Tác giả: Ngu Yên
Nỗi Lòng Thanh Thúy
Vào khoảng gần cuối thập niên 1960, tôi vô tình đọc nhật báo, thấy một bài viết mang tựa đề: “Nỗi Lòng Thanh Thúy”, thật hấp dẫn. Vội vàng ngồi xuống bên ly cà phê chiều, nhâm nhi chữ và đắng.
Mới đầu tôi cứ tưởng đây là tâm sự buồn vui của cô ca sĩ đang nổi tiếng, một cách đặc biệt. Thời đó, các ca sĩ miền bắc vào nam chiếm ngự từ đài phát thanh đến các phòng trà với tiếng hát thanh trong, phát âm chuẩn, và có trình độ âm nhạc. Cho đến khi tiếng hát ấm áp của quái kiệt Trần Văn Trạch nổi lên, giọng miền nam mới chen chân vào sân khấu. Thanh Thúy là ca sĩ được khán thính giả khắp miền yêu chuộng mà khi hát không phát âm theo giọng bắc. Tiếng hát trầm, gợi cảm, nổi bật giữa những danh ca đương thời, phù hợp với những bản nhạc tình bolero, nhất là nhạc của Trúc Phương.
Thì ra “Nỗi Lòng Thanh Thúy” không phải của Thanh Thúy, mà của những người thích hát, nhất là các cô gái miền Tây, ước mơ sẽ có một ngày được cất tiếng hát trên làn sóng phát thanh và trong những vũ trường lộng lẫy.
Từ khi nhà văn Nguyễn Thanh Việt đoạt giải văn chương Pulitzer năm 2016, giải MacArthur Genius năm 2017, Guggenhem Fellowship năm 2017; từ khi nhà thơ Ocean Vương nhận The Pushcart Prize năm 2014, T.S.Eliot Prize năm 2017, MacArthur Fellowship năm 2019, tôi nhận thức được “Nỗi Lòng Nguyễn Thanh Việt”, “Nỗi Lòng Ocean Vương” nhen nhúm, bốc khói, bén lửa.
Một số lớn những nhà thơ, nhà văn, trong cũng như ngoài nước, nghĩ rằng, nếu tác phẩm của mình được dịch sang Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ, tiếng Tây Ban Nha … Có lẽ, cuộc đời văn chương của mình có cơ hội thăng tiến. Điều này không có gì bảo đảm nhưng ước mơ luôn luôn là hy vọng đẹp. Miễn đừng trở thành tham vọng, thì vẻ đẹp sẽ không hư hao.
Theo chân Thanh Thúy, rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát giọng miền nam như Chế Linh, Hương Lan, Trường Vũ, Phi Nhung … Không phải ước mơ nào cũng cao. Không hát phòng trà, thì hát quán cà phê. Không hát quán cà phê, thì hát cho nhau nghe. Không ai nghe, thì hát một mình, vẫn sướng.
Đó là lý do tôi nghĩ đến, thực tập, và lập thuyết về hệ thống SLTA: Second Language Translation Aids.
Hầu hết các nhà văn, nhà thơ sáng tác bằng tiếng Việt, không có khả năng sinh ngữ cao, không dư thừa tài chánh, không quen biết các bậc cao nhân, lại ngại ngùng, thẹn thùng nếu phải nhờ vả những người giỏi sinh ngữ dịch giùm tác phẩm của mình. Đôi khi, có được người dịch, khi đọc bản dịch, tra từ điển, cảm thấy không an tâm, nhưng biết làm sao? Một bài thơ Việt dịch sang tiếng ngoại quốc, số mệnh gần giống một người Việt lưu vong.
Tác giả là người thấu hiểu tác phẩm của mình nhất, dù không hiểu toàn vẹn. Người viết là người tự dịch hoàn hảo nhất nếu họ có khả năng sinh ngữ giỏi. Tự dịch tác phẩm của mình là cách hay nhất để tự ý lưu vong, thay vì bị xuôi theo dòng thác lũ.
Trong tinh thần đó, SLTA ra đời, thô sơ và đơn giản. Lấy thực tập bổ túc và tái tạo lý thuyết. Như một đứa trẻ cần thời gian để trưởng thành, SLTA cần sự tiến bộ của lập trình điện tử, khoa học kỹ thuật để bồi dưỡng và mở rộng.
Quái kiệt Trần Văn Trạch là người đầu tiên tổ chức đại nhạc hội ở Việt Nam. Theo chân ông, tôi tổ chức đại nhạc hội: “Tình Anh Lính Chiến” ở Houston, Texas. Mời ca sĩ Thanh Thúy và một số các nghệ sĩ khác …Ngồi trên dàn điều khiển, Trong một khung cảnh tối đen, đèn mờ, sân khấu lảng đảng sương mù, nghe Thanh Thúy hát lại những bản nhạc lính ngày xưa. Bạn đọc, bạn tưởng tượng ra sao? Thú thật, nghe Thanh Thúy hát, tôi cũng dấy lên “Nỗi Lòng Thanh Thúy.”
Chào bạn,
Nếu bạn đọc là người như tôi, muốn dịch tác phẩm của mình sang ngoại ngữ nhưng không đủ sở học, lại thẹn thùng khi phải nhờ vả những cao nhân dịch giùm, lại không đủ tài lực để mời dịch giả, đành phải mày mò tự dịch. Cuốn sách này xin dành cho chúng ta. Xin thực hành như những trải nghiệm.
Download miễn phí tại:
https://www.academia.edu/45629061/SLTA_Second_Language_Translation_Aids