Tác giả: Vũ Thanh
ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY
Hồi thứ mười
Dân biên tái tìm vui nơi chợ rượu
Cao Đường gia say đắm Ngọc Lan Hương
Sáng hôm sau họ rời trạm Long Phước sớm tiếp tục cuộc hành trình. Trưa hôm sau nữa họ đến Phù Ly thì biết Tôn Thất Dục và Đoàn Phong các người đã vào Quy Nhơn để chủ trì vụ xử án bọn Trần Đại Chí. Họ bèn lên đường vào thẳng phủ thành Quy Nhơn. Bọn lính canh đưa ba người vào qúan dịch ngồi chờ, một lát sau đã thấy Đoàn Phong cùng Ngô Mãnh đến, họ vui vẻ chào hỏi nhau. Đoàn Phong lên tiếng:
– Chúc mừng Bạch tiểu thơ đã hoàn thành tâm nguyện của mình.
Bạch Mai nhìn Ngô Mãnh bằng ánh mắt cảm ơn:
– Cũng nhờ Tôn thúc thúc và Ngô huynh đây giúp đỡ cho. Tiểu muội thật không biết nói gì hơn để bày tỏ lòng tri ân.
Ngô Mãnh gặp lại Bạch Mai trong lòng vui lắm nhưng tính chàng ít nói lại vụng về nên chỉ nói được mấy tiếng cộc lốc:
– Không có gì đâu. Bạch tiểu thơ đừng ngại.
Chỉ đơn giản thế thôi mà mặt chàng cũng đỏ gay. Văn Hiến hỏi:
– Kết qủa vụ án thế nào?
Đoàn Phong đáp:
– Quan Ngoại tả gởi cho Tôn thúc một bức thơ xin giảm tội cho bọn Đại Chí và cách chức quan huyện của Huỳnh Hảo Hớn. Cả bọn Khắc Tuyên và Huỳnh Công Đức cũng nói thêm vào nên cuối cùng Tôn thúc chỉ phạt vạ bọn Đồng Bách, Thừa Ân năm ngàn quan, tịch thu hiện vật. Còn Trần Đại Chí phải bị tù năm tháng. Phần Huỳnh Hảo Hớn thì tôi có ngỏ lời bênh vực cho hắn vì biết hắn cũng là tay hảo hớn nhưng Tôn thúc nói quan Ngọai tả dặn nhứt định phải cách chức hắn nên người không muốn vì chuyện đó mà mất lòng quan Ngoại tả bỡi vậy hắn đành phải trở về dân dã.
Văn Hiến nói:
– Như thế cũng được. Đại Chí bị giam năm tháng, bọn Dương Tử Tam Kiếm đã trở về Giản Phố, việc Trần gia chúng ta tạm thời đỡ phải lo.
Đoàn Phong hỏi:
– Chừng nào các bạn vào Giản Phố ?
Bạch Mai đáp:
– Bọn tiểu muội định đầu tháng tám này sẽ theo thuyền của Cao Đường ở đầm Hải Hạc trở vô Gia Định. Muội muốn gặp Tôn thúc thúc để nói lời cảm ơn và từ biệt người.
Đoàn Phong vui vẻ:
– Được, được. Mời tiểu thơ theo tôi.
Chàng đưa Bạch Mai vào trong phủ gặp Tôn Thất Dục. Hai người vừa bước vào, Tôn Thất Dục đã mỉm cười nói ngay:
– Xin chúc mừng Bạch tiểu thơ đã hoàn thành tâm nguyện của mình.
Bạch Mai chắp hai tay vái dài, giọng của nàng hết sức trang trọng:
– Mọi việc cũng nhờ ơn Thúc thúc đã giúp đỡ cho. Cháu xin thay mặt Trần gia cảm tạ tấm lòng của Thúc thúc và các huynh ở đây.
– Chỉ là sự đền đáp trong muôn một đối với công đức to lớn của Trần gia đối với đất nước này. Khi nào cháu về Gia Định, cho ta gởi lời thỉnh an tới Trần bá mẫu và Trần hầu nhé.
– Dạ, cháu sẽ thưa lại với Bá mẫu và anh Đại Lực. Cháu có ý đến đây từ biệt Thúc thúc để trở vô Giản Phố. Cầu Thúc thúc ở lại vạn sự an khang.
– Chúc tiểu thơ lên đường bình an. Khi nào thì khởi hành? Bọn Văn Hiến và Hồng Liệt cùng đi với tiểu thơ chứ?
– Dạ đầu tháng này ạ. Dạ vâng, hai huynh ấy cùng đi với cháu.
– Như thế thì tôi an tâm hơn. Về sau tiểu thơ không nên một mình xông pha ngàn dặm như thế nữa.
– Dạ. Cháu biết rồi ạ. Cháu xin phép cáo từ Thúc thúc.
– Tiểu thơ đi bình an.
Hai người trở ra quán dịch. Đoàn Phong nói:
– Trước khi Bạch tiểu thơ và các bạn đi Gia Định, bọn tôi thì trở lại Phú Xuân, tôi muốn mời các bạn xuống chợ rượu Phú Đa để uống một bữa chia tay và nghe hát. Các bạn thấy thế nào?
Hồng Liệt vỗ tay tán thành:
– Ý kiến hay đấy. Ta nghe ở chợ rượu Phú Đa tại Tửu Quán Bên Đường có bán đủ loại rượu ngon ở phủ Quy Nhơn, lại có nàng Ngọc Lan Hương vừa xinh đẹp, vừa ca hay nổi tiếng khắp phủ nữa đấy.
Đoàn Phong cười:
– Rõ là tên trộm, nơi nào có đồ hiếm qúi hắn cũng biết. Ta cũng vừa nghe thiên hạ ở Quy Nhơn đồn đãi nên có ý mời các bạn đến nơi đó để vừa uống rượu vừa nghe hát. Nghe nói Ngọc Lan Hương chỉ hát ở đó mỗi tháng có ba lần. Hôm nay may mắn đúng vào đầu phiên chợ cuối tháng, chợ rượu càng đông vui hơn, là ngày diễn của nàng. Bạch tiểu thơ đừng chê bọn tôi là những kẻ phong lưu nhé.
Bạch Mai lườm chàng:
– Đâu dám. Cánh nam nhi của các người ai chẳng quen thói phong lưu.
Nói xong nàng nở nụ cười thật đẹp trên đôi môi nhỏ nhắn:
– Muội nói cho vui thế thôi. Muội cũng muốn nghe nàng Ngọc Lan Hương gì đó hát nữa. Nhưng để các huynh tự nhiên hơn, muội sẽ cải nam trang. Như vậy được chưa?
Hồng Liệt vỗ tay:
– Như vậy mới xứng là nữ lưu chi thượng chứ.
Nói xong chàng liền ngâm nga bài thơ của Văn Hiến vừa làm đêm trước. Đoàn Phong nghe qua bài thơ vỗ tay khen:
– Gã trộm này mà cũng sáng tác được một bài thơ tuyệt vời thế này ư?
Hồng Liệt cười nói:
– Ta mà thơ với thẩn cái nỗi gì. Của tên đồ gàn vừa đối cảnh trên sông Thu Bồn mà đề ra để tặng sư tỷ ta đấy.
Ngô Mãnh nãy giờ ngồi im chợt lên tiếng:
– Bài thơ vừa hay, vừa mô tả thật chính xác.
Đoàn Phong cũng khen:
– Đúng vậy.
Bạch Mai hổ thẹn xua tay:
– Thôi thôi. Các huynh ỷ đông ăn hiếp muội. Muội sẽ trốn đi Gia Định một mình cho mà coi.
Đoàn Phong vội nói:
– Xin lỗi, xin lỗi. Bạch tiểu thơ đừng giận. Thôi sửa soạn đi, đã trễ rồi đấy.
Chờ Bạch Mai vào trong cải trang xong, năm người bọn họ cưỡi ngựa ra khỏi phủ thả dọc theo đường quan lộ theo hướng nam, rồi quẹo xuống hữu ngạn con sông nhỏ Thạch Đề, xuôi về đông một đoạn ngắn nữa là đến chợ rượu Phú Đa, thuộc tổng Háo Đức Thượng, (nay là xã Nhơn An, huyện An Nhơn). Nơi đây được xem như là chốn phồn hoa đô hội chỉ thua có kinh thành Đồ Bàn xưa, nay là thủ phủ của phủ Quy Nhơn. Dọc đường đi Đoàn Phong kể:
– Đêm hôm trước Nguyễn Khắc Tuyên có mời Tôn thúc cùng tôi và Ngô huynh đến nhà riêng của ông ta uống rượu. Ông có mang ra bộ bình chén rượu của Huỳnh Hảo Hớn mang tặng ông cùng một vò rượu Tiên, loại rượu đặc biệt dành cho các Vua Chiêm quốc uống. Thật là tuyệt. Ông ta kể cho chúng tôi nghe về lịch sử và sinh hoạt của khu chợ rượu này với một truyền thống lâu đời từ những thời đại xa xưa, mà có lẽ nó đã có mặt cùng lúc với thành cũ Đồ Bàn của đế chế Chiêm Thành, và nó cũng đã từng chết đi trong một thời gian cùng với đất nước Champa vào thế kỷ 15. Sau này những đời chúa Nguyễn của chúng ta không ngừng di dân vào tái tạo vùng đất kinh đô cũ thì chợ rượu Phú Đa sống lại và thành nơi tụ hợp cho những tay anh hào tứ chiếng và cho cả đám người xiêu tán về vùng biên tái xa xôi này.
