Bài Thơ Tháng 12

Tác giả: Trần Mộng Tú- Phạm Xuân Đài

* Thơ Trần Mộng Tú
* Lời bình: Phạm Xuân Đài
* Tranh thơ: Nhan Như Ngọc ( Ngọc Dung)Cuối tháng Mười Hai năm nay một người bạn gửi cho tôi một bài thơ có tên gọi “Bài Thơ Tháng 12” của Trần Mộng Tú, được sáng tác vào tháng 12 năm 1996. Người bạn đã trình bày bài thơ một cách mỹ thuật để làm quà sinh nhật cho tác giả, và chia sẻ cho một số các bạn bè khác để cùng thưởng thức.

Bài thơ bắt đầu với hai câu trong dạng một câu hỏi như một tra vấn đầy tính chất triết học
Tôi ở đâu mà tôi tới đây
Ngày xưa ai đứng ở nơi này

Hai câu hỏi vừa rất quen mà cũng rất lạ, quen vì dạng câu hỏi này thì nhân loại đã tự đặt cho mình không biết từ thuở nào, xưa lắm rồi; nhưng vẫn lạ vì cái thắc mắc trước tôi ai đã từng đứng chỗ này, kéo một không gian rất xa xưa vào với hiện tại. Có lẽ không ai, kể cả tác giả, có thể trả lời hai câu hỏi này, vì nó lớn quá, tuy là hỏi cho chính mình nhưng cũng là cho con người hết đến rồi đi bất tận trên mặt đất này. Người đọc có thể sững sờ trước hai câu thơ đơn sơ nhưng bao trùm một thắc mắc lớn về nguồn gốc và lịch sử của con người. Thắc mắc ấy không mới nhưng lại không bao giờ cũ. Mỗi người, mỗi kiếp người, mỗi sự sống đều có lúc ngạc nhiên về sự hiện hữu của chính mình. Thắc mắc ấy như một điệp khúc được lặp lại hoài như một nhu cầu hiểu biết không bao giờ được giải đáp trọn vẹn.
Giọt mưa trời khóc ngàn năm trước
Sao còn ướt trên lưng bàn tay
Những điều kiện sống của con người muôn thuở vẫn vậy, vẫn ngày và đêm, nắng và mưa, vẫn xuân hạ thu đông xoay vần bốn mùa. Đó là nơi quen thuộc mà tổ tiên ngàn đời cho đến con người của ngày hôm nay vẫn dựa vào mà sống. Nhưng nhận thức ra những “giọt mưa trời khóc” chính là những giọt nước mắt thì rất lạ, như một khám phá. Giờ đây khi đưa bàn tay quệt mắt mình thì lưng bàn tay vẫn ướt ! Thì ra, ngàn năm trước đến ngàn năm sau, nước mắt vẫn rơi. Nỗi khổ tồn tại từ một thời xa xưa tít mù trong quá khứ vẫn như một mối nợ dai dẳng của con người chăng ?
Xem tiếp khổ thơ thứ hai :
Tôi ra đời đã được bao lâu
Sao trái tim tôi nếp gấp nhầu
Mặt đất tôi đi bao ngàn dặm
Sao vẫn chông chênh những bước đầu

