Những lời cám ơn: Anh bạn Xích lô (4)
văn nghệ, múa
Vào những ngày tháng đầu của năm bảy lăm, sau khi trải qua mùa thi
căng thẳng, chúng tôi không biết gợi ý từ Viện Đại Học đưa xuống hay
do đề nghị của phân khoa bộ môn đưa ra, yêu cầu lớp chúng tôi tham gia
đóng góp một tiết mục văn nghệ. Tôi, Văn Thanh, Quốc Hùng và một số
bạn nữa được chọn để tham gia cho một tiết mục này, đó là tiết mục múa
theo kiểu dân gian cổ điển.
Điệu múa diễn tả nỗi khổ của lính thú ngày xưa, đi trấn thủ miền biên
viễn xa xôi. Chúng tôi và nhiều bạn nam và nữ khác trong lớp khoảng
mười bốn mười lăm người, kéo đến một căn phòng đã được dọn dẹp trống
trải, nơi đó có một số sinh viên lớp trên đứng sẵn chờ bọn tôi đến. Họ
phân bọn tôi sắp thành hai hàng dọc và bắt đầu chỉ dẫn tập theo điệu
nhạc…
Trấn thủ lưu đồn (Ứ ừ ư ứ ừ ư…Ứ ừ ư ứ ừ ư)
Trấn thủ lưu đồn ngày thời canh điếm, sớm tối dồn việc quan
Anh chém cành tre… còn như ngả gỗ
Tình dẫu mà tình ơi…ơi ờ ơi …
Ngả gỗ trên ngàn (Ứ ừ ư ứ ừ ư …Ứ ừ ư ứ ừ ư)
Ngả gỗ trên ngàn than thân rằng khổ, biết phàn nàn cùng ai
Sau khi tập bước đi theo đúng vị trí ấn định là tập động tác tay, cả
nhóm tự cầm vật gì đó trên tay tạm thời tượng trưng cho cây đuốt và
múa hát theo lời ca. Người chỉ đạo múa là Thanh Nga, Yến, và vài nữ
sinh viên khác, tất cả ở lớp trên. Thanh Nga rất sốt sắng trong văn
nghệ, lo sắm sửa trang bị quần áo lính thú màu đỏ viền vàng, chân quấn
xà cạp, đội nón lá nhỏ ngày xưa cho chúng tôi. Tôi và Văn Thanh thường
đùa nhau trong lúc tập, nhất là ở đoạn ca:
Ðó vợ đây chồng (Ứ ừ ư ứ ừ ứ …Ứ ừ ư ứ ừ ứ)
Ðó vợ đây chồng
Ðó bế con gái để tôi tôi bồng con trai
Kìa con xinh… còn như vợ đẹp
Tình dẫu mà tình ơi ! Ơi ờ ơi !
Vợ đẹp nhất ở (ớ ơ…) trên (ờ) đời …
Thanh Nga lại phải quở trách, bọn tôi không lấy đó làm phiền mà ngược
lại, bởi vì Thanh Nga vui tính, rất xinh xắn và cởi mở, có lẽ đó nên
chưa bao giờ tôi coi cô là đàn chị cả, mà cứ như là bạn học cùng một
lớp, sau này tôi và cô ra trường về cùng nhiệm sở, cùng tổ công tác,
cùng thay nhau làm trưởng bộ môn và chúng tôi vẫn tiếp tục sinh hoạt
văn nghệ báo chí rất ăn ý với nhau. Sau nhiều tuần luyện tập nhuần
nhuyễn, đoàn sinh viên ĐHSP đến phòng thu hình đài truyền hình Sài Gòn
ở góc đường Hồng Thập Tự và Đinh Tiên Hoàng kế bên trường Văn Khoa để
thu hình và phát sóng.
Lần đầu tiên chúng tôi biết đến phim trường của đài truyền hình Việt
Nam (miền Nam) lúc ấy, một căn phòng cao, lớn rộng, một góc phòng chứa
những đạo cụ và những bức tranh cảnh đồng quê hay núi non làm phông
nền để quay phim diễn kịch, các ca sĩ hát thường đứng trước những
phông nền này, tôi nghĩ đến ban Tam ca Sao Băng, hay Duy khánh, hay
Hoàng Oanh chắc là đã từng đứng trước các phông hình này, một bức
tường kính chắn ngang, phía bên trong là dàn máy thu và những chuyên
viên kĩ thuật ngồi thu hình.