Bạch Mai chen vào:
– Phong huynh kể làm muội nhớ lại chuyện khai hoang lập đất của vùng Cù Lao Phố qúa, người Việt địa phương gọi Giản Phố là Cù Lao Phố. Đúng là ở những vùng đất mới, chợ rượu, quán rượu bao giờ cũng là nơi qui tụ đông đảo những kẻ lưu dân, tất nhiên là đám mày râu của các anh, sau những giờ làm việc vất vả.
Đoàn Phong nói:
– Bạch huynh nói đúng. Đối với cánh đàn ông chúng tôi, nhất là với những người tha phương lập nghiệp khai núi phá rừng, men cay của rượu bao giờ cũng là chất liệu cần thiết để xua đi bao mệt nhọc, phiền muộn cũng như niềm tưởng nhớ cố hương. Cho nên chợ rượu Phú Đa sống trở lại và phát triển nhanh ở vùng đất mới này là như thế. Dần dà với đà phát triển của phủ Quy Nhơn, nơi đây cũng trở thành chốn tụ tập ăn chơi hưởng thụ của giới quan quyền và thượng lưu giàu sang khắp vùng. Vì vậy chợ rượu thu hút gần như tất cả các giai nhân, tài tử tứ phương cùng với nhiều loại danh tửu trong thiên hạ. Xưa có rượu Tiên, nay thì có đệ nhất rượu đế Bầu Đá ngon và nổi tiếng khắp phủ Quy Nhơn.
Hồng Liệt cười nói:
– Nghe Phong huynh mô tả khu chợ rượu thôi đã làm ta say ngất rồi. Nhưng đó là chuyện đời thường bây giờ. Đồ gàn, ngươi thử nói chuyện rượu của cổ nhân cho mọi người nghe xem nào. Theo ngươi thì rượu có từ bao giờ?
Văn Hiến hắng giọng một tiếng đáp:
– Tương truyền rượu có từ thời Vua Thần Nông khi ông dạy dân BáchViệt ta trồng lúa và ngũ cốc, từ đó ủ ra men và chế thành rượu. Trong Chiến Quốc Sách có viết:
Đế Phi Nghi Địch tạo tửu
Tiến chi vu Vũ
nghĩa là: Bà Đế Phi (vợ Vua Vũ) chế ra rượu
Tiến dâng lên Vua Vũ
Còn trong kinh Chu Lễ thì viết:
Quán dụng Uất Xưởng
Vị hữu phồn hương
nghĩa là: Dùng rượu Uất Xưởng rót xuống mà tế
Chưa có lệ đốt hương
Là vì thời nhà Chu vẫn chưa có lệ dùng hương trong việc cúng tế mà chỉ dùng rượu. Có chức quan Tế Tửu trông coi việc tế tự này. Cho đến đời Lương Vũ Đế mới dùng hương để tế trời:
Lương Vũ Đế tự thiên thủy dụng trầm hương.
dịch: Lương Vũ Đế tế trời bắt đầu dùng trầm hương
Đó đại khái là xuất xứ và cái dụng của rượu ngày xưa. Ngươi còn muốn nghe điều gì nữa không?
Đinh Hồng Liệt định hỏi nữa thì mọi người đã vào đến khu vực chợ rượu. Phiên cuối tháng chợ mở suốt năm ngày liền, hôm nay nhằm ngày đầu tiên nên rất đông vui, mùi rượu thơm nồng, sực nức cả một vùng không gian rộn lớn, tiếng nói cười say sưa ồn áo khắp chốn. Chợ, ngoài những gian hàng, tửu lầu cố định còn có rất nhiều hàng gánh do những cô gái trẻ mang rượu tự chế ở nhà đến đây để bán, bỡi vậy khách uống rượu có thể thưởng thức đủ mọi loại rượu trong miền. Ở đây có rượu nếp hương, rượu nếp Phú Đa, Háo Lễ, tới rượu gạo tăm Cảnh Hàng, rượu Sen Hồng với loại gạo Hồng tiên hạt to lông màu hồng và đỏ. Cả những ché rượu cần của người thiểu số anh em theo những chuyến trầu nguồn từ mạn ngược trên cao nguyên chở xuống mạn xuôi cũng qui tụ về đây… Rượu đã nhiều, toàn loại rượu ngon, lại được các bàn tay xinh đẹp của các cô hàng rượu rót mời khiến cho khách uống rượu một khi đã đến đây thì chẳng muốn trở về, mà khi trở về thì lòng say chếnh choáng chỉ mong đến phiên chợ để được dịp trở lại đắm mình trong men rượu lẫn men tình bên những cô hàng rượu xinh tươi duyên dáng.
Bọn năm người của Đoàn Phong đến trước cữa Tửu Quán Bên Đường bèn nhảy xuống ngựa, trao cương cho người giữ ngựa của quán rồi bước vào trong khuôn viên quán. Cái tên Tửu Quán Bên Đường tự nó đã gieo trong đầu khách giang hồ một ý tưởng thơ mộng và lãng mãn. Đến nơi ngắm nhìn thì qủa thật cái cảm tưởng đó không sai với sự thật là mấy. Chủ quán hẳn là tay sành sỏi về nghệ thuật nên mới xây dựng và trang trí ngôi tửu lâu có dáng dấp và phong cách vừa văn nhã, vừa thơ mộng giống như cái tên của nó. Chẳng những thế, mọi quy cách xây dựng và trang trí đều rất thích hợp với vị trí phong thủy, từ hòn giả sơn với suối nước cho đến các cấu trúc chung quanh đều ứng hợp với Thanh long, Bạch hổ, Chu tước và Huyền vũ. Văn Hiến đưa mắt quan sát quang cảnh tửu lầu một hồi, gục gặc đầu khen:
– Người chủ ngôi tửu lầu này quả là tay sành điệu cả về tri thức lẫn nghệ thuật. Thảo nào ngôi tửu lầu này chẳng nổi tiếng khắp nơi. Hay lắm, Phong huynh đưa chúng ta đến nơi này qủa không uổng một chuyến đi du ngoạn.
Bạch Mai thêm vào:
– Muội cũng có ý nghĩ giống Trương huynh vậy. Đây đúng là nơi uống rượu tốt cho các bậc tao khách.
Mọi người bước vào bên trong. Tửu lầu rất rộng, có hai tầng, tầng dưới chỉ bán rượu bình thường, lúc này tửu khách đã ngồi chật hết các bàn, tiếng nói cười rộn khắp nơi. Tầng trên có sân khấu nhỏ để ca hát và bán những loại rượu hảo hạng. Khách muốn lên trên lầu phải xem chừng lại cái hầu bao của mình vì tiền rượu được tính rất mắt, vì là rượu hảo hạng khắp nơi mang về lại cộng thêm tiền phí xem hát vào đó. Hôm nay đặc biệt có nàng Ngọc Lan Hương trình diễn thì phí xem hát lại càng cao hơn. Bỡi vậy, đa số những người làm lao động họ chỉ ngồi ở tầng dưới rồi bảo nhau im lặng để có thể vừa uống rượu vừa nghe được tiếng hát của nàng Ngọc Lan từ tầng trên vọng xuống. Nhưng được một thời gian ngắn, sau đó mỗi lần đến phiên trình diễn của Ngọc Lan, chủ quán cũng tính luôn tiền phí nghe hát đối với tất cả những ai vào uống ở tầng dưới, tất nhiên rẻ hơn rất nhiều so với khách sang ở tầng trên. Ban đầu đám khách nghèo lên tiếng phản đối, nhưng nhà hàng nói thẳng thừng rằng ai không chịu trả thì mời sang quán khác mà uống. Thế là bọn khách nghèo đành thay phiên nhau bóp bụng vào nghe.
Tửu Quán Bên Đường có lẽ là một trong những tửu lầu có mặt ở chợ rượu Phú Đa lâu đời nhất. Họ thay nhau cha truyền con nối giữ cái quán này kể đã ba đời chí ít. Họ lại có một cái lệ hết sức nghiêm khắc là không ai được quyền đánh nhau trong quán. Bất kể khách là người thế nào, có xích mích gì nhau xin mời ra bên ngoài thanh toán, ai vi phạm điều cấm này thì sẽ bị chủ quán ra tay trừng trị đích đáng. Một khi khách đã ra khỏi cữa quán thì dù có chém chết nhau trước cữa hàng, chủ quán cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn, tuyệt không can thiệp vào. Một cái luật hách như thế mà từ lâu lắm rồi, Tửu Quán Bên Đường vẫn giữ được bảng hiệu của mình cũng là nhờ vào hai điều. Thứ nhất là họ buôn bán ở đây lâu, sống lâu lên lão làng, lại có tiền, nên các quan phủ, huyện nhà đều là chỗ quen biết cả. Thứ hai, sau vài lần khách uống rượu qúa chén vi phạm luật cấm, bị chủ quán trừng trị đích đáng thì mọi người đều biết rằng các đời chủ quán này và đám gia nhân ai nấy đều có một thân võ nghệ tuyệt luân. Cũng nhờ vậy mà khách vào đây có thể an tâm thưởng thức những hương vị ngon và lạ của các loại danh tửu bốn phương mà không bị phiền hà về việc gây gổ, ẩu đả nhau của những tay tứ chiếng khi đã qúa chén la đà.