Tác giả bắt đầu nhìn ra những thuộc tính của cuộc sống, “nếp gấp nhầu” của trái tim là gì, bước đi “chông chênh” là gì nếu không phải là những khổ đau, những khó nhọc của cuộc đời ? Từ lúc tôi sinh ra, đáng lẽ tôi được hưởng nhiều hạnh phúc, nhưng ngược lại, trái tim tôi đã bao lần tan nát; bàn chân tôi bước đi trên mặt đất tưởng đã quen thuộc và dễ dàng êm ái lắm rồi, nào ngờ vẫn cứ vướng phải đầy chướng ngại khó khăn như lúc mới tập đi ! Nghe phảng phất như một chân lý đơn giản đã được nhìn ra tự ngàn xưa : đời là khổ.
Qua những ngạc nhiên rất chính xác về bản chất của cuộc hiện sinh, Trần Mộng Tú tiếp tục nêu lên các câu hỏi rất tò mò : vậy chớ thân xác của mình được hình thành là do những nguyên tố nào ? Đây là các tò mò rất trẻ thơ, như một em bé luôn miệng hỏi cái này là gì, cái nọ làm bằng gì, tại sao thế này, tại sao thế kia… ; nhưng đồng thời đó cũng là những ưu tư rất trầm trọng
Tôi kết tinh từ mảnh vân hà
Từ báo cọp xưa hay đóa hoa
Bụi phấn tôi mang trên thân thể
Từ tảng đá nào đã vỡ ra
Giả dụ cứ coi đây là những câu hỏi chỉ do tò mò, thì cùng lúc cũng nên coi là những giả thuyết đầy tính chất siêu hình. Nó liên quan đến sự cấu tạo vật chất, mà cũng rất có thể dính líu đến quan niệm luân hồi, duyên nghiệp. Tôi đây, cả thể xác và tinh thần, phải chăng được hiện hữu là do những cái duyên rất bí ẩn nhưng cũng rất giản dị, để từ trạng thái này chuyển sang trạng thái kia để tiếp tục từ kiếp này qua kiếp nọ. Từ một mảnh vân hà lang thang trong vũ trụ, đến báo, cọp là thú dữ, đóa hoa là vẻ đẹp mong manh, và cả đất đá đã trải qua bao nhiêu biến động của địa cầu, cái nào đã hóa thân để làm thành tôi ? Những câu thơ đọc lên có thể cảm nhận như là những giả thuyết khoa học, hoặc, cũng có thể như một cái gì mịt mù huyền bí, nhưng thật là hào sảng và đầy kiêu hãnh. Bao nhiêu yếu tố trong tự nhiên, với trực giác sáng tạo nơi tác giả, có thể đã kết tinh để tạo nên tôi do những cái duyên đã tiềm ẩn từ tiền kiếp.
Sau khi đặt ra một mớ giả thuyết giống như khoa học để mô tả thân phận của chính mình –và qua đó, có thể là của con người nói chung- tác giả đi vào khổ thơ cuối như một kết luận rất quan trọng
Tôi yêu người yêu thật là xa
Tình trong tiền kiếp tình không già
Giòng sông trăng chảy vào trái đất
Chảy lâu rồi hay mới đêm qua
Chúng ta thở phào, với khổ thơ này đã gặp lại Con Người qua Tình Người. Mười hai câu thơ mang bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu giả thuyết về sự hiện hữu của tôi, cuối cùng tôi đã tìm thấy kết luận trong bốn câu thơ cuối : một chữ Tình. Tính chất quan trọng nhất, cao cả nhất của con người đã được tác giả nhìn ra Tôi yêu người, yêu thật là xa, Tình trong tiền kiếp tình không già, đó là điều không thể thiếu của Con Người viết hoa, là cái khiến con người là con người. Tình Yêu Thương, đủ loại từ cái tình gần bản năng nhất đến tình thăng hoa trừu tượng một cách rộng rãi nhất, đã dần dần được con người ý thức đến. Yêu thương là một khả năng vừa tự nhiên sinh ra đã có như cha mẹ thương con, vừa có loại tiềm ẩn phải chuyên tâm luyện tập thì nó mới nở hoa và kết trái. Làm người là một hành trình không đơn giản để hoàn thiện Tình Thương nơi chính mình.
Tác giả đã nhìn ra, sau khi nêu lên biết bao thắc mắc về thân phận mình, cái cứu cánh sau cùng giải thích sự có mặt của con người trên trái đất, đó chính là Tình Thương Yêu. Từ cõi vô minh của mảnh vân hà, của hổ báo, ngay cả của một đóa hoa, thậm chí cả đất đá, là những vật liệu có thể đã xây dựng nên tôi, bỗng bừng sáng lên sự mặc khải của Tình Thương Yêu, giúp tôi hiểu khả năng ẩn tàng ấy vốn đã có trong con người tôi và tất cả các con người khác. Sống với Tình Thương Yêu chính là quá trình thành người nơi mỗi người.
Khi đưa ra câu hỏi cuối cùng Giòng sông trăng chảy vào trái đất Chảy lâu rồi hay mới đêm qua thì cái dòng sông trăng ấy có thể hiểu chính là Tình Người mà thi nhân đã nhìn thấy trong cảm nhận của mình. Về câu hỏi nó chảy lâu rồi hay mới đêm qua thì quả thật là một phát kiến rất to lớn, vì nó hàm ý tùy khả năng nhận thức và giác ngộ của từng con người, có thể mới tối qua tôi mới phát giác ra cái chân lý về Tình Người, nhưng chân lý ấy vẫn ẩn tàng trong con người từ ngàn xưa.
Trần Mộng Tú với riêng bài thơ này đã khái quát thân phận khổ đau và nỗi hãnh diện được làm người, nhân kỷ niệm sinh nhật của mình từ một ngày đã xa, cách đây 23 năm. Ngày ấy tác giả mới ngoài năm mươi. Nếu tuổi bốn mươi “Tứ thập nhi bất hoặc” là tuổi đã hết nghi ngờ nhờ sự sống đã đủ chín để nhìn ra bản chất của mọi sự, thì tuổi năm mươi đã là “ngũ thập tri thiên mệnh” đã biết thế nào là mệnh trời, củng cố sự tin tưởng của mình càng vững chắc. Mười sáu câu thơ của bài này là một tổng kết tuyệt diệu mà trong giây phút tự vấn xuất thần trong ngày sinh của mình, tác giả đã hốt ngộ tính chất của cả một cuộc nhân sinh. Tác giả đã không viết thành một khảo luận về kiếp người, với suy tư bằng khoa học hoặc triết học. Trần Mộng Tú đã làm thơ, tức là dùng ngôn ngữ của nghệ thuật. Nhờ nghệ thuật, nhiều hình ảnh, nhiều sự thật ẩn mật của sự sống đã được hiển lộ, và qua thưởng ngoạn thi ca, đã đi thẳng vào nhận thức của người đọc không chút khó khăn. Chỉ thi ca làm được việc đó, nhưng không phải thi sĩ nào cũng làm được việc đó.

Nam California ngày 21 tháng 12, 2019 Phạm Xuân Đài

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.