốt đâu.
Kết quả kỳ thi, Vàng – Hon Anh – Luy đậu chính thức. Tội nghiệp cho
Chuột Đen, nó học giỏi lắm mà lại đậu dự khuyết. Nụ và Mừng cũng đậu
dự khuyết. Lớp dự khuyết này gọi là Đệ Thất Năm, phải chờ Bộ Giáo Dục
quyết định công nhận hay không là tùy theo ngân sách của Bộ. Đệ Thất
Năm học được vài tháng thì Bộ ra quyết định không công nhận vì thiếu
tiền. Vậy là các bạn trong lớp này phải ra học trường tư, chờ năm sau
thi lại. Các bạn ấy buồn lắm. Luy cũng buồn theo… Nụ và kiếm cách an
ủi bạn.
Chừng mươi ngày sau, Luy không thấy Nụ đâu cả. Luy đi qua đi lại nhà
Mừng nhiều lần, rồi cả tháng sau cũng chẳng thấy mạ với Nụ đâu hết.
Thấy vẻ mặt lơ lơ láo láo, ngơ ngơ ngác ngác của Luy, nhỏ Mừng mới
cười cười nói nói:
– Buồn năm phút nghen… Cu Đen… !
Nhỏ Mừng… ác quá! Chưa bao giờ Luy lại giận nhỏ Mừng bằng lúc này!
“Sao Nụ đi mà hổng nói mình tiếng nào dzậy cà!?” – Luy chợt nghe bước
chân mình hơi hẩng trên đường đến trường mà đã có đôi lần hai đứa cố
ý… tình cờ đi chung lối, Nụ trước Luy sau.
Lê Huy
(Los Angeles)
Kết cuộc không có hậu rồi !
Tình ơi ! chia ly từ đây ?
Hồi xưa , Kiều Thanh cũng hay mút chung kẹo cà ! ngọt lắm Lê Huy ơi !
Dùng tiếng đàn để cua gái ! khôn thiệt .
Ngày xưa còn bé đủ trò vui ghê hả Lơ Wi ?
Ôi ! chuyện con nít dễ thương quá .
Nụ đi rồi , không lời từ biệt bùôn quá anh Huy hỉ ?
Chuyện Luy mà sao giống chuyện của Quy Nhơn quá .
Thời Lê Huy đi học cũng là thời của Hồng đi học đây !
không chừng là người quen cũ cũng nên .
Chuyện vui quá hả anh Huy , đề nghị Luy cứ trường kỳ kháng chiến với Nụ đi
Câu chuyện Luy và Nụ dễ thương và vui quá anh Lê Huy ơi, em mong được nghe anh kể tiếp đoạn cuối nữa anh nhé.
Cám ơn anh Lê Huy nhiều, chúc anh vui, khoẻ.
Nhỏ Nụ người Huế phải không anh Huy ?
Giờ Lê Huy còn đá banh không ?
Hai đứa một cây cà rem , hai đứa một ly nước mía .
Ngon vô cùng , bây giờ thì tha hồ …ăn nhưng hết ngon rồi !
Anh Lê Huy xạo rồi ! mới học lớp năm làm sao mà biết đàn bài
” suối tóc ” ít nhất học đệ nhị ,đệ nhất chớ ?
Anh LƠ WI dziết dzui ghơ!
Ta có chiêu ” Đại Cầm Cà Rem Cốt “
, xuất chiêu là nữ nhân mê mẫn tâm thần đó Lê Huy .
Một chuyện tình con nít thật dễ thương . Lê Huy viết cảm động lắm!
Không biết Lê Huy bao nhiêu xuân xanh mà văn rất trẻ ,
trẻ hơn mười sáu trăng tròn
Hầu xưa Qua cũng thích đánh đờn đó Lê Huy .
Đề nghị Lê Huy làm một trường thiên tiểu thuyết Nụ – Luy cho rồi .
Xin chào các bạn,
Hổm rày LH không được khỏe lắm vì vừa đi bệnh viện để soi ruột và soi bao tử. Nay đơ đỡ phần này nên mới ngồi gõ gõ vài dòng với các bạn đây.
Cám ơn các bạn đã có lòng với đám nhóc này.
Chuyện hồi xửa hồi xưa, hồi nhỏ hồi nho ai mà không có. Cũng giúng như chuyện của các bạn vậy mà. Vui kể gì… Nên làm sao mà quên được, phải không!
Chuyện Luy và Nụ thì… chỉ chừng đó thôi, muốn… xạo thêm cũng chẳng được, khó quá; rủi Nụ đọc được thì biết ăn nói làm sao đây.
Vì (hình như) thằng Luy… già trước tuổi nên nó dùng tiếng đàn để cua Nụ cũng là… chuyện thường thôi, chẳng có gì phải… ầm ĩ lên hết.
Bây giờ thằng Luy không còn đá banh nữa mà chỉ coi thiên hạ đá trên… tivi thôi. Nhứt là những chiều cuối tuần, nó không bỏ sót trận nào trên tivi hết. Nó rất hào hứng và nhớ lắm cái thời “vờn bóng” với bạn bè trước cổng sân bay hoặc trên sân vận động Quy Nhơn dạo nào.
Bài ca Suối Tóc này nhạc sĩ Văn Phụng sáng tác năm 1954 để… nhớ người tình của mình là nữ danh ca Châu Hà; nên năm 1960 thằng Luy đánh mandolin bài này để “dợt le” với Nụ là chuyện có thiệt đó Bích Vân à… Không xạo miếng nào đâu.
Tuệ Minh đề nghị Lê Huy làm một trường thiên tiểu thuyết về Nụ – Luy thì… không được rồi vì LH chẳng có can đảm làm chuyện này đâu.
Và, sau Mùa Hè Có Nụ này cũng có một bài dính dáng đến hai đứa nó nữa. (Xin các bạn hãy đợi đó… Sẽ trình làng sau).
Chúc Lê Huy mau khỏe… để làm nhiều chiện .
Chúc anh Lơ Wi mau phẻ để viết thêm nhiều bài hay nữa, Sài Gòn đang chửng bị đón đọc bài kế của anh 😀
Xin Sài Gòn Thị Nguyễn chờ thim… ít lâu nữa, ngheo!
Lơ Wi đang có khá nhìu chiện đó.
Chúc anh Lê Huy mau lành bệnh .
Chúc anh Lê Huy mau khỏe .Thăm chị và các cháu .
Anh Lê Huy ơi! mong anh mau khỏe mạnh.
Lê Huy , cầu mong LH mau khỏe .
Lê Huy ơi, em cầu mong anh mau lành bệnh, khoẻ mạnh lên anh nhé.
Sau vài ngày không khỏe mấy, nay LH bình thường lại rồi.
Cám ơn các bạn đã thăm hỏi và chúc lành cho LH.
Dzui wá,anh Lơ Wi phẻ lại rầu,,,có dzị mới được chớ 🙂
Phẻ lên để chửng bị đại hội liên trường QuyNhơn 😆
Chúc mừng Lê Huy hết bịnh , mà bịnh gì dẫy có phải bao giờ hết tương tư không ?
Được trở lại nơi này, LH vui lắm.
Cám ơn các bạn.
LH có bệnh gì đâu, chẳng qua là sau khi soi ruột
và soi bao tử (10 năm một lần)
nó làm mình ngầy ngật ít hôm vậy mà.
– Bao giờ hết tương tư?
– Để coi lại đã!