Chủ quán thấy năm con tuấn mã chở năm chàng trai lạ mặt, người tướng mạo đường đường lẫm liệt, kẻ phong cách lịch thiệp hào hoa thì biết ngay họ là những người thuộc giới quyền qúi, chính nhân hiệp sĩ từ phương xa tới nên đặc biệt đích thân đến đón. Ông ta tác khoảng trung niên, người cao lớn khỏe mạnh, chòm ria mép đen nhánh cắt ngắn gọn ra tướng con nhà võ. Ông vui vẻ và niềm nỡ chào bọn Đoàn Phong rồi đưa khách lên lầu. Tất cả các bàn chung quanh bốn vách tường và một số bàn ở giữa đã có khách ngồi kín, chỉ còn hai chiếc bàn trống ở hàng thứ hai trước sân khấu, chiếc bàn duy nhất rất lớn phía trước đặt sát sân khấu ca hát đã có bốn người khách ngồi. Ông đưa năm người khách lạ đến chiếc bàn trống, mời khách ngồi rồi lịch sự hỏi:
– Qúy hiệp sĩ và công tử chắc là người từ phương xa mới đến phủ Quy Nhơn phải không? Lần đầu tiên nhà quán chúng tôi được đón tiếp qúy khách qủa thật là điều vinh hạnh lớn. Cũng xin nói qua để qúy khách thông cảm, đêm nay những chiếc bàn ở trước sân khấu, càng gần bao nhiêu thì phụ phí càng cao bấy nhiêu, do đó mới còn lại hai chiếc bàn trống này. Qúy khách hiểu cho, chúng tôi tin tưởng sau khi uống rượu và nghe Ngọc Lan Hương hát xong qúy khách sẽ chẳng còn lưu tâm đến việc phụ phí cao hay thấp nữa. À, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi cắt cổ qúy khách đâu. Chúng tôi là những người rất biết cách làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi mà.
Hồng Liệt cười nói:
– Nghe ông chủ nói làm tôi cứ tưởng mình sắp được nghe tiên trên trời giáng trần hát khúc nghê thường.
Ông chủ quán tươi cười:
– Hiệp sĩ nghĩ là tôi quảng cáo qúa đáng phải không? Sau khi tan đêm hát tôi sẽ trở lại để hỏi hiệp sĩ câu này. Lúc đó hiệp sĩ sẽ biết lời tôi nói là thật hay giả. Qúy khách hôm nay muốn thưởng thức loại danh tửu nào ở đây xin cho biết?
Đoàn Phong mỉm cười:
– Ông chủ thật là người mẫn tiệp và tinh tế. Chúng tôi từ xa đến lẽ ra phải thưởng thức loại hảo phẩm Bàu Đá Quy Nhơn, nhưng mấy hôm nay đã có dịp nếm qua rồi nên hôm nay muốn thử món rượu cần của người Bana anh em cho biết hương vị của cao nguyên như thế nào. Ở đây chắc là có loại rượu đó chứ?
Chủ quán vui vẻ:
– Có chứ, tất nhiên phải có chứ. Về các món đưa cay, qúy khách chọn những món gì nào?
Ông vừa hỏi vừa đẩy tờ thực đơn của quán về phía Đoàn Phong. Đoàn Phong đưa mắt hỏi ý kiến của Bạch Mai. Nàng hiểu ý lên tiếng:
– Phong huynh cứ chọn đi. Đệ thế nào cũng được.
Đoàn Phong quay sang chủ quán:
– Đã uống rượu cao nguyên thì phải nhắm thịt rừng cho hợp vị. Ông chủ cho chúng tôi ba cân thịt heo rừng, hai cân thịt nai, nấu theo kiểu đặc biệt nhất của nhà qúan, và một vài loại rau qủa thích hợp. Mang trước cho chúng tôi một tiềm rượu cơm nếp Phú Đa và năm cái chén nhỏ nhé. Bạch huynh thưởng thức món này xem, rất thú vị đó.
Bạch Mai miệng chúm chím cười:
– Đa tạ Phong huynh.
Chủ quán đưa ngón tay cái lên bày tỏ sự khâm phục:
– Qúy khách thật là người sành điệu. Cho nhà quán chúng tôi một lát, mọi thứ sẽ được đưa lên ngay.
Nói xong ông ta lễ phép cúi chào mọi người rồi đi vào trong. Khi ông ta đi ngang qua chiếc bàn đặt ngay trước sân khấu, người khách ngồi ở đó đưa tay ra cản lại hỏi:
– Ông Điền, đến giờ trình diễn rồi đó.
Chủ quán đáp:
– Vâng tôi sẽ cho bắt đầu ngay. Cao đại gia nóng ruột rồi hã?
Nói xong ông cười ha hả rồi vào trong. Bạch Mai nhìn sau lưng người đàn ông được gọi Cao đại gia tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nói nhỏ với mọi người:
– Người đó là Cao Đường ở đầm Hải Hạc. Chúng ta có nên sang chào hỏi không?
Hồng Liệt định lên tiếng thì lúc ấy có ba người đàn ông với những bộ mặt hung dữ, lưng giắt đao và kiếm bước lên lầu. Tên đi đầu người cao trung bình nhưng vạm vỡ, trên mặt hắn có một vết sẹo lớn chạy dài trên má phải làm bộ mặt âm trầm của hắn trông càng dữ tợn hơn. Tên đi kế sau người nhỏ thó, mặt choắt như mặt chuột, mắt ti hí nhưng tia nhìn rất nhanh khiến ta liên tưởng ngay đến con cáo đang rình mồi. Tên thứ ba cao lêu nghêu, mặt dài như mặt ngựa, miệng rộng hoác, tóc dài được cột lại bỡi một sợi vải đỏ từ trước trán ra phía sau. Ba tên đưa mắt nhìn khắp phòng rồi cùng nhau tiến đến ngồi nơi chiếc bàn trống duy nhất còn lại trên lầu. Bọn chúng đặt vũ khí lên bàn rõ mạnh, tên cột khăn đỏ trên trán lớn giọng kêu:
– Mang rượu uống đi ông chủ quán ơi. Rượu Nanh chồn nấu bằng lúa Hỏa mễ thượng hạng đấy nhé.
Tiếng của hắn hơi lơ lớ nghe rặc giọng người đàng Ngoài. Tất cả thực khách trong quán đều hướng mắt về ba người khách lạ vừa mới vào đó. Ba tên lạ mặt điềm nhiên coi thiên hạ như không có, tên có cột vành khăn đỏ quanh trán nói lớn:
– Đại ca, đêm nay nàng Ngọc Lan Hương sẽ diễn ở đây. Chà, đệ nghe người ta ca ngợi nàng ta đẹp tuyệt trần mà lại thơm như hoa lan vậy. Để xem tiếng đồn có thật hay không.
Tên mặt chuột lên tiếng:
– Chắc là không ngoa đâu. Chú mày không thấy cả quán rượu từ trên lầu xuống dưới đất đã đông nghẹt cả khách mê hoa đó sao. Ta cũng nóng lòng muốn nhìn mặt mỹ nhân một lần cho thỏa mắt.
Lúc ấy một tên phục vụ trong quán từ trong chạy đến bàn ba người khách lạ lễ phép hỏi:
– Ba vị khách quan dùng rượu và thực phẩm gì ạ ?
Tên cột khăn đỏ đáp:
– Lúc nãy ta đã gọi rượu Nanh chồn hảo hạng ngươi điếc tai hay sao mà không nghe. Mang cho ta ba hũ lớn và ba cân thịt dê thui. Nhanh lên.
Người bồi bàn lễ phép nhắc khéo:
– Dạ có ngay ạ, qúi khách cho nhà quán một lát nhé, mọi thứ sẽ được mang lên ngay. Sắp đến giờ hát rồi đó, mời qúi khách yên lặng thưởng thức.
Tên cột khăn đỏ nói:
– Rượu vào thì lời ra ngươi không biết sao mà bảo bọn ta yên lặng. Mang rượu ra nhanh lên đi, đừng nhiều chuyện nữa.
Người bồi bàn vâng dạ rồi quay đi vào trong, mặt lộ vẻ bất bình. Đoàn Phong nói nhỏ:
– Tôi có nghe quan huyện Phù Ly và Nguyễn Khắc Tuyên nói đến một bọn cướp mới nổi lên chiếm cứ vùng Truông mây trong Núi Bà. Chúng cướp bóc các thôn xã quanh vùng lại ra tay rất ác độc với những người phản kháng. Chúng có ba tên cầm đầu, nhưng lúc hành sự chúng luôn bịt mặt nên chưa ai biết được mặt thật của ba tên đầu đảng này. Bọn này trông dáng cách có vẻ là bọn cướp đó lắm. Hãy để xem chúng làm gì đêm nay.
