Tác giả: Lê Công Dzũng
Tôi phải dành hai tuần lễ để nghe đi nghe lại những ca khúc của anh, đồng thời tôi cũng phải in những ca khúc đó ra để đối chiếu với lời ca sĩ hát. Bởi lẽ hình như là đa số những ca khúc của anh đều do những ca sĩ có giọng miền bắc với nhiều âm hưởng của “quan họ Bắc Ninh” và “dân ca Nghệ Tĩnh” nên đôi lúc tôi không nghe rõ lời của những bản nhạc. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là những ca khúc của anh đều chất chứa những tình tự quê hương, một tình yêu quê hương nhẹ nhàng nhưng rất sâu lắng. Từ bài “Giọng Huế” phổ thơ của Tô Kiều Ngân và bài “Cô Giáo Sông Hương” phổ thơ của Nguyễn Thái Dương nói về xứ Huế, đến hai bài “Bên Dòng Sông Quê” và bài “Sóng Sánh Quy Nhơn” phổ thơ của Nguyễn Thái Dương nói về Quy Nhơn và Bình Định là vùng quê anh đã sinh ra và lớn lên cũng như nơi anh đã theo học những tháng ngày ở Trung Học. Ngoài ra còn có hai bài “Gái Liêu Trai” thơ của Đoàn Đại Đinh và “Bay Về Phía Vô Cùng” thơ của Việt Trang. Cả sáu bản nhạc đều được anh phổ từ thơ.
Ở đây tôi không muốn đi sâu vào thơ của những tác giả mà anh đã phổ nhạc, bởi vì thơ phổ nhạc nên những lời nhạc này không phải của anh mà của các nhà thơ. Dầu vậy tôi cũng cũng xin nêu lên một vài dẫn chứng về những lời thơ đó, vì tôi nghĩ khi anh đã muốn phổ một bài thơ, thì ít nhất anh cũng đã thích bài thơ đó và có lẽ nó cũng đã nhập vào hồn anh để anh soạn tiết tấu và viết thành ca khúc. Có khi cũng đã ngâm nga, rên rĩ theo từng lời thơ để hoà nhập vào từng nốt nhạc.
Trước hết là bài “Giọng Huế” thơ của Tô Kiều Ngân đã làm cho những người gốc Huế mà nay đã đi xa hoặc những người yêu Huế, yêu con gái Huế vẫn cảm thấy Huế dầu ở rất xa, nhưng lại rất gần bởi lẽ :“ Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức, thả vào mắt em thêm một dáng u hoài, đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm, thêm mây vào e tan nát lòng ai…”Tại sao đôi mắt của những người con gái Huế lại buồn như rứa, mắt em đẹp vì buồn hay nỗi buồn xa quê làm cho đôi mắt em thêm đẹp? Thế nên anh đã phải: “ Cám ơn em đã cho anh nhìn lại, dòng sông Hương trên bến cảng Sài Gòn, nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh, mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non…” Té ra là rứa, mái chèo của cô gái trên dòng sông Hương năm xưa đã khua động lòng anh ở bến cảng Sài Gòn… Bản nhạc giọng Huế do ca sĩ Châu Hằng diễn tả bằng một giọng ca rất Huế đã mang lại cho những người dân Huế mà nay đã xa quê bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc và ngọt ngào bởi lẽ: “Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt, chết cũng đành không nuối tiếc chi mô”!
Còn bài thơ rất ngắn “ Bay Về Phía Vô Cùng” của Việt Trang được Yên Kha phổ thành nhạc và do Ca sĩ Thuý Hà trình bày đã làm cho người nghe như chơi vơi bồng bềnh khi: “Đi giữa trời thu, em khép đôi tà áo mộng, gió ngược chiều thổi lộng tóc em, bồng bềnh ngàn sợi mỏng, bay về phía vô cùng, mù sương ngàn năm không ngôn ngữ, chẻ ngang núi rừng huyền hoặc, lạnh tím hoàng hôn…” Chắc hẳn rằng trong chúng ta ai cũng đã hơn một lần cảm nhận được trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc đời ngôn ngữ đã bất lực, hay nói đúng hơn là không còn ngôn ngữ để diễn tả một trạng thái tâm hồn bồng bềnh, chập chùng, chơi vơi trong một buổi chiều lạnh tím hoàng hôn, mà lòng ta như bay đi, bay mãi, bay về phía vô cùng… Bản nhạc rất ngắn, bởi vì lời thơ rất ngắn, nhưng khi nghe Thúy Hà trình bày ta có cảm giác như tâm hồn chúng ta đang bay bổng, chơi vơi giữa một không gian lạnh tím của buổi hoàng hôn!
Bài “Gái Liêu Trai” thơ của Đoàn Đại Đinh do ca sĩ Thanh Hùng hát. Đây là một giọng nam cao, chất giọng tốt. Tôi cứ nghe đi nghe lại bài thơ, thú thật không lấy gì là hay lắm, để cố tìm một cảm giác, một chất thơ. Chỉ nhớ mang máng là hình như bài thơ có phảng phất một chút gì đó trong truyện “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh mà mình đã đọc ngày xưa, hay có lẽ trình độ thưởng ngoạn thơ của mình chưa đạt tới mức thượng thừa để cảm một bài thơ như thế! Đúng là “gái liêu trai”!
