Cảm nhận ” Chỉ Là Mơ”

Tác giả: Kim Đức

Cảm nhận khi đọc bài thơ “CHỈ LÀ MƠ” trong tập thơ “NƯỚC MÁT” ” của tác giả Bạch Xuân Lộc được xuất bản năm 2012.

CHỈ LÀ MƠ

Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê,
Đêm vẫn là đêm gió vẫn về,
Anh vẫn là anh trong hoang vắng,
Ngùi ngùi, thương tiếc anh trăng xưa.

Ẩn hiện em về trong giấc mơ,
Cái đêm chợt rét giữa đông hè,
Cơn mưa như trút như thác đổ,
Mình tựa vào nhau trong mái che.

Rồi dắt dìu đi trong gió mưa,
Tìm chân trời mới thắm duyên thề,
Tìm vùng đất mát cho đời mộng,
Ai biết cho nhau những ê chề.

Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê,
Đêm vẫn là đêm gió vẫn về,
Anh vẫn là anh trong hoang vắng,
Nhìn qua khung cửa ánh trăng khuya.

Có thể nhân vật “em” trong bài thơ này là bóng hồng của một cuộc tình tuyệt đẹp trong cuộc đời tác giả mà nó vẫn thường ẩn ẩn hiện hiện trong giấc mơ của anh…

“Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê,

Đêm vẫn là đêm gió vẫn về,

Anh vẫn là anh trong hoang vắng,

Ngùi ngùi, thương tiếc anh trăng xưa”

Bạch Xuân Lộc

Tôi đã gặp anh nhiều lần, được anh tặng cho tập thơ “Nước Mát” xuất bản lần thứ nhứt năm 2012, nhưng để trò chuyện với anh về thơ văn thì hình như chưa. Vì vậy tôi xin phép anh BXL cho tôi được xích lại gần thơ anh một chút và ghi lại mấy dòng cảm nhận khi đọc “Chỉ là mơ” theo cái cách tôi thưởng thức thơ của anh.

Riêng tôi, bài thơ này có thể vẫn là nỗi nhớ một cuộc tình không trọn vẹn mà anh đã chung thủy suốt đời này. Và trong niềm khổ đau, anh còn nhận ra cuộc đời này cũng chỉ là cõi mộng bởi mở đầu và kết thúc bài thơ, anh đã thốt lên hai tiếng “Giật mình...”

Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê

Tác giả đã mơ… mơ em về trong giấc ngủ đầy mộng mị, mơ mái “tóc buông vai” làm nhớ “buổi hẹn hò”, mơ “mình tựa vào nhau” giữa “ Cái đêm chợt rét giữa đông hè”. Mơ cả lúc hai người đi tìm “vùng đất mát” nhưng kết cuộc họ cho nhau những ê chề :

“Ẩn hiện em về trong giấc mơ,

Cái đêm chợt rét giữa đông hè,

Cơn mưa như trút như thác đổ,

Mình tựa vào nhau trong mái che.

Rồi dắt dìu đi trong gió mưa,

Tìm chân trời mới thắm duyên thề,

Tìm vùng đất mát cho đời mộng,

Ai biết cho nhau những ê chề”

Giựt mình tỉnh cơn mơ nhưng đêm vẫn là đêm, như thực… gió vẫn về trong đêm…và tác giả đâu hay là anh đang mơ hay thực? thực hay mơ? nhưng rốt cuộc anh vẫn là anh trong nỗi cô đơn, hoang vắng…Và tôi biết anh chợt nhận ra cuộc đời này cũng chỉ là giấc mộng dài, bởi cái giật mình ở khúc thơ cuối khác với cái giật mình ở khúc thơ đầu:

“Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê,

Đêm vẫn là đêm gió vẫn về,

Anh vẫn là anh trong hoang vắng,

Nhìn qua khung cửa ánh trăng khuya”

Và tôi lại thích cái cách khi anh “tỉnh cơn mê”, BXL khi qua cơn mê đã nhận ra ánh trăng khuya: “Nhìn qua khung cửa ánh trăng khuya”. Đó! là tôi thích cái giấc mơ của anh vậy đó, nữa mơ nữa tỉnh, hư hư thực thực…và chính cái “thấy ánh trăng khuya” ở cuối bài thơ này đã làm thăng hoa cảm xúc người thưởng thức thơ! Và đó cũng là nghệ thuật và chất thơ của BXL trong tập thơ “Nước Mát

Vầng trăng là biểu hiện cho vẻ đẹp, một vẻ đẹp thanh thoát, an lành và tĩnh lặng, vầng trăng còn là vẻ đẹp trong tình yêu. Trong Phật giáo, ý nghĩa của ánh trăng cũng là ý nghiã của thiền định.

Bốn câu đầu tác giả giựt mình tỉnh giấc và “ngùi ngùi thương tiếc ánh trăng xưa” như thương tiếc cho một cuộc tình đã mất. Nhưng đến 4 câu cuối của bài thơ, tác giả cũng giựt mình tỉnh cơn mê, nhưng khác ở đây, tác giả đã “nhìn thấy ánh trăng qua khung cửa”, đẹp lắm anh Lộc! tôi cho đây là một sự chuyển biến nhẹ trong cuộc đời tác giả khi anh đã trải qua hơn sau mươi năm ở cõi hồng trần, trải qua nhiều cuộc tình không, thì tôi không biết, nhưng tác giả đã chiêm nghiệm nhiều thứ, trải nghiệm nhiều lĩnh vực, va chạm cuộc sống cũng rất nhiều…nên “vầng trăng” qua ánh nhìn ở

buổi hoàng hôn cuộc đời anh là vầng trăng từ bên trong con người anh nên nó đẹp lắm, và rất đẹp như bản thể tự nhiên của mỗi con người vậy:

“Giật mình thức giấc tỉnh cơn mê,

Đêm vẫn là đêm gió vẫn về,

Anh vẫn là anh trong hoang vắng,

Nhìn qua khung cửa ánh trăng khuya.

Vậy đó, giựt mình tỉnh mộng thì đêm vẫn là đêm, gió vẫn về trong đêm… như ngày xưa anh có em, nhưng rốt cuộc tỉnh mộng rồi, anh vẫn là anh với nỗi cô đơn, hoang vắng…nhưng lúc này tác giả đã nhìn thấy được ánh trăng khuya qua khung cửa. Cái giật mình ở khúc thơ cuối là cái giựt mình như ngộ ra điều gì, nên đọc đến khúc thơ cuối, tôi nhận ra ở tác giả là một sự tự tại, bình yên, vì ánh trăng khuya sáng lắm, thứ ánh sáng diệu kỳ và rạng ngời trong bình yên và tĩnh lặng, tôi chúc mừng cho tác giả đã thấy “ánh trăng khuya” mà ở đó tâm hồn tôi và ánh trăng trong bài thơ “CHỈ LÀ MƠ” thật sự đã hòa quyện với nhau rồi.

Tháng tám năm 2021

Kim Đức

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.