Lúc đó một nhân viên phục nữ ăn vận rất đẹp, mặt xinh xắn mang tiềm rượu cơm nếp trắng ra bàn. Cô thong thả múc những viên rượu nếp ra năm chiếc chén nhỏ cho mọi người rồi nói:
– Mời qúy hiệp sĩ thưởng thức món rượu nếp Phú Đa. Hương vị vừa ngọt vừa thơm nồng sẽ khiến qúy hiệp sĩ nhớ hoài không quên.
Cô nàng vừa nói vừa háy mắt nhìn Bạch Mai. Bạch Mai mỉm cười:
– Chưa biết ta có quên được hương vị của rượu hay không nhưng chắc chắn là sẽ không quên nụ cười thật xinh của cô phục vụ ở đây rồi.
Cô gái ngúyt dài một cái, mặt ửng hồng cúi đầu thẹn thùng nói:
– Hiệp sĩ lại nói đùa với em rồi. Các chàng hồ thỉ tứ phương gặp gỡ thiếu gì giai nhân đài các ở những nơi đô hội, thì làm gì có chuyện nhớ đến cô phục vụ quê mùa ở quán rượu miền biên tái này chứ.
Bạch Mai liếc mắt thật tình tứ:
– Hải đường, nguyệt quế ở vườn thượng uyển đôi khi lại không đẹp bằng một đóa hoa lài bên hàng dậu làng quê.
Mặt cô gái đỏ hơn, miệng nở nụ cười bẻn lẻn nhưng ánh mắt hiện rõ niềm vui vô biên:
– Thôi mời qúy hiệp sĩ thưởng thức đi, đừng mỉa mai em nữa. Nếu không lát nữa chị Ngọc Lan xuất hiện sẽ không còn ngôn ngữ để cho qúy hiệp sĩ tâng bốc đâu. Em xin phép vào mang thức ăn và rượu cần ra.
Cô nói xong cúi chào mọi người rất lễ phép rồi lui vào trong mang thức ăn và rượu ra. Người phục nam bê ché rượu cần đặt trên bàn, cô gái cẩn thận cắm năm chiếc cần vào bình, châm nước vào chờ một lát cô hỏi:
– Qúy khách đã ống qua rượu cần chưa? Chưa à! Thế này nhé. Trước tiên qúy khách hút nhẹ một hơi cho rượu lên đến miệng, sau đó lấy hơi hút mạnh một hơi dài cho đầy miệng rồi nuốt xuống. Chỉ trong chốc lát, qúy khách sẽ cảm thấy hơi nóng bốc lên từ trong bao tử, qua lồng ngực rồi toát ra khắp các bộ vị trên mặt. Cảm giác sẽ thật thú vị. Vị công tử này cẩn thật coi chừng bị sặc rượu đó.
Cô nói xong liếc ánh mắt thật tình sang Bạch Mai rồi cúi đầu chào và quay bước vào trong. Ở bàn bên cạnh, thức ăn và rượu được một nam phục vụ mang ra bày trên bàn. Tên cột khăn đỏ hỏi lớn:
– Tại sao bàn này không có nữ phục vụ mà lại do tên đực rực như mày mang ra đây vậy? Mày vào kêu cô gái lúc nãy phục vụ bàn bên kia ra đây phục vụ cho bọn tao. Đi đi.
Tên nam phục vụ lễ phép nói:
– Dạ, mỗi bàn có một người phục vụ riêng đã được phân phối từ trước rồi ạ, xin qúy khách thông cảm cho. Không thể đổi được ạ.
Tên cột khăn đỏ xì một tiếng:
– Có gì mà không thể đổi. Mày cứ cút vào trong bảo cô gái đó ra đây. Lảm nhảm bẩn tai, tao cho ăn bạt tai bây giờ đó. Đi nhanh lên.
Tên phục vụ vẫn giữ thái độ lễ phép nói:
– Dạ, không thể đổi được ạ. Đến giờ trình diễn rồi, xin qúy khách giữ yên lặng để mọi người khác cùng thưởng thức ạ.
Tên vấn khăn đỏ định nổi dóa với người bồi bàn thì vừa lúc đó một số đèn trong phòng tửu lầu được tắt bớt chỉ đủ ánh sáng để thực khách ăn uống. Sân khấu ca hát bỗng nổi bậc lên với một số đèn được phủ đủ màu sắc, kết hợp với những tranh họa ở những bức vách chung quanh khiến sân khấu bây giờ trở thành một chốn non bồng, nước nhược. Mọi người, kể cả tên vấn khăn đỏ, vụt trở nên im lặng và hướng mắt về sân khấu. Bỗng một tiếng sáo du dương từ bên trong hội trường sau sân khấu chợt vút lên một khúc nhạc thật ai oán, khúc nhạc này tương truyền của chàng Trương Chi ngày xưa tương tư nàng Mỵ Nương đài các vẫn thường thổi lên trong những đêm trăng trên dòng sông Hát. Tiếp đó là tiếng đàn nguyệt nổi lên theo bước đi uyển chuyển của một cô gái áo hồng với cây đàn trên tay vừa đi vừa khảy đàn. Cô đến ngồi xuống chiếc ghế đặt bên phải sân khấu, tay vẫn tiếp tục đánh đàn hòa với điệu sáo mê hồn kia. Tiếp liền sau đó, bên trong lại vang lên tiếng đàn nhị và một cô gái áo xanh với cây nhị trên tay, vừa đi vừa kéo đàn hòa với tiếng sáo và tiếng đàn nguyệt. Cô đến chỗ chiếc ghế bên trái sân khấu và ngồi xuống. Tiếp theo là tiếng đàn hồ, loại đàn giống đàn nhị nhưng gáo phát âm lớn hơn nên âm thanh trầm hơn, được tấu lên bỡi một cô gái mặc áo màu tím, cô nhẹ nhàng bước ra và ngồi vào chiếc ghế phía sau bên phải. Cùng ra với cô gái áo tím là cô gái mặc áo vàng trên tay cô ôm một cây đàn thập ngũ huyền cầm (đàn tranh), cô đến ngồi nơi chiếc ghế ở giữa phía sau, cô gác một đầu cây đàn trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh, đầu còn lại kê trên chân mình rồi bắt đầu hòa tiếng đàn tranh vào với những chiếc đàn kia. Sau đó đến lượt người thổi sáo xuất hiện trên sân khấu. Đó là một thanh niên vận chiếc áo nam dài màu trắng, mặt hóa trang xấu xí, tiếng sáo từ cây sáo trúc trên tay anh ta vẫn vút cao và não nùng khiến người nghe tưởng chừng rơi lệ. Anh đến ngồi trên chiếc ghế đặt phía sau bên trái. Mọi chiếc ghế quanh sân khấu đã có đủ người ngồi chỉ còn một chiếc ghế trống duy nhất đặt chính giữa sân khấu có phủ tấm vải điều là còn bỏ trống. Mọi người đều biết đó là chiếc ghế dành cho Ngọc Lan Hương. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về ô cửa ở phía sau sân khấu, nơi các cô gái nhạc công vừa bước ra để chờ đón Ngọc Lan. Những tiếng đàn họa bỗng ngưng bặt chỉ còn tiếng sáo vút cao với giai điệu thật ai oán não nùng, tiếng sáo như mang theo âm hưởng của những tiếng nấc nghẹn nơi cõi lòng một kẻ tương tư trong tuyệt vọng. Ngay ở nơi giai điệu não nùng nhất đó, một tiếng hát từ sau hậu trường chợt vút lên cao hòa theo tiếng sáo, giọng hát thật trong, thật ngọt ngào và cũng thật thê lương như lời ca của khúc hát:
Hát Giang !!! Hát Giang !!!
Vì đâu mà nhỏ lệ ??!!!
Để tiếng tiêu sầu chạnh lòng nhân thế
Vì đâu mà quạnh quẽ
Để tiếng hát buồn trăn trở khách hồng nhan
Đời đa đoan!
Tình đa đoan!