Tôi nghĩ chắc là Yên Kha Hồng Vân Thanh đã phải rất yêu thơ của Nguyễn Thái Dương vì anh đã phổ đến ba bài thơ của nhà thơ này: Cô Giáo Sông Hương, Bên Dòng Sông Quê và Sóng Sánh Quy Nhơn. Có lẽ tác giả đã hơn một lần “cảm” hoặc “yêu” một cô giáo người Huế vào đi dạy học ở Cần Giờ. Cái dễ thương, và cái hay của bài thơ là sự so sánh. So sánh cái giọng nói …“khi mô, và răng chừ, chi rứa…”của cô gái Huế nay sao lạc vào vùng Nam Bộ : “Rót giọng nói miền trung, vào giữa lòng nam bộ” rồi ngày ngày em đi dạy học trên chiếc thuyền nhỏ “…Em mỗi ngày xuôi ngược, trãi lòng ra đôi bờ, em mang Huế vào thơ, vào trong từng bài giãng…” Bài thơ năm chữ thật hay, thật nhẹ nhàng, Em đã xa quê, xa giòng sông Hương, xa cầu Trường Tiền, để bây giớ: “Giòng sông Hương lãng mạn, lượn giữa biễn Cần Giờ” và “Cầu Trường Tiền quê xưa, có thể vào quên lãng, nay bước trên cầu ao, gập ghềnh đôi mảnh ván…” Khi đọc những câu thơ này, ta bỗng liện tưởng đến cô giáo Huế, với chiếc áo dài màu trắng, một tay ôm cặp, còn tay kia thì vịn vào cái thành cầu bằng tre, trong lúc những mảnh ván dưới chân thì cứ gập ghềnh, đong đưa làm cho cô lo lắng! Một hình ảnh rất sống động, và dễ thương! Thôi thì ta cứ mong cho cô đừng rớt tỏm xuống dưới cái ao nuôi cá tra đó mà trể giờ dạy học! Ôi cô giáo sông Hương tội nghiệp, lạc lõng giữa chốn Cần Giờ! Bài ca đã được Châu Hằng trình bày ta cứ nghe sao mà… rất Huế!
Rồi đến bài “Bên Dòng Sông Quê”, bài thơ nói về một vùng quê ở Bình Định, nơi đó có dòng sông Thạch Yến. Ở đó có những con tàu vẫn ngày ngày đi về qua sân ga và: “có bàn tay xuôi, vẫy bàn tay ngược, hai bàn tay chưa quen biết bao giờ, hạnh phúc đôi khi chỉ là những hy vọng tình cờ không biết trước, mà kẻ ngồi trông chờ là gã mộng mơ.” Cuộc đời là như thế hạnh phúc đôi khi chỉ là những tình cờ, những mong chờ, những hy vọng mơ hồ về một tương lai mà chúng ta nào ai biết trước được! Chỉ có câu thơ đầu tiên của bài thơ khi tác giả dùng chữ “dòng sông bản xứ” làm cho tôi hơi ngờ ngợ, là lạ. Sao lại là “dòng sông bản xứ”? Tôi cứ thắc mắc hoài…!
Bản nhạc cuối cùng trong số sáu ca khúc mà tôi được nghe đó là bài “ ”. Bài thơ làm cho chúng ta hồi tưởng đến Quy Nhơn. Thành phố của “người về”. Người về đêm nay hay đêm mai, người sắp đi hay đã đi rồi… Quy Nhơn, là nơi yên nghỉ của một thi sĩ tài danh: Hàn Mạc Tử. Ta hãy nghe: “Đêm sóng soải vầng trăng Hàn thi sĩ, đêm đoạn khúc dốc Mộng Cầm mộng mị, đêm dịu dàng thành phố của thi ca…” mặc dầu trong bài thơ tác giả có dùng những từ “lạ”, “mới” và “khó hiểu”như trong hai câu sau: “Chiều quắc thước những mẻ tôm ngư lão” hoặc “ Chiều lắng sâu nhân cách của Quy Nhơn”! Như tôi đã nói ở trên tôi không muốn đi sâu vào lảnh vực bình thơ, vì thơ có ngôn ngữ riêng của nó, đôi lúc người thường như tôi và bạn có thể không hiểu nổi. Thôi thì ta cứ để những lời thơ đó nằm yên nghĩ! Bản nhạc “Sóng Sánh Quy Nhơn” do ca sĩ Bích Mẫn trình bày nếu chúng ta có thể giảm bớt cái chất giọng “Nghệ Tĩnh” và “Quan Họ Bắc Ninh” thì có lẽ bản nhạc sẽ được thành công nhiều hơn! Vì đây là bài ca viết về Quy Nhơn, cho người Quy Nhơn chứ đâu phải là một bài ca mang âm hưởng quan họ! Dầu sao bài ca cũng đã làm cho chúng ta hồi tưởng lại một đoạn đời, một quá khứ ấm nồng và dễ thương của một thời Cường Để, một thời Nữ Trung Học. Và trên tất cả là cho những ai đã từng sống, từng có những kỷ niệm cho dầu ngọt bùi hay cay đắng ở Quy Nhơn, để có một nơi mà nhớ về…
Yên Kha Hồng Vân Thanh đã cho chúng ta nhớ lại những vùng quê hương từ Huế đến Quy Nhơn và vào đến tận vùng nam bộ khi nghe những ca khúc của anh. Và một ước mong của người viết là nếu anh Yên Kha có thể thay đổi tiết tấu, làm cho bản nhạc phong phú và đa dạng hơn thì những sáng tác trong tương lai sẽ khởi sắc hơn nhiều. Quê hương ta, dầu ở miền nào của đất nước, bao giờ cũng đáng yêu, cũng đẹp và tâm hồn của chúng ta vẫn mãi hướng về khi nghe được những ca khúc đầy tình tự quê hương của anh.
Lê Công Dzũng
Pennsylvania November 22, 2010