Trong khi nhóm múa lo kiểm tra y phục lính thú và chỉnh trang lại mọi
thứ, thì ở bên ngoài phòng thu, nhóm ca đang tập dợt bài hát trấn thủ
lưu đồn, họ ca để cho bọn tôi múa. Thấy ổn về phần mình, tôi và Văn
Thanh bước ra ngoài đứng xem. Có lẽ nhìn thấy các bọn sinh viên ca coi
bộ không đủ mạnh, một người đàn ông vóc tầm thước, tròn trịa mày râu
nhẵn nhụi, nét vui tính đi tới nói, tôi có thể giúp các bạn phụ ca
không, dĩ nhiên tốt quá còn gì, rồi anh ta cầm bản nhạc lên nhìn chằm
chằm bắt đầu xướng âm, là lá la… rồi anh hát bản nhạc, chỉ trong
giây lát anh có thể hát chung với nhóm ca sinh viên. Tôi nhìn anh thán
phục, tôi tò mò đi hỏi thăm để biết anh ta là ai, thì ra đó là ca sĩ
Bùi Thiện, người hát cặp với Sơn Ca, trong những bản nhạc đồng quê của
‘cà lăm’ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Bọn tôi diễn văn nghệ cùng thời điểm
bà Năm Sa Đéc diễn kịch đóng vai bà bán bánh ú, sau buổi diễn bà cho
rổ bánh ú cho sinh viên, dĩ nhiên phái nữ chiếm làm của riêng, họ bóc
ra ăn tại chỗ, còn bọn đàn ông con trai chúng tôi chỉ biết đứng
ngó…cho đỡ thèm.
Mấy hôm sau, vào buổi chiều bác hàng xóm cạnh nhà kêu bọn tôi qua xem
chương trình văn nghệ của sinh viên. Khi tôi qua tới thì đội múa lính
thú của bọn tôi đã diễn hết nửa bài, tuy nhiên tôi vẫn kịp nhận ra
mình đứng lom khom trong trang phục lính thú, cùng với các bạn đang
quơ quào theo nhịp nhạc trên màn hình trắng đen trông rất là ngộ
nghĩnh và buồn cười.
sau tháng tư bảy lăm
Sau ba mươi tháng tư. Các trường như Văn Khoa, Luật Khoa, số sinh viên
rơi rụng tan tác, tập hợp lại không còn nhiều. Các đại học tư như đại
học Vạn Hạnh, đại học Minh Đức, Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo bị giải
tán, đa số sinh viên hoặc nhập vào trường khác, hoặc xách gói về
quê… Các trường chuyên như Y, Dược, Nông Lâm, thì sinh viên cố gắng
bám trường, chỉ có ĐHSP là trường duy nhất còn đủ ban bệ, nếu ngày
trước chúng tôi là những sinh viên được ưu đãi, đi học có lương, được
ăn cơm giá rẻ trong căn tin trường, thì với chính quyền mới cũng vậy,
cũng duy trì được nề nếp cũ ở mức độ đáng kể nếu so sánh tình hình
chung với các trường Đại Học khác.
văn nghệ, kịch
Sau một thời gian bọn tôi cũng nhanh chóng quen dần những đổi thay
trong kiểu sinh hoạt mới như họp tổ, thảo luận, lấy ý kiến…ở trường
lớp. Cuối mùa hè năm ấy, nhà trường yêu cầu các phân khoa của tất cả
bộ môn tổ chức một buổi văn nghệ lớn, diễn ra ngoài trời trong sân
trường, đây là buổi diễn văn nghệ đầu tiên của sinh viên trường trong
chế độ mới.
Phân khoa chúng tôi vẫn lấy đội ngũ văn nghệ cũ mười mấy người làm
nòng cốt cho vở kịch mới, các bạn tôi nam nữ đều tham gia, tôi được
phân vai làm cảnh sát Sài Gòn cũ đi ngăn cản buổi đấu tranh của quần
chúng buôn gánh bán bưng ngoài đường phố. Chuyện phân vai này cũng
nhiêu khê với tôi, trong tập dợt kịch bản, bạn Quốc Hùng mặt ngầu vô
vai rất tốt, tôi mặt ngố vô vai ngầu gây buồn cười. Tôi bị đổi thành
vai quần chúng giống dẫn các mẹ, các chị đi đấu tranh trực diện với
cảnh sát, người thay chỗ tôi là Văn Luyện làm cảnh sát. Mấy hôm sau
các bạn thấy không ổn nữa, và hơi buồn cười là làm sao mà cảnh sát
Luyện, một người tầm thước, lại có thể đàn áp nổi người dân cao hơn
mình cả một cái đầu là thằng tôi, trông hình ảnh không hợp lý lắm.
Cuối cùng cách giải quyết tốt nhất là trở lại nguyên bản đầu tiên, với
chút thay đổi nhỏ, là tôi phải đóng …thật ngầu. Tôi tập dợt với
Luyện vể cách đánh đỡ, cách né tránh với cây dùi cui, sao cho ăn khớp
nhịp nhàng, để khán giả thấy cuộc va chạm xảy ra trên sân khấu thật dữ
dội.