Tài hoa chết giữa cô đơn
Phù Dung rũ cánh lầu son úa tàn…
Tiếng hát vừa dứt, một cô gái trong chiếc áo dài lụa màu hoàng yến có tấm the trắng thật mỏng khoác qua vai, mái tóc đen tuyền búi cao với những chiếc trâm vàng gắn những hạt minh châu nhỏ lóng lánh dưới ánh đèn, trên tay cô ôm một chiếc đàn Tỳ bà, từ nơi ô cữa nhẹ nhàng bước ra sân khấu. Tiếng vỗ tay rõ lớn vang lên từ chiếc bàn lớn kê sát sân khấu vang lên, rồi như một hiệu ứng dây chuyền, những tiếng vỗ tay tiếp tục lan ra rồi vang lên khắp tầng trên tửu lầu, xuống đến tầng dưới. Bằng những bước nghê thường, cô gái uyển chuyển đi quanh sân khấu một vòng rồi dừng lại trước chiếc ghế đặt giữa sân khấu, nhún khẽ hai chân cúi chào khán giả. Những tiếng vỗ tay lại vang lên mạnh hơn như những tràng pháo nổ ran khắp nơi. Chờ cho tiếng vỗ tay ngớt lại, cô gái cất tiếng nói:
– Ngọc Lan xin cảm tạ thạnh tình của tất cả khách yêu thích âm nhạc và những đệ tử của Lưu Linh đến Tửu Qúan Bên Đường đêm nay. Ngọc Lan hy vọng rằng những tiếng nhạc, lời ca của chị em Ngọc Lan sẽ tăng thêm phần nào tửu hứng cho qúy khách trong khi thưởng thức những hương vị đặc biệt của các loài danh tửu ở Tửu Quán Bên Đường này.
Tiếng nói của nàng êm như rót mật vào tai người nghe. Mặt nàng đẹp lắm, vẻ đẹp dịu dàng của một tiên nữ trong tranh. Nhìn nàng đứng trên sân khấu với ánh đèn màu người ta cứ ngỡ mình đang lạc vào chốn thiên thai và gặp được một nàng tiên kiều diễm. Những tiếng vỗ tay lại vang lên khắp nơi lần nữa. Tiếng của tên vấn khăn đỏ vang lên giữa tràng pháo tay:
– Đẹp qúa, tiếng nói như chim sơn ca. Đại ca, thiên hạ qủa đồn không sai tí nào cả.
Mặc dù tiếng nói của hắn chìm vào trong tiếng vỗ tay nhưng cũng khiến cho một số người tỏ vẻ bất bình, nhăn mặt khó chịu. Trương Văn Hiến sực nhớ lại cô gái được gọi là Bạch y công chúa và thầm đem nàng ta so sánh với nàng Ngọc Lan trước mặt. Cả hai đúng là mỗi người một vẻ mười phân vẹn cả mười, duy có điều hai vẻ đó ở hai đầu thái cực. Một thật ấm áp, dịu dàng, tinh khiết, một thật lạnh lùng, sắc sảo, kiêu sa. Nhưng cả hai đều là sự kết tụ tất cả những nét đẹp trên đời vào một chỗ. Bạch Mai ngồi kế bên bỗng lên tiếng nói nhỏ:
– Trương huynh, bài thơ trên sông Thu Bồn huynh nên để dành tặng cho cô nàng Ngọc Lan này mới thích hợp hơn. Nhìn nàng, muội thấy mình thật là xấu xí, thô kệch.
Văn Hiến mỉm cười:
– Mỗi người mỗi vẻ. Bạch muội đừng tự hạ mình.
Hồng Liệt thì thào:
– Mỗi người một vẻ, đồ gàn ngươi làm một bài thơ cho vẻ Ngọc Lan xem khác vẻ Bạch Mai thế nào.
Văn Hiến đưa ngón tay lên miệng ra dấu bảo yên lặng. Tiếng Ngọc Lan lại như mật rót vang lên:
– Giai điệu và khúc hát vừa rồi chị em Ngọc Lan gởi đến qúy khách đó là đoạn mở đầu của bản tình ca Trương Chi – Mỵ Nương. Đêm nay Ngọc Lan mời qúy khách thưởng thức những khúc ca ai oán của bản tình ca diễm tuyệt trần hoàn này.
Nàng vừa dứt lời giới thiệu thì những tràng vỗ tay lại vang lên khắp nơi. Ngọc Lan chậm rải ngồi xuống chiếc ghế phủ khăn điều, chàng thanh niên xấu xí lại đưa chiếc sáo lên miệng, một điệu sáo thê lương lại vút lên. Ngọc Lan với những ngón tay nhỏ và đẹp như búp măng lướt trên phím đàn tỳ bà. Tiếng đàn của nàng khiến người nghe có một cảm giác xốn xang, đau buồn khôn tả. Nàng lại cất tiếng ca:
Ôi Hát giang !!!
Ôi Tiêu Lang !!!
Chàng là ai ??!!
Chàng là ai ??!!
Là hồn nguyệt bạch?
Sông dài mênh mang?
Ơ.!! ơ.!!..
Biết ai gởi đến cho chàng tình ta..
…….
Ơ!… ơ !… Người đi..i.. i..
Thôi người đi… í..i…!!!
Gặp chi để hận biệt ly
Thì thôi chỉ là số kiếp
Hờn cho mối duyên bẽ bàng
Giấc mộng xuân tàn. Còn chi !!!
Ơ.!.. ơ.! còn chi!!
Còn lại đây trăng bến Ngọc Tuyền
Dòng sông xưa đâu bóng thuyền câu
Và khúc hát thiết tha giang đầu
Đã chìm sâu.
Ớ.!! ơ.!!
Chìm trong dòng sâu !!!
…………
Ơ.!! ơ.!!
Giọt lệ rơi đáy cốc .. í…i..chung tình ..i.. i..
còn vương bóng ai..i.. i..
A..ha..!! Một khối tương tư
Một tấc thành
Lệ đá tan quyện nên khói tình
Non nước .. ơ.. ơ..
khóc cho mối tình
Ờ.. ơ.. Ngàn xưa đến giờ…..
Bài ca về một chuyện tình đẫm lệ, tiếng sáo thê lương, tiếng đàn ai oán, tiếng hát não nùng. Cả không gian ngôi tửu lầu như chùng xuống. Mọi người như nín thở để lắng nghe rồi trầm mình vào nỗi bi thương của hai kẻ yêu nhau trong thương đau, oan nghiệt, được diễn tả qua tiếng hát tuyệt vời của Ngọc Lan. Những ly rượu đầy được mọi người trong lặng lẽ, không ngừng rót ra rồi uống cạn như cố nuốt trôi đi cái nghèn nghẹn ở cổ mình. Hai dòng lệ âm thầm chảy xuống hai má của Bạch Mai lúc nào nàng cũng không hay biết. Mãi đến khi những câu hát cuối cùng đã chấm dứt, mọi người vẫn còn bàng hoàng như đang trong cơn mơ, cả một lúc lâu tất cả mới bừng tỉnh và những tiếng vỗ tay vang lên như muốn vỡ cả nóc ngôi tửu lầu. Đây đó trong khắp gian phòng có những ánh mắt long lanh ướt dưới ánh đèn mờ ảo. Bạch Mai giờ mới nhận ra mình đã khóc, nàng vội vàng đưa tay áo chậm nhanh những dòng lệ. Ngọc Lan đứng lên nói lời tạm biệt. Nơi chiếc bàn đầu, Cao Đường và ba người ngồi chung đồng đứng lên vỗ tay tiễn Ngọc Lan. Năm người bọn Đoàn Phong cũng đứng lên, rồi tất cả mọi người trên tửu lầu đồng loạt đứng lên. Những tràng pháo tay tiễn đưa xen lẫn với tiếng thì thầm luyến tiếc. Ngọc Lan và mấy cô gái đánh đàn cùng chàng thanh niên thổi sáo đồng cúi chào lần nữa rồi quay vào trong.
Những cây đèn được thắp sáng lên trở lại. Mọi người ngồi xuống ghế của mình và những tiếng nói chuyện bàn tán về đêm diễn của nàng Ngọc Lan vang lên râm ran khắp nơi. Lại nghe tiếng nói của tên cột khăn đỏ oang oang:
– Đại ca. Nàng Ngọc Lan đó qủa thật là xinh đẹp tuyệt trần, lại có giọng ca như hút hết hồn phách của đệ. Nàng còn đẹp hơn cả tiên nữ trong tranh nữa đó. Úy chà! Nếu mà được ôm nàng ta hôn một cái thì có chết đệ cũng cam lòng. Ha..ha..
Tiếng cười của hắn bỗng tắt ngang vì một chiếc xương từ nơi chiếc bàn đầu bay véo đến đập thật mạnh vào hàm răng trắng hếu của hắn. Hắn đau đớn la “Ui da!!” một tiếng rồi đưa hai tay ôm miệng. Sau một lúc cơn đau giảm đi, hắn đứng lên nhìn về phía chiếc bàn đó chỉ tay hét lớn:
– Tên khốn kiếp kia dám đánh lén ông nội mày à? Chán sống rồi hã con ?
Hắn nói xong hùng hổ định bước tới bàn của Cao Đường. Tên mặt sẹo được gọi là đại ca đưa tay kéo hắn lại, giọng hắn trầm trầm:
– Đừng gây sự trong quán. Hãy đợi ra bên ngoài đã.
Tên cột khăn đỏ tức tối la lên:
– Tên kia. Có phải anh hùng thì ra ngoài kia. Ông nội mày mà không dạy mày một bài học về tội hỗn láo thì ông đây không phải là người.
Nói xong hắn đưa tay chụp thanh kiếm trên bàn rồi bước lại bên cữa sổ trước. Như sợ người nọ không dám xuống sân, hắn quay mặt lại nói lớn:
– Tên hèn nhát kia. Ngươi mà không dám ra đây gặp ta thì từ nay ở nhà bú vú mẹ mày, đừng bao giờ đến những nơi anh hùng tụ hội này nữa.
Nói xong hắng tung mình qua cữa sổ nhảy xuống sân tửu quán. Thân pháp của hắn trông thật đẹp mắt. Hai tên đồng bọn của hắn cũng đứng lên, tên mặt chuột móc trong túi ra một nén bạc lớn bỏ lên bàn rồi cùng nhau xuống thang lầu.
Có tiếng ai đó trong số tửu khách vang lên trong góc phòng:
– Cho bọn khốn kiếp đó một bài học đi. Đồ du thủ du thực.
– Đúng vậy, để đó cho tôi. Bọn hạ cấp như thế mà cũng vác mặt đến đây nghe hát.
Mỗi người một câu khiến cả tầng lầu nhốn nháo hẳn lên. Nơi bàn của Cao Đường một người thanh niên trạc ngoại hai mươi tuổi, mình mặc võ phục đen đứng lên nói:
– Cao gia. Để tôi xuống dạy chúng một bài học nhé.
Cao Đường gật đầu. Hai người nữa trong bàn cũng đứng lên. Một người lên tiếng:
– Bọn chúng ba tên, để hai chúng tôi giúp chú mày một tay.
Cả ba cùng xuống lầu. Khách trong quán rượu đa phần hiếu sự, lại ghét ba tên vô loại nên cũng lần lượt thanh toán tiền rồi xuống dưới đất để chứng kiến cuộc thanh toán của hai bên. Cao Đường vẫn ung dung ngồi lại uống rượu một mình. Ông chủ quán từ phía sau bước ra, tiến đến bên Cao Đường xoa tay vào nhau xin lỗi:
– Thật xin lỗi đã khiến cho Cao đại gia mất cả tửu hứng. Ba tên này không biết từ đâu đến mà mặt mũi và thái độ hung hăng đến thế. Cũng nên dạy cho bọn chúng một bài học để chúng biết đây là nơi nào. Cao đại gia uống rượu tự nhiên nhé, để tôi ra ngoài xem.
Cao Đường khoác tay:
– Cứ để cho bọn chúng thanh toán với nhau. Này, việc tôi nhờ ông có chút hy vọng gì không?
Chủ quán đáp:
– Tôi đã nói cho nàng ta biết lời cầu hôn của Cao gia. Nàng nói, phu nhân mới mất chưa tròn năm, việc ấy để nàng suy nghĩ lại.
Cao Đường nói:
– Phu nhân nhà tôi không may qua đời sau khi sinh Đại Hồng, nay đã đến ngày thôi nôi của cháu rồi còn gì. Ông hãy ráng thuyết phục nàng đi. Tôi thật không an lòng khi thấy nàng còn phải đem thân ca hát để mua vui cho thiên hạ thế này. Ông thấy không, gặp những tên du côn như cái tên lúc nãy nếu xảy ra chuyện gì không hay cho nàng thì tôi sẽ chết mất.
Chủ quán mỉm cười:
– Cao đại gia an tâm, có em nàng là Lê Trung và tôi ở đây không ai dám động đến nàng đâu. Tôi tin chắc rằng suốt bốn tháng qua, lần diễn nào của nàng cũng có mặt của Cao gia ở chiếc bàn này, tâm tình ấy thế nào cũng làm động lòng nàng. Cho nàng một chút thời gian nữa. Tôi xin phép để ra xem bọn chúng thế nào rồi.
Nói xong ông xuống bên dưới. Bạch Mai thấy chỉ còn một mình Cao Đường nên đứng lên bước sang chào:
– Chào Cao gia. Cao gia thật là một người phong nhã.
Cao Đường giật mình ngước nhìn chàng thanh niên đẹp trai, sau một chốc bỡ ngỡ ông sực tỉnh liền đứng dậy reo lên:
– A! Chào Bạch tiểu .. ơ.. Bạch công tử. Công tử cũng có mặt ở đây à ? Chuyến đi Phú Xuân kết qủa thế nào rồi ? Mời ngồi xuống đây uống với tôi chung rượu.
Bạch Mai tươi cười nói:
– Cảm ơn Cao gia, tôi gặp nhiều điều may mắn nên mọi việc rất tốt đẹp. À, tôi đang đi chung với mấy người huynh trưởng. Cao gia có thể ghé sang bàn kế bên để tôi giới thiệu với mấy người anh của tôi hay không ?
Cao Đường đáp:
– Được chứ.
Bạch Mai quay bước đi trước trở lại bàn, Cao Đường theo sau. Mọi người thấy Bạch Mai đưa Cao Đường sang vội đứng lên. Bạch Mai giới thiệu:
– Giới thiệu với các anh đây là Cao gia ở đầm Hải Hạc mà tôi đã nói lúc nãy.
Mọi người vui vẻ gật đầu chào. Văn Hiến đoán chừng Cao Đường tuổi vừa ngoài ba mươi. Nhìn phong thái và khuôn mặt phương phi với hàm râu đen mịn trên đôi môi hơi mỏng của Cao Đường, chàng thầm nghĩ người này hẳn là tay lão luyện, khôn ngoan, đúng mẫu người thành công trên thương trường. Đoàn Phong lên tiếng:
– Nghe tiếng Cao gia ở đầm Hải Hạc đã lâu nay mới được gặp mặt. Hân hạnh, hân hạnh.
Cao Đường ôm quyền đáp lễ:
– Qúa lời rồi. Hân hạnh được biết các vị hiệp sĩ…
Bạch Mai vội đỡ lời:
– Giới thiệu với Cao gia đây là Đoàn Phong huynh, vị này là Ngô Mãnh. Hai người là Thanh Long, Bạch Hổ của Hình bộ phủ Chúa đấy. Còn đây là Trại Ức Trai Trương Văn Hiến, người em út trong Phong Điền Tam Hữu của Hóa Châu. Người còn lại là Vô Ảnh Thần Thâu Đinh Hồng Liệt, nhị sư huynh của tôi. Chuyến này công việc của tôi hoàn tất mỹ mãn đều là nhờ vào sự giúp đỡ của bốn vị huynh trưởng này đấy.
Cao Đường nghe Bạch Mai giới thiệu tên tuổi bốn người liền giật mình. Ông vội vàng nói:
– Không ngờ hôm nay Cao Đường tôi lại có một vinh dự rất lớn được quen biết với những vị hiệp sĩ tiếng tăm lừng lẫy một phương. Thật là vạn hạnh, vạn hạnh. Cảm ơn Bạch công tử.
Hồng Liệt vốn từ lâu không có thiện cảm với bọn nhà giàu nên cười nói:
– Tên trộm như tôi mà được Cao gia tặng cho danh hiệu hiệp sĩ, không sợ làm tôi hổ thẹn sao ?
Cao Đường vội xua tay cười:
– Không, không. Tôi không phải nói lời sáo ngữ đâu. Vô Ảnh Thần Thâu chuyên cướp của nhà giàu và ác bá để cấp phát cho dân nghèo, hiệp danh lừng lẫy cả ba phủ, ai ai cũng biết đó sự thật đấy chứ. Chỉ sợ Cao Đường tôi là người thất đức thế nào cũng có ngày hiệp sĩ viếng thăm mà thôi. Ha..ha..
Văn Hiến chen vào:
– Tứ hải giai huynh đệ. Gặp nhau là vui rồi, chúng ta hãy cùng nhau ngồi xuống uống một chung rượu mừng gặp mặt trước đã.
Nói xong chàng gọi cô gái phục vụ mang ra một bình rượu Bàu Đá. Mọi người ngồi xuống, Văn Hiến rót rượu ra mấy chung mời:
– Mời Cao gia. Chúng ta mừng ngày quen biết.
Cao Đường nâng ly:
– Mừng cho sự quen biết này.
Mọi người cạn ly. Cao Đường hỏi:
– Công việc đã hoàn tất, Bạch công tử định khi nào trở về Giản Châu?
Bạch Mai đáp:
– Chúng tôi, tôi và Trương huynh cùng Đinh huynh dự định đi nhờ thuyền của Cao gia chuyến này để trở vào trong ấy, không biết như thế có tiện không ?
Cao Đường mừng rỡ đáp:
– Như thế thì còn gì vui bằng. Nhân thể cho phép tôi được mời bốn vị, hai ngày sau ghé lại tệ trang để dự lễ mừng thôi nôi cháu gái nhà tôi được chăng?
Bạnh Mai đưa mắt nhìn Đoàn Phong và Ngô Mãnh. Đoàn Phong nói:
– Cảm ơn lời mời của Cao gia, đáng tiếc là ngày mai hai chúng tôi phải đi cùng ngài Khâm sai trở lại Phú Xuân. Lịch trình đã định sẵn rồi, Cao gia cho chúng tôi hẹn lại một dịp khác vậy.
Cao Đường tỏ vẻ tiếc rẻ:
– Qủa thật đáng tiếc. Đã thế thì khi nào có dịp, mời nhị vị ghé chơi. Cữa nhà tôi luôn mở để đón chào nhị vị.