Buổi văn nghệ diễn ra trên sân khấu gỗ, ngoài sân cỏ, trong khuôn viên
trường ĐHSP. Bọn tôi trong hậu trường, không biết bên ngoài chính
quyền, khoa trưởng, và đại diện sinh viên phát biểu những gì, và các
phân khoa khác biểu diễn tiết mục gì, bọn tôi chỉ chăm chú lo lắng cho
tiết mục của mình thôi. Đến hẹn lại lên.Tôi và Hùng tiến ra sân khấu
trong bộ dạng cảnh sát nghênh ngang đi qua lại, lát sau là một đám
đông quần chúng nam nữ, đầu đội nón, vai quấn khăn rằng, tay bưng
thúng mẹt tràn ra đi đấu tranh. Và chuyện gì đến, sẽ đến. Tôi đóng vai
tốt, vượt quá kịch bản, điệu bộ quá ư là hùng hổ, huơ tay múa tít cây
dùi cui và quơ chân đá loạn xạ, thay vì đá nhẹ cho cái thúng trái cây
đổ ra trên sàn diễn là đạt yêu cầu, cú đá của tôi không ngờ mạnh quá
bung chiếc thúng xuống sân khấu rơi thẳng vào hàng khán giả ngồi đầu,
tôi tận tình chiếu cố bạn Luyện, dằn co với bạn trên sân khấu.
Kết quả màn kịch tốt hơn mong đợi, bọn tôi rút lui vào hậu trường, vừa
vào bên trong các bạn gần như nhảy cỡn lên vui vẻ, riêng bạn Luyện từ
từ tiến đến tôi mặt giận hầm hầm, thiếu điều muốn đấm vào mặt tôi, bạn
nghiêm mặt nhìn tôi hỏi tại sao tôi lại nặng tay với bạn, rồi chỉ cho
tôi thấy vết sưng nơi mu bàn tay, vết u nơi đầu. Tôi coi lại thì rõ
ràng như vậy, tôi xin lỗi, và hỏi lại, tại sao bạn lại kéo tôi ngã
chúi quá mạnh, chiếc áo bị bứt nút, cầu vai bị bung làm sao tôi ăn nói
với Văn Thanh, bởi vì chiếc áo cảnh sát màu xám sậm này tôi mượn của
bạn ấy. Kết quả tốt, bọn tôi xí xoá, nhưng cho đến hai ngày sau cái
đầu hết u, cái tay hết sưng mới gọi là xí xoá hẳn. Thật là một đêm
trình diễn đáng nhớ của bọn tôi thời sinh viên.
Ngoài văn nghệ, Tôi và Văn Thanh cũng rất thích bộ môn bóng chuyền.
Sân bóng chuyền nằm ở sân phía sau kề bên lớp học, bọn tôi chơi rất
tích cực trong những giờ giải lao hoặc khi vắng tiết. Nhưng số sinh
viên nam đã ít, mà số người thích chơi thể thao lại càng ít hơn nữa,
để tìm có đủ túc số ra sân thì là chuyện khó khăn, phải động viên gần
như năn nỉ rất đáng chán. Thấy tôi say mê chơi bóng chuyền các bạn đề
xuất tôi làm đội trưởng bộ môn để điều động anh em, nhưng tôi biết khả
năng của mình, tôi từ chối. Văn Thanh chơi banh tốt, anh em nể trọng
và làm việc nghiêm túc hơn, Thanh đứng ra điều động, và Thanh làm tốt
công việc này, nhưng chỉ làm được một thời gian rất ngắn ngủi thì nhà
trường chuyển từ cơ sở từ đường Cộng Hoà này sang cơ sở ở đường Trương
Minh Giảng, tấm bảng hiệu Viện Đại Học Vạn Hạnh cũ được tháo gỡ ra
thay bằng tấm bảng mới: Trường ĐHSP.
Sau khi trường Đại Học Vạn Hạnh sát nhập trở thành cơ sở chính Trường
ĐHSP. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ trưởng phòng văn-mỹ-nghệ của Viện ĐHVH, tôi
không rõ có tiếp tục cộng tác với trường ĐHSP hay không, nhưng thường
gặp nhạc sĩ ra vào ở đây. Thời gian sau đó có tổ chức buổi văn nghệ
lớn nơi cơ sở mới, tôi định hợp tác với bạn Hồng Diệu, nam sinh viên
có giọng ngâm thơ trầm ấm, bạn sẽ ngâm bài thơ Quê Hương của Giang
Nam, và tôi sẽ đệm sáo, nhưng việc không thành. Dù mấy lần gặp nhạc sĩ
họ Phạm (và lần nào cũng thấy mặt mũi nhạc sĩ nhăn nhó hoặc đăm chiêu)
nhưng chỉ đến sau này tôi mới biết nhạc sĩ (mà những bản nhạc tôi ưa
thích như Bông hồng cài áo, bóng mát, Những ngày xưa thân ái…) là
người gốc Đập Đá, Bình Định. Người cùng quê, kề quận. Lúc đó các bạn
sinh viên hay kháo nhau chuyện giữa thầy nhạc sĩ và cô sinh viên hát
hay Diệu Lý, tôi có nghe Diệu lý hát và đồng ý là cô hát hay thật, sau
đó nghe nói cô trở thành vợ của nhạc sĩ.
{jcomments on}