Đoàn Phong vui vẻ:
– Chúng tôi nhất định sẽ ghé thăm Cao gia. À này, ba tên lúc nãy coi bộ giống như đầu đảng của bọn cướp trong Núi Bà, xem chừng võ nghệ của chúng rất khá, những người bạn của Cao gia…
Cao Đường nói:
– Ba người của tôi cũng khá lắm, chắc chẳng đến nỗi nào.
Ngô Mãnh từ đầu vẫn im lặng bỗng lên tiếng:
– Chúng ta ra ngoài đi. Tôi muốn xác định ba tên này có phải là đảng trưởng của bọn cướp đó hay không.
Cao Đường vội nói:
– Đã thế thì chúng ta xuống dưới thử xem.
Ông gọi cô gái phục vụ và dặn:
– Tất cả đều là phần của tôi nhé.
Cô gái lễ phép nói:
– Dạ, em biết rồi Cao gia.
Nói xong cô liếc mắt nhìn Bạch Mai như có ý mời chàng trở lại quán. Bạch Mai cũng liếc mắt thật tình tứ và nở nụ cười thật đẹp:
– Chào đóa hoa lài của tôi. Một ngày kia tôi sẽ trở lại thăm cô nhé.
Mọi người xuống đến sân thì đã thấy một vòng người đông đảo đứng bao quanh đấu trường. Bên trong vòng tròn, người thủ hạ của Cao Đường và tên đầu cột khăn đỏ đang đánh nhau đến hồi quyết liệt. Tên cột khăn đỏ tuy cao hơn, động tác tay và chân nhanh và có ưu thế hơn, nhưng người thủ hạ của Cao Đường với bộ pháp trầm ổn, đường quyền kín đáo, khi thủ thì vững vàng, khi công lại nhanh như chớp nên tên cột khăn đỏ đã trúng mấy đòn rất nặng. Hắn vừa đánh vừa la hét liên mồm có vẻ tức tối lắm. Tên mặt chuột đứng bên ngoài thấy đồng bọn của mình không có cơ thủ thắng bèn nói lớn:
– Lão Tam, kiếm đây.
Nói xong hắn đưa kiếm ra, tên cột khăn đỏ vội đấm một quyền rồi nhảy lui lại đưa tay rút kiếm trên tay bạn mình. Một người thủ hạ khác của Cao Đường đứng bên ngoài thấy thế vội ném một đoản côn cho bạn mình, miệng la lớn:
– Hồ Nghị, côn của ngươi đây.
Hồ Nghị vừa đưa tay đón cây côn thì lưỡi kiếm của Lão Tam đã đâm tới nơi. Anh ta vội nhảy lui một bước né mũi kiếm rồi vung côn tấn công trở lại. Hai người một côn, một kiếm xoắn tít vào nhau dưới ánh trăng mờ mờ của vầng trăng già cuối tháng và ánh lửa chập chờn của những bó đuốc đã được một số người đứng xem đốt lên. Hai người đánh thêm một lúc nữa bỗng nghe Hồ Nghị thét lớn:
– Trúng
Tức thì một tiếng “keng” vang lên chát chúa do sự va chạm của hai món vũ khí, sau đó là tiếng la đau đớn của Lão Tam. Hắn bị Hồ Nghị sử dụng thế “Hồi tiểu kim kê đả trung lang” đâm trúng đầu côn vào bụng, người bắn ra sau té nằm sóng soải dưới đất không đứng dậy nổi. Hồ Nghị đứng thẳng người lên chống côn xuống đất nhìn hắn nói:
– Cho ngươi một bài học, từ nay về sau đừng ăn nói bừa bãi nữa. Nhất là đối với những người phụ nữ.
Tên đại ca mặt sẹo bảo tên mặt chuột:
– Ngươi chăm sóc cho hắn. Để ta ra học thêm một bài học nữa của người bạn này.
Nói xong hắn từ từ bước ra đứng đối diện với Hồ Nghị rồi hất hàm nói:
– Côn pháp khá lắm, ta cũng muốn ngươi dạy cho ta một bài học. Được chứ?
Hồ Nghị định lên tiếng trả lời thì người lớn tuổi thứ nhì trong ba thủ hạ của Cao Đường đã bước ra lên tiếng đáp thay:
– Ta thấy anh bạn tay cầm đao mà học côn làm gì. Ta cũng biết múa vài đường đao thô thiển, bạn có muốn học không ?
Tên mặt sẹo trầm mặt xuống lạnh lùng đáp:
– Càng hay. Xuất chiêu đi.
Hắn nói xong hoành đao thủ bộ có ý nhường cho địch thủ ra tay trước. Người bên phe Cao Đường nói:
– Khí phách lắm. Trước khi Đỗ Trọng ta xuất chiêu muốn được biết danh tánh anh bạn cho tiện xưng hô được chăng?
Tên mặt sẹo vẫn giữ giọng lạnh lùng:
– Không cần thiết. Ra tay đi.
Đỗ Trọng nghe vậy liền hoành đao nói:
– Đã thế thì ta ra chiêu đây, chú ý mà học nhé.
Nói xong Đỗ Trọng liền múa đao tấn công luôn. Đường đao xé gió đi như chớp chém xéo vào vai đối phương. Tên mặt sẹo nhảy lùi nửa bước né tránh, miệng khen:
– Đao nhanh. Đến lượt ta.
Dứt câu, ánh đao trong tay của hắn chớp lên, hắn tấn công liền mấy chiêu liên tục, chiêu nào cũng nhanh và hiểm độc vô cùng. Đỗ Trọng chân đảo bộ né tránh, tay ra chiêu phản công trở lại. Hai người tầm vóc như nhau, sức lực có vẻ tương đồng nên thanh đao trong tay của cả hai bên khi tung ra gió rít vù vù, hàn quang lạnh buốt, tiếng thép chạm nhau tạo ra những âm thanh rợn người khiến cho đám đông đứng chung quanh phải tự động dãn ra xa hơn. Đoàn Phong quan sát cuộc đấu nói nhỏ:
– Nhìn bộ pháp nhanh nhẹn và cách phòng thủ nghiêm mật nhưng khi xuất chiêu lại nhanh và hiểm của tên mặt sẹo này, cùng với tiếng nói của hắn tôi đoán hắn thuộc môn phái võ Hét ở miền Thanh Hóa. Hành sự và tôn chỉ của võ phái Hét rất nghiêm cẩn, sao tên mặt sẹo lại giống như phường thảo khấu thế này.
Văn Hiến nói:
– Phái võ Hét ở miền Thanh – Nghệ đã có từ rất lâu trong làng võ Việt, thuở còn là Châu Hoan – Châu Ái. Đây là phái võ thuần Việt của chúng ta, vì tính sát thương cao mà phòng thủ lại vững vàng, nên thời nhà Hồ, triều đình đã tuyển rất nhiều cao thủ trong phái này vào để bảo vệ Vua chúa và công hầu. Trăm ngàn môn sinh tất phải có kẻ thiện người ác. Tên này bỏ xứ vào đây hẳn thuộc loại cưồng đồ của môn phái Hét cũng nên.
Trong khi hai người nói chuyện với nhau thì trận đấu đang đến hồi quyết liệt nhất. Dưới ánh sáng lờ mờ, hai đấu thủ giờ đã bị bao phủ trong màn đao ảnh khiến người xem khó lòng phân biệt ai là ai. Bỗng một tiếng “chát” vang lên cùng lúc với hai tiếng “A!!”, rồi hai bóng người nhảy dạt ra, cả hai tay đao buông thỏng xuống. Đỗ Trọng thì tay trái ôm bụng, tên mặt sẹo tay ôm ngực, cả hai vết thương máu chảy ra ướt cả vạt áo trước, từ từ nhỏ giọt xuống đất. Xem chừng cả hai đều bị thương như nhau nhưng có lẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Đỗ Trọng nói qua hơi thở mệt nhọc:
– Đao pháp của bạn hay lắm. Bạn thuộc môn phái Hét ở Thanh Hóa à ?
Tên mặt sẹo ậm ừ trong hơi thở:
– Nhãn quan khá lắm. Ta sẽ tìm anh bạn để so tài lần nữa. Giờ cáo từ.
Hắn nói xong ra hiệu cho hai tên đồng bọn rồi nặng nhọc bỏ đi đến nơi giữ ngựa. Tên được gọi Lão Tam đã qua khỏi cơn đau, hắn trừng mắt nhìn Hồ Nghị nói:
– Món nợ này ta sẽ tìm ngươi thanh toán. Đợi đấy.
Ngô Mãnh nhìn Đoàn Phong như hỏi ý kiến. Đoàn Phong nói:
– Nói cho Khắc Tuyên biết rồi để cho ông ta lo liệu. Chúng ta không nên ra mặt lúc này làm gì.
Trấn đấu đã kết thúc, đám đông cũng bắt đầu giải tán. Cao Đường bước đến hỏi Đoàn Phong:
– Đêm nay các vị nghỉ ở đâu ?
Đoàn Phong đáp:
– Chúng tôi nghỉ trong phủ. Giờ xin cáo từ Cao gia, hy vọng còn có cơ duyên gặp lại.
Cao Đường cung tay đáp:
– Hy vọng được gặp lại. Chúc nhị vị lên đường bình an.
Ông quay sang Bạch Mai:
– Bạch công tử và nhị vị sư huynh cùng về đầm Hải Hạc với chúng tôi bây giờ hay sao ?
Bạch Mai đáp:
– Dạ chưa. Ngày mai tiễn hai vị huynh trưởng này cùng Dục thúc đi xong chúng tôi sẽ xuống.
Cao Đường chào mọi người lần nữa rồi quay vào trong quán, hai người thủ hạ dìu Đỗ Trọng đi vào theo. Bọn Đoàn Phong cũng lấy ngựa trở về phủ Quy Nhơn. Trời lúc ấy đã qúa nửa khuya.
{jcomments on} *****
Tại sao không đăng liên tục mà đoạn sau đăng trước đoạn trước lại đăng sau ông nhà văn nầy rắc rối thật .
Tuệ Minh ơi, ELTM dài đến 1.000 trang đăng làm sao cho hết. VT chỉ chọn đoạn nào có chút lý thú cho đăng lên để bà con thưởng thức chút chút cho vui thôi. Đoạn này viết về chợ rượu Phú Đa ở Đập Đá gần nhà Cô, nên VT nhờ Cô kiểm tra lại xem viết có gì sai không, sau đó đdang lên luôn để các nhà thức giả chỉ điểm thêm giùm đó mà.
Tuệ Minh muốn đọc hết thì chờ năm tới VT xuất bản rồi đọc nghen.
Hồi thứ mười của ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY thật hấp dẫn, lôi cuốn, hay lắm Vũ Thanh ơi!
Cảm ơn Quốc Tuyên, hỏi giùm Cô xem về địa lý, khu chơ rượu trong đoạn này có bị viết sai không ?
Để QT hỏi rồi trả lời sau nha.
Quang thân mến
Ai lại nhằm người không biết uống rượu mà hỏi về chợ rượu đúng là chỉ có học trò của cô thôi, nhưng để vừa bụng học trò cô chỉ việc lướt net và tham khảo các trang:
http://www.mientrung.com › Văn hóa
http://www.amthuc365.vn › … › Tư vấn về rượu › Tản mạn về rượu
Chợ Rượu – Chợ phù hoa
07/09/2006
* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
http://langhe.vnweblogs.com/
Thì những điều em viết chẳng sai tý nào , học trò của cô thông thái hơn cô giáo mình nhiều lắm, chúc gia đình em hạnh phúc,codao
Cảm ơn Cô đã bỏ thời gian nghiên cứu và đối chiếu. Em chỉ muốn biết về mặt vị trí địa lý có đúng hay không chớ đâu có hỏi Cô về chuyện uống rượu.Hi..hi.. Vậy an toàn rồi hã Cô?
Chúc cô và gia đình yên vui, hạnh phúc.
Tưởng cô Đào vì thương học trò nên phải tập uống rượu để tìm hiểu rõ ràng mà giúp chớ!
Bài ca về một chuyện tình đẫm lệ, tiếng sáo thê lương, tiếng
đàn ai oán, tiếng hát não nùng. Cả không gian ngôi tửu lầu như chùng
xuống. Mọi người như nín thở để lắng nghe rồi trầm mình vào nỗi bi
thương của hai kẻ yêu nhau trong thương đau, oan nghiệt, được diễn tả
qua tiếng hát tuyệt vời của Ngọc Lan. Những ly rượu đầy được mọi người
trong lặng lẽ, không ngừng rót ra rồi uống cạn như cố nuốt trôi đi cái
nghèn nghẹn ở cổ mình. Hai dòng lệ âm thầm chảy xuống hai má của Bạch
Mai lúc nào nàng cũng không hay biết. Mãi đến khi những câu hát cuối
cùng đã chấm dứt, mọi người vẫn còn bàng hoàng như đang trong cơn mơ,
cả một lúc lâu tất cả mới bừng tỉnh và những tiếng vỗ tay vang lên như
muốn vỡ cả nóc ngôi tửu lầu. Đây đó trong khắp gian phòng có những ánh
mắt long lanh ướt dưới ánh đèn mờ ảo.
Thơ mộng và thi vị vô cùng .Nhạc sĩ nầy thật tài hoa.
Cảm ơn Bích Vân nhiều nghen. Chúc vui vẻ.
Cha này ngon gơ à nghen! đã ra lò truờng thi HÒN VỌNG PHU rầu mà còn sắp khai trương trường thiên tiểu thuyết dã sử nữa. Khâm phục thiệt. Cái gì Quang Võ cũng hơn tui, chỉ có cái NHẬU là ÔM HẬN THƯƠNG ĐAU!
Hôm trước sợ lái xe về đường xa, tai nạn, nên ta tha cho còn không biết cảm ơn nay lại đi nói chuyện ngượi đòi. Ha..ha.. Ai nghe lời họ Tạ coi chừng bán lúa giống.
Là nhạc sĩ . thi sĩ còn là người viết truyện dã sử rất hay lôi cuốn người đọc đúng là tài hoa và còn hơn thế nữa …
Cảm ơn Đặng Danh nhen. Nở mũi qúa chừng.
Nói thật nghe nghen, ở bên này buồn lắm chẳng có gì giải trí nên viết và viết để giết thời giờ vậy mà. Chúc vui vẻ.
Truyện dài mà cắt khúc ra không hụt hẫng mà vẫn hấp dẫn.Anh Vũ Thanh ơi bây giờ vẫn còn quán rượu bên đường đó.
Chào Dạ Lan. Vũ Thanh ở bên này mà viết về chợ rượu Phú Đa thật tình chỉ nhờ vào tài liệu góp nhặt đó đây trên mạng rồi tưởng tượng ra mà viết. Không biết sự mô tả như thế có chính xác không nữa. Có nhờ Cô ở gần đó xác nhận, Cô bảo OK rồi nên cũng hơi vững bụng. Dạ Lan có điểm gì khác hơn chỉ ra cho Vũ Thanh với nhé. Đó là mục đích của lần đăng bài này. Rất tiếc VT chưa có dịp về ngồi uống rượu ở khu chợ xưa đó. Lần sau về nhất định sẽ ghé. Chúc Dạ Lan vui vẻ nghen.
Sao mà Vũ Thanh viết dã sử hay quá , nếu chuyển thể thành phim không thua gì phim kiếm hiệp của Hồng Kông, chúc mừng tác giả “Quy Nhơn đôi mắt người xưa”.
Cảm ơn Phượng. Thời đó chưa có cây Phượng, nếu không VT đã viết vào đây lúc tả cảnh rùi. Vui nghen.
Mãi đến khi những câu hát cuối cùng đã chấm dứt, mọi người vẫn còn bàng hoàng như đang trong cơn mơ, cả một lúc lâu tất cả mới bừng tỉnh và những tiếng vỗ tay vang lên như muốn vỡ cả nóc ngôi tửu lầu. Đây đó trong khắp gian phòng có những ánh mắt long lanh ướt dưới ánh đèn mờ ảo. Bạch Mai giờ mới nhận ra mình đã khóc, nàng vội vàng đưa tay áo chậm nhanh những dòng lệ. Ngọc Lan đứng lên nói lời tạm biệt. Nơi chiếc bàn đầu, Cao Đường và ba người ngồi chung đồng đứng lên vỗ tay tiễn Ngọc Lan. Năm người bọn Đoàn Phong cũng đứng lên, rồi tất cả mọi người trên tửu lầu đồng loạt đứng lên. Những tràng pháo tay tiễn đưa xen lẫn với tiếng thì thầm luyến tiếc. Ngọc Lan và mấy cô gái đánh đàn cùng chàng thanh niên thổi sáo đồng cúi chào lần nữa rồi quay vào trong.
Một tiểu thuyết dã sử hấp dẫn như một câu chuyện võ hiệp kỳ tình,nhưng trong kiếm hiệp của Kim Dung không có được những đoạn nói lên nội tâm, cảnh vật thơ mộng và tâm sự của nhân vật tài tình đến thế.
Rất háo hức chờ mong tác phẩm của đa sĩ tài hoa đó nghe!
Cảm ơn Thu thủy nhiều lắm. VT viết hồi thứ 10 này xong thì vui lắm vì nó sẽ gợi lại cho người dân xứ mình một khu chợ rượu xa xưa, mà có thời nó đã là nơi ăn chơi có tính phồn hoa đô hội. Đọc qua những hìh ảnh này, khi về ngồi tại chợ rượu ngày nay hẳn trong lòng độc giả sẽ có rất nhiều liên tưởng ý vị. Ba bộ trường thiên ELTM, TSTK và GĐTH, bằng một cố gắng hết mức và một tấm lòng tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn, VT muốn vẽ lại bức tranh của một thời huy hoàng nhất của miền “đất võ trời văn” của chúng ta. Tuy vậy, chỉ e tài thô trí thiển sẽ làm cho lực bất tòng tâm.
Năm tới Thuy Thủy nhớ mua ủng hộ nghen. Chúc vui vẻ.